Toàn tập 21 chương >>
Bình Nam Đại tướng quân Nguyên soái Pháp sư Đại Diệu Tâm đứng nhìn quân đoàn 15 ngàn người, đồng thời là đệ tử của mình, đang sắp hàng ngay ngắn, và cô nói lời cuối cùng:
– “Bụt bà đã bảo cô nhập thất ba ngày, và trong ba ngày đó Bụt bà sẽ dẫn độ cô về cõi bên kia. Sau ba ngày các em có thể mở cửa thất và hỏa táng cô.”
Đoàn quân lặng yên, mọi cặp mắt mở to nhìn cô đăm đăm. Hình như mọi người đều có vẻ như nghiêng đầu một chút để lắng nghe từng lời cô nói.
– “Hãy mừng vui, vì chúng ta đã có nhiều phút giây ý nghĩa bên nhau và cô cũng đã làm tròn bổn phận ở thế giới này.”
Rồi cô đưa mắt chầm chậm nhìn đoàn quân từ trái sang phải, như đang uống vào lòng những hình ảnh thân yêu cuối cùng mà cô sẽ không bao giờ gặp lại.
– “Đây là lời cuối của cô, các em ghi nhớ:
Cuộc đời ảo diệu khó lường
Chỉ chắc một điều: hãy yêu thương
Yêu mọi sinh linh trong thế giới
An lạc về không, buổi hoàn hương.”
Mười lăm ngàn quân nhìn cô, đẫm lệ, sụt sùi. Cô chắp tay cúi chào quân đoàn, và quay vào, đóng cửa thất.
Mười lăm ngàn người bên ngoài đứng lặng yên.
Cô ngồi xuống, thiền định, và bắt đầu nhìn lại cuộc đời mình…
***
Tại một làng quê nghèo có một người con gái 12 tuổi tên Củn, sống cùng cậu mợ. Ba mẹ Củn đã mất vào trận lụt năm Thìn khi Củn mới được một tuổi. Cậu, em trai của mẹ, và mợ, vợ cậu, mang Củn về nuôi và đặt tên là Củn. Ba mẹ Củn đã có đặt một tên đẹp gì đó cho Củn rồi, nhưng cậu mợ đã mất hai người con do mợ bị sảy thai, nên cậu mợ muốn cho Củn một cái tên xấu xí để quỷ thần không thèm bắt Củn.
Năm đó hạn hán, ngày ngày nắng nóng như thiêu đốt và chẳng có mưa, ruộng rẫy đều khô héo. Mất mùa. Cả nước đói khổ, thiếu gạo để ăn. Lý trưởng của làng vẫn theo lệnh trên bắt mỗi nhà đóng thuế 3 giạ thóc. Cậu mợ Củn không đủ thóc để đóng, xin lý trưởng cho khất đến năm sau, nhưng lý trưởng nói:
– “Tôi đã cho cô chú khất 3 năm rồi. Năm đầu 1 giạ, năm thứ hai 3 giạ, năm thứ ba 2 giạ. Bây giờ nếu khất 3 giạ nữa là 9 giạ, nhiều quá, chính tôi cũng sẽ bị còng đầu. Tôi gia hạn cho cô chú 3 ngày để đóng 3 giạ. Nếu không thì tôi phải theo luật công, bỏ tù chú.”
Lý trưởng nói xong bỏ về, mặc cậu mợ khóc lóc van xin. Ba ngày sau, lý trưởng và lính làng bắt cậu giam trong phòng giam cạnh đình làng. Mợ ở nhà lắng lo và buồn cho số phận, bèn nhảy xuống dòng sông bên làng tự tử.
Khi người làng mang xác mợ về, thấy mợ, Củn đau lòng quá thành mất trí. Củn chạy đến nhà ông lý trưởng, định chửi rủa ông gian ác. Thấy ông đang đứng bên thành giếng, Củn nổi điên chạy đến từ sau lưng đẩy ông xuống giếng. Nào ngờ đó là giếng sâu và đã khô lâu ngày, ông lý trưởng rơi từ cao xuống, chết tức thì. Củn sợ quá, chạy ra khỏi làng, và chạy mãi, chạy mãi.
Củn không biết mình đã chạy bao nhiêu lâu, cho đến khi trời sẫm tối, thấy một cây cổ thụ to lớn bên đường, nơi không có nhà cửa gì cả, Củn leo lên cây, tìm một cành cây có chảng ba, lấy dây thắt lưng buộc mình vào cây để ngủ cho khỏi bị rơi. Nhưng Củn không ngủ được. Củn nhớ cậu mợ, nhớ những buổi chiều cùng nhau ăn cơm đầm ấm, nhớ những chuyện vừa xảy ra như cơn ác mộng, và Củn thút thít khóc.
Khóc một hồi lâu, Củn bỗng nghe tiếng một người đàn bà: “Con nín đi.” Củn nhìn quanh và nhìn xuống đất, chẳng thấy ai cả, Củn lại thút thít khóc và lại nghe: “Con nín đi.” Củn lại nhìn quanh quẩn tìm người, nhưng chẳng thấy ai. Củn lên tiếng hỏi: “Bà ở đâu vậy? Con không thấy bà.”
– “Bà ở đây này, bên cạnh con,” tiếng đàn bà nói.
– “Con không thấy ai cả.”
– “Con có thấy bông hoa vàng ở gần tay con không?”
– “Dạ, con thấy.”
– “Bà là bông hoa vàng đó.”
Củn sửng sốt, nhìn bông hoa vàng chằm chằm. “Sao bà là bông hoa vàng đó được? Sao bông hoa lại nói được?”
– “Vì bà là Bụt.”
– “Bụt là hoa hở bà?” Củn hỏi.
– “Ừ, Bụt là hoa, hoa là Bụt. Nhưng Bụt còn là nhiều thứ nữa.”
– “Là những thứ gì vậy bà?” Củn mở to mắt tò mò.
– “Là con ruồi như thế này. Con nhìn xuống bàn tay của con đi.”
Củn nhìn xuống và thấy một con ruồi đang đậu trên lưng bàn tay của mình. “Bà là con ruồi này à?” Củn hỏi đầy thú vị.
– “Ừ, bà là con ruồi đây.”
– “Bà có làm người được không ạ?”
– “Được chứ.”
Và bỗng nhiên Củn thấy trước mặt mình, trên cành cây, một phụ nữ mặc áo dài tứ thân màu nâu, khăn mỏ quạ đen, đang nhìn Củn mỉm cười hiền dịu.
– “Ô, bà đẹp quá,” Củn nói to thích thú. “Bụt là người đẹp như thế này ạ?”
Bà Bụt mỉm cười rồi nói: “Con cũng có thể đẹp như Bụt.”
– “Làm sao con có thể đẹp như bà được?”
Củn nhìn xuống cái váy quây sờn rách và đôi chân vừa đen vừa bẩn thỉu vừa rướm máu của mình. Củn sờ cái bụng xẹp lép vì cả ngày chưa có hạt cơm, và sờ bím tóc ngang vai khô cứng vì suốt ngày cháy nắng của mình. Củn nhìn bà Bụt đẹp, Củn nói:
– “Con cũng muốn đẹp như bà.”
– “Nếu trái tim con đẹp, con cũng đẹp như bà,” bà Bụt nói.
– “Làm sao để trái tim con đẹp?” Củn tròn mắt.
– “Yêu tất cả mọi người, trái tim con sẽ đẹp.”
– “Ôi bà ơi, nếu con lỡ giết người thì sao hả bà?”
– “Chuyện gì đã qua thì đã qua. Nếu con thành tâm xin lỗi người, nếu con yêu người con giết, trái tim con vẫn đẹp.”
– “Làm sao con xin lỗi bác lý trưởng được đây? Bác ấy chết rồi. Làng con lại ở cách xa đây lắm, con cũng chẳng biết đường về.”
– “Con chỉ cần thành tâm xin lỗi bác lý trưởng, bác ấy sẽ nghe được.”
Củn chỉnh váy áo cho ngay ngắn, chắp tay búp sen, nói:
– “Bác lý trưởng ơi, cháu xin lỗi bác. Lúc đó cháu giận quá, cháu giận vì cậu bị bắt vô tù, mợ thì tự tử, nên cháu lỡ tay giết bác. Xin bác tha tội cho cháu. Cháu yêu bác lắm. Cháu luôn nhớ những lần bác cho cháu quà bánh khi cháu làm việc nhà cho bác. Cháu lỡ tay giết bác, cháu rất hối hận. Xin bác tha thứ cho cháu.”
Củn vừa nói xong, một ánh sáng trắng lói xuất hiện trước mặt Củn, rồi một người đàn ông đứng sau làn ánh sáng đó: “Bác lý trưởng đây.” Củn há hốc mồm cố nhìn xuyên làn ánh sáng. Cô nghe giọng bác lý trưởng, nhưng không thấy rõ người.
– “Đó là duyên nợ của bác. Nhưng cũng nhờ vậy mà bây giờ bác được đi theo Bụt bà đây để học đạo.”
Lý trưởng nói xong, cúi đầu lạy bà Bụt: “Con cám ơn bà Bụt đã giáo hóa con.” Bà Bụt gật đầu. Rồi bác lý trưởng biến mất.
– “Bây giờ con định làm gì?” Bà Bụt hỏi Củn.
– “Con không biết nữa. Chắc con cứ đi con đường này, tới làng nào đó con sẽ xin làm việc để có cơm ăn.”
– “Con có muốn bà chỉ cho con một con đường không?”
– “Dạ có.”
– “Ừ, bà chỉ cho con con đường bà đã đi và đang đi. Con có sợ đi đường khó không?”
– “Bà ơi, con là con nhà nghèo, làm việc cực nhọc từ nhỏ, con không sợ việc khó đâu bà.”
– “Tốt lắm. Vậy con hãy đi con đường yêu tất cả mọi người.”
– “Làm sao con biết con yêu đủ tất cả mọi người?”
– “Cứ yêu, và con sẽ biết.”
– “Con đã yêu cậu mợ con, con cũng yêu bác lý trưởng, vậy là con đã yêu 3 người,” Củn nói.
– “Đúng vậy, con còn nhiều người để yêu: người tốt, người xấu, người dễ thương, người dễ ghét, người lành, người dữ, người thân, người không thân, người quen, người không quen, ân nhân, và kể cả kẻ thù.”
Củn ngồi lặng yên nhìn bà Bụt, cố gắng hiểu những lời bà nói. Củn nói: “Yêu tất cả mọi người. Sao yêu kẻ thù được bà?”
– “Được, chớ sao không?” Bà Bụt nhìn vào mắt Củn. “Nếu con muốn yêu kẻ thù của con, con sẽ yêu được kẻ thù của con, và khi yêu như thế, trong lòng con kẻ thù không còn là kẻ thù nữa.”
Củn nghiêng đầu nhìn bà, dường như chẳng hiểu. Bà Bụt hiểu ý, nói tiếp:
– “Khi con cố gắng yêu tất cả mọi người, con sẽ yêu được kẻ thù của con. Dễ thôi, nếu con thành tâm thực hành,” bà Bụt giải thích, ngưng một chút trong khi Củn yên lặng nhìn bà.
Được một lúc, bà nói:
– “Yêu tất cả mọi người, không chừa một người nào, và trái tim con sẽ trở thành đẹp đẽ. Và con sẽ đẹp như bà.”
– “Con cám ơn bà Bụt. Con sẽ đi đường này của bà. Mà bà ơi, con muốn đi với bà.”
– “Ừ, bà sẽ luôn đi cùng con, con sẽ chẳng sợ điều chi. Bà sẽ luôn nắm tay con, con sẽ không bị lạc. Con đừng sợ, con sẽ không bao giờ đi một mình.”
Nói xong, bà Bụt chỉ vào cành cây và nói: “Bông hoa vàng đó là bà. Con hãy ngắt lấy và cài lên tóc con.” Bà Bụt biến mất.
Củn cúi xuống ngắt bông hoa, cài lên mái tóc, mỉm cười và nói: “Vâng, con đi cùng bà. Bà luôn ở trên đầu con.”
***
© copyright 2020
Trần Đình Hoành & Phạm Thu Hương
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com