Thay chị giúp anh

Chào các bạn,

Như thường lệ sáng Chúa nhật mình đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăklăk, mình vào thăm bệnh nhân nằm phòng nội nặng là phòng dành cho người bệnh nặng, nên lần nào đến mình cũng gặp những người bệnh mới, bởi người bệnh cũ tương đối ổn một chút là được chuyển sang các phòng khác, để tiếp tục nhận các bệnh nặng từ Khoa cấp cứu nội chuyển xuống. Bởi vậy lần vào thăm này mình gặp một bệnh nhân nam người sắc tộc Mường, gia đình ở xã Hòa Thắng cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng mười lăm cây số, là vùng có nhiều anh em đồng bào sắc tộc Mường định cư sinh sống.

Mình đến cuối giường xem và biết bệnh nhân tên Văn, ba mươi hai tuổi. Mình đến gần hơn để hỏi thăm người bệnh, thì một em thanh niên khoảng hai mươi lăm tuổi dáng cao gầy đi từ ngoài vào trên tay xách chiếc cà-mèn, nhìn thấy mình đứng cạnh giường em gật đầu chào. Mình hỏi:

– “Đây là người nhà của em?”

– “Là anh ruột của mình.”

– “Anh bị bệnh gì và bị lâu chưa?”

– “Anh bị bệnh tiểu đường lâu rồi nhưng trước đây không bị nặng, lần này anh đi làm cà-phê và bị xỉu xuống không dậy được, gia đình phải đưa anh vào bệnh viện cấp cứu. Ba ngày hôm nay anh mới đỡ đỡ một chút.”

Thấy em nói chuyện vui vẻ cởi mở mình hỏi thêm và được biết em tên Nhân, đang học trung cấp Y tế năm thứ hai tại trường Trung học Y tế Buôn Ma Thuột, biết tin anh Văn bị bệnh nằm viện em Nhân đã xin nghỉ học để chăm sóc. Mình hỏi:

– “Anh Văn chưa có gia đình hay sao mà em Nhân phải xin nhà trường nghỉ học để chăm sóc cho anh Văn?”

– “Có gia đình rồi! Năm nay anh Văn trên ba mươi tuổi đã có vợ và năm đứa con, vợ anh Văn cũng người đồng bào sắc tộc Mường. Chị ít ra khỏi làng nên đến bệnh viện chị không quen, hơn nữa bệnh anh Văn ngoài dùng thuốc còn cần phải ăn kiêng. Cả hai anh chị đều được bác sĩ cho biết bệnh anh Văn phải ăn kiêng nhưng không biết cách phải kiêng, do vậy mà bệnh anh Văn càng ngày càng nặng, sức khỏe ngày càng yếu. Trước đây anh Văn trên bảy mươi kí giờ chỉ còn năm mươi hai kí.

Nói chung anh em đồng bào sắc tộc của mình ít tiếp xúc với thầy thuốc, cũng như không quen sử dụng các loại thuốc, lại càng không biết kiêng ăn món này món kia. Cũng do vậy cách đây ba năm mình có một đứa cháu gái bốn tuổi, cháu đi cầu chảy bốn ngày nhưng không hết, cháu khát nước mẹ cho cháu uống nước thì cháu đi chảy nữa! Nên người mẹ không dám cho cháu uống nước. Cuối cùng đến ngày thứ năm thì cháu gái đi với ông bà, mình nghĩ anh Văn mình không được chăm sóc quan tâm đến chế độ ăn anh Văn cũng sớm đi với ông bà thôi. Vì vậy thương anh Văn mình tự nguyện thay chị giúp anh, bởi mình được học nên cũng biết hơn.

Hai hôm nay sức khỏe anh Văn tốt lên nhiều mình rất vui và tự hứa: Cố gắng học thật tốt thật giỏi để không chỉ giúp cho gia đình, nhưng còn giúp cho anh em đồng bào trong bản làng mình nữa!”

Matta Xuân Lành

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s