Việt Nam nêu nhiều định hướng lớn tại hội nghị nhân quyền

Việt Nam khẳng định nỗ lực của ASEAN về nhân quyền

Đại diện các bộ, ngành Việt Nam phát biểu tại phiên họp lần thứ 18 về UPR tại Hội đồng Nhân quyền LHQ. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)

Đại diện các bộ, ngành Việt Nam phát biểu tại phiên họp lần thứ 18 về UPR tại Hội đồng Nhân quyền LHQ. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)

(TTXVN) LÚC : 06/03/14 22:21

Ngày 6/3, tại phiên làm việc chung của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc khóa 25, Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Đại diện Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ), đã có phát biểu thay mặt Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với tư cách đồng Điều phối viên ASEAN tại Hội đồng Nhân quyền 2014.

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trong bài phát biểu của mình, Đại sứ Nguyễn Trung Thành khẳng định một trong những tôn chỉ, mục đích của ASEAN được định rõ trong Hiến chương ASEAN là tăng cường dân chủ, thúc đẩy pháp quyền, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người và tự do cơ bản.

Đại sứ nêu rõ trên thực tế, năm 2009, ASEAN đã thành lập Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) với vai trò xây dựng các chiến lược nhằm tăng cường hợp tác khu vực về vấn đề quyền con người trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã nhất trí thông qua Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD) tại Hội nghị Cấp cao ASEAN tháng 11/2012.

Đại sứ Nguyễn Trung Thành đã giới thiệu việc thành lập Ủy ban ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em (ACWC) tại Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Hà Nội năm 2010, việc Tuyên bố ASEAN về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Brunei 2013.

Theo đại sứ, các nước ASEAN đang tham vấn về khả năng xây dựng một văn kiện pháp lý của ASEAN về phòng chống và xóa bỏ bạo lực chống lại phụ nữ và trẻ em. Phụ nữ và trẻ em là một trong những nhóm đặc thù mà các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, luôn nỗ lực quan tâm và bảo vệ.

Trong phát biểu trước 47 nước thành viên Hội đồng Nhân quyền cùng hơn 100 nước quan sát viên và đại diện các tổ chức quốc tế, Việt Nam khẳng định các quốc gia thành viên ASEAN chia sẻ cam kết và quan tâm chung của cộng đồng quốc tế đối với công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người và mong muốn đối thoại và hợp tác xây dựng trong vấn đề này.

Phiên làm việc chung là phần mở đầu hoạt động của Hội đồng Nhân quyền mỗi khoá họp đầu năm, được tổ chức ngay sau Hội nghị Cấp cao.

Sau phiên làm việc chung ngày 6/3, Hội đồng Nhân quyền khóa 25 sẽ tiếp tục thảo luận và ra quyết định về 10 đề mục với gần 50 vấn đề cụ thể và dự kiến bế mạc vào ngày 28/3.

Ngày 12/11/2013, Việt Nam đã được Đại Hội đồng Liên hợp quốc bầu vào Hội đồng Nhân quyền với số phiếu cao.

Ngày 14/2, các nước ASEAN đã nhất trí cử Việt Nam và Philippines làm đồng Điều phối viên của ASEAN tại Hội đồng Nhân quyền trong năm 2014./.

Việt Nam nêu nhiều định hướng lớn tại hội nghị nhân quyền

Phiên họp của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva. (Ảnh: TTXVN)

(TTXVN) LÚC : 05/03/14 08:22
Tại Hội nghị cấp cao Khóa họp thứ 25 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam đề nghị Hội đồng Nhân quyền quan tâm, thúc đẩy hơn nữa việc bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội, quyền của những nhóm dễ bị tổn thương; tăng cường đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, xuống cấp môi trường, khai thác tài nguyên quá mức đối với cuộc sống và an toàn của người dân.

Đây là những định hướng và ưu tiên lớn mà Việt Nam sẽ triển khai, trong đó có nhiều vấn đề sẽ được Hội đồng Nhân quyền tập trung thảo luận tại Khóa họp thứ 25 như chống đói nghèo, giảm thiểu tác động của vay nợ nước ngoài đối với việc hưởng thụ các quyền con người, bảo vệ quyền con người, bảo vệ môi trường, phòng chống bạo lực, buôn bán trẻ em.

Trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị cấp cao Khóa họp thứ 25 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoàng Chí Trung cho biết thêm đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Hội đồng Nhân quyền với tư cách thành viên sau khi được các nước tin tưởng bầu chọn với số phiếu cao.

Đây vừa là sự ghi nhận, đánh giá khách quan của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về quyền con người, vừa là sự coi trọng của các nước trước mong muốn và khả năng đóng góp hơn nữa của Việt Nam vào nỗ lực chung của thế giới về quyền con người, cũng như trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền.

Với những kỳ vọng của quốc tế và xuất phát từ chủ trương tích cực hội nhập đời sống quốc tế, Việt Nam đã cam kết sẽ là một thành viên tích cực, trách nhiệm, có đóng góp thực chất vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền; phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên và quan sát viên trong các vấn đề cùng quan tâm về quyền con người.

Song song với việc thúc đẩy các hoạt động trên, Việt Nam cũng sẽ cùng với các nước thúc đẩy đối thoại mang tính xây dựng, tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên Hội đồng Nhân quyền; duy trì và phát huy cách tiếp cận toàn diện, đầy đủ, cân bằng trên tất cả các vấn đề, qua đó góp phần đảm bảo thành công và hiệu quả của Hội nghị cấp cao cũng như Khóa họp 25 của Hội đồng Nhân quyền.

Theo ông Hoàng Chí Trung, quyền con người là vấn đề được quan tâm cao và có tầm quan trọng bên cạnh các vấn đề về hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển. Là cơ quan chính của Liên hợp quốc về vấn đề nhân quyền, Hội đồng Nhân quyền luôn được quốc tế quan tâm theo dõi sát, đặc biệt là các hội nghị và khóa họp thường kỳ tiến hành đánh giá, xử lý các vấn đề về quyền con người trên thế giới. Đây cũng là diễn đàn để các nước bày tỏ, chia sẻ sự quan tâm của mình trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Năm nay, hội nghị quy tụ các đoàn cấp cao của gần 100 nước, thể hiện sự quan tâm và coi trọng của quốc tế đối với vai trò ngày càng quan trọng của Hội đồng Nhân quyền.

Trong hơn 7 năm vừa qua, Hội đồng Nhân quyền đã chứng tỏ khả năng hoạt động hiệu quả và toàn diện, có nhiều sáng kiến và giải pháp thiết thực để thúc đẩy đảm bảo quyền con người như nâng cao nhận thức, pháp điển hóa các quyền. Nhiều cơ hội trao đổi, hợp tác xây dựng trong các vấn đề liên quan đến quyền con người đã được quan tâm đẩy mạnh tại các diễn đàn của Hội đồng Nhân quyền, cụ thể như cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR).

Tuy nhiên, công tác bảo đảm quyền con người cũng không tránh khỏi các thách thức, xuất phát từ suy thoái tài chính – kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, thiên tai, thiếu lương thực, nước sạch… Bên cạnh đó, tình trạng xung đột, bạo lực leo thang tại một số nơi trên thế giới cũng đe dọa an toàn, cuộc sống của người dân, đồng thời gây tác động nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định khu vực.

Trong tình hình đó, Hội đồng Nhân quyền cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công việc, hạn chế các chỉ trích, phê phán thiếu xây dựng, không ngừng nâng cao uy tín cũng như vai trò của Hội đồng.

Tại hội nghị cấp cao lần này, quốc tế trông chờ rất nhiều vào các nỗ lực thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa các nước để tìm ra giải pháp phù hợp cho các vấn đề cấp bách.

Các bên mong muốn hội nghị sẽ tìm ra cách tiếp cận bền vững đối với những thách thức có tác động lâu dài đến các quyền con người, qua đó góp phần nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền trong hệ thống nhân quyền Liên hợp quốc cũng như trong việc đảm bảo và thúc đẩy quyền con người trên thế giới./.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s