Quán tính

Chào các bạn,

Nếu bạn đang buồn, bạn thích đọc những tin buồn, những truyện buồn, dù rằng đọc vào thì lại càng làm bạn buồn hơn, nhưng bạn vẫn thấy thấm thía hơn. Nếu bạn đang vui, có lẽ bạn thích nghe nhạc rock. Nếu bạn đang bực mình, có lẽ bạn thích xem phim kungfu đấu đá hay đấu UFC.

Tâm trạng chúng ta thường định hình điều gì ta thích. Ngày nay thiên hạ thường bức xúc với đủ thứ chuyện mỗi ngày, cho nên đôi khi thấy có người cãi nhau và đánh nhau, nhiều người còn hùa theo: “Đánh chết mẹ nó đi,” thay vì can ngăn.

Những bức xúc cá nhân thường trở thành những vấn đề xã hội như thế. Chính vì vậy mà chúng ta thấy khi một cá nhân bị “nổ”, như là một người đang ghen, đốt nhà người yêu, thì có thể cả một khu phố bị hỏa hoạn lớn.

Vấn đề chính cho mỗi cá nhân chúng ta là ta cần biết cách hiểu được tâm trí mình để kiếm soát tâm trí mình. Nếu bạn có nhiều tham sân si, bạn sẽ thích tám chuyện tham sân si, nghe và đọc điều tham sân si, suy tưởng và tranh luận kiểu tham sân si, triết lý lấy tham sân si làm nền cho trí tuệ sống. Nói chung là: Vì bạn đang có tham sân si bạn muốn nhìn thêm, nghe thêm, đọc thêm, hiểu thêm tham sân si; những cách nói và cách sống ngược lại – chống tham sân si – thì bạn chẳng thích nghe.

Đó là lý do tại sao các vị thầy lớn đã từng đến thế gian nhiều lần giảng dạy chống tham sân si, nhưng thế giới loài người thì hình như không thay đổi, và có vẻ như đi theo chiều ngược lại. Con người ngày xưa tham sân si ở mức làng xã, con người ngày nay tham sân si ở mức toàn cầu và có lẽ đang chuyển lên mức vũ trụ, khi người ta bàn tính làm thế nào để chiếm hữu những hành tinh khác, những thiên hà khác.

Lý do cho tình trạng không chuyển đổi được, hay là đi ngược dòng tâm linh, phần lớn là vì con người thường chỉ thích nhìn, nghe, nói, học những gì mình đang có sẵn. Không phải là học điều mới, mà là học lại điều cũ, để làm những điều cũ của mình mạnh mẽ hơn trong lòng mình.

Nếu bạn không nghe theo quán tính của mình và luôn có óc tìm hiểu những điều lạ và mới đối với mình, thì có cơ may là quán tính của bạn không chỉ huy bạn, và bạn chỉ huy và chuyển đổi quán tính của bạn.

Nhưng điều này, nói thì dễ, làm thì khó cho cả trò lẫn thầy. Những người làm thầy giáo cô giáo một thời gian đều có kinh nghiệm mỗi trò đều có một cách sống, và thường là bạn chẳng thay đổi cách sống đó được – thầy nói mặc thầy, trò làm mặc trò. Và đó là nói đến trẻ em, khi các em chưa có quán tính mạnh và đầu óc sẵn sàng mở rộng cho thầy cô. Với người lớn tuổi hơn, quán tính đã rất mạnh và thường là chẳng có thầy cô nào dạy cách sống (ngoại trừ các thầy cô dạy các môn khoa học), thì quán tính của họ chỉ huy cuộc đời họ. Rất nhiều người chẳng thể học thêm được điều gì dù bạn có cố gắng giảng cho họ như Bồ tát.

Các bố mẹ đều hiểu điều này: Phần lớn bố mẹ có con vị thành niên trở lên là hên xui may rủi. Mỗi đứa có cá tính và quán tính riêng, bố mẹ muốn nói gì làm gì thì con cũng cứ nhất định là con, chẳng thay đổi, chẳng nhúc nhích rục rịch.

Cuộc đời nó vậy. Cho nên con người si mê nhưng hoàn toàn chẳng biết mình si mê. Si mê luôn được để dành cho người khác.

Dù sao thì vấn đề rất dễ giải quyết cho những người có đầu óc mở rộng, luôn đi tìm những chân lý nền tảng. Nếu bạn tìm thì sẽ thấy. Đó là người thuộc bậc “thượng căn” – gốc rễ cao.

Nhưng phần lớn mọi người chẳng đi tìm gì sâu sắc. Họ tìm những thứ dễ tìm hơn, như tiền bạc, tài sản, danh tiếng, quyền lực…

Và đó là câu chuyện muôn thuở của loài người.

Chỉ là, nếu bạn thông thái, bạn không muốn đó là câu chuyện của bạn.

Chúc các bạn luôn thông thái.

Mến,

Hoành

© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s