Chào các bạn,
Chúng ta có thói quen phân chia thế giới thành 2 cực đối nghịch – trắng đen, tốt xấu, thiện ác, âm dương, tôi versus chúng nó, tôi v. mọi người. Nhưng thực sự thì đó chỉ là ngôn từ. Cách dùng từ của chúng ta tự nhiên tạo ra cảm giác đối nghịch và tư duy đối nghịch đó.
Những người đã nhiều kinh nghiệm đời sẽ thấy thiện ác, tốt xấu, trắng đen thường chỉ có tính cách cục bộ – ví dụ hôn nhau giữa đám đông rất là ngứa mắt trong xã hội Việt Nam, nhưng ở Âu Mỹ thì đó chỉ là hành động diễn tả tình cảm bình thường như là vuốt tóc, hoặc đang ăn mà ợ thì rất bất lịch sự ở Âu Mỹ (và bạn phải xin lỗi ngay), nhưng ở các nước Trung đông thì ợ trong khi ăn là có nghĩa là mình thích món ăn, ăn ngon, và ăn thật tình – nhà chủ sẽ rất vui.
Vấn đề cũng như thế với “tôi” và “mọi người.” Trong ngôn ngữ, tập trung vào tôi là vị kỷ, chấp ngã, tập trung vào mọi người là vị tha, vô ngã. Vị kỷ và vị tha đối kháng nhau, chấp ngã và vô ngã đối kháng nhau. Và do đó đa số mọi người trên thế giới tư duy về con người và cuộc đời như những lực đối kháng nhau, những con người đối kháng nhau.
Nhưng nếu quan sát con người và thế giới một cách sâu sắc, chúng ta thấy thiện ác không thể chia chính xác con người thành hai khối: Lằn ranh phân chia thiện ác đi xuyên ngang trái tim mỗi người. Mỗi chúng ta có ác và thiện. Không thể phân chia thế giới thành hai khối người thiện ác, vì thế giới chỉ có một khối người xìu xìu ển ển, thiện thiện ác ác, chập chà chập chờn như nhau. Mọi người đồng hội đồng thuyền. Thế giới thực sự là như thế.
Vấn đề “tôi” và “mọi người” cũng như thế. Nếu bạn tập trung vào chăm lo cho bạn, đương nhiên là bạn loại bỏ mọi người (trừ bạn), và đó là vị kỷ hàng tổ sư. Nhưng nếu bạn tập trung vào mọi người, thì bạn chẳng loại bỏ ai cả, kể cả chính bạn, vì bạn cũng là một phần của “mọi người”. Nghĩa là khi bạn tư duy vị tha, bạn đặt thế giới vào một cụm người duy nhất gọi là “Mọi người”, trong đó có bạn. Thế giới không còn phân chia, đối kháng.
Điều này rất quan trọng cho tư duy tích cực. Khi bạn tư duy tích cực, thế giới trở thành cộng đồng của bạn, có bạn trong đó. Thế giới không còn là một lực đối kháng vĩ đại chống bạn lẽ loi cô độc. Bạn đã vượt được trên tư duy nhị nguyên đối kháng, và đã trở về căn nhà nhất nguyên của mọi chúng ta: Mọi chúng ta là một cộng đồng của thế giới.
Nguyên lý nhất nguyên – mọi chúng ta là một cộng đồng của thế giới – đã luôn là nền tảng cho những dòng triết lý sâu thắm nhất của con người: Mọi chúng ta là anh chị em do God/Allah/Brahma tạo dựng, hoặc mọi chúng ta đều đến từ một bản thể duy nhất gọi là Không, là những hiện tượng ngắn ngủi có thể thấy được của Không, và sau khi chết vẫn là Không.
Nhất nguyên và nhị nguyên không chỉ là chữ nghĩa hời hợt, mà chúng định hình tư duy đối kháng hay hòa bình của con người. Tây phương (kể cả Hồi giáo) tập trung và nhị nguyên đối kháng, cho nên luôn lấy chiến tranh để giải quyết những vấn đề lớn của thế giới. Đông phương lấy nhất nguyên – hòa hợp của hai cực – làm chủ đạo như trong Lão giáo, Ấn giáo, Kinh dịch (triết lý âm dương), cho nên ít có chiến tranh hơn Tây phương. (Hai cuộc Thế chiến I và II đều bắt đầu là các cuộc chiến của Tây phương, lan rộng ra thế giới. Và Thế chiến III – với Russia và Ukraine như thế – rất có thể lại cũng là một cuộc chiến Tây phương lan rộng).
Cho nên, các bạn, chúng ta cần vượt lên trên nhị nguyên. Suy nghĩ về cộng đồng loài người như là một, trong đó có ta. Tư duy nhất nguyên làm ta sáng ra, có thể trở về lại với Chúa, với Không – bản chất tuyệt đối khởi thủy của con người và vũ trụ – và giúp ta có tư duy tích cực, chính xác và khỏe mạnh, để kiến tạo đời mình một cách bền vững trong công trình phục vụ con người và thế giới.
Chúc các bạn luôn tư duy tốt.
Mến,
Hoành
© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com