Là một người luôn khao khát hiểu ý nghĩa sự có mặt của mình trong cuộc đời, tôi luôn đặt ra cho mình nhiều câu hỏi, như là đam mê của tôi thực sự là gì? và tôi có thể làm được gì để giúp phát triển Việt Nam?
Để đi tìm câu trả lời, từ khi còn là sinh viên năm thứ 2 Đại học Ngoại thương, tôi đã tham gia rất nhiều hoạt động tình nguyện, từ dạy Tiếng Anh ở làng trẻ Birla, tham gia Mùa Hè Xanh tình nguyện, đến các công việc ở các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế như SJ Vietnam, Inclusive Development Action… Càng làm việc về cộng đồng, tôi càng cảm thấy cuộc sống của mình thật ý nghĩa. Tất cả những nỗ lực ấy đến một ngày được bù đắp khi tôi trở thành 1 trong 5 sinh viên duy nhất của Việt Nam được học bổng hòa bình học tại Úc năm 2008.
Nước Úc đã mang lại cho tôi những trải nghiệm mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới: kiến thức, kinh nghiệm, tình bạn, và hơn hết thảy là nhìn thấy du lịch Úc tuyệt vời. Câu hỏi luôn day dứt trong tôi – “Làm thế nào để phát triển Việt Nam” – luôn ở đó, bỗng sinh ra một câu hỏi mới: “Làm thế nào để phát triển du lịch Việt Nam?”. Chọn học về nghiên cứu phát triển, tôi hiểu rằng, tất cả những vấn đề về nghèo đói, giáo dục, y tế, môi trường đều là liên hệ với nhau, và để có thể thay đổi được những vấn đề một nước nghèo như Việt Nam đang phải đối diện thì thay đổi con người chính là trọng tâm và là gốc rễ. Đó chính là thái độ và ý thức của mỗi con người. Con người là trung tâm và cũng là cách giải quyết rốt ráo nhất.
Trở về Việt Nam, tôi quyết định trở thành giáo viên Tiếng Anh – một nghề nghiệp khiến tôi có thể (1) giúp tập trung vào phát triển con người và (2) đóng góp vào việc phát triển chung của cộng đồng và đất nước.
Trong thời gian đó tôi vẫn đi du lịch nhiều và để ý đến các hoạt động du lịch các nơi với một câu hỏi trong lòng: “Làm thế nào để phát triển du lịch Việt Nam?”.
Năm 2010, tôi biết đến và viết bài cho trang web Đọt Chuối Non – Tư Duy Tích Cực Mỗi Ngày, nơi mọi người cùng chia sẻ về những vấn đề mà Việt Nam gặp phải và tích cực nâng nhau lên trong tư duy và hành động.
Năm 2011, tôi bắt đầu giành được 2 học bổng liên tiếp về chương trình học về thiền định và phát triển hòa bình cho thế giới, do Quỹ khởi xướng hòa bình thế giới của các Thiền sư tại Thái trao tặng, cùng với các bạn trẻ đến từ khắp các châu lục.
Năm 2013, nhận thấy rằng phát triển du lịch – đặc biệt là du lịch bền vững là một trong những điểm vô cùng cần thiết trong chiến lược dài hạn cho Việt Nam, tôi quyết định ra ứng cử vị trí ĐSDL với mong muốn lớn nhất là tất cả mọi người dân, mọi tổ chức, tập đoàn đều ý thức được vai trò của họ trong việc phát triển du lịch nước nhà và tạo ra sự bền vững – một chiến lược lâu dài cho Việt Nam.
Tôi đã làm gì?
Ngay khi vừa biết tin tôi tham gia ứng cử vị trí này, tất cả những học sinh của tôi và phụ huynh tại trường Olympia đều viết thư gửi tới Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du Lịch ủng hộ.
Tiếp đến là Hiệp Hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài – Chi Hội Hoa Kỳ cũng gửi thư tới Bộ VH. Rồi sau đó, là một quỹ đầu tư lớn của Hoa Kỳ cũng hứa là trợ giúp tôi trong vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng cho du lịch của Việt Nam.
Với sự ủng hộ vô cùng nồng nhiệt đó, tôi và trợ lý của tôi lên kế hoạch gặp gỡ các sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, các doanh nghiệp làm về du lịch tại Việt Nam tại nhiều nơi, và thăm viếng các địa điểm du lịch trong nước để nghiên cứu. Tôi hiểu được phát triển du lịch là câu hỏi nhưng cũng là câu trả lời nằm trong tay mỗi người, chứ không phải ai khác. Câu trả lời đó có thể đến từ bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu, từ cô bán hàng ở trên phố, đến anh taxi ở sân bay, từ chị tiếp viên hàng không đến cô lễ tân khách sạn.
Tôi và các bạn của mình bỏ thời gian hàng tháng trời để đi khắp những vùng có thiên nhiên đa dạng và đặc trưng mà không phải nơi nào cũng có được như vườn quốc gia Cà Mau, rừng U Minh Thượng, vườn quốc gia Tràm Chim. Mỗi nơi đều cho tôi thấy được những vẻ đẹp hoang sơ, những giá trị về đa dạng sinh học, về nét văn hóa và môi trường riêng biệt, cho đến những khó khăn và thách thức về vấn đề kinh tế và môi trường sống mà khu vực đó đang phải đối mặt. Tôi thực sự thấy được thế nào là du lịch bền vững và làm sao để đẩy mạnh trong nước. Mô hình du lịch bền vững cần phải được mọi người trong nước chung vai sát cánh đẩy mạnh nếu chúng ta muốn có một nền du lịch bền vững.
Trở về nhà, tôi tập hợp lại tất cả những số liệu, những cuộc phỏng vấn và thông tin mình có và viết một loạt bài về du lịch an toàn và bền vững trên Thể Thao Văn Hóa và một số trang web, và chia sẻ với bạn bè của mình. Tất cả nhằm một việc duy nhất là cho tất cả chúng ta thấy được những vấn đề mà đất nước đang phải đối mặt và việc chúng ta cần phải hành động luôn và ngay để có thể phát triển đất nước.
Niềm đam mê và mong muốn được cống hiến cho cộng đồng khiến tôi thấy mình cần một môi trường rộng lớn hơn để tôi có tầm ảnh hưởng nhiều hơn và tạo ra những thay đổi tích cực hơn nữa. Tôi quyết định quay trở lại với những hoạt động cộng đồng và những tổ chức mà tôi từng yêu mến gắn bó.
Tôi sẽ làm gì nếu đắc cử ĐSDL?
Nhiều người đặt câu hỏi là tại sao tôi lại phải ra ứng cử vị trí này? Nếu tôi yêu du lịch, tại sao tôi không tự mình khởi xướng một chương trình về du lịch rồi lôi kéo những người khác tham gia cùng? Có phải tôi tham gia vì tôi mê được gọi là chức danh ĐSDL? Có phải nhờ vậy để tôi được nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền? Tại sao một người bình thường như tôi lại “dám” bước vào sân chơi mà chỉ có hoa hậu và những người đã gây dựng tên tuổi mới tham gia?
Tất cả những câu hỏi đó được lặp đi lặp lại khiến ngay cả một người trong cuộc với những ý định giản dị ban đầu cũng bị choáng ngợp bởi ngôn ngữ của truyền thông lẫn báo chí.
Tôi nghĩ rằng những người yêu thích du lịch hoàn toàn có thể lập khởi xướng ra một blog về du lịch và làm các hoạt động về du lịch. Một blog như vậy hoàn toàn có nhiều thành viên tham gia, chia sẻ và giúp đỡ nhiều người khác nhưng họ quên rằng để có một tầm ảnh hưởng từ trên xuống dưới là một điều không phải dễ dàng. Vậy thì ĐSDL có phải chỉ là một chức danh để đùa chơi?
Đương nhiên đây chẳng thể là một chức danh dễ dàng như thế, ĐSDL chỉ có thể thực sự xứng đáng với những người có khao khát được mang nó đi ra tầm quốc tế, mong muốn giúp cho đất nước phát triển. ĐSDL vừa là chức danh cũng vừa là những nghĩa vụ đi kèm với một cam kết dài lâu cho cộng đồng mà không phải cho riêng cá nhân của mình. Nếu không có chức danh ĐSDL, đương nhiên là tôi vẫn làm về những vấn đề phát triển cho đất nước, nhưng khi là ĐSDL thì nó khiến tôi có thể tiếp cận được các cơ quan nhà nước, các tổ chức được dễ dàng hơn, thuận lợi và hiệu quả hơn.
Hiện tại tôi đang làm việc cho một dự án giúp người khuyết tật do UNDP tài trợ. Đại diện cho một nhóm người thiểu số và yếu ớt trong xã hội, tham gia việc ứng cử là cách tôi có thể mang đến bình đẳng và cơ hội cho tất cả mọi người và giúp cho mọi người hiểu rằng, tất cả chúng ta, dù nam hay nữ, người già hay trẻ, thuộc dân tộc nào, chúng ta đều bình đẳng ngang nhau và có tiếng nói ngang nhau, và đều có quyền tiếp cận dịch vụ và phát triển du lịnh ngang nhau. Điều này càng làm cho tôi thấy vai trò và nhiệm vụ của Đại Sứ Du Lịch thât là ý nghĩa.
Nếu là ĐSDL, cụ thể tôi sẽ tập trung vào 3 điều:
(1) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch, thái độ và cách làm việc của mỗi người trong ngành du lịch.
(2) Thiết lập một mạng lưới các tổ chức phi chính phủ (NGOs) để có thể tập trung về phát triển du lịch bền vững.
(3) Kêu gọi đầu tư của nước ngoài để nâng cao cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ cho Việt Nam.
Điều cuối cùng, tôi nhận ra rằng, được hay không được ĐSDL cũng thực sự không quan trọng cho riêng mình, nhưng quan trọng hơn cả tôi có thể là đại diện của những người yếu thế trong xã hội có cơ hội nói lên tiếng nói của mình. Và một xã hội dân chủ và phát triển là một xã hội không bỏ qua tiếng nói của bất kì ai, kể cả trong lĩnh vực du lịch.
Đỗ Thị Hồng Thuận
Ứng cử viên ĐSDL
Hôm qua được gặp chị Thuận tại buổi giao lưu, nụ cười tươi sáng ấm áp ^^. Em chúc chị thành công, và đạt được tâm nguyện đóng góp “giúp phát triển Việt Nam”.
ThíchThích
Chúc Thuận thành công và giúp co Du lịch Việt Nam phát triển nhiều hơn nữa!
ThíchThích
Chị Thuận trả lời rất thuyết phuc. Chúc chị thành công và đạt nhiều thành tựu cho VN.
ThíchThích
Bài viết thật tâm, tràn đầy xúc động.
Anh chúc Thuận sẽ là đại sứ du lịch trong lòng người Việt Nam và bạn bè quốc tế mà không cần đợi kết quả bình chọn.
Ngay từ bây giờ, Thuận hoàn toàn có thể mang danh nghĩa “Ứng viên đại sứ du lịch” để làm những điều như bài viết này rồi.
Chúc Thuận thành công nhé.
Anh Thắng.
ThíchThích
Em là đại sứ du lịch trong lòng nhiều người rồi Thuận à
ThíchThích
Cảm ơn chị Thuận,
Bài viết thật tâm huyết. Chị Thuận keeps going nha. We are with you 😉
ThíchThích
Em thật ngưỡng mộ chị quá! Rất mong những tâm huyết và dự định của chị sẽ sớm thành hiện thực dù chị có trở thành ĐSDL hay không. Chúc chị thành công! 🙂
ThíchThích
Bài viết của Thuận rất hay và cảm động. Chắc chắn rồi, điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim.
Mong bài viết nầy được nhiều người đọc Nếu ĐSDL được bỏ phiếu, mình tin rằng những “cử tri” nào đã đọc bài của Thuận, thì phần lớn trong số họ sẽ bỏ phiếu cho Thuận.
Kết quả tranh cử là quan trọng, vì nó giúp ta có điều kiện phục vụ tốt hơn, cống hiến tốt hơn. Nhưng mình nghĩ động cơ và cách làm còn quan trọng hơn. Chúc Thuận luôn vui khỏe với tinh thần “tranh mà không tranh”.
Và chúc Thuận sẽ gặp “thuận”!
ThíchThích
Em cám ơn cả nhà, cám ơn anh Hoành, anh Thảo, chị Hường, anh Tuấn, anh Thắng, bạn Tuấn, Thanh Huyền, Thu Hương, Thu hằng, Minh Châu, Huyền Vân, Đăng Còi, Linh Trần…
Cám ơn cả nhà đã luôn đi bên em và cùng em. Không phải là giờ em đang lâng lâng hạnh phúc nên trả lời mọi người muộn, mà vì em đang bị nhiều việc quá nên lúc nhớ lúc quên. Em vào chào cả nhà để cả nhà biết rồi đi ra ạ.
@Anh Thảo: Lời bình của anh Thảo thật là tuyệt vời. Đúng là “gừng càng già càng cay” anh ha? 🙂
ThíchThích
Cảm ơn Thuận đã thực hiện “kính lão”!
Chúng ta là bạn học cùng lớp với nhau ở ĐCN, bất chấp tuổi tác, bất chấp là “hoàng hôn” hay “bình minh”. Hi hi…
Rất nhiều mặt, anh chỉ là học trò của Thuận và các bạn. Có mặt nào đó, anh có nhiều kinh nghiệm hơn, là do anh đã đi qua và đã có nhiều hơn, những sai lầm!
Ở trên, anh chúc Thuận sẽ gặp “thuận”. Nhưng anh nghĩ, như “Tái Ông Thất Mã” thì “thuận nghịch nhất thị”. Vậy anh chúc thuận “tùy ngộ nhi an” nhé!
Vạn sự giai duyên, tùy ngộ nhi an!
ThíchThích
anh Thảo khiêm tốn quá lại thành 2 lời mất rồi,
em thấy anh cứ như câu chúc đầu là ổn rồi, giải thích lại rồi chúc lại thêm lòng vòng thêm,
hìhì, là em nghĩ gì viết vậy, mong anh Thảo có giận thì bỏ qua cho em nha,
kể ra mà có cái mục trao đổi riêng tư cho từng comment thì em muốn đưa cái comment này vào riêng tư chứ ko muốn nó hiện trên topic
ThíchThích
Em biết chị Thuận tham gia ứng cử ĐSDL nhưng mãi cho đến giờ mới biết chị cũng là thành viên của ĐCN. Dù mọi chuyện đã qua nhưng em vẫn muốn nói lời chúc mừng cho những ý tưởng táo bạo, dám nghĩ dám làm của chị. Em tin rằng chị sẽ thành công hơn nữa.
ThíchThích