Phố du lịch Bùi Viện

Saigon corner

Chào cả nhà,

Hôm nay mình và bạn đi mua ít đồ, tiện thể ghé qua Phố Bùi Viện gần đó. Các bạn đã biết Phố Bùi Viện gồm một quãng đi bộ gọi là Phố đi bộ Bùi Viện và một đoạn kế tiếp gọi là Phố Tây Bùi Viện, tức là quãng đó  tập trung nhiều cơ sở dịch vụ nhắm trực tiếp vào khách du lịch nước ngoài. Mình nghe nói đây là tụ điểm nhiều tuổi nhất ở Sài Gòn từ thời kỳ Đổi Mới và là một trong những tụ điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Sài Gòn ngày nay.

Nhưng trong thời đại dịch Phố Bùi Viện, từ Phố đi bộ đến Phố Tây, đều xơ xác hoang tàn, những căn nhà và building trước kia là những khách sạn, nhà hàng, ca nhạc, hàng quán đủ kiểu, bây giờ bỏ trống hoang phế thật là tội nghiệp. Phố đi bộ thì lúc này xe được chạy tự do. Đến nơi vì chúng mình chưa chắc chắn địa lý, nên hỏi một người đàn ông trung niên đứng bên lề đường: “Phố đi bộ ở đâu vậy anh?” Anh ấy nói: “Ngay đây. Đây là Phố đi bộ. Nhưng bây giờ hết là phố đi bộ rồi. Bây giờ là Phố dịch.” Chúng mình cảm ơn anh và thấy hơi buồn buồn.

Đi một dọc, nếu nói rằng đây là con phố chết thì chắc chẳng sai, nhưng nếu ai phàn nàn về cụm từ đó thì dùng từ của anh kia – Phố dịch – chắc đủ chính xác để không ai phàn nàn là mình trù ếm.

Sài Gòn có rất nhiều cơ sở kinh doanh bị đóng cửa, như trên đường Hai Bà Trưng gần nhà mình. Không phải chỉ là đóng cửa tạm thời vài tuần vì dịch, mà đóng cửa vĩnh viễn và trước cửa thường dán giấy “Nhà cho thuê” hay “Mặt bằng cho thuê” hay “Nhà bán.” Nhưng các phố khác không đóng cửa có vẻ gần như toàn diện như Phố Bùi Viện mà mình thấy, có lẽ vì Phố Bùi Viện lệ thuộc gần 100% vào kinh doanh với khách du lịch nước ngoài, và người nước ngoài chẳng thể tới VN hơn một năm rưỡi nay.

Mình có chụp một ít ảnh Phố Bùi Viện, đăng dưới đây để chia sẻ với các bạn.

Bạn mình cũng đưa mình đến quán cà phê Sinh ở đường Đề Thám, con đường ngắn thẳng góc với Bùi Viện, cũng thuộc tụ điểm du lịch đó.  Bạn mình kể rằng quán cà phê Sinh chính là nơi sinh ra khu phố du lịch Bùi Viện. Vào khoảng năm 1991, 1992 sau khi Việt Nam bắt đầu Đổi Mới và hé cửa ra với thế giới, thì Tây ba lô bắt đầu đến Sài Gòn. Tây ba lô là các sinh vên nước ngoài, thường là từ Mỹ, Úc và các nước Châu Âu, mang ba lô, đi đến đâu thì tìm nơi ăn uống ngủ nghỉ và đi lại rẻ tiền ở đó, và đôi khi còn tìm việc vặt ở đó để làm, kiếm thêm tí tiền đi du lịch tiếp.

Vào thời đó, vì một lý do vì đó chẳng ai chắc chắn là gì, mà quán cà phê Sinh trên đường Đề Thám thành nơi tụ tập của Tây ba lô. Đến đó bất kì giờ nào cũng có vài anh Tây xi xa xi xô với nhau. Tây ba lô gặp nhau ở đó để tìm thông tin và trao đổi thông tin, như ăn ở đâu, thuê nhà ở đâu thì rẻ. Bạn mình nói quán đó chỉ là một quán bình thường, phải nói là bình dân, như bao nhiêu quán cà phê khác ở Sài Gòn. Một mớ bàn ghế cũ, xoàng xoàng. Cà phê cũng giá bình dân. Chẳng có máy lạnh hay cửa kính gì cả. Nhưng có một tấm bản lớn trên tường để các bạn Tây viết hay ghim lên đó các tờ giấy thông tin hay hỏi thăm thông tin. Ăn đâu, ở đâu, cần mua xe đạp, cần bán xe máy v.v…  

Đương nhiên là kinh doanh từ từ tràn ra các nhà bên cạnh là các quán hàng có sẵn hoặc mới mở vì có cơ hội làm ăn. Và Đề Thám khởi sắc vù vù, kéo theo Bùi Viện. Và như chúng ta đã thấy, ngày nay đó là tụ điểm nổi tiếng hàng số 1 ở TP HCM.

Mình đến quán Sinh, xúc động vì được gặp một cái quán “làm nên lịch sử.” Quán Sinh bây giờ không còn là quán Sinh nữa, mà là Văn phòng The Sinh Tourist (The Sinh Tourist Ofice), đã được xây dựng lại cao lớn, không là quán cà phê lụp xụp khi xưa. Tuy vậy cũng có 2 tấm bảng nhỏ trước cửa, một bảng tiếng Việt ghi “Văn phòng The Sinh Tourist. Trước đây nổi tiếng với thương hiệu Sinh Café” và bản tiếng Anh “The Sinh Tourrist Office. Formerly well-known as Sinh Café.”

Bạn mình nói thấy lại quán Sinh nhớ lại Sài Gòn thời đất nước mới Đổi Mới và mấy đứa em đã đến đó uống cà phê với bạn, hai đứa nay đã qua đời vì bệnh và mấy đưa kia thì thất lạc tứ tán đâu rồi. Mình nghe cũng cảm thấy xao xuyến bùi ngùi.

Nhưng bùi ngùi nhất là hình ảnh hoang sơ của Phố Bùi Viện. Tội nghiệp quá.

Thật thương mọi người buôn bán bị tổn thất vì đại dịch. Xin Trời Phật giúp họ chóng qua cơn đại nạn này.

Sau khi rời Bùi Viện mình và bạn đi qua nhà thờ Huyện Sĩ gần đó. Bạn mình nói nhà thờ này là nơi ngày 1 tháng 11 năm 1963, khi bị quân đội VNCH (miền Nam) đảo chánh, hai anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm và Cố vấn Tổng thống Ngô Đình Nhu đến nhà thờ lánh nạn. Sau khi điều đình với các tướng lĩnh đảo chính, hai ông ra đầu hàng, và liền sau đó thì bị hạ sát.

Mình cũng chụp vài tấm hình nhà thờ Huyện Sĩ, nơi dính dáng đến lịch sử miền Nam một chút.

Chia sẻ các ảnh đây với các bạn.

PTH

Phố Bùi Viện trống vắng hoang phế thời đại dịch

Đền Quan Thánh trên Phố Bùi Viện
Phạm Thu Hương đứng trước The Sinh Tourist Office, là vị trí ngày xưa của quán cà phê Sinh nổi tiếng, khởi nguồn của Phố du lịch Bùi Viện ngày nay.

Nhà thờ Huyện Sĩ

Nhà thờ Huyện Sĩ

Một suy nghĩ 2 thoughts on “Phố du lịch Bùi Viện”

  1. Đọc thương quá chị Hương ơi 😦
    Cũng rất giống phố cổ Hanoi bây giờ. Ảm đạm và xơ xác… Mong tất cả chúng ta vững vàng bước qua đại dịch này. Đặc biệt cầu mong cho những người đang chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp ❤

    Thích

  2. Đính chính: Sau khi đăng bài, mình nhận được thông tin chính thống cho biết hai anh em Tổng tống Ngô Đình Diệm và Cố vấn Tổng thống Ngô Đình Nhu, ngày 1/11/1963 khi bị đảo chánh thì vào lánh nạn ở nhà một người Hoa ở quận 5, Sài Gòn, tên Mã Tuyên. Đến sáng hôm sau 2/11 thì vào Nhà thờ Cha Tam (tên chính thức là Nhà thờ Thánh Phan -xi-cô Xa-vi-ê) chứ không phải Nhà thờ Huyện Sĩ, như mình đã viết trong bài.

    Dưới đây là ảnh Nhà thờ Cha Tam.

    Đọc thêm trên wiki: https://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%C3%A0_th%E1%BB%9D_Cha_Tam

    PTH

    Chùm ảnh: Nhà thờ cổ ‘nửa Pháp, nửa Hoa’ cực lạ của Sài Gòn

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s