Hồi Ký của Y Ngông Niê Kdăm

Thấy quyển hồi ký của ba chị Linh Nga, bác Y Ngông Niê Kdăm, rất hữu ích cho chúng ta để hiểu biết thêm về đồng bào Tây Nguyên trong chiến tranh và cách mạng, đồng thời biết thêm về một chiến sĩ cách mạng và biết thêm về bạn quý Linh Nga của chúng ta, mình xin phép chị Linh Nga post lên Đọt Chuối Non. Ảnh trong hồi ký là ảnh minh họa của mình. Hy vọng mai mốt chị Linh Nga có thể cho chúng ta các bức ảnh liên hệ đến bác để chúng ta thay thế ảnh minh họa.

Cám ơn chị Linh Nga rất nhiều !

Hoành

.

    Ba tôi có hai lần viết hồi ký . Cuốn ” Khát vọng Tây Nguyên” do nữ nhà báo Diệu Ân ghi, Nhà xuất bản VHDT phát hành năm 1994, không được ông ưng ý lắm. nên Mẹ tôi, bà Bùi Thị Tân đã một lần nữa ghi lại. Đó chính là bản này , chân thật hơn.

      (Linh Nga Niê Kdăm)

.

Nguyên bản của Y NGÔNG NIÊ KDĂM

    “ Bạn ơi lắng nghe, nghe tiếng núi rừng
    Dòng suối xanh trong đất nước anh hùng
    Bền vững như non cao như dòng sông Ba”

Đó là câu mở đầu của một bài hát về Tây nguyên do nhạc sĩ Trần Quý sáng tác, nó có vẻ hư cấu, nhưng là một bài hát nổi tiếng ca ngợi quê hương Tây Nguyên tươi đẹp. Với những người Tây Nguyên như chúng tôi, khi nghe lời ca đó đều có một tình cảm rạo rực, xúc động trong lòng.Tôi rất thích và thường hay cất lên lời ca này, mỗi khi nhớ về Tây Nguyên.
BMT6
Tây nguyên bao la hồi xưa với rừng già còn lút mắt, thú rừng chim đẹp, nhiều vô kể. Ngay ven những con đường là rừng cây to hằng mấy người ôm. Rừng cây đã nuôi sống, che chở và bảo vệ cho các tộc người sống rải rác trên cao nguyên đất đỏ bazan mênh mông.

Thực dân Pháp sau khi bình định các tỉnh miền xuôi đã len lỏi tới rừng núi cao nguyên này. Chúng đã bị một số tù trưởng người dân tộc, như Săm Brăm, N’Trang Lơng, N’Trang Gưh, Ama Djao….liên kết chống trả ác liệt.Dù với đủ chính sách, cả cứng rắn, mềm dẻo đều có, nhưng hầu như chúng không thể nào khuất phục nổi lòng người Tây nguyên.

Mặc dầu họ rất nghèo vì còn hoàn toàn phụ thuộc vào đời sống tự nhiên, kỹ thuật canh tác quá thô sơ, hàng năm phải vài tháng đào củ rừng bổ xung cho bữa ăn, nhưng người Tây Nguyên vẫn sống rất thoải mái giữa núi rừng bao la hùng vĩ, đất rộng người thưa.

Mẹ đã sinh ra tôi trong bối cảnh đó, vào lúc gà gáy sáng ban mai ngày 13 – 08 – 1922 tại buôn Ea Sup, xã Kma Rang Prong – nay thuộc thị trấn Ea Pok, huyện Cư Mgar, tỉnh Đăk lăk. Thật ra người Êđê chỉ biết tính tuổi theo mùa rẫy, nhưng sau này đi học theo trường Pháp, họ gọi bố mẹ hỏi cặn kẽ, rồi tính ngược lại để lập giấy khai sinh cho chúng tôi.

Người Êđê chúng tôi ở Đăk lăk có 2 dòng họ lớn Niê và Mlô.Từ 2 dòng tộc chính này toả ra 24 nhánh họ. Niê kdăm đứng đầu dòng họ Niê, Mlô Duôn Du đứng đầu dòng họ Mlô. Mẹ tôi thuộc dòng họ Niê kdăm, một dòng họ từ xa xưa có nhiều tù trưởng giàu có, hùng mạnh( vì theo truyền thuyết thì khi lên khỏi mặt đất, các dòng tộc khác đã chia chác, lựa chọn hết những vật có sẵn, người trưởng họ Niê kdam giận dỗi đạp mạnh chân lên mặt đất, nói “ tất cả đất này là của Niê kdam”). Nhưng tới thời thuộc Pháp người Êđê nghèo dần. Sau Cách mạng Tháng 8, chế độ tù trưởng cũng đã không còn nữa. Tôi mang họ Niê kdăm của mẹ theo đúng luật tục mẫu hệ Êđê.

Mẹ đã sinh tôi trong cảnh đói nghèo, chỉ có 2 anh em trai: tôi và Y Wung . Bố đẻ tôi đã ốm chết ở buôn Dhăh sau chuyến đi phu ở đồn điền cafe Cư H”lâm của chủ Tây. Lúc đó tôi chưa biết gì. Sau này mẹ tôi đi bước nữa, sinh thêm được 4 em nhưng chết 2, chỉ còn 2 cô em gái là H’Reo và H’Droh ( hiện đang ở buôn Ea Sut, thị trấn Ea Pok, huyện Cư M”gar, tỉnh ĐL).Bố dượng tôi rất tốt, ông đã nuôi và dạy dỗ chúng tôi như người cha đẻ. Những năm hai anh em tôi đi học ở trường tiểu học Pháp- Đê , ngày nghỉ, dượng thường lên đón chúng tôi về buôn Sut.Y Wung nhỏ tuổi hơn, luôn được dượng cõng trên lưng.Còn tôi ỷ mình lớn, tự hào được chạy theo chân cha suốt dọc đường gần 20km từ trường về buôn. Có cả cha và em luôn bên cạnh, tôi đâu có sợ.

Gia đình tôi thường xuyên đói, năm nào cũng ăn củ rừng thay cơm. Có một lần khi mới 5 tuổi, mẹ đã cho tôi đi theo cùng với em trai địu sau lưng, vào rừng đào củ mài. Rễ củ ăn quá sâu, mẹ cứ đào mãi, đào mãi, mồ hôi vã ra như tắm. Vừa mệt vừa đói, mẹ tôi ngã chúi xuống hố.Hai anh em tôi cùng kêu khóc gọi mãi nhưng chẳng thấy mẹ nói gì. Tôi vô cùng sợ hãi, sức nhỏ yếu không kéo được mẹ lên, chỉ biết ôm chân mẹ mà khóc. Mãi sau có dân làng cũng đi rừng về nghe tiếng khóc mới chạy đến dìu mẹ lên và dắt chúng tôi về.

Những năm tháng đó thật khủng khiếp (1927), bọn Pháp vây ráp, dân đói khát, bệnh tật, không gạo, không muối, không có quần áo. Vì tù trưởng Ama Djao bất hợp tác với Pháp, nên bọn chúng chặn luôn cả đường buôn bán từ miền xuôi lên, nên càng thiếu muối ăn. Nhiều người già, trẻ em chết gục ngoài rừng. Tình hình Tây nguyên hết sức rối ren, cảnh đói cơm lạt muối, chết chóc thảm thương càng khắc sâu mối thù của người Tây nguyên với giặc Pháp.

Không chịu ngồi im để nhìn đồng bào chết dần chết mòn, một số tù trưởng đã tổ chức nhân dân nổi dậy chống lại chế độ hà khắc của giặc Pháp. Bọn Pháp truy quét gắt gao các tù trưởng để ngăn chặn làn sóng đấu tranh của nhân dân. Có thể nói năm 1929 là năm đói nhất. Thực dân Pháp càng tổ chức bắt bớ, nhân dân càng thấy rõ bộ mặt dã man của chúng, lại càng căm thù và cương quyết không chịu theo. Pháp đến, dân bỏ đi, chỉ cần trên vai có cái gùi, con dao và ít muối. Đối lại, thực dân Pháp dùng chính sách vừa đàn áp, vừa dụ dỗ. Để phô trương chính sách khai hoá văn minh của nhà nước bảo hộ, chúng mở ra tại Buôn Ma Thuột một trường nội trú dân tộc với tên là : “Groupe Scolaire Franco – Rhadé” – Trường tiểu học Pháp – Đê, do Legale làm hiệu trưởng. Học sinh do lính đi càn ở các buôn làng bắt về.

Khi đó tôi mới 7 tuổi, hôm ấy đang say sưa nô đùa với các bạn trong làng vào ngày lễ cúng Yang bến nước. Bên bờ suối mọi người đang đánh chiêng, uống rượu cần thì một trung đội lính khố xanh người dân tộc thiểu số do một tên Pháp dẫn đầu kéo tới. Chúng bảo chủ làng : Theo lệnh quan công sứ phải bắt trẻ con từ 6 – 7 tuổi về Buôn Ma Thuột đi học.

Nghe thấy vậy chúng tôi chạy toán loạn vào rừng, trèo lên các cây to, cây nhỏ trốn. Tôi và một số bạn trèo lên một cây cam to. Bọn lính ngồi uống rượu, bắt chủ làng khai tên bọn trẻ con 7 tuổi trong buôn và doạ :

– Ai không gọi con về thì cha mẹ sẽ bị bắt, khi nào nộp con mới được về.

Qua một đêm một ngày. Bọn lính lùng sục không tìm được ai, nhưng chúng tôi đói quá phải rủ nhau về nên bị bắt một loạt. Bố mẹ chúng tôi phải mang quần áo đưa con về Buôn Ma Thuột.Tôi và em trai Y Wung cũng ở trong số này.Suốt một năm đầu bố dượng tôi phải theo lên khu nội trú dắt chúng tôi đi học, vì chúng tôi bé quá, đi ăn cơm cũng chưa biết chỗ.Những năm sau tôi học được loại khá, nhưng do nhớ nhà nên hay trốn về. Chính quyền tỉnh bắt gíam dượng tôi 3 tháng, sau đó anh em tôi thương dượng quá mà không dám trốn về nữa. Học được mấy năm, lên lớp 4, 5 tôi luôn là học sinh giỏi.Vào các ngày chủ nhật được ra phố chơi, chúng tôi thường gặp các đoàn tù ở nhà đày Buôn Ma Thuột đi lao động quét đường, cắt cỏ. Họ mặc áo xanh có số đeo sau lưng, có lính khố xanh canh gác. Bọn chúng tôi thắc mắc lắm, về trường hỏi thầy giáo :

– Thầy ơi ! Các ông kia quét đường lại có lính gác, họ có tội gì đấy ?

Thầy giáo nói nhỏ :

– Đó là Cộng sản bị Pháp bắt tù đấy

– Vì sao họ bị tù ?

– Đó là những người yêu dân, yêu nước, chống lại bọn Pháp. Vì chúng nó bắt dân ta làm nô lệ, bắt đi xâu, làm cu li đồn điền trồng cao su, cafe cho chúng.

Tôi nghĩ trong đầu : “Bố mình cũng phải đi phu đồn điền, không mang gì về cho gia đình mà mẹ còn phải tiếp tế cho bố. Nó chơi ác cả với bố mình và gia đình mình rồi”

Dần dần thầy giáo bí mật giảng giải cho chúng tôi biết như thế nào là yêu nước. Tôi còn nhớ đó là các thầy Đào Tử Chí, thầy Phú…Năm tôi 15 tuổi, cả trường có chừng 600 học sinh, chúng cho học thì ít, bắt lao động thì nhiều. Sáng học, chiều nuôi bò, nuôi heo, chủ nhật đi vào rừng lấy củi. Thấy cuộc sống gò bó, căng thẳng, có một số học sinh rủ nhau trốn học nhưng bị bắt lại. Tôi rủ một số bạn học sinh lớn tuổi lên gặp thầy hiệu trưởng Legale xin ông cho giảm giờ lao động, tăng giờ học. Hiệu trưởng đồng ý, nhưng từ đó tôi bị nhà trường theo dõi.
BMT7
Khi học hết cấp I, tôi tốt nghiệp loại giỏi và được chọn đi học nội trú cấp II ở trường trung học Quy Nhơn cùng một số anh em khác như Y Nuê (sau này là giáo sư bác sỹ Ái Phương ), Y Tlam (sau này cũng là giáo sư y khoa ), Nay Phin ( sau là đại biểu quốc hội tỉnh Gia Lai ).Từ năm 1937 – 1940 tôi học ở đây cùng các bạn Tây nguyên và người Kinh. Vì còn ít tuổi lại cùng ở xa nhà nên chúng tôi rất dễ quen nhau, thương nhau không kể người Kinh, người dân tộc. Bạn thân của tôi lúc đó là anh Võ Đông Giang, người Kinh, ngồi cùng bàn ( sau này anh giữ chức bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong chính phủ ). Bọn Pháp không cho chúng tôi nói tiếng Kinh, không được mặc trang phục và học cách giao tiếp của người Kinh, không được yêu người Kinh. Không được học lịch sử dân tộc Việt Nam, chỉ được học lịch sử nước mẹ mẫu quốc. Tôi rất thắc mắc, tôi thấy người Kinh có nhiều cái hay cần phải học hỏi. Sao lại phải cấm ? Bọn học sinh chúng tôi vẫn bí mật học nói, học viết tiếng Kinh.

Lúc đó trong trường có một số thầy giáo và học sinh có tinh thần yêu nước. Các thầy thường giảng giải cho chúng tôi về lòng yêu nước, yêu đồng bào, yêu quê hương, căm thù bọn Phâp cướp nước. Nhờ đó tôi đã dần dần hiểu và biết mình chỉ là người dân nô lệ bị khinh miệt mà thôi. Tôi thấy thương đồng bào mình hơn. Nhưng cũng vì sự hiểu biết này mà tôi đã bị liệt vào loại học sinh bị theo dõi. Do đó tôi không được thi tốt nghiệp.Công sứ Pháp đã nói với tôi, giọng đe doạ :

– Mày học đòi người Kinh và tham gia chính trị, không được học nữa.


Tôi đành về Buôn Ma Thuột. Thất nghiệp ở nhà, trong lòng chán nản vô cùng vì không thể có tiền mà theo học tiếp. Suy nghĩ mãi, cuối cùng tôi xin đi dạy học để truyền bá kiến thức cho lớp trẻ, hướng dẫn cho họ cách giao tiếp, ăn mặc. Thực dân Pháp sợ tôi tuyên truyền yêu nước nên không cho đi dậy. Tôi lại xin làm y tá không ăn lương cho bệnh viện tỉnh Đăk Lăk. Thấy bệnh nhân nghèo đói, đau đớn vì bệnh tật, tôi thấy lòng rất xót xa.

Năn 1941 Pháp mở trường Y sĩ Đông Dương tại Sài Gòn cho cả người Kinh và người dân tộc học. Tôi làm đơn xin đi nhưng vì bị Ty mật thám liệt vào đối tượng bị theo dõi, có tư tưởng chống đối nên không cho đi. Tôi lại làm đơn gửi qua đường công sứ tỉnh, kiện lên tận Bộ trưởng Bộ Y tế Đông Dương tại Hà Nội. Cuối cùng tôi đã được gọi đi học theo tiêu chuẩn đặc cách.

Trong nhà trường có các phong trào như : Thanh niên tiên phong, theo tổ chức hướng đạo sinh (truyền bá quốc ngữ, gửi gạo chống đói cho miền Bắc…) Tôi là một trong những người tham gia rất tích cực, say sưa nên mỗi khi chuẩn bị về nghỉ hè tôi đều bị nhà trường gọi lên răn đe.Đến tháng 3/ 1945 đảo chính Nhật, Pháp cũng là năm tôi thi tốt nghiệp y sỹ. Thi xong tôi tìm cách trở về Đăk lăk. Khi có xe của Tôn Thất Hối đi Buôn Ma Thuột, tôi và Y Púk theo xe trở về.

Quê tôi lúc đó phong trào Việt minh đang phát triển khá sâu rộng. Các đồng chí ở nhà đày Buôn Ma Thuột về trực tiếp chỉ đạo phong trào. Đồng bào Kinh và đồng bào dân tộc ở thị xã (Lạc giao) đã bắt đầu có những nhân mối được giác ngộ.Một số lính khố xanh trong hàng ngũ lính của Pháp cũng được tuyên truyền và đã thực sự giác ngộ cách mạng như cụ Y Bíh Alêo, anh Y Blolk Êban…Trong lúc giao thời này các luồng tư tưởng diễn biến khá phức tạp theo những chiều hướng rất khác nhau. Nhân dân lao động mong mỏi từng giờ Việt minh tới. Một số phần tử thân Pháp mong Pháp trở lại cai trị, còn một số ít thì muốn Nhật cai trị. Tôi đã đi sâu vào trong dân để nghe ngóng, phân tích tình hình này, sau đó về báo cáo lại với ban lãnh đạo khởi nghĩa. Ban lãnh đạo đã phân công cụ thể :

– Y Blok Eban (sau này là thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam ) nắm toàn bộ lực lượng khố xanh.

– Y Nuê (sau lấy tên là Nguyễn Ái Phương, giáo sư, nguyên Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên) nắm công chức và trí thức.

– Y Ngông nắm đồng bào các dân tộc.

Ban chỉ đạo khởi nghĩa hoạt động dựa vào các già làng và trí thức nên đi đâu nói dân cũng nghe, một lòng theo Việt minh.

Đang lúc đó, Đào Xuân Quý là một người bạn kết nghĩa của tôi từ lâu (qua liên hệ tìm bạn trên báo chí) từ Ninh Hoà (thuộc Khánh Hoà) lên Buôn Ma Thuột tìm gia đình, có đem theo quyển Điều lệ Việt minh. Anh rủ tôi cùng nghiên cứu. Suốt 3 ngày, dưới gốc cây đa cạnh bể bơi Buôn Ma Thuột, chúng tôi vừa đọc, vừa luận bàn với nhau. Tôi thấy điều lệ có câu : “các dân tộc đều bình đẳng,đoàn kết đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược” lại càng ưng ý. Mọi vấn đề đều sáng rõ. Anh Quý còn giới thiệu với tôi người lãnh đạo của Việt minh chính là nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Tình cảm của tôi xúc động vô cùng, thấy cần tranh thủ thời cơ để giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Tôi sẵn sàng lao vào công việc cách mạng với lòng tin tưởng chắc chắn vào sự nghiệp của Việt minh sẽ tất thắng.

Anh Nguyễn Trọng Ba là người đại diện cho Việt minh gặp gỡ, giao nhiệm vụ cho số thanh niên trí thức dân tộc. Mỗi người một việc.Lúc đó nhiệm vụ tuyên truyền vận động và tổ chức đồng bào dân tộc ven thị xã là cấp thiết và có tính quyết định. Được phân công, tôi đã làm việc không kể ngày đêm tuyên truyền, tổ chức đồng bào. Cùng với anh Y Pló, tôi đã dịch bản Điều lệ Việt minh ra tiếng Pháp và tiếng Êđê. Ngoài ra còn trích đoạn đưa vào truyền đơn, biểu ngữ in dán khắp nơi. Hầu hết các biểu ngữ viết bằng tiếng Êđê, viết bằng tay lên cót, lên liếp.Phụ nữ tham gia rất đông và tích cực.Ở quê tôi, phụ nữ có vai trò rất lớn, mẹ nói con nghe, vợ nói chồng nghe.Phụ nữ đi tuyên truyền rất lợi thế, dân nghe ngay và tin ngay.Họ còn tự đi viết khẩu hiệu, đi vận động bà con và đi căng biểu ngữ.

Chỉ 15 ngày đêm, chúng tôi đã tổ chức được nhiều buôn làng quanh thị xã theo Việt minh như : buôn Păn Lăm, buôn Koh Sier, buôn Dung, buôn Dhah, Alê A, Alê B…Hàng ngày tôi đều báo cáo tình hình chuẩn bị khởi nghĩa cho đồng chí Lê Trọng Ba. Cũng những ngày đó, một hôm tôi được triệu tập đến nhà anh Phạm Sĩ Vinh ở Lạc Giao, cùng anh Nguyễn Khắc Tính làm lễ tuyên thề dưới 2 lá cờ :cờ đỏ sao vàng và cờ buá liềm, do anh Phan Kiệm chủ trì. Còn có các anh Bùi San (là phái viên của Trung ương), Nguyễn Trọng Ba, Sĩ Vinh cùng dự. Tôi cũng chưa phân biệt được Việt Minh và Cộng sản, đinh ninh là mình đã được vào Việt minh. Còn anh Nguyễn Khắc Tính (sau này là bí thư khu uỷ khu 6) đã biết ngày đó chính là ngày kết nạp Đảng. Với tôi, sau đó công việc dồn dập, chiến sự lan rộng, rồi phải đi gấp theo trung ương lên Việt Bắc nên cũng không ai kịp làm thủ tục giới thiệu cho tôi. Mãi tới năm 1949 mới có các đồng chí ở Đăk lăk trong đoàn khu 5 ra Việt Bắc xác nhận lý lịch cho tôi để xét kết nạp Đảng lại .

Đêm 23/8/1945 mọi công việc chuẩn bị khởi nghĩa đã hoàn tất. các anh chị đi xin thêm cán bộ ở Khánh Hoà về, đã tranh thủ vận động binh lính người Thượng và chiếm được các đồn binh ở M’Drăk, Buôn Hô… Sáng 24/8 khởi nghĩa cướp chính quyền ở Buôn Ma Thuột thành công.

Ngày 2/9/1945 giữa sân vận động Buôn Ma Thuột cờ đỏ sao vàng bay phấp phới.Hàng vạn người dân đến dự mít tinh, nghe đồng chí Bùi San đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tôi dịch luôn ra tiếng Êđê.Sau đó tôi còn đọc lời thề Toàn dân theo Việt Minh.

Tôi nhớ quang cảnh lúc đó thật xúc động, hàng vạn người đứng nghe im phăng phắc rất nghiêm trang, không có micrô nhưng dân nghe như nuốt lấy từng lời.Lúc đó tôi nói rất to, rất hăng, thấy mình thật mạnh mẽ. Ngọn lửa trong tim bốc lên bừng bừng , con người mình như muốn bay bổng, niềm vui thật khó tả.Tiếp đó là cuộc diễu hành quanh thị xã. Cả rừng người với giáo mác, cung tên, cờ đỏ sao vàng bay rợp trời, náo nức vì cuộc đổi đời

Sau khi giành được chính quyền, tôi được giao giữ chức phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạnh lâm thời tỉnh Đăk lăk.

Tây Nguyên bừng lên sau ngày giải phóng. Nhân dân tuyệt đối trung thành với cách mạng. Có cách mạng là có cơm ăn, áo mặc, có tự do, bình đẳng. Mọi người đều nghĩ rằng không có ngày Pháp quay lại cai trị nữa. Chính quyền được củng cố nhanh chóng. Khí thế trong dân rất sôi nổi, đi đâu cũng nói đến : – Việt minh hay quá.

Cuối năm 1945 thực dân Pháp quay lại xâm chiếm Nam bộ. Bọn Pháp hùng hổ tấn công lên Buôn Ma Thuột theo đường quốc lộ 14. Tiểu đoàn Nơ Trang Lơng mới thành lập được bố trí chặn quân Pháp tại vùng “3 ranh giới” ( Nam bộ, Campuchia và Tây nguyên) nhưng không có tin tức liên lạc. Ban chỉ huy cử tôi làm phó chính trị viên cùng với đồng chí chính trị viên trưởng đi tăng cường cho mặt trận “3 ranh giới” này. Chúng tôi đi bằng ôtô con có cắm cờ đỏ sao vàng.

Lúc đó chúng tôi không ai biết mặt trận “ 3 ranh giới” lúc này đã bị vỡ, quân Pháp đang tiến về Buôn Ma Thuột.Xe chúng tôi bị nổ lốp, chữa xong xe thì chúng tôi nghe thấy tiếng xe tăng ầm ĩ. Mọi người tản vội vào rừng. Tôi lao vào nấp ở một gốc cây to bên phải, chính trị viên trưởng chạy qua thung lũng bên trái, lái xe chạy thẳng.Bọn Pháp ném lựu đạn vào chỗ tôi, may lựu đạn nổ trên cao nên tôi không việc gì.Tôi lẩn nhanh vào rừng. Chính trị viên trưởng nhảy xuống vực nên thoát chết. Bọn chúng rượt theo, bắn chết lái xe, rồi dùng cái xe có gắn cờ đỏ sao vàng đó đi về Buôn Ma Thuột. Mọi người tưởng là xe chúng tôi quay về nên không nghi ngờ gi. Lính gác của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk lăk bị bắn chết, tiếp đó quân Pháp tấn công ào ạt vào thị xã gây tổn thất nặng cho ta. Nhưng chúng lại rút ngay sau hai ngày tái chiếm thị xã.

Tôi chạy đường rừng về Ban chỉ huy đơn vị, cũng hai ngày sau mới tới.Trên đường chạy về phải qua con sông Sê rê pốc, nước sâu và chảy xiết. Tôi phải leo lên thượng nguồn bơi xuôi theo dòng sông, nước chảy xiết quá, tôi bị cuốn trôi.May quá, khi trôi qua gần bờ bên kia tôi gặp một thân cây chắn ngang và leo lên được. Đi một quãng đường, gặp cái chòi trên rẫy có đôi vợ chồng trẻ,họ cho tôi cơm ăn, rồi đi tiếp. Về đến ven thị xã thì gặp được ban chỉ huy mặt trận và ban chỉ huy tiểu đoàn Bắc Sơn. Ban chỉ huy phân công tôi mang một tiểu đội đại liên, mìn và búa đục đi phá cầu Sê rê pốk ở quốc lộ 14 để ngăn quân Pháp tấn công tiếp. Suốt đêm, cả tiểu đội ra sức đục trụ cầu bê tông rất kiên cố đó. Khi đặt mìn thì mìn lại bị thối, chỉ nổ ầm lên, khói mù mịt, cầu thì vẫn trơ trơ. Trời đã sáng rõ, tôi đành chỉ huy anh em chuyển mấy cây gỗ chắn ngang qua mặt cầu. Đặt được 2 cây gỗ thì đã 9h sáng. Đoàn xe của Pháp đến, chúng phải nhảy xuống khiêng gỗ. Tổ đại liên của chúng tôi bắn liên tục, làm chết, bị thương mấy thằng và thủng lốp chiếc xe ôtô đi đầu. Chúng tôi rút chạy vào rừng, đồng chí phụ trách tiểu liên hy sinh. Tôi trở về ban chỉ huy mặt trận Buôn Ma Thuột lại được phân công tăng cường cho đơn vị bảo vệ cầu Ea Tam ở cây số 3, đường quốc lộ xuống Nha Trang.

Mặt trận bị vỡ, ban chỉ huy rút về đồn điền Ca Đa ( Phước An). Đơn vị tiếp tục bố trí dọc đường lộ chặn đường tấn công của giặc Pháp. Chiếm xong Buôn Ma Thuột, chúng tràn vào các buôn làng. Mẹ tôi và bố dượng tìm đến đơn vị báo tin và muốn gọi tôi về. Anh Bùi San động viên, bảo tôi đừng về, địch sẽ bắt.Tôi từ giã bố mẹ để ở lại. Ông bà quay về đến gần làng thì cũng trốn vào rừng. Đó là lần cuối cùng tôi gặp bố mẹ.Bởi sau đó tôi theo lệnh chính phủ, đi một mạch đến 30 năm sau, đất nước thống nhất, mới được trở lại quê hương. Mẹ và cha dượng tôi đã qua đời từ lâu.
bmt8
Lúc này có lệnh vận động tổ chức bầu cử Quốc hội. Tôi lại được phân công đi vận động nhân dân làm các hòm phiếu, và tổ chức lực lượng bảo vệ bầu cử. Công việc rất gấp rút, làm sao phải kịp thực hiện đúng ngày 6/1 cùng cả nước bầu cử. Lúc đó lực lượng dân quân tự vệ được tổ chức đã tham gia rất tích cực việc bảo vệ các hòm phiếu, điểm bỏ phiếu và người dân đi bỏ phiếu. Đoàn thể phụ nữ thì tuyên truyền vận động bà con đi bỏ phiếu. Họ mang hòm phiếu đến tận từng nhà trong buôn. Có chỗ địch phá căng thẳng thì mời dân vào rừng bỏ phiếu. Giặc Pháp ra sức phá hoại, có nơi hòm phiếu bị đập phá, cử tri và cả cán bộ bị bắn chết. Nhưng cuộc bầu cử vẫn thắng lợi. 5 người được giới thiệu, trúng cử 3, trong đó có 2 người dân tộc Êđê là tôi và anh Y Wang.Vì là lần đầu tiên người dân quê tôi được đi bầu cử, nên cũng có lắm chuyện vui.Bà con các buôn làng vùng xa đa số không biết chữ, chúng tôi phải hướng dẫn bầu bằng cách dùng những hạt đậu, hoặc hạt bắp. Ví dụ bầu cho ông A thì dùng hạt đậu xanh, cho ứng cử viên B thì dùng hạt đậu đỏ…Ở một vài vùng sâu, tôi đã được trúng cử bằng rất nhiều những hạt bắp.

Tôi không bao giờ quên được ngày 6-1-1946 ấy.Khi biết mình trúng cử, tôi mừng lắm, nhưng cũng rất lo lắng. Bao nhiêu công việc bề bộn của chính quyền mới, mình lại còn rất trẻ ( tôi mới 24 tuổi), chưa bao giờ làm công tác lãnh đạo. Kẻ thù thì luôn tìm cách phá hoại phá hoại chính quyền nhà nước còn non trẻ, nền kinh tế chúng ta nghèo nàn , người dân còn đói khổ…Bao mối lo. Nhưng được dân tín nhiệm cử làm người đại diện cho dân tộc mình,vì dân, tôi tự hứa sẽ tích cực học hỏi để làm cho tốt nhiệm vụ nặng nề này.

Những ngày sau đó, ban lãnh đạo tỉnh và bộ chỉ huy mặt trận rút về M’drak, rồi lại tiếp tục rút xuống Ninh Hoà, theo dọc Trường Sơn ra Quảng Ngãi để bảo toàn và củng cố lại lực lượng. Ngày mùng 2 tết năm đó chúng tôi mói tới nơi. Đồng bào Quảng Ngãi đón chờ và cho chúng tôi nhiều bánh trưng, bánh tét.Chúng tôi được lệnh tập kết tại một điểm,đón thanh niên huấn luyện bổ xung cho tiểu đoàn Nơ Trang Lơng.Để làm tốt việc đó, khu uỷ khu 5 cho thành lập Ban dân tộc miền Trung – Trung bộ, đóng cơ quan tại An Khê.Tôi và anh Nguyễn Hữu Thấu được giao phụ trách. Ban dân tộc làm nhiệm vụ vận động, tuyên truyền đồng bào các dân tộc hiểu ý nghĩa và tham gia kháng chiến, tuyển thanh niên bổ xung cho bộ đội.

Tháng 3/1946 tôi được mời ra họp Quốc hội lần đầu tiên.Chúng tôi về tập trung tại Huế cùng các đoàn miền Trung. Được đồng chí Nguyễn Chí Thanh dặn dò rồi đi xe lửa ra Hà Nội.Tại Hà Nội, chúng tôi được bố trí ở một số nhà dân ở phố Hàng Bạc. Trước khi họp, chúng tôi là những đại biểu các dân tộc ít người ở miền Nam được Bác Hồ mời gặp mặt. Đêm trước ngày hẹn được gặp Bác, mọi người đều náo nức chờ đợi, thao thức trò chuyện suốt đêm. 8h sáng chúng tôi đã có mặt ở Bắc bộ phủ. Đúng 9h sáng Bác Hồ đến. Bác thật giản dị đơn sơ trong bộ quần áo kaki, hơi gầy nhưng mắt sáng như sao, dáng dấp hiền từ. Khi Bác tới, chúng tôi đều đứng dậy chào, nhiều người ứa nước mắt vì xúc động. Bác ân cần hỏi thăm :

– Các chú có khoẻ không ?

– Dạ có ạ.

– Thực dân Pháp đã tấn công miền Nam, đương đánh lên Tây kỳ, xâm chiếm lại các buôn làng dân tộc, các chú có buồn không ? Có quyết tâm đánh lại chúng không ?

– Dạ có ạ.

Các đại biểu được nói chuyện với lãnh tụ rất cởi mở thân mật. Tôi nói tiếng Kinh chưa rõ, nên nói xen cả tiếng Pháp, tiếng Ếđê với Bác :

– Thưa Bác, làm thế nào đánh đuổi giặc Pháp?

Bác trả lời ngay:

– Các chú ra họp Quốc hội, nói với Quốc hội, tỏ rõ quyết tâm trường kỳ kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp. Đồng bào các dân tộc miền Nam đoàn kết lại chặt như bó đũa sẽ đủ sức mạnh. Tới lúc đó thực dân Pháp sẽ phải thua chúng ta. Các chú thấy thế có được không nào?

– Dạ đúng thế ạ. Nhưng thưa Bác chúng cháu không đủ súng đạn, mà thực dân Pháp có cả súng to, súng nhỏ, có cả xe tăng, máy bay.

Bác Hồ trả lời :

– Các chú có ná, có tên thuốc độc, bắn tỉa từng tên chúng phải chết. Ta vận đồng đồng bào làm bẫy đá, bẫy tre gỗ chắn đường tiến của chúng. Ban đêm bò vào đồn địch lấy súng của chúng để đánh lại chúng có được không ?

– Dạ được ạ.

– Vậy các chú về phải kêu gọi đồng bào đoàn kết, tăng gia sản xuất nhiều lúa gạo để nuôi thanh niên đi đánh giặc.

Buổi gặp gỡ kết thúc, mọi người đều phấn khởi, tin tưởng, chuẩn bị tinh thần vào họp Quốc hội. Gặp được Bác Hồ rồi, thoả mãn rồi. Lời dặn của Bác thấm gan, thấm thịt.

Vào họp Quốc hội, tôi còn nhớ, đại biểu chia ba khối, phân biệt bằng trang phục bên ngoài.

+ Khối nghiên cứu chủ nghĩa Mác đeo cravat đỏ rực rỡ.

+ Khối trung lập – không đảng phái, chỉ mặc complê.

+ Khối của các đảng phái khác đeo cravat xanh tím.

Lần đầu tiên bước chân vào hội trường Nhà hát lớn Hà Nội, tôi vừa lo, vừa sợ, vừa mừng. Ôi! Cuộc họp lớn quá, trang trọng quá.Tôi tự hỏi :

– Thế nào là đại biểu Quốc hội?

– Quốc hội thì phải làm gì?

Thực ra lúc ấy tôi cũng chưa hiểu hết được. Tôi cố gắng tập trung theo dõi. Trên bàn chủ tịch gồm có : Người ngồi giữa là Bác Hồ, người ngồi bên cạnh là Bảo Đại, Nguyễn Tường Tam ( đại diện Quốc dân Đảng) và cụ Bùi Bằng Đoàn (đại diện các nhân sĩ yêu nước). Tôi vô cùng cảm phục vì Bác Hồ đã tập hợp được các lực lượng đoàn kết lại đẻ đấu tranh. Bác Hồ thật tài giỏi quá.

Chương trình của Quốc hội rất nhiều, tôi chỉ còn nhớ những nhiệm vụ chính của kỳ họp thứ nhất là :

– Thông qua nhiệm vụ toàn dân, toàn diện trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi.

– Bầu chính phủ kháng chiến.

– Bầu Uỷ ban thường trực quốc hội.

Đến phần mời các đại biểu tham gia ý kiến, mấy anh dục tôi :

– Y Ngông nói đi.

Tôi cũng mạnh dạn phát biểu, vì lúc đó rất ít người dám nói.Tôi rất hồi hộp, tim đập dồn dập, nhưng do có ý thức chuẩn bị, muốn mang tiếng nói quyết tâm của Tây Nguyên theo kháng chiến nên tôi bình tĩnh lại. Tôi phải dùng cả tiếng Pháp, tiếng Kinh, tiếng Êđê mới diễn giải nổi.Tôi nói :

– Tôi là người dân tộc Êđê tỉnh Đăk Lăk. Tôi rất sung sướng và tự hào vì được bầu vào khoá Quốc hội đầu tiên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Tôi rất lo lắng về trách nhiệm mà đồng bào đã giao cho mình nhưng tôi xin hứa làm tròn nhiệm vụ. Đồng bào dân tộc chúng tôi sau tổng khởi nghĩa đã được đổi đời khỏi ách áp bức bóc lột, khỏi cuộc đời nô lệ bị bọn Pháp khinh miệt như con trâu, con bò. Chế độ dân chủ cộng hoà hợp lòng dân nhất. Đồng bào tôi quyết tâm theo đuổi kháng chiến. Không biết ngày nào thắng lợi, nhưng chúng tôi, những con người của Tây nguyên bất khuất không sợ khó, không sợ khổ, không sợ chết, đánh giặc đến cùng để bảo vệ độc lập.

Tôi vừa dứt lời thì nghe một tràng vỗ tay dồn dập tán thưởng. Tình cảm của tôi lúc đó rạo rực, khó tả lắm.Cuối cuộc họp có bỏ phiếu. Khi lấy biểu quyết gần như cả hội trường dơ tay ủng hộ nhiệm vụ kháng chiến. Trước khi các đại biểu ra về, Bác Hồ dặn :

– Chúc các đại biểu ra về mạnh khoẻ, động viên nhân dân đoàn kết tham gia kháng chiến. Có sức dùng sức, có của dùng của, không có của thì dùng lời nói của mình giải thích cho đồng bào về cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ nhưng nhất định thắng lợi, đất nước sẽ tự do.

Trong ba ngày Quốc hội họp, chúng tôi được nhân dân Hà Nội đối xử tốt lắm. Họ nhường buồng, nhường nhà và chăm sóc chúng tôi chu đáo. Họ thăm hỏi chúng tôi về đồng bào Tây kỳ, về tình hình giặc Pháp đang tấn công Tây kỳ. Khi trở về, mỗi đại biểu chúng tôi được mang về một tấm hình của Bác Hồ và của toàn thể Quốc hội chụp trước cửa Phủ chủ tịch.

Khi chúng tôi về tới nơi thì hầu hết Tây Nguyên đương bị tấn công, chỉ còn lại huyện An Khê và một số miền Trung Du. Uỷ ban kháng chiến miền Trung đã được thành lập, Ban dân tộc miền Trung đóng ở An Khê. Uỷ ban dân tộc theo dõi tình hình của đồng bào các dân tộc, động viên nhân dân giúp bộ đội đánh giặc. Tôi còn nhớ, khi đến các làng vùng ven tuyên truyền, bà con không tin có Bác Hồ, vì họ thắc mắc không hiểu Bác Hồ là người thế nào mà tài giỏi thế? Chúng tôi phải đem bức ảnh của Bác Hồ chụp chung với Quốc hội ra cho đồng bào xem và giải thích thì đồng bào mới tin. Chúng tôi nói :

– Bác Hồ là người có thật, là người Việt Nam mình, không phải người nước ngoài. Bác Hồ là người giỏi, có tài, suốt đời đấu tranh cho tự do và độc lập của người Việt Nam mình.

Chúng tôi đi đâu cũng tranh thủ tình cảm của đồng bào với Bác Hồ và Việt minh. Nói chung đồng bảo còn biết chưa nhiều về Đảng cộng sản. Lúc này tôi phải dùng mọi khả năng của mình, cố gằng tìm những lời nói, cử chỉ, so sánh làm cho dễ hiểu, dễ nhớ và bà con có thể truyền miệng được cho nhau. Cứ nói bằng tiếng Kinh rồi người của dân tộc nào lại có cán bộ của dân tộc đó phiên dịch lại ra tiếng của từng vùng.

Trong lúc đó, bọn phản động cũng hoạt động ráo riết nhằm bóp chết chính quyền cách mạng từ trong trứng nước. Bọn chúng tìm cách thủ tiêu cán bộ để làm đồng bào hoang mang, lo sợ. Chúng phục kích và bắt cóc cán bộ. Một số đồng chí đã hy sinh. Nhưng đồng bào rất thương các bộ nên tìm cách che chở, bảo vệ. Họ bố trí cán bộ ngủ một nhà, nhưng lại bí mật đưa cán bộ đi đến một nhà khác. Có cái gì ngon lành, đều mang ra cho cán bộ ăn. Bằng mọi con đường, mọi cách linh hoạt, thông minh nhất, đường lối của Đảng đã được thấm dần vào lòng dân với những nội dung ngắn gọn:

– Đừng theo địch, theo Việt minh. Việt minh có chính phủ, có Bác Hồ, có cán bộ, có bộ đội.

– Phải nuôi cán bộ, bộ đội.

– Tham gia đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến.

Tuy được yêu cầu ủng hộ kháng chiến, nhưng cho đến lúc đó dân vẫn chưa hiểu hết kháng chiến gian khổ thế nào. Họ chỉ biết cán bộ nói là tin, sống chết làm theo cán bộ. Chính vì vậy mà bản thân chúng tôi cũng tự đòi hỏi mỗi người phải có sự cố gắng lớn. Phải chú ý từng lời nói, cử chỉ, tôn trọng phong tục tập quán của đồng bào.

Muốn nắm được Tây nguyên, là mái nhà của Đông Dương, là vị trí chiến lược then chốt nhất, phải nắm được đồng bào dân tộc thiểu số Tây nguyên, do vậy khi bọn Pháp trở lại là đánh chiếm ngay Tây nguyên.

Sau tổng khởi nghĩa, chúng tôi đã làm được bao nhiêu việc.Với một niềm tin sắt đá tôi thấy mình không hề biết mệt, ham làm, ham đi, ham nói. Đồng bào gặp mình, họ quý và che chở, làm tôi thấy mình giống như con cá được bơi lội tự do trong một hồ nước lớn, trong mát. Tôi càng làm việc càng thấy mình thông minh hơn, nhanh nhẹn hơn, thận trọng và gan dạ hơn. Nhiều anh em người Kinh lên công tác cũng tự nguyện cà răng, căng tai, mặc khố, đi chân đất, đeo gùi, học nói tiếng dân tộc. Các anh cũng chịu hy sinh xa vợ con, xa quê hương để đem tiếng nói của Đảng đến cho người dân quê tôi, cùng chúng tôi sống mái với kẻ thù. Những con người đó là những tấm gương trung kiên của những người cộng sản. Tôi biết hiện nay một số anh vẫn còn sống và giữ những trọng trách trong Đảng, trong chính quyền.

Hơn một tháng say sưa hoạt động, đang sống trong hơi thở, trong sức đấu tranh sôi sục của quần chúng, thì tôi lại nhận được nhiệm vụ ra miền Bắc công tác, vì tại kỳ họp Quốc hội tôi đã được bầu vào Uỷ viên ban thường trực quốc hội.

Nghe tin tôi lại sắp phải đi xa, mẹ lặn lội từ trong buôn đem theo gói xôi gạo nếp rẫy và con gà luộc cho tôi ăn đường. Nhưng mẹ ra đến thị xã Buôn Ma Thuột, thì tôi đã đi từ hôm trước rồi.Mãi sau này mới được nghe em trai kể lại, tôi khóc vì thương mẹ quá. Ngày trở về đâu có còn mẹ nữa.

Tôi vẫn nhớ, tháng ấy tuy đã bắt đầu vào mùa “ con ong đi lấy mật”, mùa ở buôn làng người ta đã bắt đầu dọn rẫy, nhưng trời Tây Nguyên vẫn còn nắng lắm. Cái nắng khiến cho bước chân đi bộ mải miết của tôi thêm nặng nề, khô khát cả cổ họng và trong lòng.Nhưng vừa đi tôi vừa tự nói với chính mình “ Đây là nhiệm vụ. Bác Hồ gọi, mình phải đi. Dân bầu, mình phải làm. Mình đi, rồi lại về ”. Vậy là tôi lên đường ra Bắc.

Đến Hà Nội làm việc, tôi được bổ nhiệm làm phó giám đốc Nha dân tộc thiểu số trung ương.Lúc đó tình hình đất nước đang như nước sôi lửa bỏng, phải đối phó cả thù trong giặc ngoài.

Ngày 24/5/1946 đài Pháp loan tin chúng đã chiếm xong Tây kỳ, Văn phòng chính phủ báo tôi đến gặp Bác Hồ cùng anh Ksor Ní -đại biểu người Jarai mới ra họp Đại hội thanh niên các dân tộc toàn quốc. Bác ân cần hỏi thăm sức khoẻ chúng tôi, giải thích nỗi băn khoăn của chúng tôi về việc quê hương bị giặc chiếm đóng. Bác xoè bàn tay bảo :

– Một bàn tay hoàn chỉnh phải có 5 ngón tay, đau một ngón là đau cả bàn tay. Cũng như Tây kỳ với Việt Nam. Việt Nam có độc lập Tây kỳ mới độc lập, vì Tây kỳ là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam.

Bác khuyên chúng tôi cố gắng học tập, giữ gìn sức khoẻ, làm công tác cách mạng tốt hơn cho dân tộc, cho cách mạng Việt Nam. Chúng tôi hiểu sâu sắc rằng chính qua chúng tôi,Bác đã bộc lộ tình cảm thiết tha trăn trở với các dân tộc Tây nguyên lại tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu đầy gian khổ. Cuộc gặp này thật sự đã giúp chúng tôi tăng thêm nguồn nghị lực, vững niềm tin, sẵn sàng đi vào cuộc chiến sắp tới.

Cách đó không bao lâu tôi được triệu tập dự hội nghị sáng lập Mặt trận liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt). Hội nghị họp tại toà thị chính (nay là trụ sở UBND thành phố Hà Nội). Có mặt rất nhiều nhân sĩ như các cụ Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Phạm Khắc Hoè, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Kiểm, Nghiêm Xuân Yên… có cả cựu hoàng Bảo Đại, (lúc đó đang là cố vấn chính phủ), Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Hải Thần của Quốc dân đảng…Trong lúc chờ họp, Bác Hồ lại đến bên tôi hỏi chuyện:

– Chú dân tộc gì ở Tây kỳ?

– Thưa bác, cháu dân tộc Rhadé.

– Chú bao nhiêu tuổi?

– Thưa Bác, cháu sinh ngày 13/8/1922, năm nay được 24 tuổi.

– Chú còn trẻ thế là tốt lắm, chú đã học chuyên môn gì chưa ?

– Thưa bác, cháu đã tốt nghiệp trường Y sĩ Đông Dương.

Bác lại hỏi tiếp :

– Đồng bào Rhadé có theo Việt minh nhiều không ?

– Thưa Bác, theo Việt minh gần hết.

– Thế là tốt lắm. Chú phải cố gắng công tác tốt nhé.
BMT9
Vào họp, Bác nói ý nghĩa của Mặt trận liên Việt lúc này là để đoàn kết toàn dân đánh bại thực dân Pháp núp bóng quân đồng minh trở lại xâm lược đất nước ta. Bác nói phải đoàn kết toàn dân, đoàn kết mọi dân tộc. Cả nước đoàn kết một lòng, đoàn kết với nhân dân thế giới và cả với nhân dân Pháp ủng hộ cuộc kháng chiến của ta. Bác nhắc nhở : “ Mỗi người dân ta con cháu Lạc Hồng, dù ít hay nhiều đều có lòng yêu nước, thương nòi. Phải khoan hồng, độ lượng , lấy tình nhân ái cảm hoá con người”. Cả hội nghị đều xúc động trước những lời chí tình của Bác. Riêng tôi, người con của Tây Nguyên được vinh dự đi theo Bác, theo cách mạng, từ tình yêu dân tộc, quê hương tôi cũng nhận thức sâu sắc bài học Đại đoàn kết toàn dân, bài học về lòng nhân ái với con người và từ đây, với cương vị thành viên của mặt trận tôi càng thấy trách nhiệm nặng nề trong sự nghiệp đi tới…

Tình hình ngày càng căng thẳng. Bọn Pháp cố tình khiêu khích, gây sự ở khắp nơi.Thủ đô Hà Nội sục sôi trong khí thế căm thù, chuẩn bị chiến đấu bảo vệ thành quả của cách mạng. Các cơ quan được lệnh chuẩn bị sẵn sàng gọn nhẹ. Cơ quan Nha quốc dân thiểu số tạm giải thể, phân tán về các địa phương hoạt động. Tôi trở lại miền Trung để tiếp tục hoạt động trong Ban dân tộc miền Trung- Trung bộ. Tới Quảng Ngãi, lại có điện của Uỷ ban Thường trực Quốc hội gọi gấp ra, theo cơ quan lên Việt Bắc.Tôi chần chừ mãi không muốn đi, vì suy nghĩ đắn đo :

– Quê hương mình, đồng bào mình ở đây. Ra đi lần này xa quá, biết ngày nào về lại được ?

Anh Bùi San, một trong những đồng chí lãnh đạo miền Trung lúc đó, cũng là người dẫn dắt tôi từ những ngày đầu cách mạng cướp chính quyền ở Đăk Lăk , gọi tôi tớí động viên:

– Y Ngông hiện là uỷ viên Ban thường trực Quốc hội, lệnh của Ban gọi ra Việt Bắc làm việc phải chấp hành chứ. Ra đó cậu sẽ được gần Bác Hồ, được gần chính phủ, Quốc hội, học tập được nhiều điều hơn, sau này chiến thắng sẽ về lại với đồng bào…

Tôi hỏi đồng chí Bùi San :

– Ra bao lâu thì được về hả anh ?

– Bao giờ thắng lợi thì về. Đây là quyết định của Đảng, của Bác Hồ đấy. Phải phấn đấu lên chứ.Y Ngông cứ yên tâm đi đi. Đồng bào ở lại sẽ chờ đón ngày về của Y Ngông.

Nhớ lại lời Bác Hồ : “ Hãy làm việc cho dân tộc , cho cách mạng”, tôi xác định quyết tâm lên đường đi Việt Bắc.Cũng không ngờ lần ra đi đó, 29 năm sau mới có dịp trở lại quê hương. Vì phải gấp rút đi ngay tôi cũng không kịp gặp cha mẹ, vợ con. Vợ tôi lúc đó tên là Liễu, người Sài Gòn, lấy nhau lúc tôi đang học trường Y sĩ Đông Dương. Chúng tôi đã có với nhau một con trai sinh cuối năm 1944. Sau khi tôi ra Việt Bắc nghe tin cô ấy lấy người khác. Khu uỷ khu 5 đã giao con tôi cho chị Yến ở Ninh Hoà nuôi nấng, cùng 3 con của đồng chí Su Pha Nu Vông và 1 cháu gái con của anh Trần Văn Trà.

Bố dượng tôi bị chết bệnh khi địch bao vây trong rừng, mẹ tôi cũng được đón về khu căn cứ, nhưng không chịu đi tập kết và đã mất vào năm 1960 tại Ninh Hoà. Hai năm sau tôi mới được biết tin này.Như vậy, thực dân Pháp không chỉ xâm chiếm lại đất nước, mà còn đã làm tan nát gia đình tôi như hàng vạn gia đình khác. Tôi may mắn là chưa phải nằm xuống trước ngày chiến thắng.

Chấp hành lệnh của Uỷ ban thường trực Quốc hội, tôi chuẩn bị lên đường. Đồng bào và anh chị em cán bộ cùng hoạt động, nhất là bộ đội,đều rất nhớ Y Ngông.Cũng có người muốn Y Ngông không đi, có người lại động viên cho Y Ngông. Họ chúc Y Ngông đi mạnh giỏi và đừng quên làm việc cho đồng bào mau có cơm ăn, áo mặc. Người Êđê vốn nói ít, nhưng tất cả tâm hồn, tình cảm đều dồn vào đôi mắt yêu thương, đôi mắt dặn dò và đòi hỏi ở nghị lực của Y Ngông. Mọi người đã tiếp sức cho tôi. Tôi cảm nhận thấy nỗi nhớ của người đi, lẫn người ở lại và lòng phấn chấn đầy tự tin lên đường nhận nhiệm vụ mới. Hôm lên đường, một bà mẹ đã nắm tay tôi nói qua dòng nước mắt :

-Con đi, nhớ đồng bào mình còn khổ và nghèo. Hãy luôn luôn nghĩ đến đồng bào. Con gủi lời chúc của người Tây nguyên mình tới Wa Hồ.

Lúc đấy tôi mới thực sự yên tâm và nghĩ : “ Đúng là mình cần phải được ra gần Quốc hội, gần Trung ương, để được giáo dục và rèn luyện thêm, để có đủ trình độ sau này về giúp đồng bào”.

Tôi lên xe lửa từ Quảng Ngãi đến ga Vinh, rồi từ Vinh ra Thanh Hoá, đi Phú Thọ, lên Tuyên Quang.Có lúc đi thuyền, có lúc lại đi bộ, nhưng chủ yếu là đi bộ. Lần đầu tiên trong đời tôi đi bộ dài như vậy. Quang cảnh hai bên đường cũng rừng núi như quê hương Tây Nguyên của tôi, nhưng đường quanh co, hiểm trở hơn nhiều. Ở Tây Nguyên thì cứ lên rất cao, vượt qua con đèo Phượng Hoàng là thấy đồng cỏ M’Drăk mênh mông, phóng khoáng. Còn ở đây, núi che núi, rừng khuất rừng. Đến Tuyên Quang thì tôi bị sốt rét nặng, được đưa vào bệnh viện của tỉnh. Tôi nghĩ mình chắc chết ở đây, các bác sĩ điều trị luôn động viên : “ Anh cứ yên tâm, chắc chắn sẽ khỏi bệnh”. Thấy các bác sĩ tận tình như vậy tôi lại tự nhủ : “Sao chưa tới đích đã nản lòng sợ chết, phải quyết tâm sống để đi tiếp chứ” . Thế là tôi lại cố gắng uống thuốc, ăn và tập luyện để đủ sức đi tiếp.

Khi tôi khỏi bệnh thì có liên lạc đưa tôi vào A.T.K ( an toàn khu của T.Ư) ở Tân Trào, châu Tự Do (huyện Sơn Dương của Tuyên Quang ngày nay). Tôi đến được trạm liên lạc của cơ quan Ban thường trực Quốc hội thật là mừng khôn xiết. Bác Tôn ra tận nơi đón. Trông bác thật hiền hậu, tôi có cảm giác như con gặp lại cha. Bác dặn dò tôi :

– Y Ngông hãy nghỉ lại ở đây cho khoẻ đã, đừng vào rừng vội, trông người còn yếu lắm.

Cả cơ quan tay bắt mặt mừng. Với rau và măng rừng, mọi người đi bắn chim về liên hoan với Y Ngông vừa từ Tây nguyên bất khuất đã ra tới nơi.Thật ấm áp như một gia đình. Trong tôi không còn chút gì băn khoăn lo lắng nữa.

Thế là tôi làm việc ở Việt Bắc từ đó, cùng với toàn dân theo lời kêư gọi của Bác Hồ, chính thức bước vào cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống giặc cứu nước. Lúc này, các cơ quan đầu não của Trung ương đều đã chuyển lên chiến khu ở núi rừng Việt Bắc, lập căn cứ để chỉ đạo cuộc kháng chiến lâu dài. Cơ quan Ban thường trực Quốc hội lúc đó có bác Tôn Đức Thắng và cụ Bùi Bằng Đoàn. Có lần, việc vận chuyển lương thực ,thực phẩm vào A.T.K không kịp, cả cơ quan phải ăn cháo với măng le,rau bí, rau lang, rau rừng suốt 4 ngày. Bác Tôn động viên chúng tôi gắng chịu đựng. Bác Hồ cũng đến thăm hỏi ân cần động viên, khuyến khích mọi người vượt gian khổ khó khăn. Sự chăm sóc của Bác Hồ khích lệ toàn thể anh em, không ai kêu ca, phàn nàn. Tôi lúc đó phải sống xa quê hương, xa gia đình, xa đồng bào các dân tộc Tây nguyên nhưng thấy lòng mình ấm áp với tình thương của Bác dành cho mọi người, ở mọi chỗ.

Tôi còn nhớ mãi, có một đêm giữa núi rừng Việt Bắc, sau cuộc họp Ban chấp hành Trung ương liên Việt, chúng tôi đốt lửa rừng mời Bác Hồ cùng vui. Bác chỉ định anh Xuân Thuỷ hát chầu văn, cụ Bùi Bằng Đoàn lẩy kiều, Y Ngông hát một bài dân tộc Tây Nguyên. Tôi đã hát bài “ biết ơn Cụ Hồ” bằng tiếng Êđê : “ Buôn sang hdơr ai diê Cụ Hồ” và hát một bài cúng Yang chúc sức khoẻ tất cả những người có mặt tại đây. Mọi người đều rất vui. Bác Hồ đã đến gần tôi hỏi :

– Chú có nhớ nhà, nhớ đồng bào Tây kỳ không?

– Thưa bác, cháu nhớ nhiều lắm ạ. Có đêm cháu thức không ngủ được, cháu càng căm thù giặc Pháp.

Bác Hồ khuyên:

– Phải tin tưởng, đoàn kết tốt và ai cũng quyết tâm hoàn thành mọi việc thì sẽ mau thắng giặc.Chú sẽ mau chóng được về lại quê hương.

Lời dặn này của Bác đã gắn bó theo tôi suốt cuộc kháng chiến.

Khi đã tạm ổn định tại khu căn cứ, tôi được cử tham gia đoàn cán bộ của Trung ương đi các tỉnh trong toàn liên khu Việt Bắc để giải thích, động viên toàn dân đi vào cuộc trường kỳ kháng chiến sẽ lâu dài, gian khổ nhưng nhất định thắng lợi. Trưởng đoàn là bác Tôn Đức Thắng, còn có các anh Trần Huy Liệu, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm, Y Ngông Niê Kdăm….Có một chị của Trung ương hội phụ nữ cũng là thành viên.Lúc này toàn dân đang “tiêu thổ kháng chiến”, nhiều chặng đường đã đào hố chữ chi để chặn xe địch, nên đoàn đi khá vất vả. Chặng đầu tiên đi Bắc Giang, Lạng Sơn, mỗi người một xe đạp với đầy đủ ba lô quần áo, lương khô…Mặc dù có các đồng chí công an cảnh vệ giúp đỡ, nhưng những chặng dốc cao, đường trơn các cụ già phải chống gậy mới đi được. Ròng rã cả tháng trời nhưng ai nấy vẫn hăng hái, mọi người còn nói đùa : “đây là một cuộc vạn lý trường chinh”,vì hầu hết là những trí thức mới từ Hà Nội ra đi. Bác Tôn Thất Tùng thường pha nước muối nhẹ cho mọi người giải khát, đảm bảo vệ sinh. Khí thế rất vui, tôi trẻ nhất đoàn nên thường là đối tượng bị trêu đùa, cặp đôi…Anh Tùng thì luôn dặn dò tôi là “ Trường đại học Y Khoa cũng đã dời lên Việt Bắc, nếu Y Ngông thu xếp được thì xin phép về chỗ chúng mình để bổ túc thêm chuyên môn, nghiệp vụ ”. Tôi cảm động, ghi nhận lời anh và hứa sẽ đi khi có dịp.

Tại các tỉnh đoàn đã đến, nói chung đều là ở vùng căn cứ địa cách mạng cũ, nên khi tiếp xúc với đoàn tất cả đồng bào đều thể hiện quyết tâm hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, hứa hẹn đoàn kết, tích góp của cải, phát triển sản xuất, động viên con em đi bộ đội để xây dựng lực lượng quân đội hùng mạnh, đánh đến cùng để bảo vệ độc lập tổ quốc mới dành được. Đặc biệt, ở mỗi buổi mít tinh, tôi, Y Ngông- con trai Rhadé Tây kỳ, trẻ nhất đoàn đều được giới thiệu hát cho bà con nghe. Bài hát tủ của tôi là bài “ Dân Nam ơi biết ơn cụ Hồ đời đời…” hát bằng tiếng Rhadé và tiếng Việt luôn được hoan nghênh nồng nhiệt. Mọi người đều vui thích vì lần đầu tiên thấy người “Tây kỳ”. Ngày xưa họ chỉ được biết qua sách báo tuyên truyền của thực dân Pháp rằng ở đó là những dân tộc “ Mọi” cà răng, căng tai, ăn thịt người…Nhưng với cách mạng giờ đây lại là một con người khác của Tây kỳ thực sự, cũng đẹp trai, trắng trẻo, hát hay, lại còn là đại biểu Quốc hội. Mọi người càng quý mến, tình đoàn kết càng thêm đậm đà, thắm thiết.

Đoàn lại chia nhỏ để đi được hết các tỉnh. Tôi cùng anh Trần Huy Liệu đi theo anh Võ Nguyên Giáp lên tiếp Hà Giang rồi mới trở về. Cuối cùng toàn đoàn đã trở về A.T.K an toàn và thắng lợi.

Tổng kết tình hình, riêng hai tỉnh biên giới Hà Giang và Lào Cai vẫn có bọn phỉ lén lút hoành hành. Tôi được phân công trở lại Hà Giang làm công tác vận động dân tộc với trách nhiệm là Phó giám đốc Nha dân tộc thiểu số thuộc Bộ nội vụ ( cơ quan đã tạm ngừng hoạt động lúc bắt đầu kháng chiến). Anh Hoàng Hữu Nam lúc đó là thứ trưởng Thường trực vẫn luôn dặn dò tôi : “ Rồi đây, Y Ngông sẽ cùng đi với mình để tiếp tục nhiệm vụ. Còn phải học hỏi nhiều lắm đó…”. Tiếc rằng sau đó ở ghềnh Chí Tuyên Quang, anh cùng đồng chí thư ký đã gặp tai nạn trong một lần đang bơi tắm bị chuột rút. Tôi đã phải dự lễ truy điệu anh cùng một lúc với lễ truy điệu cụ Huỳnh Thúc Kháng, cũng hi sinh trên đường đi công tác vào miền Trung. Trong tâm hồn tôi vẫn in dấu mãi một đồng chí cộng sản tài năng, đầy tình thân ái, đã chân thành mong muốn sẽ bồi dưỡng tôi trở thành một cốt cán của Đảng ở Tây nguyên sau này. Anh mất sớm là một thiệt thòi cho đất nước, đối với riêng tôi đây cũng là một thiệt thòi lớn.

Lên Hà Giang lần này với bộ quần áo bằng vải Sita khu 5, ba lô trên vai tôi đi ôtô hàng tới tỉnh (đường ở đây chưa bị phá). Trên xe cũng có một số cán bộ dưới xuôi lên công tác và một số cán bộ trẻ đi Tuyên Quang dự lớp bồi dưỡng tuyên truyền trường kỳ kháng chiến trở về. Một cô gái dáng học sinh nhanh nhẹn hỏi tôi:

– A! Anh có phải ông “Buôn sang ơi…” ở cuộc mít tinh đoàn chính phủ tại thị xã dạo nọ không?

Tôi chỉ cười. Trên tay tôi còn cầm quyển sách về hoạt động hướng đạo sinh. Cô bé mượn mở xem rồi lại nói :

– Ông cũng là hướng đạo sinh hả ? Sao người ta nói dân tộc ông cà răng, căng tai, ăn thịt người có đúng không?

Tôi trả lời:

– Họ còn nói chúng tôi có đuôi nữa phải không ?

Mọi người cùng cười vang. Cách thị xã khoảng 7 cây số thì xe bị hỏng tất cả phải xuống đi bộ nhưng vẫn nói cười vui vẻ.Đến nơi, tôi tới nhà một người bạn trước cùng ở Nha dân tộc thiểu số là anh Đinh Ngọc Hồ dân tộc Tày mới được bổ nhiệm làm chánh án tỉnh này. Không ngờ nhà cô bé đi chung xe lại ở liền cùng sân. Giọng cười nói vô tư, hồn nhiên của cô cùng với sự đùa đùa của anh bạn, đã gây được một ấn tượng tình cảm vui vui trong tôi. Nhưng rồi công việc cuốn hút, cô bé cũng đi mất.

Tôi bắt tay vào công việc với địa phương. Tại Hà Giang, tôi đi vào 2 huyện vùng cao là Đồng Văn và Hoàng Su Phì. Dân ở đây hầu hết là đồng bào H’mông (lúc đó còn gọi là “Mèo”), chỉ có ít người Tày ở các bản thung lũng, người Kinh và người Hoa ở các thị trấn, thị tứ. Thấy tôi là cán bộ xa tít ở Tây Kỳ đến nói chuyện về đoàn kết dân tộc, kháng chiến trường kỳ chống giặc Pháp trở lại xâm lược, đồng bào rất quý và thương. Họ nói “Anh ấy ở xa thế còn theo cách mạng đánh Tây, chúng mình cũng nhất định đánh thôi”.Ở Hoàng Su Phì, trong một lần đi đến đồn Xín Mần giáp biên giới, giữa đường được dân báo là bọn phỉ đương phục, định bắt sống Y Ngông, chúng tôi kịp thời quay lại. Nếu không có dân tôi đã sa vào tay thổ phỉ. Cũng ở đây tôi đã gặp lại cô bé trên xe hôm nào. Hoá ra cô là trưởng ban Văn hoá và bình dân học vụ huyện. Cô đang ở chung với chị Lê Thị Cầm, bí thư huyện uỷ ( một đội viên đội tuyên truyền giải phóng quân cũ), cưỡi ngựa rất giỏi và vẫn vui tươi nhanh nhẹn như ngày nào. Chị Cầm hỏi đùa tôi:

– Đồng chí có thích cô bé đó không? Hắn tích cực, hăng hái lắm đó.

Tôi nói:

– Chị làm mai nhé.

Chị Cầm cười nhận lời. Bản thân tôi cũng thấy có niềm xúc động mỗi khi gặp cô. Một lần, sau bũa tiệc Uỷ ban huyện chiêu đãi, tôi bị mời uống rượu nhiều nên khá say cảm thấy nhớ nhà, nhớ mẹ. Lúc mê man tôi gọi thành tiếng “ mẹ ơi !…” Cô bé đã chạy đến hỏi han, đắp khăn ướt, an ủi , làm tôi cảm động quá, muốn ôm choàng cô mà không dám. Khi về thị xã, tôi nhờ anh bạn giới thiệu với cha cô. Tuy ông là một quan án cũ vừa nghỉ việc sau cách mạng, nhưng mọi người đều nói ông là một thân sĩ tốt. Tôi làm quen với cả nhà và ngỏ ý với anh em trong tỉnh giúp đỡ. Mọi người đều ủng hộ, hình như ai cũng thương tôi phải xa gia đình, quê hương chưa biết bao giờ trở lại.Nhất là lúc đó, với lời kêu gọi của Bác Hồ “ Đoàn kết dân tộc, Bắc Nam để trường kỳ kháng chiến” nên những tình cảm này vô cùng chân thật. Sau này tôi còn biết rằng vì là một người xinh xắn, có học thức, rất nhiệt tình và tích cực trong công việc nên cô bé được nhiều cán bộ để ý, nhưng khi biết tôi đặt vấn đề họ đã lặng lẽ rút lui. Đó thật là những tình cảm cách mạng chân thành. Đúng là nhờ ý nghĩa đại đoàn kết dân tộc, Bắc Nam mà cuộc tình duyên của tôi được nhiều thuận lợi.
bmt10
Hôn lễ được đoàn thể đứng ra tổ chức còn là dịp để kết hợp tuyên truyền “đời sống mới”. Rất đông bạn bè đến dự, chật cả nhà Văn hoá thông tin, nhưng lại rất đơn giản, chỉ có trà và thuốc lá. Cụ Toán Văn Công, bố của một đồng chí cán bộ, đã nhận đỡ đầu thay mặt gia đình tôi. Có ít tiền để sắm nhẫn cưới chúng tôi đã tặng quỹ “ mùa đông binh sĩ”, cho nên mãi đến bây giờ, gần 50 năm qua đi mà trên tay chúng tôi vẫn chưa đeo nhẫn cưới. Sau khi cưới chừng hơn một tuần, tôi nhận lệnh trở về cơ quan để chuẩn bị cho tình hình mới. Lúc đó là giữa năm 1947. Hiểu rằng cuộc chiến sẽ diễn ra ác liệt, chúng tôi chia tay nhau trong tình cảm tha thiết nhưng không hề có nước mắt, vì lúc đó ở mỗi người đều có một cái gì đó rất thiêng liêng của nhiệm vụ với đất nước. Ở thời điểm bây giờ có thể nhiều người cho là tôi nói cường điệu, giả tạo hoặc duy ý chí… nhưng lúc đó lại là những điều rất thật. Hầu như tất cả lớp “trẻ” của cách mạng tháng 8, đi theo Bác Hồ đều như vậy. Chúng tôi có một niềm tin rất ngây thơ, trong sáng, những suy nghĩ riêng tư cho cá nhân quả thật là rất xa lạ.

Trở về cơ quan, chúng tôi được phổ biến tình hình nhiệm vụ mới, chuẩn bị đối phó với âm mưu địch tấn công lên vùng căn cứ địa trong mùa khô tới. Các cơ quan Trung ương đều phải hết sức gọn nhẹ, một số cán bộ được phân công về các địa phương bám dân, bám cơ sở. Tôi nhớ đến anh Tôn Thất Tùng với phòng giải phẫu của anh và lớp Y khoa khoá 1 của trường đại học y đang ở Ngòi Quãng, Chiêm Hoá. Nếu tôi đến đấy có thể vừa làm công tác với địa phương, vừa học, vừa làm thêm chuyên môn với anh Tùng, lại có thể kết hợp được việc sắp xếp gia đình. Tôi báo cáo với bác Tôn ý định đó và được bác chấp nhận. Thế là tháng 10/1947 tôi trở lại Hà Gíang xin phép cho vợ tôi cùng chuyển công tác về Tuyên Quang.

Tình hình lúc đó đang dồn dập chuẩn bị cho chiến dịch, chúng tôi trở lại Tuyên Quang trên một chuyến xe tải cuối cùng. Ủy ban kháng chiến tỉnh Tuyên Quang đã sơ tán đến làm việc tại đền Ghềnh Chí. Thị xã đã triệt để tiêu thổ, chỉ còn là những đống gạch đổ nát. Liên hệ thủ tục giấy tờ trong một buổi, rồi trên một con đò nhỏ chúng tôi ngược dòng sông Lô lên Ngòi Quãng, huyện Chiêm Hóa để gặp anh Tôn Thất Tùng và Uỷ ban kháng chiến huyện. Vợ tôi đi luôn tới huyện, nhận sự phân công về khu A gồm 4 xã : Hùng Mĩ, Tân Mĩ, Minh Đức, Trung Thành ở phía bên này sông Gâm. Lúc đó cán bộ các ngành của huyện đều được chia về từng khu, để vận động dân làm lán cất dấu thóc lúa, tổ chức dân quân du kích phòng địch tấn công. Tôi sống với tập thể sinh viên khoa Y ở các nhà dân làng Quãng cùng với phòng giải phẫu của bác sỹ Tôn Thất Tùng, để có thể vừa kết hợp với huyện trong công tác tuyên truyền kháng chiến, điều tra các bệnh xã hội, vừa dự “cuôr” với lớp sinh viên khóa 1 trường đại học Y.

Tình hình lúc này rất sôi động, để chuẩn bị chiến dịch phản công, trường Y vừa phân công chuẩn bị phục vụ chiến dịch Thu đông, vừa tiếp tục chương trình giảng dạy, khẩn trương lên lớp với các thầy Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Đặng Văn Chung… Phòng giải phẫu tranh tre nứa lá trên đồi dùng vải màn thay kính sáng, vẫn tiến hành các ca mổ cho dân và thương binh được đưa tới. Bây giờ nhớ lại càng thấm thía rằng cùng đi theo Bác Hồ, với lòng yêu nước chân chính, chúng ta đã có những trí thức tuyệt vời.Ở Chiêm Hóa có rất nhiều gia đình dân tộc thiểu số đã lập bài vị thờ bác sĩ Tôn Thất Tùng, người đã mổ biết bao nhiêu ca hiểm nghèo cứu sống họ. Còn giáo sư Đặng Văn Chung, đang đêm khi đồng bào đến tìm, luôn sẵn sàng đi theo những bó đuốc đến các bản làng có người bệnh, trong bộ quần áo bà ba đen sắn tận đầu gối.

Thu đông năm đó, ca nô Pháp đã ngược dòng sông Lô qua sông Gâm tới tận Đầm Hồng, nếu theo đường chim bay chỉ cách chúng tôi vài cây số. Chúng đang cố lùng sục bắt những trí thức yêu nước đã đi theo kháng chiến. Cố bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, giáo sư thạc sĩ Ngụy Như Kon Tum và các giáo sư ngành y lúc đó đều có trong danh sách tìm kiếm của Pháp. Vì vậy chúng lùng sục đến tận làng Ải là nơi các anh ở. May nhờ có chiếc cối nước giã gạo của đồng bào ở đầu làng buông chày kêu đánh thịch làm bọn lính Pháp giật mình, bắn hàng loạt súng liên thanh, thế là trong làng các anh theo đồng bào kịp chạy tản vào rừng. Vậy là địch đã mất công tìm tòi một cách vô ích. Chúng cũng không dám đi vào nơi sâu xa, hơn nữa chủ lực của ta lúc đó dù mới có từng đại đội, chân đi đất, vai vác pháo,nhưng đánh hiệp đồng cùng du kích, đã bắn chìm ca nô địch tại bến làng Ngoan, không một tên địch nào thoát. Dân làng tại chỗ đã sơ tán, triệt để vườn không nhà trống nên chẳng thiệt hại gì.Quân dân mừng chiến thắng liên hoan vui vẻ, ca hát nhộn nhịp. Bác sĩ Hồ Đắc Di ra tận bến làng Ngoan xem ca nô địch bị đắm, ông còn trèo lên xe goòng trên đường sắt từ Đầm Hồng đi đến bản Thi một cách thích thú, vì ở đây đã hơn một năm xa vắng những đoàn tàu.

Tôi xin phép về tiểu khu A thăm vợ. Cô ấy đón tôi cười ròn tan, kể ríu rít:

– Trung đội dân quân du kích tiểu khu em được bao nhiêu là chiến lợi phẩm, một khẩu liên thanh về bắc ngay tại đầu xã Tân Mĩ, còn đồ hộp thì nhiều ơi là nhiều. Bà con thì thật tội, có người vớ được bánh chocolat cắn rồi nhăn mặt kêu đắng, còn bánh xà phòng lại cứ tưởng bánh định đem về cho con. Thế rồi không biết từ đâu truyền đi cái tin coi chừng nó bỏ thuộc độc trong đồ hộp nên chẳng ai dám đụng nữa.

Cô ấy còn kể chuyện thật mà như đùa :

– Hôm ca nô Tây tới bến Đầm Hồng, tụi em đi trinh sát để chờ báo cho chủ lực, thấy tụi nó tắm dưới sông Gâm ngon quá, cậu du kích đi cùng cho nổ luôn một mồi súng kíp, thế là ra giữa sông đạn rơi tung toé, tụi nó hò nã liên thanh sang, bọn em vừa cười vừa chạy toé vào rừng nứa, đứt cả quai ba lô… Cả mấy tháng mới gặp lại nhau, nhưng phong tục đồng bào kiêng vợ chồng lạ nằm cùng trong nhà, nên chúng tôi phải dắt nhau ra bờ suối nói chuyện. Về lại nhà, các cụ già dường như thông cảm tươi cười đem xôi nếp mắm cá ruộng cho ăn. Vài ba ngày sau lại phải chia tay, vợ tôi theo tiễn qua đường dốc núi quanh co, cứ đi mãi mà chẳng muốn chia tay.Ở trên đường đi, cứ thấy cây dương sỉ hoặc bông hoa rừng nào đẹp, cô ấy lại hái ép vào sổ công tác. Đúng là vô tư, trong sáng và yêu đời. Đâu có tình yêu nào đẹp bằng với lứa tuổi 19-25 của những ngày kháng chiến chống Pháp.

Sau Thu đông 1947, các đồng chí ở huyện thông cảm thu xếp cho vợ tôi về cơ quan sơ tán gần chỗ anh Tùng. Chúng tôi được sống gần bên nhau ở nhà dân trong làng Quãng ít lâu và tháng 8/1948 sinh được một cô gái kỷ niệm của chiến thắng sông Lô.Đồng bào rất thương nhưng phong tục không cho đẻ trong nhà, nên cả làng góp tre nứa lá dựng cho chúng tôi một chiếc nhà sàn nhỏ bé dưới gốc cây Tháu Mát ven đồi, trông ra ngòi Quãng. Anh Tỷ sinh viên, ngày trước đã học kiến trúc, vẽ một kiểu nhà sàn rất xinh xắn. Cả làng mỗi nhà còn cho một cặp gà giò và gạo nếp. Ăn không hết, những con đẹp để lại thành một đàn đầy dưới sàn, mỗi ngày đẻ trên chục trứng. Đó là chưa nói lúc chuyển về xuôi các cụ đóng mảng xuôi dòng sông Lô đưa về tận thị xã. Tình cảm của đồng bào Chiêm Hoá chúng tôi còn nhớ suốt cả cuộc đời. Năm 1993 có dịp trở lại Tuyên Quang công tác, vợ tôi đi theo đã cố gắng thăm lại những bản làng xưa cũ, 44 năm đã qua các cụ già đều không còn nữa, nhưng lớp tuổi với chúng tôi ngày đó nay đã 60- 70 vẫn còn nhớ. Có người nước mắt lưng tròng tiễn ra xe còn cố nèo cho được vài lon gạo nếp, chút mật ong… Chúng tôi đến thăm nhà chị Hà Thị Khiết hiện là Trung ương uỷ viên, bí thư tỉnh uỷ Tuyên Quang ( năm chúng tôi ở đó chị còn chưa sinh). Cụ ông mắt đã mờ nhưng vẫn nhớ Y Ngông, tay bắt mặt mừng xiết bao cảm động.

Lúc đó, tôi có nhiều công việc mới. Phái viên của tổng cục chính trị mời tôi sang tham gia vào công tác binh vận với binh lính Tây . Cơ quan của anh Tùng cũng chuẩn bị chuyển về vùng trung du Phú Thọ. Tôi thu xếp cho vợ con chuyển về huyện Yên Sơn gần tỉnh Tuyên Quang để có điều kiện gửi gắm cho ông ngoại, làm việc ở ban thi đua Tỉnh ( cụ đã theo con trai chuyển xuống Tuyên Quang, vì là thân sĩ yêu nước nên được Uỷ ban kháng chiến tỉnh do anh Chì làm chủ tịch, mời ra làm việc).

Năm 1949, các đoàn trong Nam ra chuẩn bị họp Đại hội II, Bộ nội vụ tranh thủ mở các lớp bổ túc quản lý hành chính cho cán bộ các địa phương. Tôi về đó, vừa dự lớp vừa giúp các đồng chí chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ 1 khoá. Cũng trong thời gian ở đây, nhờ sự xác nhận lý lịch của các đồng chí từ Đăk Lăk, Tây Kỳ ra ( các anh Ama Khê, Y Wang) tổ chức đã kết nạp tôi ngày 1/1/1950 ở chi bộ Đảng Bộ nội vụ ( do anh Trần Hữu Dực làm bí thư chi bộ).

Đầu năm 1950, trong một chuyến đi công tác qua bến Bình Ca ban đêm, tôi lại bất ngờ gặp được vợ trên chuyến phà sang ngang. Hai vợ chồng dắt nhau về trạm liên lạc của trường, qua một đêm lại chia tay. Vợ tôi qua đèo Khế sang Đại Từ dự một lớp học ngắn ngày, còn con gái 2 tuổi của chúng tôi để lại Tuyên Quang với ông ngoại, cùng một cậu bé em nuôi 11 tuổi tên Vịnh, mà chúng tôi nhận của trại trẻ mồ côi Hà Nội sơ tán.

Sau chiến thắng biên giới, năm 1950 là năm rộn rịp nhiều việc. Đại hội Đảng, đại hội Thống nhất Việt minh liên Việt, họp Quốc hội kỳ 2 khoá I ở Kim Quang, Chiêm Hoá… Sau khi tham gia đoàn thanh tra của chính phủ do anh Tô Quang Đẩu làm trưởng đoàn đi một số tỉnh, tôi được cử đến chăm sóc sức khoẻ cho đại hội 2. Với tuổi 26 đầy nhiệt huyết, sau các đại hội tôi đã báo cáo bác Tôn xin được tòng quân để đem hoạt động chuyên môn phục vụ cho các chiến sĩ ngoài mặt trận lúc đó đương cần. Bác Tôn nhìn tôi với đôi mắt hiền từ nói :

– Y Ngông có sợ chết không? Nếu không sợ chết thì đi được, tôi đồng ý thôi.

Trước khi đi tôi xin phép về thăm vợ con, vợ tôi hoàn toàn nhất trí và chúng tôi thoả thuận với nhau là để đảm bảo công tác của cả 2 người, chúng tôi sẽ chỉ có con nữa khi nào kháng chiến thành công. Lúc này vợ tôi đã chuyển sang công tác ở Tỉnh hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Tuyên Quang, thường phải đi xây dựng phong trào nên rất bận, thường xuyên vắng nhà. Con gái chúng tôi luôn phải ở nhà một mình với cậu bé Vịnh ở Ghềnh Chí bên bờ sông Lô (trong một nhà nghỉ tạm cũ của tỉnh uỷ), vì ông ngoại cũng thường xuyên phải trực theo cơ quan. Hàng ngày cậu bé đưa em qua sông gửi vườn trẻ xã Mộng Tiến, là vườn trẻ thí điểm đầu tiên của Trung ương hội LHPN lúc đó do chị Hà Thị Quế mới được bầu làm phó chủ tịch hội bảo vệ thiếu nhi quốc tế trực tiếp chỉ đạo, giao cho Tỉnh hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Tuyên Quang thực hiện. Có chị Phương Hoa nhà giáo dục mẫu giáo chuyên nghiệp sau này hướng dẫn. Nhiều lúc qua đò bị máy bay địch bắn phá,2 anh em chỉ biết nằm rạp xuống cát. Vợ tôi rất say mê công tác, nên thu xếp gửi luôn cháu cho chị Hoà ở chi hội phụ nữ phụ trách nhà trẻ. Mỗi đợt địch tấn công, cháu cũng theo gia đình chị lên núi sơ tán, địch rút mẹ mới tìm về thăm được.

Tôi cũng nghĩ đến việc tìm cách giúp vợ yên tâm công tác, vì hồi đó rất gay go, đã có nhiều cán bộ phụ nữ phải nghỉ công tác về nhà trông con. Vì vậy sau khi sang quân y, tôi đã liên hệ với trại trẻ của tổng cục hậu cần, lúc đó do chị Hồng vợ anh Trần Đăng Ninh phụ trách để gửi cháu, và con gái tôi khi ấy chưa đầy 3 tuổi đã được nhận về trại. Đây là một trong 2 trại trẻ nội trú đầu tiên của ta ( một trại nằm ở Khe Khao của Trung ương hội LHPN) nuôi dạy theo phương pháp giáo dục Xã hội chủ nghĩa. Các cháu được chăm sóc rất chu đáo và luôn luôn được các đơn vị bộ đội đỡ đầu, lâu lâu còn được Bác Hồ đến thăm. Chúng tôi hoàn toàn yên tâm công tác dù mỗi năm chỉ được ghé thăm cháu một lần độ một ngày. Mãi sau khi tiếp quản Hà Nội, trại giải thể năm 1956 cháu mới trở về với gia đình năm 8 tuổi. Bây già cháu gái đã là một Đảng viên, cán bộ văn hoá nghệ thuật trưởng thành, đủ niềm tin và nghị lực vượt qua những thử thách, những chao đảo trong cuộc sống. Chúng tôi mãi mãi nhớ ơn các đồng chí, các anh chị trong những công tác thầm lặng, gian khổ hồi đó, đã góp phần tích cực giúp chúng tôi làm tròn những nhiệm vụ được giao. Mỗi lần xem cuốn phim tư liệu kháng chiến trên truyền hình có hình ảnh cháu cùng các bạn ríu rít quanh Bác Hồ, chúng tôi lại vô cùng xúc động nhớ đến các đồng chí ấy và yên tâm rằng con của mình sẽ mãi mãi là con cháu của Bác Hồ, là lớp nòng cốt kế tục xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bộ quốc phòng đã đồng ý chấp nhận đơn xin tòng quân của tôi, cho tôi về cục quân y và được phân công làm viện phó một bệnh viện tại mặt trận AVT 3, phục vụ chiến dịch Trung du ( chiến dịch Trần Hưng Đạo) do bác sĩ Trịnh Phúc Nguyên làm viện trưởng. Tôi chịu trách nhiệm toàn bộ khâu hậu cần, phục vụ kíp mổ cho bác sĩ Tôn Thất Tùng và một cố vấn Trung Quốc tên là Vu, đến bệnh viện Thọ Linh mổ cho thương binh. Ngoài ra tôi còn phải lo công tác dân vận làm lán trại, chăm sóc thương bệnh binh. Đồng bào các dân tộc hưởng ứng giúp đỡ vật liệu nhân công. Các chị Tỉnh hội phụ nữ tổ chức đến thăm hỏi chăm sóc thương binh, các chị mang quà và còn hát, ngâm thơ cho các anh nghe. Tôi còn nhớ chị Thanh vợ anh Tố Hữu và chị Thuý ở Tỉnh hội Vĩnh Phú thường đến bệnh viện tiền phương thăm hỏi động viên.

Bệnh viện 3 lúc đầu đóng ở làng Vân Trục, huyện Lập Thạch, Vĩnh Yên, sau chuyển ra một khu rừng ở Quế Nhan, nơi mà đồng bào nói “ con gà gáy 3 tỉnh nghe tiếng” ( Vĩnh Yên- Phú Thọ- Tuyên Quang). Ở đây, sau mỗi chiến dịch chúng tôi chăm sóc thương binh và chuẩn bị cho chiến dịch mới. Lúc đó nghĩ thương vợ hơn một năm chưa gặp mặt con, tôi đón cháu về đơn vị và nhắn về Tuyên Quang cho mẹ cháu xuống thăm. Cháu đã gần 5 tuổi, rất ngoan và bạo dạn, các chú thương binh sốt rét ác tính vòng tay nhau la hét, doạ châm lửa đốt nhà nhưng cháu chẳng sợ, nằm trong lán một mình để bố đi sinh hoạt. Mẹ cháu được tin, xin phép và mượn chiếc xe đạp của cơ quan tức tốc đạp theo đường mòn ven sông gần 100 cây số, mò rừng, lội suối hỏi thăm lên đúng bếp anh nuôi của đơn vị. Mọi người đều mừng rỡ cho chúng tôi, nhưng chỉ ba bốn ngày sau vợ tôi lại địu con đạp xe về để tiếp tục gửi con trở lại trại. Tôi nhờ một chú liên lạc cần vụ đi theo giúp đỡ vì tôi phải cùng đơn vị lên đường tiếp tục đi phục vụ chiến dịch Tây Bắc. Vợ con tôi mới đi khỏi thì hai hôm sau địch tấn công bằng cơ giới. Khi chúng tôi đi trên đường Phú Thọ, xe địch bị đánh nằm ngổn ngang. Cũng may vợ tôi đã đi trước an toàn và kịp gửi cháu cho một cậu em bộ đội nhờ đưa về Trại. Vợ tôi cũng lại đi làm nhiệm vụ tổ chức dân công phục vụ chiến dịch.
BMT11
Ở chiến dịch Tây Bắc, trong các đoàn dân công tôi có gặp lại một số em ở Chiêm Hoá, trong chiến dịch Thu Đông còn là những thiếu niên, nay đã đi dân công chiến dịch, các em vui mừng ríu rít chỗ nào cũng gọi anh Việt, anh Việt…(bí danh của tôi là Nguyễn Ái Việt). Thế là đã có một thế hệ nữa tiếp bước ra tiền tuyến trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc. Ở đấy tôi được phái đoàn chính phủ ra thăm tặng một huy hiệu Bác Hồ. Chúng tôi trở về chỉnh quân rồi lại chuẩn bị tiếp cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ở chiến dịch Điện Biên tôi phụ trách một tuyến chuyển thương binh dài 200km từ Tuần Giáo về Yên Bái, cứ 10km bố trí một trạm đón thương binh. Suốt dọc tuyến đó tôi đi lại như con thoi kiểm tra các trạm không kể ngày đêm, mưa gió. Địch bắn phá, bom nổ chậm rải khắp nơi, công binh chưa kịp tháo gỡ cũng phải tranh thủ băng qua, sống chết là trong tích tắc, nhưng tất cả đều tập trung phục vụ cho thương binh, cho chiến dịch. Một lần, khi sắp vượt đèo Lũng Lô qua suối thì nước lũ đổ về. Tôi ngăn mọi người lại để qua trước dò đường. Tới giữa dòng nước chảy xiết, gậy chống bị trượt văng đi, tôi chới với bị cuốn vào dòng nước xoáy, may có một bụi cây cản nên vướng lại, nhưng kiệt sức nên ngất đi.Anh em xô tới cứu, dốc nước ộc ra rồi làm hô hấp nhân tạo mãi mới tỉnh, rồi lại tiếp tục lên đường. Đi kiểm tra cùng với tôi còn có một nữ bác sĩ tên Mẫu Đơn rất gan dạ ( sau này chị về làm việc ở bệnh viện 108 và về hưu với chức vụ đại tá).

Ai đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ mới thấy hết cái chất của người Việt Nam yêu nước bộc lộ rõ như thế nào. Sức của không tiếc, sức người cũng không tiếc. Tôi có cảm tưởng cả đất nước đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Tôi tự hào là một chiến sĩ người Êđê thuộc Tây Nguyên miền Nam cũng có mặt trong đoàn quân ấy. Làm sao mà có thể đè bẹp được ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Nườm nượp quân và dân nâng bước nhau đi. Lúc này cả đất nước chung một tấm lòng, chung ý chí, không phân biệt người Kinh, người Thượng, sẵn sàng hy sinh cho nhau, đùm bọc nhau, tình đồng chí đồng bào cao hơn cả tình ruột thịt.

Đoàn tải thương cũng có thể nêu lên những tấm gương dũng cảm. Cứ năm người đi theo một cái cáng.Mỗi cáng là một gia đình nhỏ. Họ chăm sóc thương binh, thay nhau cáng trên đoạn đường 200km. Không ai kêu ca, cắn răng chịu đau đớn, rét mướt, mệt mỏi, mồ hôi rỏ xuống đường thành giọt. Cũng có những nhân công do bị sốt rét, bị đói ăn kiệt sức đã chết trên đường đi. Những hình ảnh đó đã giúp cho tôi có thêm nghị lực để hy sinh và phấn đấu.

Chúng tôi nghe tin tức chiến sự từng giờ, từng ngày. Càng gần thắng lợi càng nhiều gian nan. Càng đánh gần các chốt kiên cố, bộ đội ta thương vong càng nhiều, nhiều khi bộ đội phải tự sơ cứu, tự băng bó lấy ở tuyến trước, chúng tôi cũng chỉ sơ cứu lại rồi chuyển cho tuyến sau, nhiều y tá và cứu thương đang đi làm nhiệm vụ cũng bị trúng đạn chết tại chỗ. Lúc đó bộ đội lại biến thành y tá cứu thương để cấp cứu và tự chuyển thương binh ra ngoài. Có những trận ác liệt, dân công không có kinh nghiệm lấy thương binh nên bị thương nhiều, cũng có người hoảng quá không dám xông vào cõng thương binh vì làn đạn dày đặc từ mọi phía.

Tôi nhớ đêm đánh đồi A1. Chờ mãi không thấy thương binh về rất nóng ruột, vì đêm qua nghe tiếng súng nổ dữ dội, biết là trận đánh ác liệt. Sáng hôm sau lên đồi nhìn ra, chúng tôi thấy cả bộ đội, cả lính Pháp chết nhiều phủ kín đồi. Những trận ác liệt như vậy đa số bộ đội lại phải chuyển thương binh ra.

Chúng tôi cho thương binh uống thuốc cầm máu và chống bị choáng. Rất tiếc lúc này không có kỹ thuật tiếp máu nên nhiều đồng chí đã không kịp chuyển về tuyến sau. Nhờ có bếp Hoàng Cầm nên chúng tôi vẫn có nước sôi sát trùng và cơm canh, cháo nóng cho thương binh. Tất cả đều sinh hoạt dưới hầm nhưng bộ đội ta rất gọn gàng, sạch sẽ. Vẫn có những “hố mèo” để mà đại tiểu tiện.

Các tuyến giao thông hào được mở rộng giống như cái dây thòng lọng thắt vào cổ bọn giặc Pháp cướp nước. Nghe tiếng đào hầm bọn chúng sợ chết khiếp. Cái thòng lọng thít lại, thít lại cho đúng đến ngày 7.5.1954, Điện Biên Phủ đã hoàn toàn giải phóng.

Chu cha mừng vui chảy nước mắt, dân quân bộ đội nhảy múa ôm nhau cười, ôm nhau khóc. Có bao nhiêu gà, heo giết hết để ăn mừng. Đồng bào dân tộc mang rượu cần, trâu, bò, gà vịt ra tặng bộ đội.

Hàng ngày dân công lại sửa đường, gỡ mìn và chuyển tiếp thương binh về tuyến sau. Hàng đoàn tù binh đi chân đất thất thểu, giầy đinh vác trên vai ( bắt đi đất để chúng không chạy trốn được) kèm theo là những anh bộ đội mang súng, nhỏ bé mà hiên ngang. Chúng tôi còn cho hàng binh cả gạo và thuốc men, họ vui mừng xúc động, cảm ơn rối rít.

Trong những ngày tháng lịch sử này, phần thưởng cao quý nhất tôi được nhận là 1 “ Huy hiệu Bác Hồ” nữa do phái đoàn chính phủ ra uỷ lạo mặt trận trao tặng.

Tôi được về Việt Bắc dự hội nghị mừng công của toàn ngành quân y, được tuyên dương chiến sĩ thi đua quân y, chiến sĩ Điện Biên Phủ, và được đề nghị tặng Huân chương chiến công hạng 2. Khi trở về Hà Nội, Huân chương của tôi đã được Bộ quốc phòng gửi tới cơ quan văn phòng quốc hội để trao tặng nhân ngày liên hoan chiến thắng

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết, hoà bình được lập lại. Lệnh của Ban thường trực Quốc hội yêu cầu tôi về tiếp quản thủ đô. Từ giã đơn vị tôi về ATK để cùng cơ quan trở về thủ đô Hà Nội.

Tháng 10.1945 tôi được theo đoàn quân chiến thắng tiến vào thủ đô. Chao ơi náo nức. Đồng bào vẫy tay, vẫy cờ hò reo đón mừng, lòng tôi tràn ngập niềm vui. Lúc đó đầu tôi không nghĩ được điều gì cụ thể chỉ thấy niềm vui nối tiếp niềm vui xen lẫn niềm tự hào, và từ trong sâu thẳm tâm hồn tôi bỗng thấy xót xa và thương nhớ đồng đội của mình đã hi sinh cho nền độc lập. Họ không được tận hưởng giờ phút thiêng liêng trọng đại của dân tộc – hoà bình và độc lập tự do. Tất cả sự gian khổ hy sinh như lùi lại phía sau. Lịch sử sẽ ghi lại những tháng năm hào hùng của cả dân tộc đi từ một nước bị nô lệ thành một quốc gia độc lập. Nhưng đây mới chỉ là một chặng đường, trước mắt cuộc chiến đấu còn tiếp diễn chưa biết sẽ thế nào. Tuy vậy đã có một niềm tin được thử thách. Tôi đã trưởng thành trong nhiện vụ 1công dân, 1 chiến sĩ lồng trong vai trò vị trí 1 đại biểu quốc hội, uỷ viên ban thường trực.

Quốc hội làm việc tại 25 Lý Thường Kiệt ( vẫn ở chỗ 35 Ngô Quyền hiện giờ). Văn phòng bố trí cho tôi 1 phòng với tiện nghi tương đối đầy đủ ngay tại cơ quan, bên cạnh phòng anh Tôn Quang Phiệt. Tôi còn được phát một bộ complê, 2 bộ mặc thường và một xe đạp Lincôn biển xanh mới tinh. Chiếc xe này sau chuyển sang trả góp 150đ, sau giải phóng nó được mang về Đăk Lăk, vợ tôi còn dùng tiếp suốt 15 năm và vẫn giữ tới nay như một vật lưu niệm.

Thế là hoà bình đã lập lại. Đi lại giữa thủ đô mới giải phóng, dù còn nhiều điều phải cảnh giác, nhưng cũng thấy thật thoải mái so với những ngày ở rừng, hy vọng một ngày không xa tôi được trở lại với Tây Nguyên.

Trong khi đó vợ tôi vẫn còn đi triền miên trong cuộc phát động quần chúng ở nông thôn. Cô ấy chuyển sang công tác này từ đầu 1954 và vẫn đương là cán bộ chủ lực tham gia cải cách ruộng đất. Giữa 1955 tôi được lên thăm tại hội trường tổng kết cải cách ruộng đất đợt 2 tại Hoàng Đan, Vĩnh Phúc. Lúc ấy chưa phát hiện sai lầm của cải cách ruộng đất, khí thế còn hừng hực, sôi nổi. Cô ấy khoe với tôi rằng:

– Bác Hồ hứa cho chúng em duyệt binh ở thủ đô khi hoàn thành Cải cách ruộng đất đấy nhé .

Thế là khi được phép về Hà Nội 1 tuần thăm tôi và con gái, vợ tôi lại tiếp tục đi và tới đầu năm 1956 cô ấy còn chuyển sang đoàn phúc tra cải cách ruộng đất từ khu 3 trở lại Vĩnh Phúc. Lúc đó trại trẻ của Tổng cục hậu cần bắt đầu giải thể, con gái tôi được trả về gia đình khi đã 8 tuổi, con trai lớn của tôi 13 tuổi cũng sẽ từ Quế Lâm chuyển về, tôi phải thuyết phục vợ chuyển về Hà Nội làm việc để chăm sóc các con.

Trong lễ mừng của quân dân Hà Nội đón Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chúnh phủ về lại thủ đô ngày 1.1.1955, hình ảnh Bác Hồ trên lễ đài thật tươi vui hiền hậu. Đó là một nguồn động viên, cổ vũ tuyệt vời với tất cả, trong đó có tôi. Bác chúc toàn thể năm mới mạnh khoẻ, vui vẻ cố gắng và tiến bộ. Bác nhấn mạnh nhiệm vụ mới: “ Đi đôi với thi hành đúng hiệp định đình chiến, phải ra sức phục hồi kinh tế, nâng cao đời sống toàn dân, kết hợp củng cố quốc phòng bảo vệ đất nước”

Một giai đoạn mới bắt đầu. Nhiệm vụ chiến lược mới đã được luận bàn sôi nổi trong kỳ họp Quốc hội thứ 4 khoá I tại Nhà hát lớn thành phố. Kỳ họp kéo dài 1 tháng, hết sức phát huy dân chủ và đã có nhiều quyết định quan trọng. Bác Hồ chủ trì từ ngày đầu đến ngày bế mạc. Tôi có vinh dự được trong chủ tịch đoàn, ngồi cạnh Bác Hồ. Có lần Bác hỏi tôi:

– Chú biết những tiếng gì ?

– Thưa Bác cháu biết tiếng Pháp, tiếng Việt chưa rành lắm.

– Sao chú nói tiếng Việt còn chưa rõ?

Tôi đã thưa với Bác:

– Thưa Bác ngày xưa bọn thực dân chỉ dạy chữ Pháp, cấm không cho chúng cháu học tiếng Việt, cháu phải tự học mới vỡ dần dần nhưng khó lắm Bác ạ. Tiếng Việt nhiều dấu, cháu đọc không đúng được.

Bác bảo tôi:

– Không khó lắm đâu. Kiên trì học thì khó mấy cũng thành công. Chú phải kiên trì tập nói, tập viết, đọc sách nhiều. Có hiểu tiếng mới hiểu sâu mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

– Thưa Bác cháu sẽ xin cố gắng!

Cảm động trước sự ân cần chăm sóc của Bác Hồ, từ đó tôi quyết tâm học tập để có thể sử dụng nói và viết thành thạo tiếng Việt. Trước đây khi diễn giải vấn đề gì tôi thường xen tiếng Pháp, sau này tôi bỏ hẳn nhược điểm này.
bmt12
Tôi được cử vào đoàn đại biểu đại diện chính phủ đón tiếp các đoàn cán bộ miền Nam ra tập kết. Chúng tôi ôm nhau mà khóc. Chao ơi! sự gặp gỡ của những con người đã từng sống chết có nhau. Tôi đã gặp lại những con người gan dạ “một tấc không đi, một ly không rời”, những chiến sĩ trung kiên của Đảng. Hầu hết các đồng chí cán bộ người dân tộc thiểu số của cả Nam Bộ, Tây Nguyên và khu Năm cùng gia đình vợ con đều được tập kết tại khu vực dinh Hoàng Cao Khải, Thái Hà ấp ( sau này là Trường Tuyên giáo T.Ư) để tiện cho sự chăm sóc của Ban Dân tộc T.Ư. Gia đình em gái và em dâu tôi cũng ở trong số đó, em trai tôi ở lại bám trụ quê hương. Bác Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tới thăm.

Giữa năm 1956 theo ý kiến chỉ đạo của Bác Hồ, chính phủ đã ra quyết định thành lập Trường Đào tạo cán bộ miền Nam. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký quyết định cử tôi -Y Ngông làm giám đốc. Thời kỳ đó uỷ viên Ban thường trực Quốc hội chưa phải chuyên trách nên tôi có điều kiện sẵn sàng làm nhiệm vụ. Từ căn nhà tiện nghi ở 25 Lý Thường Kiệt, tôi đã chuyển về khu trường ở một cơ sở doanh trại bộ đội cũ, mới bổ sung thêm những căn nhà tre, nứa, lá. Cơ sở này ở phía sau Gia Lâm, bên kia sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội 7km, ở đây rộng rãi, gần sông nước, thích hợp vớí sinh hoạt của các dân tộc thiểu số.

Thế là sau gần 10 năm xa Tây Nguyên, trực tiếp cùng chiến đấu với đồng bào các dân tộc của núi rừng Việt Bắc chiến thắng giặc Pháp, lúc này tôi được trở về sống giữa gia đình thu nhỏ lại của tất cả các dân tộc miền Nam, suốt dọc Trường Sơn, Tây Nguyên tới đồng bằng sông Cửu Long, có cả các sư sãi người Khmer Nam Bộ. Thật là đầm ấm, thân thương. Nhiều cán bộ huyện và cơ sở có cả gia đình đem theo. Có nhiều đồng chí là cán bộ lãnh đạo của các dân tộc ở các địa phương như: cụ Nay Đer, anh Ksor Ní, anh Nay Phin người Jrai, anh hùng Núp người BâNar, anh Ama Khê người RhaDe, anh Trịnh Thới Cang, Lý Phi Ne người Khmer, Cao Đức Canh người Chăm, Đinh Văn Thành người HRé… chính các đồng chí đó đã đóng góp cùng với ban lãnh đạo nhà trường thực hiện được nhiệm vụ đoàn kết các dân tộc, giúp đỡ chăm sóc nhau cùng tiến bộ, nâng cao trình độ văn hoá, lý luận để rồi đây trở lại miền Nam tiếp tục cuộc chiến đấu. Đồng thời với việc mở lớp giáo dục, đào tạo các cháu thanh thiếu niên mới lớn, như lớp chồi non kế tục sau này. Đó cũng chính là thực hiện lời dạy bảo ân cần của Bác Hồ những khi tới thăm trường.

Một kỷ niệm không thể nào quên là ngày mùng hai tết năm đó, tỉnh Hoà Bình đem biếu Bác Hồ 1 con nai, Bác chuyển tặng lại trường Dân tộc miền Nam. Để tất cả mọi người được hưởng quà của Bác, con nai đã được các bếp nấu trong những chảo cháo thật to. Bát cháo nai thấm đượm tình thương của Bác Hồ ngày ấy hẳn vẫn còn in trong trí nhớ nhiều anh chị em và các cháu dân tộc miền Nam đã về lại quê hương sau ngày thống nhất đất nước.

Trường dân tộc miền Nam lúc đó dồn dập biết bao nhiêu công việc. Phải nhanh chóng xây dựng bổ sung nhà cửa đủ bố trí sắp xếp cho các khu học tập, khu gia đình ổn định, từng dân tộc ở gần gụi nhau. Phải tổ chức các lớp học bổ túc, các lớp nâng cao kỹ thuật cho cán bộ, các lớp phổ thông cho các cháu, các nhà trẻ, mẫu giáo cho trẻ thơ, các khu giải trí vui chơi phù hợp và phát huy cho được văn hoá, văn nghệ từng dân tộc. Rồi tới việc xây dựng các mối quan hệ tốt với dân địa phương để họ cũng đoàn kết, thương yêu và góp phần bảo vệ nhà trường.

Chúng tôi làm không hết việc và không biết mệt mỏi, mọi người đều nhiệt tình hăng hái, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng trường. Phong tục, tập quán của từng dân tộc đều được tôn trọng . Cuộc sống tạm ổn định, thoải mái và vui vẻ trong nhiều tình cảm thân thương. Anh hùng Núp lúc đó chưa thể quen với bộ quân phục và đôi giày da gò bó, thường mang khố của dân tộc Bânar đạp xe đạp quanh trường với cháu trai nhỏ được địu trên lưng, tóc còn vàng hoe vì nắng gió Tây Nguyên. Chính ở thời điểm này nhà văn Nguyên Ngọc đã thực hiện việc tiếp xúc với anh Núp để cho ra đời cuốn tiểu thuyết “ Đất nước đứng lên”, một tác phẩm đã có tiếng vang lịch sử với con người tiêu biểu của Tây Nguyên bất khuất.

Ngoài những việc về tổ chức, quản lý nhà trường, là người lãnh đạo lúc đó, tôi còn phải dành nhiều thời gian để lo thu xếp cho các đồng chí chuẩn bị trở lại miền Nam, yên tâm với gia đình mà họ để lại gửi gắm nhà trường , gửi gắm miền Bắc hậu phương vững chắc của tiền tuyến lớn, bởi những ngày mai càng ác liệt trong cuộc chiến tiếp tục. Những việc này chúng tôi cũng phải làm rất chu đáo.

Năm 1957 tôi được tham gia đoàn đại biểu Quốc hội đi thăm Liên Xô. Đây là đoàn đại biểu Quốc hội đầu tiên của ta sang nước bạn theo nghi lễ quốc tế, do bác Tôn Đức Thắng làm trưởng đoàn. Trong buổi tiễn đưa đoàn ở Chủ tịch phủ, Bác Hố ân cần dặn : “ Phải xem xét học hỏi ở bạn trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội trên đất nước của Lénin và tăng cường tình hữu nghị giữa ta với bạn”.

Cuộc hành trình của đoàn chúng tôi bằng tàu hoả từ Hà Nội qua thủ đô Bắc Kinh rồi đáp máy bay qua Mông Cổ tới Mạc Tư Khoa. Ở mỗi chặng đường đi qua, nơi nào chúng tôi cũng được tiếp đón nồng hậu, thắm tình hữu nghị anh em. Đặc biệt khi qua Quế Lâm,Trung Quốc tôi được gặp con trai lớn Y Ly Niê Kdăm ra đón tại sân ga, lúc này cháu đã 12 tuổi. Đấy là đứa con trai mà lúc tôi từ giã miền Nam ra đi mới có 3 tuổi, tôi đã không kịp gặp. Khu uỷ khu 5 cho đón cháu về miền Trung và năm 1953 gửi vượt Trường Sơn ra miền Bắc, rồi sang trường Quế Lâm ( Trung Quốc) học nội trú, mãi đến nay tôi mới được gặp lại .

Liên Xô lúc này đã có 40 năm sau cách mạng tháng 10, nhưng mới 15 năm sau thế chiến thứ II, cuộc chiến tranh chống phát xít bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân loại mà bạn đã chịu tổn thất và hi sinh rất nặng nề.Tuy vậy ở đâu chúng tôi cũng được đón tiếp chân tình, niềm nở. Trên lễ đài kỷ niệm 40 năm cách mạng tháng 10, đoàn Việt Nam được xếp chỗ đứng trang trọng. Đoàn được thăm một số nước Cộng hoà tự trị như Tuêcmêni, Arménia… Tại Erevan thủ đô Arméenia có những bà già dân tộc thiểu số đón chúng tôi, nước mắt lưng tròng. Chúng tôi còn được đi Léningrat, cảng Odessa, những nơi ghi dấu ấn của cách mạng tháng 10. Trên chiến hạm “Rạng Đông” bác Tôn kể lại cho chúng tôi nghe sự kiện pháo của chiến hạm bắn vào cung điện mùa đông để ủng hộ cách mạng, và bác Tôn lúc đó là thuỷ thủ trên một chiến hạm của Pháp, trưởng đoàn tàu quân đồng minh đã kéo cờ đỏ ủng hộ cách mạng tháng 10 như thế nào. Nói chung 15 năm sau chiến tranh lúc đó Liên Xô còn rất nhiều khó khăn nhưng tốc độ tái thiết thật mạnh mẽ, các dân tộc đoàn kết một lòng, ở đâu cũng khí thế làm việc hừng hực. Chúng tôi ngạc nhiên thấy những cựu chiến binh, huân chương đầy ngực làm các công việc bảo vệ, giữ áo, đánh giầy ở các khách sạn, họ thật sự coi lao động là vinh dự. Có một kỷ niệm tôi vẫn không quên là đoàn ta vẫn chưa quen với phong cách khẩn trương chính xác về giờ giấc nên trong dịp gặp gỡ Tổng bí thư Đảng Khơruxốp và Xô Viết tối cao Liên Xô đoàn nước ta đã đến chậm tới 15 phút, các đồng chí ấy vẫn chờ và cười nhẹ nhàng nói: “Đoàn Việt Nam các đồng chí vẫn còn giữ tác phong du kích !”.

24 ngày ở Liên Xô chúng tôi cũng rút ra được những điều bổ ích, về bài học đoàn kết dân tộc và ý chí kiên cường lao động khôi phục đất nước bị tàn phá.

Sau khi ở Liên Xô về tôi được Đảng cho đi học lớp lý luận khoá 1 trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (9/1957- 6/1959). Ngày 7/9/1957 Bác Hồ đã đến khai mạc lớp học. Bác nói rất kỹ về sự quan trọng của việc học lý luận, là một sự bức thiết đối với Đảng ta lúc đó. Bác nhấn mạnh muốn cải tạo xã hội thì đảng viên phải được cải tạo, phải tự rèn luyện và nâng cao mình. Phải gắn lý luận với thực tiễn, phải có động cơ đúng đắn, thái độ khiêm tốn, thực thà, tự giác và xây dựng tác phong độc lập suy nghĩ, tự do tư tưởng, bảo vệ chân lý, có nguyên tắc tính và không ba phải. Đó là những ý kiến hướng dẫn thấm thía và sâu sắc.

Cả khoá học này mới có mình tôi là cán bộ dân tộc Tây Nguyên. Với tình đoàn kết thân thương, trong tình đồng chí chân thành của 15 anh em toàn tổ và 200 đồng chí của cả lớp, đã giúp tôi một bước trưởng thành về lý tưởng một đời cho chủ nghĩa cộng sản, được hệ thống có căn cứ khoa học và tự giác. Đã gần 40 năm qua đi, sau này tôi có nhiều lần được bổ túc nâng cao lý luận, nhưng chính những lời của Bác Hồ ngày ấy mãi mãi là ánh sáng dẫn dắt tôi vững bước không chao đảo, kể cả những lúc có nhiều biến động nhất.

Sau khoá học, tôi trở lại làm nhiệm vụ quản lý trường, lúc này đổi là Trường Cán bộ dân tộc Trung ương trực thuộc Uỷ ban dân tộc của nhà nước. Thời gian đó, chúng tôi chuẩn bị tổ chức cho nhiều đồng chí trở lại miền Nam công tác. Một bộ phận những cán bộ già yếu và các gia đình chuyển về Chi Nê, Hoà Bình để kết hợp tăng gia sản xuất. Sau này,khi sơ tán chống bom Mỹ, bộ phận này đã được đưa lên tận Nước Hai, Hà Quảng, Cao Bằng gần khu căn cứ Pắc Bó trước cách mạng tháng 8.

Trường tập trung vào hai nhiêm vụ chính:

– Bồi dưỡng văn hoá và lý luận trung sơ cấp cho cán bộ các dân tộc cấp huyện của cả hai miền Nam – Bắc.

– Đào tạo thế hệ trẻ, dậy các lớp phổ thông cho các cháu dân tộc thiểu số miền Nam, hàng năm được tiếp tục gửi ra theo các tuyến đường dây giao liên. Có cháu đã là dũng sĩ diệt Mỹ, có các cháu là con em cán bộ đang hoạt động. Còn có một lớp trung cấp sư phạm đào tạo giáo viên gửi về phục vụ miền Nam.

Đầu năm 1960, trường chuyển về cơ sở mới ở xã Phùng Khoan gần khu Thanh Xuân thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đây là một trong những công trình xây dựng cơ bản kiên cố, đàng hoàng, to đẹp của thủ đô Hà Nội sau thời kỳ khôi phục kinh tế. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ với Tết trồng cây, toàn trường cả thầy trò và cán bộ nhân viên đã trồng những hàng cây xanh to, đẹp. Có cả cây ăn trái và cây lấy gỗ bao trùm quanh trường, tạo nên một khu sinh cảnh hài hoà, tươi tốt giữa cánh đồng lúa xanh bát ngát giáp ranh ba xã Phùng Khoan, Mễ trì, Nhân Chính. Lại những cuộc kết nghĩa giúp dân gặt lúa, trồng mầu. Đổi lại, hàng năm bà con cho trường hàng tấn gạo nếp, còn cho mượn đất trồng khoai vụ Đông Xuân. Bất cứ ai cả Bí thư Đảng uỷ lẫn giám đốc đều được giao một luống đất tự cày. Mỗi vụ cả trường thu được hàng trăm tấn khoai lang cải thiện.Gia đình tôi cũng có những luống khoai như thế. Mấy đứa con tôi rất thích việc tự trồng và bới lên những củ khoai to bự. Bác Hồ đến thăm đã khen ngợi động viên chúng tôi những cố gắng đó, cùng với việc chăm nom các cháu chu đáo.

Lúc này trường quản lý trên ngàn các cháu hệ phổ thông từ cấp 1 đến cấp 3 và một hệ sư phạm. Cấp 1 nội trú nên còn phải có bảo mẫu. Các em tuổi lớn hơn được chuyển sang trường bổ túc công nông. Mỗi năm, học sinh tốt nghiệp được cử đi các trường đại học, trung học hoặc dạy nghề. Có nhiều đợt các cháu được đưa ra liên tiếp. Từ núi rừng chiến đấu ra thủ đô, mọi điều đều bỡ ngỡ, phải hướng dẫn từ việc vặn vòi nước máy tới sử dụng nhà vệ sinh, nhưng toàn thể đội ngũ thầy cô giáo và cán bộ công nhân viên nhà trường, đa số là miền Nam tập kết đều hết lòng chăm sóc thương yêu các cháu như con em ruột thịt. Tôi thật sung sướng, nhờ được sự cộng tác rất chân thành vô tư chân tình này, nên đã thực thi tốt được nhiệm vụ “ trồng người”, góp phần tích cực đưa trở lại miền Nam những cán bộ cho cuộc chiến đấu giải phóng và xây dựng đất nước sau này.

Năm 1960, theo yêu cầu tăng cường cho Tây Nguyên, đồng chí Lê Đức Thọ ký quyết định cho tôi đi B. Trước khi đi, tổ chức gợi ý phải phấn đấu hoàn thành luận án thi lấy bằng bác sĩ để thuận lợi cho công tác vận động trí thức khi trở về miền Nam.

Bàn giao lại công tác cho đồng chí Hoàng Đạo Thuý lúc đó là Cục trưởng cục Thông tin quân đội được điều sang phụ trách trường, tôi lại phải ngày đêm miệt mài với sách vở chuyên môn. Thời gian thì gấp gáp có hạn định, tôi chọn một chuyên đề đã làm khi phục vụ quân y tiền phương trong các chiến dịch Tây Bắc là “ Xử lý vết thương gẫy xương của thương binh bằng phương pháp bó bột”. Với sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình của học viên quân y 103, nhất là của một bác sĩ có vợ cùng làm ở trường dân tộc , chỉ trên 3 tháng tôi đã hoàn thành được luận án, có các số liệu đầy đủ và hàng trăm bức ảnh chứng minh cụ thể. Thật đúng với tinh thần “một ngày làm việc bằng hai, ba” của thời điểm đó. Tôi được bảo vệ đặc cách trước một hội đồng thi quốc gia do các giáo sư Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Đặng Văn Chung làm giám khảo và đã đạt tốt nghiệp loại ưu. Các thầy đã ôm hôn tôi với những lời chúc mừng nồng nhiệt.

Tiếp đó đến lớp tập trung của ban tuyên giáo học chính trị và rèn luyện cơ thể để đủ điều kiện lên đường. Cùng lớp lúc đó còn có anh hùng Núp, các anh Ksor Ní, Huỳnh Văn Cần và cả cụ già Nay Der đã gần 70 tuổi, nhưng khi anh Tố Hữu tới thăm đề nghị để cụ Nay Der lại vì tuổi đã quá cao. Khí thế lúc đó thật sôi nổi, ngày lên lớp, tối chúng tôi đeo ba lô gạch tập đi bộ đường dài. Trung ương lúc đó cũng dành mọi ưu ái cho số cán bộ chuẩn bị vào chiến trường, nên chúng tôi được hưởng chế độ chăm sóc bồi dưỡng rất tốt. Chuẩn bị tới ngày đi, tôi cùng vợ và các con đi chụp một bức ảnh lưu niệm. Nhận súng ngắn, đài radio nhỏ xong, tôi về văn phòng Quốc hội chào đồng chí Trường Chinh thì anh bảo:

– Đồng chí hiện là uỷ viên thường trực quốc hội, thuộc diện Bộ chính trị quản lý, xét vào miền Nam lúc này chưa thuận lợi, tôi đề nghị Bộ chính trị đã huỷ quyết định đi B của đồng chí rồi.

Thế là lần thứ hai bị hụt hẫng việc trở lại quê hương chiến đấu. Tôi cứ bâng khuâng khi các đồng chí của mình lên đường, nhưng rồi cũng phải tự xác định: là Đảng viên phải theo yêu cầu của Đảng.

Lại trở về trường Dân tộc trung ương, cùng làm việc với anh Hoàng Đạo Thuý. Anh vốn là huynh trưởng hướng đạo sinh trước kia, lại phụ trách Cục Thông tin quân đội nhiều năm nên có rất nhiều kinh nghiệm. Tôi đã học được ở anh rất nhiều trong công tác tổ chức, quản lý trường Dân tộc.

Năm 1964, thấm thoắt đã 10 năm sau hiệp định Genève. Cuộc chiến đấu ở miền Nam ngày càng ác liệt. Sau Đồng Khởi với sự ra đời của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, khí thế đấu tranh ngày càng sôi sục. Những tình cảm giữa hai bờ giới tuyến cũng càng da diết, sâu nặng. Bao bức thư từ miền Nam gửi ra nói lên nỗi khổ đau trăn trở cùng với ý trí trung kiên diệt địch đến cùng. Bạn bè và các cháu dân tộc thường đem những bức thư tâm sự với tôi. Đọc những bức thư đó tôi vô cùng xúc động và nẩy ra ý nghĩ tập hợp lại những trích đoạn các bức thư nói lên tình cảm hướng về miền Bắc của biết bao bà mẹ, bao anh em đồng chí các dân tộc thiểu số của miền Nam để làm một lưu niệm sau này.

Lúc đó, hàng năm ở miền Bắc đã có chế độ đi nghỉ cho cán bộ công nhân viên. Năm nào văn phòng Ban thường trực Quốc hội cũng nhắc tôi đi nghỉ mà chưa có lúc nào đi được. Những năm đó vợ tôi là chiến sĩ thi đua nên cũng được phiếu đi nghỉ. Tôi có ý nghĩ sẽ cùng gia đình đi nghỉ, tranh thủ thời gian đó đọc và trích lại các bức thư gửi từ miền Nam ra. Địch đang làm ầm ĩ về vụ “Vịnh Bắc Bộ” do chúng dựng lên để lấy cớ gây chuyện, nên chúng tôi được hướng dẫn không đi ra phía biển và đã chọn nơi nghỉ ở Sapa, Lào Cai. Đây cũng là chuyến đi nghỉ đầu tiên và cuối cùng của chúng tôi trong suốt 20 năm xây dựng miền Bắc Xã hội chủ nghĩa. Trong khi vợ tôi còn thu xếp công việc ở nhà máy, 3 cha con tôi đi trước bằng tàu lửa tới Lào Cai (lúc này chúng tôi đã có thêm hai cháu sinh ở Hà Nội). Tối hôm đó trên tàu bọn kẻ cắp thấy túi áo khoác nặng trĩu tưởng tiền đã rạch túi lấy mất toàn bộ gói thư từ miền Nam. Tôi cứ ân hận mãi đã không thực hiện được ý đồ chính của chuyến đi nghỉ này.

Sau vụ “Vịnh Bắc Bộ”, Jôn Xơn kiếm chuyện ném bom miền Bắc. Trường phải sắp xếp gọn nhẹ để đi sơ tán. Các lớp cán bộ nghỉ, chỉ còn hơn 500 cháu học phổ thông. Bác Hoàng Đạo Thuý nghỉ hẳn. Các đồng chí lãnh đạo của trường cũng rút bớt. Tôi đưa trường lên Hoà Bình rồi chuyển lên huyện Thất Khê tỉnh Lạng Sơn. Đây là tỉnh kết nghĩa với Đăk Lăk (lúc đó toàn miền Bắccó phong trào từng tỉnh kết nghĩa với các tỉnh miền Nam, thực hiện nhiệm vụ hậu phương chi viện cho miền Nam chống Mỹ) do đó chúng tôi có nhiều thuận lợi, được sự giúp đỡ tận tình chu đáo với các cháu để hoàn thành tốt từng niên học. Đồng thời đây cũng là một dịp có thực tiễn để giáo dục các cháu tình đoàn kết keo sơn giữa cộng đồng các dân tộc trong tổ quốc Việt Nam.

Cũng thời gian đó Bộ Văn hóa có đề nghị tôi giúp đỡ chọn cho một số cháu dân tộc miền Nam đi học các ngành Văn hoá nghệ thuật để sau này phục vụ cho xây dựng miền Nam. Tôi thấy đó là điều rất cần thiết vì chính hoạt động văn hoá sẽ là sự bảo tồn nâng cao văn hoá và đoàn kết chặt chẽ các dân tộc, nên đã vận động một số gia đình cho các cháu đi học. Con gái lớn tôi rất có năng khiếu ca hát, lúc đó đang học năm cuối hệ phổ thông (lớp 10) rất xuất sắc, vào diện có thể chọn cho đi đào tạo ở nước ngoài, nhưng vì sự nghiệp văn hoá các dân tộc, nên tôi đã thuyết phục vợ cho con đi về Bộ Văn hoá. Đó cũng là một cái cớ để dễ vận động mọi người, vì tâm lý lúc đó phần đông người ta thường chỉ muốn cho con học các ngành kỹ thuật, chứ đối với nghệ thuật còn dè dặt e ngại.

Thế là con tôi cùng cháu Măng Thị Hội, con một nghị sỹ Quốc hội người dân tộc Bânar ( sau này là giáo viên Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh) và một số cháu khác đã được chuyển giao cho bộ văn hoá để bổ xung xây dựng Đoàn ca múa Tây Nguyên. Nhờ vậy bây giờ có được một số cán bộ dân tộc thiểu số hoạt động trong các ngành văn hoá nghệ thuật miền Nam, tuy nhiên còn quá ít, vì có một số sau đó gia đình lại rút về, hoặc tự các cháu không muốn đi nữa.

Mỹ ném bom ngày càng ác liệt. Trường Dân tộc ở Thanh Xuân, Hà Nội cũng bị ném bom. Lúc đó có chủ trương đưa một số trường học sinh miền Nam sơ tán sang nước bạn, trường học sinh dân tộc miền Nam chỉ là một bộ phận nhỏ trong khối trường đó. Tôi có thể đề nghị ở lại vì cương vị của tôi lúc đó vẫn là uỷ viên thường trực quốc hội, do văn phòng quốc hội trả lương, nhưng tôi nghĩ không thể bỏ các cháu của tất cả các dân tộc miền Nam đang chiến đấu gửi gắm cho mình. Vì vậy tôi tự xác định quyết tâm làm công việc biệt phái này.

Hè năm 1967, từ Lạng Sơn chúng tôi cùng các cháu đi tàu hoả qua Bằng Tường tới Quế Lâm, Trung Quốc. Tất cả có 3.000 học sinh của bốn trường: Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Bé, Dân tộc miền Nam và trường mẫu giáo Võ Thị Sáu. Riêng trường Nguyễn Văn Trỗi do bên quân đội quản lý (vì đa số là con em cán bộ quân sự và cán bộ cao cấp) ở riêng một chỗ. Ba trường còn lại được bạn cho tạm trú trong một khu trường cũ, chờ trường mới đang xây dựng. Tại đây có quyết định thành lập khu giáo dục học sinh miền Nam, tôi được phân công là phó giám đốc. Tuy về vật chất , bạn có cố gắng giúp đỡ, chế độ sinh hoạt cho các cháu khá hơn ở trong nước nhưng vẫn còn có nhiều khó khăn phức tạp. Xa đất nước, xa quê hương, sống cách biệt với thế giới bên ngoài của nước bạn, nên một số những mâu thuẫn tồn tại từ trong nước của học sinh đã gây nên những vụ ẩu đả, đánh lộn nhau. Trường Nguyễn Văn Trỗi có cháu bị đánh chết, trường Nguyễn Văn Bé cũng có những cháu bị bươu đầu bể trán. Tôi cố gắng giữ cho các cháu dân tộc không tham gia vào những trận lục đục đó, cũng may là các cháu rất nghe lời , vì chúng coi tôi thân thương như cha chú.

Tình hình nước bạn cũng ngày càng phức tạp với cuộc cách mạng văn hoá đương diễn ra khắp nơi trên đất nước, bắn nhau tràn lan, đạn lạc cả vào khu trường. Hồng vệ binh tràn ngập khắp nơi, có lúc thâm nhập cả vào khu vực của ta. May lúc đó trường mới đã làm xong, có tường xây và bạn còn bố trí cả bộ đội tăng cường bảo vệ theo yêu cầu của ta mới đỡ bớt căng thẳng. Ở khu trường mới, nhà cửa khang trang, điều kiện sinh hoạt ăn ở khá tốt. Tuy nhiên với tình hình căng thẳng ở ngoài xã hội của bạn, ta cũng chủ trương rút dần các cháu lớn và các cháu có gia đình ở miền Bắc về nước. Đồng chí Nguyễn Văn Cẩm giám đốc lúc đó sức yếu nên xin về, tôi được giao kiêm nhiệm cả giám đốc và bí thư Đảng uỷ từ đấy.

Để khắc phục những khó khăn trong tình hình mới, tôi phải cùng Đảng uỷ và ban giám hiệu thực hiện một số biện pháp để ổn định và củng cố nhà trường.

Trước nhất là động viên đội ngũ giáo viên yên tâm nâng cao chất lượng giảng dạy, động viên cán bộ công nhân viên thực sự đoàn kết, hết lòng chăm sóc nuôi dạy các cháu. Anh chị em lúc đó mang tiếng là ra nước ngoài nhưng mỗi tháng chỉ được vài chục nhân dân tệ, chỉ đủ ăn, muốn mua gì thì phải góp “họ” từng đồng, đến lượt mới có tiền mua sắm. Bản thân tôi cả 7,8 năm ở đó, mà lúc về ngoài quà kỷ niệm bạn tặng, chỉ mua được một chiếc bút máy Anh hùng và một lạng Tam thất cho vợ. Tuy vậy mọi người đều ý thức được nhiệm vụ, hết lòng chăm sóc các cháu, những hạt giống đỏ tương lai của miền Nam đang chiến đấu.

Với các cháu học sinh, chúng tôi phát động phong trào văn nghệ, cất cao tiếng hát vì miền Nam ruột thịt, vì tổ quốc Việt Nam, xứng đáng con cháu Bác Hồ. Phát động phong trào lao động sản xuất, trồng rau, chăn nuôi cải thiện, trồng cây xanh, hoa cảnh, giữ vệ sinh sạch đẹp, tôn trọng nội quy kỷ luật của trường. Qua những việc đó, để các cháu luôn luôn sử dụng thời gian hữu ích, nhất là các cháu lớn không có những phút nhàn rỗi để buồn bã hoặc phá quấy.

Với bạn, chúng tôi tăng cường quan hệ hữu nghị, tranh thủ sự chi viện giúp đỡ, bảo vệ tối đa. Nhờ như vậy, mặc dù hoạt động cách mạng văn hoá, Hồng vệ binh phá quấy lung tung trên đất bạn nhưng chúng tôi vẫn ổn định, đảm bảo chất lượng học hành, từng đợt đưa các cháu trở về đất nước.

Năm 1975, sau khi giải phóng miền Nam, học sinh được đưa trở về nước, trả về lại quê hương, gia đình, khu giáo dục này được giải thể. Cũng như hàng vạn học sinh miền Nam khác trên toàn đất nước, các em được tiếp tục đào tạo hoặc đã trưởng thành đang là những nòng cốt góp phần tích cực xây dựng quê hương. Sự nghiệp “trồng người” Bác Hồ đề xướng đã đơm hoa kết trái, và tất cả chúng tôi, những người đã có vinh dự được nhận nhiệm vụ đó nhiều năm trên miền Bắc, đều vui mừng vì công việc thầm lặng đã thật sự hữu ích.

Kết thúc nhiệm vụ, tôi là người trở về cuối cùng với một vài đồng chí. Thời điểm đó cũng có những khó khăn nhưng chúng tôi cũng đã vượt qua được trong mọi quan hệ đối ngoại, đối nội, hoàn tất nhiệm vụ cuối cùng, bàn giao đầy đủ những tài sản còn lại cho Bộ giáo dục.

Sau khi thu xếp xong công việc của khu giáo dục học sinh miền Nam, các cháu học sinh đều đã được gửi về cha mẹ, quê hương, tôi định xin trung ương cho về Đăk Lăk . Gần 30 năm đi xa, tôi muốn được trở về góp phần xây dựng quê hương, đồng bào các dân tộc quê tôi đã nhiều năm gian khổ trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Chỉ có một điều hơi buồn là khi ngỏ ý đó với một số các đồng chí bám trụ chống Mỹ, một vài đồng chí không tán thành mà muốn tôi cứ tiếp tục ở ngoài trung ương. Thậm chí trong số đó có cả những đồng chí là cán bộ dân tộc, trước đấy ra tập kết đã cùng làm việc với tôi hơn 10 năm trước (Lúc đó chính tôi đã cố gắng thu xếp giúp gia đình cho đồng chí ấy yên tâm trở lại Tây Nguyên) , lúc này đã là một lãnh đạo cấp tỉnh, bảo thẳng tôi : “Anh không nên về, không có chỗ cho anh đâu”. Tôi nhớ lúc đó có một câu vè phổ biến của cán bộ Kinh “ nhất trụ, nhì tù, tam khu, tứ kết” và bất giác tự nhủ :“ không lẽ ý thức này cũng thâm nhập cả vào anh em cán bộ dân tộc ư ? Không lẽ 30 năm toàn dân tộc gian khổ chiến đấu, hàng triệu người đã nằm xuống để rồi hôm nay chính những người vào sinh ra tử còn lại, lại có thể có những quan hệ, xử sự vói nhau như vậy? Hoà bình rồi, quả là không phải chỉ sợ những viên đạn bọc đường từ phía giai cấp tư sản, mà những viên đạn của chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi từ nền sản xuất nông nghiệp nhỏ, phải đâu không đáng sợ. Đảng vẫn thấy nhưng phải làm sao đây?”

Dù sao với tôi chỉ là tình cảm nhớ thương da diết với quê hương, với đồng bào. 30 năm qua tôi đâu có ngồi chơi và bây giờ đâu có muốn tranh giành quyền chức với ai mà ngại. Vì thế tôi cứ đề đạt nguyện vọng này với tổ chức TƯ. Trong khi chờ đợi, tháng 11/1975 tôi được phép cùng vợ về thăm quê Đăk Lăk.Anh Phan Triêm phó ban tổ chức TƯ lúc đó, đã giới thiệu cho chúng tôi đi một chuyến máy bay quân sự từ Hà Nội vào Sài Gòn. Đến sân bay, chúng tôi nhờ được một xe ra đón người quen về chỗ anh Lâm Tâm, 1 cán bộ Khơmer đã ra tập kết trước, hiện đương làm công tác tiếp quản cơ quan Sắc tộc ở đây.
BMT5
Vợ tôi đến Sài Gòn lần đầu tiên, còn tôi sau hơn 30 năm trở lại, nhiều kỷ niệm thời sinh viên xa xưa sôi nổi đã gợi lại trong tâm trí. Một thành phố mới giải phóng khác nhiều với Hà Nội cũng ngày giải phóng trước đây. Chúng tôi đi thăm một số gia đình quen biết, bạn bè. Cũng nhiều chuyện mừng tủi, vui buồn. Chúng tôi cố gắng giữ những tình cảm chân tình đúng mức. Có một điều là không khí đã bình an hơn, đồng bào không còn hoảng loạn bởi những tin đồn địch đã gieo rắc trước khi rút chạy.

Sau 3 ngày, chúng tôi mua vé xe đò về Đăk Lắk. Lúc đó đã có những khó khăn về phân phối xăng dầu, hơn 7 giờ xe mới nhận được xăng để xuất phát.

Trên chuyến xe đò hôm đó, gần 30 năm mới được lần đầu về quê chồng, vợ tôi thủ thỉ: “Em sẽ cùng anh trở về góp phần xây dựng quê hương”. Tôi thì bảo : “Em sẽ thấy quê hương anh rừng già bạt ngàn, tha hồ ăn cam và bắp nếp.”

Tối hôm đó xe nghỉ lại thị trấn M’Drak, anh em dân quân địa phương ra soát giấy tờ, chợt có tiếng kêu : “ Ơ! wa…” (tiếng Êđê có nghĩa là ơ! bác). Thì ra đó là Y Tôn, một học sinh cũ ở trường dân tộc miền Nam. Em cho biết sau khi học Trung cấp ngân hàng, em về lại miền Nam và hiện tiếp quản phụ trách ngân hàng tín dụng huyện M’Drak cũng là quê hương của em. Em đưa chúng tôi về cơ quan ở ngay thị trấn, có du kích bảo vệ trước sau. Vừa nấu xôi gà cho chúng tôi ăn em vừa kể chuyện :

– Nhiều việc lắm hai bác ạ, bọn Funllrô còn quấy phá, em thì có nhiệm vụ phải nhanh chóng giúp đỡ đồng bào ổn định làm ăn. Em tiếp nhận cả mấy trăm con bò của Nguyễn Cao Kỳ ở đây. Nó có trại bò lớn lắm, có cả đường sân bay xuống đây. Cũng vất vả nhưng ổn rồi. Em gửi mỗi gia đình đồng bào nuôi hộ vài con bò là xong hết .

Chúng tôi nghe em kể say sưa mà lòng rộn ràng khó tả. Vợ tôi nói :

– Không ngờ chú nhỏ này tháo vát thật, đây chính là hiệu quả của công việc mà anh đã cặm cụi thực hiện suốt gần 20 năm sau cuộc kháng chiến chống Pháp đó. Thành quả của sự nghiệp này còn phát huy tác dụng nhiều. Anh khỏi ân hận vì mình không được trở lại chiến trường miền Nam ngày đó nhé.

Tôi cũng thấy được sâu sắc ý nghĩa đó. Sau này, trong thời gian ngắn làm thứ trưởng Bộ giáo dục, đi công tác các tỉnh miền Nam lúc mới giải phóng, tôi đã gặp lại bao nhiêu em học sinh trường dân tộc và ở Quế Lâm ngày nào đã trưởng thành, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng lại miền Nam, trong đó có nhiều các em dân tộc thiểu số suốt từ Bình Trị Thiên tới mũi Cà Mau. Rồi cả ở các kỳ đại hội Đảng 4, 5, 6, 7, các khoá Quốc hội 6, 7, 8, 9 tôi đã gặp nhiều em học sinh cũ cả trai và gái trong các đoàn đại biểu của các tỉnh miền Nam. Có em gái dân tộc ở Quảng Nam Đà Nẵng đã tặng tôi ảnh với lời ghi thân thương: “Thầy ơi! Chúng em đã trưởng thành, mãi mãi nhớ tới thầy…”. Ở đâu, tôi cũng gặp lại tiếng “Thầy” trìu mến. Cảm ơn Đảng và Bác Hồ đã cho tôi niềm vinh dự cao quý của một người Cộng sản, một Nhà giáo nhân dân đúng với ý nghĩa của nó.

Sớm hôm sau, xe tiếp tục đi về Buôn Ma Thuột, tôi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm 30 năm trước trong khí thế sục sôi trước và sau Cách mạng tháng 8. Có một điều rừng già đã lùi rất xa khỏi ven đường quốc lộ. Ngày xưa, ngay ven đường những cây rừng hàng mấy người ôm đã che chắn bảo vệ chúng tôi chống quân thù. Tôi nghĩ rằng mình sẽ góp phần tích cực giữ rừng, phát triển rừng, người bạn ngàn đời của các dân tộc Tây Nguyên. Tôi cũng thấy tự bằng lòng việc đã góp ý cho con trai đi học đại học Lâm nghiệp là đúng.

Con trai tôi, là một kỹ sư Lâm nghiệp, đã từ chối đi nghiên cứu sinh ở Đức để xin về chiến trường miền Nam từ 1973.Cháu được về tiếp quản Đăk Lăk ngay từ ngày đầu. Đó là tinh thần của tuổi trẻ ngày ấy. Con gái lớn tôi cũng vậy, lúc cháu đương học năm thứ 2 thanh nhạc ở Nhạc viện Hà Nội, sau chiến dịch Mậu Thân đã chích máu đầu ngón tay viết đơn xin đi chiến trường miền Nam. Khi nhà trường giải thích phải học tiếp cho xong, tôi ở Trung Quốc về cháu đã hỏi: “Có phải vì là con ba nên con không được đi B với các bạn? Học thì con có thể còn học mãi nhưng đánh Mỹ thì làm gì còn mãi mà đánh.” Trước lý lẽ đơn giản của cháu, tôi đã phải đề nghị các đồng chí lãnh đạo Nhạc viện cho cháu được thực hiện nguyện vọng của mình. Cháu đã được phân công về đoàn ca múa Tây Nguyên để chuẩn bị trở về Nam. Thế rồi dồn dập tin chiến thắng, cháu đi phục vụ bộ đội đường 9 Nam Lào rất say sưa, vừa hát, vừa dẫn chương trình đến nỗi mất cả giọng, thanh quản bị ảnh hưởng. Các thầy chuyên môn cứ tiếc vì cháu có giọng opera nhiều triển vọng.

Chiến thắng rồi, vợ tôi yêu cầu con đi học tiếp vì cô ấy nói: muốn làm gì cũng phải có nghiệp vụ, chuyên môn tốt. Nhưng lúc này, nhiều thầy không muốn nhận dạy vì học thanh nhạc mà giọng bị hỏng thì làm sao có thể trở thành ca sĩ có tiếng tăm và sẽ ảnh hưởng uy tín thầy. Vợ tôi cứ cằn nhằn tại tôi thuyết cô ấy cho cháu đi cái ngành này. May mắn. Có một cô giáo đã nhận cháu. Đó là chị Thuý Huyền, vợ ca sĩ Trần Hiếu (sau này chị là một trong những người được phong danh hiệu cao qúy Nhà giáo Ưu tú nghệ thuật đầu tiên, đã mất cách đây mấy năm). Chị ấy bảo rằng: “Nếu em ấy không thành ca sĩ thì cũng có trình độ kỹ thuật chuyên môn để giúp phát triển nghệ thuật của các dân tộc thiểu số miền Nam sau này”. Thật đúng với suy nghĩ của tôi, mãi mãi tôi nhớ ơn chị. Chính nhờ nhận thức đó của chị mà tới hôm nay, dân tộc tôi, địa phương tôi có được một cán bộ văn hoá nghệ thuật đủ kiến thức và nhiệt tâm làm công việc này.

Đến bến xe BMT, chúng tôi đi xe lam về UBND tỉnh. Lúc đó đồng chí Y Blôk là chủ tịch UB quân quản. Anh đã niềm nở đón tiếp chúng tôi và trực tiếp đưa chúng tôi về nhà khách ở đường Lý Thường Kiệt. Anh còn dặn tôi: “Fulro còn đang quấy phá mạnh, anh không về buôn được đâu, tôi sẽ cho đón gia đình anh đến thăm”. Ngày hôm sau anh đã cho đưa gia đình em gái tôi và vài bà con trong làng đến thăm. Bố mẹ tôi không còn, các em tập kết ở miền Bắc chưa về. Cô em út tôi đã khóc và đem làm quà cho chúng tôi một quả bầu khô đen bóng đầy nước suối trong vắt của quê hương. Đó là ý nghĩa “uống nước nhớ nguồn” sâu sắc của dân tộc Êđê. Em nói với tôi: “Nhà ta vẫn nghèo lắm anh ơi! Dân làng đã có nhà lợp tôn còn nhà em chỉ mái lá thôi”

Con trai tôi lúc đó làm trưởng phòng tổ chức của Ty Lâm nghiệp, đi bộ lại thăm chúng tôi trong bộ áo kaki giản dị. Tôi hỏi cháu:

– Sao người ta đi xe máy ầm ầm mà con không mua được cái xe nào à?

Cháu trả lời:

– Con cũng có ít tiền bán xe đạp cũ vợ con gửi vào, nhưng để dành mua cái nhà nhỏ. Rồi đây vợ con con vào có chỗ ở .

Cháu đã làm đúng như vậy. Tết năm đó vợ tôi liên hệ được xe gửi vợ con cháu vào. Ở nhờ nhà bạn mấy bữa rồi gom tiền mua được một căn nhà nhỏ. Con dâu tôi kể chuyện, vợ chồng cháu còn phải nuôi thêm một lứa heo mới đủ trả hết tiền nhà. Cũng nhờ đó, sau này các con tôi đã đổi được một ngôi nhà có đất vườn rộng rãi, không phải ở nhờ nhà nước. Thằng cháu nội ngây thơ bảo: “Nhà cháu có nhà, còn ông bà tất cả là nhờ nhà nước. Bao giờ ông bà nghỉ hưu về ở với cháu nhé.” Chúng tôi nói đùa với nhau: “ Đúng là con hơn cha, bọn trẻ bây giờ biết tính toán hơn mình nhiều”.

Từ giã BMT, tôi nhờ xe của tỉnh đi Pleiku thăm bạn bè, anh em và trao đổi với các anh thêm về công việc xây dựng Tây Nguyên. Vợ tôi thì trở lại Sài Gòn về Sóc Trăng thăm gia đình con rể lớn của chúng tôi, một gia đình cán bộ Khơmer nằm lại hoạt động trong lòng địch. Lúc đó các con tôi cũng chưa về đấy được. Tôi và vợ tôi hẹn nhau tại Đà Nẵng để cùng bay ra Hà Nội. Vậy là kết thúc chuyến đi tốt đẹp trở lại quê hương sau 30 năm xa cách.

Tôi đón vợ tại bến xe Đà Nẵng. Chúng tôi phải ở lại mấy ngày vì mưa sương phủ núi Hàn, máy bay không thể cất cánh. Chúng tôi kể lại cho nhau nghe những điều đã thấy trong mấy ngày đi riêng.Tôi kể cho vợ nghe trên đường đến Pleiku,thấy đồng bào dân tộc Ba Na còn ở trần, mang khố nhiều lắm. Trời nắng chang chang, các bà mẹ địu con trên lưng, mồ hôi nhễ nhại, đầu vú thõng thượt, nhăn nheo rất tội.

Vợ tôi cũng kể lại: “Ở Sóc Trăng, những sóc dân tộc Khmer và Hoa tất cả vách và mái nhà đều lợp bằng lá dừa, hiếm mới có một căn nhà gạch. Ông bà thông gia của chúng tôi đều đã mất, còn một bà cô già nghèo khó. Vài đứa em của con rể tôi đi công tác mặt trận mới về. Chị gái cháu tập kết ra Bắc tốt nghiệp đại học sư phạm Toán, bây giờ là hiệu trưởng trường cấp 3 Sóc Trăng, nhưng cũng rất nghèo.”

Tôi bùi ngùi trong dạ. 30 năm chiến tranh đồng bào các dân tộc miền Nam đã chịu đựng bao nhiêu gian khổ, cuộc sống cùng cực đói nghèo. Mình sẽ làm gì đây, như lời di chúc của Bác: “Khi nào chiến thắng, sẽ xây dựng đất nước mình đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Điểm lại hành lý trước khi trở về Hà Nội. Tôi có một quyển từ điển Tiếng Anh , vợ tôi mua vài thước vải, vài cái áo len cho các con và một ít cá mực khô ở chợ Bến Cá bên sông Hàn. Có ít tiền chúng tôi đã gửi mua một cái radio cũ giúp cho ông bạn hàng xóm, một cán bộ cấp vụ đã cả cuộc đời gắn bó với đồng bào Tây Bắc, nhất là với dân tộc H’Mông, nhưng 30 năm vẫn không có được một cái đài. Chúng tôi cũng không có tiền vì tổ chức cho được trên 200 đồng tiền miền Nam lúc đó, chỉ vừa đủ tiêu. Vợ tôi có bà con họ hàng nhưng những người ở lại cũng nghèo cả, hơn nữa cô ấy nói: “Sau chiến thắng người ta nói miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng. Em không muốn chính mình lại vạch thêm một vết bụi trên bức tranh chiến thắng vĩ đại, hào hùng của nước ta, đang bị một số kẻ định bôi nhọ.” Không biết đó có phải là một ý niệm thiếu thực dụng như sau này một số người nói không, nhưng lúc đó tôi hoàn toàn tán thành ý kiến đó.

Về đến Hà Nội, tôi nhận được quyết định về làm phó chủ tịch Tỉnh Đăk Lăk. Vợ tôi còn bận việc chuyên môn nên ba cha con tôi vào trước. Tôi được đón tiếp không nồng hậu lắm và được bố trí ở một căn nhà trống rỗng chỉ có một chiếc giường gỗ cá nhân. Ba cha con tôi trải chiếu xuống đất nằm, sau em trai tôi và một người bạn đem đến cho hai cái giường đôi và trường Công nhân kỹ thuật cho một bộ bàn ghế bằng sắt (sản phẩm thực hành của học học sinh). Tôi cũng chẳng quan tâm, lúc đó còn đang mong nhanh chóng đi thăm đồng bào, vì đã 30 năm rồi tôi đã phải xa quê hương… Tôi nghĩ: mọi người còn biết bao công việc bề bộn, trước tiên là mình phải đến với đồng bào. Thế là mặc dù Fulrô đang hoạt động rất mạnh, tôi đã đi ngay về các huyện, xã , buôn làng để nắm tình hình. Đồng bào M’nông, Êđê chỗ nào gặp cũng mừng mừng, tủi tủi. Các già làng thì ôm hôn, các mẹ thì khóc rưng rưng gọi: “Em ơi! em đã về với dân làng, chúng ta vui mừng lắm”. Nhưng ở đâu cũng đói rách và fulrô đe doạ. Lòng tôi trăn trở, làm sao đây cho đồng bào khỏi khổ?

Về tỉnh, tiếp xúc với các đồng chí lãnh đạo, tôi đưa một số tài liệu về chính sách dân tộc của Liên Xô và của Đảng ta mà các đồng chí ở Ban dân tộc đã cung cấp cho trước khi về địa phương. Mấy ngày sau, trong một hội nghị, tôi được nghe những lời như gáo nước lạnh dội vào nhiệt tình của mình: “Có đồng chí lại đưa về đây những tài liệu dân tộc của nước ngoài…”
BMT3
Đã thế, về nhà lại gặp một ông Phó văn phòng Uỷ ban vốn cũng là nhân viên “bám trụ” người Nghĩa Bình: “ Có một số đồ tịch thu về kho, đã phân phối hết cho cán bộ, còn ít đĩa đẹp giành cho anh, nhưng chắc anh chẳng cần, anh cho em nhé?” Tôi đã trả lời : “ Tôi về đây đâu có phải vì mấy thứ đó, anh cần thì cứ lấy.” Thế là anh ta đã yên tâm lấy hết những thứ mà tôi cũng chẳng biết là cái gì. Nhưng rồi ít ngày sau, anh ấy lại báo cho tôi là đã xin tài chính phân cho tôi một cái xe máy với giá rẻ, 2 đứa con nhỏ của tôi mới chuyển vào học cuối cấp 3 rất thích đi xe máy nên tôi nhận mua. Tôi bảo “ thế là chú ấy cũng quan tâm nhiều đến mình đấy chứ”. Các con tôi nói luôn: “Bố ơi! mua cho bố một chiếc xe cũ, thì chú ấy cũng được một chiếc xịn đấy. Chúng con ăn cơm bên bếp văn phòng nên có lạ gì đâu”. Tôi ngớ người: “À ra vậy, phức tạp thật”!. Nhưng thôi, còn bao nhiêu việc phải lo làm cho đồng bào. Nhớ lời Bác Hồ: “Phải đoàn kết. Đoàn kết mới thành công”. Anh em cũng đã trải qua gian khổ trong rừng, bám trụ với dân. Hơn nữa, đi theo Đảng với ý thức hệ nông dân cố hữu, họ đã có điều kiện học hành gì đâu. Hãy dẹp tất… Tôi tập trung suy nghĩ mấy vấn đề: chống fulrô, chống đói, chống bệnh tật và chống dốt. Làm sao cho đời sống đồng bào sớm đổi thay, tiến nhanh, tiến mạnh.

Chưa kịp làm gì thì tôi lại có quyết định ra làm Thứ trưởng Bộ giáo dục. Bao nhiêu điều bâng khuâng, day dứt. Tôi muốn xin ở lại nhưng rồi nghĩ: khi tổ chức có quyết định là có cân nhắc, có yêu cầu cần hơn. Hơn nữa lâu nay lãnh đạo Bộ Giáo dục chưa có ai là cán bộ dân tộc thiểu số, đây cũng là dịp mình đi lo chung cho đồng bào dân tộc thiểu số cả nước. Thế là không chần chờ, nấn ná nữa. Tôi đã gửi gắm con lại, báo cho vợ rồi lên đường với nhiệm vụ mới. Vợ tôi phải vội vã xin nghỉ phép vào sắp xếp cho các con, gửi sang ở bên văn phòng để trả nhà lại cho uỷ ban (vì các cháu mới vào năm học, lại là năm cuối cấp 3, phải ổn định học tập).

Tôi nhận nhiệm vụ xong, đi một vòng quanh các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung và Nam bộ để nắm tình hình. Công tác giáo dục lúc này cũng thật là cấp bách, hoà nhập, chuyển đổi cải cách thế nào để đưa hệ giáo dục Xã hội Chủ nghĩa – thay thế hệ giáo dục của chế độ cũ. Tôi quan tâm đặc biệt từ việc tổ chức giáo dục đối với các dân tộc thiểu số, vì có một số trường nội trú dân tộc cũ thì gần như tan rã, mà ở dưới cơ sở của các Tỉnh thì lại chưa có gì. Đang trên đường công tác ở Sóc Trăng thì có điện của tổ chức TƯ gọi về họp Đại hội 4. Tôi nằm trong số đại biểu đặc cách vì chưa kịp bầu cử ở cơ sở nào.

Ở Đại hội 4, tôi trúng cử vào uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành TƯ Đảng cùng với đồng chí Ksor Krơn và chị Y Một ở Gia Lai- Kon Tum ( lúc đó là một tỉnh) . Như vậy, chúng tôi là những uỷ viên Ban chấp hành TƯ người dân tộc Tây Nguyên đầu tiên. Vinh dự và cũng vô cùng lo lắng với trách nhiệm mới. Lúc đó Bộ giáo dục có tôi và anh Trần Thanh Khiết trúng cử. Anh Khiết mới từ miền Nam ra rất hiền lành và thân thiết với tôi. Lúc mới về Bộ giáo dục, đi đâu chúng tôi cũng thường đi với nhau. Một chuyện cũng buồn cười là văn phòng Bộ bố trí cho hai chúng tôi những cái xe cọc cạch nhất so với các vị thứ trưởng khác. Chị Nguyễn Thị Bình lúc đó là Bộ trưởng nhưng đâu có biết những chuyện đó. Sau Đại hội 4 ít lâu, anh Khiết về trưởng ban Tuyên giáo TƯ, còn tôi về chủ tịch Tỉnh Đăk Lăk. Lâu lâu gặp nhau tại nhà khách số 8 Chu Văn An, chúng tôi thường trao đổi về những hiện tượng tâm lý xã hội mới xuất hiện sau ngày chiến thắng, trong đó có việc xem thường cán bộ mới, cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số…Chính sách của Đảng thì ưu ái nhưng ba cái ông lằng nhằng thì rất hay phân biệt đối xử. Mà đã thiếu công bằng thì sẽ dễ phát sinh mâu thuẫn. Nếu có ai đó thẳng thắn nói ra lại rất dễ bị quy chụp là đòi hỏi nọ kia.

Lại trở về Đăk Lăk với quyết định làm Chủ tịch uỷ ban nhân dân Tỉnh, cùng với Bí thư là anh Trần Kiên , một đồng chí rất vô tư, thẳng thắn, cách mạng triệt để, bám sát nghị quyết TƯ từng vấn đề chặt chẽ, chỉ đạo thật kiên quyết, sâu sắc. Anh cũng rất quan tâm về công tác dân tộc, thường trao đổi bàn bạc với tôi với cương vị phó bí thư- chủ tịch Tỉnh, những vấn đề cần làm để đưa ra Đại hội Đảng bộ Tỉnh, đưa ra hội nghị Ban chấp hành Tỉnh uỷ để bàn và quyết định nhiều nghị quyết quan trọng.

Đăk Lăk những năm này vô cùng gay cấn với tình hình đang nóng bỏng : đói, bệnh, mù chữ, địch phá, 280km đường biên với Campuchia… . Tiếng súng biên giới ì ầm, có những buôn làng bị đốt phá phải di chuyển lui vào. Thị xã Buôn Ma Thuột phải đào lại hệ thống hầm hào trú ẩn khắp nơi. Rất thiếu cán bộ. Mặc dầu TƯ đã tăng cường chi viện, tích cực điều động nhiều cán bộ chuyên môn đầu ngành thật sự có chất lượng và một đội ngũ cán bộ cơ sở nhiều kinh nghiệm của Thái Bình đưa về các xã xây dựng Đảng và chính quyền. Đội ngũ này đã đóng góp cho Đăk Lăk nhiều công sức, hiệu quả về nhiều mặt. Nhưng vì nhiều lẽ, có những đồng chí lại ra đi bằng nhiều cách. Tôi còn nhớ một đồng chí phó giám đốc Sở giao thông rất giỏi, chỉ trong một thời gian ngắn đã làm được nhiều việc cho tỉnh, công việc đương tiến triển tốt tự nhiên cứ tha thiết xin chuyển đi với lý do bệnh tật, ốm đau, gia đình khó khăn…cuối cùng thường vụ Tỉnh uỷ cũng phải chấp nhận. Đồng chí ấy về Quảng Nam Đà Nẵng, vẫn phụ trách một Công ty có tầm cỡ của Bộ giao thông. Sau tôi mới hiểu: vì đồng chí ấy không chịu nổi một thủ trưởng vốn là cán bộ cũ, là Tỉnh uỷ viên nhưng hiểu biết về chuyên môn quá hạn chế, là lực cản lớn cho những công việc đang phát triển của mình. Lại còn một đội ngũ kỹ sư và công nhân kỹ thuật ngành xây dựng mà theo đề nghị của tôi anh Đồng Sĩ Nguyên đã cho điều về Đăk Lăk. Cuối cùng lực lượng này cũng bị phân tán rồi tan nát cả.

Tuy vậy, nhiều việc lớn đã được Đại hội Đảng bộ bàn bạc, nhất trí và quyết nghị, như : phải kiên quyết xoá đói, xoá Fulrô, xóa khố, xoá bệnh, xoá mù…Phải lấy vấn đề giải quyết đủ lương thực làm gốc để làm bàn đạp đi tới. Với sự chỉ đạo sâu sát và năng động của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Trần Kiên, đã huy động được toàn Đảng bộ và bộ máy chính quyền do tôi phụ trách, làm được một số việc có kết quả:

1 – Tập trung một lực lượng lớn cán bộ đi về cơ sở, xây dựng các buôn làng, hướng dẫn sản xuất, tổ chức lực lượng dân quân tự vệ, tuyên truyền cho dân hiểu những chính sách của Đảng, của nhà nước, chống những luận điệu phản động của Fulrô.

2 – Xây dựng những mô hình cụ thể: làm thuỷ lợi, làm ruộng lúa nước, làm những cây, con thí nghiệm.

Những công trường lớn được mở ra, khí thế ra quân thật sôi động. Có những cán bộ kỹ thuật lo lắng: thí nghiệm mà làm lớn, nếu thất bại thì cũng mất lớn. Vợ tôi lúc đó mới được phân công tác quản lý khoa học – kỹ thuật của Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã nói những khó khăn đó và được anh Kiên giải thích: “Để có được kết luận, tôi phải làm với những quy mô lớn ở từng tiểu vùng. Còn các đồng chí cứ cho làm những mô hình thí nghiệm hoàn chỉnh, thật đúng quy trình kỹ thuật trên các địa bàn đó đi, nhưng phải làm kịp thời.Kết quả của các đồng chí tôi sẽ tiếp tục bổ xung uốn nắn trong chỉ đạo thực hiện mở rộng”. Tôi nghĩ đó là cách làm đúng trong những yêu cầu cấp bách khi đó.

Thật ra đồng chí ấy đã không thất bại, bao nhiêu kết quả của các công trình thí nghiệm đã được nhân dân Đăk Lăk ứng dụng và phát triển sau này. Mấy năm sau, khi không còn người dân nào phải ăn độn và cuộc sống thanh bình, không còn lo Fulrô quấy phá, mọi người vẫn nhắc nhở đến đồng chí bí thư tỉnh uỷ đầy nhiệt tình, trách nhiệm, năng động đó.

Đặc biệt là các công trình thuỷ lợi. Xác định nước là vấn đề sống còn đối với Tây Nguyên, đồng chí bí thư đã đốc thúc chúng tôi tập trung toàn lực vào thuỷ lợi. Đồng chí Trần Nhơn giám đốc Sở thuỷ lợi lúc đó ( sau là thứ trưởng thường trực của Bộ thuỷ lợi) luôn luôn bị đồng chí bí thư tỉnh uỷ trực tiếp chất vấn và yêu cầu cùng đi các hiện trường. Phải nói rằng, những thắng lợi của thuỷ lợi Đăk Lăk khi đó được nhắc đến nhiều chính là có sự đóng góp tích cực của đồng chí Trần Kiên, với sự chỉ đạo rất tập trung, kiên quyết. Các đồng chí cán bộ kỹ thuật thuỷ lợi trong niềm vui thắng lợi cũng thừa nhận: mặc dù luôn bị dồn thúc, nhưng tất cả những yêu cầu cần thiết có thể thì đã được bí thư, chủ tịch ưu tiên giải quyết.

Chính nhờ những mô hình cụ thể với cách làm chỉ tận tay cho cán bộ cơ sở, sự kiểm tra gắt gao và chặt chẽ, việc thực hiện các nghị quyết lúc đó chỉ trong vòng 2, 3 năm, hàng mấy ngàn hecta ruộng nước, hơn 500 công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ được phát triển trong toàn tỉnh. Trong đó có công trình thuỷ điện Drei H’Linh 4000kw và nhiều công trình thuỷ lợi nhỏ khác. Dân no đủ, Fulrô lục tục ra hàng, còn ít thằng phản động nhất thì chạy trốn qua biên giới. Ở những vùng trọng điểm, dân tự kiểm điểm, nắm được từng tên Fulrô nào vắng mặt lại vận động gia đình gọi về. Có nhiều người trở về sau này đã trở thành cán bộ cơ sở tốt của ta. Chiến thắng biên giới Tây Nam lúc đó với sự sụp đổ của chính quyền phản động Pôn Pốt trên đất bạn Campuchia, đã tạo cho chúng tôi thêm nhiều thuận lợi. Hầm hào được san phẳng, đời sống của dân một bước được ổn định, yên tâm sản xuất. Giáo dục từng bước phát triển, tỉnh được công nhận xoá mù chữ, y tế nông thôn buổi đầu đã có một số trạm xá về tới buôn làng.

Những điều đã đạt được chính là cái nền đưa dân bước tiếp. Đảng bộ chúng tôi hy vọng rằng sẽ từ ăn no mặc ấm tiến dần lên ăn ngon mặc đẹp, dù mục tiêu này rõ ràng không đơn giản.

Cà phê, cao su trên vùng đất bazan quý giá, cùng với diện tích rừng còn trong số lớn nhất nhì của cả nước. Đó là những thế mạnh của Đăk Lăk để đi lên. Nhưng còn tiền, còn lao động, uỷ ban kế hoạch nhà nước cũng cố gắng để cân đối cho Đăk Lăk nhưng cũng rất hạn chế. Còn các bộ cũng nhiều hứa hẹn, nhất là khi anh Văn ( đại tướng Võ Nguyên Giáp) chỉ đạo và có báo cáo đặc biệt cho Bộ chính trị về Tây Nguyên. Tiếc rằng sau khi anh Văn ( Võ Nguyên Giáp) không còn phụ trách thì các bộ cũng dần dần rút đi một cách êm ắng. Tôi nhớ, anh Nguyễn Công Tạng, lúc đó còn là thứ trưởng Bộ nông nghiệp đã say sưa biết bao với cây ngô Đăk Lăk, và đã có những dự án về cơ giới hoá, về phục tráng giống ngô vàng Tây Nguyên khá kỹ. Đây là một việc làm rất trúng, nhưng rồi anh cũng lặng lẽ ra đi. Sau chúng tôi được biết vì phải tập trung vào chương trình lúa gạo ở Đồng bằng Sông cửu long. Thành tích ở nơi ấy cho thấy đấy là một sự chuyển hướng tập trung cần thiết, nhưng giá như những chương trình ở Tây Nguyên cũng được tiến hành song song như đã đề ra, đã nhiều hứa hẹn. Dù sao ở góc độ của tôi cũng chưa đủ tầm nhìn để đánh giá đầy đủ.

Tuy vậy, những lúc đó, tất nhiên địa phương không thể chỉ ngồi kêu. Ở cương vị bí thư tỉnh uỷ, đồng chí Trần Kiên thường trao đổi với tôi, phải nỗ lực về lương thực, nhưng đó mới chỉ để làm nền, làm bàn. Đi lên là phải từ cà phê, cao su, tôi nói thêm là còn phải từ rừng nữa. Nhưng thực ra lúc đó chưa nghĩ được “từ rừng” cụ thể là như thế nào ? Anh Kiên đã cùng tôi đi gặp những người trồng cà phê, cao su lâu năm ở Đăk lăk, đã hỏi ý kiến những nhà kỹ thuật nông nghiệp, những kỹ sư trẻ có mặt lúc đó, rồi tính toán đưa ra Tỉnh uỷ bàn bạc và quyết định.

Lo chống đói, chống địch, công việc ban đầu mới chỉ là thu gom các vườn cà phê, cao su từ các chủ tư nhân thành các nông trường quốc doanh cà phê, cao su. Công nhân và cán bộ khung quản lý phải chia sẻ từ các nông trường Nghệ Tĩnh miền Bắc tăng cường vào. Đăk Lăk trở thành một tỉnh có số nông trường quốc doanh lớn nhất nước. Việc phát triển thêm chưa làm được bao nhiêu, mặc dù đã có hoạch định lớn từ các đoàn quy hoạch của trung ương, như 20 vạn hecta cà phê – cao su của Bộ Nông nghiệp trình, đã được nhà nước phê duyệt.

Một chiến dịch trồng mới 5000ha ca phê được đưa ra năm 1979 và đã được chỉ đạo thực hiện đạt kế hoạch đó. Tuy nhiên, số diện tích này sau bị mất quá nửa. Có nhiều nguyên nhân: do thuỷ lợi chưa làm kịp, do một số cơ sở để đạt chỉ tiêu diện tích, đã làm không đúng quy trình kỹ thuật, hoặc do việc chăm sóc tiếp theo không đạt yêu cầu. Sau này, có những sự phê phán từ nhiều góc độ. Tôi nghĩ trong việc làm ăn lớn, có thành công, có thất bại, người đứng trong cuộc mới thấy đầy đủ, vấn đề là biết rút ra ở đó những bài học. Hơn nữa cơ chế chung lúc đó chưa cho phép huy động được những quy luật kinh tế mà ta đã thấy, đã và đang đổi mới. Vì vậy có những người hạ lời phê rằng: “ý chí cách mạng cao mà dốt nát (ý nói trình độ văn hoá thấp) thì sức phá hoại càng lớn…”. Không hoàn toàn đúng với thực tiễn ở đây. Chính lúc này tôi lại rút ra được một điều khác “trí tuệ, thông minh, năng động…nhưng thiếu cái tâm của đạo đức cách mạng, của con người cộng sản chân chính thì sự phá hoại, sự tổn thất còn ghê gớm không thể lường được. Chẳng hạn như quốc nạn tham nhũng, và lãng phí mà nhân dân ta đang phải chịu đựng và chúng ta đương cố tìm được thoát ra”. Nhân đây tôi muốn nhắc lại một hai chuyện của thời kỳ đó mà sau này vẫn còn dư âm vang vọng mãi:

1. Công trường sắn buôn Jah Wam:

Đây là một vấn đề mà anh Trần Kiên phải chịu tai tiếng nhiều nhất : “phá rừng…trồng sắn…”. Thực tế lúc đó cả nước đương thiếu lương thực nghiêm trọng, đồng chí Năm Công đặt vấn đề: “Đăk Lăk phải vì cả nước trồng 10000ha sắn”. Chúng tôi không thể nào từ chối và đã bàn: Khu vực buôn Jah Wam ( Gia Vằm- huyện Cư Mgar) nằm trong quy hoạch 20 vạn ha cà phê, ca cao đã được nhà nước duyệt. Bây giờ vì yêu cầu lương thực của cả nước, tổ chức công trường khai hoang 5000ha trồng sắn rồi năm sau sẽ chuẩn bị trồng cà phê.

Quyết định được giao cho anh Ba, kỹ sư Lâm Sinh phó giám đốc Sở lâm nghiệp làm trưởng ban chỉ huy công trường, để thực hiện phương án vừa khai hoang, vừa bảo vệ được rừng với quy trình hữu hiệu nhất. Công trường đã được mở ra đúng hạn định nhưng lao động được hứa điều động về vẫn chỉ là con số không. Với số lao động có trong tay, dù đã cố gắng nhiều cũng chỉ mới được hơn 1000ha, cũng chưa kịp dọn dẹp. Giống sắn đưa về chất đống, nảy mầm cao còn nằm đó. Đi họp TƯ về, lao xuống công trường, anh Kiên đã trao đổi với tôi: Lệnh ngừng chặt phá rừng để dọn đất, đóng cửa các cơ quan Tỉnh, chỉ để người trực, huy động toàn lực cán bộ công nhân viên đi trồng sắn. Cũng nhờ biện pháp chữa cháy này gần 2000ha mì đã trồng xong. Rừng không phá tiếp vì TƯ không có lao động điều thêm. Với năng xuất 15- 20kg một gốc sắn trên đất đó có được hàng ngàn tấn sắn khô cho nhà nước. Một số buôn dân tộc quanh vùng, khi chưa làm được ruộng lúa nước, đã nhờ sắn này khỏi phải đi đào củ rừng. Anh Trần Kiên thì nhận được một câu ca “nằm ngửa thấy ông Kiên, nằm nghiêng thấy công trường” của anh em cán bộ lúc đó. Nhưng cũng có đồng chí như anh Quế là thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp khi ấy cho ngay một nhận định: “Bắt phó giám đốc Lâm nghiệp đi phá rừng”. Thật ra mọi chuyện đều có nhân và có quả…

2. Phá rừng khộp, xây dựng đồng lúa nước ở Ea Suop:

Ai đã từng ở Tây Nguyên đều biết những dải rừng khộp ( một loại cây học dầu có sức chịu hạn rất cao ) ở khu vực biên giới phía Tây mênh mông và bằng phẳng, mùa mưa nước ngập tràn đầy, nhưng mùa khô nắng cháy bỏng, bụi cát làm xe bị lầy vì mất ma sát. Các nhà khoa học nói: chính khí hậu, môi trường đó mới sinh ra cây khộp. Chỉ có những loại cây “ họ dầu” mới chịu được hạn và đủ sức tiếp tục tái sinh trong môi trường khắc nghiệt này. Nhưng dân thì không thể chỉ sống với cây khộp, có vài buôn làng thôi mà luôn luôn phải cứu đói.

Anh Kiên đề xuất: Nếu giữ được nước của mùa mưa, ta sẽ xây dựng được cánh đồng rất bằng phẳng ở đó. Một số nhà khoa học cũng lại nhắc nhở : coi chừng sẽ tạo nên sự sa mạc hoá vì đất ở đây đã kiệt cằn rồi. Ai đó cũng viết một bài dài kín trang báo Nhân dân về đất dưới rừng khộp.Nhưng rồi cũng có ý kiến là ở bên Campuchia trước đây người ta cũng đã xây những hệ thống mương máng, làm ruộng lúa dưới rừng khộp. Chúng tôi cũng rất suy nghĩ, băn khoăn, nhưng vấn đề đặt ra lúc đó là: đây là vùng rừng biên giới bạt ngàn. Muốn chống địch lẩn lút phá hoại phải có dân, muốn đưa dân đến phải có gì ăn được tại chỗ. Vì thế, hạ quyết tâm phải xây dựng hồ chứa nước với hệ thống mương máng đưa về các cánh đồng và phải làm những mô hình thử nghiệm. Nhiều giống cây trồng được đưa đến như đỗ tương, mía, thuốc lá, và nhiều giống lúa…

Vợ tôi cũng phải lặn lội vào đây cùng một nhóm kỹ sư nông nghiệp của trường Đại học Tây Nguyên để tổ chức một mô hình thực nghiệm trả lời cho đồng chí bí thư những thông số cần thiết. Fulrô hoạt động rất mạnh. Đồng chí Châu, trưởng ban Kinh tế mới, hai lần bị địch phục bắn sượt qua đầu. Bản thân tôi cũng bị địch phục kích đón đường, may tôi lại quay về theo lối khác. Thế mà vợ tôi một mình với chú lái xe băng qua đường rừng trong đêm mưa gió, xuống buôn thì ăn cơm giã muối ớt. Còn chú kỹ sư trẻ người Nam bộ của trường Đại học Tây Nguyên lúc đó, mỗi lần đi lại đạp xe cọc cạch trên 70km đường rừng nhưng vẫn kiên trì, lặng lẽ làm việc. Chúng tôi bảo nhau: Thế là lớp thanh niên cách mạng tháng 8 và lớp thanh niên sau 1975 vẫn hoà nhập với nhau rất đẹp đấy chứ.
bmt4
Nhiều loại cây lên tốt, nhất là đỗ tương. Lúa thì năng xuất chưa cao nhưng triển vọng. Rõ ràng đây không phải là đất bỏ. Ba trung đoàn thanh niên lao động Thái Bình đã được điều về đây để khai hoang, xây dựng cánh đồng lúa nước và làm công trình thuỷ lợi, chuẩn bị cơ sở để đưa dân đến. Thật là vô cùng gian khổ, nắng cháy bỏng của rừng khộp mùa khô, có chỗ rất khó khăn về nước. Đào giếng 20m lại gặp đá mẹ (đá bazan già) nổ mìn cũng không di chuyển được bao nhiêu. Các cháu nữ thanh niên, quần áo rách bươm, lấy cả những vỏ bao phân hoá học làm quần áo đi lao động. Suốt ngày đi ngả cây rừng, chiều về đi cả cây số mới có nước. Thế mà vẫn hát hò. Có cháu gái nói chuyện: “Ở Thái Bình chúng cháu chỉ biết làm thâm canh trên những cánh đồng màu mỡ từ bao đời, còn thời gian là làm các nghề thêu, đan xuất khẩu. Vào đây cực quá, cháu nhớ nhà quá, tối nào về lán nhớ mẹ cũng khóc, nhưng nhất định cháu không trốn đâu”. Đúng là cháu cười thật tươi trong nước mắt ứa ra. Tuổi trẻ của dân tộc ta là như vậy, ở bất cứ đâu, lúc nào họ cũng thể hiện được lòng dũng cảm bất khuất. Thật xúc động với chúng tôi, những người phải chịu trách nhiệm chính trước các cháu. Với sự nỗ lực trong cả một mùa khô, cánh đồng gần ngàn ha lúa nước với công trình thuỷ lợi, hồ chứa nước, đường mương máng dẫn nước đã hoàn thành. Nhưng lại có sự thay đổi chủ trương,tỉnh Thái Bình không đổ dân vào đây nữa vì chuyển hướng về đồng bằng sông Cửu long. Một số thanh niên còn trụ lại, bổ sung vào đội ngũ cán bộ của Đăk Lăk và huyện mới ngay trên đất này. Điều đáng nói là công trình thuỷ lợi đã thay đổi cả môi sinh của khu vực này. Hơi nước đã làm dịu đi cái nóng gay gắt của mùa khô, và chính nước đã làm nên điều kỳ diệu: Đất khô cứng dưới rừng khộp đã mềm lại khi ngâm nước và cho những ruộng lúa năng xuất ban đầu trên 3tấn/ha 1 vụ. Đồng bào dân tộc dời buôn cũ về định cư bên mương nước với những vườn bầu, bí, cà, ớt xanh tươi. Họ còn biết khơi nước chảy vào những mé rừng Khộp để cấy thêm những vạt lúa nước (cây Khộp lá rộng, thưa, mùa khô thì rụng lá nên ánh sáng quang hợp đủ cho cây lúa phát triển). Đồng bào Quảng Nam Đà Nẵng kinh tế mới đã tiếp nhận vùng đất đó, với năng suất lúa thâm canh ngày càng tăng. Một số đồng bào Thái Bình cũng trụ lại thành một xóm có lúa nước, có vườn dâu, có cây trái xum xuê xanh mát mắt. Một thị trấn huyện đã và đang phát triển. Là người cán bộ dân tộc tại chỗ, mỗi lần về đây tôi không quên bóng dáng người đồng chí già, rất nông dân mà không kém phần khoa học thực tiễn đúng với ý nghĩa của nó. Thời kỳ đó là những bài học kinh nghiệm thực tiễn sâu sát, có đúng có sai mà tôi đã học được rất nhiều trong công tác tổ chức chỉ đạo, của đồng chí bí thư tỉnh uỷ Trần Kiên .

Cùng với các đoàn cán bộ khoa học của tỉnh uỷ cử đến làm chương trình Tây Nguyên I, các giáo sư: Nguyễn Văn Chiển về địa chất- địa lý tự nhiên, Lê Duy Thước về nông học, Cao Liêm về đất, Nguyễn Sinh Huy, Nguyễn Trọng Hùng về nước mặt- nước ngầm. Các nhà khoa học xã hội: Đào Văn Tập, Vũ Khiêu… và hàng trăm cán bộ khoa học kỹ thuật trẻ của các trường Đại học lớn, các Viện nghiên cứu của nhà nước đã giúp đỡ chúng tôi rất tâm huyết trong việc đành giá đúng tiềm năng của địa phương để định hướng đi lên. Những cuộc hội thảo khoa học tự nhiên, về kinh tế xã hội trong những năm đó rất bổ ích đối với tôi. Tất cả những vấn đề trên đã trang bị cho tôi một cái vốn khi chuyển sang nhiệm vụ làm bí thư tỉnh uỷ cuối năm 1979, thay đồng chí Trần Kiên được điều về làm bộ trưởng Bộ lâm nghiệp

Lúc bấy giờ, đói tạm ổn nhưng địch còn phá mạnh. Có thời điểm địch đã tổ chức vận động đưa hàng ngàn thanh niên cả Lâm Đồng và Đăk Lăk qua bên kia biên giới, để xây dựng quân đội của chúng. Lực lượng vũ trang của ta đã vô cùng gian khổ để phá vỡ âm mưu này. Đăk Lăk với 11 đồn biên phòng rải trên 240km biên giới. Đường xá chưa có, việc đi lại, liên lạc giữa các đồn rất khó khăn. Nhận nhiệm vụ bí thư tỉnh uỷ, trước tiên tôi phải tập trung chỉ đạo làm đường biên giới, dứt điểm hoàn thành trong mùa khô. Nhờ đã có những bài học kinh nghiệm, tôi kiên quyết tập hợp lực lượng, giao nhiệm vụ chỉ đạo, thiết kế kỹ thuật cho sở giao thông, còn là huy động lao động của toàn bộ các cơ quan ban ngành, đơn vị TƯ, địa phương trên địa bàn phải góp công sức phối hợp với dân cùng thực hiện. Những đơn vị lớn như Liên hiệp lâm công nghiệp Ea Sup phải nhận thực hiện hẳn một đoạn đường. Kết quả: đã hoàn thành nhiệm vụ trước mùa mưa, lễ khánh thành có đồng chí Nguyễn Chơn, tư lệnh quân khu 5 và cả đồng chí Trần Kiên, bộ trưởng Bộ lâm nghiệp cùng về dự. Cho xe chạy suốt một vòng qua các đồn biên phòng chỉ trong một ngày, gặp những bộ mặt tươi vui hớn hở của anh em bộ đội, dân công, lòng tôi dâng lên một niềm vui khó tả. Từ đây, các chiến sĩ biên phòng đã có thêm một điều kiện tốt để bảo vệ biên cương của tổ quốc.

Vấn đề còn lại đặt ra lúc đó là định hướng đi lên như thế nào trên kho tài nguyên quý giá để một bước nâng cao đời sống của dân, tiếp tục phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng địa phương, xây dựng đất nước và đó mới là điều kiện diệt địch tận gốc. Cơ cấu kinh tế Nông – Lâm – Công nghiệp được xác định nhưng con đường trước mắt là phải sản xuất hàng xuất khẩu và tranh thủ quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, trong khó khăn chung của cả nước, đang mày mò để thoát ra khỏi những bế tắc của cơ chế quan liêu bao cấp, nó cũng ràng buộc chúng tôi đủ chuyện. Đồng bào các dân tộc vẫn ở mức sống rất nghèo cực. Tôi rất xót xa khi thấy đồng bào mình áo rách, vai trần, mang khố, đi chân đất, để làm xuất khẩu. Tôi đã nói lên điều đó ở nhiều chỗ, thậm chí đó cũng là một trong những vấn đề làm một số người đã đánh giá tôi là “dân tộc hẹp hòi”. Nhưng tôi nghĩ: cán bộ dân tộc như chúng tôi được Đảng giáo dục và đào tạo chính là những cái cầu nối giữa Đảng và các dân tộc. Nếu không phản ánh trung thành những sự thật thì chúng tôi còn tiêu biểu, còn đại diện cho ai ?

Những mâu thuẫn mới phát sinh, giữa việc dân số tăng cơ học ngày một cao, lúc đó đã gấp đôi ngày mới giải phóng. Rồi các nông lâm trường quốc doanh phát triển lớn, bao trùm lên tất cả vùng cư trú xưa nay của đồng bào. Phải suy nghĩ giải quyết những vấn đề đó. Nghị quyết 03 của Tỉnh uỷ về tổ chức định canh, định cư cho đồng bào các dân tộc ra đời trong bối cảnh đó. Nội dung định canh, định cư ở đây cũng khác hẳn với đồng bào các dân tộc thiểu số miền Bắc

– Phải tách được những hộ trong nhà dài theo chế độ mẫu quyền, mới khuyến khích được thanh niên phát triển sản xuất và xây dựng đời sống.

– Phải hướng dẫn làm ăn, trước tiên là kinh tế vườn trên đất bazan quý báu này để tự cải thiện, theo kinh nghiệm những đồng bào Kinh di cư đến đây từ nhiều năm đã trở nên giàu có.

– Phải có sự hỗ trợ tích cực của nhà nước cùng với tập quán “tập thể” của đồng bào, thông qua các tổ chức Nông – lâm trường quốc doanh, các hợp tác xã trên đất của đồng bào đương sống.

Nếu chăm lo cho đồng bào tốt thì sẽ xoá được những mâu thuẫn nảy sinh và chắc chắn xoá hẳn nạn địch lợi dụng phá hoại . Vì vậy, theo nghị quyết là các Nông – Lâm trường quốc doanh có trách nhiệm tổ chức về mặt kinh tế – xã hội giúp đồng bào dân tộc tại chỗ, và tuyển chọn những lao động chính của họ vào làm công nhân của các nông lâm trường.

Tỉnh uỷ chúng tôi đã bàn rất kỹ trước khi ra nghị quyết. Còn tôi nghĩ rằng: khi làm sẽ có những vấn đề mới phát sinh, sẽ tiếp tục bổ sung và chỉnh đốn. Nghị quyết 05 của Tỉnh uỷ sau này chính là tiếp tục bổ sung cho nghị quyết 03.

Nhưng lúc đó có 2 vấn đề tranh cãi : tách nhà dài và đưa dân vào nông, lâm trường. Cũng đã có ý kiến phản bác phê phán chúng tôi là duy ý chí. Trong khoa học làm sao tránh khỏi những quan điểm khác nhau, nên chúng tôi vẫn lắng nghe. Thời gian sẽ là những trọng tài tốt nhất. Thật sự làm gì có những khuôn mẫu sẵn để dập theo, mọi việc đều phải mò mẫm và phải bằng những mô hình thực tiễn để giúp giải quyết. Thời gian này ở Đăk Lăk đã có nhiều mô hình tốt, kể cả được và chưa được. Các mô hình xã, hợp tác xã như Ea Fê, Cuôr Đăng, Cư Jut, Buôn Trinh, các nông trường cà phê Thắng Lợi, Thuận An, Ea Sim, Ea Tul,… nông trường cao su Cư Bao, Ea Đrơng, nông trường chè Đăk Nia , lâm trường Quảng Sơn…là những chứng minh rõ nét.

Ở đâu, cán bộ cơ sở vững vàng, tâm huyết, quán triệt tinh thần nghị quyết Tỉnh uỷ, thật sự thương đồng bào, biết huy động lực lượng già làng, đào tạo sử dụng các cán bộ dân tộc trẻ tham gia quản lý, đều đạt được thành công, trong niềm vui đã thật sự đổi đời cho đồng bào dân tộc tại chỗ. Còn ở đâu, cán bộ quan liêu, ban ơn hoặc nói suông đều thất bại. Đó là chưa kể những nơi xa xôi hẻo lánh, cán bộ đều qua loa, người tại chỗ không có hoặc quá yếu thì không hiệu quả là lẽ đương nhiên. Tôi nói ở đây một vài nơi đã làm được:

– Xã Cuôr Đăng, một xã toàn đồng bào dân tộc Êđê, nổi tiếng là cơ sở của bọn Fulrô đầu xỏ. Ngày mới giải phóng, 2 cán bộ cơ sở của ta đã bị giết ở đây, trong đó có một đồng chí là huyện uỷ viên, bí thư chi bộ Đảng người Kinh. Nhưng ngày nay là một xã có chi bộ vững mạnh, gần 20 Đảng viên, uỷ ban xã đủ năng lực , tất cả đều là cán bộ dân tộc Êđê tại chỗ. Dân no đủ, giàu lên với mấy trăm ha cà phê liên kết với nông trường Thắng lợi, với những vườn gia đình cũng cà phê, tiêu, cây ăn trái xum xuê… Xã cũng đã cung cấp cho huyện, tỉnh những cán bộ dân tộc trưởng thành.

Nhớ lại ngày nào tôi trực tiếp đến đây xây dựng xã theo nghị quyêt của thường vụ Tỉnh uỷ (vì đây là một trong 4 xã trọng điểm fulrô có cơ sở mạnh, phải xây dựng kinh tế, xã hội tốt để xoá địch, thậm chí thuyết phục địch & dân). Các cụ già làng đi bộ gần 20km lên tận nhà tôi thắc mắc về việc rời nhà, rời làng ra khu định cư ven đường 14. Tôi đã về 2 đêm cùng đồng bào trao đổi bên những ché rượu cần và dàn chiêng rộn rã. Để cho bà con nói hết, tôi mới trả lời, kết hợp giải thích những chủ trương và đặt vấn đề rõ ràng: đây là việc tốt cho dân làng nhưng hoàn toàn tuỳ bà con suy nghĩ, không gò ép ai cả. Ai ưng thì đăng ký với chủ tịch, ra nhận đất vườn, việc dời nhà dân tự làm, giúp nhau làm, nhà nước sẽ hỗ trợ cái gì thật cần thiết (ví dụ mua gỗ , ván xẻ…). Ai chưa ưng thì cứ ở lại buôn làng cũ làm ăn rồi sẽ tính dần.

Lúc đầu là gần 100 hộ vừa cán bộ vừa các cặp vợ chồng trẻ đăng ký. Họ được Sở nông nghiệp tổ chức cho đi thăm quan vườn cây của đồng bào Kinh ở xã Đạt Lý gần đó, và giúp một vài gia đình chính sách xây dựng vườn mẫu có giếng nước, nhà vệ sinh, chuồng heo, gà sạch sẽ. Khi dời nhà xong, được xã sẵn sàng bán cho những giống cây cần thiết. Có nhà qua một mùa trồng củ Sinh địa (một cây thuốc Nam mới được di thực) thu được bộn tiền. Tiếp tục là cây cà phê, cây tiêu, cây ăn trái. Qua một mùa nữa, cây xanh mát mắt, mọi người trầm trồ rồi tiếp tục xin ra. Cuối cùng những buôn xa nhất cũng xin dời nhà và cả xã mấy trăm hộ gia đình đã ra đầy đủ, với những vườn cây xanh tốt, những mái nhà ngói đỏ au. Anh Y Blok lúc đó làm chủ tịch UBND tỉnh thay tôi, cũng say sưa trong việc tổ chức giúp dân thực hiện nghị quyết. Tôi đi về đấy như người nhà, nhiều anh em cán bộ Kinh cứ tưởng đó là buôn làng quê tôi. 5 năm sau tôi không còn làm bí thư tỉnh uỷ, nhưng ngày tôi ra Hà Nội nhận nhiệm vụ chuyên trách của Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá 9, dân làng tổ chức lễ cầu phúc, người già dặn dò, mọi người thay mặt gia đình đeo vòng chúc phúc cho tôi, suốt cả cánh tay dài không hết.
BMT2
Ở lâm trường Quảng Sơn của đồng bào M’Nông huyện Đak Nông cũng vậy. Đây là điểm đưa dân vào lâm trường đầu tiên của đồng bào M’Nông. Nhờ sự tích cực nhiệt tình của đồng chí Chuyển giám đốc, kỹ sư lâm nghiệp người Thái Bình, cùng sự quan tâm chỉ đạo của liên hiệp Lâm – Nông – Công nghiệp Gia Nghĩa thực hiện nghị quyết của tỉnh uỷ, đời sống đồng bào đã khác xa xưa. Có thuỷ điện, có nước, có nhà ngói, có vườn cây… Tôi không còn làm bí thư nhưng mỗi lần có cán bộ của Tỉnh về, họ đều thăm hỏi và gửi cho tôi gạo nếp, mật ong. Mới đây, sau kỳ họp 6 của Quốc hội khoá 9, về tiếp xúc cử tri, trời mưa tầm tã, tôi phải tới từng nhà. Bà con tay bắt mặt mừng. Có vợ chồng cháu thanh niên công tác ở tỉnh trước đây, nay có khó khăn nên về lại buôn, ôm choàng lấy tôi mà khóc. Biết bao tình cảm xúc động.

Cũng trường hợp này khi tôi đến nông trường Ea Sim (Việt Đức 2 thuộc Liên hiệp cà phê Việt Nam trên địa bàn Đăk Lăk). Hai đội sản xuất người Êđê được giúp đỡ làm kinh tế vườn thật tốt. Đồng chí hội trưởng dẫn đi thăm các hộ gia đình nói với tôi: “ giờ đây cũng còn vài hộ túng thiếu nhưng là do họ siêng ăn, nhác làm thôi bác ạ”. Vào nhà đồng chí đó với tiện nghi đầy đủ, ti vi màu có cả dàn Karaoke và video, xe cầy, xe Dream, điện thắp sáng , bồn chứa nước với máy bơm từ giếng lên, qua đường ống có vòi vặn vào nhà bếp, nhà tắm đầy đủ. Còn ở Cư Bao, Ea Drơng đã xuất hiện những hộ dân tộc được sự giúp đỡ của nông trường, dám nhận liên kết làm những vườn cây cao su từ 50 tới 100ha, đảm bảo kỹ thuật không thua kém người Kinh. Tôi nghĩ: rõ ràng một sự đổi đời của đồng bào tôi, đó là những tiền đề cho tương lai. Chỉ tiếc rằng ở những vùng sâu xa vẫn còn nhiều khó khăn.

Đã có rất nhiều cố gắng ở địa phương, nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Thậm chí có chỗ, có nơi số vốn định canh định cư của nhà nước đầu tư cũng lọt thỏm đi đằng nào. Có thể vì ở những nơi này thiếu hẳn một đội ngũ cán bộ dân tộc đủ năng lực trình độ và tâm huyết, để tự hướng dẫn cho chính họ. Tôi nhớ hồi còn làm bí thư, đã có một nghị quyết của tỉnh uỷ phải đào tạo 3000 cán bộ cơ sở. Đó là một hướng đúng, nhưng cách đào tạo như thế nào? Quy hoạch kế hoạch cụ thể ra sao, tỉ lệ cụ thể cán bộ dân tộc ở mỗi nơi mỗi ngành bao nhiêu? thì ngay thời kỳ đó tôi thấy cũng chưa làm được đến nơi, đến chốn. Vấn đề là bộ maý tham mưu và cách tổ chức thực hiện của chúng tôi chưa đạt được yêu cầu, bản thân tôi cũng thấy rằng chưa kiên quyết chỉ đạo đúng mức.

Trong vấn đề phát triển cà phê, cao su có một kỷ niệm cần nhắc tới. Xác định rõ muốn phát triển phải tranh thủ đầu tư của nước ngoài lúc đó, chúng tôi rất ủng hộ gợi ý của Bộ Nông nghiệp về hợp tác 5000ha cà phê với Cộng hoà dân chủ Đức. Chúng tôi đã chọn những nông trường tốt để làm cơ sở đầu tiên cho việc liên kết. Những khó khăn về xây dựng cơ sở vật chất ban đầu, trong khi bạn chưa chuyển đến, nhà nước chưa lo được, Tỉnh chúng tôi đã tích cực hỗ trợ. Bộ Nông nghiệp hứa hẹn công trình liên kết sẽ giao cho Tỉnh trực tiếp làm với bạn. Tất nhiên không phải chỉ vì lời hứa đó mà chúng tôi cố gắng tập trung sức lo cho cơ sở này. Nhưng dù sao đó cũng là điều mong muốn, vì được như vậy chúng tôi sẽ có điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế địa phương. Đáng tiếc, đó lại là lời hứa suông. Bộ Nông nghiệp lúc đó đã khéo léo vận động Hội đồng bộ trưởng để lại việc chỉ đạo gíao cơ sở hợp tác đó cho Bộ. Không hỏi gì ý kiến địa phương, đồng chí phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng phụ trách nông nghiệp lúc đó, đã nói với chúng tôi là Hội đồng bộ trưởng quyết định giao cơ sở liên doanh này cho Bộ Nông nghiệp, vì Đăk Lăk không đủ điều kiện làm. Lãnh đạo Tỉnh đều rất bất bình, anh Y Blok lúc đó làm chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến phản đối thẳng thắn. Với cương vị là bí thư Tỉnh uỷ tôi phải lên tiếng: “Nếu Hội đồng bộ trưởng đã quyết định thì trước hết ta phải chấp hành, nhưng chúng ta sẽ có văn bản kiến nghị lại”. Nhưng chưa để chúng tôi kịp gửi văn bản kiến nghị, thì lập tức một thông báo của văn phòng Hội đồng bộ trưởng, do một phó chủ nhiệm của văn phòng ký đã nói là “ căn cứ vào sự nhất trí của cả Đăk Lăk, cơ sở hợp tác kinh doanh này hội đồng bộ trưởng quyết định giao cho Bộ Nông nghiệp” . Thông báo này đồng thời gửi cho cả bên Cộng hoà dân chủ Đức. Một số cán bộ của Uỷ ban kế hoạch nhà nước cho biết: thật ra chưa có quyết định chính thức và ý kiến của UB Kế hoạch nhà nước, cũng như đồng chí phó chủ tịch trực Hội đồng bộ trưởng cũng dự kiến : nếu Đăk Lăk đề nghị thì sẽ giao cho Tỉnh. Người ta nói Đăk Lăk hiền quá, chứ với Lâm Đồng đâu có lấy được cơ sở sản xuất chè.

Thực tế tôi cũng thấy đây là một vần đề rất không tốt trong quan hệ giữa Bộ Nông nghiệp với địa phương, về việc này cũng như cách làm việc của văn phòng Hội đồng bộ trưởng lúc đó. Vì trước đó chỉ mới một tuần lễ, anh Nguyễn Công Tạng thứ trưởng còn nói với tôi là “ ý anh Triều bộ trưởng trước sau như một là giao địa phương trực tiếp công trình hợp tác này”. Tất nhiên lúc đó quyền quyết định chưa phải do đồng chí Nguyễn Công Tạng. Nhưng nếu cứ đối phó với nhau bằng những thủ đoạn không trung thực, không lành mạnh thì kỷ cương đất nước còn gì. Chính vì vậy trong thời gian còn là bí thư của Đăk Lăk, tôi đã cùng các đồng chí lãnh đạo của Tỉnh, hết lòng giúp đỡ cho Liên hiệp xí nghiệp cà phê Việt Nam của Bộ Nông nghiệp, cũng như 2 liên hiệp xí nghiệp Lâm – Nông – Công nghiệp của Bộ Lâm nghiệp những điều kiện thuận lợi. Ngược trở lại, các đồng chí Tổng giám đốc các cơ sở đó như Đoàn Triều Nhạn, Nguyễn Xuân, Nguyễn Văn Chính cũng đã hết lòng giúp đỡ địa phương qua những việc phát triển kinh tế xã hội theo nghị quyết của Tỉnh uỷ. Tất nhiên không tránh được có những mâu thuẫn nảy sinh, nhưng nói chung là đã xây dựng được mối quan hệ tốt cho việc phát triển kinh tế xã hội cả TƯ và địa phương.
BMT1
Kỷ niệm 10 năm giải phóng Buôn Ma Thuột, đồng chí Vũ Kỳ đã tặng tôi tập ảnh “Hồ Chủ tịch sống mãi trong sự nghiệp chúng ta” với lời ghi nhắc nhở: “Càng nhớ ơn Bác Hồ kính yêu, càng đạt nhiều thành tích to lớn”. Đó là một kỷ niệm vô giá, vì nó nâng đỡ lòng tin và ý chí, nhất là ý chí của một người cộng sản, của lớp thế hệ thanh niên Hồ Chí Minh cách mạng tháng 8 chúng tôi .

Nhìn lại 10 năm trở về quê hương với 2 khoá TƯ uỷ viên, 2 khoá Bí thư tỉnh uỷ và hơn 1 năm làm Chủ tịch UBND Tỉnh. Cùng với toàn Đảng bộ và quân dân cả tỉnh, tôi đã ráng hết sức mình đóng góp phần xây dựng chăm lo cho đồng bào các dân tộc cuả Đăk Lăk vào sự nghiệp chung của cả nước. Mặc dầu đã có nhiều định hướng theo các nghị quyết của Đảng, nhưng trong thực tiễn bước đi còn mò mẫm,không tránh khỏi còn nhiều sai sót và còn nhiều điều mong muốn chưa làm được. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được cũng đã tạo nên một bước chuyển tiếp cơ bản, với hướng đi cụ thể, để tiếp bước đi lên.

62 tuổi, chuẩn bị cho Đại hội 6, Ban tổ chức TƯ hướng dẫn một số cán bộ ngoài 60 nên rút khỏi cấp uỷ địa phương, để trẻ hóa đội ngũ cán bộ. Tôi đã chấp hành nghiêm chỉnh, rút khỏi danh sách đề cử vào Ban chấp hành khóa 10 của Tỉnh uỷ Đăk Lăk. Đồng chí Lê Đức Tân, trưởng ban tổ chức TƯ có gặp tôi, đặt vấn đề rút ra làm công tác của Ban Dân tộc TƯ. Tôi nghĩ mình đã gần 30 năm kháng chiến ở miền Bắc, xa gia đình, quê hương, bố mẹ chết không được một lời từ giã cuối cùng, tâm lý không muốn đi xa nữa nên đã từ chối. Ở Đại hội 6, đồng chí Năm Công gặp tôi trong 5 phút: “ Bây giờ anh tuổi già sức yếu rồi, kỳ này nghỉ đi cho lớp trẻ lên”. Thực chất đó là làm công tác tư tưởng để rút tôi ra khỏi danh sách đề cử TƯ 6. Nhưng tới kỳ họp Quốc hội, do ý kiến của một số đoàn đại biểu, TƯ vẫn giữ tôi lại ở cương vị Uỷ viên hội đồng nhà nước. Rồi theo đề nghị của đồng chí Ksor Krơn, bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai- Kom Tum, Ban bí thư lại giao cho tôi phụ trách trường Đại học Tây Nguyên. Trở lại với sự nghiệp “trăm năm trồng người”, nhớ tới Bác Hồ, tôi đã chọn ngày 19/5/1987 nhận quyết định, để xác định một quyết tâm mới với một nhiệm vụ mới.

Chuyển sang một môi trường mới, tiếp quản một công việc cụ thể đương bộn bề nhiều tồn tại, xung quanh chưa có một cán bộ nào mình đã có một quá trình hiểu biết, để có thể là chỗ dựa tìm hiểu những thông tin tin cậy. Tôi phải tranh thủ tiếp xúc trực tiếp với từng loại đối tượng và thông qua Đảng uỷ, công đoàn nắm tình hình để có được một chương trình hành động sát hợp.

Điều thứ nhất tôi phát hiện là sự mất lòng tin trong tập thể cán bộ công nhân viên, do nhiều sự lộn xộn đã xảy ra, một số không yên tâm muốn xin chuyển, xin nghỉ. Hơn 200 người, trong đó ¾ là cán bộ giảng dạy, đa số là trí thức trẻ. Có số đã đến đây từ ngày đầu xây dựng trường được hơn 10 năm nhưng đời sống nói chung chưa ổn định, trừ một số đi dạy thêm còn đa số thiếu thốn, khó khăn. Đội ngũ cán bộ đầu đàn còn quá ít, 10 năm mới có vài ba người đi nghiên cứu sinh còn chưa về. Vì vậy, điểm đầu của chương trình hành động là phải ổn định đời sống, tạo điều kiện cho mọi người yên tâm công tác, giảng dạy. Tôi đề nghị công đoàn nghiên cứu việc chia đất, tạo điều kiện giúp đỡ làm nhà, xây dựng vườn cây trái. Những người có điều kiện thì nhận thêm đất quanh trường hoặc của nông trường Ea Kao gần trường để trồng cà phê liên kết. Chủ trương đó được địa phương và Bộ ủng hộ. Địa phương cho phép phân đất quanh trường cho anh, chị, em, tuỳ khu vực từ 300m đất tới 500m đất và Bộ giáo dục đào tạo mỗi năm cấp cho một số vật liệu xây dựng dành cho những anh, chị, em nghèo, trước hết là anh em cán bộ giảng dạy lâu năm.Đây là một mốc tạo dựng cơ sở đầu tiên cho mọi người làm kinh tế gia đình dần dần ổn định và có người khá lên. Mặt khác là khuyến khích cán bộ thực hiện những công trình nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật công nghệ, ký hợp đồng giúp cho các cơ sở sản xuất ở địa phương, từ đó bản thân anh em được bồi dưỡng bằng lao động chất xám của mình. Thông qua hoạt động giảng dạy, nghiên cứu ứng dụng khoa học cụ thể, phát triển những đồng chí có năng lực cho đi dự học các lớp nghiên cứu sinh hoặc bổ túc nghiệp vụ ngắn ngày trong cả nước.

Tôi cũng đề nghị Đảng bộ quan tâm phát triển Đảng, nhất là đối với trí thức dân tộc. Nhờ vậy, sau 5 năm đã cơ bản ổn định một bước, tạo điều kiện cán bộ yên tâm ở lại xây dựng trường, không còn ai xin đi. Đội ngũ cán bộ đầu đàn tăng khá hơn, trường đã có gần một chục phó Tiến sĩ, có một số đang làm nghiên cứu sinh trong nước hoặc thực tập sinh nước ngoài, đặc biệt khoa y đảm bảo các giáo viên bác sĩ đều được học nâng cấp cấp 1 + 2 tại các trung tâm chuyên môn ở t/p Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Vấn đề thứ 2 là chăm lo xây dựng cơ sở vật chất để có điều kiện dạy tốt, học tốt. Côt lõi của vấn đề này là tranh thủ được sự đầu tư của nhà nước thông qua Bộ giáo dục đào tạo, sự hỗ trợ chi viện của các tỉnh và của phụ huynh học sinh xây dựng trường. Nhờ vậy cũng giải quyết được một bước cơ bản về sửa chữa trường, lớp. Có tường rào ngăn, có điều kiện ánh sáng đủ, vệ sinh trật tự cho các lớp, ngoài ra còn xây dựng các trung tâm Tin học, nông lâm thực nghiệm và trang bị máy móc cho y khoa. Năm 1992 hoàn thành một ký túc xá 250 giường với các phòng tiện nghi đầy đủ, sau này do cung không đủ cầu, số gi tầng phải tăng tầng lên, chứa tới 500 sinh viên nên cũng có những trở ngại phát sinh. Năm 1993 tiếp tục khởi công xây dựng khu trung tâm nghiên cứu thực hành cho khoa y, đồng thời cũng kiến nghị Bộ y tế đồng ý cho nâng cấp Bệnh viện Buôn Ma Thuột trở thành bệnh viện thực hành cho sinh viên khoa y. Bộ Nông nghiệp, lâm nghiệp có góp phần đầu tư cho trung tâm thực nghiệm Nông Lâm trong việc trồng cây công nghiệp, trồng rừng. Đối với công tác đào tạo, xác định mục tiêu của trường là phải tập trung cao cho việc đào tạo các sinh viên dân tộc thiểu số. Tôi đã trao đổi với các tỉnh tăng cường việc tuyển sinh, nâng tỷ lệ từ 10% sau 5 năm lên được trên 30%. Về chất lượng đào tạo có đặt vấn đề với phòng giáo vụ, đào tạo tổ chức những lớp dạy thí điểm cải cách phương pháp giảng dạy phù hợp với sinh viên dân tộc và tổ chức tổng kết hội thảo rút kinh nghiệm từng đợt, nên chất lượng dạy và học đều có tiến bộ.

Như trên đã nói, do điều kiện kinh phí của nhà trường còn qúa hạn hẹp trong khi trường quá xuống cấp, đời sống nói chung rất khó khăn, nhưng nhờ tăng cường mối quan hệ với các tỉnh, các bộ ngành, các trường bạn, nên công việc của trường nói chung có chuyển biến một bước, nội bộ đoàn kết, đồng tâm nhất trí góp phần xây dựng trường. Tôi cũng cố gắng tranh thủ những quan hệ quốc tế với các đoàn đến làm việc tại địa phương, hoặc làm việc với nhà nước. Có nhiều hứa hẹn nhưng cũng chưa được gì. Riêng bà cháu nhà danh hoạ Picasso qua ban Việt kiều t/p HCM đã tặng 150 xuất học bổng cho các em sinh viên dân tộc thiểu số trong năm học 1992 – 1993, trị giá 150 triệu đồng. Hội thầy thuốc thế giới (médecim du monde) qua mối quan hệ với chị Ngọc Phượng, bệnh viện Từ Dũ đã giúp trang bị cho bệnh viện Tỉnh Đăk Lăk, để tăng thêm điều kiện học thực hành cho sinh viên. Nếu như Trung tâm nghiên cứu chuẩn đoán của khoa y trường ĐH Tây Nguyên xây dựng xong, thì cũng có điều kiện được trang bị thêm. Quan điểm của tôi về vấn đề này là đất nước mình đang nghèo quá, mọi điều kiện tối thiểu cho một trường đại học đều khó khăn, thiếu thốn. Nếu tranh thủ được các mối quan hệ quốc tế sẽ giúp cho điều kiện xây dựng cơ bản được nhanh hơn và nhanh chóng nâng cao được chất lượng đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên mình phải lựa chọn và luôn tỉnh táo. Tuy vậy, ở địa phương có những đồng chí chưa đồng tình, thậm chí phản ánh linh tinh. Cũng may mà trong những quan hệ của tôi chưa có điều gì vi phạm các nguyên tắc của nhà nước và đều đã thông qua các cơ quan có trách nhiệm.

Qua hơn 6 năm ở trường, tôi cũng có nhiều dự tính, ý đồ khác nhưng tiếc rằng thời gian hạn hẹp, mỗi năm tôi lại mất hơn 1/3 thời gian cho nhiệm vụ Hội đồng nhà nước vì vậy lực bất tòng tâm, chưa làm được bao nhiêu so với điều mình mong muốn. Nhưng dù sao tôi đã hết sức, hết lòng, cố gắng cùng Đảng bộ và anh chị em ở trường tạo dựng nên những cơ sở ban đầu, để có cái nền bước tiếp, và điều xúc động nhất đối với tôi là quan hệ tình cảm giữa hầu hết cán bộ và các thầy cô giáo, nhất là các thầy và các sinh viên dân tộc thiểu số. Họ thật sự thương mến tôi với những tình cảm chân thành đã bộc lộ rất sâu sắc trong dịp tôi 70 tuổi năm 1992, và cũng là dịp tôi vừa được Nhà nước tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân.

Tôi không bao giờ quên những tình cảm đó, và mong muốn những tháng năm còn lại sẽ cố gắng tiếp tục cùng anh chị em thực hiện tốt những việc đương còn dở dang. Tôi hy vọng là năm 1992 hết nhiệm kỳ của quốc hội khoá 8, tôi sẽ được nghỉ việc quốc hội để tập trung vào công tác của trường một vài năm tiếp, để đáp ứng được tình hình mới, nhất là việc đào tạo đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số đáp ứng những yêu cầu mới. Nhưng khoá quốc hội này tôi lại chưa được nghỉ, và công việc được giao trong nhiêm vụ mới lại phải chuyên trách nặng nề hơn. Tôi không còn được tiếp tục công việc của trường ĐH Tây Nguyên nữa. Thật bùi ngùi xúc động trong buổi tiễn đưa. Tôi tin rằng anh chị em ở trường cùng với thủ trưởng mới, một giáo sư, phó tiến sĩ đang ở tuổi sung sức với nhiệt tình vốn có, vẫn và sẽ sẵn sàng vì Tây Nguyên.

Từ 8/92 tôi nhận nhiệm vụ chuyên trách của Uỷ ban thường vụ quốc hội với cương vị Chủ tịch hội đồng dân tộc quốc hội, trách nhiệm nặng nề hơn, địa bàn rộng lớn hơn. Tuy nhiên cũng phải qua một năm tôi mới bàn giao xong nhiệm vụ của trường, vì chờ người thay thế. Tôi nghĩ đó cũng là một thiếu sót vì gần 6 năm ở trường mà chưa đào tạo được người kế cận, dù tôi vẫn thường nghĩ tới.Tuổi đã cao, sức khoẻ đã giảm, đó là lực cản hạn chế cho công tác. Nhưng với sự tín nhiệm của TƯ, của đồng bào các dân tộc quê tôi và của quốc hội, nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, tôi phải đi khắp các vùng dân tộc thiểu số cần thiết và hầu hết đều gặp tận người dân, tôi đã và đương cố gắng để làm tròn nhiệm vụ.

Gần 50 năm đã qua đi, từ những ngày sôi động của tuổi trẻ cách mạng tháng 8. Là một thanh niên dân tộc thiểu số của Tây Nguyên. Từ lòng căm phẫn với những bất công xã hội, căm phẫn sự bất bình đẳng dân tộc, sự kỳ thị dân tộc đến man rợ tồi tệ, từ khát vọng đem lại sự công bằng xã hội, đời sống ấm no hạnh phúc cho dân tộc mình và các dân tộc thiểu số anh em,từ tình yêu dân tộc, yêu tổ quốc Việt Nam tôi đã đến với Đảng, với Bác Hồ, với lý tưởng cộng sản. Tôi có vinh dự là đại biểu Quốc hội liên tục từ khoá 1 tới khoá 9, trong cuộc đời đã nhiều lần được Bác Hồ trực tiếp dạy bảo. Mỗi lần gặp Bác là một lần trưởng thành thêm về tư duy, phong cách người cộng sản. Từ khi Bác đi xa, mỗi lần họp Quốc hội một năm 2 kỳ được vào lăng viếng Bác, nhìn Bác nằm yên nghỉ lại nhắc tôi nhớ về lời thề khi vĩnh biệt Bác. Đó là lời thề: trọn đời vì sự nghiệp Cộng sản, vì sự nghiệp đoàn kết các dân tộc anh em trong cộng đồng tổ quốc Việt Nam, xoá dần khoảng cách giữa miền xuôi, miền núi, giữa người Kinh, người Thượng, xây dựng bảo vệ mái nhà ấm Việt Nam ngày càng tươi đẹp, đời đời bền vững.

Đó cũng chính là khát vọng của tôi từ những ngày còn rất trẻ. Khát vọng vì dân tộc tôi, dân tộc Êđê và tất cả các dân tộc Tây Nguyên và nay là cả 54 dân tộc trong cộng đồng của tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhờ có cách mạng, có Bác Hồ, có Đảng, tôi đã từng bước trưởng thành trong thực hiện khát vọng đó.

Tuy vậy, ngay tại quê tôi, có một số đồng chí đã sống nhiều năm gian khổ với các dân tộc chúng tôi, nhưng các đồng chí ấy vẫn chưa thể thông cảm được hết khát vọng này. Cũng vì vậy, sau 30 năm chiến đấu giải phóng đất nước trở lại quê hương với bao hoài bão ước mơ nhưng bên những tình cảm thắm thiết, những lời chỉ bảo chân tình cũng đã có những điều nhận xét:

– Y Ngông dân tộc hẹp hòi

– Y Ngông lập trường bấp bênh, chỉ ưa quan hệ tiếp xúc với người nước ngoài.

Đó không phải là những lời nói chính thức, nó chỉ rì rào như nước rỉ trong khe. Nhưng những điều đó thật xa lạ với bản chất của tôi, và với những người chân thật. Trong khi làm việc có đúng, có sai, có những cách nhìn, cách hiểu không giống nhau, tránh sao được người yêu, kẻ ghét. Miễn sao giữ cho lương tâm mình thanh thản vì tình nhân ái với mọi người như Bác Hồ đã dạy. Tôi chỉ muốn nói có một điều: xin đừng đánh giá những cán bộ dân tộc, hay nói đến vấn đề dân tộc thiểu số là hẹp hòi, vì nếu không có những tiếng nói chân tình, thẳng thắn của họ thì Đảng và nhà nước cần gì đến cơ cấu người dân tộc thiểu số trong tổ chức bộ khung, hoặc cứ im lặng và xuôi chiều thì thực chất những đại biểu dân tộc sẽ tiêu biểu cho ai, và sẽ có tác dụng gì cho sự nghiệp chung. Đây cũng là một điều tâm huyết chân thành, mong nếu đồng chí, bạn bè nào có dịp lướt qua những dòng hồi ức này sẽ rộng lòng thông cảm.

Tôi,Y Ngông Niê Kdăm, người thanh niên dân tộc Êđê của Tây Nguyên trong lớp thanh niên cách mạng tháng 8, lớp thanh niên con cháu Bác Hồ, với khát vọng vì Tây Nguyên từ tuổi trẻ,đã trọn đời vì sự nghiệp “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” cùng các dân tộc anh em như muôn màu hoa khoe sắc thắm trong tổ quốc Việt Nam mãi mãi xanh tươi, giàu đẹp.,.

Hà Nội – Hồ Chí Minh 1995

Bùi Thị Tân ghi

Một suy nghĩ 7 thoughts on “Hồi Ký của Y Ngông Niê Kdăm”

  1. Chào chị Linh Nga,

    Phượng mới lục ra được chùm ảnh của chuyến thăm Buôn Ma Thuột của Hoành và Phượng ngày 25 đến 27 tháng 2, năm 1996, mới tìm ra được trong mớ albums cũ hôm nay (thứ ba, 29.12.2009), gồm:

    – Ảnh ở nhà Hoàng Thiên Nga
    – Ảnh ở nhà chị Linh Nga
    – Ảnh ở quán nước với chị Linh Nga và anh Son
    – Ảnh tại Biệt Điện Bảo Đại

    Đã post các ảnh vào bài “Buôn Ma Thuột” của HTN , vừa để làm kỷ niệm vừa để chia sẻ với mọi người.

    Chị Linh Nga có thể đến đó để xem ảnh.

    Xem ảnh lại thấy vui quá vui. 🙂

    Thích

  2. Cháu cám ơn bác Y Ngông đã cho chúng cháu biết thêm về bác, về những chứng nhân thầm lặng góp phần làm nên lịch sử đất nước.

    Em cám ơn chị Linh Nga đã chia sẻ hồi ký này.

    Chúc chị Linh Nga và gia đình luôn vui khoẻ.

    Em Hương,

    Thích

  3. Chị Linh Nga ơi,

    Từ tối qua đến giờ, mỗi khi nhớ đến chị là em mỉm cười. Em thấy vui khi được biết có một người chị âm thầm dõi theo em.

    Buổi sáng Chủ nhật hôm nay đẹp lắm chị ạ. Trời trong, hơi se lạnh, em ngồi cafe với bạn trong một quán nhạc Rock và thỉnh thoảng em liên tưởng đến sự dịu dàng mạnh mẽ của Tây Nguyên. 🙂

    Em gửi chị chút ngày đẹp từ Đà Nẵng.

    Chúc chị cuối tuần ấm áp ạ.

    Thích

  4. Đà Nẵng chắc ấm áp chứ Ban mê thì lạnh quá. Có lẽ chỉ thua Hà Nội thôi. Được ngồi với bạn bè nhâm nhi cà phê trong 1 ngày nghỉ cũng là 1 hạnh phúc đó em

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s