Mình mới xem bộ phim khoa học viễn tưởng – The Tomorrow War, ra mắt rất gần đây năm 2021. Thường thì mình không rảnh tự nhiên xem phim thể loại này nếu không có sự vụ gì đặc biệt muốn xem. Mình tình cờ xem được là do cháu mình học cấp 3, cần xem phim này để làm bài tập viết luận cảm nhận review phim.
Bối cảnh bộ phim, thế giới năm 2020 – con người nhận được lời khẩn cầu cứu trợ từ những chiến binh ở năm 2050, tương lai 30 nữa. Mở đầu phim một đoàn chiến binh đột nhiên hiện ra ở ngay giữa sân của một trận bóng và kêu gọi tuyển mộ chiến binh khẩn cấp gửi đến tương lai năm 2050, để chống lại sinh vật ngoài hành tinh – aliens.
Đoàn chiến binh nói con người năm 2020 là hy vọng cuối cùng của trái đất nếu không muốn bị hủy diệt vào năm 2050, thời điểm đó sinh vật ngoài hành tinh đã gần như đánh bại thế giới loài người.
Sau lời kêu gọi, chính phủ toàn cầu huy động lực lượng, không phân biệt giới tính, gửi chiến binh đến tương lại, nhưng chỉ chọn người trên 30-40 tuổi. Thời hạn nghĩa vụ “đi lính” của mỗi chiến binh là 1 tuần, sau khi hết 1 tuần nếu còn sống, họ sẽ được thiết bị tự động trả về trái đất năm 2020 (một kiểu máy thời gian).
Để tham chiến, máy thời gian sẽ thả mỗi nhóm chiến binh đến nơi cần trợ giúp nhưng không ai biết trước mình sẽ đến đâu. Chỉ khi đến nơi, liên lạc được với tổng chỉ huy mới biết được đang ở đâu và cần làm gì tiếp.
Điều đáng sợ hơn là, nhiều ngày trôi qua, dân tình năm 2020 biết được chỉ 30% sống sót trở về từ 2050 và không ai muốn đầu quân cho cuộc chiến rất vô vọng này.
Nhân vật chính, Dan, là một thầy giáo dạy khoa học vật lý, từng là lính. Cùng với nhóm của anh, sau 1 tuần “nghĩa vụ” chiến đấu tại năm 2050, Dan và một số đồng đội sốt sót trở về năm 2020. Nhóm của Dan khi trở về đã phát hiện sự thật kinh hoàng rằng quái vật ngoài hành tinh thống trị năm 2050, chính là những sinh vật được con người năm 2020 đang nuôi dưỡng để làm vũ khí trong nhiều năm nay. Và nơi chứa sinh vật này là một hầm bí ẩn tại Bắc Cực thuộc Liên Bang Nga. Té ra sinh vật hay quái vật “ngoài hành tinh” chẳng phải ở đâu xa mà từ trái đất mà ra!
Dan mang phát hiện này đề xuất với quân đội chính phủ và xin trợ giúp gửi người đến hầm bí mật đó để tiêu diệt sinh vật này, nhưng bị từ chối. Dan không bỏ cuộc, quyết định với nhóm bạn đến Bắc Cực đó để tìm cách tiêu diệt những sinh vật này trước khi nó thống trị trái đất trong tương lai.
Điều thú vị đó là, phát hiện này có được là do nhóm chiến binh cùng Dan có người đã lấy trộm một cái móng vuốt của sinh vật này năm 2050 mang về năm 2020 để… làm kỷ niệm. Sau đó nhờ xét nghiệm và họ phát hiện đây là một mẫu hoá thạch có nguồn gốc ở miệng núi lửa tại Nga nhưng phát hiện ở nơi không hề có núi lửa.
Dan mang việc này hỏi một cậu học sinh mọt sách biết tuốt về núi lửa. Lời giải cho bí ẩn khá đơn giản là sinh vật này có nguồn gốc từ trong miệng núi lửa đang nguội và nằm dưới lớp băng tại Bắc Cực. Khi băng tan ra, núi lửa có thể hoạt động trở lại hoặc cùng với các vụ nổ bom hạt nhân, những vụ nổ này dẫn đến những tế bào sinh vật này cùng với tro bụi bắn tung toé toàn cầu. Những sinh vật hủy diệt này do đó được phát tán toàn thế giới.
Bộ phim đưa ra thông điệp rất rõ về biến đổi khí hậu – climate change, hậu quả của băng tại hai cực trái đất tan là các vi khuẩn cả triệu năm nằm trong băng sẽ được phát tán và đương nhiên khoa học hiện tại vẫn chưa hề và không thể khám phá hết sự tồn tại của những vi khuẩn hay sinh vật này vào những năm 2020s.
Không hề xa xôi, thế giới con người chúng ta đã và vẫn sẽ còn chứng kiến những dịch bệnh như COVID và còn nhiều dịch bệnh khác, và tiếp tục đối phó với những vi khuẩn, sinh vật và dịch bệnh mà con người chưa hề biết đến.
(Trên internet phim này hầu hết bị đánh giá trung bình về mặt điện ảnh. Mặt khác thì mình cho rằng phim làm cho đối tượng là học sinh, thiếu niên nhà trường thì như vậy là cũng đủ. Nếu làm phim hàn lâm sâu sắc phức tạp quá chỉ có người lớn xem không thể thu hút được người trẻ để truyền đạt thông điệp và giáo dục về các vấn đề toàn cầu.)
Nhìn lại thế giới con người ngay lúc này, hội nghị khí hậu toàn cầu COP hàng năm đang diễn ra. Và nhiều năm nay, các nước vẫn tranh luận, cãi nhau, đổ lỗi và chỉ ngón tay vào nhau, ai gây nên và ai chịu trách nhiệm cho hậu quả biến đổi khí hậu. Cả thế giới đều hành xử như những kẻ thua cuộc trước khi ra trận, không nước nào chịu nhận trách nhiệm lãnh đạo trong cuộc chiến biến đổi khí hậu. Trong khi đó trái đất tiếp tục nóng lên, nước biển dâng và các nước đảo nhỏ, các nước nghèo, thì tiếp tục chìm dần dưới nước biển.
Bạn có nhận thấy điều này, bộ phim dùng hình ảnh “alien” – sinh vật ngoài hành tinh – gốc tiếng Latin là outsider, nói chung là bất cứ cái gì bên ngoài, những thứ ngoại bang, mà không phải là inside từ bên trong mà ra.
Có khi nào, bạn tự hỏi và thấy được ở chính mình trong vấn đề này, không chỉ biến đổi khí hậu mà mọi vấn đề của thế giới. Chúng ta đang có vấn đề của toàn thế giới, từ khủng hoảng biến đổi khí hậu, chiến tranh cho đến đến hành xử của mỗi con người. Chúng ta đang sống trong xã hội tự chối bỏ mình, bám vào thứ khác ngoài mình để đổ lỗi, chỉ để cố gắng tự phỉnh mình tôi không có trách nhiệm…
Từ cá nhân cho đến làng xóm, quốc gia đến toàn cầu, khi có khủng hoảng, khó khăn, cãi lộn, mất mát, xung đột, điều thấy thường là việc chỉ ngón tay vào nhau, cố gắng tìm một cái cớ dù cái đó là một người, một sự vụ, một quốc gia khác. Không ai chịu nhận cái thứ khủng hoảng “ngoài hành tinh” chính là từ trong mình mà ra, chính là homegrown, tức là mọc từ trong ra. Không ai can đảm đứng lên nhận trách nhiệm chỉnh đốn cuộc sống của mình cho mình và cho thế giới ngay lúc này. Không ai muốn nhìn lại vào mình điều gì mình làm, điều gì nghĩ và diễn ra trong mình đã góp phần tạo ra hay giải quyết vấn đề này.
Có rất nhiều giải thích về mặt tâm lý rằng con người có xu hướng đổ lỗi những thứ ngoài mình vì sợ. Và có quá nhiều nỗi sợ hãi. Thế nhưng, điều quan trọng chúng ta cần tập trung ở đây là giải quyết vấn đề.
Để giải quyết vấn đề, chúng ta cần can đảm đứng lên tự nhận trách nhiệm của mình. Phải, mỗi người trong chúng ta cần can đảm nhận lấy trách nhiệm giải quyết các vấn đề của thế giới. Dù vấn đề đó có mình tạo ra hay không, chúng ta cũng chỉ tập trung vào giải quyết vấn đề, không chỉ ngón tay vào bất kỳ ai, và không than vãn. Hãy nói ít làm nhiều. Hãy đứng dậy và chiến đấu.
Chúng ta chiến đấu trong một cuộc chiến mà mỗi người chúng ta vừa là leader vừa là lính. Khi mỗi người tự giác làm điều cần làm để thế giới này trở nên tốt hơn thì các vấn đề của thế giới sẽ được giải quyết, và hơn thế nữa, sẽ giải quyết cực kỳ nhanh chóng. Nếu chúng ta cứ ngồi đó và chỉ ngón tay vào “kẻ gây ra chuyện”, và bực mình, và đợi chúng nó tự tay dọn dẹp đống rác chúng tạo ra, thì chúng ta sẽ chẳng giải quyết được gì, và thế giới này càng ngày càng tồi tệ hơn.
Thế nên, phải nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại: Chúng ta cần can đảm đứng lên tự nhận trách nhiệm của mình. Chúng ta cần chiến đấu trong một cuộc chiến mà mỗi người chúng ta vừa là leader vừa là lính, bất kể vấn đề đó có mình tạo ra hay không.
Và cuộc chiến, có lẽ đừng gọi đó là cuộc chiến ngày mai, vì thực ra đó là cuộc chiến hiện tại. Nếu hiện tại chúng ta chiến đấu và chiến thắng, sẽ không có cuộc chiến ngày mai. Đừng để ngày mai mới chiến đấu. Chiến đấu là chuyện sống chết, thế nên chiến đấu phải bắt đầu từ hôm nay, và bắt đầu từ mỗi chúng ta.
Các bạn, đúng vậy những khủng hoảng cực kỳ khó khăn đang xảy ra trên toàn thế giới là rất đáng sợ, và chúng ta nên sợ hãi. Không có một quốc gia nào thoát khỏi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biến dâng, dịch bệnh… Không một nơi nào an toàn hòa bình khi thế giới có chiến tranh, xung đột, vũ khí hạt nhân… và thế giới vẫn loay hoay không có giải pháp cho rất nhiều vấn đề khó khăn như vậy.
Các bạn, có một điều quan trọng hơn, những vấn đề của thế giới sẽ không đáng sợ đến vậy nếu mỗi cá nhân nhìn thấy trách nhiệm và sức mạnh của mình đóng góp trong đó. Nếu thầy giáo Dan và các bạn bỏ cuộc ngay từ đầu, cho rằng mình quá nhỏ bé, nghĩ rằng chỉ có chính phủ mới giải quyết được khủng hoảng thế giới thì thế giới đã bị hủy diệt từ lâu rồi. Mọi vấn đề của thế giới đều bắt đầu từ chính mỗi chúng ta và cũng sẽ giải quyết được từ chính cá nhân từng người. Các bạn không hề nhỏ bé.
Chúc các bạn thấy được trách nhiệm và sức mạnh của mình cho thế giới.