Thung lũng mặt trời

Chào các bạn,

Ta luôn nghĩ rằng đời là cuộc chiến triền miên giữa ánh sáng và bóng tối. Ta biết ánh sáng là một loại sóng từ trường với một tần số đặc biệt. Và những làn sóng đó ta gọi là tia sáng. Nhưng bóng tối là gì vậy? Tia tối là gì vậy?
candle1
Dĩ nhiên, làm gì có tia tối, phải không các bạn? Bóng tối mà ta thấy, thực ra không có thật, phải không? Bóng tối chỉ là hiện tượng thiếu ánh sáng. Không có ánh sáng thì ta thấy tối và gọi nó là bóng tối, nhưng chẳng có gì ta có thể sờ mó hay nghiên cứu để gọi là tia tối hay bóng tối cả.

Có ánh sáng thì sáng. Thiếu ánh sáng thì tối. Thực sự không có cái gọi là bóng tối.

Mình có một người bạn lớn tuổi hơn mà mình rất phục. Một trong những câu nói quen thuộc của anh ấy là: “Tất cả bóng tối trong vũ trụ không thể dập tắt ánh sáng của một que diêm.” Nếu bạn đứng giữa một sa mạc lồng lộng, đêm ba mươi không trăng không sao, trời đen như mực, bạn đốt một que diêm, thì cái bóng tối vĩ đại của sa mạc đen đó cũng không đủ sức để dập tắt hay che dấu ngọn lửa nhỏ bé liu hiu của bạn được. Sao vậy? Vì bóng tối hoàn toàn không có sức mạnh, vì thực sự không có cái gọi là bóng tối.

Đây là nguyên l‎y’ căn bản của đời sống—đời sống của mỗi chúng ta, cũng như đời sống của xã hội.

Vì thế nếu chúng ta chú tâm vào bóng tối là chúng ta lãng phí thời gian với một bóng ma không có thật. Hãy chú tâm vào cái có thật. Hãy chú tâm vào nguồn sáng, vào que diêm, ngọn nến, bóng đèn. Ngồi trong phòng tối thì đừng tốn thời giờ xua đuổi bóng tối, chẳng được tích sự gì cả. Nhưng, hãy thắp lên một ngọn đèn. Giản dị thế thôi.

• Những gì thiện hảo trong ta là ánh sáng, ánh đèn. Những gì xấu xa trong ta là bóng tối, tức là thiếu ánh đèn. Tất cả mọi l‎ý thuyết và triết lý về con người đều nằm trong lý lẽ này:

— Theo thuyết tiến hóa của Darwin thì từ khởi thủy của đời sống đến nay, đã qua hàng trỉệu triệu năm tiến hóa, mỗi ngày một tí, đến nay mới thành chúng ta. Thế nghĩa là chúng ta là tinh chế cuối cùng của một tiến trình dài triệu triệu năm.

— Theo truyền thống Moses (Do thái giáo, Hồi giáo và Thiên Chúa Giáo) cũng như tất cả các tôn giáo tương tự, chúng ta là con cao cả của Thượng đế, tạo ra theo hình ảnh Thượng đế. Chúng ta có thần linh của Thượng đế, ánh sáng Thượng đế trong ta.

— Theo Phật giáo, thì bản chất thật của con người–bản lai diện mục của ta–là tinh tuyền tĩnh lặng như mặt hồ thu. Ta không nhận biết điều đó vì “vô minh,” tức là vì “không sáng.”

candle2

• Thế thì tinh tuyền và ánh sáng là bản chất của ta. Cái tồi của ta là ở những chỗ ta làm mất ánh sáng đó vì vô tình hay hữu ý.

Vậy thì nếu bạn muốn thắng cái tồi của mình, dù đó là điều gì—như là không thành thật hoặc tham lam—thì bạn đừng mất công xua đuổi bóng tối, tức là đừng ngồi đó tìm cách xua cái nói dối hay xua cái tham của mình đi. Không ai có thể xua đuổi bóng tối, vì bóng tối không có thật.

Thay vì vậy, hãy thắp lên một ngọn đèn. Thay vì cứ gõ đầu là mình hay nói dối, đừng làm thế nữa, hãy bắt đầu nói thật. Nói thật là ngọn đèn. Cứ nói thật thì tự nhiên nói dối sẽ biến mất mà không cần xua đuổi.

Thay vì ngồi đó tìm cách mắng mỏ xua đuổi cái lười của mình, thì đứng dậy bắt tay làm việc, tự nhiên cái lười sẽ mất.

Đừng làm việc vô ích là xua đuổi bóng tối. Hãy thắp lên một ngọn đèn.

• Về phương diện xã hội cũng vậy. Xã hội nào cũng có rất nhiều vấn đề. Đừng ngồi đó than trách chưởi bới tham lam, tham nhũng, dối trá… Mỗi người hãy tự thành thật trước. Thắp một ngọn nến trong thung lũng tối.

Rồi kêu gọi người khác hãy thành thật. Thêm một ngọn nến nữa, và một ngọn nến nữa, và một ngọn nến nữa…

Đi theo cấp số nhân, thì rất nhanh và rất sớm sẽ có một triệu ngọn nến sáng và thung lũng tối sẽ trở thành thung lũng mặt trời.

• Tiếc thay trong các vấn đề xã hội người ta không chịu làm thế. Việc đầu tiên là người ta làm là chưởi bới xã hội, chưởi bới “thói xấu của dân ta,” chưởi bới người cầm quyền; và việc thứ hai là hô hào thay đổi chính sách, thay đổi chế độ, thay đổi chủ nghĩa, thay đổi lung tung.
candle4
Tại sao người ta thích làm thế?

Thưa vì, thứ nhất, quy tội cho chính sách hay chủ nghĩa thì rất dễ, bởi vì chẳng có anh chàng nào tên Chính Sách hay Chủ Nghĩa để tự biện hộ. Quy tội cho cầu thủ trên sân cỏ cũng dễ khi mình đang làm khán giả, nhất là khán giả chưa có kinh nghiệm đá bóng.

Thứ hai, người ta tin rằng há miêng chờ dưới cây sung mỏi rồi mà chẳng thấy gì, tìm gốc sung khác mà há miệng thì tốt hơn.
candle3
Và cuối cùng, quan trọng nhất là, người ta không dám nhìn thẳng vào quả tim của chính mình, để thấy rằng mọi vấn đề xã hội đã có mầm móng ngay trong con tim của mình, chứ không cần phải nói đến con tim của chúng nó nào cả. Và người ta không có can đảm và kỹ luật để tắm rửa và tu luyện con tim của mình. Con tim của mình mục nát, đầy thù hận, gian xảo, ghen ghét, thì cứ để đó. Ngồi chưởi bới thích hơn.

Không một biện pháp xã hội nào, dưới bất kỳ lý thuyết chính trị kinh tế nào, được tích sự gì cả, nếu những con người trong xã hội đó chỉ có rác rến trong tim.

Nếu phần nhiều mọi người trong xã hội đều thiện hảo trong tim, thì đương nhiên là guồng máy chính trị kinh tế sẽ thiện hảo.

Trong vòng cả thế kỷ qua, cho đến ngày hôm nay 2009, thế giới đã đổ biết bao nhiêu xương máu chỉ vì các lãnh đạo, ngay cả tầng lớp đáng lý ra là phải biết suy nghĩ một tí, gọi là tầng lớp trí thức, chỉ biết lớ ngớ chạy theo mấy cái bánh vẽ “chủ nghĩa” và “đạo giáo,” láp nháp cách mạng lăng nhăng, chỉ để khởi động bao nhiêu cuộc chiến. Đánh giết nhau vì mấy cái bánh vẽ. Rõ là một vô minh ngoài sức tưởng tượng.

Điều đơn giản nhất ai cũng thấy, mà không cần phải đưa bằng cấp, tiếng Tây tiếng Mỹ, hay mấy từ La tinh Hy lạp, ra dọa nhau là: Mỗi người chỉ cần có can đảm nhìn thẳng vào con tim của mình, và thắp lên một ngọn nến, bằng cách hoàn thiện con tim của chính mình.

Can Đảm. Các bạn có nghe thấy từ đó không? Can đảm nhìn thẳng vào con tim của mình để thắp lên một ngọn nến.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright TDH, 2009
www.dotchuoinnon.com
Permission for non-commercial use

11 thoughts on “Thung lũng mặt trời”

  1. Bài viết rất hay ánh nến dùng để soi mình trước khi soi đường

    Có một điều em băng khoăn, cách nhìn của đọt chuối non là quá lạc quan và yêu đời đến nỗi đôi khi em nghĩ nó ngây thơ như cách nhìn của một đứa trẻ về cuộc sống…

    Like

  2. Hi Minh Triết,

    Tự kỹ luật mình sao gọi là ngây thơ được?

    Không chịu kỹ kuật và hoàn thiện chính mình, rồi ngồi đó chưởi đời, phê phán người, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, đó là trưởng thành sao?

    Bao nhiêu cuộc cách mạng trên thế giới đã xảy ra, để chỉ một đám trộm cướp lên làm lãnh đạo thế một đám trộm cướp cướp khác?

    Tiền đề bắt buộc cho tiến hóa xã hội là những người trong xã hội đó phải bắt đầu từ chính trong tâm mình. Chẳng có con đường nào khác. Vì xã hội không có thật. Xã hội chỉ là một nhóm những cá nhân tạo thành.

    Người có học hai ba chữ thích đem các lý thuyết chính trị xã hội ra bàn lăng nhăng chỉ để “sound good” và chỉ để chạy trốn việc trước mắt là rửa sạch con tim của mình trựớc.

    Tất cả mọi điều khác phải đến sau. Nếu điều đầu tiên là tự kỹ luật để hoàn thiện chính mình mà chưa trở thành một tiền đề sống cho chính mình và cho toàn xã hội, thì các chuyện khác đều là vô nghĩa lý.

    Em khỏe nhé. 🙂

    Like

  3. Bài viết hay qúa anh Hoành ơi. Anh thật có tài dẫn chứng những hình ảnh ẩn dụ để làm rõ chân lý. Em thần tượng anh mất rùi, hí hí ^^

    Like

  4. Bài viết rất hay, cảm ơn anh đã chia sẻ!
    Có lẽ chúng ta cứ mãi chìm trong bóng tối của tốt / xấu, đúng / sai, trắng / đen, phải / trái, địch / ta, bạn / thù, … Làm sao gạt đám mây mờ lý trí cho ánh sáng lan tỏa soi rõ bản thể chân thật của mỗi con người?

    Like

  5. Em cảm ơn anh Hoành, cảm ơn anh Chí Thuận hôm nay đã lục bài này lên và shared trên facebook:)

    Like

  6. cám ơn anh Hoành,

    Bóng tối không có thật. Chỉ có ánh sáng là có thật. Ánh sáng nhỏ nhoi, leo lét có thể soi sáng và đẩy lùi bóng tối. Thắp sáng, và không sợ bóng tối nữa, bằng quả tim.

    Like

Leave a comment