Chào các bạn,
Nghĩ về thế giới có lẽ là điều cuối cùng mà nhiều người muốn làm – ai cũng có một danh sách cực dài những ưu tiên khác: con cái, nhà cửa, công việc, nợ nần, thăng tiến, hàng xóm, bạn bè… Thế giới đương nhiên là nằm ở đáy danh sách. Khi nào có thời giờ tôi sẽ nghĩ đến thế giới (và cho tới 50 năm nữa tôi cũng chẳng có dư giờ).
Nhưng nghĩ về thế giới, quan tâm về những gì đang xảy ra cho thế giới, sẽ giúp bạn có một khái niệm rõ ràng và cụ thể hơn về con người và những khó khăn con người đang gặp phải khắp thế giới – chiến tranh, áp bức, nghèo đói, bệnh tật, bất công, dốt nát…
Ngày nay thế giới đúng là chỉ một “làng toàn cầu” – đi từ nước này đến nước kia có thể chỉ tốn vài giờ bay, và Internet cho ta biết mỗi ngày những gì xảy ra khắp thế giới, cách ta cả chục ngàn km.
Mình nghĩ đến thế giới mỗi ngày và mình luôn thấy con người, như Phật Thích Ca nói, lặn ngụp trong đau khổ. Điều đó giúp cho mình có trái tim khiêm tốn và yêu người, và tạ ơn về những gì mình đang được Trời ban phát. Những điều này giúp mình gần gũi với thánh thần nhiều hơn, vì mình thích tâm sự với các vị. Mình do đó được tĩnh lặng hơn, trái tim mình sâu và rộng hơn, và mình quen với cầu nguyện hơn – thế giới nhiều đau khổ, mình chẳng làm gì được bao nhiêu, nhưng ít nhất là mình luôn có thể hỏi các thánh thần nâng đỡ loài người khắp nơi.
Và mình cảm thấy rất rõ ràng thế giới và loài người sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều, nếu con người biết yêu nhau. Ngày nay, ở trong quốc gia khuôn mẫu dân chủ của thế giới trong vòng 300 năm nay, thấy quý vị chạy lòng vòng như vịt mất đầu, mất phương hướng, chẳng biết làm gì tốt hơn là chỉ trích và đấu đá nhau (dân chủ là tự do đấu đá!), như một lũ điên, mình cảm nhận nỗi đau của thế giới – nếu nước này mất phương hướng và lộn xộn thế này, thì tại những nước khác, nơi bất bình đẳng, bất công và áp bức rất nhiều, thì người dân khổ đến mức nào?
Các bạn, mình rất hiểu trái tim Bồ tát, trái tim Giêsu. Thế giới như vậy, you không muốn là Bồ tát thì you cũng phải thành Bồ tát, để xoa dịu trái tim you trước, rồi xoa dịu nỗi đau của thế giới sau.
Nhìn thế giới sâu sắc, chúng ta sẽ người hơn.
Chúc các bạn có trái tim Bồ tát.
Mến,
Hoành
© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Dạ anh,
Em nhận ra một điều (ko biết có đúng ko) là càng bận bịu với cuộc sống hàng ngày, cơm áo gạo tiền…em có vẻ như càng xa rời Chúa Phật, xa rời tâm linh… Đứng nhìn lên tượng mẹ Quan Âm và cầu nguyện mà trong đầu cứ nghĩ tới tài chính, công việc cần phải thực hiện…khiến việc cầu nguyện tâm sự với Mẹ ko được tập trung trọn vẹn. Có lẽ những ai thảnh thơi với nỗi lo cuộc sống thì có cơ hội sống đời sống tâm linh nhiều hơn. Thật khó. Chắc do nội lực của em yếu kém nên mới như vậy…
Làm cách nào để khắc phục tìmh trạng này ạ?
ThíchĐã thích bởi 1 người
Long,
Nói rất đúng, nhiều người quá lo lắng với cuộc sống hằng ngày nên xa rời đới sống tâm linh.
Nhưng sự thật thì ngược lại. Người không có đời sống tâm linh sâu sắc thì luôn lo lắng và stress, dù họ có bao nhiêu tiền trong túi. Có nghĩ là không phải “ai thảnh thơi với cuộc sống thì có cơ hội sống đời sống tâm linh.
Sự thật là “Ai có đời sống tâm linh thì mới có đời sống thảnh thơi.”
Nghĩa là nếu chúng ta tập trung và cần mẫn với đời sống tâm linh, ta sẽ có đời sống thảnh thơi. Nếu ta không tập trung vào tâm linh, ta sẽ cứ thế mà stress cả đời, dù có thể là đại gia giàu nhất nước.
ThíchĐã thích bởi 1 người