Thiết bị giám sát hành trình “hành” ngư dân – Rào cản gỡ “thẻ vàng”
Kỳ 1: Thiết bị giám sát hành trình của VNPT trục trặc như cơm bữa
Trong khi 700 tàu cá ở Bình Định thiệt hại do thiết bị trục trặc thì ngư dân Quảng Ngãi còn bị bỏ rơi sau khi lắp thiết bị giám sát hành trình của VNPT.

Mỗi thiết bị giám sát hành trình tàu cá có giá lắp đặt lến tới 23 – 25 triệu đồng, nhưng nhà mạng lại thiếu trách nhiệm trong sửa chữa, bảo hành gây khó khăn cho ngư dân. Ảnh: Trung Chánh.
Thiết bị giám sát hành trình tàu cá là giải pháp tối quan trọng để chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, khắc phục thẻ vàng IUU.
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, các địa phương, ngư dân đã tích cực hoàn thiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để quản lý quy củ, chặt chẽ, chống đánh bắt bất hợp pháp.
Nhưng, qua điều tra của Báo Nông nghiệp Việt Nam tại một số địa phương ven biển cho thấy, ngư dân, chủ tàu cá, cơ quan quản lý tại địa phương đang phải chịu đựng những bất cập mà thiết bị giám sát hành trình gây ra, điều đó vô hình chung ngăn cản tiến trình và quyết tâm khắc phục thẻ vàng IUU của Việt Nam.
Tiền hỗ trợ bị treo vì thiết bị của VNPT tậm tịt
Hiện hầu hết tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân các tỉnh vùng Nam Trung bộ đều đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình do nhiều đơn vị cung ứng khác nhâu, thế nhưng không hiểu vì sao chỉ có thiết bị của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) là hay bị trục trặc.
Bình Định là địa phương đi đầu trong lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá có chiều dài trên 15m, với gần 3.200 phương tiện. Hiện có 2 đơn vị cung cấp, lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình tàu cá là VNPT Bình Định và Đài Thông tin duyên hải Quy Nhơn, với trên 3.100 máy.
Từ cuối tháng 4/2020 đến cuối tháng 12/2020, hơn 1.000 hồ sơ của 734 tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Bình Định bị chậm nhận tiền hỗ trợ nhiên liệu do thiết bị giám sát hành trình bị trục trặc, gián đoạn việc đưa tin báo vào bờ, khiến các tàu cá nói trên không đủ điều kiện để ngành chức năng giải ngân tiền hỗ trợ nhiên liệu.

Hầu hết các tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ đều đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: V.Đ.T.
Chi cục Thủy sản Bình Định phải làm văn bản báo cáo lên Tổng cục Thủy sản về trường hợp của 1.067 hồ sơ nói trên. Sau đó, Tổng cục Thủy sản có văn bản phúc đáp, cho rằng việc 1.067 hồ sơ của 734 tàu cá Bình Định chưa đủ điều kiện nhận hỗ trợ nhiên liệu là do tàu cá không đảm bảo tin nhắn báo cáo vị trí đánh bắt về hệ thống giám sát hành trình.
“Tàu cá của ngư dân Bình Định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình của VNPT bị mất tín hiệu vệ tinh kéo dài khoảng 2 – 3 ngày. Về sự cố này, Chi cục Thủy sản Bình Định đã có văn bản báo cáo về Tổng cục Thủy sản. Sau đó, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời đến các nhà cung cấp thiết bị, nhà mạng để xác minh, hỗ trợ địa phương tháo gỡ vướng mắc cho ngư dân”, ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng, phụ trách Chi cục Thủy sản Bình Định cho hay.
Ngư dân Nguyễn Quốc Tuấn, chủ 2 tàu cá BĐ 91126-TS, BĐ 91357-TS ở phường Trần Phú (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) nhớ lại, từ tháng 4/2020, sau khi tàu cá của anh lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thì liên tục bị gián đoạn, khiến anh không đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ dầu.
“Năm ấy, 2 tàu cá của tôi đi gần 10 chuyến biển, trong đó có 6 chuyến làm hồ sơ xin hỗ trợ dầu, 100 triệu đồng/chuyến, nhưng thời gian dài sau đó mà ngành chức năng không giải quyết được do lỗi mất tín hiệu”, ngư dân Nguyễn Quốc Tuấn đau đớn nói.

Theo quy định, trong vòng 6 giờ đồng hồ, nếu thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá bị hỏng, không chuyển dữ liệu được vào hệ thống thì thuyền trưởng phải tìm mọi cách liên lạc về gia đình hoặc các cơ quan chức năng thông báo tọa độ, vị trí nơi tàu đang đánh bắt. Ảnh: V.Đ.T.
Lắp định vị xong là ngư dân bị bỏ rơi
Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ngãi đã có 2.837/3.261 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, có 7 đơn vị cung ứng với 8 hãng thiết bị giám sát hành trình được ngư dân lựa chọn để lắp đặt. Thực tế, những năm qua cho thấy, trong quá trình ngư dân hoạt động trên biển, các thiết bị này thường xảy ra một số lỗi như lỏng sim, mất kết nối, pin nóng… Nguyên nhân của các lỗi này theo các biên bản được lập là do bị vào nước, cháy nguồn hoặc nguồn điện chập chờn vào máy không ổn định.
Theo ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, trong các hãng thiết bị giám sát hành trình được lắp đặt tại Quảng Ngãi, thiết bị hãng Vishipel của Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng ít gặp lỗi nhất, trong khi thiết bị của VNPT trước đây thường xảy ra hiện tượng lỏng sim, dẫn đến mất kết nối.
“Do thiết bị niêm phong, chủ tàu không thể can thiệp được nên phải đợi đến lúc vào đất liền mới tiến hành trình báo và xử lý. Mới đây nhất, tàu cá QNg 98228TS ở Phổ Quang (thị xã Đức Phổ) sử dụng thiết bị của VNPT cũng bị mất kết nối, nhưng ngay cán bộ phụ trách ở địa phương cũng không biết lỗi đó là gì. Qua xác định ban đầu thì đây là lỗi kỹ thuật, chủ tàu không cố ý”, ông Toàn nói.
Thực tế thời gian qua cho thấy, sau khi tàu cá gặp sự cố, có đơn vị thì thường xuyên hỗ trợ ngư dân về kỹ thuật, sửa chữa khắc phục, nhưng ngư dân cũng rất mệt mỏi vì phải chờ đợi, chi phí… Nhưng còn tệ hơn là nhiều đơn vị chưa quan tâm đến khâu chăm sóc hậu lắp đặt, lắp xong là gần như hết trách nhiệm. Nếu thiết bị hư hỏng, việc gọi cho các đơn vị này đi sửa chữa rất khó, mất thời gian của ngư dân, vỡ kế hoạch đánh bắt hải sản, mất thêm chi phí.

Sự cố mất tín hiệu kết nối của thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá đánh bắt xa bờ làm ảnh hưởng đến nỗ lực khắc phục thẻ vàng IUU của ngành thủy sản. Ảnh: V.Đ.T.
“Ví như thiết bị giám sát hành trình của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đây là đơn vị sản xuất, nhưng lại giao cho một Công ty khác lắp đặt. Sau khi lắp đặt xong, công ty này lại chuyển giao cho 1 đơn vị khác thu phí, chứ không chăm sóc kỹ thuật, khi thiết bị gặp sự cố ngư dân không biết gọi cho ai”, Đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho hay.
Chưa có quy chuẩn đánh giá, vi phạm chồng vi phạm
Ngoài những thực trạng về thiết bị giám sát hành trình nói trên, ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi cũng cho rằng, về chất lượng của các thiết bị, hiện chưa có quy chuẩn để ngành thủy sản các địa phương đánh giá. Chi cục Thủy sản chỉ căn cứ vào thông báo của Tổng cục Thủy sản để phổ biến đến người dân các hãng thiết bị nào đủ điều kiện lắp đặt.
“Mặt khác, khi các chủ tàu ký kết với các đơn vị cung cấp và tiến hành lắp đặt, đơn vị lắp đặt sẽ báo lên với cơ quan quản lý ngành thủy sản địa phương để cập nhật lên hệ thống, báo ra Tổng cục Thủy sản. Tuy nhiên, do số lượng tàu cá trong tỉnh lớn, trong khi lực lượng trong ngành thủy sản địa phương rất mỏng nên không thể kiểm tra việc thực hiện niêm phong, kẹp chì của từng tàu mà chỉ kiểm tra theo xác suất. Còn về chất lượng, đơn vị lắp đặt phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người dân”, ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi nói.
Theo TS. Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, trong thời gian qua, tình trạng máy giám sát hành trình trên những tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân tỉnh này vẫn còn xảy ra trục trặc, ảnh hưởng đến công tác quản lý lực lượng tàu cá đánh bắt xa bờ theo quy định của ngành chức năng.
Khi xảy ra sự cố tàu cá bị ngắt tín hiệu kết nối, ngành chức năng Bình Định lập tức thông báo qua hệ thống quan sát để tàu cá ấy kịp thời giải trình. Đối với những trường hợp không hợp tác, khi tàu cá ấy cập bờ ngành chức năng sẽ lập biên bản để xử lý. Đáng quan ngại là nếu những trường hợp vi phạm bị xử lý hành chính càng nhiều thì nỗ lực khắc phục thẻ vàng IUU của địa phương sẽ bị đánh giá thấp.

Một số thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị trục trặc kỹ thuật. Ảnh: L.K.
“Theo quy định, trong vòng 6 giờ đồng hồ, nếu thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá bị hỏng, không chuyển dữ liệu được vào hệ thống thì thuyền trưởng phải tìm mọi cách liên lạc về gia đình hoặc các cơ quan chức năng thông báo tọa độ, vị trí nơi tàu đang đánh bắt. Trong vòng 10 ngày nếu vẫn không khắc phục được thiết bị thuyền trưởng phải cho tàu chạy vào bờ, nếu không tàu cá này sẽ bị ngành chức năng xử phạt theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ”, TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, cho hay.
“Nếu tàu cá bị mất kết nối tín hiệu mà chủ tàu không kịp thời báo cáo về việc hư hỏng của máy giám sát hành trình sẽ được cho là chủ động tắt thiết bị giám sát hành trình để ngắt kết nối. Khi kiểm tra công tác khắc phục thẻ vàng IUU, Đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu sẽ kiểm tra hệ thống quản lý giám sát hành trình, nếu thấy tại thời điểm đó tàu cá ấy quá 1 giờ đồng hồ mà không tự động thông báo về bờ sẽ bị cho là vi phạm, sự thể này làm ảnh hưởng đến việc khắc phục “thẻ vàng” IUU của ngành thủy sản”, TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, chia sẻ.
Đình Thung – Lê Khánh
***
Thiết bị giám sát hành trình “hành” ngư dân – Rào cản gỡ “thẻ vàng” – Kỳ 2: Thiết bị giám sát hành trình lỗi khiến cơ quan quản lý bó tay
NN – Thứ Tư 01/06/2022 , 09:10
Tại Khánh Hòa, thiết bị giám sát hành trình lỗi lặp đi lặp lại, sửa lại lỗi, lỗi lại sửa khiến ngư dân vừa thiệt vừa oan còn cơ quan quản lý cũng bó tay.
Kỳ 1: Thiết bị giám sát hành trình của VNPT trục trặc như cơm bữa

Ngư dân Huỳnh Văn Trí cho biết, gia đình anh trang bị cho 2 tàu cá bằng thiết bị giám sát hành trình VNPT-VSS, nhưng thiết bị liên tục bị lỏng sim gây mất kết nối. Ảnh: KS.
Chiếc sim nhỏ gây thiệt hại lớn cho ngư dân
Do được tư vấn sản phẩm VNPT-VSS ưu điểm là có chức năng gọi điện như những chiếc điện thoại thông thường, mang lại nhiều tiện ích nên nhiều ngư dân Khánh Hòa đã đặt trọn niềm tin vào sản phẩm của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, không ít ngư dân Khánh Hòa nhanh chóng vỡ mộng bởi thiết bị VNPT-VSS ưu việt toàn diện chỉ là lời quảng cáo. Tiên ích đâu chưa thấy, chỉ thấy sau khi lắp đặt xong, ngư dân lĩnh đủ do thiết bị thường xuyên bị lỗi kỹ thuật lỏng sim gây mất tín hiệu theo dõi của tàu khi tham gia đánh bắt trên biển.
Điển hình của việc liên tục gặp phải sự cố này là trường hợp 2 tàu cá hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương mang số hiệu KH 91135 TS và KH 93989 TS của gia đình ngư dân Huỳnh Văn Trí, ở phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang.
Đưa chúng tôi đến các tàu đang lắp đặt thiết bị VNPT-VSS, ngư dân Huỳnh Văn Trí bức xúc: Hai tàu của gia đình lắp đặt thiết bị VNPT-VSS vào năm 2019, trị giá mỗi máy khoảng 24 triệu đồng. Nhưng trong quá trình hoạt động, thiết bị thường xuyên bị lỗi, có thể 2-3 ngày lại lỗi một lần, chúng tôi phải tắt đi rồi mở lên mới hoạt động được. Nhiều khi tàu ra biển trong điều kiện sóng gió thiết bị cứ cách 5-6 tiếng bị lỗi, gây mất tín hiệu. Nhưng cũng có lúc tàu mới chạy ra biển thì bị lỗi nên lại phải chạy vô lại để khắc phục, gây đình trệ cho chuyến biển và tăng thêm chi phí.
Những trường hợp như vậy, nếu ngư dân không quay lại khắc phục không được, bởi nhỡ trục trặc lâu lại phải giải trình với cơ quan chức năng đến phát ốm. Thậm chí, nếu không giải trình thỏa đáng nguy cơ bị phạt, bị ghi vào “sổ đen” là hoàn toàn có thể xảy ra.
“Mỗi lần thiết bị lỗi và mất tín hiệu, Chi cục Thủy sản của tỉnh đều nắm được hết. Nhưng thực sự là tàu chúng tôi không tự vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình. Nhưng các cơ quan chức năng họ có quyền nghi ngờ tàu chúng tôi đánh bắt bất hợp pháp ngoài biển nên cố tình tắt thiết bị. Vì vậy, khi tàu vào bờ sẽ phải giải trình vì sao tàu mất tín hiệu, hậu quả là vừa mất thời gian vừa lại phiền phức, và đặc biệt là ngư dân cảm thấy ấm ức vì mình làm ngay mà như làm gian”, ngư dân Huỳnh Văn Trí khẳng định.
“Những lần sim bị lỗi, tôi có kiến nghị bên VNPT khắc phục nhưng bên VNPT bảo nếu bị lỗi cứ cho tàu chạy vào bờ để khắc phục. Để khắc phục lỗi sim hiện nay chỉ có cách cách gỡ tem dưới sim rồi tháo sim ra lắp lại. Nhưng ngư dân không được tự ý tháo ra bởi Chi cục Thủy sản đã niêm phong ở vị trí cài sim. Phiền hơn nữa là nhiều thiết bị định vị của VNPT khắc phục sim rồi nhưng sau lỗi đó vẫn lặp đi lặp lại vô cùng phiền phức”. Anh Trí bức xúc.

Tàu ông Thơ lắp thiết bị VNPT-VSS của VNPT thường xuyên bị tình trạng lỏng sim gây mất kết nối. Ảnh: KS.
Không chỉ tàu của gia đình anh Trí mà nhiều tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình của VNPT ở Khánh Hòa cũng bị tình trạng lỗi tương tự. Như tàu KH 99789TS của ông Cao Văn Thơ, ở Hòn Rớ, Phước Đồng cũng có tình trạng lỗi kỹ thuật từ sim.
Ông Thơ cho biết, việc xử lý lỗi sim rất đơn giản, chỉ cần mở ra rồi canh lại là hoạt động trở lại được. Tuy nhiên, sim này đã dán tem niêm phong, để phòng các tàu tự ý tháo sim với ý đồ đánh bắt bất hợp pháp.
Nếu tàu nào tự ý tháo sim sẽ không được hỗ trợ tiền dầu theo quy định nên khi tàu bị lỗi sim trong quá trình đang hoạt động trên biển, tàu buộc phải gọi điện về báo Chi cục Thủy sản. Thế nhưng, ngoài biển khơi đâu phải như ở trong bờ mà lúc nào có sóng tốt để liên lạc được dễ dàng ngay được.
Cũng như anh Trí, theo ông Thơ, khi tàu bị mất tín hiệu thiết bị giám sát hành trình, chủ tàu về bờ sẽ trình báo với cơ quan chức năng. Về phía Chi cục Thủy sản cũng không làm khó, nhưng yêu cầu ngư dân phải có giấy xác nhận của VNPT là xác định tàu bị mất tín hiệu bao nhiêu tiếng, lỗi về cái gì. Tuy nhiên, nhiều khi bên VNPT không đồng ý xác nhận cho ngư dân nên mới xảy ra nhiều chuyện để bàn.
“Việc bà con khai thác trộm không dễ dàng, bởi đánh mẻ lưới kéo dài 15 tới 20 tiếng đồng hồ, chứ không phải năm mười tiếng là chạy về. Vì vậy, nếu thiết bị giám sát hành trình liên tục lỗi không được khắc phục, ngư dân nhiều khi bị oan ức, tình ngay mà lý thì gian.” Ngư dân Cao Văn Thơ ngậm đắng nuốt cay.

Cơ quan chức năng xác nhận, thiết bị giám sát hành trình tàu cá của VNPT hay bị lỗi sim. Ảnh: KS.
Cơ quan chức năng địa phương cũng bó tay?
Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, toàn tỉnh có 682/708 tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Trong đó 552 tàu lắp đặt thiết bị Vfish.18 của Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam; 66 tàu lắp đặt thiết bị của L-Trân; 62 tàu lắp đặt thiết bị của VNPT; 2 tàu lắp đặt thiết bị Viettel; 2 tàu lắp đặt thiết bị của Bình Anh và 2 tàu lắp đặt thiết bị của Zuniball.
Theo ông Én, thời gian qua, nhiều thiết bị giám sát hành trình như Vfish.18 hay bị treo máy, còn VNPT hay lỗi về sim. Từ đó có tình trạng mất tín hiệu giám sát tàu cá đang hoạt động trên biển một vài giờ hoặc một vài ngày. Do đó, để kiểm tra về lý do mất tín hiệu, Chi cục đã liên hệ các bên cung cấp thiết bị giám sát hành trình cho các tàu để nắm bắt thấy đa số bị lỗi kỹ thuật.
Ngoài ra, ông Én còn cho biết, nhiều lúc hệ thống của các hãng không bị mất tín hiệu giám sát hành trình các tàu cá, nhưng trên hệ thống của Chi cục Thủy sản và tại cảng cá lại báo bị mất tín hiệu. Lỗi này có thể do phần mềm bị trục trặc, nhưng bây giờ giảm nhiều, chứ trước kia lỗi này xảy ra liên tục.
Với thực trạng không chỉ thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá của ngư dân bị mất tín hiệu mà ngay cả hệ thống của Chi cục Thủy sản và tại cảng cá thỉnh thoảng cũng bị mất tín hiệu, việc quản lý cũng như giải trình, chứng minh với Ủy ban châu Âu – EC khi họ vào kiểm tra quả thực là một vấn đề nan giải và rủi ro.
Về thiết bị của VNPT hay bị lỗi lỏng sim gây mất tín hiệu, ông Én chia sẻ Chi cục Thủy sản Khánh Hòa đang rất đau đầu về vấn đề này. Bởi ngư dân cho rằng, họ không vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình nhưng không hiểu vì sao bị mất tín hiệu.
Và câu hỏi cứ lặp đi lặp lại là: Lỗi do thiết bị giám sát hành trình hay lỗi do ngư dân cố tình ngắt thiết bị giám sát hành trình để thực hiện đánh bắt bất hợp pháp? Để giải trình, trả lời được hai câu hỏi đó thực sự là khó khăn. Vàng thau lẫn lộn mà cơ quan quản lý địa phương thực sự đang bó tay.

Hiện tàu cá ở Khánh Hòa chủ yếu lắp đặt thiết bị của VNPT và Vfish.18. Ảnh: KS.
Về lỗi lỏng sim, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa khuyến cáo ngư dân không tự ý tháo ra để khắc phục mà phải báo cơ quan chức năng có trách nhiệm xử lý. Lí do, thứ nhất ngư dân không biết lỗi ở đâu mà khắc phục. Thứ hai, nếu ngư dân tự ý bóc tem niêm phong, tháo sim thì không được phép. Do đó, khi lỗi thiết bị ngư dân buộc phải làm việc với nhà cung cấp để yêu cầu khắc phục.
Cũng theo ông Én, việc Chi cục Thủy sản Khánh Hóa niêm phong sim của thiết bị là nhằm đề phòng chủ tàu vô hiệu hóa thiết bị để đánh bắt bất hợp pháp. Chẳng hạn khi tàu chạy vào vùng giáp ranh giữa 2 nước bị mất tín hiệu đương nhiên nghi ngờ là tàu này đánh bắt bất hợp pháp rồi.
Nhưng cũng đề phòng tàu tự vô hiệu hóa khi vào vùng lộng đánh bắt, đây là vi phạm khai thác sai tuyến. Mặt khác, việc không cho các tàu tự ý tháo sim cũng nhằm để phòng tàu không bám biển, không ra khơi đánh bắt mà tự tháo sim tàu của mình để đưa vào máy giám sát hành trình của tàu ra khơi khác, phát sóng có tín hiệu để đủ điều kiện được nhà nước hỗ trợ tiền dầu.
Việc lỗi thiết bị giám sát hành trình tàu cá tại Khánh Hòa đã làm phát sinh ra một loạt vướng mắc, bất cập hiện vẫn rối như tơ vò gây thiệt hại rất lớn cho ngư dân, gây khó khăn cho quản lý nhà nước. Vì vậy, các đơn vị cung cấp thiết bị cần khắc phục triệt để ngay những tồn tại này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc sớm gỡ thẻ vàng IUU.
Kim Sơ – Ngọc Khanh
***
Thiết bị giám sát hành trình “hành” ngư dân – Rào cản gỡ “thẻ vàng” – Kỳ 3: Ngư dân Kiên Giang kêu thấu trời thiết bị của Viettel
NN – Thứ Năm 02/06/2022 , 08:53
Kiên Giang, nơi có đội tàu lớn nhất cả nước, ngư dân đang sử dụng thiết bị của Viettel bị lỗi kết nối, nhưng kêu thấu trời đến nay hầu như chưa được khắc phục.
Kỳ 2: Thiết bị giám sát hành trình lỗi khiến cơ quan quản lý bó tay
Kỳ 1: Thiết bị giám sát hành trình của VNPT trục trặc như cơm bữa

Mỗi thiết bị giám sát hành trình tàu cá có giá lắp đặt lến tới 23 – 25 triệu đồng, nhưng nhà mạng lại thiếu trách nhiệm trong sửa chữa, bảo hành gây khó khăn cho ngư dân. Ảnh: Trung Chánh.
Đề nghị Viettel không được, khiếu nại không xong!
Theo quy định hiện hành, ngoài việc đăng ký, đăng kiểm, tàu cá trước khi ra khơi đánh bắt hải sản buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình và đồng bộ thông tin tàu thuyền vào hệ thống của cơ quan quản lý.
Thiết bị giám sát hành trình tàu cá là công cụ giúp quản lý nhà nước kiểm soát hiệu quả tàu cá hoạt động trên biển, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác hợp pháp. Qua đó, góp phần tích cực vào việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), tiến tới gỡ bỏ “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu (EC) đang áp đặt lên mặt hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu.
Mỗi thiết bị giám sát hành trình tàu cá có giá khi lắp đặt khoảng 23-25 triệu đồng. Ngoài ra, để thiết bị hoạt động, chủ tàu phải đóng thuê bao kết nối vệ tinh khoảng 400.000 đồng/tháng. Đối với ngư dân, số tiền đó không hề nhỏ chút nào.
Tuy nhiên, điều mà ngư dân không thể chấp nhận được là không ít trường hợp tàu đang hoạt động khai thác ngoài biển đột ngột bị mất kết nối. Nếu ở gần bờ còn quay đầu về bờ được, còn đã xa khơi rồi làm sao quay vào bờ để khắc phục, trong khi tự khắc phục không được phép. Mà có quay về bờ thời gian ngồi chờ đợi để nhà mạng khắc phục cũng rất lâu. Tự dưng, việc ra khơi của ngư dân bị phụ thuộc vào nhà mạng.
Chính vì điều này, thời gian qua không ít ngư dân, chủ tàu ở Kiên Giang, địa phương có đội tàu lớn nhất cả nước rất bức xúc. “Chúng tôi tự dưng bị đeo một cái “gông” và cái “gông” đó đang gây phiền hà, tốn kém và thiệt hại rất lớn cho bà con ngư dân”, một ngư dân nói.

Một ngư dân bức xúc gửi đơn kiến nghị đến Viettel Kiên Giang khi đơn vị này chậm trễ khắc phục sự cố về thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Ảnh: Trung Chánh.
Chúng tôi gặp bà Trương Thị Kim Mai (khu phố 3, phường Vĩnh Thông, thành phố Rạch Giá, Kiên Giang) là chủ tàu cá khi bà vừa có tờ trình đến Viettel Chi nhánh Kiên Giang, khiếu nại về tàu cá KG-95354-TS của gia đình gắn thiết bị giám sát hành trình tàu cá của Viettel. Theo đó, khi tàu gia đình bà đang đánh bắt đến ngày cuối tháng 3 vừa qua bị mất tín hiệu kết nối. Liên hệ với tài công trên tàu qua điện thoại được biết thiết bị không bị hư mà mất tín hiệu do bên nhà mạng Viettel ngắt kết nối.
Ngay sau đó, bà Mai đã điện báo cho nhà mạng và được cho biết: “Đang bị lỗi mạng và hẹn chờ 2-3 ngày để khắc phục. Tôi chờ đến ngày hẹn không thấy có mạng và nhà mạng Viettel đến nay (tức là 8 ngày sau) vẫn chưa có mạng lại”, bà Mai bức xúc và yêu cầu Viettel phải sớm khắc phục tình trạng này để tàu của gia đình bà đi đánh bắt được an toàn.
Tương tự, hộ ông Phạm Ngọc Thắng (ở đường Lê Quý Đôn, phường An Bình, thành phố Rạch Giá, Kiên Giang), có 4 chiếc tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Để đủ điều kiện hoạt động và khắc phục thẻ vàng IUU của EC, ông Thắng đã phải đầu tư gần 100 triệu đồng gắn thiết bị giám sát hành trình tàu cá do nhà mạng Viettel Kiên Giang cung cấp.
Ông Thắng cho biết, trước đây cước phí duy trì kết nối vệ tinh là 500.000 đồng/tháng, với 4 tàu mỗi năm đóng phí hết 24 triệu đồng. Nhưng điều khiến ông Thắng bức xúc là tình trạng thiết bị đột ngột mất kết nối không rõ nguyên nhân.
Khi đột ngột mất kết nối thời gian khắc phục kéo dài. Bên cạnh đó, nhà mạng Viettel không có thông báo cho ngư dân biết thời hạn phải đóng phí tiếp theo để duy trì hoạt động mà tự ý ngắt kết nối khi hết tiền. Đến khi đóng tiền lại rồi mà cũng không có kết nối, phải khiếu nại đến Viettel mới được khắc phục.
“Trong khi mạng điện thoại di động của Viettel khách hàng được tôn trọng, chăm sóc rất tốt, đặc biệt khi có sự cố xảy ra mà không hiểu tại sao mạng của thiết bị giám sát hành trình nhà mạng này lại chăm sóc khách hàng tệ đến vậy?” một người dân đặt câu hỏi.
“Tôi đã nhiều lần dọa sẽ chuyển sang nhà mạng khác nhưng chẳng lẽ đã đầu tư gần trăm triệu đồng giờ lại gỡ bỏ. Nhưng xảy ra tình trạng này hoài cũng khó, tàu mất kết nối hơn 10 ngày mà không chứng minh được lý do chính đáng là bị phạt cả trăm triệu. Hơn nữa, khi tàu mất kết nối về cảng cũng không đủ điều kiện cập bến lên hàng, ngư dân thiệt hại lớn lắm”, ông Thắng bức xúc.
Tàu cá nằm bờ 8 tháng chờ Viettel khắc phục lỗi
Trước những bất cập, bức xúc trên, mới đây Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang đã chủ trì, phối hợp vớ Sở NN-PTNT tổ chức cuộc họp bàn giải pháp, xử lý các vấn đề liên quan đến thiết bị giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang làm việc với chủ tàu mới phát hiện thiết bị giám sát hành trình bị sự cố, đơn vị cung cấp gỡ đi sửa chữa nhiều tháng chưa xong gây bức xúc cho ngư dân. Ảnh: Trung Chánh.
Tại cuộc họp, nhiều chủ phương tiện sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá đều bức xúc trước tình trạng thiết bị thường xuyên bị hư hỏng, mất tín hiệu, phải quay vào bờ để xác nhận nguyên nhân, làm gián đoạn chuyến hành trình đánh bắt cá xa bờ của ngư dân.
Việc sửa chữa, khắc phục chậm trễ ảnh hưởng đến hành trình, tăng chi phí sản xuất của ngư dân… Bên cạnh đó, mức phí thu dịch vụ tin nhắn từ thiết bị giữa các doanh nghiệp cung cấp thiết bị còn chênh lệch lớn và giá khá cao.
Khi xảy ra hư hỏng, lỗi thiết bị, có những trường hợp đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá gỡ đi sửa chữa rất lâu, lên đến vài tháng hoặc cả năm vẫn chưa sửa chữa, khắc phục xong, gây bức xúc cho chủ tàu và ngư dân.

Khi thiết bị giá sát hành trình tàu cá bị sự cố trên biển mà không thể tự khắc phục được, ngư dân cũng không thể về cập cảng để bốc dỡ hàng thủy sản đánh bắt được vì không đủ điều kiện. Ảnh: Trung Chánh.
Cụ thể, tại tàu cá KG-93239-TS (chủ tàu là ông Trần Hữu Kiếm, khu phố 3, phường Đông Hồ, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang), khi đoàn thanh tra kiểm tra trên tàu không có thiết bị giám sát hành trình tàu cá.
Đoàn thanh tra kiểm tra hỏi lý do, chủ tàu cho biết thiết bị hư hỏng, mất kết nối nên được nhà mạng Viettel gỡ đi sửa chữa, bảo hành nhưng đã hơn 8 tháng chưa xong để hoàn trả, lắp đặt lại cho chủ tàu. Điều này đồng nghĩa với việc con tàu này phải nằm bờ, không thể ra khơi đánh bắt trong suốt thời gian dài hơn 8 tháng qua, gây đình trệ hoạt động kinh tế, dẫn đến thiệt hại rất lớn cho chủ tàu.

Không ít tàu cá của ngư dân Kiên Giang phải nằm bờ trong suốt thời gian dài do nhà mạng chậm sửa chữa, khắc phục sự cố thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: Trung Chánh.
Thanh tra đã chỉ ra rằng, các đơn vị cung cấp thiết bị thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc sửa chữa, bảo hành thiết bị, kéo dài thời gian sữa chữa, cố tình không xác định được nguyên nhân mất kết nối. Tự ý ngắt kết nối thiết bị khi chủ tàu chưa đóng phí thuê bao mà không phối hợp với chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng có liên quan để giải quyết, không chấp hành nghiêm quy trình lắp đặt thiết bị theo quy định của pháp luật.
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định theo hướng quy định chế tài cụ thể hơn về trách nhiệm của đơn vi cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá trong việc lắp đặt, hướng dẫn sử dụng, sửa chữa, bảo hành, thay thế… Để các đơn vị này có trách nhiệm hơn đối với sản phẩm khi cung cấp cho ngư dân sử dụng.
Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá là chủ trương đúng đắn, nhằm hỗ trợ quản lý chặt chẽ hoạt động tàu cá trên biển, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững, chống khai thác IUU, phù hợp với xu hướng quản lý nghề cá có trách nhiệm của khu vực và quốc tế hiện nay. Thời gian tới, UBND tỉnh Kiên Giang sẽ trình Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về quy định chính sách hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngư dân trong tình hình kinh tế hiện nay.
Đào Chánh – Trọng Linh
***
Thiết bị giám sát hành trình “hành” ngư dân – Rào cản gỡ “thẻ vàng” – Kỳ 4: Sai phạm nhan nhản ở địa phương có đội tàu cá lớn nhất nước
NN – Thứ Sáu 03/06/2022 , 10:09
Kiên Giang chỉ mặt gọi tên sai phạm trong cung cấp, lắp đặt, quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình của một số đơn vị gây thiệt hại lớn cho ngư dân.
Kỳ 3: Ngư dân Kiên Giang kêu thấu trời thiết bị của Viettel
Kỳ 2: Thiết bị giám sát hành trình lỗi khiến cơ quan quản lý bó tay
Kỳ 1: Thiết bị giám sát hành trình của VNPT trục trặc như cơm bữa

Kiên Giang là tỉnh có đội tàu khai thác hải sản lớn nhất cả nước với 3.981 tàu có chiều dài từ 15m trở lên thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: Trung Chánh.
Thanh tra phát hiện hàng loạt sai phạm
Kiên Giang là tỉnh có đội tàu khai thác hải sản lớn nhất cả nước, tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 9.884 tàu, trong đó có 3.981 tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Theo Chi cục Thủy sản Kiên Giang, qua ra soát, đã loại trừ 328 tàu không còn hoạt động, gồm tàu hư hỏng, cháy, chìm, nằm bờ ngừng hoạt động, ngân hàng quản lý và bán sang tỉnh khác… Như vậy, toàn tỉnh còn 3.653 tàu cá buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và đều đã lắp đặt đạt 100% theo quy định.
Theo Sở NN-PTNT Kiên Giang, số thiết bị giám sát hành trình tàu cá đã lắp đặt trên các tàu cá ngư dân Kiên Giang do 8 đơn vị, doanh nghiệp cung cấp.
Trong đó, nhiều nhất là công ty TNHH Zunibal Việt Nam (1.715 thiết bị); Tập đoàn Công nghiệp – Viễn Thông Quân đội Viettel – Chi nhánh Kiên Giang (1.231 thiết bị); Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông VNPT – Chi nhánh Kiên Giang (141 thiết bị).
Còn lại thuộc các đơn vị cung cấp là: Công ty TNHH Một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam (Vishipel), Công ty TNHH Phát triển công nghệ điện tử Bình Anh, Công ty TNHH Viễn thông Khánh Hội, Công ty TNHH Công nghệ tự động hóa L Trần và Công ty Định vị Bách Khoa.
Hiện nay, việc quản lý hoạt động tàu cá dựa vào hệ thống giám sát hành trình, bước đầu đã đem lại một số kết quả nhất định, giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát được số tàu đang hoạt động trên biển, phát hiện kịp thời số tàu vượt ranh giới biển, số tàu hoạt động trong khu vực cấm khai thác…
Tuy nhiên, thực tế đã phát sinh một số tồn tại, đã làm giảm tác dụng của việc gắn thiết bị giám sát hành trình để giám sát hoạt động của tàu cá trên biển, ảnh hưởng rất lớn đến nỗ lực khắc phục thẻ vàng IUU của tỉnh. Do đó, việc giải quyết những vấn đề còn vướng mắc cũng như xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình vi phạm hiện nay là rất cần thiết và cấp bách.
Thời gian qua, những bất cập, lùm xùm quanh thiết bị giám sát hành trình tàu cá đã xảy ra, giữa nhà cung cấp và khách hàng sử dụng đổ lỗi cho nhau “tại ả, tại anh”.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước, cuối năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã có quyết định (số 2560/QĐ-UBND ngày 26/10/2021) về việc thanh tra các quy định của pháp luật về cung cấp, lắp đặt, quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bản tỉnh Kiên Giang. Qua thanh tra, hoàng loạt sai phạm đã được chỉ ra, ở cả phía nhà cung cấp thiết bị, dịch vụ đi kèm và người sử dụng (chủ tàu).
Để thực hiện đợt kiểm tra, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đã chọn 6 chủ tàu có nhiều tàu cá và 7 đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Theo đó, 6 chủ tàu là chủ sở hữu 110 tàu cá, tại thời điểm kiểm tra, có 88 tàu đang hoạt động trên biển, 15 tàu đang neo đậu tại bến nhà và một số cảng cá tại Cà Mau, thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) và Bà Rịa – Vũng Tàu, 1 tàu đã bán về Cà Mau, 2 tàu bị chìm, 2 tàu bị nước ngoài bắt giữ.

Ngành chức năng tỉnh Kiên Giang kiểm tra tàu cá hoạt động trên ngư trường biển Tây, phát hiện ra nhiều sai phạm liên quan đến thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Ảnh: Trung Chánh.
Theo ông Cô Hồng Khởi, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Kiên Giang, qua kiểm tra trên Hệ thống giá sát hành trình tại Trung tâm Đăng kiểm tàu cá Kiên Giang, với số thiết bị kiểm tra là 100 thiết bị/100 tàu. Kết quả số thiết bị mất kết nối là 650 lượt/79 tàu. Số thiết bị có tín hiệu vượt biên giới biển là 16 lượt/16 tàu.
“Ngành chức năng đã thực hiện 666 cuộc gọi điện thoại cho chủ tàu, ban hành 21 văn bản/16 tàu (21 trường hợp mất kết nối trên 10 ngày ngoài biển) yêu cầu kiểm tra lại thiết bị, thực hiện các quy định khi tàu bị mất kết nối hoặc buộc đưa tàu quay về vùng biển Việt Nam. Kết quả đã có 629 lượt/63 tàu mở lại kết nối, 16 tàu (100%) quay trở về vùng biển Việt Nam”, ông Khởi cho biết.
Hiện việc quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá của các chủ tàu nhìn chung còn bị xem nhẹ, chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt là thuyền trưởng, người trực tiếp quản lý, sử dụng đã cố tình để thiết bị mất kết nối nhiều, khi cơ quan chức năng điện thoại nhắc nhở mới khắc phục. Khi làm việc với cơ quan chức năng, không ít thuyền trưởng chối cãi quanh co, trốn tránh trách nhiệm, tìm mọi cách để đối phó.
Một số chủ tàu, thuyền trưởng, thủy thủ cố tình làm hư hỏng thiết bị, làm mất nguồn cung cấp năng lượng (nguồn pin), tháo thiết bị gửi qua bè cá, phương tiện khác hoặc gửi vào đảo, vào bờ… nhằm trốn tránh việc giám sát của cơ quan chức năng. Nhiều chủ tàu do thiếu quan tâm trong việc thực hiện đóng phí dịch vụ thuê bao nên bị nhà mạng cắt kết nối vệ tinh.
Chi cục Thủy sản Kiên Giang đã tiến hành mời lên xử lý 7 vụ/7 tàu cá, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hàng trăm triệu đồng, với hành vi vi phạm chủ yếu là không thực hiện quy định trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình hư hỏng.

Sai phạm của các nhà cung cấp thiết bị giám sát hành trình với các lỗi phổ biến là chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ, chưa cập nhật đầy đủ thông tin khai báo. Ảnh: Trung Chánh.
Tất cả nhà cung cấp thiết bị đều mắc lỗi
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, kết quả thanh tra hầu hết các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình là Viettel Kiên Giang, VNPT Kiên Giang, Bình Anh, L Trần, Zunibal Việt Nam, Vishepel đều có sai phạm.
Sai phạm của các nhà cung cấp thiết bị giám sát hành trình với các lỗi phổ biến là chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ, chưa cập nhật đầy đủ thông tin khai báo của chủ tàu vào cơ sở dữ liệu sau khi lắp đặt thiết bị lên tàu cá, không có bảng hướng dẫn sử dụng, chưa thực hiện tốt dịch vụ sửa chữa, bảo hành.
Sử dụng mẫu kẹp chì (niêm phong) không giống mẫu đã thông báo với Tổng cục Thủy sản và không gửi hình ảnh, mã số kẹp chì thông báo cho cơ quan quản lý sau khi lắp đặt. Cá biệt có trường hợp (tàu KG-90580-TS), thiết bị giám sát hành trình là của Viettel Kiên Giang nhưng dây kẹp chì niêm phong lại của VNPT Kiên Giang.

Ngành chức năng tuyên truyền ngư dân chung tay chống khai thác đánh bắt bất hợp pháp. Ảnh: Trung Chánh.
Có 15 trường hợp tàu cá hiển thị 2 nhà cung cấp (lắp 2 thiết bị) trên hệ thống giám sát. Nhà cung cấp thiết bị, dịch vụ chưa thực hiện tốt công tác bảo hành, sửa chữa, gây khó khăn có công tác quản lý. Cụ thể khi kiểm tra có 49 trường hợp thiết bị được Viettel Kiên Giang đang gỡ đi sửa chữa, có trường hợp hơn 12 tháng nhưng công ty chưa sửa xong.
Trong tổng số 959 thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị mất kết nối khi cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang kiểm tra, chiếm nhiều nhất là của nhà mạng Zunibal 410 thiết bị, Viettel Kiên Giang 343 thiết bị, Bình Anh 105 thiết bị, Vishepel 46 thiết bị, L Trần 24 thiết bị và Khánh Hội 10 thiết bị. Trong đó, có tới 702 thiết bị mất kết nối là do ngừng đóng phí, 193 thiết bị không rõ nguyên nhân, 29 thiết bị nhà mạng đang bảo trì, 17 thiết bị hết pin, 16 thiết bị trên tàu cá đang nằm bờ và 2 đã bán sang tỉnh khác.
Xử phạt 6 nhà cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá
Sau khi có kết luận thanh tra, UBND tỉnh Kiên Giang đã căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 24 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ tiến hành xử phạt vi hành chính đối với 6 đơn vị cung cấp thiết bị, gồm: Viettel Kiên Giang, VNPT Kiên Giang, Bình Anh, L Trần, Zunibal Việt Nam, Vishepel. Hành vi vi phạm là không báo cáo hoặc báo cáo không đúng về việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá cho cơ quan quản lý để thực hiện kiểm tra theo quy định, theo điểm d khoản 2 Điều 35 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Trung Chánh – Trọng Linh
***
Thiết bị giám sát hành trình “hành” ngư dân – Rào cản gỡ “thẻ vàng” – Kỳ 5: Khó khăn chồng chất, ngư dân đồng loạt rao bán tàu!
NN – Thứ Hai 13/06/2022 , 12:36
Không chỉ các tỉnh miền Trung và ĐBSCL đang khốn khổ vì thiết bị giám sát hành trình thường xuyên lỗi, ngư dân Bà Rịa – Vũng Tàu thậm chí phải rao bán tàu.
Kỳ 1: Thiết bị giám sát hành trình của VNPT trục trặc như cơm bữa
Kỳ 2: Thiết bị giám sát hành trình lỗi khiến cơ quan quản lý bó tay
Kỳ 3: Ngư dân Kiên Giang kêu thấu trời thiết bị của Viettel
Kỳ 4: Sai phạm nhan nhản ở địa phương có đội tàu cá lớn nhất nước

Hiện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có trên 1.000 tàu cá từ trước tết đến nay có 70-80% tàu vẫn đang phải đậu bờ khiến nhiều ngư dân đang phải gánh chịu cơn bão nợ Ảnh: Minh Sáng.
Tàu nằm bờ vẫn phải đóng thuê bao
Ngư dân Nguyễn Tấn, thuyền trưởng cặp tàu cá BV 92935 và BV 929366, ấp Phước Hương, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang cặm cụi ngồi đan lại tấm lưới rách bên bờ cảng than vãn: “Mấy ngày qua khi tàu vừa đi biển, tôi ở nhà thử gọi kiểm tra thấy máy giám sát hành trình trên tàu không có tín hiệu nên vội vàng điện thoại nhắc anh em tài công điều chỉnh ngay may sau đó đã khắc phục được. Nhưng sợ nhất sự cố trục trặc kỹ thuật này lại bị các cơ quan giám sát cho rằng ngư dân tự cúp máy và quyết định xử phạt chúng tôi chỉ còn biết kêu trời chứ làm sao được?”.
Theo ông Tấn, cặp tàu của ông phải gắn hai máy giám sát hành trình của Công ty CP Thiết bị điện – điện tử Bách Khoa, nhưng có một máy gọi được, còn một máy chỉ nghe tín hiệu. Máy móc khi đi biển lâu ngày sẽ hết hạn bảo hành, có thể bị trục trặc, hư hỏng bất cứ lúc nào, nhẹ khắc phục được tại chỗ, còn nặng phải gửi về bờ sửa chữa, thậm chí tàu phải quay vào bờ chỉ vì sự cố mất tín hiệu.
Do giá xăng dầu tang cao, từ tết đến nay tàu ông Tấn mới chỉ đi được 2 chuyến biển sau nhiều tháng nằm bờ. Mỗi chuyến biển đi có hơn chục ngày ngày, lỗ cả trăm triệu đồng rồi lại đắp chiếu đến bây giờ. Thế nhưng ông vẫn phải đóng tiền thuê bao cho các thiết bị giám sát hành trình nên đã lỗ lại càng thêm nặng gánh.
Ông Nguyễn Tấn cho biết: “Tôi mua ở đại lý Kim Sơn, xã Phước Tỉnh, qua khâu trung gian thôi, còn bà con ngư dân ở đây mua của nhiều công ty khác nhau, không biết cụ thể của công ty nào. Đa số bà con ở đây cũng chỉ mua lại qua khâu trung gian nên chẳng biết của công ty nào sản xuất. Điều đó càng đẩy bà con ngư dân vào khó khăn khi thực hiện việc bảo dưỡng, bảo trì, bảo hành, sửa chữa, giá cước thuê bao thiết bị giám sát hành trình.”

Sau một thời gian sử dụng thiết bị giám sát hành trình, nhiều ngư dân bắt đầu gặp không ít khó khăn phiền toái khi máy hết hạn bảo hành và bị trục trặc hư hỏng. Ảnh: Minh Sáng.
Tương tự, ngư dân Nguyễn Văn Nhỏ, chủ tàu cá xã Phước Tỉnh mua thiết bị giám sát hành trình Vifish.18 bao gồm thiết bị ST 6100 và vật tư với giá trên 20 triệu đồng của Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng Hải Việt Nam (Vishipel) phân trần: “Hiện trên địa bàn có trên 1.000 tàu cá, từ trước tết đến nay có 70-80% tàu vẫn đang phải đậu bờ, nhưng nhà mạng (VNPT, Vishipel, Viettel…,) đến hẹn lại thu tiền cước thuê bao thiết bị giám sát hành trình khiến ngư dân chúng tôi bị thiệt thòi quá. Hơn nữa, càng đi biển càng càng lỗ khiến cuộc sống đã khó càng thêm khổ hơn!”.
Ông Nhỏ mong muốn Nhà nước và địa phương có chính sách hỗ trợ ngư dân tiền thuê bao thiết bị giám sát hành trình vì hiện mỗi thiết bị ông phải đóng gần 300.000 đồng/tháng, thậm chí khi tàu nằm bờ vẫn phải đóng khoản phí thuê bao này.
Năm ngoái, khi dịch bệnh Covid, những tàu cá của ông phải nghỉ nằm bờ nhiều tháng nên ông báo cho nhà mạng tạm cắt mạng thiết bị giám sát hành trình để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, khi ông báo tiếp tục kích hoạt lại để đi biển mới tá hoả nghe nhà mạng VNPT báo số tiền kích hoạt cao gấp đôi giá cước thuê bao giữ kết nối. Ông thắc mắc chỉ nghe câu giải thích “do mạng kết nối bên nước ngoài cho nên kích hoạt lại cước phí cao như vậy?”
Nhiều ngư dân ở đây cũng xác nhận, tàu cá một năm đi biển chỉ mấy tháng, còn chủ yếu về nằm bờ, nhưng khi đi biển lại bị ép cộng dồn cước thuê bao thiết bị giám sát hành trình ngay cả khi tàu nghỉ và phải đóng đủ mới giải quyết hồ sơ đi biển khiến bà con rất bức xúc.

Trong quá trình sử dụng thiết bị giám sát hành trình đã phát sinh nhiều khó khăn bất cập với việc thanh toán cước phí thuê bao cũng như chi phí tái lắp đặt, sử dụng thiết bị tàu cá khiên ngư dân gặp khó. Ảnh: Minh Sáng.
Ngư dân đồng loạt rao bán tàu cá
Trên địa bàn thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ có 501 tàu cá, trong đó có 481 tàu có chiều dài trên 15m, thuộc diện phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Đến nay, địa phương này đã có 405 tàu gắn thiết bị. Tuy nhiên, giữa cơn bão giá xăng dầu, chi phí tăng cao, trong khi giá bán hải sản lại không tăng khiến ngư dân không dám vươn khơi. Do nằm bờ lâu ngày, những tàu cá lần lượt được ngư dân rao bán rẻ, thậm chí bán đồng nát để tìm việc làm mới.

Giữa cơn bão giá xăng dầu, chi phí tăng cao, trong khi giá bán hải sản lại không tăng khiến ngư dân không dám vươn khơi. Ảnh: Minh Sáng.
Ngư dân Nguyễn Tấn, ấp Phước Hương, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền cho biết, đang mùa đánh bắt nên dù lỗ bà con ngư dân vẫn phải chịu khó ra khơi duy trì cuộc sống và giữ bạn. Tuy nhiên, từ đầu giá xăng dầu tiếp tục tang nên không chỉ riêng tàu ông mà khoảng 80% tàu cá của ngư dân ở đây đành phải nằm bờ.
“Ngày xưa tôi đầu tư sắm được con tàu tốn cả chục tỉ đồng, nhưng giờ tôi đang cảm thấy chán ngán với nghề biển truyền thống và muốn giải nghệ, vì thực tế cứ 100 đôi ghe đi biển may ra chỉ có một đôi về có thu nhập. Từ đầu năm tôi đã rao bán tàu cá chỉ với giá 2 tỉ đồng nhưng cũng chẳng có ai mua!”, ông Tấn ngậm ngùi.
Theo ông Tấn, nếu Nhà nước có chính sách thu mua lại tàu của ngư dân với giá hợp lý tất cả bà con ở địa phương đều muốn bán lại tàu cá, vì bây giờ ngư trường đã cạn kiệt nguồn hải sản, trong khi giá cả vật tư xăng dầu ngày càng tăng cao, ngư dân càng đi biển càng bị thua lỗ. Mặc dù có nhiều ngư dân đã gắn bó với nghề biển qua mấy thế hệ nhưng nay cũng đành cho tàu nằm bờ đi làm phu hồ, hay làm thuê làm mướn bốc vác để kiếm kế sinh nhai.

Nhiều tàu cá và các thiết bị nằm đắp chiếu tại cảng nhiều ngày tháng dẫn đến hư hỏng nặng. Ảnh: Minh Sáng.
Ông Nguyễn Tôn Niên, chủ nhiều cặp tàu cá lớn đánh bắt xa bờ đang neo đậu tại cảng Hưng Thái (huyện Long Điền) cũng sử dụng thiết bị giám sát hành trình của Công ty CP Thiết bị điện – điện tử Bách Khoa cho hay, gia đình ông cùng với nhiều anh em bạn thuyền chung vốn đóng tàu công suất lớn, mua sắm ngư cụ với tổng giá trị cả chục tỷ đồng. Từ đầu năm đến giờ tàu không dám ra khơi vì thua lỗ quá nhiều, các thành viên họp nhau bàn chuyện bán rẻ con tàu nhưng rao mãi cũng không có người mua.
“Tàu thuyền nằm bờ miết không chỉ ngư dân chúng tôi thất nghiệp mà nhiều người sống bám vào ngư dân, làm dịch vụ nghề cá cũng chẳng có việc làm, mất nguồn thu khiến nhiều bạn thuyền phải bỏ nghề đi kiếm việc khác mưu sinh”, ông Niên buồn rầu nói.
Có lẽ với trường hợp của anh Châu Văn Nhỏ, ở xã Phước Tỉnh đang phải gánh chịu cơn bão nợ khủng khiếp nhất. Đến nay, anh không thể nhớ đã bao nhiêu lần viết đơn gửi lên chính quyền tỉnh và các ngân hàng xin khất nợ, giãn nợ. Vào khoảng giữa năm 2017, anh đầu tư đóng mới và đưa vào hoạt động tàu dịch vụ hậu cần thủy sản theo Nghị định 67, có công suất 1.446 CV, trị giá 35 tỷ đồng, gắn đầy đủ các trang thiết bị giám sát hành trình theo quy định.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, cơ quan chức năng lại không cho phép tàu dịch vụ hậu cần vận chuyển xăng dầu, chỉ được vận chuyển đá cây, hải sản khiến việc kinh doanh liên tục thua lỗ. Từ đó đến nay, tàu anh đang phải nằm bờ đắp chiếu, vì không có chi phí đầu tư ra khơi, nhưng vẫn phải đóng đầy đủ các khoản chi phí duy trì thiết bị giám sát hành trình. Gia đình anh đã phải bán hết 2 tàu giã cào, 1 máy xúc để trả món nợ khủng nhưng vẫn không đủ, đến thời điểm này anh vẫn còn nợ ngân hàng 19 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, toàn tỉnh hiện có 5.770 tàu cá, trong đó, có 2.829 tàu khai thác xa bờ (chiều dài tàu 15m trở lên), đã có 829 tàu cá lắp thiết bị thông tin liên lạc định vị vệ tinh GPS VX-1700…Việc quản lý tàu cá bằng máy giám sát hành trình hiện nay vẫn còn nhiều điều bất cập. Trên địa bàn tỉnh đang có 6 nhà phân phối máy giám sát hành trình như VNPT, Vishipel, Viettel…, mỗi loại máy của một nhà phân phối có chức năng, thông số kỹ thuật khác nhau. Chi cục đã yêu cầu các nhà phân phối máy giám sát hành trình cung cấp phần mềm, nhưng vẫn chưa thực hiện được tốt, nên gây khó khăn trong quản lý tàu cá.
Minh Sáng – Nguyễn Thủy
***
Thiết bị giám sát hành trình “hành” ngư dân – Rào cản gỡ “thẻ vàng” – Kỳ 6: Ngư dân, địa phương, nhà mạng đổ lỗi vòng quanh
NN – Thứ Ba 14/06/2022 , 10:08
Thiết bị giám sát hành trình lỗi chính là một trong những nguyên nhân khiến Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc địa phương đội sổ cả nước về gỡ “thẻ vàng” của EC.
Kỳ 5: Khó khăn chồng chất, ngư dân đồng loạt rao bán tàu!
Kỳ 4: Sai phạm nhan nhản ở địa phương có đội tàu cá lớn nhất nước
Kỳ 3: Ngư dân Kiên Giang kêu thấu trời thiết bị của Viettel
Kỳ 2: Thiết bị giám sát hành trình lỗi khiến cơ quan quản lý bó tay

Do nằm bờ lâu ngày nhiều tàu cá ở Bà Rịa – Vũng Tàu đã xuống cấp hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: Minh Sáng.
Cần cơ chế miễn, giảm giá cước khi tàu nằm bờ
Theo Chi cục Thuỷ sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đến nay toàn tỉnh có 2.571/2.829 tàu cá được lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá, đạt 90,8%. Riêng tàu cá trên 24m đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 100% theo quy định.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 cùng với giá xăng dầu tăng cao, hoạt động khai thác đánh bắt hiện nay không hiệu quả khiến nhiều ngư dân bỏ nghề bán tàu. Nay lại thêm những rắc rối trong thanh toán cước thuê bao thiết bị giám sát hành trình, chi phí tái lắp đặt, sử dụng thiết bị khiến bà con vô cung bức xúc.
Trước tình trạng này, UBND thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) và xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) phải tổ chức buổi đối chất trực tiếp giữa ngư dân với các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá và nhà mạng nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân.
Ông Phan Thạch, Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh cho rằng, chi phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá không có sự thống nhất, các nhà mạng quy định về chi phí thiếu đồng bộ khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn. Các nhà mạng nên xem xét cụ thể trên cơ sở ngư dân sử dụng thiết bị này để đảm bảo không bị ngắt kết nối trong quá trình ngư dân sản xuất trên biển, giúp bà con duy trì thông tin liên tục.
“Nhà mạng cần xác định chính xác máy nào do lỗi từ phía nhà mạng, máy nào do ngư dân cố tình tắt máy định vụ để xử lý “đúng người đúng tội”, ông Thạch kiến nghị.
Theo ông Nguyễn Niên, ngư dân xã Phước Tỉnh, việc lắp thiết bị giám sát hành trình chủ yếu mua qua trung gian, có máy chỉ được bảo hành mấy tháng, thậm chí còn đang bảo hành đã bị lỗi kỹ thuật phải mang vào bờ chỉnh sửa. Có máy vừa mua về gắn được mấy ngày đã hỏng ngay, đem đi sửa họ “hét giá” bao nhiêu bà con cũng phải trả bấy nhiêu.
“Tàu tôi lắp mấy loại máygiám sát hành trình và sử dụng hai nhà mạng VNPT, Viettel, tuy nhiên, giá thuê bao của Viettel cao quá, tới hơn 300.000 đồng/tháng nên tôi đã có kiến nghị lên công ty nhưng đến nay vẫn chưa được phản hồi. Đồ điện tử rất dễ hư, nhất là khi ra khơi gặp nước biển, đang đi trên biển cũng chẳng sửa được, chúng tôi rất khổ vì máy giám sát hành trình kiểu này”. Ông Niên ngán ngẩm.
Ông Niên kiến nghị, khi tàu đang đi biển máy giám sát hành trình tàu nào bị hỏng nên cho phép gửi máy đó về bờ sửa, còn tàu vẫn tiếp tục bám ngư trường đánh bắt, vì cặp tàu cào đôi luôn có hai máy và bao giờ cũng đi cùng nhau không thể tách rời.
Ông Lê Xuân Khương, Giám đốc khối SMG, Viettel Bà Rịa – Vũng Tàu lại cho rằng, nhà mạng vẫn có thể giải quyết khi bà con ngư dân làm đơn xác nhận nguyên nhân không đi biển được Viettel mới có sở cứ để xem xét trong thời gian ngưng đó để không tính phí và khi kích hoạt lại sẽ không mất tiền.
Còn bà Nguyễn Kim Liễu, Công ty VNPT Bà Rịa – Vũng Tàu lại cho rằng, hiện tại hàng tháng ngư dân vẫn đóng cước VNPT không thể tự ngừng dịch vụ của bà con được. Nếu không đi biển bà con phải làm đơn yêu cầu tạm dừng dịch vụ cước phí hàng tháng chỉ phải thanh toán để duy trình sim hoạt động dịch vụ.

Việc mất kết nối của máy giám sát hành trình sẽ phát sinh nhiều hệ lụy đối với ngư dân và cơ quan chức năng quản lý phương tiện nghề cá theo qui định của pháp luật. Ảnh: Minh Sáng.
Điểm yếu lớn trong khắc phục “thẻ vàng”
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhằm bảo đảm nguồn hải sản khai thác hợp pháp, trước khi ra khơi, các tàu đánh bắt thủy sản xa bờ trên địa bàn tỉnh đều phải qua các khâu kiểm tra chặt chẽ của cơ quan chức năng.
Nếu phát hiện ngư dân tắt máy, đội phản ứng nhanh sẽ gặp trực tiếp yêu cầu chủ tàu điện thoại yêu cầu thuyền trưởng phải bật máy định vị, nếu cố tình sẽ xử phạt nghiêm, với mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Lê Tòng Văn cho biết, ngành thủy sản tỉnh đang tập trung thực hiện lộ trình chuyển đổi, chấm dứt loại hình tàu khai thác nghề lưới kéo. Thực hiện rút giấy phép hoạt động vĩnh viễn và xử phạt thật nặng đối với các tàu cá vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ khai thác Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho rằng, Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những địa phương có số lượng tàu cá lớn nhất cả nước, nhưng cũng là địa phương có nhiều yếu tố dẫn tới việc vi phạm tăng cao như: Mất cân đối số lượng tàu thuyền cộng chủ yếu là nghề lưới kéo, nghề có nguy cơ vi phạm cao nhất. Bên cạnh đó, ngư trường rộng lớn, giáp ranh với nhiều nước và số lượng tàu tỉnh ngoài vào bốc dỡ thủy sản trên địa bàn tỉnh rất lớn, lượng tàu dịch vụ hậu cần lớn.
Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ khai thác Thủy sản cho biết: Việc thanh tra, xử lý tình trạng vị phạm của Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn chưa quyết liệt, nhất là các vấn đề về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, lập danh sách tàu cá vi phạm nguy cơ cao, giấy xác nhận ghi chép số liệu ra vào cảng chưa được kiểm soát chặt chẽ chính là nguyên nhân khiến kết quả khắc phục “thẻ vàng” của tỉnh bị hạn chế.

Do tàu không ra khơi, mất nguồn thu nhập khiến ngư dân chán ngán với nghề biển truyền thống và muốn rao bán tàu để chuyển ngành nghề sinh kế. Ảnh: Minh Sáng.
Ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản) nhấn mạnh: “Giám sát hành trình là thiết bị quản lý tàu cá hoạt động khai thác hải sản, là cơ sở quan trọng để hỗ trợ các chính sách cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Việc mất kết nối sẽ phát sinh nhiều hệ lụy đối với ngư dân và cơ quan chức năng trong quản lý phương tiện nghề cá theo qui định của pháp luật”.
Còn theo ông Phan Thạch, Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá là hoàn toàn hợp lý nhưng thực tế thời gian qua, không ít tàu cá bị vô hiệu hóa thiết bị giám sát khi đánh bắt ở vùng biển. Theo quy định, những trường hợp này chủ tàu nếu không khắc phục trong thời gian cho phép di chuyển tàu vào bờ cũng khó cho ngư dân.
Theo phân tích của ông Thạch, trung bình một chuyến tàu chi phí khoảng 1,2 tỷ đồng, gồm: Tiền thuê tài công, bạn và nhiên liệu hoạt động phương tiện. Nếu mới ra biển khai thác chỉ vài ngày, tàu mất tín hiệu phải di chuyển vào bờ rất khó khăn và tốn kém, thậm chí lỗ vốn. Hơn nữa, ngư dân đi cào không am hiểu về điện tử, do đó khi thiết bị hư hỏng hay sự cố không hoạt động chủ tàu không tự xử lý được mà phải chạy vào bờ nhờ nhà mạng cung cấp để xử lý gây tốn kém, thiệt thòi cho người dân.
“Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến lên cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết. Đề nghị phía các công ty phân phối máy giám sát hành trình tàu cá phải cung cấp những loại máy đạt chuẩn, có bảo hành và phải có trách nhiệm sửa chữa hay đổi máy mới cho ngư dân nếu lỗi thuộc về hệ thống thiết bị. Các nhà mạng cũng cần phải kiểm tra đảm bảo chất lượng đường truyền tín hiệu liên tục để giúp ngư dân kết nối tốt khi đang đánh bắt trên biển. Chính quyền, cơ quan quản lý cũng phải giúp dân để đảm bảo việc đó cho ngư dân an tâm”. Ông Thạch kiến nghị.
“Thời gian qua, tình hình tàu cá ngư dân trên toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài so với những năm trước giảm đáng kể, tuy nhiên vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, riêng đầu năm 2022 đã xảy ra 1 vụ/3 tàu cá/25 thuyền viên bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ”, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết.
Minh Sáng – Nguyễn Thủy
***
Thiết bị giám sát hành trình “hành” ngư dân – Rào cản gỡ “thẻ vàng” – Kỳ 7: Nhà mạng VNPT xập xí xập ngầu trong tính cước
NN – Thứ Tư 15/06/2022 , 09:12
Lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá của VNPT, ngoài cước dịch vụ 250.000đ/tháng, cuộc gọi từ bờ bên nghe phải trả 11.000đ/phút, thậm chí không gọi, không nghe cũng phát sinh cước.
Kỳ 6: Ngư dân, địa phương, nhà mạng đổ lỗi vòng quanh
Kỳ 5: Khó khăn chồng chất, ngư dân đồng loạt rao bán tàu!

Bình Định có hơn 3.200 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Ảnh: ĐT.
Trục trặc 1 lần chậm tiền hỗ trợ hơn năm
Bình Định là tỉnh dẫn đầu trong lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá dài từ 15m trở lên trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ với gần 3.200 chiếc. Hầu hết ngư dân Bình Định đều lắp thiết bị giám sát hành trình của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), số ít còn lại lắp thiết bị của Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn và một số nhà cung ứng khác.
Chiếc tàu hậu cần nghề cá vỏ gỗ mang số hiệu BĐ 94555 TS (740CV) của chị Kim Thị Thủy, vợ của ngư dân Đặng Thành Được ở thôn Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, Bình Định) được lắp thiết bị giám sát hành trình của VNPT. Trò chuyện với PV NNVN, chị Thủy rất bức xúc về chuyện 1 lần trục trặc của thiết bị giám sát hành trình mà tàu cá của chị bị chậm nhận tiền hỗ trợ nhiên liệu tính đến nay đã 15 tháng.
Chị Thủy kể: Ngày 25/3/2021, tàu hậu cần nghề cá của vợ chồng chị đang hoạt động thu mua hải sản ngoài khơi, nhưng do mất tín hiệu nên không chuyển được tin nhắn về bờ. Do tàu bị mất tín hiệu, nên ngành chức năng không công nhận chuyến biển ấy tàu hậu cần nghề cá của vợ chồng chị Thủy có hoạt động trên biển, đồng nghĩa vợ chồng chị Thủy mất đứt khoản tiền hỗ trợ nhiên liệu 100 triệu đồng (đối với tàu công suất lớn).
Không cam lòng, chị Thủy làm đơn trình bày gửi chính quyền địa phương các cấp, Chi cục Thủy sản, Sở NN-PTNT Bình Định và VNPT Bình Định. Sau gần 2 tháng kiểm tra, ngày 22/7/2021, nhân viên của Trung tâm Kinh doanh VNPT tại Bình Định đã làm giấy xác nhận cho tàu hậu cần nghề cá mang số hiệu BĐ 94555 TS của vợ chồng ngư dân Đặng Thành Được ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ).
Tại thời điểm kiểm tra trên hệ thống giám sát hành trình VNPT-VSS của Tập đoàn VNPT, tàu hậu cần nghề cá của anh Đặng Thành Được có tín hiệu đầy đủ từ ngày 11/3/2021 đến ngày 25/3/2021. Căn cứ xác nhận của VNPT, đến tháng 9/2021, Chi cục Thủy sản Bình Định mới làm hồ sơ hỗ trợ nhiên liệu cho chuyến biển ấy của tàu hậu cần nghề cá BĐ 94555 TS của vợ chồng anh chị Được Thủy. Ấy vậy mà mãi đến nay đã gần cuối tháng 6/2022, vợ chồng chị Thủy vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ của chuyến biển bị trục trặc tín hiệu từ ngày 25/3/2021.
Theo chị Thủy, trước đây, ngành chức năng quy định mỗi giờ đồng hồ tàu cá hoạt động xa bờ phải chuyển tin về bờ 1 lần, sau này thời gian chuyển tin về bờ được giãn ra 3 tiếng đồng hồ, bây giờ thì giãn rộng hơn đến 6 tiếng đồng hồ mới chuyển tin 1 lần. Nếu trong thời gian quy định mà tàu cá không chuyển tin về bờ là chuyến biển ấy không được xác nhận, chủ tàu kể như mất tiền hỗ trợ nhiên liệu chuyến biến đó.
“Sau chuyến biển cuối tháng 3/2021, do trục trặc thiết bị giám sát hành trình nên vợ chồng tôi không được nhận tiền hỗ trợ, phải vay nóng bên ngoài 100 triệu đồng để làm phí tổn cho chuyến biển mới. Vay nóng phải chịu lãi suất khủng lắm, vay 100 triệu mỗi tháng phải trả lãi 5 triệu đồng. Hồi đó tiền dầu còn thấp, mới gần 20.000đ/lít, mỗi chuyến biển tàu của tôi tiêu hao nhiên liệu hết 1.000 lít dầu, vị chi là gần 20 triệu đồng. Thuê 2 người đi để khi ra khơi vận chuyển hải sản từ tàu cá bạn hàng về tàu hậu cần của mình mất 5 triệu đồng/người/chuyến biển nữa. Mua lương thực, thực phẩm, đá lạnh để ướp cá mất thêm mấy chục triệu đồng. Chật vật ghê lắm nên sau đó vợ chồng tôi phải cho tàu nằm bờ”, chị Kim Thị Thủy than thở.

Trước đây, quy định cách 1 tiếng tàu cá đánh bắt ngoài khơi phải nhắn tin về bờ 1 lần, sau thời gian nhắn tin giãn ra 3 tiếng, giờ giãn thêm 6 tiếng. Ảnh: ĐT.
Ngư dân chóng mặt vì ma trận các loại cước phí thuê bao
Không chỉ ca thán về chuyện thiết bị giám sát hành trình tàu cá của VNPT bị trục trặc gây khó cho hoạt động của ngư dân, chị Kim Thị Thủy còn bức xúc về chuyện VNPT ăn gian cước dịch vụ.
Chị Thủy kể: Thiết bị giám sát hành trình tàu cá của nhà cung cấp VNPT trước kia chỉ hơn 24 triệu đồng/chiếc, thế nhưng hiện nay thiết bị này đã tăng giá đến 30,5 triệu đồng/chiếc.
Trước khi ký hợp đồng sử dụng, khách hàng được nhân viên Trung tâm Kinh doanh VNPT tại địa phương mời đến dự họp. Tại cuộc họp, nhân viên Trung tâm Kinh doanh VNPT thông báo cước dịch vụ hàng tháng mỗi thiết bị phải trả là 250.000đ/thiết bị. Nếu người nhà gọi cho người thân đang hoạt động trên tàu cá thông qua thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ấy phải trả thêm cước vệ tinh phát sinh là 11.000đ/phút.
“Do tốn tiền nhiều quá nên mỗi chuyến biển tôi chỉ dám gọi cho chồng 3 cuộc để hỏi thăm tình hình thu mua hải sản, mỗi cuộc gọi chỉ 1-2 phút là cùng. Mỗi chuyến biển kéo dài khoảng 1 tháng tôi chỉ gọi 3 cuộc, tính thêm cước vệ tinh phát sinh, thiết bị trên tàu của tôi phải trả thêm 100.000đ/tháng nữa là cùng, cộng với cước dịch vụ 250.000đ/tháng, vị chi mỗi tháng thiết bị trên tàu cá của vợ chồng tôi phải trả cho VNPT 350.000đ. Thế nhưng, tháng nào phiếu thanh toán cước phí thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá của vợ chồng tôi cũng đội lên 400.000đ – 600.000đ/tháng”, chị Thủy nghi ngờ.

Tin nhắn thể hiện ngày giờ, tọa độ tàu BĐ 94555 TS của vợ chồng chị Thủy trên trên hệ thống giám sát hành trình VNPT-VSS của Tập đoàn VNPT. Ảnh: ĐT.
Chưa hết, sau chuyến biển vào cuối tháng 3/2021, tàu hậu cần nghề cá của vợ chồng chị Thủy bị trục trặc thiết bị giám sát hành trình không chuyển tin vào bờ được nên không nhận được tiền hỗ trợ nhiên liệu. Tháng 4/2021, vợ chồng chị đành cho tàu nằm bờ, nên cắt thuê bao thiết bị giám sát hành trình.
Tuy tàu nằm bờ, thiết bị không hoạt động, nhưng VNPT vẫn thu của vợ chồng chị mỗi tháng đóng 49.000đ. Đến ngày 25/3/2022, vợ chồng chị Thủy làm đơn yêu cầu kết nối lại thiết bị để cho tàu ra khơi hoạt động. Chỉ còn 5 ngày nữa là hết tháng 3, dù tàu vẫn còn nằm bờ chưa ra khơi, nhưng VNPT vẫn thu tiền cước nguyên tháng 3/2021 là 350.000đ, dù trong 5 ngày ấy tàu còn nằm bờ nên thiết bị không gọi, không nghe cuộc nào.
Thấy tiền cước sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá của mình đội lên phi lý, chị Thủy gọi cho nhân viên kinh doanh VNPT để phản ánh. Lần gọi thứ nhất chị Thủy được trả lời là để họ kiểm tra, rồi không thấy trả lời. Gọi lần 2 chị Thủy cũng được trả lời là để kiểm tra, sau đó cũng không thấy hồi âm. Lần thứ 3 chị Thủy gọi được nhân viên kinh doanh VNPT trả lời: “Đó là tiền phí”, trong khi chị Thủy không biết đó là phí phải trả về khoản nào.
Không chỉ có tàu hậu cần nghề cá của vợ chồng chị Thủy bị VNPT ăn gian cước, anh chồng chị Thủy là ngư dân Đặng Thành Công (người cùng địa phương) đang sở hữu 4 chiếc tàu cá chuyên hành nghề mành rút cũng lâm cảnh tương tự.
Chị Thủy kể thêm: “Anh chồng của tôi thường than thở là dù 4 tàu cá của anh nằm bờ, nhưng VNPT vẫn thu cước mỗi thiết bị giám sát hành trình trên 4 chiếc tàu cá của anh hơn 1 triệu đồng/tháng/tàu, có chiếc mỗi tháng phải đóng đến 5-6 triệu đồng mà không biết tiền gì. Tàu cá của em gái ruột của tôi cũng lâm cảnh tương tự.
Trước phản ánh của ngư dân, ông Nguyễn Công Bình, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Bình Định cho biết, sẽ cho người về các địa phương xác minh, nếu có sự việc ấy, Chi cục sẽ làm việc với VNPT Bình Định để tìm hiểu nguyên nhân vì sao có những khoản cước phát sinh bất hợp lý ấy.

Giấy xác nhận tàu BĐ 94555 TS của vợ chồng chị Thủy có tín hiệu đầy đủ từ ngày 11/3/2021 đến ngày 25/3/2021 của VNPT Bình Định. Ảnh: ĐT.
“Đi biển bây giờ đói lắm, chuyến nào may mắn chỉ đủ tổn (các loại chi phí). Dầu đang tăng giá cao ngất, ấy vậy mà nếu thiết bị giám sát hành trình trục trặc, ngư dân không nhận được tiền hỗ trợ nhiên liệu sẽ bỏ biển hết, chẳng ai còn dám cho tàu ra khơi”, ngư dân Nguyễn Văn Sen, chủ 2 tàu cá BĐ 96785 TS và BĐ 97424 TS ở xã Hoài Thanh (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), bộc bạch.
“Hiện trên địa bàn tỉnh có 649 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình của 5 đơn vị cung cấp khác nhau. Trong đó, giá của các thiết bị giám sát hành trình dao động khoảng từ 20 đến trên 30 triệu đồng, cao nhất là của hãng VNPT. Do thiết bị này có thêm điện thoại vệ tinh nên mức giá lắp đặt xong khoảng hơn 30 triệu đồng. Dù giá cao như vậy, nhưng nhìn chung việc chăm sóc khách hàng của các hãng thiết bị này vẫn chưa được tốt khi đều giao cho các đại lý lắp đặt. Tuy nhiên, khi lắp xong hầu như các đại lý hết trách nhiệm ngư dân bị bỏ rơi. Mặc dù trong thời gian bảo hành nhưng khi thiết bị hỏng hóc, có sự cố việc liên hệ sửa chữa của ngư dân gặp rất nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Đình Toàn, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam.
Đình Thung – Lê Khánh