Chào các bạn,
Khi bạn còn rất xung động, thường là bạn không biết bạn đang xung động dữ dội. Nhưng khi bạn tập các cách làm cho trái tim bạn tĩnh lặng—như Thiền, cầu nguyện—thì bạn bắt đầu nhận ra một số các xung động của bạn. Đến khi bạn trở thành rất tĩnh lặng, thì một nét buồn nhỏ hay một cơn bực mình nhẹ như gió thoảng đi qua trái tim bạn, bạn cũng nhận ra.
Đó là tại sao các bậc thánh nhân thường thấy mình yếu kém và tội lỗi.
Một mặt hồ thinh lặng thì một hòn sỏi nhỏ rơi vào cũng tạo ra những vòng chấn động rất dễ nhận ra.
Việc đầu tiên tĩnh lặng làm cho ta là giúp ta thấy những xung động rất nhỏ trong ta, và khi ta thấy rõ những xung động li ti như thế thì thường là những xung động đó sẽ hết. Cho đến một lúc nào đó, hy vọng là ta đạt đạo là lòng không còn xung động nữa, trái tim trở thành tinh khiết.
Biết mình là biết những cảm xúc và suy nghĩ đang xảy ra trong mình. Nếu chúng ta tập tĩnh lặng bằng ngồi Thiền hít thở chẳng hạn, thì tâm ta sẽ lặng và ta sẽ nhạy cảm hơn với cảm xúc và suy nghĩ đang xảy ra trong tâm mình.
Và nếu ta tập Thiền quán (nhìn) thân thể mình, cảm xúc của mình, và suy nghĩ của mình thì chúng ta sẽ rất nhạy cảm về mình, và sẽ thấy được các xung động trong mình dễ dàng hơn.
Có một điều rất đáng tiếc là trong việc biết mình để trở thành tĩnh lặng hơn, số người nắm được điều này cùng lắm là tối đa 2% trong số những người đọc kinh sách thường xuyên. (Còn những người không đọc gì thường xuyên thì không tính).
Các bạn, nhà Phật nói chúng ta ở bên sau màn vô minh, hay Ki tô giáo nói chúng ta sống trong bóng tối, là hoàn toàn đúng. Như là người nghiện, bố mẹ, bạn bè, sách vở, bác sĩ, nhà nước… nói thế nào thì nói, người nghiện vẫn không sáng ra được. Rất nhiều chúng ta ở trong bóng tối của tâm thức, và dù có kinh sách trước mặt, dù có đi chùa đi nhà thờ thường xuyên, dù nghe đĩa thuyết giảng của các thầy các cha thường xuyên, thì ta vẫn không sáng ra được.
Tại sao? Tại sao?
Có phải vì đó là người mà nhà Phật gọi là người ngu? Không thể sáng được. Hay nói như Kitô giáo là chưa được Thánh Linh Chúa (hay Chúa Thánh Thần) mở mắt mở lòng.
Mình không nghĩ rằng đó là vấn đề của trí tuệ kiểu IQ hay EQ, mà là vấn đề khiêm tốn và ước muốn. Nếu một người biết mình yếu kém và rất ước muốn được tĩnh lặng và muốn có trái tim tinh khiết, thì mắt họ và lòng họ sẽ được mở. Nhưng người không muốn như thế, vì họ nghĩ là không cần đến trái tim tinh khiết hoặc tệ hơn nữa là họ nghĩ trái tim họ đã tinh khiết, thì họ sẽ mãi mãi trong bóng tối của tâm thức.
Hầu như mọi phát triển của tâm thức con người thu về hai điểm—khiêm tốn và ước muốn được tốt hơn.
Khi chúng ta khiêm tốn và khao khát được thành tinh khiết, chúng ta sẽ nhạy cảm với mọi yếu kém của chúng ta để có thể vượt qua chính mình. Lúc đó các phương thức Thiền tập hay cầu nguyện mới thực sự có hiệu quả.
Chúc các bạn luôn khiêm tốn và khao khát vượt qua chính mình.
Mến,
Hoành
© copyright 2014
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Tạ ơn Anh Hoành,
“Hầu như mọi phát triển của tâm thức con người thu về hai điểm—khiêm tốn và ước muốn được tốt hơn.” Và để làm tốt được điều này sẽ đến tới “tĩnh lặng”. Tĩnh lặng sẽ giúp cho trí tuệ khai thông hơn, tâm hồn rộng lớn hơn, trái tim bao dung hơn.
Chúc Anh Chị và gia đình luôn khỏe mạnh và an lạc!
e Minh
ThíchThích
Cám ơn a Hoành.Bài viết thực sự rất cô đọng. Em thích con số “tối đa 2%” của anh. :).
“khiêm tốn và khao khát được thành tinh khiết, chúng ta sẽ nhạy cảm với mọi yếu kém của chúng ta để có thể vượt qua chính mình”.
Cám ơn anh vì bài viết mỗi ngày.
ThíchThích
”Khi chúng ta khiêm tốn và khao khát được thành tinh khiết, chúng ta sẽ nhạy cảm với mọi yếu kém của chúng ta để có thể vượt qua chính mình. Lúc đó các phương thức Thiền tập hay cầu nguyện mới thực sự có hiệu quả.”
Bài viết của anh Hoành rất hay, em cũng đang thực hành bài học này.
Em cám ơn anh rất nhiều.
ThíchThích
“Biết mình là biết những cảm xúc và suy nghĩ đang xảy ra trong mình”.
Đây thực sự là điều quan trọng nhất! Và cần phải “biết mình” thường xuyên. Đó là sống tỉnh thức!
Người xưa nói: “Tri nhân giả trí. Tự tri giả minh”. Thật là đúng vậy!
ThíchThích
Cám ơn anh Hoành
ThíchThích
Làm thế nào để khiêm tốn?, Làm thế nào để vượt qua chính mình để mới thật là mình?….
Cảm ơn Anh.
ThíchThích
Mình chia sẻ với Tâm kinh nghiệm học khiêm tốn của mình nha (phần khó nhằn nhất đối với mình trong bộ ba Khiêm tốn – Thành thật – Yêu người).
Mình học khiêm tốn thông qua yêu thương tất cả mọi người, vô điều kiện.
Bước đầu tiên là mở lòng mình, mềm lòng mình để yêu thương. Với tình yêu thương, mình trở nên nhẫn nại hơn, thận trọng hơn để quan sát người và mở lòng hơn để thấy những cái riêng, cái hay của người. Dần hình thành một thói quen tìm, nhìn và thấy cái hay riêng của người, và bỏ đi thói quen tìm, nhìn và thấy cái bất toàn của người. Và khi nhìn ai cũng thấy cái hay riêng, cái lý cái tình của họ thì tự nhiên thấy mình khiêm tốn hơn. 🙂
ThíchThích
Hi Q.Linh,
Cảm ơn Linh đã chia sẽ, thực sự thực hành khiêm tốn là khó nhất, Khiêm tốn để làm sao cái tôi của mình ngày càng nhỏ đi, nếu còn cái tôi thì cái tôi mềm mại như nước để có thể chấp nhận những đổi thay, mất mát, những việc không như ý…
Hôm trước mình có tranh cãi với vợ mình về vấn đề học thêm của con, tuy hè nhưng các bạn đi học nên cháu bé cũng đi học. Mình thì thấy bé học nhiều tội cháu, còn vợ mình nói học như vậy mới có hiệu quả…thế là tranh cãi gay gắt và mình nhớ là đã lâu 2 vợ chồng mình mới tranh cãi vì lý do học thêm của con. Khi bị người khác chỉ trích thường mình bực mình và muốn người đó xin lỗi, và mình đã bị chấp vào ý nghĩ đó, nên không mở lòng mình để chủ động hòa giải. Bây ra nghĩ lại suy cho cùng cả 2 đều thương con và mong muốn tốt cho con nên tâm mình đã dịu lại và cái tôi đã xuống nước.
Chúc Q.Linh luôn dịu hiền.
ThíchThích