Chào các bạn,
Trong bài trước chúng ta nói một equilibrium lý tưởng cho một thị trường đòi hỏi thị trường có cạnh tranh hoàn toàn, tức là (1) các nhà sản xuất có đủ thông tin về thị trường, (2) họ tự do cạnh tranh bằng số lựợng và giá cả sản phẩm, và (3) không có gian lận (lũng đoạn thị trường), độc quyền kinh tế, hay luật lệ hạn chế cạnh tranh lành mạnh. Hôm nay chúng ta nói về độc quyền kinh tế (monopoly).
Người độc quyền kinh tế (a monopoly hay monopolist) về một sản phẩm, như là thuốc vaccine chẳng hạn, là người (công ty) duy nhất có sản phẩm đó để bán trên thị trường và chẳng ai khác có. Điều dễ hiểu nhất là nếu công ty một mình một chợ thì tha hồ tăng giá, cắt cổ người tiêu thụ. Ví dụ: Công ty độc quyền vaccine sẽ tăng giá kiểu nào công ty muốn, mọi người vẫn cứ phải sắp hàng mua vaccine. Các bạn có thể tưởng tượng người tiêu thụ khổ sở thế nào trong trường hợp này.
Chính vì thế mà người ta rất sợ và ghét độc quyền trong nền kinh tế.
Trong ảnh bên trên, điểm C là điểm equilibrium khi thị trường có cạnh tranh tự do. Tại điểm này, các nhà sản xuất sản xuất đến mức chi phí bình quân (average cost, còn gọi là average total cost – chi phí toàn bộ bình quân) ở mức thấp nhất. Và đó cũng là mức người tiêu thụ muốn mua nhất, vì giá hàng nằm ở mức thấp nhất. (Nhà sản xuất nào thêm nhiều hàng thì tổn phí bình quân AC bắt đầu tăng cao hơn, giá hàng phải tăng theo, thế thì sẽ mất khách hàng tiêu thụ, vì các nhà sản xuất khác vẫn cứ giữ yên giá cũ)
Average cost (hay average total cost) gồm fixed cost – chi phí cố định, gồm nhà cửa, máy móc – cộng với variable cost – chi phí biến đổi, gồm lương nhân công, điện, nước, nguyên liệu đầu vào… Average (total) cost là tổng chi phí của công ty chia cho tổng số lượng sản phẩm tạo ra. Đó là chi phí bình quân để tạo ta một đơn vị sản phẩm, như một đôi giày.
Trong thị trường cạnh tranh hoàn toàn các nhà sản xuất có thể sản xuất đến mức chi phí bình quân của họ thấp nhất, nhiều hơn mức đó thì họ không có lời nữa. Đó là điểm equilibrium C ở hình trên đây. Điểm thấp nhất trong đường AC (average cost), với số lượng sản phẩm là Qc và giá cả là Pc, trên thị trường.
Nhưng khi nhà độc quyền tự do làm gì họ muốn vì chẳng có ai cạnh tranh với họ, thì họ sẽ tăng giá hàng bằng cách bán ra thị trường ít hàng hơn.
Giảm lượng hàng đến mức nào? Đến mức marginal cost = marginal revenue.
Marginal cost (chi phí biên) là chi phí để làm thêm 1 đơn vị hàng, như là làm thêm một đôi giày. Nếu làm thêm một đôi giày thì chi phí tăng bao nhiêu để làm đôi giày đó? Đó là marginal cost, chi phí biên.
Marginal revenue (doanh thu biên) là lợi tức khi bán thêm một đơn vị hàng, như một đôi giày. Khi bán thêm một đôi giày thì giá bán đôi giày đó là bao nhiêu (vì tung giày ra thị trường càng nhiều thì giày lai càng giảm giá)? Giá bán cho một đôi giày thêm là marginal revenue, doanh thu biên.
Khi marginal revenue = marginal cost, thì đó điểm mà làm thêm một đôi giày và bán đôi giày đó chẳng được thêm đồng lời nào. Và từ điểm đó trở đi marginal cost sẽ bắt đầu cao hơn marginal revenue, nghĩa là làm thêm mỗi đôi giày và bán thêm đôi giày đó thì bị lỗ với đôi giày đó, và do đó bớt tổng lợi nhuận của toàn thể số bán mọi đôi giày một chút. Vì thế nhà độc quyền chỉ muốn bán với số lượng Qm, tức là ngay tại nơi marginal revenue = marginal cost và không muốn bán thêm.
Điểm marginal cost = marginal revenue là điểm đường MC gặp đường MR bên trên, đó là một điểm góc của hình tam giác màu xanh.
Tại điểm đó số lượng hàng bán ra là Qm, nhỏ hơn số lượng cũ là Qc, và giá hàng Pm, cao hơn giá hàng cũ là Pc.
Hình chữ nhật màu cam là lợi nhuận siêu bình thường (supernormal profits) của nhà độc quyền. Gọi là siêu lợi nhuận, Diện tích hình chữ nhật màu cam đó là số tiền của người tiêu thụ bị mất thêm vào tay nhà độc quyền. (Siêu lợi nhuận = số tiền tăng giá hàng x tổng số lượng hàng mà nhà độc quyền bán ra).
Hình tam giác màu xanh là deadweight loss, hay deadweight welfare loss (thiệt hại chết tiệt cho xã hội). Tức là thiệt hại vì nền kinh tế bị mất hiệu năng, nhưng chẳng rơi vào tay ai thành tiền lời, như người tiêu thụ bị lỗ nhưng tiền rơi vào tay nhà độc quyền trong hình chữ nhật màu cam. Thiệt hại chết tiệt này là thiệt hại biến thành mây khói bay lên trời. Mình gọi đây là thiệt hại chết tiệt cho dễ hiểu. Ở Việt Nam, chính thức nó là “tổn thất tải trọng.”
Tóm lại là khi có độc quyền kinh tế chúng ta có hai điều thiệt hại:
- Một số tiền lớn người tiêu thụ phải trả thêm vì hàng tăng giá, và số tiền đó rơi vào tay nhà độc quyền, gọi là siêu lợi nhuận. Đây là một bất công xã hội.
- Một số tiền mất đi, chẳng vào tay ai, chỉ vì nền kinh tế làm việc méo mó, gọi là deadweight loss (tổn thất tải trọng). Đây là tổn thất chung cho cả nền kinh tế.
Chính vì vậy mà người ta thường chống độc quyền kinh tế.
Trong những bài sau chúng ta sẽ khảo sát một số hình thức độc quyền có thể xảy ra trong thị trường.
Mến,
Hoành
© copyright 2021
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Em cảm ơn anh Hoành đã viết bài mỗi ngày.
ThíchĐã thích bởi 1 người