Tư duy tích cực thực sự

Chào các bạn,

Khi nói đến Tư duy tích cực, rất nhiều sách vở và thầy bà chỉ tập trung vào một điều: Tích cực cho sự nghiệp của bạn – thành công trong nhiều điều, tiền bạc, nhà cửa, công danh, sự nghiệp. Chấm hết.

Có lẽ lúc đầu ta còn ngớ ngẩn thì thấy có lý, nhưng thật sự là tư duy tập trung vào chỉ chính ta thì ích kỷ quá, mà ích kỷ thì sao tích cực được?

Người chỉ tập trung vào chính mình luôn luôn căng. Hơi nhích một tí thấy có vẻ lùi là căng, lúc nào cũng phải tiến, và luôn sợ lùi, do đó mà căng thường trực. Sợ và căng là 2 tiêu cực rất lớn, chúng làm người ta không yêu được bạn, cùng lắm là đám lùng tùng xèng chạy theo khi bạn đang lên để ăn theo, nhưng đa số mọi người không yêu bạn, vì năng lượng tiêu cực từ bạn quá mạnh.

Không biết bạn có thể thành công đến đâu, nhưng chắc chắn là bạn sẽ có nhiều bệnh và dễ chết sớm, vì stress thường trực.

Tư duy tích cực thực sự phải đặt nền tảng trên yêu người. Chúng ta ai cũng thấy được năng lượng tích cực từ yêu người. Nếu bạn yêu một người bạn khác và cả hai rất gần gũi nhau, cả hai đều vui khi gặp nhau, đều thích làm việc chung với nhau, và các việc chung đó thường vui vẻ và thành công. Tăng từ 2 người lên đến 200 người thì cũng cùng nguyên tắc: tình yêu tạo năng lượng tích cực và sức mạnh.

Ở ĐCN chúng ta có 10 đai, từ trắng đến đen, nhưng nói tổng quát thì 10 đai đó nằm trong 3 cấp:

– Cấp nhập môn: Ta tập tư duy tích cực bằng nhìn ly nước luôn đầy một nửa, nhìn cuộc đời và chính mình luôn trong ánh sáng tích cực, và tự tin.

– Cấp thứ hai: Rất sớm sau khi nhập môn, ta bắt đầu học tập trung vào khiêm tốn, thành thật, yêu người và tĩnh lặng.

Nguồn chính của tĩnh lặng của chúng ta không đến từ ngồi Thiền, hay tụng kinh, hay cầu nguyện… Những thứ này vẫn là phụ. Nguồn chính của tĩnh lặng là khiêm tốn với mọi người, thành thật với mọi người, yêu tất cả mọi người, một chiều, vô điều kiện.

– Cấp thứ ba là mức thật sự tâm linh – nối kết với những nguồn năng lực tích cực vĩ đại để giúp ta đủ sức mạnh tĩnh lặng, yêu thương, và tích cực, trong mọi tình huống, dù là khó khăn nhất. Đó là nối kết với Chúa và/hay Phật. Nối kết thực sự và đối thoại với các vị, nắm tay các vị mà đi mỗi phút trong đời, và nhận hỗ trợ phi thường của các vị mà ta có thể thấy được trong đời sống hằng ngày.

Đó là 3 điểm chính trên con đường chúng ta đi. 3 điểm này là 3 điểm mình đã đi, đã tới, đã trải nghiệm, và đã chắc chắn. Mình chỉ lại các bạn con đường mình đã và đang đi.

Con đường này không có công thức, nếu có công thức: như cách hít thở khi ngồi Thiền, thì công thức chỉ có mục đích rất giới hạn là giúp đầu óc bạn không chạy lăng xăng. Nhưng năng lượng tích cực của bạn đến từ khiêm tốn, thành thật, yêu người, tĩnh lặng với mọi người, và đến từ nối kết giữa bạn và Chúa Phật. Chẳng có công thức, chỉ có thực hành bằng trái tim.

Nối kết với Chúa Phật là điều rất cá nhân. Đây không phải là nhà thờ, nhà chùa, công thức và lễ bái nhang đèn. Đây là bạn ngồi cạnh Chúa Phật tâm sự như bạn thiết, và nghe các vị nói với bạn như một người bạn rất thân, qua rất nhiều cách của các vị. Nếu các bạn chưa đến được mức nối kết này, thì các bạn chưa đến được, chẳng có cách khác để thế. Chúa và Phật không phải là 2 khái niệm mà là 2 người. Một là bạn có thể nhận ra và biết, hai là không. Không nhắm mắt tin theo lời ai nói, kể cả lời của mình.

Chỉ khi bạn nối kết được với Chúa Phật như thế, bạn mới hiểu là ngoài tình yêu thì mọi thứ khác trên đời – công danh, sự nghiệp, kinh doanh, công hầu khanh tướng, chủ nghĩa, chiến tranh, hòa bình – đều là chuyện không đáng kể, và câu Kinh Kim Cang “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh” (Tất cả các thứ có, đều như mộng, ảo, bọt, bóng), rất đúng.

Chỉ có tình yêu là chân thật và vĩnh cửu. Thượng đế là tình yêu. (1 John 4:8).

Chúc các bạn đến đích.

Mến,

Hoành

© copyright 2017
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 4 thoughts on “Tư duy tích cực thực sự”

  1. Dear A Hoành.

    Cám ơn a vì bài viết rất hay này.

    Tuy nhiên, khi đặt tư duy tích cực trong liên hệ với nước Nhật thì em vẫn thấy có chút gì đó mâu thuẫn.
    Như anh và mọi người đã biết, Nhật Bản đc biết đến như là 1 là đất nước kiên cường và mạnh mẽ, vượt qua biết bao nhiêu thiên tai và xây dựng lại cơ sở hạ tầng trong thời gian rất ngắn. Nhìn qua thì đây đúng là 1 quốc gia rất tích cực, tích cực cho nên mới cùng nhau gầy dựng lại những thứ đã bị thiên tai phá hủy nặng nề, khiến cho thế giới phải trầm trồ thán phục. Nhưng nghịch lý nằm ở chỗ, tỷ lệ tự tử ở Nhật nằm trong Top 5 trên thế giới. Như vậy, con người Nhật Bản chỉ tích cực khi đứng cùng nhau nhưng lại rất “yếu nội công” khi gặp vấn đề cá nhân và dẫn đến tự tử?

    Mong anh Hoành có thể chia sẻ thêm để em được hiểu rõ hơn.

    Em Nam

    Thích

  2. Hi Nam,

    Rất khó mà nói về một dân tộc bằng cách chỉ tựa vào sức mạnh kinh tế chính trị của dân tộc đó trong một lúc. Ví dụ: Đế quốc La Mã bách chiến bách thắng, mạnh và tiến bộ về kỹ thuật nhất thời đó. Nhưng đùng một cái, đế quốc này chết mà ngày nay người ta vẫn còn bàn đến nguyên nhân.

    La Mã là đế quốc quân sự, dùng quân sự để chinh phục các nước khác. Nói chung là dùng sức mạnh để thôn tính các dân tộc khác. Nếu nói là tích cực thì đó chỉ là tích cực nửa mùa – tích cực đánh nhau, tích cực thắng trận. Nhưng đó phải nói là tiêu cực, vì ỷ mạnh đi hiếp đáp thiên hạ, căn bản là rất tiêu cực. Tần Thủy Hoàng cũng dùng vũ lực thôn tính thiên hạ và cai trị nhân dân. Nhưng triều đại chỉ kéo dài đến đời con thì mất.

    Về Nhật thì thế chiến thứ hai cho thấy ta phải đánh dấu hỏi lớn về tinh thần “hiệp sĩ đạo” của người Nhật. Tự dưng nhập bọn cùng Hitler và Mussolini, hai tướng cướp thứ thiệt. Rồi mang quân đi xâm lăng khắp nơi, quân đội phạm nhiều tội ác – giết chóc, hãm hiếp phụ nữ, và đương nhiên là xử với dân bản xứ (Việt Nam, Trung Quốc, Nam Hàn) như tôi đòi. Có vẻ như ản cướp hơn hiệp sĩ. Ngay cả nhiều người Việt ngày nay nói là không thích làm việc với Nhật vì người Nhật rất kiêu. Người ta nói Thần đạo của Nhật trộn với Phật giáo tạo nên một văn hóa tích cực. Mình cũng thấy Thiền tông Nhật, dù có gốc từ Trung quốc, thì vẫn phát triển và sáng tạo hơn Thiền tông TQ. Nhưng cái gọi là tích cực của người Nhật có thể là tự kiêu và quyết thắng các dân tộc khác hơn là tư duy tích cực thực sự.

    Dù sao thì theo bài này ở wiki https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_suicide_rate , nói là lấy thông tin từ WHO, thì Nhật xếp hạng 26 về tự tử, không phải hạng 5. Việt Nam hạng 126, tức là tỉ lệ tự tử thấp hơn Nhật rất nhiều.

    Người Nhật sau thế chiến II làm việc kinh khủng để phát triển đất nước. Đó đương nhiên là tự ái bị thua trận, và một phần lớn cũng nhờ Mỹ, nước thắng trận, hết lòng giúp Nhật (cũng như Đức) tái thiết đất nước (thay vì đì kẻ thua trận) (Nhưng Mỹ không giúp VN tái thiết sau chiến tranh, mà đì 20 năm, cho đến 1995 mới tái lập bang giao, chỉ vì Mỹ thua, lần thua nước khác duy nhất trong lịch sử nước Mỹ).

    Ngày nay có thông tin thường xuyên về tự tử và chết vì làm việc quá sức ở Nhật. (Có thể thông tin Nam có là tự tử vì áp lực công việc). Người Mỹ được coi là làm việc dữ dội thứ nhì thế giới (Hồi trước có lẽ là đứng đầu, nhưng những thập niên gần đây, người Nhật có vẻ làm việc dữ dội hơn cả người Mỹ). Nhưng ở Mỹ mình chẳng nghe ai tử tự về áp lực công việc bao giờ, vì người Mỹ không ép nhân công làm việc, chỉ khuyến khích. Làm hơn 40 giờ một tuần thì có lương overtime – một giờ lương bằng một rưỡi (150%) lương bình thường. Làm việc ngày nghỉ lễ thì lương gấp đôi. Nhưng nhân công không muốn làm thì chẳng ai ép, chỉ tìm nhân công khác và luôn có người tình nguyện để có tiền thêm.

    Trung quốc ngày nay cũng phát triển cực nhanh, nhưng nói đó là do tích cực thì e rằng không thể đúng. Không có tự do ngôn luận, Internet bị kiểm soát chặt chẽ và ngăn chận. Nói kiểu nhà nước không muốn nghe là ở tù. Độc tài chuyên chế. Xâm lăng và từ từ tiêu diệt Phật giáo Tây Tạng. Xâm lăng Việt Nam và hùng hổ với mọi nước ở Biển Đông. Đó rất là tiêu cực. Mạnh nhờ vũ phu. Nếu mai sau TQ sụp thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên.

    Cho nên đừng lấy sức mạnh nhất thời làm bằng chứng tích cực. Ăn cướp hay tham nhũng cũng rất giàu vậy. Nhưng mầm mống đi tù cũng đã có rất lớn.

    Tư duy tích cực đặt nền tảng trên yêu người – dù đó là nói về cá nhân hay nói về một quốc gia.

    A. Hoành

    Đã thích bởi 2 người

  3. Cám ơn sự giải thích ân cần và sự phân tích định hướng rõ của anh. Giá trị cốt lõi là tình yêu thương, thì mới là triết lý đúng, để phát triển một tư duy, một giá trị, hay một nền tảng đúng, thuận theo cái lý của vũ trụ. Biết ơn trí tuệ của anh!

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s