Chào các bạn,
Bạn là người trí thức (intellectual), tức là người đã được ăn học. Nhưng bạn có thật sự có tri thức (wisdom) không?
Chúng ta có kiến thức chuyên môn, như là IT, kiến trúc, v.v… và người trí thức trong ngành thì có kiến thức chuyên môn, đó là chuyện đương nhiên. Nhưng khi ta nói về “tri thức” là ta nói đến cái biết về cuộc đời, về đời sống con người, về liên hệ giữa trái tim sâu thẳm của mỗi người với thế giới của hắn, về liên hệ giữa những trái tim của con người với nhau, về đúng và sai, thiện và ác… về nghệ thuật sống. Đó là ý nghĩa của từ “tri thức” trong bài này.
Bạn là người trí thức, nhưng bạn có tri thức không?
Có lẽ là ai trong chúng ta cũng đã từng shock khi nghe một quý vị bằng cấp rất cao nói một câu rất ngớ ngẩn về một tình huống nào đó, chứng tỏ là vị đó chẳng biết môt tí gì về cảm xúc và tư duy của thế giới chung quanh. Trong thế giới ngày nay của chúng ta, trí thức ngớ ngẩn là chuyện cơm bữa trên báo chí, cho nên đó chẳng có gì là ngạc nhiên cả.
Nhưng căn bản của trí thức vốn không phải vậy. Trí thức là phải có tri thức. Tuy nhiên, trí thức ngày nay, từ Đông sang Tây, rất nhiều người thiếu tri thức, vì họ mắc hai lầm lỗi chính.
1. Không hiểu giới hạn của lý trí và luận lý
Ngay từ Kỷ Nguyên Lý Trí (Age of Reason) ở thế kỷ 17, đến Kỷ Nguyên Khai Sáng(Age of Enlightenment) của thế kỷ 18-19, thế giới, bắt đầu từ Tây phương, vào một giai đoạn đặt lý trí, tức là luận lý, làm ngọn đuốc soi đường cho đời sống con người. Luận lý và khoa học là chúa tể. Các điều không kiểm chứng được bằng lý trí và khoa học bị xem như là cổ hủ bán khai, hay ít ra là thuộc thứ yếu.
Lý trí và khoa học đưa đến cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ (Industrial Revolution), chế độ thuộc địa, chế độ buôn bán nô lệ quốc tế, chế độ dân chủ, chủ nghĩa tư bản, thế chiến I và II, chiến tranh nguyên tử, chủ nghĩa cộng sản (hay xã hội), rồi cách mạng thông tin và toàn cầu hóa ngày nay, chỉ để kể một vài điểm chính.
Trong suốt khoảng thời gian này vai trò của lý trí và luận lý được suy tôn như là “tối thượng.”
Khi luồng tư duy xem lý trí và luận lý là tối thượng đó thống trị thế giới, đa số trí thức khắp thế giới phạm vào lầm lỗi xem lý trí và luận lý là khí cụ để hiểu biết và giải quyết mọi vấn đề của con người.
Nhưng, nếu bạn đã nghiên cứu kỹ một tí về môn luận lý học, bạn nhận ra ngay là các quy tắc luận lý đến từ kinh nghiệm của con người về các chuyện mắt thấy tai nghe. Ví dụ: Thấy mây đen là thấy mưa, nghe tiếng chim là biết có chim, từ đó con người có định luật nhân quả trong luận lý. Có A thì có B, vậy nếu ta thấy A, ta sẽ thấy B. Hay ngược lại, nếu ta thấy B, thì nhất định phải có một A hay cái gì đó sinh ra B.
Hay, ký ức dài một tí, qua “lịch sử” chẳng hạn, ta thấy ai cũng chết. Từ đó ta có tiền đề luận lý “Mọi người đều phải chết.”
Nhận xét về cuộc đời xảy ra, cho ta thấy được tam đoạn luận: Mọi người đều phải chết. Ông A là người. Vậy ông A rồi sẽ phải chết.
Nói chung, tất cả mọi quy tắc lý luận của con người đều đến từ mắt thấy tai nghe (mắt và tai trần, hay với sự hỗ trợ của máy móc).
Đó là giới han của lý trí và luận lý: Mắt thấy tai nghe.
Nhưng trong thế giới của con người thì mắt thấy tai nghe chỉ là phần nhỏ. Phần lớn là chẳng thấy chẳng nghe. Ví dụ dễ hiểu nhất: Tình yêu. Tiếng sét ái tình, những cảm xúc của tình yêu, những cảm giác về “duyên tiền định”, những cảm xúc rất sâu thẳm về nhau của tình yêu… vượt trên tất cả những gì mắt thấy tai nghe hoặc ngôn ngữ có thể diễn tả.
Đi xa hơn, nguyên ủy của vũ trụ nằm vượt hẳn ngoài phạm vi mắt thấy tai nghe của lý trí và luận lý. Big Bang? Thế thì trước Big Bang là gì? Ai tạo ra Big Bang? Tự nhiên Big Bang tự nó xảy ra, trước đó chẳng có gì, chẳng có ai cả, thì nghe như cũng chỉ là một loại truyện Tề Thiên Đại Thánh chẳng nghĩa lý gì cả, nếu dùng lý luận làm căn cứ.
Nói tóm lại, lý trí và luận lý là khí cụ dùng trong thế giới mắt thấy tai nghe. Nhưng đến thế giới sâu thẳm của quả tim con người, hay của nguyên ủy của vũ trụ, là những điều vượt qua tầng mắt thấy tai nghe, thì lý trí và luận lý không thể sử dụng được—cứ như là dùng dao để cắt nước, dùng búa để đẻo không khí.
Thế giới “ngoài mắt thấy tai nghe”—tạm gọi là thế giới vô hình–cần những khí cụ khác để hiểu biết—tâm thanh tịnh của con người, tâm nhậy cảm với mọi rung động của thế giới chung quanh, hay ngoại cảm, thần giao cách cảm, hay gì gì đó, nhưng chắc chắn không phải là lý trí và luận lý.
Ngày nay nhiều người trí thức đã không còn ngớ ngẩn như thời thế kỷ 19-20, nhưng rất nhiều trí thức khác vẫn còn tụt hậu và vẫn xem lý trí và lý luận là thượng đế tối cao và không còn gì khác ngoài lý trí và lý luận. Vì thế họ rất ngớ ngẩn về tri thức về đời sống con người và vũ trụ.
2. Không hiểu rằng sống là trực nghiệm chứ không phải lý luận
Sống là trực nghiệm. Yêu chẳng hạn, yêu là đắm mình trong một tình yêu với một người khác, kinh nghiệm từng nụ cười từng giọt nước mắt, lên xuống với sướng vui và sầu khổ, lao đao với yêu ái và hờn giận, biết được thiên đàng và hỏa ngục, biết được thiên thần và ma quỷ. Chẳng có một dòng lý luận nào của lý trí có thể giúp bạn hiểu được tình yêu, ngoài việc bạn phải trực nghiệm tình yêu thật trong tình trường.
Tất cả mọi vấn đề chiều sâu của con tim đều như thế. Chỉ một cách duy nhất để hiểu là trực nghiệm, sống nó.
Nhưng nhiều người trí thức, vì thói quen đọc sách và tranh luận về sách, tưởng rằng có thể hiểu mọi vấn đề bằng cách đọc nó và lý luận về nó. Đây cũng là một lỗi lầm về không hiểu được giới hạn của luận lý, và không hiểu được điều kiện để có tri thức—là phải sống nó. Vì vậy các quý vị đọc và tranh luận lung tung, dù là chẳng hề có một tí kinh nghiệm gì, không chịu bỏ một giây nào để thực tập, để sống thực, nhưng vẫn tưởng là mình có kiến thức về vấn đề.
Đó là hai lý do căn bản làm chúng ta thường gặp nhiều trí thức ngớ ngẩn đi rề rề ngoài đường.
Tóm lại, để có được tri thức về chiều sâu của quả tim con người, về liên hệ giữa những quả tim con người, về liên hệ giữa quả tim con người và nguyên ủy của vũ trụ… chúng ta chỉ có một cách để biết—Đó là sống với những quy luật làm việc sâu thẳm của con tim. Rồi có kinh nghiệm. Rồi tư duy về kinh nghiệm đó để hiểu được sâu xa hơn.
Các bạn,
Làm gì thì làm. Nhưng đừng thêm một cái thùng rỗng với mảnh bằng vĩ đại dán bên ngoài đi rề rề ngoài đường.
Chúc các bạn một ngày vui.
Mến,
Hoành
© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Anh Hoành phân tích hay quá.
Lâu nay em cứ dịch “wisdom” là trí khôn, sự thông thái.
Vấn đề của việc đọc nhiều sách vở là mình dễ bị kẹt vào những khái niệm cứ bay nhảy trong đầu, nếu không biết liên hệ với đời sống thì dễ bị “ngộ chữ” lắm 😀
Em rất thích câu của Goethe “Mọi lý thuyết chỉ toàn là màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi” :). Biết thế đấy nhưng sách vở nhà trường vẫn cứ ép mình học những thứ khô khan và chẳng có chút liên hệ với đời sống thật cả.
Với những người đi vào con đường nghiên cứu chuyên sâu thì điều này lại càng khó vì họ buộc phải đọc quá nhiều sách và áp dụng một mớ các loại lý thuyết để lại sản sinh ra một cái lý thuyết nào đó nữa :D.
Theo anh thì làm thế nào để mình nghiên cứu sâu 1 lĩnh vực mà vẫn không bị thiếu “wisdom” ? Anh nói là liên hệ với con tim và những quy luật của nó, cụ thể là như thế nào ạ?
ThíchThích
Hôm nay đi lòng vòng lo vài thứ cùng bà xã. Trên xe hai người nói chuyện, và bà xã khởi đầu về trí thức khác với tri thức và trí thức không có tri thức. Mình nói về hai điểm chính. Xong chuyện một hồi, mình mới nghĩ là ra nên chia sẻ với các bạn. Viết nốt này để cám ơn bà xã Túy-Phượng.
ThíchThích
Ừa, mình cũng quen dùng “wisdom” là thông thái. Có lẽ anh Hoành kéo chữ wisdom về với tri thức để thấy rằng đó là những điều … khả tri với tất cả mọi người mà không cứ gì các bậc được tôn (hay tự tôn) là “nhà thông thái” mới đạt được.
ThíchThích
Hi Khánh Hòa,
Đào sâu vào nghề chuyên môn không thể là lý do để mình không học rành nghệ thuật sống.
Ví dụ: Phải biết yêu để có thể thành người yêu, nếu không lý tưởng thì ít ra cũng trên trung bình.
Phải biết sống thế nào mà mình ít bị stress mỗi ngày.
Khi bị vấn đề khó khăn trong đời sống cá nhân, gia đình hay sở làm, thì biết cách đối phó tối ưu.
Nói chuyện với một nhóm người, dù đó là nhóm khách hàng hay một nhóm dân tại vùng mình đi công tác, làm sao để hiểu họ và biết cách nói để thuyết phục được họ về 1 vấn đề gì đó.
Một lúc nào đó mình sẽ hỏi mình sống để làm gì đây—ngủ dậy đi làm, về, ăn, ngủ, mai đi làm tiếp lập lại chu kỳ, để làm gì? Ý nghĩa của cuộc đời mình là gì?
Tất cả mọi ngành nghề liên hệ đến hoạt động con người đều đòi hỏi một kiến thức sâu đậm về quả tim con người. Ví dụ: Kinh tế học. Làm toán kinh tế thì dễ rồi, học trò làm cũng được. Nhưng làm chính sách kinh tế thì ngoài sách vở. Mỗi nhóm dân ở một vùng, có nhu cầu khác nhau, sức sản xuất khác nhau, lại có cách sống và cách tư duy khác với các vùng khác. Nếu làm chính sách kinh tế mà cứ thuần túy lấy mấy con số ra làm toán thì thuê một cậu học trò, hay dùng một chương trình computer còn nhanh hơn. Nhưng một kế hoạch kinh tế phải là cái gì đó rất gần gũi với những người dân sẽ thực thi và chịu ảnh hưởng của chính sách đó thì mới mong thành công.
Cho nên nhậy cảm với cảm xúc và tư duy sâu sắc của người khác luôn luôn là yếu tố quan trọng nhất trong mọi liên hệ tư hoặc liên hệ chính sách công.
Muốn hiểu được chiều sâu của con tim con người, ta phải nghiên cứu, học hỏi, và trực nghiệm các vấn đề liên hệ đến con tim của con người, như:
1. Hiểu biết căn bản về tâm lý học và phân tâm học.
2. Sâu hơn tâm lý học là các truyền thống tâm linh dạy người ta luyện tâm (Anh muốn dùng từ “truyền thống tâm linh” hơn là từ “tôn giáo”, vì tôn giáo có tâm linh trong đó, cộng với đủ mọi thứ về tổ chức không liên hệ đến tâm linh).
3. Một ít về xã hội học: Để hiểu con người có khuynh hướng tụ lại thành tập thể như thế nào.
4. Một ít về văn hóa: Văn hóa của một nhóm dân chi phối cách tư duy của nhóm dân đó. Văn hóa của Việt Nam gồm lịch sử, triết lý (như trong Lĩnh Nam Chích quái), tôn giáo, âm nhạc, thi ca…
Đọc và thực hành càng nhiều càng tốt những điều mình đọc, ngay cả khi chỉ thực hành một vài lần chỉ để trực nghiệm và hiểu thêm, ví dụ: Người công giáo vào chùa lễ Phật và học kinh Phật, để hiểu tâm thức của người Phật giáo.
Tất cả các điều này, nhất là các truyền thống tâm linh và văn hóa, chúng ta đang nói đến hàng ngày trên ĐCN.
Các điều này làm cho ta hiểu được chính ta hơn, nhậy cảm và quản lý được tâm ta, nhậy cảm đối với tâm của người khác, và cho phép ta nhìn chính ta và mọi người với cái nhìn sâu đậm xuyên suốt hơn. Và hiểu các hiên tượng xã hội nhanh hơn.
Ví dụ: Người nhậy cảm với đường phố sẽ biết kinh tế đang lên hay xuống từ 6 tháng đến 1 năm trước khi các kinh tế gia biết. Đi qua một đoạn đường, nếu thấy bị mời mọc bởi xich lô, xe ôm hay các hàng quán với một mức khẩn khoản quá mức bình thường, tức là công việc làm ăn đang khó khăn hơn trên đường phố. Tức là kinh tế đang đi xuống. Nhưng các con sô thống kê vẫn còn rất “hồng” cho kinh tế gia. Phải 6 tháng sau thì các cực khổ trên đường phố mới thành số thông kê và lúc đó kinh tế gia mới biết.
Ngay cả kỹ sư. Nhậy cảm với con người thì sẽ chế tạo máy móc user-friendly và hợp thị hiếu người tiêu dùng hơn.
Nói chung là nhậy cảm với con người là nền tảng của mọi lãnh vực có gì đó liên hệ đến con người. Bắt buộc là như thế. 🙂
ThíchThích
Hi anh Hoành, em thấy từ ”trí thức và ‘tri thức’ cũng giống chữ ‘tài’ và chữ ‘tâm’ vậy.
Em thấy gần đây các báo, blog VN có định nghĩa, bàn nhiều về ‘trí thức’, ‘trí ngủ’…
Thường thì khi 1 sự việc, hiện tượng được coi là ‘lạ’, ‘có ý nghĩa’ hoặc ‘có vấn đề’ mới được bàn tán nhiều đến vậy.
Liệu giới ‘trí thức’ VN có có vấn đề? 🙂
ThíchThích
Cám ơn Danh đã có một câu hỏi rất hay.
Anh cũng nhận thấy là báo chí lúc này bàn về “trí thức” nhiều. Xuyên qua các bài báo, ta thấy có một quan tâm rộng rãi về phẩm chất của trí thức chúng ta. Anh không đọc nhiều các bài này nên không nắm được hết các chi tiết, nhưng qua vài bài cũng có được một số khái niệm về quan tâm của mọi người.
Thực ra vấn đề về người trí thức ngày nay là vấn đề rộng lớn trên thế giới, không nhất thiết là ở nước nào. Một trong những lý do chính, như anh đã trình bày trong bài này, là trí thức ngày nay được đào tạo về mắt thấy tai nghe. Những kỹ năng không liên hệ đến mắt thấy tai nghe thì chẳng có trường nào trên thế giới huấn luyện cả, cùng lắm chỉ là vài cua hời hợt. Cho nên trí giới, và do đó là giới lãnh đạo, không làm tốt được vai trò của mình, từ bình diện quốc gia đến bình diện quốc tế. Ví dụ: Cuộc chiến Iraq là một lỗi lầm lớn của giới lãnh đạo và trí thức Mỹ (chẳng phải là lỗi của chỉ tổng thống). Vấn đề khủng hoảng tài chánh thế giới mấy năm qua, cũng chỉ thấy có các biện pháp chắp vá và cục bộ, hơn là một luồng tư tưởng toàn diện để giải quyết vấn đề cho thế giới và đặt hướng đi cho tương lai của thế giới. Ngay bây giờ, việc giếng dầu của BP bị xì thì toàn giới lãnh đạo dầu hỏa thế giới xem ra không có giải pháp hiệu nghiệm (Chứng tỏ là họ đã chẳng nghĩ đến vấn đề trước đây, dù là kỹ nghệ dầu hỏa đã phát triển rất nhiều năm. Nghĩa là họ bận rộn kiếm tiền và không suy nghĩ trước đến những đại họa ảnh hưởng lơn đến môi trường thế giới và an sinh của hàng nghìn hàng triệu người khác).
Về tư tưởng thỉ trên thế giới hiện nay có luồng tư tưởng lớn nào đáng chú ý? Nothing. (Sự thật là gần hai thập niên qua, trên thế giới chỉ có một luồng tư tưởng phát triển ảnh hưởng với vận tốc nhanh nhất là tư tưởng Phật giáo. Nhưng dù Phật học đã ảnh hưởng khá nhiều đến thế giới phương Tây, luồng tư tưởng này vẫn chưa là luồng tư tưởng chính trong các quốc gia Tây phương (là các quốc gia tạo thành quyền lực thế giới)).
Đó là chung chung về thế giới. Ở nước ta, vấn đề trí thức là vấn đề lớn trong hơn một trăm năm nay. Đọc “Xuân tóc đỏ” của Vũ Trọng Phụng em sẽ thấy. Trí thức của ta có nhiều gánh nặng hơn trí thức của các quốc gia tiền tiến, vì ta phải:
1. Đuổi kịp các quốc gia tiền tiến về kiến thức kỹ thuật và quản lý (kinh tế, xã hội, chính trị, luật pháp, công quyền v.v…)
2. Am tường các nền văn hóa khác nhau của những quốc gia khác nhau trên thế giới, để liên hệ với họ.
3. Nắm vững. làm mạnh, và phát triển văn hóa Việt Nam.
Chỉ một điểm thứ 3 này thôi đã là một vấn đề lớn và nặng nề với trí thức nước ta.
a. Trí thức ta quá bận rộn với cái học ở ngoài nên không có thời học học cái ở nhà. Ta rành về nhạc ngoại quốc, tư tưởng ngoại quốc, triết lý ngoại quốc, văn hóa đương thời ngoại quốc hơn là âm nhạc, triết lý, văn hóa của ta… Và văn hóa phổ thông (popular culture) của ta trên báo chí chỉ là một phiên bản rẻ tiền của văn hóa phổ thông của các nước giàu hơn (Mỹ, Âu Châu, Hàn Quốc).
b. Văn hóa truyền thống của ta là một hỗn hợp đã bị bầm dập rất nhiều. Không nói đến vấn đề Hán học đã làm văn hóa bản xứ của người Việt gần như là bị tiêu tán trong cả nghìn năm. Gần đây, khi người Pháp vào, văn hóa Tây phương và văn hóa Thiên chúa giáo (công giáo) là văn hóa có thế lực, và văn hóa Phật giáo mấy nghìn năm của ta (cùng với các văn hóa truyền thống khác như truyền thống thờ cúng ông bà, Khổng giáo, Lão giáo…) bị đẩy lùi về sau như là bán khai, không phải là quan tâm của giới trí thức. Rồi đã có một thời tư tưởng xã hội duy lý thuần túy thống trị và đẩy tất cả các luồng tư tưởng duy tâm vào thế tụt hậu và thứ yếu. Và ngày nay chúng ta vẫn còn loay hoay với tư tưởng nền tảng cho phát triển trường kỳ.
Cho nên để phục hồi lại các mảnh văn hóa cũ của ta, cho chúng sức mạnh hồi sinh và trở thành một nền tư tưởng dân tộc vũng mạnh, đồng thời khai phá luồng tư tưởng hướng về tương lai, là việc rất lớn và khó khăn.
Tuy nhiên, căn bản đề giải quyết các vấn nạn trên vẫn nằm trong một điểm duy nhất là: Người trí thức chúng ta phải thấy được những vấn đề của ta, quan tâm vào việc giải guyết, và cùng thường xuyên chia sẻ tư tưởng về những quan tâm đó. Nếu có nhiều người quan tâm nghiêm chỉnh và đầu tư tim óc vào, thì từ từ mọi sự sẽ được hình thành từng bước một.
Em khỏe nhé 🙂
ThíchThích
Hi Quỳnh Linh và Khánh Hòa,
Từ wisdom dịch là sự thông thái thì đúng rồi. Quỳnh Linh đoán rất đúng ý anh là anh dùng từ “tri thức” để chỉ điều “khả tri với tất cả mọi người mà không cứ gì các bậc được tôn (hay tự tôn) là “nhà thông thái” mới đạt được.” Cám ơn QL.
Nhưng từ này không phải do anh sáng tạo, mà anh mượn từ tư tưởng Phật giáo. “Tri thức, tri kiến” là các từ rất thông dụng trong Phật học để chỉ cái biết sâu sắc toàn diện, không chỉ là kiến thức manh múm rời rạc.
ThíchThích