Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.
Chào các bạn,
Tiếp theo Dân ca Chứt, hôm nay mình giới thiệu đến các bạn Dân ca Cor của Dân tộc Cor.
Dân tộc Cor còn có các tên gọi khác: Kor, Co, Col, Cùa, Trầu. Thuộc ngữ tộc Môn-Khmer. Phần đông dân tộc này cư trú chủ yếu ở huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi), huyện Nam Trà My và huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam).
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Cor ở Việt Nam có dân số 33.817 người, cư trú tại 25 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Cor cư trú tập trung tại các tỉnh: Quảng Ngãi (28.110 người, chiếm 83,1% tổng số người Cor), Quảng Nam (5.361 người), Kon Tum (118 người).
Từng làng của người Cor có tên gọi riêng theo tên người trưởng làng hoặc tên sông, suối, tên đất, tên rừng. Trong xã hội Cor, các bô lão luôn được nể trọng. Người lớn tuổi được suy tôn làm trưởng làng phải là người hiểu biết phong tục, giàu kinh nghiệm sản xuất và ứng xử xã hội, được dân làng tín nhiệm cao và thuộc dòng họ có công lập làng. Người Cor ở nhà sàn. Dân làng góp sức làm chung ngôi nhà sau đó từng hộ được chia diện tích riêng phù hợp với nhu cầu sử dụng. Ngôi nhà có thể nối dài thêm cho những gia đình đến nhập cư sau, Thường nóc cũng là làng vì rất phổ biến hiện tượng làng chỉ có một nóc nhà. Nay vẫn thấy có nóc dài tới gần 100m. Dưới gầm sàn xếp củi, nhốt heo, gà.

Người Cor không dệt vải, vì vậy vải và đồ may mặc đều mua ở nơi khác, phần lớn là mua của người Kinh và người Xơ-đăng. Theo sắc phục truyền thống, nam giới thường ở trần, đóng khố, nữ quấn váy, mặc áo cộc tay, yếm. Trời lạnh mỗi người khoác tấm vải dài, rộng. Người Cor thích đeo vòng cổ, vòng tay, hoa tai bằng đồng hoặc bạc, nhưng thích nhất là bằng hạt cườm. Phụ nữ quấn nhiều vòng cườm các màu quanh eo lưng.
Người Cor thích múa hát, thích chơi chiêng, cồng, trống. Các điệu dân ca phổ biến của người Cor là Xru, Klu và Agiới. Các truyện cổ của người Cor truyền miệng từ đời này sang đời khác luôn làm say lòng cả người kể và người nghe.
Dưới đây mình có các bài:
– Nhạc Cụ Dân Tộc Cor
– Nghệ Thuật Diễn Xướng Dân Gian Của Người Cor
– Âm nhạc truyền thống của người Cor, Quảng Nam
– Trống đất của người Cor, Quảng Nam
– Tết Ngã rạ của dân tộc Cor, Quảng Ngãi
– Cây nêu – biểu tượng văn hóa trong các lễ hội của người Cor
– Độc đáo Lễ hội ăn trâu huê của người Cor, Quảng Nam
– Người giữ hồn văn hóa dân tộc Cor
– Độc đáo trang phục của đồng bào dân tộc Cor
Cùng với 5 clips tổng thể văn hóa truyền thống dân tộc Cor để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.
Mời các bạn.
Túy Phượng
(Theo Wikipedia)


NGƯỜI Cor còn có tên gọi Co, Cùa, Trầu, cư trú chủ yếu ở các huyện Trà Bồng, Sơn Hà của tỉnh Quảng Ngãi, một số sống ở tỉnh Kon Tum. Riêng ở Quảng Nam, người Cor tập trung nhiều nhất ở huyện Bắc Trà My. Ngoài ra, ở huyện Tiên Phước, Núi Thành và xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh) cũng có người Cor sinh sống.
Các già làng người Cor còn nhớ truyền thuyết rằng ngày xưa có cơn đại hồng thủy làm cuốn trôi tất cả, chỉ còn nhóm người sống sót đi bằng thuyền lên hướng mặt trời lặn, đến ngọn núi Răng Cưa. Vì vướng ngọn núi nên thuyền không đi được nữa, họ phải bám vào vách đá để trú ngụ. Đấy chính là tổ tiên của dân tộc Cor. Ngọn núi Răng Cưa huyền thoại vẫn sừng sững, phía nam là nơi ở của người Cor huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi), phía Bắc là đồng bào dân tộc Cor ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam).
Tiếng nói của nguời Cor thuộc nhóm ngôn ngữ Môn —Khơ me, phương thức canh tác chủ yếu bằng nương rẫy. Đặc biệt là trầu và quế là nguồn lợi kinh tế lớn, ngoài ra còn săn bắn, hái lượm. Đến nay, nhà dài không còn, đồng bào dân tộc Cor chuyển sang nhà trệt.
Âm nhạc của dân tộc Cor khá phong phú, được dùng để biễu diễn trong các dịp lễ hội và trong sinh hoạt hàng ngày. Cuộc sống người Cor xưa phần lớn dựa vào sản vật của rừng nên nhạc cụ dân tộc Cor phần nhiều được chế tác từ vật liệu nứa, tre, gỗ, lá… Họ có hơn 10 loại khác nhau, gồm nhóm gõ, nhóm hơi, nhóm dây như cồng chiêng, đàn đá, trống đất, đàn Vơró, đàn Kađác, kèn Amáp, sáo Talía, kèn môi… Trong kho tàng âm nhạc này, dù tự sáng tạo hay tiếp thu của các dân tộc khác, người Cor cũng tạo ra những âm thanh độc đáo, trở thành tài sản riêng biệt của dân tộc mình. Trong đó tiêu biểu nhất là cồng chiêng, đàn đá, trống đất, kèn Amáp.
Cồng chiêng
Theo những nghệ nhân lớn tuổi thì từ xa xưa, dân tộc Cor đó có mối quan hệ giao lưu văn hóa với các dân tộc cận cư, nhất là Xê-đăng, Chăm và Kinh. Do đó, nhiều nhạc cụ có nét giống với nhạc cụ dân tộc này. Người Cor đổi cồng chiêng do dân tộc Kinh chế tạo đem về chỉnh âm tạo ra những cung bậc thanh âm đặc trưng.
Bộ cồng chiêng gồm có 2 cái chiêng và 1 cái trống. Một chiêng gọi là Chéc tók, một chiêng gọi là Chéc tứp, trống gọi là Agơl, do 3 nghệ nhân sử dụng. Nghệ nhân dùng tay trái điều khiển, tay phải cầm dùi đánh vào chiêng. Đầu tiên là khởi trống, rồi đến đánh chiêng. Chiêng đánh trước là chiêng Chéc tók, chiêng đánh sau là chiêng Chéc tứp, đánh dập (dập 1, dập 2, dập 3 tùy theo điệu múa). Khi tiết tấu điệu múa Ka đáu chậm, ta nghe rõ từng tiếng trống tiếng chiêng theo nhịp múa uyển chuyển của các vũ nữ, nhưng khi tiết tấu nhanh thì 3 loại này hòa âm, tạo ra âm vang lan khắp núi rừng, tăng thêm sự tưng bừng của ngày hội. Cồng chiêng được biểu diễn trong những dịp lễ, ăn lúa mới, ăn tết mùa, lễ đâm trâu, lễ cúng heo. Đây là dịp để mọi người vui chơi thỏa thích.

Kèn A máp
Phụ nữ Cor ít bộc lộ tình cảm của mình nhất là trong tình yêu nam nữ. Thay vào đó họ dùng một loại nhạc cụ giản dị nhưng rất độc đáo để biểu đạt những điều muốn nói. Đó là cây kèn A máp. Nhạc cụ này được làm bằng cây long bong, dài khoảng bốn nắm tay, đường kính bằng 1/3 lóng tay út, thuộc bộ hơi, thổi bằng miệng kết hợp dùng tay điều khiển. Loại kèn này không bền, chỉ sử dụng ba, bốn ngày là bỏ. Khi sử dụng phải ngâm vào nước lã để âm thanh hay hơn. Kèn A máp chỉ dành riêng cho phụ nữ, một người thổi hoặc hai người cùng thổi. Nếu một người sử dụng: thì lấy hai tay úp lại nhau vào lỗ thoát hơi làm hộp cộng hưởng. Hai tay mở ra, úp lại tạo thành các âm thanh khác nhau. Nếu hai người sử dụng thì một người thổi một đầu kèn, người kia ngậm vào đầu kèn còn lại, dùng miệng làm hộp cộng hưởng. Người làm hộp cộng hưởng là người hát. Nhưng tiếng hát đó không phải ai cũng hiểu vì âm thanh phát ra hòa trộn giữa tiếng người hát với tiếng sáo tạo nên âm điệu hết sức đặc biệt chỉ có người trong cuộc và người có kinh nghiệm mới thấu hiểu tiếng kèn muốn biểu đạt điều gì. Người sử dụng A máp phải dùng sức thổi rất mạnh, người yếu hơi không thổi được. Khi thay đổi người làm hộp cộng hưởng thì âm sắc của kèn cũng khác hẳn.

Trống đất
Theo truyền thuyết của dân tộc Cor thì ngày xửa ngày xưa, có năm trời hạn hán, lúa, bắp chết khô trên rẫy, sông suối khô cạn. Con người và muôn thú không có nước để uống. Có một cụ già người Cor thương dân làng đêm nằm không yên, rồi cụ được thần linh báo mộng bày cách làm trống đất để cúng Giàng cầu mưa. Trống đất ra đời từ đấy.
Trống đất gồm 5 cái, làm bằng mo cau, úp trên miệng lỗ đào dưới đất. Mỗi lổ bề ngang, bề dài, bề sâu khoảng 30cm, mỗi lổ cách nhau vài gang tay, cũng có thể xếp thành 2 hàng, hàng trước 3 lổ hàng sau 2 lổ. Mo cau được cắt thành hình tròn để trùm lên từng lổ một, mỗi người sử dụng một trống. Trống đất chỉ được sử dụng để cầu trời cho mưa, không sử dụng bừa bãi. Đội hình biểu diễn đánh trống đất đánh theo thứ tự, chỉ những người đàn ông lớn mới được đánh. Đánh mạnh tay và dứt điểm, khi có sấm sét thì đánh theo nhịp sấm sét, đánh trống đến lúc trời đổ mưa mới thôi. Tiếng trống đất trầm, được biểu diễn theo những tiết tấu rất vui tai.
Đàn đá
Trong quá trình lao động và sản xuất trên nương rẫy người Cor phát hiện ra nhiều loại đá mà khi gõ vào phát ra âm thanh nghe rất hay và từ đó họ đã nghiên cứu và sáng tạo ra loại đàn này. Ban đầu, những phiến đá được buộc dây, treo cạnh suối nước, có nối kết với một sợi dây dài, gắn với thanh gỗ đặt dưới suối. Nước chảy mạnh khiến các phiến đá va chạm vào nhau, tạo nên nhiều âm thanh vui tai. Đồng bào thường sử dụng đuổi chim, thú để giữ nương rẫy. Về sau, người Cor đã chọn 7 thanh đá khác nhau để làm thành bộ đàn. Người ta cầm một hòn đá nhỏ gõ lên từng viên tạo âm thanh, đôi khi không theo thứ tự, tiết tấu nhanh hay chậm là do người sử dụng.
Khi nghệ nhân sử dụng đàn đá thì có một đến hai người bảo vệ. Đàn đá được giữ gìn cẩn thận, cất giấu nơi kín đáo, không cho phụ nữ bước qua, vì theo quan niệm của họ nếu phụ nữ bước qua thì đàn sẽ không còn những âm thanh ban đầu. Đàn đá được phát hiện từ lâu ở Nam Tây Nguyên, nhưng ở phía Bắc dãy Trường Sơn – Tây Nguyên thì rất hiếm, hầu như chưa ai nói tới, vì vậy việc người Cor biết sử dụng đàn đá là một hiện tượng thú vị mà đến nay chưa được nghiên cứu đầy đủ, nghiêm túc.
Dân tộc Cor giàu bản sắc văn hóa, có nền âm nhạc phong phú và đa dạng. Tuy nhiên hiện nay chỉ còn ít già làng, người lớn tuổi am hiểu và biểu diễn được các loại nhạc cụ truyền thống. Đa số thanh thiếu niên ít hiểu biết về nguồn gốc, phong tục tập quán, lễ hội của dân tộc mình. Chính vì vậy, cần phải phát huy yếu tố nội lực, khơi dậy ý thức dân tộc, lòng tự hào về giá trị các di sản văn hóa, đồng thời có những giải pháp để đầu tư phát triển về văn hóa, thông tin ở vùng đồng bào dân tộc Cor nói riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam nói chung.

NGHỆ THUẬT DIỄN XƯỚNG DÂN GIAN CỦA NGƯỜI COR
Các loại hình dân ca
Dân tộc Cor ở Quảng Ngãi còn bảo lưu nhiều loại hình dân ca, khá đa dạng và phong phú, có những sắc thái riêng. Phổ biến có các làn điệu sau:
Xà ru
Là điệu hát có giai điệu trong sáng, mượt mà, theo lối tự sự, có kể, có tâm tình, có nói bóng gió, lời hát thường từ sự ứng khẩu của mỗi người. Trai gái hay dùng xà ru để hát tỏ tình, trong rừng quế hay ngoài sông, ngoài suối. Trong lễ hội, xà ru là công cụ năng động nhất để đối thoại giữa các thành viên trong cộng đồng với nhau. Xà ru còn được dùng để giao tiếp với thần linh.
A giới
A giới là điệu hát đối đáp, có giai điệu ngọt ngào, trong sáng, theo giai điệu có sẵn. Người hát có thể ứng khẩu phần lời cho phù hợp với môi trường, hoàn cảnh. Đề tài của a giới thường là về những nỗi riêng tây, những khó khăn vất vả, những nỗi bất hạnh.
A lát
A lát có giai điệu tươi vui, thường miêu tả tình cảm giữa con người và loài vật. A lát cũng được dùng trong đám cưới, mừng được mùa, đặc biệt trong lễ ăn trâu. Có khi người Cor còn dùng trống, chiêng để đệm cho các bài a lát.

Cà lu
Cà lu thường dùng trong lễ tế ông bà, các vị thần linh. Những người già hay thầy cúng thường dùng giai điệu này trong khi tế lễ. Khi hát cà lu người hát phải ngửa mặt lên trời để tỏ lòng cầu khẩn. Nhịp điệu cà lu tương đối tự do nên người Cor không dùng trống, chiêng đệm theo.
Cà rùa
Cà rùa là giai điệu thường dùng trong đám ma nên âm điệu buồn bã, trầm lắng, là một điệu hát kể, hát khóc, nội dung thường là kể về công ơn cha mẹ, vợ chồng.
Ngoài ra, người Cor còn có điệu hát a rợp, là điệu hát thường dùng trong lễ ăn trâu, hoặc khi làng có tin vui, nhưng điệu hát đang có nguy cơ thất truyền.
Nói chung, dân ca của người Cor ở Quảng Ngãi khá phong phú, đa dạng, trừ điệu a lát có giai điệu tươi vui, còn lại thường là trầm lắng, tâm tình. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, và cả trong thời bình, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã dùng các giai điệu xà ru, a giới, a lát.. để đặt thêm lời mới nhằm vận động bà con người Cor đứng lên chống Pháp, chống Mỹ, kêu gọi đoàn kết Kinh – Thượng, vận động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa…

Các loại nhạc cụ
Người Cor có nhiều loại nhạc cụ tương tự nhạc cụ của người Hrê, nhưng tên gọi có khác nhau chút ít.
Đàn brook
Về cấu tạo và cách diễn tấu cũng giống cây đàn brook của người Hrê, có nơi còn gọi là bro, nhưng giai điệu có khác hơn các giai điệu của người Hrê. Người Cor cũng dùng cây đàn brook để hòa tấu cùng với các loại nhạc cụ khác, như brook t’ru, a máp, tà lía, ra ngoái… Brook là loại nhạc cụ dành cho nam giới.
Đàn brook t’ru
Tương tự như cây đàn krâu của người Hrê, dùng để chơi các giai điệu vui tươi. Khác với người Hrê và người Ca Dong, người Cor ít khi dùng brook t’ru để mô phỏng tiếng chiêng, vì bộ chiêng của ngườiCor chỉ có hai chiếc. Đàn brook t’ru cũng chỉ dành cho nam giới, dùng trong sinh hoạt hàng ngày và lễ, tết.
Đàn cà trớt
Có nơi còn gọi là đàn k’doh, là loại đàn giống như cây đàn nhị của người Việt. Cần đàn là một ống nứa dài khoảng 50 – 60 cm, có mắc 1 sợi dây bằng gân thú, hoặc dây tơ (nay thường là dây kim loại, như dây đàn ghita, hoặc dây thắng xe đạp), nối xuống phía dưới hộp cộng hưởng. Hộp cộng hưởng là một ống tre già có đường kính khoảng 10cm, dài khoảng 20cm. Người chơi dùng dây cung, là một đoạn cật tre vót mỏng, dài khoảng 40cm, kéo trực tiếp vào dây đàn.
Người Cor dùng đàn cà trớt để chơi trong các dịp lễ hội theo các bài bản nhất định, hoặc đánh thức con cái dậy sớm ra nương, ra rẫy.
Đàn ra ngoái
Cũng được làm bằng thanh tre hoặc gỗ nhỏ và một miếng thép như đàn ra ngoái của người Hrê, là loại đàn dành cho cả nam lẫn nữ. Hai người có thể dùng ra ngoái để tỏ tình với nhau.
A máp
Là loại sáo nhỏ, bằng triêng rừng, có lưỡi gà, tương tự a mó của người Hrê, nhưng dài hơn. Trong cộng đồng người Cor hiện có rất nhiều người biết chơi a máp, đặc biệt là các nghệ nhân ở Trà Phong (huyện Tây Trà), như bà Hồ Thị Vui, Hồ Thị Bảy… Hai nghệ nhân này có thể song tấu nhiều bài a máp khác nhau, như ru con, đánh thức con dậy, khuyên con đi làm rẫy, đi bẫy thú… Khi song tấu thì một người thổi vào một đầu ống, một người khác dùng miệng và hai bàn tay “nói” ở đầu còn lại. Chính vì “nói” được qua tiếng a máp mà trong thời kháng chiến chống Mỹ, nhiều nghệ nhân Cor đã dùng a máp để báo tin cho các chiến sĩ cách mạng khi có giặc càn.

Tà lía
Là loại sáo dọc, có 6 lỗ, tương tự sáo tà lía của người Hrê, dùng để thổi lúc đêm khuya hoặc ra rừng, ra rẫy, có khi còn để hòa tấu với các nhạc cụ khác.
Ngoài ra, người Cor cũng sử dụng các loại nhạc cụ khác, như chinh kla, ra đoang…, nhưng không phổ biến. Đặc biệt, phổ biến hơn người Hrê và Ca Dong, người Cor còn dùng các loại đàn nước, đàn gió.
Đàn nước
Được làm bằng nhiều ống nứa, đặt ở nguồn nước. Nhờ nguồn nước đẩy vào trái bầu đựng nước mà các ống nứa quệt vào nhau nghe rất trong trẻo, thánh thót, vui tai.
Đàn gió
Là loại đàn được làm bằng một ống nứa, trên ống nứa có gắn một cái chong chóng cũng bằng nứa. Lúc có gió mạnh đàn gió sẽ phát ra âm thanh như tiếng người hú. Đàn gió vừa để giúp vui, vừa để đuổi chim, đuổi thú.
Chiêng (chếk)
Bộ chiêng của người Cor có 2 chiếc, là loại chiêng bằng, không có núm, kèm theo một chiếc trống. Mỗi chiếc có chu vi khoảng 120cm, thành chiêng khoảng 5cm, có quai để xỏ dây. Hai chiêng có cao độ bằng nhau. Để so cao độ, người Cor dùng dùi gõ vào lòng chiêng. Khi diễn tấu, người chơi chiêng lấy tay phải néo giữ vào dây buộc chiêng, rồi nâng chiêng lên cao, và dùng dùi để đánh vào lòng chiêng.
Trong hai chiếc chiêng, có một chiếc gọi là chiêng mẹ, một chiếc là chiêng con. Khi hòa tấu, chiêng mẹ tấu trước, chiêng con tấu sau, rồi đến trống phụ họa. Chiêng mẹ thường chơi bồi âm, nghịch phách, chiêng con thường điểm những tiếng nhẹ.
Người Cor có các bài chiêng khác nhau: chiêng chào khách, chiêng cưới, chiêng cúng trâu, chiêng cúng thần, chiêng tiễn khách, đặc biệt là những bài chiêng dùng để “tranh luận” nhau, khi mềm mỏng, khi to tiếng, thậm chí có lúc tựa như tiếng chửi mắng nhau. Trống có nhiệm vụ làm người cổ vũ, lại có lúc làm người giải hòa.
Ngoài những làn điệu dân ca và các loại nhạc cụ rất phong phú, người Cor còn có điệu múa cà đáu rất độc đáo.

Múa cà đáu (cà đáo)
Múa cà đáu có nhịp điệu nhẹ nhàng uyển chuyển, do các cô con gái người Cor thể hiện trong các dịp lễ tết, đặc biệt trong lễ ăn trâu. Múa cà đáu có 2 dòng: cà đáu trook đtăk, nghĩa là cà đáu đường nước hay cà đáu vùng thấp; cà đáu trook gôk, nghĩa là cà đáu đường núi hay cà đáu vùng cao. Cà đáu đường nước chậm rãi, cà đáu vùng cao hơi dồn dập. Trong lễ ăn trâu, các đội múa cà đáu trong y phục truyền thống phải múa cà đáu 3 đợt quanh cây nêu: cà đáu cho chủ nhà, cà đáu cho làng, và cà đáu cho khách. Các điệu múa cà đáu phụ thuộc vào điệu trống, chiêng. Có 3 động tác chính trong múa cà đáu: cà đáu chếch a rết, có nghĩa là giết cua; cà đáu dâm dắc, có nghĩa là choàng cõng con; cà đáu khor ta moi, nghĩa là cà đáu rừng (1).
oOo
(1) Xem Đinh Long Ta: Múa cà đáu trong Lễ hội của người Cor ở Quảng Ngãi, Tạp chí Cẩm Thành, số 15, 5.1998, tr. 61.
Âm nhạc truyền thống của người Cor, Quảng Nam
(CTV-NguyenVan Son)
Âm nhạc dân tộc Cor luôn thể hiện sâu nặng chất trữ tình đằm thắm, mượt mà, khoẻ khoắn. Những âm thanh mà nó bộc lộ là vẻ đẹp tự nhiên của vùng cao bao la, hùng vĩ, nét tươi sáng và giản dị của tâm hồn người Cor sinh sống trên mảnh đất Quảng Nam.
Người Cor nói chung và người Cor huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam nói riêng có một hệ thống âm nhạc phong phú, sinh động và giàu sức biểu cảm… Vốn âm nhạc truyền thống đặc sắc đó được người Cor thể hiện trong sinh hoạt đời sống hằng ngày, trong các lễ hội truyền thống và nó luôn được người Cor gìn giữ và bảo tồn. Trong số đó phải kể đến những điệu hát sau:
Hát Clu
Clu là một điệu dân ca của người Cor có từ lâu đời. Có thể nói rằng trong lễ hội truyền thống như: Lễ ăn mừng lúa mới (Xa-pa-nưu), Lễ ăn mừng nhà mới (Xa-như-ra-vát), Lễ hội ăn trâu huê (Xa-ố-piêu), Tết mùa (Xa-a-ní)… không thể thiếu làn điệu dân ca vào loại độc đáo này với lối diễn xướng vừa hát Clu vừa cúng.
Clu còn được người Cor sử dụng trong các dịp cúng trâu, heo, cúng gà để cầu đất, cầu trời phù hộ mưa thuận gió hòa, mùa màn bội thu, gia đình khỏe mạnh, dân làng đoàn kết…Theo truyền thống, Clu chỉ được người Cor sử dụng trong nghi thức cúng tế là chính. Làn điệu Clu mang dáng dấp của một bài văn tế thể hiện tấm lòng thành của gia đình đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ những người đã khuất.
Nội dung Clu, ngoài ý nghĩa mời gọi tổ tiên, ông bà, cha mẹ, ma tốt về chứng giám cho lòng thành của con cháu, còn thể hiện sự cầu khẩn thần linh hoặc người đã khuất bỏ qua những sai sót, lỗi lầm của người còn sống phù hộ cho cá nhân, gia đình, cồng đồng được khỏe mạnh, an lành trong cuộc sống. Trong mâm cỗ cúng trong nhà, bên mâm để đầu heo, gà, các già làng ngồi quanh để hát Clu, tốp múa Kađấu vẫn diễn bình thường.
Có thể nói, Clu là một loại hình hát kể về những câu chuyện, những bài học quí, những nghĩa cử tốt đẹp của ông bà, cha mẹ những người đã khuất nhằm giáo dục con người làm những điều thiện và tốt đẹp trong cuộc sống.
Hát Xadru
Nếu như làn điệu Clu được sử dụng trong các lễ cúng thì làn điệu Xadru được sử dụng trong cuộc sống hằng ngày, động viên nhau trong lao động và sản xuất. Cả nam và nữ Cor đều có thể hát Xadru trong dịp làng tổ chức lễ hội truyền thống, họ cùng hát chung cả nóc với phầm đệm của các nhạc cụ truyền thống như: đàn Vơró, kèn A máp, kèn Ra ngoái…
Nội dung Xadru trước đây thương nói về lao động sản xuất, động viên nhau làm ăn… ngày nay chủ yếu ca ngợi Đảng, Bác Hồ, Chính phủ với những đường lối đúng đắn giúp đồng bào thoát cảnh đói nghèo, ca ngợi cuộc sống chan hòa tình cảm và những và những việc làm tốt đẹp, đồng thời cũng phê phán những suy nghĩ, những thói hư tật xấu, những việc làm không tốt của một số bộ phận không nhỏ hoặc cá nhân người Cor…
Hát A giới
Người Cor còn có hình thức hát đối đáp gọi là A giới gần giống như hát hò khoan của người Kinh, giống hát lý của người Cơtu. Đây là loại hình hát ứng đáp tại chổ với nội dung thường là động viên nhau trong lao động và sản xuất, dặm hỏi vợ chồng, thông gia hát đối đáp với nhau để thăm hỏi sức khỏe công việc đồng án nương rẫy… Thường chỉ có nam giới tham gia hát A giới, đôi khi cuộc hát đối đáp kéo dài cả đêm tới tận gà trong bản cất tiếng gáy tan thì cuộc hát đối đáp mới kết thúc.
Người hát phải ứng khẩu, diễn đạt tốt những lời hay ý đẹp. Một câu hát ấy thường mở đầu với lối Rê kéo daì tự do rồi đến giai điệu lý láy chủ yếu ở nốt Si và La và rồi kết thúc bằng nốt La. A giới là điệu hát gần giống với Clu nhưng chỉ khác là A giới mạnh mẽ và thường ngắn gọn hơn trong ca từ, còn Clu thì nhẹ nhàng hơn, tiếng đệm kéo dài và ca từ thì dài hơn.
Hát A ly
Khác với A giới, hát A ly là hình thức hát đối đáp giữa nam và nữ với nhau (cũng có trường hợp nam hát với nam, nữ hát với nữ nhưng rất ít phổ biến). Thường nội dung hát A ly đề cập đến tình yêu đôi lứa nam nữ. Nam nữ gặp nhau, hát đối đáp bằng những lời hát “bóng gió” văn hoa. Khi hát A ly, nam sẽ là người hát trước, sau đó mới đến nữ hát đối đáp lại. Nếu như A giới bắt đầu nốt Rê kéo dài tự do thì A ly cũng có nốt Rê, nhưng lại có hai đến ba nốt lấy đà. Kết thúc một câu ca lưu luyến lên Si rồi laị nghĩ đột ngột. Nhìn chung giai điệu A Ly cũng giống như A giới nhưng ca từ trong sáng và mạch lạc hơn.
Có thể thấy, Âm nhạc dân tộc Cor luôn thể hiện sâu nặng chất trữ tình đằm thắm, mượt mà, khoẻ khoắn. Những âm thanh mà nó bộc lộ là vẻ đẹp tự nhiên của vùng cao bao la, hùng vĩ, nét tươi sáng và giản dị của tâm hồn người Cor. Chính vì thế, âm nhạc người Cor luôn chiếm được cảm tình không những của tuyệt đại đồng bào Cor mà còn làm say lòng công chúng trong cộng đồng các dân tộc anh em, đặc biệt là những người làm nghệ thuật âm nhạc.

Trống đất của người Cor, Quảng Nam
(TH-Cinet – DTV)
Trống đất là nhạc cụ truyền thống từ bao đời nay của dân tộc Cor sống lâu đời trên vùng Trường Sơn-Tây Nguyên. Trống đất hiện vẫn là loại nhạc cụ thiêng liêng được người Cor (Quảng Nam) gìn giữ và bảo tồn.
Là nơi gìn giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống, vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc Cor trong đó có trống đất – một trong những nhạc cụ cổ nhất và thiêng liêng được người Cor ở Bắc Trà My (Quảng Nam) gìn giữ và bảo tồn.
Người dân nơi đây truyền lại rằng: Trong quá trình đào đất chôn cột làm nhà nghe được âm thanh thình thình của tiếng đào đất dội lại thật lạ tai nên tổ tiên ông bà người Cor đã nghĩ tới việc làm trống đất. Từ đó, trống đất đã trở thành nhạc cụ thiêng liêng và ăn sâu vào tiềm thức trong đời sống của dân tộc Cor…
Trống đất được làm bằng mo cau để trên 5 miệng lỗ đào dưới đất. Mỗi lỗ có bề ngang, bề dài, độ sâu vào khoảng một gang tay(khoảng hơn 20cm), có dạng hình chum trên một mặt đất phẳng. Mỗi lỗ cách nhau cũng chừng một gang tay (có thể xếp thành hai hàng, hàng trước 3 lỗ, hàng sau 2 lỗ). Dùng 2 chiếc bẹ bương khô xếp tráo đầu đuôi đậy lên miệng hố làm mặt trống. Sau đó, lấy một chiếc lạt tre chốt một đầu và sâu qua chính giữa 2 chiếc bẹ đó. Mặt trống được ghim xuống đất bằng 4 que tre sau đó được ép phẳng kín với mặt đất bằng 4 chiếc nẹp nứa. Công việc tiếp sau đó là đóng 2 chiếc que được làm bằng nhánh cây bương, cách tâm của mặt trống chừng 10cm về hai phía. Lấy sợi dây rừng nhỏ buộc căng vào hai đầu của 2 chiếc que vừa đóng rồi kéo sợi dây từ mặt trống buộc căng chặt lên sợi dây rừng.
Âm thanh của trống đất phụ thuộc vào độ kín của mặt trống, độ căng của sợi dây cũng như đường kính, độ dài của sợi dây và chiều rộng, chiều sâu của hố đất. Độ mịn, quánh, dẻo của đất cũng có tác động lên âm thanh của trống. Hai chiếc que buộc với sợi đây rừng có chức năng của một cần âm thanh.
Theo truyền thống, người Cor đánh trống đất vào những lúc nắng hạn để cầu xin ông trời cho mưa thuận gió hòa. Khi trời có sấm sét thì đem ra đánh và đánh trống đất cho tới khi trời mưa thì mới thôi. Người đánh trống cầm 1 dùi gõ lên mặt trống, từ mặt trống âm thanh của nó qua sợi dây lạt truyền xuống đất. Những âm thanh trầm bổng được vang lên có lúc âm rền dữ dội, có lúc khoan thai. Nếu người đánh trống dùng một tay đánh vào mặt trống thì trống có âm thanh ngân dài và vang xa. Còn nếu chặn một tay vào mặt trống, thì tiếng trống sẽ khô và đanh hơn mà lại không vang. Ngoài ra, người chơi trống có thể tạo ra các âm thanh như có tiếng náo động và dồn dập, có lúc như tiếng reo vui…
Là nhạc cụ truyền thống từ bao đời nay của người Cor sống lâu đời trên vùng Trường Sơn-Tây Nguyên, trống đất hiện vẫn là loại nhạc cụ thiêng liêng được người Cor gìn giữ và bảo tồn. Và trống đất được coi là linh hồn của người Cor gửi gắm và thể hiện tiếng lòng thành của mình với trời đất, với thiên nhiên núi rừng hùng vĩ. Âm thanh mà trống đất bộc lộ là nét tươi sáng và giản dị như tâm hồn của người Cor ở Bắc Trà My.

Tết Ngã rạ của dân tộc Cor, Quảng Ngãi
(TH-Cinet-DTV)
Tết Ngã rạ của đồng bào Cor, huyện Trà Bông (Quảng Nam) là dịp cháu con quây quần bên nhau, truyền cho nhau ngọn lửa để cùng gìn giữ những nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc mình…
Cứ vào khoảng cuối tháng 10 Âm lịch hàng năm, sau khi các gia đình đã thu hoạch xong lúa, nếp trên rẫy đem cất lên rẫy cử, già làng lại tổ chức họp dân làng và định ngày tổ chức Tết Ngã rạ để tạ ơn ông bà tổ tiên, thần linh đã phù hộ cho làm ăn khấm khá, cuộc sống an lành. Đây còn là dịp cháu con trong nhà, các gia đình trong làng sum họp, vui vầy bên nhau, truyền cho nhau những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.
Tết ngã rạ diễn ra trong hai ngày, với hai phần chính là phần lễ và phần hội.
Vào ngày thứ nhất, dân làng tổ chức đi lấy lúa thiêng trên rẫy về làm lễ cúng thần – Đây là nghi lễ đầu tiên của Tết ngã rạ. Già làng là người đi lấy lúa thiêng đầu tiên, sau đó báo hiệu cho các gia đình khác trong bản tiếp tục tiến hành lên rẫy lấy lúa thiêng…

Buổi chiều, các chị, các mẹ quây quần bên nhau làm bánh lá đót (gói bằng lá đót), bánh lá tốp (gói bằng lá tốp) và bánh ống (giống như cơm lam, gạo nếp bỏ vào ống nứa, để lên bếp nướng). Vừa làm, họ cùng nhau hát những điệu dân ca quen thuộc của dân tộc mình. Cánh đàn ông trong làng thì đan vỉ, để bày lễ vật cúng… Đêm đó, cả làng không ai đi ngủ. Các chị, các mẹ lo chuẩn bị đồ trang sức, áo quần cho cả gia đình, để ngày mai tinh tươm đón Tết.
Ngày thứ hai, từ sáng tinh mơ, không ai bảo ai, những người đàn ông trong làng đều thức dậy để chuẩn bị lễ cúng các thần linh. Theo quan niệm của người Cor, trong cuộc sống con người phải trải qua nhiều trắc trở, rủi ro, nên cuối mùa rẫy phải khấn trời, thần linh, tổ tiên để được cứu giúp, trừ giải những oan trái, bất hạnh, ban cho nhiều điều may mắn.
Lễ cúng đầu tiên là cúng Nữ thần diễn ra vào 4 giờ sáng. Lễ vật gồm chim, thú rừng mà trong năm người dân săn bắt được treo gác bếp cho khô, chờ đến Tết ngã rạ. Lễ vật được bày trên lá chuối rừng, chén rượu cúng cũng được làm từ lá chuối, không có bất cứ thứ gì đựng đồ cúng làm bằng vật dụng gia đình hàng ngày, ngoại trừ chai đựng rượu.

Lễ cúng Nam thần diễn ra sau đó, với vật cúng là heo, gà còn sống. Cúng xong, vật cúng được đem đi giết thịt, luộc chín để làm lễ cúng tổng thể: Cúng các thần và ông bà tổ tiên… Sau khi cúng xong, chủ gia đình lấy lễ vật đã cúng cho người nhà ăn phép, mời bà con dân làng đến cùng nhau ăn uống, chúc nhau năm mới nhiều may mắn. Tối đó, chủ các gia đình sẽ tập trung về nhà già làng để làm lễ cúng ma ga-ru. Ma ga-ru là loại ma tốt, không phải giống những loại ma phá hoại con người, nên lễ thức này người ta gọi là “cúng đổi ma”. Mỗi chủ gia đình sẽ đem theo các loại bánh của gia đình mình đến góp vào lễ cúng. Các chủ gia đình cũng mang chân gà đã cúng trong các lễ trước đó ở gia đình mình đến để già làng xem giúp điềm báo tốt xấu thế nào trong năm sau. Sau khi mọi người tề tựu đông đủ, già làng sẽ cúng xin phép thần linh cho làm vụ mùa sau. Sau lễ cúng, mọi người kéo nhau về nhà già làng để uống rượu phép.
Kết thúc phần lễ, già trẻ, trai gái trong làng xúng xính áo quần tham dự phần hội của Tết ngã rạ, với các trò chơi dân gian: đẩy gậy, bắn nỏ, đấu chiêng… Không chỉ là thi thố tài năng, vừa đấu họ vừa truyền cho nhau ánh mắt, nụ cười thân thiện. Các chị, các mẹ được dịp vỗ tay cổ vũ không ngớt. Còn các già làng – những người có mặt sớm nhất xem các trận thi đấu, theo dõi rất tỉ mỉ từng thao tác, để đóng góp cho con cháu mình, mong Tết ngã rạ năm sau chúng thi đấu hay hơn. Phần đấu chiêng thi cuối cùng. Những chàng trai trẻ của làng sẽ được chọn thi đấu. Tiếng chiêng rộn rã xen lẫn tiếng hò vang tạo thành không khí tưng bừng, nhộn nhịp rung động cả núi rừng.

Cây nêu – biểu tượng văn hóa trong các lễ hội của người Cor
(TH-Cinet – DTV)
Với người Cor huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) có nhiều loại cột để buộc con trâu hiến tế trong các ngày lễ lớn nhưng cột phướn (cây nêu) là loại cột quan trọng nhất, là biểu tượng của sợi dây tâm linh để nối con người với thần linh, ông bà, tổ tiên…
Hàng năm, khi đã thu hoạch lúa mùa xong (vào độ tháng 10 và 11), là lúc rảnh rỗi để người Cor tổ chức nhiều lễ hội truyền thống tưng bừng như: Lễ ăn mừng lúa mới (Xa-pa-nưu), Lễ ăn mừng nhà mới (Xa-như-ra-vát), Lễ ăn trâu huê (Xa-ô-piêu), Tết mùa (Xa-aní)… để cúng và cầu cho Thần linh, ông bà, tổ tiên… luôn phù hộ dân làng. Khi người Cor tổ chức các lễ hội trên, nhất là trong dịp ăn trâu huê, họ đều dựng cây nêu. Cây gỗ được chọn làm cây nêu ở đây phải là cây gỗ chò, cây không bị kiến, chim đục lỗ, không bị dây leo bò quanh và cây chò được chọn vào loại không to lắm đường kính khoảng 3 gang tay dài khoảng 5 đến 8m. Theo sự giải thích của một số người lớn tuổi dân tộc Cor: “Sở dĩ chọn gỗ cây chò là vì cây rất chắc biểu tượng cho sự cứng cáp, sức mạnh, dẻo dai của người Cor”.
Cột đâm trâu bao giờ cũng chia làm ba phần, mỗi phần có cách trang trí, điêu khắc, chạm trổ khác nhau. Phần quan trọng nhất ở giữa của thân cột được người Cor tập trung để tạo thành hệ thống các dãy hoa văn liên tục. Trên mô típ các dãy hoa văn được hình học hoá. Các chấm tròn màu xanh, đỏ, đen tượng trưng cho các ngôi sao. Chúng đều xuất hiện đều khắp ở giữa.
Vòng tròn màu đỏ, có hình dáng lớn hơn được dùng để làm biểu tượng của mặt trời còn các vòng đen nhỏ hơn là biểu tượng của mặt trăng được trang trí qua trục thân gỗ. Chính vì vậy khi người Cor thực hiện việc dựng cột đâm trâu, bao giờ cũng dựng vào buổi sáng. Và với yếu tố này hình vẽ mặt trời bao giờ cũng quay về hướng đông.
Ngoài ra, người Cor còn lấy hình tượng của núi rừng (Đoót), ché rượu (Taluốt-Alóôc), hạt cườm (Dhú-ốch), hàng rào (Taan-Paga), các ngôi sao (Xo-Lóc), con sóc (Kà-Róc)… để trang trí lên cột đâm trâu. Người Cor quan niệm rằng: Hình ảnh của núi rừng là ngôi nhà chung, là người bạn, là sự sống của người Cor trên vùng Trường Sơn – Tây Nguyên. Họ lấy hình ảnh của núi rừng trang trí trên cột đâm trâu như để thể hiện sự gắn bó thuỷ chung của cộng đồng người Cor đối với môi trường núi rừng. Hình ảnh núi rừng nơi mà họ sinh sống luôn phải đi kèm với hạt cườm. Rừng núi là nơi để họ làm ra nhiều của cải, vật chất… Hình ảnh hàng rào trên cây cột đâm trâu như là để ngăn cản, con sóc biểu tượng như một dũng sĩ để giữ không cho ma xấu (Ka-mút-xâu) vào chỗ cây cột đâm trâu ăn trâu huê phá rẫy.

Một trong những trang trí đặc sắc của người Cor là các Gu làm bằng gỗ Bút. Người Cor thường dùng các Gu để trang trí mâm thần – đoạn giữa cột đâm trâu. Mâm gỗ này cũng được trang trí nhiều hoạ tiết, hoa văn, hình vẽ tương đối đa dạng và phong phú. Xung quanh của mâm gỗ này, họ đục lỗ cho xuyên để buộc các dãy bông được làm bằng vỏ cây nhuộm màu trông rất đẹp. Trên các mặt Gu là một thảm hoa văn mô tả cuộc sống thực vùng người Cor sinh sống và phản ánh quan niệm về các thần linh. Ngoài ra còn có nhiều Gu trang trí bởi những hoa văn hình học, tứ giác, đường vuông góc. Nhiều hình vẽ trên Gu còn khắc hoạ đặc điểm xứ sở của người Cor như cây chò, cây quế mặt trăng, cầu vồng… Hầu hết các môtíp trên là những biến thể khiến ta liên tưởng đến hoa văn trên hình trống đồng Đông Sơn. Hình ảnh ché rượu, các ngôi sao trên trời là biểu hiện những thần linh, ông bà, tổ tiên ở trên cao về dự ăn trâu huê cùng dân làng và thấu hiểu nổi khổ của dân làng mà luôn đem lại hạnh phúc, của cải, mùa màng tốt tươi, rẫy nương không bị chim, thú rừng phá hoại…
Đặc biệt, trên đỉnh của cột đâm trâu có cấu tạo phức tạp hơn, có biểu tượng một búp chuối rừng (Róc-Prết). Bốn góc xung quanh nơi tiếp giáp giữa búp chuối được gắn bằng bốn thanh gỗ dáng hình lưỡi dao có mũi cong, đi kèm các dao này cũng treo nhiều tua bông bằng vỏ cây có nhuộm màu rất đẹp. Trên đỉnh còn có biểu tượng một con chim Chèo bẻo. Trong tâm thức của người Cor, chim Chèo bẻo là loài chim luôn gần gũi như người bạn với họ và là vua của các loài chim, nên họ không ngần ngại đặt nó lên chỗ nhất như giữ để không cho các loại ma xấu vào cột ăn trâu huê phá hoại. Biểu tượng của búp chuối mỗi ngày luôn trổ hoa, đấy là tâm điểm biểu hiện tấm lòng của cộng đồng người Cor với các thần linh, ông bà, tổ tiên họ…
Tất cả công việc chạm khắc công phu và giàu tính mỹ thuật như trên, người Cor chỉ sử dụng một công cụ cơ bản duy nhất là chiếc rựa. Màu sắc để tô lên các hình vẽ, hoa văn được trích xuất từ các loại thảo mộc hoặc mài từ đá núi. Người Cor cũng có những bài hát kể mô tả hình dạng cây nêu, ý nghĩa của các hình tượng, hoa văn được chạm khắc công phu; tên tuổi và nơi ngồi dự lễ của các vị thần linh trên thân nêu…Điều này, cho thấy vai trò, vị trí và ý nghĩa quan trọng của cây nêu trong đời sống văn hoá, tinh thần của đồng bào Cor.
Độc đáo Lễ hội ăn trâu huê của người Cor, Quảng Nam
(TH-Cinet – DTV)
Lễ ăn trâu huê của người Cor (Quảng Nam) được tổ chức để cúng và cầu thần linh, ma tốt (Ka-mút-láep), ông bà, tổ tiên phù hộ dân làng, cộng đồng luôn được khỏe mạnh, đoàn kết, mùa màng tươi tốt…
Lễ hội ăn trâu huê của người Cor thường diễn ra vào tháng 3-4 Âm lịch. Thời gian chính thức diễn ra lễ ăn trâu, ngoài sự chuẩn bị của gia đình, của cộng đồng còn tùy thuộc vào quẻ bói của người chủ lễ. Lễ hội thường được tổ chức tại nhà làng và tại nhà riêng (nếu gia đình giàu có muốn làm). Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà tổ chức lễ lớn hay nhỏ và thời gian diễn ra lễ hội từ 3 đến 5 ngày.
Lễ ăn trâu huê diễn ra như sau:
Vào buổi chiều ngày thứ nhất, người ta làm lễ cúng thần Mo Huýt – thần cai quản nương rẫy và giữ hạt giống bằng một con heo lớn và một ché rượu to, bên hố cây nêu mới đào. Sau khi chủ tế hoặc già làng khấn mời thần linh về dự lễ, thì diễn ra nghi thức đuổi ma xấu, đây là lễ thức không thể thiếu, vì người Cor quan niệm trước ngày hiến tế trâu cho thần linh thì phải đuổi hết ma xấu ở trong làng.
Bước vào ngày thứ hai, ngay từ sáng sớm mọi người bắt đầu làm lễ dựng nêu. Sau khi chủ tế làm lễ xin dựng nêu xong, mọi người bắt đầu dựng cây nêu. Lúc cây nêu được dựng xong thì chủ tế và những thành viên trong gia đình lại tiếp tục thực hiện nghi lễ cúng thần cây nêu và nghi lễ vào trâu.
Vào ngày thứ ba, chủ tế và các thành viên trong gia đình tiến hành nghi lễ cúng trong nhà để mời gọi các thần linh và tổ tiên về chứng kiến lễ ăn trâu của gia đình. Đoàn người đi từ trong nhà ra sân rồi vòng quanh con trâu và cây nêu, xong lại vòng vào trong nhà. Cứ thế đến 9 lần. Cùng đi vòng với tốp người là đội chiêng, trống. Khi đã xong lần thứ 9, họ bắt đầu làm lễ bên con trâu.
Sau khi đâm trâu xong chủ tế sẽ tung một nắm lá đót lên trời, người nào trong đám đông dân làng chụp được nhiều lá thì sẽ được mỗ thịt và chia phần, việc đầu tiên là cắt lấy những bộ phận của trâu, mỗi thứ một ít, để vào rổ cúng và chủ tế cùng các thành viên trong gia đình bắt đầu tiếp tục thực hiện các nghi lễ cúng máng nước, cúng trong nhà, cúng ngã ba đường bằng các con vật hiến sinh khác là heo, gà.
Trong lúc chủ tế và các thành viên trong gia đình thực hiện các nghi lễ cúng thần, những người khác bắt đầu xẻ thịt trâu. Đầu trâu và 4 chân trâu để dành trên đàn cúng ở cây nêu, các phần còn lại được đem chia phần, trước khi chia phần và đem thịt đi chế biến. Hàng vài chục mâm thịt trâu, thịt heo cùng cơm lúa rẫy, rượu cần, rượu đế, bánh lá đót sẽ được dùng chiêu đãi họ hàng, khách khứa. Khi đã ăn uống no say, mọi người lại bắt đầu chơi chiêng, trống, các loại nhạc cụ truyền thống, múa hát, kể chuyện… Buổi ăn trâu thường bắt đầu khoảng giữa trưa, và kết thúc vào tận nửa đêm, và cùng với nó là những sinh hoạt văn nghệ dân gian.
Sang ngày thứ tư là lễ ăn đầu trâu, các nghi lễ và sinh hoạt văn nghệ cũng tương tự như ngày các ngày trước, nhưng số người tham gia ít hơn những ngày chính lễ, vì chỉ có bà con trong dòng họ và các thành viên trong gia đình tham dự.
Ngày thứ năm, gia đình và đại diện các gia đình dự ăn trâu tham gia đi phát rẫy phép, 4 chân trâu phơi ở cây nêu được đem vào nấu một nồi cháo to, khi mọi người phát rẫy phép trở về sẽ cùng ăn, chủ nhà lấy móng trâu chôn làm phép kết thúc lễ hội, 3 năm sau gia đình đó mới được cúng trâu khác.

Người giữ hồn văn hóa dân tộc Cor
(Mỹ Hoa)
Những làn điệu dân ca Xà ru, điệu múa Cà Đáo từng làm say đắm lòng người hay các loại nhạc cụ, lễ cúng độc đáo… vốn là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Cor sẽ vẫn trường tồn nhờ tâm huyết và trách nhiệm của những nghệ nhân ở thôn 2, xã Trà Thủy (Trà Bồng).
Độc đáo văn hóa Cor
Màn đêm như buông xuống sớm hơn, cái lạnh cũng tê tái hơn khi 93 nóc nhà của đồng bào Cor ở thôn 2, xã Trà Thủy nằm san sát, vắt vẻo trên một sườn núi cao. Ấy vậy mà khi bếp lửa nhà rông vừa nhuốm đỏ, bà con nơi đây đã tề tựu đông đủ, chỉnh tề trong bộ áo quần truyền thống để cổ vũ cho các đôi trai gái trong làng thi thố tài năng. Dưới ánh lửa bập bùng, khuôn mặt ai cũng hồng hào, rạng rỡ. Để rồi sau khi các già làng trình diễn tài đấu lý với nhau qua điệu Xa ju thì các đôi trai gái cũng mượn lời của các làn điệu Xà lu, Xà lía hay A giới để giao duyên, tâm tình. Chìm đắm trong những vần thơ cùng lời hát lúc nhẹ nhàng, thiết tha nỗi nhớ; lúc sôi nổi và sâu lắng như lời tỏ tình của các đôi lứa yêu nhau, tôi đã phần nào hiểu được vì sao lại có nhiều đôi trai gái trong và ngoài làng hào hứng tham gia đến vậy. Bởi từ các đêm hội như thế này, đã có nhiều chàng trai cô gái Cor tìm được sự đồng điệu về tâm hồn, tình cảm để nên duyên chồng vợ qua điệu Xà ru nhẹ nhàng nhưng chứa đầy ngụ ý:
Em như bông hoa rừng
Anh như là cây lau
Ta lấy nhau đẹp đôi vợ chồng
Càng về khuya, cái lạnh như càng tê buốt, ngấm vào da thịt mỗi người. Ấy vậy mà khuôn mặt ai cũng rạng rỡ để “say” cùng điệu múa Cà Đáo uyển chuyển, mềm mại của cô gái Cor, bên chén rượu quế thơm nồng. Và rồi, tiếng chiêng bỗng vang lên, vạn vật như bị đánh thức bởi tiết tấu lúc nhanh, lúc chậm như tâm trạng sôi nổi, dồn dập và tha thiết của chàng trai Cor đang yêu. “Đấu chiêng là tiết mục hấp dẫn và ấn tượng nhất. Bởi nó không chỉ là một nghi thức vốn có của đồng bào Cor trong các dịp lễ hội, mà còn là màn “đọ” sức của hai chàng trai trong việc thổ lộ tình cảm với người con gái mà họ thầm yêu” – em Hồ Thị Phượng, diễn viên “nhí” đã nhiều lần mang điệu múa Cà Đáo đi biểu diễn khắp trong và ngoài tỉnh, nói nhỏ với tôi.
Màn đấu chiêng kết thúc cũng là lúc thời khắc trời đất chuyển mình giao hòa. Dù luyến tiếc nhưng cánh phụ nữ phải trở về nhà để nhóm bếp lửa, còn đàn ông thì rủ nhau lên rừng chọn hái những chiếc lá đót, lá tốp đẹp nhất, mang về cho vợ con làm bánh lam, chuẩn bị đón Tết Ngã rạ – một trong những lễ hội độc đáo và quan trọng nhất của đồng bào Cor hiện vẫn còn được lưu giữ. “Đây là dịp để bà con bày tỏ lòng biết ơn với Thần lúa đã che chở và cho họ một mùa lúa bội thu. Đồng thời cầu mong các thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, gia đình mạnh khỏe, ruộng nương tươi tốt trong năm mới” – già làng Hồ Văn Hoàng giải thích.
Nơi lưu giữ “hồn người Cor”
Dù đã trải qua 94 mùa lúa rẫy nhưng già làng Hồ Văn Hoàng vẫn còn khá minh mẫn và có uy lắm. Thế nên, tuy mới trải qua chuyến hành trình dài ngày về Làng văn hóa – du lịch các dân tộc thiểu số Việt Nam 2011 ở Đồng Mô (Hà Nội) để “khoe” bản sắc văn hóa của dân tộc Cor với du khách và các dân tộc anh em; nhưng vừa trở về là già Hoàng lại bắt tay vào việc phân công dân làng chuẩn bị đồ lễ cho Tết Ngã rạ sắp tới. “Trước đây, mọi nghi thức từ lên rừng hái lúa thiêng, đến việc cúng tế các thần linh đều do già đảm nhận.
Nhưng giờ sức khỏe yếu rồi, già không lên rừng nổi nên mọi việc phó thác cho thằng con cả, mình chỉ ở bên hướng dẫn chúng nó thôi” – già làng Hồ Văn Hoàng phân trần. Tuy thế, nhưng chẳng khi nào người ta thấy già Hoàng chịu nghỉ ngơi. Để rồi khi màn đêm vừa buông xuống, ông lại cho gọi đám thanh niên trong làng đến để truyền đạt kinh nghiệm chơi một số bài chiêng quý, hướng dẫn cách sử dụng các loại nhạc cụ hay khả năng ứng tác lời hay ý đẹp của làn điệu Xa ju… Thế nên, cũng chẳng có gì là lạ khi các chàng trai cô gái ở đây đều biết cách đánh chiêng, múa Cà Đáo cũng như chơi đàn B’roc 2 dây, Rà ngay hay A máp… ngay từ bé. Có lẻ chính vì lý do này mà hiện nay, thôn 2 cũng là nơi còn giữ được số lượng chiêng nhiều nhất (hơn 100 đôi) cùng các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Cor Quảng Ngãi.
Hôm tôi trở lại thôn 2, đúng vào dịp xã Trà Thủy đang tổ chức cuộc thi “Điệu khắc cây gu, xa la và la van” do nghệ nhân Hồ Ngọc An, con trai già làng Hồ Văn Hoàng làm “chủ xị”. Được tận mắt chứng kiến mọi người trổ tài, tôi thật sự ngạc nhiên và khâm phục bàn tay khéo léo của họ. Bởi, chỉ với một con dao nhỏ nhưng trong nháy mắt, thân cây rừng nhẵn nhụi đã trở thành một bức tranh đầy màu sắc với con suối uốn lượn, cây nêu, ngôi nhà sàn truyền thống… Thậm chí, nhiều lễ hội của đồng bào Cor như: Đâm trâu, mừng nhà mới, lễ cưới… cũng được tái hiện thật tinh tế và đặc sắc trên bức tranh thân cây này. “Đây là hoạt động có từ lâu đời, mang đậm nét văn hóa của riêng đồng bào Cor. Tuy nhiên, công việc này rất khó nên ít người biết đến. Vì thế, việc tổ chức phục dựng sẽ tạo điều kiện để lớp trẻ học hỏi và ý thức hơn trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống của dân tộc mình” – nghệ nhân Hồ Ngọc An lý giải.
Say sưa tìm tòi sưu tầm và phục dựng các lễ hội, phong tục của đồng bào Cor, để rồi gia đình nghệ nhân Hồ Ngọc An đã trở thành địa chỉ để truyền bá cái hay, cái đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc Cor từ lúc nào cũng chẳng biết. Chỉ biết rằng, mỗi khi ai có nhu cầu tìm hiểu về những loại hình nghệ thuật dân gian của cộng đồng dân tộc Cor Quảng Ngãi, tôi lại thấy người ta tìm về gia đình nghệ nhân Hồ Ngọc An – nơi lưu giữ “hồn người Cor”.

Độc đáo trang phục của đồng bào dân tộc Co
Trang phục của đồng bào Co ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam thể hiện nét văn hóa đặc sắc riêng, hàm chứa giá trị sáng tạo, giá trị thẩm mỹ, nhân văn và tình cảm ứng xử trong cộng đồng.
Sinh sống chủ yếu ở vùng đất Trường Sơn-Tây Nguyên, địa bàn huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, nét văn hóa riêng, đặc sắc của đồng bào Co đã góp phần không nhỏ vào kho tàng văn hóa vật thể – phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Theo một số người già lớn tuổi dân tộc Co huyện Bắc Trà My kể lại: Xưa, trang phục dành cho phụ nữ Co thì có váy. Váy của phụ nữ thường là một tấm vải thổ cẩm có màu chàm đen. Chiều rộng khoảng từ 80 cm đến 1m, chiều dài khoảng 1m. Váy khi dệt xong được khâu lại làm cho váy có dạng hình ống. Tùy vào từng lứa tuổi mà phần chân váy được thêu thêm nhiều tua màu sặc sỡ. Và khi mặc vào, phụ nữ Co dùng dây thắt lưng quấn vào lưng để cho váy khỏi bị tuột.
Đi kèm váy là áo cộc tay màu trắng bạc. Khi dệt, hai tấm rời nhau rồi họ dùng chỉ khâu lại với nhau dạng chui đầu và xẻ cổ. Dọc theo thân áo là những đường viền hoa văn rất đẹp. Đây là loại áo rất được các thiếu nữ Co chưa chồng rất thích mặc. Còn đối với phụ nữ có chồng hoặc những người già lớn tuổi, họ thường mặc một tấm vải cũng màu trắng bạc gọi là yếm, có dáng chữ V. Khi mặc vào họ thắt dây quàng qua cổ và có dây thắt lưng.
Trang sức bằng cườm được xem là một trong những đặc điểm nổi bật của phụ nữ dân tộc Co. Cườm có nhiều loại lớn nhỏ khác nhau và có nhiều màu sắc nhưng màu hơn trội vẫn là màu xanh da trời được đính vào tua đầu dài của khố, cườm được xâu thành chuỗi vòng quấn nhiều vòng quanh qua trán, quanh cổ tay, cổ chân, và hông đối với phụ nữ. Ngoài trang sức bằng cườm ra, ở phụ nữ dân tộc Co họ còn dung đồ trang sức bằng đồng, bạc như vòng tay,vòng cổ, làm hoa tai…
Về trang phục đàn ông, nam giới Co đóng khố, ở trần. Có khố thường (tanon), khố lễ (tanon nhau). Khố là trang phục dành cho đàn ông Co có chiều rộng khoảng từ 25 đến 30 cm và có chiều dài khoảng 3m5 đến 4m tùy thuộc vào mỗi người. Khố đàn ông Co được dệt trên nền chàm đen, dọc theo thân khố là những dãy hoa văn như đỏ, vàng, xanh và hai bên chân khố được kết nối với những tua màu vàng. Khi đàn ông Co mặc vào có dáng hình chữ T.
Vào các dịp lễ hội hoặc mùa lạnh có thêm tấm choàng (ra mak). Tấm choàng của người Co cũng được dệt trên nền vải thổ cẩm, có chiều rộng khoảng từ 0,8m đến 1m với trang trí nhiều dải hoa văn với các màu đỏ, vàng, trắng, hoa văn hình răng cưa hay hình học chạy song song theo chiều dài của tấm choàng.
Khi người đàn ông Co khoát tấm choàng vào toát lên vẽ mạnh mẽ trông thật hoang dã. Ngoài ra, tấm choàng của đàn ông Co cũng có thể được họ sử dụng như một tấm đắp che thân khi mùa đông ở vùng Trường Sơn-Tây Nguyên lạnh giá.
Trang phục truyền thống của người Co còn hàm chứa giá trị sáng tạo, giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ và cả giá trị nhân văn của cộng đồng. Trang phục truyền thống của họ còn ẩn chứa tâm lý, tình cảm của tộc người và mối quan hệ của tộc người với môi trường thiên nhiên xung quanh được đúc kết từ đời sống hằng này, từ lao động sản xuất và cốt cách mang đặc trưng văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Co Quảng Nam.




oOo
Văn Hóa Của Dân Tôc Kor Quảng Ngãi:
Tiết mục đấu chiêng của dân tộc Cor ở Quảng Ngãi:
 
Âm thanh chiêng – Dân tộc Cor:
Phóng sự – Màn thi đấu cồng chiêng của người dân tộc Cor ở Trà Bồng Quảng Ngãi:
Múa dân tộc Cor và Lô Lô: