Chào các bạn,
Nhiều người có thói quen nói dối cả ngày, thường xuyên cho đến nỗi họ không hề biết là họ nói dối.
Ví dụ:
– Cái áo này đẹp quá, chị mua bao nhiêu vậy? 200 nghìn. (Trong khi thực ra chỉ trả 120 nghìn).
– Thuốc này rất tốt cho chị, em dùng hàng ngày. (Thật ra em chỉ dùng thử có một ngày năm ngoái).
– Anh tên Võ Nguyên Hùng, có bà con với Võ Nguyên Giáp không? Cũng có, nhưng hơi xa. (Thật ra chẳng họ hàng gì cả).
– Sao anh đến trễ vậy? À kẹt xe. (Thực ra là ngồi trong quán cà phê với cô bạn).
– Trời chị hát hay quá. (Trong lúc trong bụng nói “Hát vậy mà cũng hát”).
– Hôm qua em tính đến thăm chị mà cuối cùng thằng nhỏ bị bệnh. (Thật ra có tính thăm hồi nào đâu).
– Em là người anh phục nhất. (Nhưng thật ra anh chẳng phục ai cả).
– Em cười thật có duyên (Cô nào anh cũng nói vậy).
– Hỏi bạn mới quen: Anh học ở đâu? Đại học bách khoa năm thứ hai (Thật ra thì mới lớp 12).
– Anh rành việc này không? Đương nhiên, tôi chuyên việc này cả chục năm rồi (Thật ra chỉ làm loại việc này được khoảng 2 lần mỗi lần chừng 3 ngày).
– Anh có quen cô A. Không ? Có, hổi trước nhà cô ấy sát vách nhà tôi (Thật ra cả hai ở cách nhau vài trăm cây số và chưa hề gặp nhau).
– Chị đọc quyển ABC chưa? Đọc rồi, thấy cũng được được. (Thật ra có thấy nó bao giờ đâu).
Nhiều người nói dối thường xuyên quá, đến nỗi đôi khi tìm một câu rất thật của một người thật là khó. Nói dối ta thấy thường xuyên nhất là ca tụng tâng bốc ngoài miệng mà trong lòng thì hoàn toàn là con số không hoặc có thể ngược lại với lời ca tụng bên ngoài. Các bạn, nếu các bạn có khiếu nhận xét tốt một chút, các bạn có thể nhận ra người “đầu môi chót lưỡi” rất dễ–loại người chỉ toàn tâng bốc mà hoàn toàn chẳng thành thật tí nào trong lời nói.
Loại nói dối chúa tể khác là chính trị. Các quý vị chống ai đó thì luôn luôn nói xấu về người đó, dù là sự kiện gì thì họ cũng có thể bóp méo nghĩa lý để nó thành sự kiện tồi. Không có cũng phải nói cho có.
Chẳng có gì là lạ. Điều lạ lùng là, rất nhiều người nói chuyện kiểu đó cả ngày. Và mình chắc chắn là họ không biết họ nói dối cả ngày, vì họ đã quá quen với cách nói đó.
Nếu bạn là người có thói quen như thế thì, WHY?
Why? Why? Why?
Một lời nói thật tự tâm mình có sức mạnh thuyết phục nghìn cân. Các lời nói đầu môi chót lưỡi làm cho người nói có vẻ rất rẻ tiền, thiếu thành thật, và dốt. Tại sao ai lại muốn nói kiểu đó?
Các bạn, nói dối hay nói thật không chỉ là thói quen mà là phản ánh của nội lực. Người nội lực thâm hậu luôn luôn nói thật. Người không có nội lực luôn luôn nói dối. Tùy theo nội lực ta mạnh đến đâu mà ta nói thật nhiều đến đâu.
Chúc các bạn một ngày nói thật.
Mến,
Hoành
© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Chào anh,
Có phải tâm càng tĩnh lặng thì nội lực càng cao, do đó càng tự tin và càng nói thật nhiều hơn?
Thân ái,
ThíchThích
Hi Basic,
Đúng như vậy. Tâm càng tĩnh lặng, nội lực càng cao, càng tự tin, và càng nói thật.
Đó là cho những người tu tập. Tuy nhiên nói chung trong xã hội thì phần lớn người ta nói dối vì mọi người đều nói dối 24 giờ một ngày và đều chấp nhân như vậy là OK. Bố mẹ dạy con nói thật, nhưng lại nói dối trước mặt con cả ngày–như là bà hàng xóm vào nhà, muốn mời bà ấy về thì nói “Em phải đi công chuyện ngay bây giờ” trước mặt con (rồi hàng xóm về thì vào phòng nằm ngủ).
ThíchThích