Chào các bạn,
Mình nhận thường xuyên spam mails từ một số sư Phật giáo (có tên bắt đầu bằng chữ Thích, dù mình không thể biết đó là sư thật hay sư giả), tấn công thường trực vào sự cầu nguyện của Phật tử, với những lý luận như là “Các tượng gỗ thì có quyền lực gì?”, “Nếu cầu nguyện mà được thì thế gian còn đau khổ gì nữa?”, “Cầu nguyện mà được thì mọi người đều giàu có khỏe mạnh hết rồi, làm sao còn nghèo khổ và bệnh tật nữa”, “Cầu nguyện là mê tín dị đoan”…
Cầu nguyện là một vấn đề rất riêng tư và chủ quan giữa một người và chư Phật, chư Bồ tát của họ… Người ngoài không can dự vào được. Loại bỏ các vấn đề siêu hình—là một loại vấn đề chủ quan khác—chúng ta đã có đủ bằng chứng khắp thế giới là cầu nguyện, dù là cầu nguyện với ai trong tôn giáo nào, cũng giúp người cầu nguyện được bình an hơn, thanh thản hơn, mau lành bệnh hơn, khỏe mạnh hơn. Vì vậy mà các bệnh viện Mỹ thường khuyến khích người nhà cầu nguyện với bệnh nhân, và thường có Thánh kinh trong phòng, hoặc nếu không có trong phòng thì bệnh nhân có thể hỏi y tá và y tá sẽ mang đến.
Không nhất thiết là trong trường hợp nào cầu nguyện cũng cho người ta câu trả lời người ta muốn, như là cầu nguyện để lành ung thư ở thời kỳ cuối. Nhưng cầu nguyện có tác dụng tích cực đến bệnh nhân và sự chữa bệnh của họ, đã là điều được chứng minh rõ ràng. (Xin đọc “Cầu nguyện có thể chữa lành được không?”)
Phật giáo có 84 nghìn pháp môn, và trong đó niệm Phật, tụng kinh, đọc thần chú, cầu nguyện là những pháp môn Phật tử dùng thường xuyên cả nghìn năm nay.
Niệm Phật Adiđà để tưởng nhớ Phật Adiđà, Phật tính của mình, và để lòng mình tĩnh lặng là pháp tu chính của Tịnh độ tông, quan trọng cho hằng triệu Phât tử trên thế giới, cho họ hạnh phúc và tĩnh lặng hàng ngày, dù bạn cố gân cổ cãi rằng Phật Adiđà và Tây phương tịnh độ là không có thật. Who cares bạn nghĩ gì? Điều quan trọng là kêu tên Phật Adiđa giúp hàng triệu người có được bình an và hạnh phúc. Và nếu kết quả là CÓ THỰC ngay trong người niệm Phật, thì bạn là ai mà dám nói là Phật Adiđà không có thực.
Hoặc cầu nguyện với Phật Bà Quan Âm trong cơn hoạn nạn và được Phật Bà trả lời, sao bạn dám nói đó là mê tín dị đoan. Mấy mươi năm trước, trong làn sóng người vượt biển ra ngoài trong những tình trạng cực kỳ nguy hiểm, chúng ta nghe thường xuyên các câu chuyện về người trên thuyền mong manh cầu nguyện thường trực với Phật Bà Quan Âm và được đến bờ bình an. Bạn là ai mà dám nói những kinh nghiệm thật của người khác như thế là mê tín dị đoan?
Và nếu ngày nào vào chùa bạn cũng thấy có nhiều người quỳ dưới tượng Phật Thích Ca lâm râm khấn vái cầu xin đủ điều–sức khỏe, con cái ăn học, đủ tiền hàng ngày, làm ăn thành công–bạn là ai mà dám nói đó chỉ là một tượng gỗ không nghĩa lý gì? Tượng có gì hay không là do tâm con người. Một bức ảnh của người mẹ quá cố của bạn, và bạn trân quý cực kỳ, để trong ví của bạn, là một điều tốt; hoặc bạn vất nó vào sọt rác thì cũng chẳng ai bắt tội bạn. Nhưng cách ứng xử của bạn với bức ảnh của mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến tâm tính của bạn và đời sống của bạn trên đời.
Trong truyền thống Tư duy tích cực, Luật Hấp Dẫn nói nếu bạn tập trung vào điều gì mạnh mẽ thì bạn sẽ hấp dẫn điều đó đến với bạn, và tập trung bằng cầu nguyện thường là cách tập trung mạnh mẽ nhất.
Đương nhiên là có những trường hợp, đặc biệt là trong Thiền tông tập trung vào trí tuệ cao thâm, như Thiền sư Đan Hà chẻ tượng Phật làm củi, hay Thiền sư Lâm Tế nói “Gặp Phật giết Phật, gặp ma giết ma” để giúp các đệ tử phá mọi chấp trước. Nhưng đa số Phật tử không thể theo những trường phái cao thâm như thế và họ có các pháp môn niệm Phật hay cầu nguyện của họ.
Dù các bạn có trí tuệ thế nào, và nghĩ rằng bạn không cần ai cả và có thể tự giải thoát, thì cũng chẳng vì lý do gì mà phải tấn công nguồn tĩnh lặng và hạnh phúc của hàng triệu triệu người khác, dù đó là cách “hạ căn” đối với bạn.
Chúc các bạn nhiều tĩnh lặng.
Mến,
Hoành
© copyright 2014
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Bài viết rất hay
ThíchThích
Cám ơn anh Hoành,
Em cầu nguyện cho em luôn được tĩnh lặng. Em thích nhất câu: “Bạn là ai mà bạn dám nói là…. ?”. Trải nghiệm của mỗi người là một phần quan trọng nhất đã thấm sâu trong tiềm thức, tự biết chuyện gì có thật hay không, và chẳng ai giống ai cả. Đặt cầu nguyện hàng ngày làm một việc thường xuyên làm cho mình khiêm tốn để nhận được sự trợ giúp từ người khác và các bậc thánh.
ThíchThích
Cầu nguyện, ngồi thiền hay niệm phật chỉ là những pháp môn phương tiện. Phương tiện thì khác nhau, con đường khác nhau nhưng lại cùng một đích để đến.
Cũng giống như sóng và nước, trên mặt biển chúng ta nhìn thấy có con sóng to, con sóng nhỏ, con sóng dữ dội, con sóng lăn tăn…, nhưng tất cả đều từ nước mà ra, chỉ là điều kiện thời tiết thế nào thì sẽ có con sóng tương ứng như vây.
Trong tất cả các pháp môn đó chúng ta chỉ cần chọn cho mình một pháp môn mình thấy phù hợp, thấy thích và tin theo đó mà hành là được.
Việc bàn xem pháp môn nào hay, rở là không cần thiết và nó cũng giống như các nhà hiền triết ngày xưa lý luận, để xem “Hoa hồng trên măt trăng có gai hay không có gai” vậy.
ThíchThích
Mình vẫn thường niệm A Di Đà. Và kiểm điểm lại thì những lúc mình mắc lỗi thì hầu hết là những lúc mình đã không kịp nhớ để niệm A Di Đà.
Niệm Phật để điều tâm, để được an lạc. Theo mình, đó là điều có thật.
Nhưng mình biết có một người dành rất nhiều thời gian để tụng kinh niệm Phật, nhưng mình chưa bao giờ thấy người ấy bỏ thời gian để đi đổ rác đúng nơi quy định, mà cứ đổ rác đại ra đấy, tràn sang vườn người khác, người khác nói cũng như không. Mình tin là Phật cũng không đồng ý như vậy.
Nam Mô A Di Đà Phật!
ThíchThích
Chú thật tuyệt vời Chú ơi , con cám ơn chú nhiều lắm.
ThíchThích
Một bài viết rất hay…
ThíchThích
Cảm ơn anh Hoành về bài viết rất ý nghĩa, em rất tâm đắc quan điểm trên của anh. Chúc anh và ekip nhiều sức khỏe để tiếp tục truyền tải thông điệp tích cực đến mọi nguời.
ThíchThích