Chào các bạn,
Chiến lược gia Tôn tử có câu, tóm gọn lại là: “Biết ta biết người, trăm trận trăm thắng.” (Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bất đãi; bất tri bỉ tri kỷ, nhất thắng nhất phụ, bất tri bỉ bất tri kỷ, mỗi chiến tất đãi). Tuy nhiên, người ta ít khi nghĩ rằng, nếu mình đủ khả năng biết mình rất rõ, thì mình thường cũng đã hiểu rõ “đối thủ” rất rõ. Nghĩa là, biết mình thì mình thường biết người.
Tại sao?
Tại vì con người tư duy rất giống nhau vì cùng chủng loại và khác nhau chỉ là phần nhỏ tí ti. Thường thì ai cũng tham sân si (tham lam, sân hận, si mê), thất tình lục dục. [Thất tình (7 tình cảm): hỉ nộ ái ố ai lạc dục – mừng, giận, yêu, ghét, buồn, vui, ham muốn. Lục dục (6 ham muốn): sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục, xúc dục, pháp dục (màu sắc, âm thanh, hương thơm, vị ngon, tiếp xúc xác thân, ý tưởng)]. Cho nên, mọi người có khuynh hướng tư duy và hành động như nhau, chỉ khác nhau một chút xíu tùy theo mức độ của xúc cảm đây đó.
Nếu chúng ta hiểu được chính mình rất rõ, chúng ta có thể hiểu mọi người rất rõ, và do đó có thể hiều được tại sao họ làm gì, họ muốn gì, và họ có thể sẽ làm gì tiếp nếu điều gì xảy ra… Đó chính là tư duy chiến lược.
Đương nhiên điểm chính là muốn hiểu đối thủ ta phải đặt mình vào tình cảnh đối thủ, và hỏi: “Nếu tôi là hắn thì tôi sẽ tính gì, làm gì?” Và “Nếu tôi là hắn” có nghĩa là ta phải đặt ta vào “đôi giày” của hắn (put yourself in his shoes) để cố thể suy nghĩ như là chính đối thủ suy nghĩ, thì chiến lược may ra mới chính xác.
Các nhà chiến lược tài ba thường có khả năng hiểu được lịch sử, tâm tính và thói quen của đối thủ, để có thể đặt mình vào giày đối thủ một cách dễ dàng.
Đương nhiên là không phải lúc nào bạn cũng đoán trúng, cho nên chiến lược cần uyển chuyển. Khi thấy một bước đi không mang lại kết quả mình muốn, hay có vẻ bất ổn, thì mình đã có cách chuyển bước tính trước rồi. Kiểu như đánh cờ tướng, luôn tính một lúc hai ba tình huống khác nhau.
Hơn nữa, khi bạn hiểu rõ đối thủ, bạn thường sẽ muốn tính chuyện hòa bình hơn là chiến tranh, vì bạn hiểu được tại sao đối thủ hành động thế này, thế kia. Chiến lược trở thành chiến lược giải hòa và thân thiện hơn là đánh nhau ì đùng, và kết quả thì tốt hơn chiến tranh rất nhiều, vì hai bên cùng hợp tác để hai bên cùng có lợi.
Nhưng dù sao thì vấn đề vẫn trở lại mấu chốt ban đầu: Bạn phải hiểu được chính bạn rất rõ, để bạn có thể hiểu được đối thủ rất rõ. Nếu bạn không hiểu bạn cực rõ thì bạn chẳng hiểu ai khác được.
Và nói về hiểu chính mình, mọi người có thể cho đó là việc dễ nhất thế giới: “Tui mà không hiểu tui, thì thế giới còn ai hiểu tui?”
Tuy nhiên, sự thật là đa số người trên thế giới chẳng hiểu chính họ: Họ tham lam nhưng luôn thấy mình rộng lượng, giành giật nhưng luôn thấy mình dũng cảm, nói dối sáng đến tối nhưng luôn thấy mình thông minh, lười biếng nhưng luôn thấy mình thư thái, áp bức nhưng luôn thấy mình kỷ luật… Nói chung, mình là quỷ vương (Satan) nhưng luôn thấy mình là Tổng lãnh Thiên thần Mi-ca-e (Arch-Angel Michael).
“Nếu tui không là thiên thần trước mắt tui, thì còn ai có thể nhận ra tui là thiên thần được?” chúng ta nói thế với chình mình. Yeah, yeah, yeah, yes, sir!
Phần lớn người của thế giới có ảo tưởng về con người thánh thiện của chính họ. Chính vì vậy mà thế giới tồi. Ai cũng chẳng biết mình tồi thì chẳng ai muốn chỉnh sửa gì cả. Ngược lại, ai cũng thấy mình gương mẫu, đáng cho con cháu học theo. Thế thì thế giới sống sao nổi?
“Biết mình” đòi hỏi chúng ta thành thật với chính mình, rất thành thật với chính mình, và có kỷ luật đủ để không tự lừa dối mình. Mình phải đủ khiêm tốn và thông thái để biết mình mạnh yếu, tốt xấu thế nào, tư duy chính trực rõ ràng hay lươn lẹo thế nào… Hiểu mình rất rõ thì mình mới đủ sức để hiểu người rõ người khác.
Chúng ta chỉ hiểu được loài người và thế giới khi ta hiểu được chính mình. Không hiểu được chính mình thì thế giới và loài người đều rất mông lung, mờ ảo, và bí ẩn.
Thiên hạ ngày nay chẳng hiểu được bí quyết “biết mình biết người.” Chiến lược gia, kể cả ở cấp quốc tế, chỉ tập trung vào một điều là biết người bằng tình báo, không bằng trí tuệ. Các bạn, tình báo chỉ là tin tức vặt vãnh, biết được tâm hồn và tư duy của một người không phải là chuyện tình báo lặt vặt, mà là trí tuệ thâm sâu của chính đầu óc chúng ta.
Ở mức tướng, biết đối thủ tức là biết cá tính và tư duy chẳng chỉ của tướng đối thủ, và còn còn cá tính và tư duy của cả quốc gia đối lập với mình. Đó không phải là chuyện tình báo, mà là trí tuệ, loại trí tuệ mà nhà Phật gọi là lục thông [6 thông thái – thiên nhãn thông (mắt trời), thiên nhĩ thông (tai trời), thần túc thông (chân thần, đến được mọi nơi, vượt qua mọi rào cản), tha tâm thông (hiểu lòng người), túc mạng thông (hiểu được vận mạng – cơ duyên – của mình và của người), lậu tận thông (hết bẩn trong tâm)]. Trong lục thông thì lậu tận thông (hết bẩn) là điều quan trọng nhất vì, khi lòng bạn tinh khiết những thứ khác mới tinh khiết, như mắt, mũi, tư duy… cho bạn.
Cho nên, các bạn, muốn biết mình, biết người, và biết thế giới, hãy tập trung vào biết mình – biết chính xác và chân thật. Và mình sẽ biết mọi người và thế giới sau đó.
Nếu mình không biết rất rõ chính mình, thì đừng mong biết được ai khác. Và đừng mong vào tình báo lặt vặt giúp bạn. Trí tuệ siêu phàm rộng rãi và đầy đủ đòi hỏi trái tim khiêm tốn và cố gắng hiểu “người kia”, không phài là nhắm mắt tuyên truyền một chiều lăng nhăng, chẳng chịu học hỏi sự thật về người kia, và xem cứu tinh là những mảnh vụn nghe lén, nhìn lén. Come on, thế giới thông thái và phức tạp hơn là những trò chơi con nít.
Chúc các bạn luôn thông thái.
Mến,
Hoành
© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com