Phân biệt Thiền Phật Gia và các loại thiền khác

Chào các bạn,

Từ “thiền” rất là rối rắm, vì nói đến “ngồi thiền” là người ta nói đến ngồi nhắm mắt hít thở. Nhưng có nhiều kiểu “ngồi thiền” như thế, thấy bên ngoài thì giống nhau, nhưng bên trong thì khác nhau một trời một vực. Trong bài này mình sẽ giúp các bạn phân biệt Thiền Phật Gia và các loại “ngồi thiền” khác.

Thiền của Yoga và thiền của Thái cực quyền về căn bản lý thuyết giống nhau, và nên gọi đó là “khí công” (Chi Kung Fu – Công phu khí) thì đúng hơn là thiền (như thiền của Phật gia).

Khí công chú trọng trước hết đến cơ thể và các luân lưu điều hòa trong cơ thể của “khí” (living energy) trong cơ thể của ta. Thái cực quyền thì nói khai mở thông thương các huyệt đạo, Yoga thì nói là khai mở các luân xa.

Trong yoga, các luân xa (chakra) được cho là sắp xếp dọc theo cột sống, mỗi luân xa ảnh hưởng đến một chức năng tâm sinh lý của con người. Trong khí công Thái cực quyền, thì các huyệt đạo nằm khắp cơ thể trên các “mạch”; đốc mạch (dọc theo xương sống) là mạch quan trọng nhất.

Khai mở và thông thương các huyệt đạo, luân xa, và mạch, được cho là làm cho cơ thể hoạt động tốt, và cũng ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của con người (trong Thái cực quyền gọi là “thần” – thân, ý, thần, và trong Yoga gọi là linh hồn của mình).

Đương nhiên là những gì làm cơ thể khỏe mạnh cũng giúp cho tinh thần của mình thoải mái, thong thả hơn. Nhưng cơ thể và tâm hồn vẫn có một cách biệt nhỏ. Đó là nếu cơ thể khỏe mạnh, nhưng mình tham tiền thì khí công Thái cực quyền và Yoga (cũng như mọi loại khí công khác) không thể giúp mình hết tham được. Khi nói đến tinh thần, thì tư duy – tức là tâm trí – là điều chính; những vận hành của các bộ phận khác trong cơ thể không ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy.

Thực sự thì các động tác kéo, giãn, uốn của Yoga và Thái cực quyền chính chúng đã làm cho các huyệt đạo hay luân xa và mạch được thông thương và khai mở, chẳng cần làm gì khác. Ngồi “thiền”, kiểu “dụng ý dẫn khí” của Thái cực quyền hay tập trung khai mở các luân xa, có thể giúp thêm thông thương và khai mở, nhưng điều chính là những kéo giãn và uốn cơ thể trước đó.

Nhưng nói về tâm linh, khí công Thái cực quyền và Yoga không phải là khí cụ, vì dựa vào lòng ham muốn của con người: chủ đích là làm cho thân thể khỏe mạnh, mạnh mẽ và (hy vọng là) trí tuệ. Người tập khí công Thái cực quyền hay Yoga, khi ngồi thiền có mục đích rất rõ ràng để đạt. Mà có mục đích để đạt là tham – không đi xa vào tâm linh được.

Chính vì vậy, mà ta cần phân biệt rất rõ khí công và thiền của Phật.

Thiền Phật gia là để tâm tĩnh lặng, không đi lang thang, không chạy đi đâu, không làm gì, không bám vào đâu, không có mục đích gì… Rất rỗng lặng.

Và rất giản dị.

Hãy nói đến Thiền hít thở, còn gọi là Thiền sổ tức (“sổ” là thoát ra, như chim sổ lồng; “tức” là áp lực – cho áp lực trong người thoát ra ngoài). Chỉ ngồi hít thở và chẳng suy nghĩ gì cả, chẳng muốn gì cả, chẳng nhắm vào gì cả, chỉ tập trung vào hơi thở – theo hơi thở xuống bụng rồi thở ra ngoài, hay tập trung vào 2 cửa mũi nơi hơi thở ra vô. Tập trung như thế chỉ để đầu óc “chẳng đi lang thang”. Vậy thôi.

Tập trung vào một chỗ (không mục đích) như thế gọi là “nhất tâm bất loạn” (một tâm không loạn động – tâm tụ vào một điểm không chạy loạn xạ).

Thiền như thế để tâm quen đứng yên, vắng lặng, không nghĩ gì, không làm gì, không muốn gì. Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất, để sau này có thể tiến đến tâm rỗng lặng hoàn toàn. Rỗng hoàn toàn thì khó, nhưng rỗng hết, ngoại trừ chỉ một điểm hít thở thì dễ.

Tâm Phật là tâm rỗng lặng, không bị gì chi phối, không bám vào đâu, không muốn gì, không tham gì…

Thiền Phật gia khác với “thiền” Yoga” và “thiền” khí công 180 độ, là như thế. Yoga hay khí công lấy cơ thể là chính, tinh thần là phụ, và khi “ngồi thiền” thì đầu óc làm việc tập trung vào dẫn khí và khai mở huyệt đạo hay luân xa. Thiền Phật Gia lấy tinh thần là chính – tâm ngơi nghỉ, chẳng làm gì cả, đứng yên, để tiến đến rỗng lặng hoàn toàn. (Thiền Phật Gia, vì làm cho tâm ngơi nghỉ hoàn toàn, giảm stress và giảm căng cho hệ thần kinh, nên tăng thêm sức mạnh cho hệ miễn nhiễm, chống bệnh, và do đó có lợi cho sức khỏe của cơ thể. Nhưng đó là lợi ích phụ, lợi ích chính là tâm rỗng lặng).

Nếu các bạn muốn luyện tâm tĩnh lặng thì tập Thiền Phật Gia – bắt đầu (và có thể tận cùng) bằng Thiền hít thở. Đây là Thiền định (Samadhi), để tâm mình “định” lại một chỗ.

Sau này, các bạn có thể nghĩ đến Thiền quán (Vipassana, tức Thiền để “quán” – nhìn – một điều gì).

Chúc các bạn, nhất tâm bất loạn.

Mến,

Hoành

© copyright 2019
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một bình luận về “Phân biệt Thiền Phật Gia và các loại thiền khác”

  1. Cám ơn anh, thật kỳ diệu, em mới tìm hiểu về thiền hít thở và thiền Vipassana thì hôm nay a viết về chủ đề này. Em sẽ học và thực hành về thiền Phật giáo để có sức khỏe tốt và tâm bình an. Cám ơn a Hoành nhiều.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s