Có một cuộc chiến

Chào các bạn,

Người ta thường nói đời là một cuộc chiến thiện ác chống nhau. Các bạn có tin vậy không?

Nhà Phật nói: Chính thiện ác là ảo ảnh, si mê, và ta phải vượt lên trên thiện ác.

Điều này thì rất dễ hiểu. Mọi quốc gia, mọi chủng tộc, mọi phe nhóm, đánh giết nhau xưa nay đều nói: Phe ta là chính nghĩa, phe ta là công lý, phe ta là sự thật, phe là ta phe Chúa, phe ta là phe Phật… Mấy thằng kia là gian tặc, cướp cạn, gian tà, ác ôn… đáng chết.

Cho nên, phân biệt thiện ác thường là đầu mối của chiến tranh và chết chóc.

Phải vượt lên trên thiện ác như là mẹ thấy hai đứa con đánh nhau giành kẹo, mẹ biết cả hai đứa đều sai, đánh nhau để giành kẹo là sai. Thay vì phân xử đứa nào đúng đứa nào sai, mẹ dạy hai con phải thương yêu nhau, nhường nhịn nhau, không đánh nhau, chia sẻ kẹo bánh với nhau. Đó là giáo dục vượt lên trên thiện và ác. Tình yêu vượt lên trên thiện và ác.

Đó là điều Phật dạy, điều Chúa dạy.

Nhưng vẫn có một cuộc chiến trên đời cho tất cả chúng ta.

Đó là: Ta sống cho ta hay ta sống cho đời? Tâm ý của ta chỉ hướng về ta, hay hướng về đời, về người khác, về đồng loại?

Đây là cuộc chiến thường trực trong trái tim của mỗi chúng ta. Đa số người, đa số thứ, ở đời dạy bạn chăm chăm vào chính bạn – tiền bạc, danh tiếng, địa vị – cho bạn. Và đa số người ở đời cũng chỉ biết có vậy – lo cho “tôi”, cho “của tôi”, cho “vì tôi”, cho “do tôi”… Các thánh nhân thì dạy chúng ta yêu người, cứu người, giúp đỡ người, độ người…

Đây là cuộc chiến rất thật. Và nếu bạn đi theo đám đông si mê, thì bạn sẽ chỉ biết chăm chăm vào tôi.

Cũng được, không sao. Thế giới tự do, ai muốn sống cách nào cũng được.

Ngoại trừ một điểm: Nếu bạn chọn sống cho bạn mà thôi, một lúc nào đó bạn sẽ nhận ra rằng đời sống của bạn nghèo nàn, chán nản, tối ngày chỉ biết căng thẳng, giành giật, hận thù, cô đơn… để làm gì? Có được một chút tiền để đi xe sang, tiêu thêm tiền cho tình nhân mà bạn biết là chẳng yêu bạn một chút nào ngoài chút tiền của bạn… rồi bạn sẽ chết đi mà chẳng nghĩa lý gì cho đời sống này.

Đời sống như vậy rất nghèo nàn và đáng tội nghiệp.

Thánh nhân dạy chúng ta yêu người chẳng vì các vị sẽ được gì khi ta yêu người, mà vì đời bạn sẽ phong phú, tròn đầy, và hạnh phúc hơn khi bạn yêu người, đồng thời bạn sẽ giúp cho nhiều người trong đời hạnh phúc hơn, lương thiện hơn, yêu người hơn. Thánh nhân dạy chúng ta yêu người vì các vị yêu loài người chúng ta.

Điều khó khăn cho những người si mê là: (1) Người si mê thì không biết mình si mê, (2) cũng không muốn học, không muốn thử một cách sống tốt hơn, cho nên chẳng biết cách sống nào tốt hơn là cách mình vẫn sống xưa nay. Tức là chính si mê của mình giữ mình trong ngục tù si mê mãi mãi.

Nhưng người nào đã biết con đường sống hướng về nhân loại đều automatically trở thành thầy, vì họ thích quá, vui quá, và muốn mọi người trên thế giới đều sống như thế, nên họ tự động thành thầy để chỉ đường cho những người khác.

Yêu người là đích điểm của sự sống thật.

Dù bạn có làm gì cao siêu: Thiền định, cầu nguyện, cầm tay Chúa Phật, thành Phật, thành Bồ tát, thành thánh… thì mọi thứ cũng chỉ để bạn yêu người.

Bạn thành Phật, thành thánh… để làm gì? Độ người. Nếu không độ người thì Phật, thánh, chẳng còn việc gì để làm, và con người cũng chẳng ai quan tâm đến Phật, thánh.

Yêu người, giúp người, độ người là đỉnh điểm của đức hạnh. Bạn không thể là Phật, nếu không yêu người. Bạn không thể nói là tin Chúa, nếu bạn không yêu người. Bạn không là gì cả, ngoài một bọc tham sân si, nếu bạn không yêu người.

Cho nên các bạn, yêu người không phải chỉ là một điều tốt bạn nên làm, mà yêu người là định nghĩa bản tính người của bạn. Con người thật sự, với Phật tính, với Thánh linh Chúa, lấy yêu người làm đích điểm của đời sống mình.

Đừng thua cuộc chiến này.

Chúc các bạn luôn yêu người.

Mến,

Hoành

© copyright 2018
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s