Chào các bạn,
Hôm nay chúng ta nói đến Hoa Vô Ưu, một loài hoa cũng được nhắc đến thường xuyên trong văn hóa Phật giáo. Hoa này thường bị nhầm với Hoa Ưu Đàm, có lẽ vì chữ “Ưu” trong tên hoa.
Hoa Ưu Đàm là phiên âm từ tiếng Phạn “Udumbara” – Ưu đàm ba là, ngắn lại là Ưu Đàm – mà chúng ta đã nói là hoa sung, mà nhiều người không hề biết là có hiện diện trên đời. Hoa Ưu Đàm còn gọi là Hoa Linh Thoại, vì đó là biểu tượng của sự xuất hiện Pháp thoại linh thiêng của Phật.

Đằng khác, Hoa Vô Ưu là từ Hán Việt. “Vô Ưu” có nghĩa là “không buồn” – “vô” là không, “ưu” là buồn. Tên này được dịch nghĩa trực tiếp từ tên tiếng Phạn là Ashoka có nghĩa là không buồn.
Hoa Vô Ưu có tên khoa học là Saraca Asoca, thuộc gia đình thực vật Caesalpaeniaceae, một gia đình thuộc họ Leguminosae. Hoa thường có màu rực rỡ, như đỏ, cam, tím đỏ, vàng… tụ thành từng cụm trên cành. Trong Phật giáo, truyền thuyết cho rằng Phật Thích Ca được sinh ra dưới tàn cây Vô Ưu, nên hoa này thường được trồng trong sân chùa và cắm trên bàn thờ Phật như là biểu tượng của an lạc, không muộn phiền.

Trong Ấn giáo, Hoa Vô Ưu cũng được xem là loài hoa linh thiêng. Hoa được gọi là Hoa Tình Yêu, dành cúng cho Thần Tình Yêu Kama Deva. Người ta tin rằng uống nước rửa Hoa Vô Ưu sẽ giúp mình gột rửa mọi muộn phiền và thành vui tươi tích cực. Người ta cũng tin rằng hoa này giúp các phụ nữ hiếm muộn có con cái.


Ở Việt Nam, chẳng ngạc nhiên gì, chúng ta có một loài hoa rực rỡ rất quen thuộc, cũng nằm trong gia đình Caesalpaeniaceae. Đó là hoa phượng, tiếng Anh có tên là Flamboyant (rực rỡ) hay Royal Poinciana (Hoa Poinciana Hoàng tộc).

Ngày trước, chúng ta có một số bài hát học trò chia tay mùa hè dưới tàn hoa phượng, như bản “Nỗi Buồn Hoa Phượng” của Thanh Sơn:
Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn,
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương,
Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi,
Phút gần gủi nhau mất rồi
Tạ từ là hết người ơi!
Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng,
Biết ai còn nhớ đến ân tình không,
Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu,
Những chiều hẹn nhau lúc đầu,
Giờ như nước trôi qua cầu…

Có lẽ chúng ta nên đổi mốt cho hoa phượng – gọi đó là Hoa Vô Ưu Việt Nam – dẹp bỏ tư tưởng sầu bi, và trồng quanh sân chùa làm cảnh vô ưu.
Phượng đỏ cho ta hết buồn
Phượng tươi sáng trong đời ta
Cánh Vô Ưu tâm tĩnh lặng
Nam Mô Tịnh Độ A di đà
Chúc các bạn luôn vô ưu.
Mến,
Hoành
Bài cùng chuỗi:
– Hoa Linh Thoại – Hoa Ưu Đàm
– Hoa Vô Ưu – Hoa Không Buồn
– Hai loài Hoa Sala
© copyright 2016
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
anh Hoành ơi, hoa vô ưu này ở quê miền tây của em còn gọi là Hoa trang. Cám ơn anh Hoành luôn cho chúng em những bài viết ngắn gọn, thú vị.
ThíchThích
Hi Hạnh,
Hoa Vô Ưu nhìn giống hoa trang, nhưng hoa trang là các bụi nhỏ, Hoa Vô Ưu là cây rất lớn, và 2 hoa không nằm chung trong một gia đình khoa học.
Chúc em vui.
A. Hoành
ThíchThích
Khi tâm không mong cầu, lòng sẽ hết buồn lo.
Không mong cầu, không phải là không làm, mà là làm với tâm không mong cầu.
Vì hiểu rằng, đủ nhân duyên thì việc sẽ thành, chưa đủ nhân duyên thì việc chưa thành, có mong cầu cũng chẳng được.
Kính chúc mọi người sống tích cực và không buồn lo! 😤😃😃.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Chào anh Hoành,
Cám ơn anh đã cho thông tin về cây Vô ưu, mà ở Việt nam không ít người gọi cây Couroupita Guianensis hay cây Đầu Lân (sách thực vật của TS Phạm Hoàng Hộ) là Cây Vô Ưu, cây Sala.
Nhiều chùa bên VN trồng cây Couroupita, cũng được cho đó là cây Vô ưu, hay Ưu Đàm.
ThíchThích
cảm ơn anh
mới đầu nhìn hoa cứ tưởng trang nhật. hoa và lá của trang (nhật) giống như hoa vô ưu nhưng cây nhỏ hơn. trang nhật trồng làm cảnh tại các con đường của TP Đông Hà vì chịu hạn tốt hoa đẹp và rực rỡ.
mỗi khi hoa trang nở rực rỡ khắp cả tuyến đường nhìn rất sướng. thật sự làm tâm hồn sảng khoái hơn.
ThíchThích
Em bỏ phiếu tán thành “đổi mốt cho hoa phượng – gọi đó là Hoa Vô Ưu Việt Nam” “và trồng quanh sân chùa làm cảnh vô ưu”. 🙂
Một bài thật thú vị. Em cám ơn anh.
ThíchThích
Dear Anh Hai
Em cảm ơn anh Hai đã chia sẻ thêm một bài học thật ý vị sâu sắc, làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp phong phú.
Đồng thời em cũng biết thêm một loài hoa có tên rất là ý nghĩa. Mới nhìn bức hình minh họa đầu tiên trong bài em tưởng đó là hoa “Mẫu đơn” (hoặc còn gọi là hoa trang) nhưng nhìn xuống những hình dưới thì thân cây đúng là không phải hoa “Mẫu đơn”.
Em chúc anh Hai luôn an lành và vui khỏe.
Em M Lành
ThíchThích
Cảm ơn Nhường.
Cây Sala (Couroupita Guianensis hay cây Đầu Lân):
– khác với cây ưu đàm (Udumbara, tên khoa học là Ficus racemosa,tức cây sung),
– và khác với cây vô ưu (Ashoka, tên khoa học là Saraca Asoca, thuộc gia đình Caesalpaeniaceae, họ Leguminosae.
Các chùa và các bài viết rất rối rắm về các cây này, chính vì vậy mà mình bỏ công nghiên cứu để làm sáng tỏ vấn đề.
ThíchThích
Quả là nhìn hoa phượng em thấy rất rực rỡ, rất đẹp và vui tươi. Ở TpHCM giờ không còn nhiều cây phượng nữa, nên mỗi lần thấy cây phượng đầy hoa, em càng cảm nhận rõ rệt sự rực rỡ và khác biệt cây mang lại.
Bài thơ của anh hình như không chỉ dành cho cây phượng …
“Phượng đỏ cho ta hết buồn
Phượng tươi sáng trong đời ta” 😉
Em Linh
ThíchThích
Mình rất thích hoa Vô Ưu mà không thể tim được chỗ bán
ThíchThích