Chào các bạn,
Đời sống tâm linh như là đi trên con đường bùn trơn trượt, lỡ một chút là có thể trượt ngã. Ngay cả khi mình làm mọi thứ đều đúng và cẩn thận, mình vẫn có thể trượt ngã như thường.
Sở dĩ như thế là vì hai lý do. Thứ nhất, đời luôn có những điều bất ngờ. Một chuyện gì bất ngờ xảy đến, như là một hòn sỏi nhỏ dưới bùn ta chẳng thấy, cũng có thể làm ta trượt. Thứ hai là cám dỗ – ta muốn làm đúng, nhưng có những điều cám dỗ ta làm sai. Cũng như người muốn thon thả, nhưng ăn ngon quá nên bị cám dỗ, không thể ngừng ăn, và cứ thế mà người phì ra.
Chúng ta bị cám dỗ bởi đủ thứ từ đầu ngày đến cuối ngày. Khách hàng mới phàn nàn một câu là bị cám dỗ phải mắng xéo khách hàng cho bỏ tức. Boss mới chỉ ra một điểm yếu của mình, thay vì cám ơn, mặt mày mình xụ xuống và nghĩ rằng boss đì mình. Ngày của ta luôn đi qua với nhiều cám dỗ như thế – ta muốn làm đúng nhưng thường bị cám dỗ làm sai.
Và chẳng khi nào ta hết bị cám dỗ. Chính Chúa Giêsu và Phật Thích Ca cũng bị ma quỷ cám dỗ. Chúa Giêsu bị cám dỗ khi ở trong hoang mạc 40 ngày trước khi hành đạo, và Phật Thích Ca bị cám dỗ lúc đang ngồi Thiền dưới cội bồ đề, trước lúc đạt đạo. Người đời sống tâm linh còn yếu thì bị cám dỗ bởi những chuyện vặt vãnh như ăn uống, nói năng. Người có đời sống tâm linh cao thì bị cám dỗ để mình cao ngạo, cảm thấy mình thánh thiện. Bạn càng trưởng thành tâm linh, cám dỗ càng cao và càng tế nhị, khó thấy.
Kinh sách thường nói kẻ cám dỗ là ma quỷ, ma vương, quỷ vương. Mình nghĩ rằng ma quỷ chỉ là biểu tượng cho những đòi hỏi thấp kém của con người. Tham sân si có hấp lực đối với con người, cho nên tham sân si cám dỗ chúng ta không ngừng trong mọi hình thức. Ma vương, quỷ vương là biểu tượng cho sự yếu đuối của con người, hơn là một anh chàng đen thui, đầu có sừng và cầm chỉa ba.
Kinh Lạy Cha (The Lord’s Prayer, lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu dạy các đệ tử), có câu: “Xin (Cha) chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi mọi sự dữ” – Don’t lead us into temptation but deliver us from the evil one. Bản tiếng Anh rất interesting: Don’t lead us into temptation có nghĩa là [Xin Cha] đừng dẫn chúng con vào cám dỗ. Ý nói rằng Thượng đế/God/Thiên Chúa dẫn chúng ta tới cám dỗ, không phải là quỷ dẫn đường.
Đây là một khái niệm thần học cực kì sâu sắc: Cám dỗ là do God đưa đến cho ta. Để làm gì? Để luyện tập cho ta vững mạnh chống cám dỗ, như là lính mới trong quân trường được đưa đến những hoàn cảnh khó khăn để có thể trở thành lính có kinh nghiệm.
Thánh kinh kể lại chuyện Chúa Giêsu bị cám dỗ: “Rồi Giêsu được Thánh linh dẫn vào hoang mạc để cho chúa quỷ cám dỗ. Sau khi nhịn ăn 40 ngày và 40 đêm, Người đói. Kẻ cám dỗ đến với Người và nói: ‘Nếu ông là Con của Chúa Trời, hãy bảo những hòn đá biến thành bánh mì.’” (Then Jesus was led by the Spirit into the wilderness to be tempted by the devil. After fasting forty days and forty nights, he was hungry. The tempter came to him and said, “If you are the Son of God, tell these stones to become bread.” Matthew 4:1-3).
Có hai người dính líu đến việc cám dỗ Giêsu. Một là Thánh linh, tức là chính God, người dẫn đường, và hai là chúa quỷ, kẻ cám dỗ. Trong Thánh kinh chúa quỷ làm việc như là trợ lý của God, làm việc cám dỗ cho God để cám dỗ con cái God. Trong sách Job ở Cựu Ước, Satan (chúa quỷ) cũng làm việc cho God, được God cho cám dỗ Job bỏ God bằng cách đưa đến cho Job rất nhiều tai họa lớn như mất hết vợ con, tài sản và trở thành bệnh hoạn lở lói. Nhưng Job vẫn trung thành với God.
Khái niệm thần học “chúa quỷ là trợ lý của God” trong việc cám dỗ con người rất là interesting. Chúa quỷ không phải là kẻ chỉ đi làm bậy, mà là trợ lý của God. Đây cũng rất giống Ông Thiện Ông Ác, hai ông đứng trước cửa các đền thờ trong văn hóa Việt.
Những điều này cho thấy, dù kẻ cám dỗ thường bị gọi là chúa quỷ, đó chẳng là người xấu mà chỉ là huấn luyện viên huấn luyện chúng ta. Hay đó là chính chúng ta, cái phần yếu kém dễ bị cám dỗ trong chúng ta, chứ chẳng phải ai xa lạ.
Thế thì cám dỗ không là điều xấu mà là những khó khăn thử thách đến với ta mỗi ngày, để ta tập chống đỡ, và nhờ đó mà trưởng thành vững mạnh.
Nhưng cám dỗ vẫn là điều nguy hiểm, vì rất thường khi người ta “sa chước cám dỗ” và làm những chuyện xằng bậy như cướp của, giết người, nhũng lạm…
Cuộc đời là như thế. Cám dỗ là sàng lọc – hoặc là giúp chúng ta thành vững mạnh nếu chúng ta chiến đấu tốt, hoặc là làm chúng ta ngã gục nếu chúng ta chiến đấu tồi.
Đằng nào đi nữa thì kinh sách rõ ràng không chỉ ngón tay vào cám dỗ – cám dỗ không phải là kẻ thù của ta – mà chỉ ngón tay vào chính ta – ta có đủ sức chống cám dỗ để trưởng thành không?
Cám dỗ là khí cụ của God, dùng để huấn luyện và sàng lọc con người. Việc chúng ta cần làm là thắng mọi cám dỗ để có thể trưởng thành, phát triển, và “ra trường.”
Và nhớ rằng lớp ba thì có cám dỗ lớp ba, lớp tiến sĩ thì có cám dỗ cấp tiến sĩ, đã xong tiến sĩ thì có cám dỗ hậu tiến sĩ. Cám dỗ chẳng bao giờ ngừng.
Và điều đó cũng có nghĩa là con đường trưởng thành tâm linh của chúng ta cũng chẳng bao giờ ngừng.
Chúc các bạn không sa chước cám dỗ.
Mến,
Hoành
© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com