Đường thi: Vô Đề, của Lý Thượng Ẩn

landscape

Các bạn thân mến,

Trong một lần giúp anh Ái tìm tác giả của bài thơ “Vô Đề” mình đã vô tình đọc được bài thơ “Tương kiến thời nan biệt diệc nan” của Lý Thượng Ẩn, mặc dù bài thơ này không đúng với bài thơ mà anh Ái cần tìm nhưng mình vẫn check rất nhiều tài liệu về bài thơ, và hôm nay mình xin được phép gửi đến các bạn và các anh chị trong ĐCN phần dịch phân tích về bài thơ này nhé, chúc mọi người một ngày tươi sáng


chinesepainting-woman
Lý Thượng Ẩn là một nhà thơ vào thời cuối của nhà Đường, đương thời ông cùng Đỗ Mục ngang danh. Nhưng, nếu xét về mặt ảnh hưởng đến đời sau thì ông lại vượt trội hơn hẳn Đỗ Mục. Cống hiến lớn nhất của ông trong lịch sử thơ ca, là làm phong phú thêm nghệ thuật thơ trữ tình. Trong thơ của mình, ông thường dùng những từ ngữ thanh tao để cấu tạo nên hình tượng tốt đẹp, gửi gắm những tình cảm sâu đậm và những hàm ý ẩn giấu vào trong thơ, làm cho người đọc cảm nhận được những vẻ đẹp vừa uyển chuyển nhưng lại rất mông lung. Thất ngôn luật tuyệt được coi là loại tác phẩm thể hiện được phong cách đặc sắc này của ông, trong đó các tác phẩm thuộc thể loại “Vô Đề” (đa phần là thất ngôn cận thể) được coi là điển hình. Thể thơ này không phải nhất thời nhất địa mà đa phần viết về tình yêu, vì nội dung của bài hay vì một lý do nào đó không tiện nói ra hoặc khó khăn trong việc chọn chủ đề để đặt cho bài thơ nên tác giả thường gọi là “Vô Đề”. Sau đây mình sẽ giới thiệu với các bạn một tác phẩm”Vô Đề”-“Tương kiến thời nan biệt diệc nan” của Lý Thượng Ẩn nhé:

无题 Vô Đề Vô Đề -(Tương kiến thời nan biệt diệc nan)

相见时难别亦难, Tương kiến thời nan biệt diệc nan,
东风无力百花残。 Đông phong vô lực bách hoa tàn.
春蚕到死丝方尽, Xuân tám đáo tử ti phương tận,
蜡炬成灰泪始干。 Lạp cự thành khôi lệ thủy can.
晓镜但愁云鬓改, Hiểu kính đản sầu vân tấn cải,
夜吟应觉月光寒。 Dạ ngâm ứng giác nguyệt quang hàn.
蓬山此去无多路, Bồng sơn thử khứ vô đa lộ,
青鸟殷勤为探看。 Thanh điểu ân cần vi thám khán.

    (phiên âm-Kiều Tố Uyên)

missing
Khó gặp nhau mà cũng khó xa,
Gió xuân đành để rụng trăm hoa.
Con tằm đến thác tơ còn vướng,
Chiếc nến chưa tàn lệ vẫn sa.
Sáng ngắm gương buồn thay mái tuyết,
Đêm ngâm thơ thấy lạnh trăng ngà.
Bồng lai tới đó không xa mấy,
Cậy với chim xanh dọ lối mà.

    (dịch thơ-Khương Hữu Dụng và Tương Như)

Bài thơ này, thông qua lời nói của một người con gái để viết lên tâm trạng khi yêu. Trong đau thương, thống khổ nhưng vẫn luôn thể hiện được tình yêu nóng bỏng, khát vọng, kiên nhẫn… danh giới tình cảm sâu đậm dai dẳng, và rất phong phú.

Hai câu đầu, viết về mối tình trắc trở không có hạnh phúc và tâm trạng trữ tình của người con gái: vì gặp phải những trở ngại lớn, đôi tình nhân đã không còn cơ hội gặp được nhau, nỗi thống khổ vì xa cách làm cho người con gái này khó có thể chịu đựng được. Chữ “别” tức “biệt” trong câu đầu không phải chỉ lời nói chia tay trong hiện tại, mà chỉ sự xa cách trong quá khứ. Hai chữ “ 难”, chữ thứ nhất chỉ cơ hội gặp nhau khó, chữ thứ hai chỉ nỗi thống khổ khó có thể chịu đựng được. Các bậc tiền bối trong thơ đã từng viết “别日何易会日难” tức “Biệt nhật hà dị hội nhật nan” hay “别易会难得” tức “Biệt dị hội nan đắc”…đều nhấn mạnh sự khó khăn trong việc gặp lại, và nỗi khổ khi phải biệt ly.

Nhưng Lý Thượng Ẩn đã tiến xa hơn một bước trong việc bộc bạch: vì “tương kiến thời nan” cho nên “biệt diệc nan”- khó có thể cắt đứt, thống khổ khó có thể chịu đựng. Nhà thơ trong cùng một câu đã sử dụng hai lần từ “nan” tức”khó”, sự xuất hiện của chữ “nan” thứ hai vì trùng lập nên tạo cho người đọc có cảm giác đột ngột, nhưng thông qua đó lại có thể thấy được đây là sự biệt ly không có ngày gặp lại. Trạng thái đau khổ triền miên này người đọc không thể cảm nhân được trong câu “biệt dị hội nan đắc” nhưng trong “tương kiến thời nan biệt diệc nan” thì lại rất rõ.

morning

Cách dùng cảnh vật để phản ánh cảnh ngộ và tình cảm của con người dưới ngòi bút của Lý Thượng Ẩn là rất thường gặp, ta có thể cảm nhận được điều đó ngay trong bài thơ này trong việc phân tích câu thứ hai: Người con gái chữ tình này đã bị tổn thương đến mức vậy, lại đối mặt với cảnh vật vào cuối mùa xuân, tất nhiên càng làm người con gái này đau lòng và khó quên. Vào tiết cuối xuân, gió đông thổi lực không mạnh, trăm hoa tàn lụi, và hương sắc của mùa xuân cũng dần mất theo, sức người trước cảnh vật đó cũng không có cách nào cứu vãn được, lại thêm cảnh ngộ bất hạnh của bản thân và vết thương trong tâm linh, người con gái này cũng trôi theo mùa xuân và lụi tàn giống những bông hoa ngoài kia. Câu “Đông phong vô lực bách hoa tàn”, vừa miêu tả cảnh thiên nhiên, lại vừa phản ánh tâm trạng của người con gái trữ tình này, người vật giao nhau, tâm linh và tự nhiên đã kết hợp với nhau một cách tinh vi.

Bốn câu tiếp theo viết về tình cảm uẩn khúc một cách rõ nét hơn. Chữ “丝” tức “ti” trong câu “Xuân tám đáo tử ti phương tận” có cách đọc giống với chữ “思” tức “tư” nên chữ “ti” ở đây ngụ ý chỉ tương tư. Ý của toàn câu là chỉ sự tưởng nhớ của người con gái đến đối phương, giống như con tằm chỉ khi nào nhả hết tơ đến khi chết mới chịu dừng.

“Lạp cự thành khôi lệ thủy can” là một cách tự ví von bản thân, vì không được hội tụ nên đau khổ, nỗi đau này kéo dài mãi không kết thúc giống như nước mắt của cây nến chỉ đến khi nào nến cháy hết thành tro mới chịu thôi. Tưởng nhớ trong vô tận, mọi thứ trước mắt đều là vô vọng, do đó, người con gái này đã để cho nỗi đau của mình trôi theo dòng đời. Mặc dù biết là vô vọng nhưng người con gái này sống chết vẫn tưởng nhớ đến đối phương, và nguyện dành quãng đời còn lại của mình để yêu người đó.

Do đó trong hai câu này vừa thể hiện nỗi đau và bi thương trong thất vọng, lại vừa thể hiện tình yêu nóng bỏng và lòng kiên nhẫn theo đuổi đến cùng.Theo đuổi ở đây là vô vọng, nhưng trong vô vọng vẫn quyết tâm theo đuổi, do đó theo đuổi ở đây cũng đã được Lý Thượng Ẩn nhuộm màu bi quan. Những tình cảm này hình như tuần hoàn trong vô tận, khó có thể đoán nó sẽ dừng lại ở đâu. Nhà thơ chỉ thông qua hai hình ảnh để so sánh đã diễn tả được trạng thái tâm lý phức tạp của người con gái, qua đó có thể thấy khả năng liên tưởng của nhà thơ phong phú đến mức nào.
moon-chinese
Trong câu năm: “云鬓改” tức “vân tấn cải”, chỉ người con gái bị nỗi đau khổ giày vò nên đêm đến xoay ngang xoay dọc vẫn không ngủ được, đến mức tóc mái cũng rụng, dung mạo tiều tụy. “晓镜”tức “hiểu kính” chỉ sáng sớm dậy soi gương phát hiện tóc bị rụng nên sầu khổ, mà ở đây Lý Thợng Ẩn lại nhấn mạnh là “đản sầu”. Nếu chú ý các bạn sẽ phát hiện Lý Thượng Ẩn đã miêu tả một cách rất sinh động tâm trạng uẩn khúc của người con gái này. Bản thân vì đau khổ mà mất ngủ tiều tụy, sáng dậy vì phát hiện dung mạo tiều tụy mà đau khổ. Đau khổ trong đêm là vì tình yêu mà mình theo đuổi không thực hiện được, đến sáng hôm sau vì tiều tụy mà sầu, vì tình yêu mà hy vọng giữ được nét thanh xuân của mình. Nói tóm lại người con gái này vì tình yêu mà tiều tụy, vì đau khổ mà phiền muộn.

Đến câu thứ sáu “夜吟”tức “dạ ngâm”, người con gái từ bản thân mình đã tưởng tượng ra đối phương cũng đang đau khổ giống mình, đêm đến cũng mất ngủ và thường ngâm thơ để tưởng nhớ đến mình.  Ở đây nhà thơ đã mượn hình ảnh lạnh lẽo của ánh trăng để phản ánh tâm trạng cô đơn, lạnh giá của người con trai. Và từ “应” tức “ứng” trong câu này là một điều ước đoán, lường trước đã được Lý Thượng Ẩn khéo léo đưa vào trong câu thơ để qua đó giúp người đọc hiểu rằng những tâm tư của đối phương đều là do người con gái tưởng tượng ra mà thôi.

Nhưng tại sao nhà thơ lại có ngụ ý như vậy, chẳng phải vì muốn thông qua sự chủ động trong tưởng tượng của người con gái để nói lên người con gái này đã thấu hiểu được hết những suy nghĩ, tâm tư của đối phương đó sao. Càng tưởng tượng cụ thể, nỗi nhớ càng sâu sắc, càng làm cháy lên khát vọng hội ngộ.
blue bird after rain
Vì biết hội ngộ là vô vọng nên người con gái đành phải thông qua sứ giả để thay mình đến thăm đối phương và đây cũng là nội dung của hai câu kết cục . Trong thơ thời Đường thường dùng tiên lữ để ví von với người bạn tình, Thanh Điểu là một nàng tiên, Bồng Sơn là một núi tiên trong thần thoại truyền thuyết, cho nên Lý Thượng Ẩn đã dùng Bồng Sơn tượng trưng cho nơi ở của người con trai, và dùng Thanh Điểu làm sứ giả thay cho người con gái. Lý Thượng Ẩn thông qua việc gửi gắm hy vọng vào sứ giả làm kết cục, chứ không thay đổi cảnh ngộ đau khổ “tương kiến thời nan” của người con gái, và đó là hy vọng trong tuyệt vọng, con đường phía trước vẫn là xa tít mù tắp. Bài thơ đã kết thúc tại đây, nhưng nỗi đau khổ và sự quyết tâm đeo đuổi tình yêu của người con gái đó thì vẫn tiếp tục.

Bài viết này phần phiên âm do mình dịch, còn phần thơ do Khương Hữu Dụng và Tương Như dịch.

Cảm ơn anh Ái nhiều vì đã tìm giúp em  phần dịch thơ nhé.. À nếu các bạn có thể gửi lời dịch thơ thêm nữa cho bài thơ này thì rất hay.

Kiều Tố Uyên

6 thoughts on “Đường thi: Vô Đề, của Lý Thượng Ẩn”

  1. Uyên đã cho mình một thông tin quí mà hơi buồn khi có sự nhận xét của người đương đại về tầm vóc của Lí Thương Ẩn và Đỗ Mục, vì mình rất thích Đỗ Mục với cái ngang tàng phá chấp, với cái tình lang bạc hơn hẳn cùng thời.
    Một bài thơ lãng mạn đến hiếm có,nhận xét thế không biết là có hồ đồ và hẹp hòi kiến văn không!
    Khảo cứu công phu lắm Uyên à, kĩ đến từng chữ, mình nghĩ khi viết bài này Uyên bình tâm lắm.
    Mình thì mỗi lần đọc những bài như thế lại cứ hốt hốt thế nào ấy.
    Hình như nhân vật trữ tình trong bài đã qua cái thời trẻ trung, Uyên có đồng ý như vậy không?
    Cảm ơn Kiều Tố Uyên với bài giới thiệu văn hóa thơ mà mình rất thích.
    Chờ bài mới của Uyên.

    Like

  2. Hi Uyên & Tấn Ái,

    Bài thơ này thời Đường, thế kỷ 10, mà nghe như thi ca thời lãng mạn của Âu Châu vào thế kỷ 19. Interesting!

    Mình dịch sang tiếng Anh, từ lời Hán Việt của Tố Uyên. Mai mốt có dịp sẽ trau chuốt lại. Hình như, hai câu cuối của Khương Hữu Dụng và Tương Như hơi trật ý của Lý Thượng Ẩn.

    Untilted

    Hard to meet, and hard to part
    The wintry waft’s feeble, the flowers shrivel
    The silkworms spin silk until death
    The candle sheds tears till it turns to ash
    In the morn, looking into the mirror,
    I’m saddened by the hair’s changing color
    In the night, singing a poem,
    I suddenly know the moonlight’s cold
    Wish to go to Fairy Mount, but there aren’t many roads
    Carry my kind greetings, please, O Blue Bird.

    Cám ơn hai vị 🙂

    Like

  3. Chào Tố Uyên,
    Mình cũng mê thơ, cả thơ Đường từ thời đi học những năm Trung Học Đệ Nhất cấp rồi Đệ Nhị Cấp

    Xin góp một bản dịch của tác giả Xuân Như nhé

    Gặp nhau đã khó huống chia xa
    Đông phong dẫu nhẹ rụng trăm hoa
    Tằm tơ đến chết còn chưa dứt
    Lệ nến thành tro vẫn chửa nhòa
    Soi gương một sớm hay đầu bạc
    Lảy khúc thâu đêm lạnh nguyệt tà
    Bồng Lai chốn ấy xa xôi lắm
    Chí có chim xanh nhớ đến ta

    Chúc Uyên và các bạn ( đặc biệt các nhà thơ của ĐCN nhu anh Hoành và Tấn Ái) luôn an lạc nhiều thi hứng .
    sáng tác và chia sẻ 🙂

    Like

  4. Hi, anh Hoành, chị Huệ, anh Ái
    Trong bài thơ này thì câu đầu tiên”Tương kiến thời nan biệt biệc nan” được coi là thành công lớn nhất của Lý Thượng Ẩn bởi cách dùng hai từ nan trong cùng một câu,nhưng phần gây tranh cãi nhiều nhất lại thuộc về hai câu cuối của bài, em có tham khảo một vài bài dịch trong Thivien.com thì thấy đa phần các bạn phân vân là không biết nên hiểu theo nghĩa nào:
    -ý kiến 1 : Giống với Khương Hữu Dụng và Tương Như, tức “Đường đến Bồng Lai không xa là mấy”
    -ý kiến thứ 2 là: cho rằng nên hiểu 2 câu cuối là đường đến Bồng Lai không có nhiều lối, thì nó mới nhất quán với câu kết : Thanh điểu ân cần vị thám khan (Đành phải nhờ
    chim xanh vì ta mà thăm hỏi v..v.. )
    Em thì đồng với ý kiến thứ 2 hơn, và nếu như em không hiểu nhầm ý của anh Hoành khi nói Khương Hữu Dụng và Tương Như dịch hơi trật ý ở đây là ám chỉ “không xa là mấy”.
    Em đóng góp phần dịch cho hai câu cuối là :
    Bồng Lai tới đó không nhiều lối,
    Ân cần Thanh Điểu hỏi giùm ta.
    Em cảm ơn anh chị nhiều nhiều
    Em Uyên.

    Like

  5. Bài thơ hay nhưng buồn quá,và dường như người dịch qua bài phân tích còn thổi thêm chất buồn vào bài thơ này.Nhưng có lẽ mình thích bản dịch của Xuân Như hơn:
    Gặp nhau đã khó huống chia xa
    Đông phong dẫu nhẹ rụng trăm hoa
    Tằm tơ đến chết còn chưa dứt
    Lệ nến thành tro vẫn chửa nhòa
    Soi gương một sớm hay đầu bạc
    Lảy khúc thâu đêm lạnh nguyệt tà
    Bồng Lai chốn ấy xa xôi lắm
    Chí có chim xanh nhớ đến ta
    Một vài suy nghĩ của một người không hiểu nhiều về thơ…!
    Cảm ơn các bạn nhiều!

    Like

  6. chữ ty trong bài thơ này là chữ giản thể, bạn nên nhìn chữ phồn thể nó thuộc bộ mịch có nghĩa là sợi tơi nhỏ, thì là sao có thể hiểu là chữ “tư” như bạn nói. chữ tư là thuộc bộ tâm, đừng có nhầm lẫn mà hiểu sai ý nghĩa. đọc thơ Đường ít nhất phải đọc chữ Hán và giỏi Hán cổ. ngôn ngữ trong chữ Hán nói vừa hội ý, vừa tượng hình và tượng thanh cần nên chú ý điều đó.

    Like

Leave a comment