Chào các bạn,
Trong bất kì liên hệ con người nào cũng có những lúc gặp trở ngại. Mẹ mình hay nói: “Mấy cái chén trong sóng chén còn đụng nhau nữa, huống chi là người sống gần nhau.”
Liên hệ con người – giữa ta và gia đình, thân nhân, bè bạn, đồng nghiệp, bosses, nhân viên… luôn là những cuộc hành trình giữa hai hay nhiều người. Và chúng ta biết rồi, đã nói đến hành trình là nói đến con đường. Con đường tự nó tạo vấn đề cho mình – quanh co, ổ gà ổ vịt, xe cộ giao thông… Và đương nhiên là đi trên một đoạn đường dài chúng ta đồng hành và hỗ trợ nhau, nhưng cũng có lúc căng với nhau vì lý do gì đó. Đó là chuyện thường tình. Nếu muốn đi với nhau lâu dài thì khi có căng, cố gắng bình tâm để làm hòa trở lại. Nhưng đương nhiên cách hay hơn nữa là cố gắng để khỏi bị căng với nhau ngay từ đầu.
Ngày nay vấn đề liên hệ con người bị coi thường. Mọi liên hệ đều có thể bị gãy đổ hoặc xóa bỏ rất nhanh, chỉ vì bất đồng ý với nhau điều gì đó. Mình nghĩ là mọi người ngày nay hình như có khuynh hướng kinh tế hóa các liên hệ. Liên hệ với công ty là liên hệ kinh tế tạm thời – tôi cần việc, tôi xin làm việc trong công ty, không thích thì tôi tìm công ty khác.
Ngày xưa liên hệ với công ty thường là liên hệ trọn đời. Người dân ở một vùng quanh một công ty lớn làm việc với công ty cả đời. Ngày nay, Nhật cũng còn khuynh hướng làm việc với công ty cả đời, nhưng mình đọc được mấy năm trước là khuynh hướng trung thành trọn đời đó cũng đang bị thử thách lớn ở Nhật, vì cạnh tranh kinh tế. Các công ty không đủ sức lo cho nhân viên những lúc kinh tế đi xuống, cũng như cạnh tranh tìm nhân tài giữa các công ty.
Nói chung, ngày nay thì liên hệ với công ty là liên hệ ít trung thành nhất. Và lỏng lẻo trong liên hê công ty có lẽ đưa đến lỏng lẻo trong những liên hệ khác giữa người trong gia đình, bè bạn, đồng nghiệp… Nói chung là chữ trung mất theo đền thờ cụ Khổng.
Ở VN ta còn có trào lưu chống TQ về Biển Đông và do đó chống cụ Khổng dữ dội. Mình nghĩ rằng không nên như thế. Điều gì hay thì học, điều gì dở thì chống, Việc gì phải bắt quàng chuyện này sang chuyện kia? Sống kiểu bắt quàng thế thì rất khó có bạn – có đứa bạn nào, được vài ba bữa, có chút vấn đề là nghỉ chơi. Và cũng mất kiến thức nữa.
Điều chính là không phải chúng ta đang nói về hoài niệm một thời đã qua. Điểm chính là liên hệ con người là điều cực kì quan trong cho đời sống tâm linh của mỗi chúng ta cũng như cho phát triển đất nước và phát triển thế giới. Điều này rất dễ hiểu: Chúng ta sống và làm việc với mọi người, càng có nhiều bạn chúng ta càng có cơ hội thành công cao hơn. Tốt cho mình và cho cả thế giới.
Nhiều người gặp khó khăn trong liên hệ con người, họ ít có bạn bè, và rất tiêu cực về người khác. Đó chỉ là tính khí của mình. Nếu mình thực hành yêu mọi người thì đương nhiên mình có nhiều bạn tốt. Có nhiều bạn là do lòng mình chứ không hẳn là do kỹ năng ngoại giao. Mình yêu người thì tự nhiên mình hấp dẫn người vào với mình.
Nếu bạn cảm thấy yêu người khó thì ít nhất luyện tập tìm cái hay của người. Gặp ai, bất kì ai, cũng hỏi: Anh/chị này có gì hay? Thú vị? Nếu bạn hỏi như thế và nhìn kỹ, bạn sẽ có câu trả lời. Có thể đó là mái tóc đẹp, dáng ngồi nghệ sĩ, cách nói chuyện vui, tư lự như thiền sư… Mỗi người luôn là một bức tranh sống động cho ta ngắm.
Chỉ thực hành thế thôi sẽ mở ra cho bạn một con đường mới đến với mọi người. Bạn sẽ quen tích cực với người và đến gần người, và bạn sẽ tự nhiên mà khéo léo trong liên hệ.
Và khi đã có bạn thì cũng tiếp tục như thế, tìm cái hay của mọi người để mà phục và thưởng thức.
Và nếu bạn không phán đoán, chỉ làm bạn, thì hành trình bạn hữu sẽ ít sóng gió. Và khi có sóng gió thì bình tĩnh ngồi yên đợi gió ngừng sóng lặng rồi lại cùng vui vẻ đi nhậu. Đó là trung thành. Và lòng trung sẽ đưa bạn đi được rất xa.
Thực sự là giản dị để trung thành với bè bạn.
Cũng như thế, nếu bạn kinh doanh, bạn sẽ có nhiều khách hàng trung thành.
Chúc các bạn luôn nhiều bằng hữu.
Mến,
Hoành
© copyright 2021
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Em cảm ơn anh đã viết bài hôm nay ạ.
ThíchThích