Đủ thứ lo ?

Chào các bạn,

Đời sống này chúng ta đều thấy là không dễ vì có quá nhiều thứ phải lo – việc làm ở sở, việc làm ở nhà, đủ thứ phí tổn (tiền nhà, tiền học, tiền ăn, tiền áo quần, tiền điện nước…), gia đình, con cái…, và mỗi thứ như thế lại có thêm những vấn đề của nó, như là ở sở có cạnh tranh chức vụ, con cái có đủ thứ vấn đề ở trường, đi chợ cũng sợ mua thực phẩm bẩn… Nói chung là đầu óc chúng ta phải lo quá nhiều chuyện.

Đương nhiên là khi ta tập trung vào nhiều vấn đề như thế, thì đầu óc thực ra chẳng tập trung tốt, và thành rất tản mác. Tức là không được hiệu quả, cộng thêm stress thường trực vì phải vật lộn hằng giây với cái đồng hồ. Ôi, đồng hồ, đồng hồ. Sao mày nhỏ xíu mà mày mạnh mẽ thế?

Đương nhiên, cách hay nhất là:

1. Chậm lại.

Những điều gì không cần trong lịch làm việc thì xóa bớt đi. Những điều gì có thể dồn lại vài ngày làm một lần, thì dồn lại. Những gì có cách làm gọn hơn và nhanh hơn, thì làm cách mới.

Xắp việc làm lịch thong thả. Giãn giờ ra một chút.

Chạy xe thì chạy từ tốn. Thêm thời gian lái xe cho mỗi quãng đường, để mình có thể thực hành Thiền lái xe.

Và cho mình thời giờ để ngồi Thiền hay cầu nguyện mỗi tối. Giờ tĩnh lặng rất quan trọng.

Nếu ta chậm lại thì ít stress hơn và tĩnh lặng hơn. Điều này tạo ra năng lượng tĩnh lặng, giúp ta làm việc tốt, và ít bị sai sót. Mọi người quanh ta – vợ chồng, con cái, đồng nghiệp – cũng được tĩnh lặng theo phần nào và ít có vấn đề hơn.

2. Tĩnh lặng

Mình đã nói đến tĩnh lặng bằng Thiền và cầu nguyện bên trên, để chúng ta nắm tổng thể. Nhưng Thiền và cầu nguyện cần đứng riêng một đề mục vì tính quan trọng.

Ngồi Thiền hay/và cầu nguyện mỗi ngày tạo năng lượng tĩnh lặng rất mạnh, và có thể giúp bạn chậm lại và tĩnh lặng trong mọi chuyện khác trong ngày. Ngồi Thiền hay cầu nguyện một chút cuối ngày, hay cuối buổi tập thể dục mỗi tối hay mỗi sáng, là điều rất nên làm để bạn tập tĩnh lặng, và để tạo năng lượng tĩnh lặng cho bạn.

Và đừng quên Thiền từng phút – tập trung vào làm mỗi việc một lúc, hay cầu nguyện thường trực trong ngày mời Chúa/Phật cùng làm mọi việc trong ngày với mình.

Đây là điều gốc. Bạn càng tập trung vào tĩnh lặng nhiều, mọi điều quanh bạn đều trở thành tốt hơn. Gốc này mà các bạn lơ là, thì mọi cách khác cũng chẳng giúp được mấy.

3. Cuối cùng là tình yêu

Tâm tham sân si thì làm gì cũng chẳng thành, kể cả thiền và cầu nguyện.

“Yêu mọi người, một chiều, vô điều kiện” tạo điều kiện tốt cho tất cả những điều khác phát triển.

Chúc các bạn làm tốt mọi điều.

Mến,

Hoành

© copyright 2018
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

5 thoughts on “Đủ thứ lo ?”

  1. Hay quá anh ơi !
    Nhưng em đang bị lo lắng nhiều thứ, nhất là công việc torng công ty sợ xảy ra nhiều bất ổn dẫn tới sẽ ành hưởng đến cuộc sống gia đình .
    Lãnh đạo cấp trên thì yêu cầu siết chặt quản lý, tiết kiệm chi phí nếu làm không tốt thì sẽ cho nghỉ. Cấp dưới thì lại nói em o ép không không chịu hiểu cho đời sống anh em dẫn đến tìm cách gây sự, rồi hăm dọa kêu người vào hành hung em, nhóm khác thì tố cáo lên trên nói em làm bậy.
    Bây giờ tư tưởng em bị hổn loạn. Cho em hỏi bây giờ em phải hành xử như thế nào hả anh ?
    Cám ơn anh nhiều.

    Like

  2. Hi Thichdotchuoinon,

    Câu hỏi của em rất chung chung. Mỗi công ty có một văn hóa và những vấn đề đặc biệt, khó trả lời chính xác cho một câu hỏi tổng quát. Nhưng biết rằng chuyện công ty không thể nói ra ngoài được, nên anh sẽ cố gắng trả lời trong điều kiện đang có.

    Thường thì điều đầu tiên anh làm khi gặp khó khăn là cầu nguyện, cho đến nào tĩnh lặng được một chút mới suy nghĩ đến vấn đề. Nếu đã thấy tĩnh lặng, nhưng khi suy nghĩ đến vấn đề mà thấy lòng mình còn căng quá hay xáo trộn quá, thì anh lại ngưng suy nghĩ, cầu nguyện tiếp, và đợi đến khi tĩnh lặng mới suy nghĩ tiếp. Đôi khi cần nhiều ngày như thế.

    • Anh có cảm tưởng là hình như có 2 khúc communications trong câu chuyện, và 2 khúc này không nối kết nhau: một khúc là từ boss đến em, một khúc là từ em đến các nhân viên của em. Nếu em khúc này nối kết tốt, thì thường là em chẳng có vấn đề.

    Nối kết cách nào?

    Nếu boss email cho mình bảo mình phải tiết kiệm chi tiêu, thì em xin phép boss để forward email đó cho các nhân viên.

    Nếu boss chỉ nói miệng với mình, thì nhờ boss bỏ ra vài phút nói chuyện với nhân viên của mình, để “nhân viên của em nắm vững được sự nghiêm trọng của vấn đề.”

    Đó là nối kết 2 khúc. Và nhân viên sẽ hiểu là đòi hỏi vá lưng buộc bụng là đến từ boss chẳng phải em, chẳng lý do gì mà bực mình với em.

    (Nếu boss không bằng lòng cho forward email mà cũng không chịu nói chuyện với nhân viên của em, thì đó lại là vấn đề lớn hơn).

    • Điều nữa anh thấy là hình như giữa em và nhân viên có khoảng cách. Thường thì nếu lệnh từ cấp trên của em, thi nhân viên của em không nên kiếm chuyện với em. Có gì đó làm nhân viên không tin em, hoặc xem em cùng “phe” với lãnh đạo, hoặc gi đó, nhưng điểm chính là em và nhân viên có khoảng cách lớn. Có lẽ em nên xem lại cách em sống với nhân viên thế nào.

    A. Hoành

    Liked by 2 people

  3. “Sắp xếp công việc dãn ra một chút.
    Ngồi thiền và cầu nguyện”
    Cám ơn anh đã chia sẻ.

    Like

Leave a comment