Giáo dục thế gian

Chào các bạn,

Chúng ta nói thường về tham sân si (tham lam, sân hận, si mê), ba chất độc trong Phật triết. Ba từ này gồm chung mọi tội lỗi thế gian. Nếu ta không còn tham sân si thì ta là Bồ tát, là Phật.

Nhưng tại sao thế gian có nhiều tham sân si vậy?

Từ thuở ban đầu khai thiên lập địa thì mình không chắc , nhưng nói về ngay bây giờ thì câu trả lời rất rõ: Đó là vì chúng ta được giáo dục tham sân si tràn ngập, cả đời, từ lúc mới ra đời cho đến khi về với ông bà, mỗi ngày, 24 giờ một ngày.

Giáo dục mỗi ngày ta nhận được là: tung hô đại gia “giàu nhất”, tỉ phú này tỉ phú kia, hoa hậu này hoa hậu nọ, danh ca này diễn viên kia, sao này sao nọ… Nói chung là vạn tuế tung hô mọi thứ hào nhoáng bên ngoài, trên báo chí, TV, radio, blogs, mọi nơi trên Internet, trong mọi câu chuyện giữa bạn bè, quanh bàn ăn trong gia đình, kể cả trường học mang các sao rởm vào làm bài tập cho học sinh, sinh viên… Chúng ta hít thở hàng ngày giáo dục tham sân si đó, ca tụng tiền bạc, tên tuổi, tiếng tăm, quyền lực…

Hít thở. Hít thở giáo dục tham sân si, 24 giờ một ngày, cả đời. Thế thì không thua sao được?

Những chuyện rất đứng đắn và quan trọng thì chẳng nghe nói. Ví dụ: Các chiến binh ngày đêm giữ nước, đặt cược mạng sống mình cho an ninh của đồng bào, thì chẳng nghe nói đến bao giờ. Chẳng có sao chiến binh, chỉ có sao ca nhạc, sao điện ảnh, sao người mẫu… Hay một cô giáo tận tụy cả đời cho học trò, thường cũng chẳng ai biết đến. Và cũng chẳng có sao giáo dục, sao bác sĩ, sao y tá… Năm thì mười họa có một bài báo ngắn nói về một người tử tế nào đó, nhưng đó chỉ như là một hạt cát trắng trên bãi biển cát tham sân si.

Đây là điều các bạn cần hiểu rõ, vì giáo dục tham sân si tràn ngập này có khuynh hướng và khả năng làm nhiều người của thế gian hiểu lầm về chân lý sống, cho rằng tiền bạc, tài sản, tiếng tăm, chức vụ… là đích điểm sống của đời họ.

Đương nhiên người có trí tuệ biết rằng đó là cội rễ của khổ đau – bám vào những hào nhoáng phù du của thế gian.

Nhưng, mình không bảo các bạn loại bỏ điều gì ra khỏi đời bạn – tiền bạc, tài sản, tiếng tăm, chức vụ… Mọi thứ trên đời tự chúng chẳng có một ý nghĩa tốt xấu gì cả. Hoa hồng là hoa hồng, chẳng tốt chẳng xấu. Nếu bạn muốn ca tụng hoa hồng, thì hoa hồng tốt; nếu bạn muốn chửi rủa hoa hồng vì nhiều gai, thì hoa hồng xấu. Những ý kiến cá nhân này chẳng nghĩa lý gì cả. Chân lý rõ ràng là: “Hoa hồng là hoa hồng. Chấm hết.”

Cho nên, bạn hãy tập trung vào làm việc tử tế: Học hành tử tế, làm kinh doanh tử tế, hành nghề tử tế… Rồi làm việc tử tế thường mang đến cho bạn tiền bạc, tài sản, tiếng tăm, chức vụ… thì cứ nhận những thứ đó để sống và để phục vụ đời. Chúng chỉ là phương tiện sống, phương tiện làm việc, tới thì tới, đi thì đi, chẳng có ý nghĩa gì cả. Không bám cứng vào chúng (tức là chẳng “chấp có”) mà cũng không cần loại bỏ hay chạy trốn chúng (tức là chẳng “chấp không”).

Mình nói “làm việc tử tế” là làm việc chú trọng vào phẩm chất của sản phẩm, không dùng tham nhũng, đút lót, dối trá, lường gạt… nói chung là không làm việc thiếu đạo đức hoặc phi pháp. Hãy để chính chất lượng của sản phẩm và năng lượng tích cực của trái tim linh thiêng của mình bán hay giới thiệu sản phẩm của mình cho mọi người. Năng lượng tích cực tự biết phải làm gì. Ngoài ta người tử tế luôn có thánh thần hỗ trợ (nếu người đó nhờ thánh thần hỗ trợ), vì thánh thần luôn muốn giúp người tử tế thành công, để những người khác học theo.

Thái độ của thiện tri thức là làm việc tử tế để giúp đời, giúp người. Đó là đường Bồ tát. Mọi điều khác đến thì đến, đi thì đi, chẳng cần phải quan tâm. Sống tùy duyên, điều gì đến hay đi cũng thản nhiên vui vẻ sống với nó. Sống như thế thì tiền bạc, tài sản, tiếng tăm, chức vụ có ùa vào với bạn, bạn vẫn thản nhiên khiêm tốn làm việc tử tế, chúng có biến mất hết thì bạn vẫn thản nhiên khiêm tốn làm việc tử tế. (Có tiền thì dẫn bạn bè đi ăn, không có tiền thì để bạn bè dẫn đi ăn 🙂 )  Như vậy, bạn là người tự do hoàn toàn, chẳng điều gì ở đời có thể trói buộc bạn.

Vô chấp, không bám vào đâu, không trụ vào đâu, là con đường giải thoát – giải thoát chúng ta khỏi mọi xiềng xích.

Làm việc tử tế. Điều gì tới thì mặc chúng, không bám mà cũng không đuổi.

Đó là sống tùy duyên. Đó là Thiền.

Chúc các bạn luôn an nhiên tự tại.

Mến,

Hoành

© copyright 2018
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

7 thoughts on “Giáo dục thế gian”

  1. Lam sao nhung ” tam tinh chan that ” cua Thay Hoanh, den duoc voi moi tang lop, moi noi ….day ? de ” TU ” de tien bo, de vuon len ? Lam sao de gia tri van hoa, giao duc duoc Ton trong, chu khong phai tai san
    ( khong biet la tai san co ” sach ” khong ? ), cac kieu ” sao ” ( sao sao rong ! )
    Cam on Anh Hoanh da hien ngang ” phat co khoi nghia ” Nam Moi, nhieu su doi moi .

    Like

  2. Tuỳ duyên, học hành, suy ngẫm – đến một ngày điều đó ngấm thật sự, tự tại thật sự, việc đến cứ đến, việc đi sẽ đi.
    Mỗi ngày vài lời, chả là một cách hạnh phúc sao, anh và các bạn nhỉ!

    Like

  3. Em chào anh Hoành,
    Em cám ơn anh vì bài viết rất hay 🙂
    Em đang tập quan sát những tham sân si đã và đang hiện diện trong mình. Thấy được rồi mới biết mình khổ và người khổ thế nào. Nhưng em vẫn băn khoăn một điều là những người chạy theo phù du của thế gian, người ta lại không biết là họ đang khổ ấy ạ! Mà có khi người ta thấy mình quá khác biệt với họ, khác với số đông nên cảm giác mình dễ bị tách biệt với mọi người.
    Em thỉnh thoảng gặp trường hợp như vầy thì phải làm gì hả anh?
    Em,
    Dung

    Like

  4. Hi Dung,

    Đương nhiên là nếu em luyện tâm đúng cách, thì em phải khác đại đa số người trên thế giới. Nhưng đó là thiền sư sống giữa chợ đời. Nếu em không khác mọi người, thì mọi người lấy ai để học theo?

    Em khiêm tốn, thành thật, yêu người và tĩnh lặng với mọi người. Đó là con đường. Em dịu dàng sống với mọi người, đó là điều chính. Giống họ là điều không thể,

    Nếu họ ứng xử cách biệt với em thì cũng được, thân thiện với em thì cũng được. Đây là việc của họ, sao em lại quan tâm?

    Kinh nghiệm của anh là nếu em khiêm tốn, thành thật, yêu thương và tĩnh lặng với mọi người, thì thường là mọi người quý em (dù rằng chẳng ai rủ em đi ăn cướp với họ). Đừng tỏ ra kiêu kỳ vì “ta thấy đường và các người thì dốt là được”.

    Đọc Đừng lo người không biết mình, chỉ lo mình không biết người.

    A. Hoành

    Liked by 2 people

  5. Em cảm ơn anh Hoành nhiều, về bài học ” sống tùy duyên” hôm nay.
    Em Huyền

    Like

Leave a comment