Chào các bạn,
Mình sống qua thời bắt đầu của cách mạng tin học – tức là sống ở thời trước cách mạng tin học, rồi thấy nó bắt đầu, và thấy nó lớn mạnh cho đến nay – và luôn sửng sốt vì vận tốc nó thay đổi thế giới. Chẳng sách vở nào và kiến thức có thể chuẩn bị cho loài người vận tốc đó và những thay đổi đó. Và mình cũng biết là chúng ta chỉ mới bắt đầu. Tức là, nói trong thời gian trường kỳ, thiên niên kỷ của lịch sử thế giới, thì cách mạng tin học chỉ mới 5 tuần tuổi. Chúng ta thực sự chưa thấy gì, còn nhiều thay đổi lớn của thế giới đang sắp hàng chờ đợi ra chào khán giả.
Và khi nói đến tin học làm thay đổi thế giới, người ta thường có thói quen nghĩ đến điện tử – computer, virtual space, Internet, communications (TV, radio, podcast…), artificial intelligence… Những thay đổi này chỉ là nhỏ thôi các bạn, những thay đổi thực sự lớn nằm trong tư duy con người: cái nhìn về bình đẳng và bất công, về tự do và ràng buộc, về tập thể và cá nhân, đúng và sai, nam và nữ, gia đình và xã hội, quốc gia và vô tổ quốc, nghèo và giàu, chiến tranh và hòa bình, tôn giáo và chống tôn giáo, thiện và ác, thiên đàng và địa ngục, vật chất và tinh thần, người và thần, tội và đức, sống và chết… Nói chung là con người bắt đầu loay hoay mằn mò với những tư tưởng mới về đủ mọi thứ.
Nói thật đúng, thì có lẽ chẳng có tư tưởng gì có thể mới, vì cả trăm ngàn năm nay con người đã suy tư về đủ thứ chuyện trên đời rồi, chẳng có gì còn thiếu. Nhưng những nhà tư tưởng luôn là một thiểu số rất nhỏ, đôi khi một thế kỷ sinh ra được một người. Bây giờ là tư duy đại trà, mỗi người là một nhà tư tưởng, vì mọi người đều có thông tin nhiều như nhau và có cơ hội phát biểu tư duy ngang nhau.
Điều này có nghĩa là chúng ta đang bắt đầu đi vào thời kỳ hỗn lọan nhất của thế giới, hỗn loạn chỉ vì mọi thứ thay đổi ì đùng, chẳng còn biết đâu mà lần. Thường thì thay đổi là tốt, nhưng trong hỗn loạn của thay đổi, luôn có tội ác rình rập và thịnh hành khắp nơi, vì bản chất của tội ác là thích hỗn loạn, sinh sản mạnh trong hỗn loạn, và sống chỉ để tạo hỗn loạn.
Chính vì vậy mà mọi chúng ta đều cần có khả năng tĩnh lặng trong hỗn loạn để luôn giữ được cái đầu khôn ngoan và trái tim thông thái, cho chính mình, gia đình mình, đất nước mình, và thế giới của mình.
Và cách giữ tĩnh lặng tốt nhất là cầu nguyện. Thiền rất tốt, nhưng Thiền cũng cần cầu nguyện. Người tu Thiền mà chẳng cầu nguyện với ai, theo quan sát của mình, thì cũng vất đi, chẳng làm gì được, vì cái tôi của họ càng tu càng lớn.
Điều quan trọng nhất trong cầu nguyện là khi cầu nguyện chân thật, chúng ta luôn khiêm cung và dịu dàng. Khiêm cung – khiêm tốn và cung kính – thấy mình nhỏ bé, yếu đuối, dính bùn… nói chung là chẳng đáng gì, chỉ là một con kiến trong vũ trụ bao la. Khiêm cung – khiêm tốn và cung kính với mọi thần, mọi người, mọi vật – thường là kết quả đầu tiên của cầu nguyện, đến với ta ngay cả trước khi cầu nguyện. Và đó là điều rất quan trọng.
Rồi cầu nguyện cho chúng ta niềm tin, tĩnh lặng và trí tuệ để có thể thấy được bên trong những hỗn loạn, vẫn có bàn tay của Phật của Chúa luôn giúp loài người chỉnh sửa, đắp đường, vẽ lối… để tạo trật tự trong hỗn loạn.
Và chúng ta sẽ đủ thông thái để biết phải làm gì, đi đâu.
Các bạn, nếu 100 năm, 200 năm nữa, thế giới chỉ còn lại một quốc gia duy nhất và mọi người đều là công dân của nước đó, hay là cả trái đất biến mất không còn tung tích, thì cũng đừng ngạc nhiên. Nếu lúc đó bạn còn đó để nhìn. 🙂
Chúc mọi chúng ta thường cầu nguyện và tĩnh lặng.
Mến,
Hoành
© copyright 2021
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Em rất rất thích những bài viết về cầu nguyện của anh. Nó không chỉ là bài viết thông thường, mà luôn rất sâu sắc như có tâm linh trong đó.
Em cảm ơn anh nhiều.
ThíchThích
“nếu 100 năm, 200 năm nữa, thế giới chỉ còn lại một quốc gia duy nhất và mọi người đều là công dân của nước đó, hay là cả trái đất biến mất không còn tung tích, thì cũng đừng ngạc nhiên.” anh Hoành ơi, câu này e không hiểu lắm, anh giải thích câu này kĩ hơn được không ạ?
ThíchThích
Hi Huyên,
Truyền thông và giao thông càng tốt thì con người càng tụ lại. Ví dụ ngày xửa ngày xửa, có rất nhiều bộ lạc nhỏ, hoặc “nước” nhỏ, như thời Đông Châu Liệt Quốc hay thời Tam Quốc Chí ở Trung Quốc, dần đần các “nước” nhỏ đó tụ lại thành TQ lớn ngày nay. Ở Vn thì cũng có thời 12 sứ quân, rồi mới đến nhà Đinh. Rồi sau này nhiều dân tộc thiểu số nhập vào với người Kinh thành nước Việt bây giờ. Ngay ở thời này thì ta cũng thấy các nước rời rạc của Châu Âu gộp lại thành EU (dù nước Anh mới tách ra đây). Nói chung là thế giới luôn gộp lại với nhau theo đà tiến của kỹ thuật truyền thông và giao thông. Ngày nay chúng ta đã gọi thế giới là “làng toàn cầu” (global village). Một lúc nào đó nó thành một làng thật, thì cũng là điều dễ hiểu.
Hoặc là con người sẽ đánh nhau với đủ thứ bom hạch nhân làm cả trái đất nổ tung, thành khói.
A. Hoành
ThíchThích
Dạ, e hiểu rồi ạ, e cảm ơn anh Hoành nhiều ạ.
ThíchThích