Huyền sử Bồ tát Đông Hải – Chương 9: Giặc đến nhà đàn bà phải đánh

Toàn tập 21 chương >>

Sau ngày Đại Diệu Tâm và các sư đệ giải cứu đào nương được một thời gian thì nhà vua đột ngột băng hà vì bệnh tim. Nhân dân cả nước đau buồn tiếc thương vì nhà vua là người hiền từ đức độ. Nhưng ba ngày sau, ngay khi vua được an táng, kinh thành có biến. Tả tướng quân Mạnh Kha, liên kết với Lã Quý Phi, khởi quân chống lại việc phong vương cho hoàng tử cả Đức Chính, để đưa con Lã Quý Phi là hoàng tử Phi Hùng lên ngôi.

Hoàng tử cả Đức Chính là con của hoàng hậu Đoan Trang, tuy chỉ mới 12 tuổi và chẳng có vẻ thông minh xuất chúng, nhưng giống như mẹ, có trái tim yêu người sâu sắc và rất nhạy cảm về cảm xúc con người. Vua cha rất yêu thương Đức Chính và đã hứa với hoàng hậu và tể tướng Trung Trực là sẽ phong Đức Chính làm thái tử để tương lai kế vị cha. Nhưng chưa kịp làm lễ đăng quang cho Đức Chính thì vua đã băng hà.

Hoàng tử Phi Hùng, nhỏ hơn Đức Chính chỉ một tuổi, ngược lại, cũng giống như mẹ, cực kỳ thông minh và mưu lược, nhưng trái tim thì ít nhạy cảm về con người hơn. Lã Quý Phi cương quyết là chỉ Phi Hùng mới đủ thông minh để trị vì đất nước. Quan tể tướng nhất định giữ lời tiên đế phò Đức Chính lên ngôi, nhưng Lã Quý Phi và Tả tướng quân Mạnh Kha phao tin là tể tướng nói dối chỉ để duy trì quyền lực cá nhân.

Trong khi đang làm lễ an táng tiên vương, Tả tướng quân đã lợi dụng cơ hội mọi người bận rộn chuyện tống táng chuyển quân đến mọi nơi trọng yếu ở kinh thành. Và ngay sau khi linh cữu của tiên vương được hạ huyệt, Tả tướng quân cho lệnh tổng tấn công. Toàn thể kinh thành lọt vào tay Tả tướng quân và Lã Quý Phi dễ dàng. Triều thần nhiều người hoảng sợ, chạy theo Lã Quý Phi. Một số trung thần của tiên đế chống lại đều bị sát hại hoặc bị bắt bỏ vào Đại lao cùng tể tướng Trung Trực.

Hoàng hậu Đoan Trang và hoàng tử cả Đức Chính được hai tùy tướng của hoàng hậu âm thầm đưa ra khỏi kinh thành, chạy về hướng bắc, cố tìm đến Hữu tướng quân Công Đức, anh của hoàng hậu, hiện đang trấn đóng ở biên thùy phương bắc để bảo vệ biên cương.

Tuy Lã Quý Phi và Tả tướng quân Mạnh Kha đã hoàn toàn chiếm đóng kinh thành, nhưng bên ngoài thì nhân dân và đa số quân tướng đều trung thành cùng tiên đế và hoàng tử cả Đức Chính.

Ngay sau khi nghe tin kinh thành có biến, quan tri huyện Trần Hương của huyện Hòa Cường lập tức đến chùa gặp ni cô Trường Bình và Đại Diệu Tâm. Ông nói: “Kinh thành có biến. Lã Quý Phi và Tả tướng quân Mạnh Kha âm mưu phế đế để đưa hoàng tử Phi Hùng lên ngôi. Hoàng hậu và hoàng tử cả tạm thời đã thoát hiểm, đang đi về hướng Hữu tướng quân Công Đức. Nhưng mọi sự ở kinh thành đều có ảnh hưởng lớn đến huyện này. Huyện này phía đông là biển, phía tây là núi, rất tiện cho việc giao thông và phòng thủ, cho nên đây là một địa danh chiến lược. Tất nhiên hạ quan trung thành với tiên đế và hoàng tử Đức Chính. Và tất nhiên, một lúc nào đó Tả tướng quân Mạnh Kha sẽ yêu cầu hạ quan thần phục, hoặc là ông đưa quân tấn chiếm. Hiện thời Tả tướng quân đang phải lo đối phó với Hữu tướng quân từ phía bắc, cho nên có lẽ chưa có đe dọa từ kinh thành. Tuy nhiên, từ phía nam, chúng ta phải quan tâm đến nước láng giềng Xiêm Bộ. Nước này có lẽ sẽ thừa cơ nước ta có lủng củng nội bộ để đưa quân tấn công. Và khi Xiêm Bộ tấn công, họ luôn luôn tìm cách chiếm huyện này vì chúng ta có cảng biển tốt ở đây, và huyện này khá gần kinh thành. Người thường đi từ đây về kinh thành tốn bảy ngày, nhưng một đạo quân thiện chiến chỉ tốn tối đa hai ngày. Cho nên Xiêm Bộ thường nghĩ đến đưa quân vào cảng này, rồi từ đây tấn công kinh thành bằng đường bộ, trong khi một đạo quân khác có thể đi đường thủy tấn công vào cảng kinh thành.”

Quan tri huyện, ngừng nói và uống một nhấp trà. Rồi tiếp: “Cho nên, việc của chúng ta là phải lo phòng thủ cảng này ngay tức thì. Và chúng ta sẽ không có quân tiếp viện, vì chẳng ai ở kinh thành có thể quan tâm đến huyện này lúc này. Vì vậy, tôi đến đây để bàn với sư cô và cô Đại Diệu Tâm chuyện phòng thủ Hòa Cường.”

Ni cô Trường Bình có vẻ ngạc nhiên: “Chúng tôi làm gì được?”

– “Sư cô võ công cái thế,” quan tri huyện nói. “Sư cô lại đào tạo được cô Đại Diệu Tâm có võ công thâm hậu và đức độ sâu sắc, nhân dân ở đây đều ngưỡng mộ. Cô Đại Diệu Tâm và đoàn nữ binh do cô điều khiển đã giúp huyện này có thêm an ninh trật tự. Đó là một tài năng và vốn liếng lớn. Tôi nghĩ rằng, nếu sư cô và cô Đại Diệu Tâm biến đoàn nữ binh nhỏ hiện nay thành một quân đoàn nữ binh hùng hậu, thì có thể giúp tăng sức mạnh chiến đấu của huyện ta rất nhiều.”

Quan tri huyện ngưng nói và nhìn sư cô cùng Đại Diệu Tâm, chờ đợi. Sư cô trầm ngâm một lúc, rồi quay sang hỏi Đại Diệu Tâm: “Con thấy thế nào?” Đại Diệu Tâm trả lời ngay:

– “Khi nước nhà có biến, ta cứ phải làm những điều ta phải làm.”

– “Được lắm,” sư cô gật đầu. “Chúng tôi sẽ tuyển thêm nhiều em rồi huấn luyện các em thành nữ binh. Điều đó có thể được, nhưng e rằng chúng tôi không thể kham nổi mọi vấn đề lương thực và quân trang, quân dụng cùng vũ khí.”

– “Đương nhiên là huyện sẽ hỗ trợ sư cô và cô Đại Diệu Tâm những điều này,” quan tri huyện trả lời. “Huyện mình nhỏ nhưng mọi người dân sẽ đồng lòng chiến đấu và sẽ hỗ trợ chúng ta và các chiến binh.”

– “Còn một điều quan trọng nữa,” sư cô tiếp lời. “Đại Diệu Tâm không những võ công thâm hậu mà còn là người mưu trí, có thể thống lĩnh đại binh. Bần đạo muốn để Đại Diệu Tâm làm thủ lĩnh của nữ quân đoàn của chúng ta. Bần đạo đương nhiên sẽ luôn ở bên Đại Diệu Tâm để hỗ trợ. Quan tri huyện thấy được không?”

– “Đương nhiên điều gì sư cô sắp xếp cho nữ quân đoàn đều tốt với hạ quan,” quan tri huyện gật đầu.

Ngay sau khi quan tri huyện rời chùa, ni cô Trường Bình lập tức thảo hịch tuyển mộ người vào nữ binh và gửi đi khắp nơi trong huyện. Hầu như mọi cô gái trong huyện đều nhất tâm ủng hộ. Các cô ồ ạt đến xin nhập nữ binh. Trước chùa luôn có một hàng dài các cô sắp hàng chờ ghi danh. Quan tri huyện cho lấy hết đất công điền công thổ của huyện giao ni cô Trường Bình và Đại Diệu Tâm quản lý, để hai người lo thành lập trại nữ binh, cùng với đất để các nữ binh làm trang trại nuôi trồng tạo lương thực. Ni cô Trường Bình cũng kêu gọi mọi người dân góp công góp của để nuôi dưỡng quân đoàn nữ binh, và người dân cũng đáp ứng lời kêu gọi này với nhiều đóng góp tiền bạc và tài sản.

Ni cô bảo Đại Diệu Tâm tự gọi mình là Nguyên soái của nữ quân đoàn. Cô chọn hai sư muội thông minh và đáng tin cậy nhất làm phó tướng – Tả phó nguyên soái Phạm Hồng và Hữu phó nguyên soái Trần Lý. Rồi cô cùng hai phó tướng bắt đầu bàn việc tổ chức quân đoàn.

Trước hết các cô chọn tên cho quân đoàn là Thần Ưng, nghĩa là Chim Ó Thần.

Rồi các cô chọn ba lời tâm niệm cho các nữ binh, gọi là Tam quyết: Quyết chiến, Quyết tử, Quyết thắng.

Sau đó các cô bàn đến nghiệp vụ. Các cô muốn quân đoàn nữ binh có võ công và kỹ thuật tác chiến cực cao, cho những cuộc chiến đấu khó khăn nhất. Sau một hồi thảo luận lâu, các cô đồng ý là nữ quân đoàn sẽ là quân đoàn trinh sát – chuyên dò la thông tin và tình hình của địch, chuyên đi vào lòng địch để do thám, chuyên đi trước dẫn đường cho đại quân theo sau, chuyên hành xử như là tai và mắt của đại quân, chuyên dùng võ công thâm hậu và mọi khí cụ và vũ khí văn minh nhất để hành sự, trực tiếp chiến đấu với địch khi không phải làm trinh sát hay đã xong nhiệm vụ trinh sát.

Các cô gọi nữ quân đoàn của các cô là Nữ Quân đoàn Trinh sát Thần Ưng.

Sau đó các cô trình ý kiến lên sư mẫu Trường Bình, nhờ sư mẫu mời bạn bè khắp nơi về để làm thầy, giúp đào tạo các nữ chiến binh của quân đoàn thành các chiến sĩ trinh sát lỗi lạc. Sư mẫu nói sư mẫu có đủ bè bạn để huấn luyện các cô.

Rồi các cô làm lễ kết nghĩa chị em. Cắt máu ăn thề trong góc sân chùa, cầu với Trời Phật: “Chúng con thề nguyện đồng sinh đồng tử. Dù chúng con sinh khác tháng khác ngày, xin cho chúng con được chết cùng ngày cùng tháng.”

Theo tuổi tác, Đại Diệu Tâm lớn nhất làm chị cả, Tả phó nguyên soái Phạm Hồng làm chị thứ, và Hữu phó nguyên soái Trần Lý là em út.

Ba cô chia nhau uống chén rượu thề, lòng hân hoan với tình chị em, với quyết tâm chiến đấu, và với niềm tin vào quê hương đất nước.

***

© copyright 2020
Trần Đình Hoành & Phạm Thu Hương
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 3 thoughts on “Huyền sử Bồ tát Đông Hải – Chương 9: Giặc đến nhà đàn bà phải đánh”

  1. Đọc chương này thấy bắt đầu đến hồi ly kỳ, gay cấn.
    Em nóng lòng chờ để được đọc những diễn biến tiếp sau.
    Em cảm ơn anh Hoành, chị Hương đã viết truyện.
    Em xin cầu nguyện để anh Hoành, chị Hương, gia đình anh, chị và gia đình Đọt Chuối Non luôn mạnh khỏe ạ.

    Thích

  2. Quan Tri Huyện quả là người nhìn xa trông rộng.
    Em nghĩ khúc này phải là Tả Tướng ạ “Tể tướng cho lệnh tổng tấn công. Toàn thể kinh thành lọt vào tay Tể tướng và Lã Quý Phi dễ dàng”

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s