Category Archives: Series

1000 năm Thăng Long

Đất Đại La năm xưa vua Lý Công Uẩn dời đô nay đã gần tròn nghìn năm tuổi. Đã có bao thế hệ nhà thơ từng chắp bút viết về mảnh đất rồng bay này: từ những người con ở phương trời Nam cũng đã viết “Ai đi xứ Bắc ta đi với – Thăm lại non sông giống Lạc Hồng – Từ độ mang gươm đi mở cõi – Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long”, hay tình cảm của những người chiến sĩ năm xưa rời thủ đô đi chiến đấu “Người ra đi đầu không ngoảnh lại, sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” đã trở thành hình ảnh bất tử trong mảng thơ văn dành riêng cho Hà Nội.

Hà Nội đó của ta ngàn năm tuổi vẫn đẹp. Cái đẹp mộc mạc và thanh bình, giản dị đấy mà vẫn làm đắm say biết bao lòng người. Vẻ đẹp đó len lỏi trong từng góc phố, núp trong từng gánh hàng rong, luẩn quẩn trong tà áo dài của các thiếu nữ Hà thành, vẻ đẹp đó hiện lên dũng mãnh khi Hà Nội từng bao lần rung chuyển chống lại sự xâm lược của kẻ thù. Con rồng Thăng Long năm xưa đã từng bay lên báo hiệu cho Vua nhà Lý đây là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, đã từng bừng bừng khí thế trong “cơn lốc” cách mạng tháng 8, đã từng vùng đứng lên trong mùa đông năm 1946 theo lời bác, đã từng ầm ầm rung chuyển trong đau thương bom Mỹ năm 1972… và con rồng đó đã bay cao hơn nữa khi Việt Nam gia nhập WTO… Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, Hà Nội vẫn đứng vững vàng là thủ đô của một đất nước đang thuận đà phát triển. Hãnh diện lắm chứ, tự hào lắm chứ. Trong thời kì hội nhập hiện nay, bất lợi có không ít nhưng lợi thế cũng không phải là nhỏ, chúng ta đã và đang nỗ lực hết sức mình để tạo đà giúp con rồng Thăng Long bay cao hơn, xa hơn nữa.

Tháng 10 này, con rồng Thăng long tròn nghìn năm tuổi, một năm tuổi để tái sinh, một năm tuổi hứa hẹn nhiều điều mới mẻ hơn nữa. Bạn và tôi, chúng ta có thể làm một điều gì đó để góp phần kỉ niệm đại lễ 1000 năm này. Dù chúng ta có ở Việt Nam hay đang học tập và làm việc ở khắp các phương trời trên thế giới, chúng ta vẫn có thể làm được điều gì đó dù là nhỏ bé cũng được. Các members của “Đọt Chuối Non” (hay là người thân của members lại càng tốt) hãy cùng nhau viết những cảm nhận của mình về Hà Nội qua từng năm tháng thông qua những bài hát, những bài thơ từ xưa đến nay hoặc là những cảm xúc, suy nghĩ, tình cảm của mình để làm một món quà sinh nhật dành tặng thủ đô văn hiến.

Đừng ai e ngại là muộn, vì “better late than never” ^^, chúng ta đâu có thi đua với ai, chỉ là để bày tỏ tình cảm của mình với Hà Nội thôi mà. Chẳng cần vỗ ngực đi khắp nơi, “tôi yêu hà nội đây này”, chúng ta chỉ cần giữ hình ảnh thân thương của Hà Nội trong trái tim mình là đủ. Hà Nội hào hoa, Hà Nội hào hùng, Hà Nội đổi mới…Hà Nội của chúng ta

Sinh ra và lớn lên ở thủ đô ngàn năm văn hiến, như một lẽ tự nhiên, tôi yêu Hà Nội. Tôi cũng chắc chắn là không chỉ có mình tôi mà đã có hàng ngàn, hàng vạn hàng triệu thế hệ người Hà Nội đã, đang và mãi yêu Hà Nội. Cho dù bạn là ai, bạn ở nơi đâu, bạn đang làm gì, bạn có phải người Việt Nam hay không, tôi tin chắc rằng dù nếu một khi bạn đã từng ở, hay từng gắn bó với nơi này, bạn cũng sẽ yêu Hà Nội như (hoặc thậm chí là yêu hơn) tôi yêu Hà Nội.

Hãy cùng tôi, chúng ta thực hiện “dự án NGHÌN NĂM” này nhé. Cảm ơn các bạn!

Nguyễn Thu Hiền

Những khúc ca xuân – Series (cuối cùng)

41. Ly Rượu Mừng ( Tấu khúc )


.

42. Mùa Xuân Ơi Mùa Xuân

Sáng tác : Lê Quốc Thắng
Trình bày: Mỹ Tâm


.

43. Những mùa Xuân Dịu Dàng

Sáng tác: Lê Quang

Trình bày: Hồ Ngọc Hà


.

44. Mùa Chim Én Bay

Sáng tác : Hoàng Hiệp, Thơ: Diệp Minh Tuyền
Trình bày: Anh Thơ


.

45. Mùa Xuân Bên Cửa Sổ.

Sáng tác : Xuân Hồng, Phỏng thơ Song Hảo

Trình bày: Cẩm Vân


.

46. Xuân Gọi

Trình bày: Lam Trường, Phương Thanh, Minh Tuyết, Hà Phương


.

47. Mùa Xuân Gọi

Sáng tác : Trần Tiến
Trình bày: Phương Thanh


.

48. Xuân Ca

Sáng tác : Phạm Duy
Trình bày: Dạ Nhật Yến, Kim Huyền, Trúc Quỳnh


.

49. Liện Khúc Mừng Xuân – Ngũ Long Công Chúa

– Xuân họp mặt (Văn Phụng)
– Cánh bướm vườn xuân_ NGỌC ANH
– Khúc ca mừng xuân_ THÚY VI
– Bức tranh xuân_ GIÁNG NGỌC
– Xuân yêu thương_ LINDA T. ĐÀI
– Người tình Nam Mỹ_ HƯƠNG THƠ


.

50 . Khúc Hát Ngày Xuân

NHẠC ÁO – Sáng tác : Nguyễn ngọc Thiện
Trình bày: Thu Ngọc


.

51. Khúc Nhạc Ngày Xuân

Hồng Nhung


.

52. Hoa Xuân

Sáng tác : Phạm Duy
Trình bày: Ý Lan

Lĩnh Nam Chích Quái – Dẫn nhập

Chào các bạn,

Tết đến, chúng ta có bánh chưng, bánh tét. Đây là tập tục đẹp của dân ta, bánh vừa ngon, lại vừa là biểu trưng cho tập tục đề cao lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Đầu năm, xin tìm lại câu chuyện Bánh Chưng và các câu chuyện khác liên quan đến văn hóa, phonng tục và lịch sử của dân mình, còn ghi lại trong sách Lĩnh Nam Chích Quái.

Lĩnh Nam Chích Quái là một trong những tác phẩm văn học dân gian đầu tiên của Việt Nam, viết bằng chữ Hán văn xuôi, rất quý hiếm còn lại từ thời Lý, Trần. Cho đến nay sách Việt dịch của Lĩnh Nam Chích Quái không nhiều, thế nên, thiết nghĩ việc chuyển dịch từ chữ Hán sang chữ Việt, giới thiệu các nhân vật, các câu chuyện trong “Lĩnh Nam Chích Quái” cho mọi người – đặc biệt cho lớp trẻ – là điều rất cần thiết và quan trọng vậy.

Chúc các bạn một mùa xuân an hòa!

Nguyễn Hữu Vinh

LĨNH NAM CHÍCH QUÁI

Nguyễn Hữu Vinh

Lĩnh Nam Chích Quái (1) là một trong những tác phẩm văn học dân gian đầu tiên của Việt Nam, viết bằng chữ Hán văn xuôi, rất quý hiếm còn lại từ thời Lý, Trần. Chưa biết rõ tác giả là ai, có thể do Trần Thế Pháp (2) soạn vào khoảng cuối thế kỷ XIV, sau được Vũ Quỳnh (3) và Kiều Phú (4) ở cuối thế kỷ XV hiệu chính. Đoàn Vĩnh Phúc (5) , thời Mạc trích từ “Việt Điện U Linh” chép thêm nhiều truyện mới trong quyển 3 (tục biên). Đoàn Vĩnh Phúc khi viết tiếp quyển 3, có ghi trong phần Bạt một dữ kiện quan trọng là Lĩnh Nam Chích Quái do Vũ Quỳnh và Kiều Phú hiệu chính, bổ sung gồm 2 quyển, tất cả có 22 truyện, bắt đầu từ truyện Hồng Bàng và chấm dứt ở truyện Dạ Xoa. Cuối thế kỷ 18 lại có Vũ Khâm Lân bổ sung thêm. Trải qua nhiều thế kỷ, Lĩnh Nam Chích Quái được nhiều người hiệu chính và tu bổ, hiện nay được biết có 11 truyền bản còn lưu lại. Những truyền bản này có số truyện khác nhau cũng như tên gọi cũng khác nhau, có bản có 22 truyện, có bản có tới 43 truyện. Các bản có nhiều tên gọi khác nhau như là Lĩnh Nam Chích Quái Liệt Truyện, Lĩnh Nam Chích Quái, Lĩnh Nam Chích Quái Ngoại Truyện, Lĩnh Nam Chích Quái Khảo Chánh… May có lời Bạt của Đoàn Vĩnh Phúc đã giúp các học giả sau này có được một ít chứng cứ để nghiên cứu và tìm tòi truyền bản nào trong tất cả 11 truyền bản còn lại là gần nhất với nguyên tác.

Nói chung, Lĩnh Nam Chích Quái làm một tập truyện cổ quan trọng, tập hợp nhiều truyện thần thoại, truyền thuyết với nội dung rất rộng, đề cập đến lịch sử, văn hóa và phong tục tập quán của Việt Nam, ghi lại những câu chuyện kể, những truyền thuyết dân gian ly kỳ, hấp dẫn về nhiều loại nhân vật, nhiều lĩnh vực và phạm vi của cuộc sống, hoặc giải thích nguồn gốc dân tộc (Truyện Hồng Bàng, Truyện Mộc Tinh…), hoặc kể sự tích các bậc anh hùng, các nhân vật tài giỏi (Truyện Phù Đổng Thiên Vương, Truyện Hai Bà Trưng…), hoặc giải thích phong tục tập quán (Truyện bánh chưng, Truyện trầu cau…), hoặc có liên quan đến các di tích văn hoá, lịch sử (Truyện Từ Đạo Hạnh, Truyện Thần Như Nguyệt…)… Lĩnh Nam Chích Quái về cơ bản là những ghi chép khá đơn giản về chân dung các nhân vật “phi thường”, “toàn vẹn”. Dù chứa đầy những yếu tố hoang đường, kỳ ảo, nhưng nó vẫn được xem là những chuyện “có thực”, là nguồn tư liệu tham khảo có giá trị để nghiên cứu lịch sử, văn hóa và xã hội Việt Nam.

Lĩnh Nam Chích Quái cũng như các bộ sách viết chữ Hán khác của Việt Nam, phần lớn còn nằm trong các thư viện chưa được xuất bản, hoặc là xuất bản lẻ tẻ. Nhà sách Khai Trí ở Sài gòn cũng như nhà xuất bản Văn học ở Hà Nội, vào đầu năm 1960 cũng đã xuất bản bản dịch Việt của Lĩnh Nam Chích Quái. Hai cuốn sách này chỉ là hai cuốn sách dịch ra chữ Việt dựa trên một trong những truyền bản, chưa có sự hiệu đính, đối chiếu và tổng hợp với các truyền bản tương tự khác.

Đầu năm 1991, Nhà xuất bản Trung Châu tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã xuất bản cuốn “Lĩnh Nam Chích Quái Đẳng Sử Liệu Tam Chủng” bằng chữ Hán do Đới Khả Lai ở khoa Lịch sử, trường Đại học Trịnh Châu chủ biên. Song đây cũng chỉ sử dụng một truyền bản sưu tầm được từ Thư Viện Société Asiatique, Paris.

Cuối năm 1992, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, hợp tác với Viện Viện Đông Bác Cổ (Ecole Francaise d’Extreme Orient), Paris và Đại Học Chung Cheng, Taiwan, do Trần Khánh Hạo chủ biên và nhà sách Học Sinh Thư Cục ở Taipei ấn hành một bộ sách đồ sộ: “Việt Nam Hán Văn Tiểu Thuyết tùng san”, gồm hơn 40 bộ sách cổ xưa của Việt Nam. Điều đáng tiếc là bản in chữ Hán Lĩnh Nam Chích Quái trong bộ tùng san này vẫn còn có nhiều thiếu sót trong phần hiệu đính. Tuy nhiên, cho đến lúc này, nó vẫn là bản chữ Hán tương đối phổ biến và đầy đủ nhất trong các bản in về Lĩnh Nam Chích Quái ra đời từ trước cho tới nay. Trong lần xuất bản này Lĩnh Nam Chích Quái được chọn lựa cẩn thận giữa các truyền bản, chọn ra một truyền bản thích hợp nhất, hiệu đính và cho ấn hành. Các học giả đã chọn truyền bản HV 486 của viện Sử Học làm bản chính và với 2 bản phụ khác, VHV 1473 và VHV 2914, của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, hiệu đính, so sánh và in thành sách xuất bản. Sách gồm 42 truyện chia thành 3 quyển:

Quyển 1 gồm các truyện:

Hồng Bàng thị truyện: Truyện họ Hồng Bàng kể về nguồn gốc dân tộc Việt Nam

Ngư tinh truyện: Truyện Tinh Cá kể truyền thuyết Lạc Long Quân diệt Ngư tinh ở Biển Đông.

Hồ Tinh truyện: Truyện Tinh con hồ ly và sự tích Hồ Tây.

Mộc Tinh truyện: Truyện Tinh cây kể cây thành tinh và tục trừ tà của người Việt xưa

Tân Lang truyện: Truyen trầu cau kể sự tích trầu cau và tục dùng cau trầu trong việc cưới hỏi

Nhất Dạ Trạch truyện: Truyen Đầm Dạ Trạch, kể về sự tích Triệu Quang Phục và truyền thuyết Tiên Dung và Chử Đồng Tử

Đổng Thiên Vương truyện: Truyền thuyết về Thánh Dóng

Chưng Bính truyện: Truyện Bánh Chưng về truyền thuyết bánh chưng, bánh dày và con hiếu được truyền ngôi.

Tây qua truyện: Truyện Dưa Hấu kể về tích Dưa hấu truyền vào Việt Nam.

Bạch Trĩ truyện: Truyện chim Trĩ trắng và truyền thuyết về nước Việt Thường xưa.

Quyển 2 gồm các truyện:

Lý Ông Trọng truyện: Truyện kể sự tích Lý Ông Trọng thời Tần Thuỷ Hoàng

Việt Tỉnh truyện: Truyện Giếng Việt, truyện kể Thôi Vy gặp tiên.

Kim Quy truyện: Truyện Rùa Vàng kể về Loa thành và chuyện tình nghĩa, trung hiếu Trọng Thủy Mỵ Châu.

Man Nương truyện: sự tích về Phật Mẫu Man nương .

Tản Viên sơn truyện: Truyện thần núi Tản và chuyện Sơn tinh, Thủy tinh tranh giành nhau lấy Mỵ Nương.

Long Nhãn Như Nguyệt nhị thần truyện: Truyện kể hai vị thần họ Trương giúp Lê Đại Hành đại phá quân Tống.

Từ Đạo Hạnh Nguyễn Minh Không truyện: Truyện kể về cao tăng phò vua giúp nước là sư Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không thời triều vua Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông.

Nam Chiếu truyện: Truyện Nam Chiếu kể sự tích con cháu của Triệu Đà chống chọi với quân phương Bắc.

Tô Lịch giang truyện: Truyện sông Tô Lịch kể chuyện Cao Biền bị giết vì xúc phạm thần sông.

Dương Không Lộ Nguyễn Giác Hải truyện: Truyện kể về thiền sư Không Lộ và Giác Hải thời Lý Thần Tông.

Hà Ô Lôi truyện: Truyện kể Hà Ô Lôi vì tính háo sắc mà bị chết thảm

Dạ Thoa vương truyện: Truyện kể vua Dạ Thoa háo sắc, đánh nước người để cướp vợ người khác. Vì thế bị giết và mất nước.

Quyển 3 (tục biên) gồm các truyện: Sĩ Vương tiên truyện, Sóc Thiên Vương truyện, Kiền Hải môn tam vị phu nhân truyện, Long Độ vương khí truyện, Minh chủ Đồng Cổ truyện, Ứng thiên hóa dục hậu thổ thần truyện, Long trảo Khước lỗ truyện, Phùng Bố Cái Đại vương truyện, Trinh linh nhị Trưng truyện, Mỵ Ê trinh liệt truyện, Hồng Thánh đại thần vương truyện, Minh ứng An sở truyện, Đại Than Đô lỗ thạch thần truyện, Xung Thiên Chiêu ứng thần vương truyện, Khai thiên trấn quốc Đằng châu phúc thần truyện, Uy linh bạch hạc thần từ truyện, Thần Chu Long vương truyện, Ni sư Đức Hạnh truyện, Phạm Tử Hư truyện.

Có thể nói sách “Lĩnh Nam Chích Quái” trong bộ “Việt Nam Hán Văn Tiểu Thuyết tùng san” là bộ sách khá hoàn hảo được chọn lọc công phu góp phần giúp chúng ta có thêm điều kiện để nghiên cứu lịch sử, văn hóa và xã hội Việt Nam ban đầu về mọi mặt.

—————————

Chú thích

1.   Chích “摭” nghĩa là “chọn”, “lựa chọn”, “nhặt lấy”. Lĩnh Nam Chích Quái (嶺南摭怪) là “Lựa chọn những chuyện quái dị ở Lĩnh Nam” (嶺南). Lĩnh Nam là vùng đất phía nam núi Ngũ Lĩnh, đất các dân tộc Việt cư ngụ, trong truyền thuyết xưa ở Việt Nam và Trung Quốc.

2.   Trần Thế Pháp: Không rõ năm sinh, năm mất, hiệu là Thức Chi, người làng Thạch Thất, nay thuộc tỉnh Sơn Tây.

3.   Vũ Quỳnh (1452-1516) tự Thủ Bộc, hiệu Trạch Ổ, người làng Mộ Trạch, huyện Đường An. Làm quan tới chức Thượng Thư ở các bộ Công, bộ Lại và bộ Binh, kiêm Tư nghiệp ở Quốc Tử Giám, Sử Quán Tổng tài. Ngoài việc hiệu đính và tu sửa Lĩnh Nam Chích Quái, còn biên soạn Việt Giám Thông Khảo, Hỏa Thành Toán Pháp.

4.   Kiều Phú (1446- ?), tự Hiếu Lễ, hiệu Ninh Sơn, người làng Lạp Hạ, huyện Ninh Sơn sau đổi là Yên Sơn, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, nay là xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây. Năm Ất Mùi 1475, ông đỗ nhị giáp tiến sĩ, lúc 29 tuổi làm đến Tham chính, nổi tiếng văn thơ đương thời.

5.   Đoàn Vĩnh Phúc: Không rõ năm sinh, năm mất. Theo bài Hậu bạt đề năm Quang Bảo sơ niên (1554) ở một số bản Lĩnh Nam Chích Quái, ông làm việc ở cục Tú lâm thuộc Viện Hàn lâm đời nhà Mạc.

Tham khảo:

  1. “Lĩnh Nam Chích Quái”, Việt Nam Hán Văn Tiểu Thuyết Tùng San, Pháp Quốc Viễn Đông Học Viện xuất bản, Học Sinh Thư Cục ấn hành, Taipei, Taiwan, 1992
  2. “Lĩnh Nam Chích Quái Đẳng Sử Liệu Tam Chủng”, Nhà xuất bản Trung Châu, Hà Nam, Trung Quốc, 1991
  3. “Lĩnh Nam Chích Quái”, Đinh Gia Khánh, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1960

4.   “Lĩnh Nam Chích Quái”, Lê Hữu Mục, Nhà sách Khai Trí, Sàigòn, 1960

5.   “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư”, Chen Chinh Ho, Tokyo University, 1984

Lời tựa – Lĩnh Nam chích quái liệt truyện của Vũ Quỳnh

Quế Hải (1) tuy ở cõi Lĩnh Ngoại, nhưng núi non kỳ vỹ, địa linh, nhân kiệt, vật lạ thường thường vẫn có. Từ thời Xuân Thu, Chiến Quốc, cách thời thái cổ không xa, phong tục nước Nam còn đơn sơ, chưa có sử sách để ghi chép, nên nhiều chuyện bị lãng quên, mất mát. Riêng còn truyện nào không bị thất lạc thì may được dân gian truyền miệng. Đến các đời Tây Hán, Đông Hán, Đông Tây Tấn, Nam Bắc triều, rồi đến Đường, Tống, Nguyên mới có sử ghi chép các truyện như Lĩnh Nam Chí, Giao Quảng Chí, An Nam Chí Lược, Giao Chỉ Chí Lược v.v… mới có thể tham khảo rõ ràng được. Nhưng nước Việt ta từ xưa vốn là nơi hoang dã cho nên việc ghi chép còn sơ lược.

Nước ta lập quốc từ thời Hùng Vương, dần dần khai hóa, văn minh mới có từ các đời Triệu, Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần đến nay đã lan đến khắp nơi, cho nên việc ghi chép quốc sử được tường tận hơn. Những truyện chép ở đây là sử ở trong truyện chăng? Bắt đầu có từ thời nào? Tên họ người viết là ai đều không thấy ghi rõ. Viết ra đầu tiên là những bậc tài cao học rộng ở đời Lý, Trần. Còn những người hiệu đính, tu bổ các bậc quân tử uyên bác, hiếu cổ ngày nay.

Kẻ ngu này xin đem ngọn nguồn ra mà suy xét lại cho sáng tỏ ý người viết truyện. Như truyện họ Hồng Bàng thì nói rõ việc khai sinh ra nước Việt ta. Truyện Dạ Thoa lược thuật về thời manh nha của nước Chiêm Thành. Truyện Bạch trĩ thì chép chuyện về nước Việt Thường. Còn truyện Rùa Vàng chép sử An Dương Vương. Về phong tục Đồ sính lễ thì không có gì quý bằng trầu cau, lấy đó mà biểu dương nghĩa vợ chồng, tình huynh đệ. Về mùa hạ nước Việt ta không có gì quý bằng quả dưa hấu, cũng dùng để kể truyện cậy vật báu của mình, quên cả ơn chủ. Truyện Bánh Chưng khen lòng hiếu với cha mẹ. Truyện Hà Ô Lôi răn thói dâm ô. Đổng Thiên Vương phá giặc Ân, Lý Ông Trọng diệt Hung Nô, đủ biết nước Nam ta có người tài giỏi. Chử Đồng Tử kết duyên cùng Tiên Dung. Thôi Vỹ tao gặp gỡ bạn tiên, đủ biết làm việc nghĩa thì âm đức có thể thấy vậy. Những truyện Đạo Hạnh, Không Lộ khen việc báo được thù cha, các vị thần tăng ấy há có thể mai một hay sao? Những truyện Ngư Tinh, Hồ Tinh nêu rõ diệt trừ yêu quái mà ơn đức Long Quân không thể quên được vậy!

Hai linh thần họ Trương chết thành thần minh, treo cờ mà biểu dương, ai dám nói không được? Anh linh thần núi Tản Viên trừ được loài thuỷ tộc, nêu lên cho hiển hách, ai lại bảo không phải? Than ôi! Nam Chiếu là con cháu Triệu Vũ Đế, nước mất lại biết phục thù; Man Nương là mẹ Mộc Phật, năm hạn làm được mưa dầm; Tô Lịch là thần đất Long Đỗ, Xương Cuồng là thân cây chiên đàn, một đằng thì lập đàn tế lễ, dân được hưởng phúc, một đằng thì dùng kỳ thuật mà trừ cho dân được thoát hoạ.Việc tuy kỳ lạ mà không quái đản, người thì hơi kỳ dị nhưng không đến nỗi là yêu quái. Truyện kể tuy có phần hoang đường mà tông tích vẫn có phần là bằng cứ, há chẳng phải chỉ cốt khuyên điều thiện, răn điều ác, bỏ giả theo thật để khuyến khích phong tục mà thôi ư? So với sách “Sưu Thần Ký” đời Tấn, sách “Địa Quái Lục” đời Đường thì cũng giống nhau vậy.

Ôi! Truyện lạ đất Lĩnh Nam thật là nhiều, không đợi khắc vào đá, viết vào tre mà đã khắc sâu vào bia miệng, vào lòng người? Từ đứa bé hôi sữa đến cụ già tóc bạc đều làu thông, đều yêu thích, lấy đó để noi gương thì tất là phải có liên quan đến cương thường, phong tục tập quán. Đâu có phải là những chuyện nhỏ bé tầm thường được.

Mùa xuân năm Nhâm Tý, niên hiệu Hồng Đức, kẻ ngu này mới biết được sách này, ôm lấy mà đọc, không tránh khỏi chữ nọ nhầm chữ kia. Thế là quên mình dốt nát, đem ra hiệu chính, xếp thành hai quyển, đặt tên là “Lĩnh Nam Chích Quái liệt truyện”, cất ở trong nhà để tiện việc thưởng lãm. Còn như việc khảo chính, nhuận sắc, làm cho văn hay, lời đẹp, ý sâu thì chư vị quân tử hiếu cổ sau này há không có ai hay sao?

Cho nên viết bài tựa này.

Giữa mùa thu năm thứ 23, đời Hồng Đức (2)

Vũ Quỳnh

Giám Sát Ngự Sử đạo Kinh Bắc, Tiến Sĩ khoa Mậu Tuất, hiệu Trạch Ổ, Yến Ôn, người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, Hồng châu.

—————————

Chú thích

1. Quế là tên tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Quế Hải theo nghĩa rộng là vùng đất bao gồm Quảng tây, tức chỉ gồm cả nước ta.

2. Tức năm 1492 đời vua Lê Thánh Tông

Lời Bạt (tựa cuối sách) – Lĩnh Nam chích quái liệt truyện của Kiều Phú

Ngu ý cho rằng việc thường thấy thì chép trong Kinh, Sử để lưu lại ở đời, việc kỳ quái thì chép thành Truyện, Ký để rõ chuyện lạ. Cho nên việc các đời Ngu, Hạ, Thương, Chu thì chép vào Kinh, việc các đời Hán, Đường, Tống, Nguyên thì ghi rõ ở Sử. Còn các chuyện như “Ông già bơi sông”, “Đuôi rồng vạch đất”, “Gõ hát trong làng”, “Chim sẻ ngậm sách đỏ” thì có Truyện để bù vào chỗ thiếu. Các sách Vũ Đế nội truyện đời Hán, Thiên Bảo dật sự đời Đường, Triều dã thiêm tái đời Tống cũng không gì khác hơn là góp nhặt chuyện lạ các đời để tiện xem đó chăng.

Nước Việt ta từ thời loạn Mười hai Sứ quân về trước, tuy sử liệu không đủ rõ để khảo chứng, nhưng sự tích của nước nhà vẫn có thể xem ở Thốc Thủy Thông giám và sử sách thuộc các triều. Còn như sông núi linh thiêng, nhân vật lạ kỳ thì tuy sử bút không chép, nhưng bia miệng không ngoa. Người bậc học rộng đời sau gom góp lại, biên thành truyện được bấy nhiêu thiên, thu thập những mẫu chuyện vụn vặt, linh tinh để bổ sung vào những chưa đầy đủ. Trong những việc kỳ quái đó, vẫn có những điều hệ trọng.

Ôi ! Đã có chuyện trời sai huyền điểu xuống thế mà sinh ra nhà Thương, thì chuyện trăm trứng nở ra trăm con để chia trị nước Nam, chuyện Hồng Bàng không thể mất được. Thà làm đầu gà còn hơn đuôi trâu, cho nên chuyện con cháu họ Triệu chống cự với Bắc triều thì chuyện Nam Chiếu không thể bỏ sót. Sông nước vây quanh mà rồng xanh hội tụ, chép lại chuyện sông Tô Lịch há chẳng phải làm đẹp cho phong cảnh kinh đô ư? Chiến thắng xong mà lơ là lẫy nỏ, ghi chép về thần Kim Quy chẳng phải là để chê trách An Dương Vương quên lãng mối nguy sao? Trừ hại cho dân thì những chuyện Ngư tinh, Hồ tinh, Mộc tinh đã ghi rõ sự việc. Trọn bề tôi thì các chuyện Bánh chưng, Long nhãn, Bạch trĩ đã chép tỏ tường. Phù Đổng Thiên Vương, Lý Ông Trọng nổi danh đánh giặc giữ nước mà được hiển thần. Dưa hấu, Cây cau được biết vì thêm vật lợi dân. Đầm Dạ trạch, Việt Tỉnh cương, làm điều thiện thì dương làm âm báo, cốt để răn đời. Hà Ô Lôi, Dạ Xoa Vương hiếu dâm, hại thân, mất nước là để khuyên răn. Còn như các chuyện Thánh núi Tản Viên ngăn tai ngừa họa, bà Man Nương cầu mưa ứng nghiệm. Từ Đạo Hạnh phục thù cho cha, Nguyễn Minh Không trị bệnh cho vua, Dương Không Lộ và Nguyễn Giác Hải có phép bắt rồng xuống đất, bắt tắc kè phải rơi, ai cũng khâm phục phép thuật diệu kỳ. Sự việc tuy không bình thường, nhưng truyền thuyết thì gắn liền với di tích, nêu lên há chẳng phải hay sao. Nhưng nói Thần Tản Viên là con trai của Âu Cơ, Đổng Thiên Vương là Long Quân tái thế, Lý Ông Trọng giả vờ đi tả mà chết, trộm nghĩ không phải là như vậy. Truyện xưa cho là Y Doãn do việc bếp núc giỏi mà gặp vua Thang, Bách Lý Hề chăn trâu mà cầu gặp Tần Mục Công. Nếu không nhờ Mạnh Tử ra sức biện minh, thì hai ông này cuối cùng vẫn chịu tiếng nhơ đó sao? Tản Viên là thần hạo khí, Đổng Thiên Vương là tướng trời sai xuống, Lý Ông Trọng là bậc hào kiệt một thời, đâu có như việc ghi trong truyện được.

Cho nên ngu tôi dựa vào sách khác, ghi thêm ý mình, sửa lại cho đúng, biện chính những lầm lẫn thuở trước để khỏi bị đời sau chê cười, lại bớt chỗ rườm rà, theo chỗ ngắn gọn cốt để tiện xem. Mong các bậc bác nhã quân tử hãy lượng thứ cho.

Năm Quí Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 24 (1).

Ninh Sơn Kiều Phú, tự Hiếu Lễ, Tiến sĩ Khoa Ất Mùi, nguyên Giám sát Ngự sử đạo Kinh Bắc kính chép.

—————————

Chú thích

1. Tức năm 1493 đời vua Lê Thánh Tông

Lời Hậu Bạt (bạt cuối sách) – Lĩnh Nam chích quái liệt truyện quyển 3 (tục loại) của Đoàn Vĩnh Phúc

Các sách xưa như Nam Truyện Ký, Thế Thuyết, Dã Lục, Chí Dị, Tạp Biên… được yêu chuộng cũng bởi vì ghi lại các chuyện quái dị xa gần, xưa nay, để làm vui cho thiên hạ.

Nước Đại Việt ta, non sông gấm vóc, thường xưng là nước có văn hiến. Vậy thì sự tích của các anh hùng hào kiệt, các chuyện kỳ bí lạ lùng của sự việc xảy ra, há chẳng có sách truyện ghi chép lại hay sao?

Nay xem sách Lĩnh Nam liệt truyện không thấy ghi tên tác giả, không biết do nho sinh thời nào khởi thảo. Bản hiện hành là của ông Trạch Ổ họ Vũ, là người làng Mộ Trạch, một kẻ sĩ thời Hồng Đức vang danh khoa hoạn, bác học hiếu cổ. Sách gồm 2 quyển, tất cả có 22 truyện, xếp theo thứ tự bắt đầu từ truyện Hồng Bàng và chấm dứt ở truyện Dạ Xoa. Đúng là sách hay, đáng được liệt vào hạng nhất nhì trong loại Truyện Ký. Đáng tiếc là vì còn thiếu sót các truyện như Sĩ Nhiếp, Rồng đá, thần Bạch Hạc v.v chưa được biên soạn thêm vào. Ngu sinh xong việc công, rỗi rảnh đem sách ra đọc thấy được cái đẹp của thánh hiền, cái gấm vóc của non sông, chuyện anh hùng, trinh liệt của hai Bà Trưng, sự linh ứng của thần Kiền Hải, cùng với các chuyện khuyên người, dạy đời khác nữa. Vì thế, ngu sinh mới xét lại sách “Triệu Công Sử Ký”, tham khảo “Việt Điện U Linh”, biên soạn bổ sung, bỏ bớt chỗ rườm rà, làm cho ngắn gọn, viết thành quyển mới, cho vào phần gọi là Tục biên, để tiện bề thưởng lãm. Còn việc khảo sát, hiệu chính thì chờ mong ở các bậc tài cao học rộng vậy.

Thuốc trường sinh luyện một mạch, dưới đất thì non tiên, đầm sâu, trên trời thì sao phúc, mây lành, há chẳng phải là động tiên còn đó hay sao. Huống chi người là vạn vật chi linh, không tin những chuyện thần bí sao được, như chuyện Bùi Hàng, Biệt Dị thời Tống thì cũng giống như vậy mà thôi. Đừng vì Khổng Tử không dạy mà cười chê.

Xưa, họ Hồ bận việc vua mà còn viết nên Dịch Truyện, sắp xếp thành sách, khỏi để lãng phí thời giờ. Ngu tôi học theo như vậy mà soạn tập “Tục Biên” này, viết nên lời Bạt để tóm tắt nội dung.

Nho sinh Đoàn Vĩnh Phúc

Ngày 20, tháng 8, đầu năm Quang Bảo (1) ở Cục Tú Lâm thuộc Viện Hàm Lâm

—————————

Chú thích:

1. Quang Bảo là niên hiệu của Mạc Phúc Nguyên

Truyện Bánh chưng

Hùng Vua sau khi phá xong giặc Ân rồi, trong nước thái bình, nên lo việc truyền ngôi cho con, mới hội họp hai mươi hai vị quan lang công tử lại mà bảo rằng: “Đứa nào làm vừa lòng ta, cuối năm đem trân cam mỹ vị đến dâng cúng Tiên Vương cho tròn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho”.

Các công tử đua nhau đi tìm các vị trân kỳ, hoặc săn bắn, chài lưới, hoặc đổi chác, đều là của ngon vật lạ, nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Duy có công tử thứ mười tám tên là Lang Liêu, mẹ hàn vi, đã bị bệnh qua đời rồi, trong nhà lại ít người nên khó bề toan tính, ngày đêm lo lắng, ăn ngủ không yên. Chợt nằm mơ thấy thần nhân bảo rằng: “Trong trời đất không có vật gì quý bằng gạo, vì gạo là vật để nuôi dân khỏe mạnh, ăn mãi không chán, không có vật gì hơn được. Nếu giã gạo nếp gói thành hình tròn để tượng trưng cho Trời, hoặc lấy lá gói thành hình vuông để tượng trưng cho Đất, ở trong làm nhân ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý công ơn dưỡng dục của cha mẹ, như thế thì lòng cha sẽ vui, nhà ngươi chắc được ngôi quý”.

Lang Liêu giật mình tỉnh dậy, vui mừng nghĩ rằng “Thần minh giúp ta, ta nên bắt chước theo mà làm”. Lang Liêu bèn lựa nếp hạt trắng tinh, không sứt mẻ, đem vo cho sạch, rồi lấy lá xanh gói thành hình vuông, bỏ nhân ngon vào giữa, đem nấu chín tượng trưng cho Đất, gọi là bánh chưng. Lại lấy nếp nấu xôi đem quết cho nhuyễn, nhào thành hình tròn để tượng trưng cho Trời, gọi là bánh dày.

Đúng kỳ hẹn, Vua hội họp các con lại trưng bày phẩm vật. Các con đem dâng không thiếu thứ gì, duy chỉ có Lang Liêu đem bánh hình tròn, bánh hình vuông đến dâng. Hùng Vương lấy làm lạ hỏi Lang Liêu, Lang Liêu trình bày như lời thần nhân đã bảo. Vua nếm thử thì thấy vị ngon vừa miệng ăn không chán, phẩm vật của các công tử khác không làm sao hơn được. Vua khen ngợi hồi lâu, rồi cho Lang Liêu được giải nhất. Vua dùng thứ bánh ấy để cung phụng cha mẹ trong các dịp lễ tết cuối năm. Thiên hạ mọi người đều bắt chước theo. Tục này còn truyền cho đến bây giờ, lấy tên của Lang Liêu, gọi là Tết Liệu. Hùng Vương truyền ngôi cho Lang Liêu; hai mươi mốt anh em kia đều chia nhau giữ các phiên trấn, lập làm bộ đảng, trấn thủ những nơi núi non hiểm trở.

Về sau, anh em tranh giành lẫn nhau, mỗi người dựng “mộc sách” (hàng rào cây bằng gỗ) để che kín, phòng vệ. Vì thế, mới gọi là Sách, hay là Trại, là Trang, là Phường. Sách, hay Trại, Trang, Phưòng bắt đầu có từ đây vậy.

—————————

Còn tiếp…

Những khúc ca xuân – series

11. Một Mùa Xuân Nho Nhỏ

Sáng tác: Trần Hoàn Lời thơ: Thanh Hải.

Trình bày: Anh Thơ


.

12. Ngày Tết Quê Em – Tam Ca Áo Trắng


.

13. Mùa Xuân Đến Rồi Đó

Sáng tác: Trần Chung Trình bày: NSƯT Thu Phương


.

14. Liên Khúc: Xuân Đã Về & Đón Xuân

Trình bày: Cẩm Ly & vũ đoàn ABC


.

15. Mùa Xuân Làng Lúa Làng Hoa (Thanh Hoa, 1981)


.

16. Đồn Vắng Chiều Xuân- Hiếu Thuận


.

17. Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa – Quang Dũng


.

18 Ngày Xuân Vui Cưới – Hoài Linh


.

19. Đám Cưới Đầu Xuân – Yến Khoa Thái Châu


.

20. Cánh Thiệp Đầu Xuân -Anh Cho Em Mua Xuan
Trình bày: Thanh Thuý- Thiên Kim

Những khúc ca xuân – series

Xuân đã về trên cành lộc biếc
Xuân muôn phương trên Đọt Chuối Non
Xuân cho già trẻ sắt son
Xuân đi, vạn vật mãi còn mùa xuân


Đông tàn, Xuân đến. Đất trời tưng bừng khai hội cho lòng người rạo rực tình Xuân. Nhựa sống căng tràn. Sắc Xuân tươi thắm. Mùa của hi vọng. Mùa của yêu thương, cỏ cây hoa lá đua nở thắm tươi, trái tim của con người dường như trẻ lại và thấy yêu đời. Âm nhạc, đặc biệt nhạc Xuân luôn là một nguồn vui lớn, một món ăn tinh thần gần gũi và tự nhiên như thịt mỡ, bánh tét, bánh chưng và dưa hành. Nhạc Xuân ngân vang khúc reo vui, thể hiện những niềm hân hoan, những rung cảm của lòng người hoà vào tiết điệu của thiên nhiên. Do vậy nhạc Xuân của chúng ta vô cùng phong phú và đặc sắc.

Hôm nay Nhạc Xanh bắt đầu chương trình Những Khúc Ca Xuân trên Đọt Chuối Non. Các bạn sẽ thưởng thức những bản nhạc Xuân chọn lọc được yêu mến qua nhiều năm tháng bởi nhiều thế hệ. Các bạn sẽ nghe 50 bản nhạc xuân được post trong 4 ngày giáp Tết. Tất nhiên trong những ngày Tết ngoài nhạc yêu cầu được post vào ngày mồng một Tết, các bạn vẫn có thể trở lại với 50 bản nhạc này.

Hôm nay mời các bạn reo vang khúc hát giao mùa với 10 bài tân nhạc được xếp loại cổ điển đã làm say đắm bao người khi mùa về.

Xin được nói đôi điều về hai bản nhạc mở đầu trong số những bài mình yêu thích nhất

Bài thứ nhất là Xuân và Tuổi Trẻ, một sáng tác của La Hối – thơ Thế Lữ, do ca sĩ Ánh Tuyết thể hiện.. Nhạc sĩ La Hối ra đi khi còn rất trẻ chỉ mới 25 mùa xuân cho đời nhưng bài hát của người nghệ sĩ tài hoa này bất tử với ca từ và giai điệu tươi trẻ, lạc quan, yêu đời, tràn đầy khát vọng.

Có ai trong chúng ta không thấy lòng phơi phới, rạo rực khi nghe điệu Valse lã lướt reo vui như chính nhịp điệu mùa Xuân:

“Ngày thắm tươi bên đời xuân mới
Lòng đắm say bao nguồn vui sống
Xuân về với ngàn hoa đua thắm
Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng…”

Bài thứ hai : Em Ơi Mùa Xuân Đến Rồi Đó, của nhạc sĩ Trần Chung qua giọng ca tuyệt vời của NSND Lê Dung để tưởng nhớ đến người nữ nghệ sĩ lớn này. Đích thực đây là một bản tình ca Xuân về tình yêu, đất nước và con người. với những biểu tượng của mùa “ngàn hoa thắm đỏ”, và “chim én lướt bay về”.

Chàng trai gửi gắm cho người yêu những lời giản dị mà sâu sắc về cuộc đời , ước vọng, hạnh phúc, niềm riêng và tình chung.

“Em ơi mùa xuân đến rồi đó
Thắm đỏ ngàn hoa khát mặt trời”

Dần về sau, tiết tấu bài nhạc nhanh, rộn ràng như sức trẻ căng đầy với :

“Nghe không gian mênh mông trong lời ca yêu thương đến với muôn đời, Xuân ước vọng ngàn năm lại tới.”

Để rồi kết thúc với lời mời gọi tha thiết:

“ Này em hãy hát lên cùng mùa xuân mới xinh tươi
Em ơi mùa xuân đến rồi đó giang rộng vòng tay đón cuộc đời …”

Xin mời các bạn tiếp tục chia sẻ những cảm xúc về các bản nhạc của hôm nay.

Hình hoa mai là do mình chụp từ cây mai nhà mình trồng đã lâu đưa vào minh hoạ tặng các bạn.

Thân ái chúc các bạn một ngày 27 Tết tất bật mà tràn đầy niềm vu.

Huỳnh Huệ

1. Xuân và Tuổi Trẻ

Sáng tác : La Hối
Trình bày : Ánh Tuyết


.

2. Em ơi mùa xuân đến rồi đó

Sáng tác : Trần Chung
Trình bày: Lê Dung

Em ơi mùa xuân đến rồi đó
Thắm đỏ ngàn hoa khát mặt trời
Nghe không gian mênh mông trong lời ca yêu thương đến với muôn người, đến với muôn đời
Xuân ước vọng ngàn năm lại tới
Nghe lòng vui phơi phới
Kìa em nắng đã lên rồi mừng xuân hát lên thôi

***
Nghe em mùa xuân nói gì đó
Xúc động lòng ta trước cuộc đời
Qua bao nhiêu đau thương thêm mùa vui theo chim én đã bay về ríu rít ngang trời
Chim hót chào bàn tay dựng xây trên tầng cao có thấy
Mùa xuân náo nức công trường đồng lúa mới dâng hương

Em ơi mùa xuân mới gọi đó
Tiếng gọi tình yêu mới hiền hoà
Ôi xuân tươi bao la đang giục ta đi mau tới những chân trời đất mới đón người
Xây đắp ngàn mùa sau hạnh phúc trên đường ta đi tới
Này em hãy hát lên cùng mùa xuân mới xinh tươi
(Lặp lại từ ***)
Em ơi mùa xuân đến rồi đó giang rộng vòng tay đón cuộc đời ….


.

3. Ly Rượu Mừng ( Hợp Ca)

Sáng tác : Phạm Đình Chương

4. Hoa Xuân
Sáng tác : Phạm Duy

Trình bày : Đức Tuấn – Mỹ Linh và nhiều ca sĩ


.

5. Lời tỏ tình của mùa xuân

Sáng tác : Thanh Tùng
Trình bày: Đức Tuấn


.

6. Tết Đến Rồi –
Sáng tác : Từ Huy

Trình bày: Tam Ca Áo Trắng


.

7. Hoa Xuân
Sáng tác : Phạm Duy
Trình bày : Hà Thanh


.

8.Ngày Xuân Long Phụng Sum Vầy

Sáng tác : Quang Huy
Trình bày : Lam Trường , minh hoạ: vũ Đoàn The Friends


.

9. Anh Cho Em Mùa Xuân-

Sáng tác : Nguyễn Hiền
Trình bày: Hiếu Thuận


.

10. Anh cho em mùa xuân

Tứ ca: Lan Anh, Thanh Vân, Phi Nhung và Khả Tú

Trải nghiệm về tình bạn của tôi

Mấy hôm nay tôi ốm, nên không lên ĐCN chia sẻ kinh nghiệm với anh chị em được. Tôi thường thích viết về chủ đề tình yêu, tình bạn, thất bại và thành công; hay sự  nghiệp và hạnh phúc, vv. Nhưng có lẽ, tình bạn, là thứ tình cảm mà con người cảm nhận được nhiều nhất.

Nhớ câu hát:

“Lovers comes, lovers go”.

Khi bạn tôi chia tay bạn trai, tôi có gửi câu này, nhưng thêm vào một ý  nữa : “friends remain”.

Vì yêu thì có  lẽ chỉ yêu 1 người tại một thời điểm (hầu hết là thế), nên có mấy ai có nhiều nhân tình trong cuộc đời. Nếu có thì cũng không thể bằng số lượng bạn bè được.

Thế nên, tôi muốn chia sẻ với các bạn những suy nghĩ của tôi về  tình bạn.

Trước hết, tôi sẽ  viết về tiêu chí chọn bạn của tôi. Ông bà  thường nói “chọn bạn mà chơi”, “nhìn bạn biết mình”, nên việc này rất mất công sức và thời gian lẫn tiền bạc. Sau đó, tôi sẽ đề cập đến các vấn đề khác.

Chọn bạn… khó  nhỉ? Bạn thì nhiều, chọn ai chơi cùng bây giờ? Với lại, mình chọn họ, biết họ có chọn mình làm bạn không?

Nên, khi tôi chọn ai đó làm bạn, tiêu chí đầu tiên là:

– Người đó đối xử tốt với mình

Cái này hơi phức tạp  đây… Vì nhiều lúc, bạn ấy chưa quen mình, nên sao mà đối xử tốt với mình được? Tôi ngày xưa, hồi đi học cũng quen nhiều đại ca. Bề ngoài họ rất dễ sợ, nhưng thực ra khi là bạn bè, thì lại quý trọng mình và không ngại giúp đỡ, rất vô tư. Thế nên, cảm xúc đầu tiên cũng quan trọng. Thấy họ thân thiện là được 30% rồi.

– Có suy nghĩ gần giống mình

Vì tôi thích “tôn trọng sự khác biệt” và “học từ những điều mình chưa biết” nên, chọn bạn, tôi hay chọn người có tài ở lãnh vực khác với bản thân. Tuy vậy, bạn mình cũng nên suy nghĩ giống mình chút. Có nghĩa là mình có 10 ý tưởng, bạn ấy ủng hộ 3 là ổn rồi. Phần này quyết đinh 20% thành công của tình bạn.

– Sẵn sàng chia sẻ

Không mấy người sãn sàng chia sẻ tiền bạc, của cải, thời gian với bạn đâu. Chỉ có bạn thân mới làm vậy. Tuy nhiên, chia sẻ kiến thức, sách vở thì là điều tối thiểu mà tôi yêu cầu ở bạn tôi, vì mấy cái đó chia ra mà không mất phải không các bạn?

“Share to be shared” ~ Unknown.

Tôi có một câu chuyện thế này. Hồi tôi học cấp 3, quen hai người bạn. Hai bạn này thường đi cùng tôi đến lớp, vì  bọn tôi ở cách trường 15 km. Mỗi này đi 2 lần, có lúc 4 lần.

Hai bạn này thì  tốt bụng lắm, nhưng với yêu cầu tối thiểu của  tôi, thì chưa đạt được.

Lần 1: Tôi gọi một người là A, người bạn kia là B. A và B ở  gần nhà nhau, là bạn với nhau từ nhỏ. Bố  mẹ A và B đều là giáo viên, nên biết nhau.

Lần ấy, tôi thích tập guitar lắm. Tôi bỏ ra 250k (tiền học bổng hàng tháng ở ĐH Vinh) để mua 1 cái.

Tôi mua về, không có  ai bày cho. Khi ấy, A và B cũng có đàn, tập lâu rồi, nên đánh khá hay (chủ yếu là tỉa  đàn – chứ chưa đánh điệu được). Tôi mới cầm đàn xuống nhờ hai bạn chỉ  cho. Thật bất ngờ, hai người ấy không muốn bày cho tôi (không tỏ ra – nhưng tôi hiểu). Thế là tôi không học được đàn, giờ trình độ vẫn trung bình yếu.

Lần 2: Bạn B rất giỏi về Visual Basic – một ngôn ngữ lập trình. Tôi thì là người học lập trình giỏi nhất lớp chuyên tin ĐH G khóa Y. Nhưng tôi không biết gì về lập trình API, hay Visual languages. Nên tôi muốn làm mấy chương trình nghe nhạc chẳng hạn, không biết làm.

Tôi cầm sách đến nhờ B, bảo B dạy cho tôi cách lập trình chương trình nghe nhạc. Nếu mà có GOOGLE hay internet như bây giờ, chắc tôi chẳng phải làm vậy.

Khi đến nhà B, B mỉm cười. Hắn bảo đó là bí quyết của hắn. Thế là, đến giờ, tôi cũng không biết Visual Basic, chỉ biết C, C#, hay Matlab.

– Sẵn sàng giúp đỡ lúc khó khăn

Cái này thì rất quan trọng, nhưng tôi liệt vào cuối, vì thực ra, cái này tốn thời gian và công sức của bạn bè, mà tôi thì thích sống độc lập, chỉ nhờ cậy lúc cần thiết.

Bản thân tôi thì  có nhiều chuyện buồn, nên việc khó khăn là  rất hay xẩy ra. Nếu không có bạn tốt, có lẽ  tôi không có ngày hôm nay.

Chuyện 1: Tôi có một bạn học BKHN tên là T – là bạn thân cấp 3 của tôi. Một bạn khác tên K, bạn thân đại học. Trong lúc ôn thi học bổng X 200x, tôi ở nhà trọ (cùng với nhà chủ). Luật lệ ở đó là: Không vào, không ra sau 10 giờ tối. Nhưng vì tôi không có bạn gái, nên việc đó là bình thường. Một hôm, bà chủ lên bảo, nhà sắp xây, nên tôi phải chuyển đi. Tôi cũng hơi bực mình với gia chủ, vì ba lần 7 lượt tăng giá nhà theo xăng. Xăng tăng 500 VND thì bà chủ tăng 100k – 200k VND.

Tôi không biết đi  đâu, mà lại đang lúc ôn thi GRE/TOEFL/X?

Tôi gọi cho bạn tôi, sau kỳ nghỉ Tết. Bạn T bảo nhà trọ bạn ấy còn chỗ, cho tôi đến ở nhờ. Tôi chuyển đồ đi vào trước Tết, còn các đồ khác thì còn gửi lại. Mạng Internet thì tôi cũng chưa cắt.

Đến ra Tết, khi tôi và T thuê xe đến chở đồ đi, con bác chủ nhà chặn lại. Lý do: Tôi chưa thanh lý hợp đồng Internet với FPT. Thực ra thì do những người dùng chung đường truyền không đóng tiền phí, nên tôi chưa thanh toán cho họ. Việc thanh lý thì đơn giản. Thứ hai, con bác chủ nhà muốn làm hàng Nét (họ có nhưng cách xa nhà), để bắt tất cả các phòng dùng dịch vụ của họ để kiếm tiền, nên mới gây sự cho tôi đi.

Tôi bảo, thế thì  để tôi đi thanh toán tiền với FPT. Hắn không cho, cầm kéo nhảy vào đâm tôi. Bạn tôi giúp tôi tránh nhát kéo, và bảo vệ tôi. Vì vậy, hắn không làm càn. (Thực ra anh ấy bị nghiện, nhưng sau đó 1 ngày, lại goi điện xin lỗi tôi).  Mấy lần tôi cho anh ấy tiền mua thuốc.

Lần đó, bạn tôi  đã giúp tôi rất nhiều.

Chuyện 2: Ở với T được vài tháng, đang cơm lành canh ngọt, thì chiến sự xẩy ra. Tôi và T bất đồng ý kiến về cái gì đó trên báo (chuyện học TOEFL). Thế là tôi dùng bad-word. T thì ghét bad words. Hắn chưa bao giờ chửi thề 1 câu từ lúc sinh ra. Vậy là T bỏ đi. Tôi cũng tức tối, gọi cho K. K thì có phòng, nhưng chật lắm. K cho tôi ở nhờ để rảnh đầu óc còn ôn thi, ở với T hơi stress.

K cho tôi ở 1 tháng.

Sau đó, em gái K ra HN học nên tôi phải chuyển đi. Tôi nhớ đến Q, bạn  đồng hương thời đại học, có lần xin số. Tôi gọi cho Q, Q bảo có thể đến ở nhờ  được. Lúc đó tôi cũng thi xong VEF rồi, nên đến cho Q để chuẩn bị hồ sơ. Q vui tính, lại tốt, nên tôi ở rất vui vẻ.

Tôi ở với Q đến ngày sang Mỹ. Và Q, theo như quan điểm của tôi, là mẫu bạn tốt của tôi. Tuy nhiên, K và  T đều là bạn tốt cho đến tận hôm nay. A và B dù tôi có ăn cơm ở nhà họ cho mòn bát đĩa, nhưng dĩ nhiên, là không phải nằm cùng danh sách với Q, K, T.

Hết kỳ 1, hẹn các bạn ở kỳ 2.

Thân mến,

Nguyễn Văn Dzu

Trường thiên A1 Sử Ký – Hồi cuối – Tạm biệt A1

THu Thảo

Có một buổi tối rất muộn, không hiểu sao tự dưng muốn vào lại trường mình. Vào đến trường rồi – gần như là quán tính… Thảo đi thẳng về phía lớp mình, cho đến khi giật mình dừng lại rồi mới kịp nhận ra chung quanh tối om. Thảo đã đứng rất lâu ở cửa lớp, dán mắt nhìn qua ô cửa kính… Tự dưng lại thấy như trước mặt mình cả lớp đang ngồi vào chỗ, bàn trên bàn dưới… thấy lại những khuôn mặt cũ đang tươi cười hớn hở… thấy thật gần đây đó quanh đây, những điều tưởng chừng đã qua lại đột ngột tràn về… Và Thảo biết rằng mình phải làm một cái gì đó cho những tháng ngày vui vẻ ấy, để nó có thể nói hộ Thảo rằng “Thảo thấy nhớ qua đi thôi!”…

Đã hơn một năm trôi qua kể từ khi Thảo bắt đầu viết A1 Sử Ký. Ban đầu, Thảo không định sẽ công bố nó, chỉ là muốn viết cho chính mình và cho những người bạn thân của mình sắp phải đi học xa thay cho một lời tạm biệt mà thôi. Thế mà cuối cùng, giờ đây A1 Sử Ký đã là của chung, được tất cả các bạn chờ đợi và đón nhận. Điều đó quả là một hạnh phúc lớn lao mà không bao giờ Thảo dám mơ tới.

Nếu có thể, Thảo thực sự mong muốn rằng A1 Sử Ký sẽ không bao giờ phải khép lại. Để mỗi ngày, mỗi tháng qua đi, Thảo vẫn có thể ghi lại những đổi thay của bạn bè mình. Bởi – đối với Thảo – được dõi theo con đường các bạn đi, được nghe các bạn chia sẻ những niềm vui, những thành công hay thất bại – bản thân nó đã là một niềm hạnh phúc… nhưng các bạn cũng như Thảo đều biết rằng điều đó là không thể.

Những tháng ngày hạnh phúc đã qua đi, để mỗi lần giở ra đọc lại, ta được gặp lại chính mình và bạn bè mình. Hay năm, mười hay hai mươi năm nữa, khi nhìn lại quãng đường đã đi qua, tự đáy lòng mình sẽ có thể nói với nhau rằng Cảm ơn cuộc đời đã cho chúng ta được gặp gỡ và chia sẻ cùng nhau quãng thời gian tươi đẹp đó. Bởi vì tất cả đều đã quá xa, mọi thứ dù có đẹp đến đâu thì cũng đã chỉ còn là kỉ niệm, mà…

Kỉ niệm chẳng là gì
Khi lòng người vội xóa
Nhưng sẽ là tất cả
Khi lòng người còn ghi

Nguyến Thu Thảo

.