Tư duy tích cực: không cần thiết?

Phạm Anh Tuấn

Chào các bạn,
Adult education
Mình được giao một lớp luyện thi để thi tuyển sinh vào một trường. Môn học do mình phụ trách có 8 chương, và với các khóa khác, mình làm việc trong 8 buổi học là xong. Tuy nhiên, đây là lớp học đặc biệt – các học viên đều đã tốt nghiệp đại học, họ học trong gần 10 tháng để có thể đảm bảo mình thi đậu và vì vậy họ đóng học phí khá cao. Trường giao cho mình lớp này 22 buổi, nhiều hơn đến 14 buổi so với các khóa học khác. Bình thường mình sẽ làm việc 1 buổi/1 chương. Nhưng 5 buổi vừa rồi, mới học được 2 chương, thời gian còn lại là những điều nằm ngoài kiến thức – cách tư duy, kỹ năng làm bài, các giá trị để thành công. Điều đặc biệt là mỗi bạn trong lớp phải đăng ký một bài tư duy tích cực trên ĐCN để thực hành. Có 8/14 bạn đăng ký với những bài như: Không bao giờ tiêu cực, Tĩnh lặng, Khen, Đừng lo, Con người mới…

Mình rất vui và hứng khởi với lớp học này….

Đại diện nhà trường báo với mình rằng, một số học viên trong lớp phản ánh, thầy dạy lan man, không đúng trọng tâm, không cho làm bài tập nhiều, đưa nội dung không có trong chương trình vào bài giảng (như thực hành tư duy tích cực)… một chút ngạc nhiên cho mình.

Mình đã có kinh nghiệm giảng dạy những lớp thế này, và kết quả đều đạt được rất cao. Với lớp này, phía trước không chỉ là một cuộc thi, và thi đậu. Họ cần được học cách vượt qua kỳ thi với tư duy tích cực, học cách nhìn cuộc thi tuyển sinh chỉ là một điểm rất nhỏ trong cuộc đời, học cách tĩnh lặng khi ngồi làm bài trong phòng thi, học cách thành công bằng chính năng lực của mình… Những điều này không hề có trong chương trình học, nhưng mình thấy lại chiếm vai trò quan trọng nhất của lớp luyện thi. Bên cạnh những điều đó, các bạn còn được chia sẻ kỹ năng làm bài, kỹ năng nhận xét đề thi, kỹ năng giải bài bằng phương pháp kỹ thuật (nếu không nhớ kiến thức)… và cũng chẳng ở đâu chia sẻ những điều này cả.

Đương nhiên, mình có thể nói chuyện với các bạn ấy về mọi điều phản ánh, và có thể sẽ chỉ có 6 buổi dành cho 6 chương còn lại. Nhưng mình vẫn hơi băn khoăn, và cảm thấy thiếu sót nếu không nhân cơ hội này để chia sẻ với các bạn ấy những điều hay khác ngoài kiến thức môn học, sở dĩ góp phần rất lớn vào việc các bạn có thể thi đậu, và hơn nữa, rất hiếm có khóa học nào chia sẻ.

Các anh chị và các bạn giúp mình 1 lời khuyên nhé?

Phạm Anh Tuấn

 

Một suy nghĩ 11 thoughts on “Tư duy tích cực: không cần thiết?”

  1. Hi Tuấn,

    Anh có cảm tưởng là mỗi ngày chương, 8 chương là 16 ngày, và 6 ngày cuối là ôn lại các chương.

    Mà mỗi buổi học dành một ít thời gian học các môn “Intangible” (khóng sờ mó được), thì thên hạ không bị shock hay lo sợ. Vì các môn intangible đối với một số người rất khó nắm bắt, và họ sẽ thấy mất thời giờ của họ, và họ sẽ phàn nàn nếu họ cảm thấy bị tốn thời giờ vào đó quá đáng.

    Thích

  2. Hi Anh Tuấn,

    Mình có thể thấy nhiệt tình của Tuấn và tình cảm dành cho ĐCN, cảm ơn bạn 🙂
    Mình cũng nghĩ như anh Hoành, những tư duy tích cực tuy rằng cần thiết, nhưng để nắm được cần hợp duyên và tự trải nghiệm, nói nhiều cũng không đẩy nhanh được sự sâu sắc. Nội dung thì rất ngắn “Khiêm tốn, Thành thật, Yêu người, Tĩnh lặng”, mình cũng mất 5 năm mới bắt đầu tham gia nói trên diễn đàn này, vì cảm thấy bắt đầu hiểu chút chút để chia sẻ.

    Chúc Tuấn luôn thành công trong truyền tình yêu kiến thức và tư duy tích cực cho mọi người qua “ví dụ” của chính người thày 🙂

    Mến
    Hường

    Thích

  3. Hi Anh Tuấn,

    Thuận rất đồng cảm với anh ở phần này: “Đại diện nhà trường báo với mình rằng, một số học viên trong lớp phản ánh, thầy dạy lan man, không đúng trọng tâm, không cho làm bài tập nhiều, đưa nội dung không có trong chương trình vào bài giảng (như thực hành tư duy tích cực)… một chút ngạc nhiên cho mình.” và phát hiện ra hình như khi nào mình bắt đầu bất kì điều gì mới, điều mình cho là hữu ích đều gặp những luồng dư luận như vậy hết.

    Thuận đã từng ấp ủ, là trong lớp học của Thuận, Thuận không chỉ muốn nâng cao kiến thức cho học sinh mà còn là thực hành văn hóa, và đặc biệt là tĩnh lặng nữa, nhưng khi làm thì không gặp được sự đồng cảm của người khác.

    Chúc anh Tuấn thành công nhé!

    Thích

  4. Hi Anh Tuấn

    Công mình học, công mình tập luyện hằng ngày, công mình truyền đat… Để hôm nay đọc tựa đề và nội dung của bài viết: “Tư Duy Tích Cực không cần thiết?” Mình muốn shock quá Tuấn ơi!

    Nhưng nhìn kỹ lại đường lối giáo dục trong học đường của chúng ta hiện nay:

    Những vấn đề như “Tiên học lễ, hậu học văn” cũng như “Học ăn học nói học gói học mở” dường như đã băng hoại mất rồi!

    Bù vào đó là học kiểu đối phó, học kiểu mì ăn liền để mong sao lấy được chứng chỉ, lấy được mảnh bằng mình đang theo đuổi bất chấp mọi giá trị luân lý đạo đức của con người 😦

    Có lẽ chính vì vậy mà các bạn trẻ đã mất đi tầm nhìn xa mà Tuấn đã phân tích trong bài chia sẻ?

    Hy vọng với con tim đầy nhiệt huyết của một kỹ sư tâm hồn: “Trăm năm trồng người” Tuấn đủ kiên trì ươm trồng cho hạt giống “Tư Duy Tích Cực”

    Mà Anh Hai đã truyền đạt đã chia sẻ… Được đơm bông kết trái trong môi trường tưởng chừng không thuận lợi vì thiếu nhiệt tình thiếu sự đồng cảm 😛

    Chúc Tuấn thành công trongi những dự tính của mình nhé 😛

    Matta Xuân Lành

    Thích

  5. Anh Tuấn ơi,

    Khi đọc những dòng này, em rất vui:

    “Có 8/14 bạn đăng ký với những bài như: Không bao giờ tiêu cực, Tĩnh lặng, Khen, Đừng lo, Con người mới…”

    Em cám ơn anh. 😀

    Và với câu chuyện này, em nghĩ là anh có thể chia sẻ từ từ với các anh chị học viên ạ. Những ai hiểu được tầm quan trọng của tư duy tích cực ngay lúc đó thì quá hay. Còn nếu không thì mình cứ từ từ. Mỗi người có khả năng tiếp thu khác nhau mà, phải không ạ?!

    Và hiện tại các anh chị ấy muốn học để thi thì có lẽ trước mắt mình giúp các anh chị hoàn thành nguyện vọng đã. Nếu có dư ít phút cuối giờ thì có thể chia sẻ về Tư duy tích cực.

    Có khi các anh chị ấy sau khi học xong thì quay lại gặp anh để nhờ phụ đạo Tư duy tích cực đấy ạ.

    Relax and take it easy anh nhé.

    Thích

  6. Hi anh Tuấn, đọc bài chia sẻ của anh em thấy vui lắm vì anh đưa ý tưởng này vào giới thiệu cho sinh viên. Em chưa có kinh nghiệm dạy học nhiều nhưng đối với trường hợp này em đồng cảm với anh khi nhận được ý kiến của nhà trường và sinh viên. Em sẽ xin chia sẻ ở một dịp khác.

    Ở đây em thấy 8/14 bạn đăng ký đã là thành công, môn khó như TDTC không dễ để mì ăn liền ngay được, nên khó có thể thấy kết quả trước mắt. Có bạn TDTC mà vẫn thi hỏng cũng nên. Em nghĩ là ai có duyên và có ý thức muốn tự gieo duyên cho mình sẽ tích cực tìm hiểu đào sâu. Trong 8/14 bạn có 1, 2 bạn kiên trì thực tập đã là thành công 🙂

    Cảm ơn anh Tuấn đã tích cực gieo duyên và gieo hạt 🙂

    Thích

  7. Cám ơn các anh chị đã chia sẻ, động viên, đồng cảm và đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích. Chiều nay mình gặp lại lớp này. Lại có 1 phản hồi của 1 bạn nữa trong lớp: thầy suốt ngày đọt chuối non, và bạn này đang dọa sẽ nghỉ học.

    Thực ra thì mình là người sáng lập ra trường này, và là giảng viên duy nhất giảng môn này, và đã chứng kiến rất nhiều học viên thi đậu với điểm số rất cao. Mình đúc kết và thấy rằng kiến thức không phải là điều quan trọng nhất trong thi tuyển, mà là kỹ năng Intangible (theo lời anh Hoành). Các học sinh thi tuyển vào đại học đều làm đề thi từ kiến thức học được trong các năm cuối cấp 3, nhưng phần lớn là không vượt qua được chính mình (điểm thi thấp).

    Cho nên chiều nay, mình sẽ tiếp tục đề cập đến tư duy tích cực trong bài giảng, nhưng sẽ tăng khối lượng bài tập. Rất nhiều học viên của mình trước đây đạt kết quả thi tốt đều công nhận rằng nhờ có những món Intangible của thầy mà có được điểm cao. Do đó mình không dừng lại. Rồi các bạn ấy cũng sẽ hiểu được thôi.

    Mình rất vui để tiếp tục báo cáo diễn tiến lớp học này đến các anh chị ĐCN. Học viên trong lớp này ai cũng biết đến ĐCN, nên các bạn cũng có thể đọc được bài này và những comment này. Nếu có ai đó trong lớp tham gia topic này thì thật tuyệt.

    Nice weekend nhé mọi người!

    Thích

  8. Anh rất thích bạn dọa nghỉ học trong lớp Tuấn. Anh thích có học trò như thế. Vậy mới là dân chủ! và thân thiện! Nếu không thân thiện chắc chẳng nói thế được.

    Anh nhớ hồi lớp 11, hồi đó cuối lớp 11 có thi tú tài 1, theo truyền thống Baccalaureate 1 của Pháp. Trong lớp anh có một cô tên Hải (nếu trí nhớ anh còn tốt). Cô này rất thông minh, và rất chăm, đúng ra là quá chăm. Cô ấy rất sợ thi rớt nên học tối tăm mày mặt ngày đêm. Có một lúc anh và cô ấy cùng đi trên một sidewalk (vỉa hè đường phố) ngược chiều nhau. Gặp nhau nhưng không gặp, vì cô ấy hoàn toàn không thấy anh, mặt cô ấy có vẻ như không thấy gì trước mặt, và miệng cô ấy lẩm nhẩm gì đó. Lúc đó anh nghĩ ngay là cô này có lẽ sẽ thi rớt vì rõ ràng là cô ấy đang đi lạc. Và đúng như thế, cố ấy rớt, dù anh biết cô ấy rất thông minh.

    Hồi đại học anh thường cố gắng nghỉ ôn bài một ngày hay nửa ngày trước khi thi để đầu óc thư giãn. Và trước khi thi, thường anh có cảm tưởng anh chẳng biết gì cả, như là một đống rác trong đầu, nhưng anh hy vọng là đến lúc đọc đề thi thì cái đầu anh sẽ biết làm việc.

    Trước giờ thi, lúc mọi người còn ngoài sân hay mới vào phòng, anh thấy các bạn khác khảo bài nhau và trả lời vanh vách, nhiều khi làm anh rất mất tinh thần, vì cái đầu mình như một đống rác, chẳng biết gì cả. Thế là anh phải tự nhủ: “Có đề rồi cái đầu mình sẽ biết làm việc, đừng lo”.

    Thi cuối năm thứ ba trường luật, 2 môn chính là môn gì đó anh quên rồi, được điếm cao số một hay số hai toàn trường. Đến lúc vào thi các môn phụ, cả phòng thi năn nỉ anh: “Chút xíu nữa, bồ nhắc bài cho tụi tui nha”. Anh nói: “Các bạn đặt lòng tin trật chỗ rồi. Hiện thời tui chẳng biết gì hết”. Các bạn lại nói: “Thôi mà, xấu với nhau làm gì. Bạn giỏi quá, giúp anh em một chút”. Anh nói mấy lần là cái đầu anh rất lộn xộn, không có gì trong đó. Chẳng ai chịu nghe, rốt cuộc anh phải hứa: “Được rồi, nếu lúc đó mình biết gì thì mình sẽ nhắc các bạn.” Rốt cuộc, khi đọc đề xong, mọi câu trả lời lại hiện ra trong đầu anh rất đầy đủ và ngăn nắp. Thế là nhắc bài cho các bạn chung quanh thật.

    Khi đi thi, chiến đấu, thì bình tĩnh và tự tin là điều rất quan trọng.

    Anh thường xem đấu võ đài để nghiên cứu võ học. Thường là nhìn mặt một võ sĩ mình có thể đoán được là anh ta sẽ thua hay thắng. Đôi khi anh rất ngạc nhiên về các võ sĩ. Rất thường xuyên, một anh có quyền pháp rất tốt, tấn công anh kia tới tấp, làm anh kia ngất ngư cả một hai hiệp. Khán giả đều thấy một anh chiếm thượng phong, đánh anh kia nhừ tử. Tự nhiên sang một hiệp mới, rất nhiều khi anh thấy anh chiếm thượng phong có nét mặt mất tự tin và đôi khi sợ hãi. Và anh nói thầm, thế thì hỏng, cậu này sẽ thua rồi. Và thường là đúng 99% (anh không nhớ anh đoán sai lần nào).

    Các võ sĩ như vậy chưa được huấn luyện về tinh thần khi chiến đấu. Các cậu tính đánh gục người kia trong một hai hiệp, và làm không được, mà sức lực của mình đã cạn (vì đã đấm đá quá nhiều), vậy là mất tinh thần, trở thành thụ động, quyền pháp quờ quạng, và thua.

    Ra tòa cũng vậy, luật sư nào bình tĩnh và tỉnh táo trong cả tiến trình của vụ kiện (dài nhiều tháng) thì thường chiếm thượng phong.

    Cho nên kỹ năng giữ lòng mình luôn bình tĩnh, tập trung vào việc mình phải làm, và không để “thằng lo” xía vào đầu mình, rất quan trọng cho chiến đấu.

    Các tướng xuất trận cũng thường có cách làm cho binh sĩ lên tinh thần và không biết sợ.

    Thầy luyện thi cũng là tướng.

    Thích

  9. Cám ơn anh Hoành,

    Anh đã chia sẻ một bài khá dài, và kết luận “Thầy luyện thi cũng là tướng”. Chiều qua, em đã chia sẻ rất thẳng thắn với các học trò, và tạ ơn Chúa, không còn bất cứ phàn nàn nào nữa. Mọi người hiểu ra rằng, cái việc “phải” đọc ĐCN và luyện tập tư duy tích cực là tự do của họ, chẳng ai ép buộc cả. Nhưng thầy thì có thể giới thiệu để trò biết mà học hỏi, vì ngoài kiến thức ra còn phải biết vượt qua nỗi sợ để chiến đấu trong phòng thi. Và các bạn đã tin tưởng vào nhà trường để đến luyện thi, thì cũng phải tin vào thầy của mình, sẽ làm cho mình thêm kiến thức, lên tinh thần, và vượt qua mọi nỗi sợ. Thầy biết làm điều đó, chẳng cần học trò nhắc nhở hay đòi hỏi.

    Mọi người yêu cầu phải học đủ số buổi. Vì họ bắt đầu hiểu rằng những món Intangible mới phân định kết quả thắng thua. Kiến thức là của chung, ai cũng có thể học, và thuộc lòng. Và thông minh (như câu chuyện của anh) cũng vẫn thi rớt.

    Ngày mới tràn đầy tạ ơn và hạnh phúc nhé anh!

    Thích

  10. Cám ơn các chia sẻ và trao đổi của Tuấn, anh Hoành và cả nhà quanh chủ đề này. 🙂

    Những cái intangible này em thường gọi đó là “bản lĩnh” của mỗi người. Việc truyền thụ quả thật khó, vì cho đến khi người nghe lĩnh hội được, người ta rất khó để nhận biết rằng có gì đó tồn tại, nó hay ho và cần thiết cho cuộc sống để mà cố gắng, kiên nhẫn để lĩnh hội và rèn luyện mình.

    Thích

  11. Em rất cám ơn những chia sẻ của anh Hoành về chuyện ôn thi. Em thấy cũng khá giống mình trong đó.
    Em vẫn nhớ năm học lớp 12, vì các bạn biết là mình đứng đầu lớp môn học năm lớp 11, nên ai ngồi xung quanh mình cũng nài nỉ là trong giờ thi nhắc bài hộ, Thế nhưng suốt cả buổi thi như thế em rất mệt đầu, bạn ngồi trước, ngồi sau, bên trái, bên phải đều cấu véo hay lấy bút chọc vào người mình để hỏi. Bạn nào cùng đề với mình thì mình nhắc sẽ nhanh, nhưng khác đề thì rất mất thời gian, chưa tính là làm xong phải kiểm tra lại cho thật kĩ, vì chỉ cần một chữ sai là cả câu sai. Vậy là cuối cùng em không thể tập trung vào bài thi của mình được. Em không còn giữ vị trí đứng đầu trong môn học ấy. Em rất buồn, em biết là làm gì cũng cần có chiến lược hết, nếu mình chăm chỉ và bình tĩnh, ít khoe khoang và quan sát tốt.
    Cuối cùng em đổi chiến lược là mình sẽ đứng đầu môn học khác, vậy là cứ thế, mình bình tĩnh, suy nghĩ kĩ càng, lúc nào lên bảng, phần nào mình cần tập trung sâu, lúc nào thì cần lượng sức, năm đó, em đứng đầu môn học mà em yêu thích thật, và manage khá tốt các môn mà mình không yêu thích lắm.
    Cảm giác cuối năm là sung sướng chiến thắng chính mình.
    Đúng như anh Hoành nói, khi một người bình tĩnh, quan sát tốt, chăm chỉ, lên chiến lược kĩ càng thì phần thắng nắm trong tay khá là rõ ràng và chắc chắn. Và em cũng tin, trong tất cả các chiến thắng thì phần tinh thần là quyết định khá nhiều.
    Cám ơn trao đổi của anh Hoành và anh Tuấn.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s