Tại sao người ta tu chùa?

Chào các bạn,

Nếu ở chung với nhiều người, như là trong nhà và sở làm, thì bạn có nhiều khả năng bị người khác làm bạn stress. Hoặc người ta cố tình, hoặc người ta vô ý, làm nhiều điều bạn có thể bị stress – bạn để bình cà phê trong sở làm không đúng chỗ thường ngày và có người phàn nàn, bạn nói một câu với ý tốt nhưng người ta hiểu lầm và khó chịu, bạn làm một việc chậm hơn người ta chờ đợi một chút và người ta có vẻ bực mình… Nói chung là có nhiều chuyện “ruồi bu”, chẳng đáng gì, nhưng xảy ra hằng ngày, người ta làm bạn có cơ hội bực mình rất thường xuyên.

Thế nên thiên hạ muốn tu chùa, tức là vào chùa vào am, nơi vắng lặng, không có ai ngoại trừ vài sư hay ni, cho nên có khả năng là mức stress của bạn giảm xuống nhiều (dù rằng vài ni sư trong chùa cũng có thể làm bạn stress khi này khi kia).

Chính vì vậy mà trong “10 Bức Tranh Trâu” của Thiền tông, cũng nói đến khi bắt đầu luyện trâu – tức là luyện tâm – hành giả lên rừng một mình với trâu để luyện. Luyện xong rồi mới trở về thỏng tay vào chợ.

Nhưng khi về chợ hành giả có tịnh tâm không hay lại bị chợ búa làm cho xung động thường xuyên? Ở rừng tĩnh lặng là một chuyện, về ở chợ mà tĩnh lặng lại là một chuyện khác.

Dù sao thì đối với mình, tu chợ là chuyện quan trọng, vì đa số chúng ta ở chợ, và thực sự là ở chợ thì mới đúng là tu, như là sen nở trong đầm bùn. Còn tu trên núi thì vẫn có một dấu hỏi rất lớn về khả năng chịu lấm bùn của mình.

Nhưng vòng lại điểm chính ở đầu bài. Mình nói có nhiều người làm bạn bị stress trong ngày. Chúng ta stress chỉ vì chúng ta phản ứng kiểu phản xạ xưa nay nên ta stress:

– Bộ bà này muốn kiếm chuyện với mình hay sao?
– Sao ông này khó chịu vô lý vậy?
– Sao người này kiêu căng vậy?
– Bộ thấy mình là lính mới rồi ăn hiếp sao?

Các bạn, các câu hỏi trên là câu hỏi trong đầu bạn, mở đường cho stress, hoặc là stress rồi mới hỏi thế.

Có hai vấn đề ở đây:

1. Đây là các câu hỏi (thực ra là câu xác định, không phải câu hỏi, tiếng Anh gọi là rhetorical question) tự mình nói với mình. Rất có thể là mình sai. Rất có thể là mình suy đoán sai hành động của người kia. Rất có thể người ta có ý tốt và thân thiện.

2. Dù là mình suy đoán đúng, thì vấn đề cũng là một: Tại sao mình để hành động của người khác làm mình stress?

Người ta làm gì là việc của người ta, stress hay không là việc của mình. Đừng để hành động của người ta chỉ huy cái đầu của mình – làm cho mình stress, vì như thế mình là con vụ người ta đang chơi.

Các bạn, các bạn có hiểu “tự do” là gì, “nô lệ” là gì không?

Nếu người ta có một hành động, mà mình bị stress, thì mình là nô lệ của hành động của người ta. Nếu người ta làm gì, mình cũng tĩnh lặng an lạc, thì đó là tự do.

Không cần phải lên núi vào chùa mới tự do. Tự do đó có thể rất giả tạo, vì khi về phố có thể mình lại bị nhiều người làm stress. Tự do thật là không làm nô lệ cho ai, cho hành động gì của ai cả.

Đây là vấn đề thái độ. Trước hết ta phải quyết định có một thái độ rõ ràng: Tôi quyết định là tôi hoàn toàn tự do, không làm nô lệ cho hành động gì của ai cả.

Quyết định rồi thì cứ theo đó mà hành động. Ban đầu thì hơi khó khăn, nhưng mỗi khi stress thì lại nhắc mình: “Mình là người tự do, không là nô lệ cho hành động của ai cả. Không stress. Chấm hết.”

Dù người kia làm/nói đúng hay sai, mình vẫn không stress. Giản dị thế. Đúng hay sai thì để đó tính sau. Việc đầu tiên là không stress.

Có lẽ các bạn đều đã có kinh nghiệm là điều này nói dễ hơn làm. Trong thực tế ai mà đụng tới mình là mình stress, không cản stress được. Đúng như vậy đó. Và chính vì vậy mới cần thời gian luyện tập. Như người mới tập giữ gôn, người ta đá 10 quả lọt cả 10. Tập mãi mới từ từ bắt bóng tốt, còn lọt 8, rồi 6, rồi 5, rồi 2, rồi 0.

Vấn đề chính không phải là khó, mà chịu khó thực hành hằng ngày, kiên trì, thì sẽ khá.

Và một điểm nữa các bạn nên tự nhắc mình thường xuyên: “Nếu bình tâm nhìn những điều người khác làm mình stress, thì ta thấy đó toàn là những chuyện như gió thoảng mây bay, chẳng quan trọng một chút nào.”

Ví dụ: Mình kể cho bạn chuyện cũ: “Tui với hắn hổi nhỏ học chung lớp 8. Có một bữa vì gì đó quên rồi, mà hắn nói tui ngu, tui liền nhào vô đấm đá, hai đứa đánh nhau ỏm tỏi. Thầy giám thị tới, bắt hai đứa quỳ cả buổi luôn. Hồi đó sao ngu vậy không biết.” Nói đến chuyện cũ ta hay thấy mình khờ khạo và mắc cười như thế, tức là mọi chuyện chỉ là chuyện gió thoảng mây trôi, hoàn toàn không quan trọng gì, nhưng về sau ta mới thấy đúng như thế, còn ngay lúc đó thì cho là chuyện động trời để mà stress, mà giận.

Mọi chuyện xảy đến cho ta lúc này đều là chuyện gió thoảng mây trôi. Chẳng lý do gì để stress. Hãy nhìn thẳng vào bản chất gió thoảng mây trôi của chúng lúc này. Đừng đợi 3 năm hay 10 năm nữa nhìn lại mới cười là sao lúc đó mình khờ vậy.

Chẳng có chuyện gì lớn hơn một tiếng “Vậy à”.

Đừng stress. Đừng nô lệ. Hãy tự do.

Chúc các bạn luôn tự do trong tâm tưởng.

Mến,

Hoành

© copyright 2017
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 2 thoughts on “Tại sao người ta tu chùa?”

  1. Cảm ơn anh, bài viết như một cách để thoát ra những chuyện, những việc làm ta “stress” mỗi ngày. Qua được cơn nóng giận và stress thì cảm thấy những chuyện đó như gió thoảng mây bay thật.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s