Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.
Chào các bạn,
Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn các thi khúc “Quê Hương Là Người Đó” (“Xa Nguồn Yêu Thương”), “Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn”, “Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển” của Thi sĩ Du Tử Lê và Nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
Thi sĩ Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, miền Bắc Việt Nam.
Sau Hiệp Định Genève, 1954, Lê Cự Phách di cư vào Nam cùng với gia đình. Đầu tiên ông định cư ở Hội An, Quảng Nam, sau đó là Đà Nẵng. Đến năm 1956, ông vào Sài Gòn và theo học trường Trần Lực, trường Chu Văn An, sau cùng là Đại học Văn Khoa.
Ông làm thơ từ rất sớm, khi đang còn học tại trường tiểu học Hàng Vôi tại Hà Nội. Sau khi di cư vào Sài Gòn, Du Tử Lê bắt đầu sáng tác nhiều tác phẩm dưới nhiều bút hiệu khác nhau. Bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức lần đầu tiên vào năm 1958 cho bài “Bến Tâm Hồn”, đăng trên tạp chí Mai.

Ông từng là sĩ quan thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, cựu phóng viên chiến trường, thư ký tòa soạn cuối cùng của Nguyệt San Tiền Phong (một tạp chí của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa), và là giáo sư dạy giờ cho một số trường trung học Sài Gòn.
Năm 1973 tại Sài Gòn, ông được trao Giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc, bộ môn Thơ với tác phẩm “Thơ Tình Du Tử Lê” 1967-1972.
Ngày 17 tháng 4 năm 1975, Du Tử Lê cùng với Mai Thảo và Phạm Duy bị kết án tử hình vắng mặt trên đài phát thanh của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vì có thái độ đối nghịch quyết liệt. Sau sự kiện 30 tháng 4, 1975, ông sang tỵ nạn ở Hoa Kỳ.
Hiện ông đang sống tại miền Nam California, tiếp tục nghề viết, và là nhân viên khế ước của đài tiếng nói Hoa Kỳ từ năm 1996. Ông cũng từng là chủ nhiệm các báo Việt Ngữ Nhân Chứng, Tay Phải, và Văn Nghệ ở Hoa Kỳ.
Tại hải ngoại, Du Tử Lê đã và đang có những thành công nhất định:
– Cho tới hôm nay, ông là nhà thơ châu Á duy nhất được phỏng vấn và có thơ đăng trên hai nhật báo lớn của Hoa Kỳ: Los Angeles Times (1983) và New York Times (1996). Thơ ông cũng đã và đang được đưa vào giảng dạy, làm tài liệu nghiên cứu, đọc thêm tại một số trường đại học Hoa Kỳ và Châu Âu.
– Năm 1998, nhà xuất bản W. W. Norton, New York đã chọn Du Tử Lê vào một trong năm tác giả Việt Nam để in vào phần “Thế Kỷ 20: Thi Ca Việt Nam” khi tái bản tuyển tập “World Poetry An Anthology of Verse From Antiquity to Our Present Time” (“Tuyển Tập Thi Ca Thế Giới Từ Xưa Đến Nay”).
– Trong cuốn “Understanding Vietnam”, tác giả, giáo sư Neil L. Jamieson đã chọn dịch một bài thơ của Dư Tử Lê viết từ năm 1964. Cuốn sách này sau trở thành tài liệu giáo khoa, dùng để giảng dạy tại các đại học Berkeley, UCLA, và Cambridge, London.
– Ông cũng là nhà thơ có nhiều tác phẩm được phổ nhạc. Trong số đó có nhiều ca khúc nổi tiếng như của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, với “Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn”, “Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển”, “Quê Hương Là Người Đó” (“Xa Nguồn Yêu Thương”), Trần Duy Đức với “Chỉ Nhớ Người Thôi Đủ Hết Đời”, “Em Hiểu Vì Đâu Chim Gọi Nhau”, Nguyên Bích với “Hiến Chương Yêu”, Đăng Khánh với “K. Khúc của Lê”, Anh Bằng với “Khúc Thụy Du”, Phạm Duy với “Kiếp Sau Xin Giữ Lại Đời Cho Nhau”, Hoàng Quốc Bảo với “Người Về Như Bụi”, Từ Công Phụng với “Trên Ngọn Tình Sầu”… Từ những ca khúc này, ông đã tuyển chọn để thực hiện 3 CD “K. Khúc của Lê” năm 2001.
Tuy nhiên, ông không được hoan nghênh và biết đến nhiều ở trong nước. Điển hình là vào ngày ngày 18 tháng 8 năm 2005, báo Công An (Sài Gòn) đã đăng bài “Bộ mặt ngạo mạn của Du Tử Lê” của hai tác giả Trọng Đức và Lê Nguyễn, phản bác cho việc Nhà Xuất Bản Văn Nghệ xuất bản tập thơ Du Tử Lê, với nhiều ý kiến công kích cả về thơ ca lẫn con người của ông.
Tính đến thời điểm 2014, thi sĩ Du Tử Lê đã xuất bản 58 tác phẩm đủ thể loại.
Thi phẩm “Xa Nguồn Yêu Thương” (Thi sĩ Du Tử Lê)
Người nay xa xôi người bên kia trời
Người nay xa xôi người bên kia đời
Chân người có vui, những chiều cuối phố
Mắt người có nguôi, những chiều mưa rơi
Ta lang thang cảnh tình lữ thứ
Ta thương đau đời cuốn theo giòng
Biết bao lần ta đã gọi em
Biết bao lần nắng lên chân thềm
Ta thương em mảnh hồn tan vỡ
Ta thương em bèo vướng chân cầu
Biết bao giờ ta có lại nhau
Biết bao giờ gối chăn nhạt nhòa
Ôi người quê hương một đời ta gọi
Ôi người trăm năm đời đời biệt ly
Quê hương ta, đã vốn là người đó
Hấp hối mãi với mối tình xót xa!
(1981)
Thi khúc “Quê Hương Là Người Đó” (Nhạc sĩ Phạm Đình Chương)
Người nay xa xôi người bên kia trời
Người nay xa xôi người bên kia đời
Chân người có vui những chiều cuối phố
Chân người có nguôi những chiều mưa rơi
Ta lang thang cuộc đời lữ thứ
Ta đau thương người biết chăng người
Biết bao giờ ta có lại nhau
Biết bao lần ta nhắc tên người
Ta thương em cuộc đời tan vỡ
Ta thương em đời cuốn theo dòng
Có bao giờ em nhớ tình ta ?
Có bao giờ gối chăn nhạt nhòa
Ôi người quê hương một đời ta gọi
Ôi người quê hương một đời ta nhớ
Ôi người trăm năm đời đời biệt ly
Quê hương là người đó hấp hối tình xót xa
Thi phẩm “Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn” (Thi sĩ Du Tử Lê)
Đêm về theo vết xe lăn
Tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng
Tìm tôi đèn thắp hai hàng
Lạc nhau cuối phố sương quàng cỏ cây
Ngỡ hồn ta xứ mưa bay
Tôi chiêng trống gọi mỗi ngày mỗi xa
Đêm về theo bánh xe qua
Nhớ em xa lộ nhớ nhà Hàng Xanh
Nhớ em kim chỉ khứu tình
Trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre
Nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè
Nắng Trương Minh Giản trưa hè Tự Do
Nhớ nghĩa trang quê hương bạn bè
Nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường
Đêm về theo vết xe lăn
Tôi trăng viễn xứ sầu em bến nào ?
Thi khúc “Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn” (Nhạc sĩ Phạm Đình Chương)
Đêm về trên bánh xe lăn
Tôi trăng viễn xứ, hồn thanh niên vàng
Tìm tôi đèn thắp hai hàng
Lạc nhau cuối phố, sương quàng cổ cây
Ngỡ hồn tu xứ mưa bay
Tôi chiêng trống gọi, mỗi ngày mỗi xa
Đời tan, tan nát chiêm bao
Tôi trăng viễn xứ, sầu em bến nào
Đêm về trên chiếc xe qua
Nhớ tôi xa lộ, nhớ nhà Hành Xanh
Nhớ em, kim chỉ khứu tình
Trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre
Nhớ mưa, ôi nhớ mưa !
Nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè
Nắng Trương Minh Giảng, lá hè Tự Do
Nhớ nghĩa trang xưa, quê hương bạn bè
Nhớ pho tượng lính, buồn se bụi đường
Thi phẩm “Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển” (Thi sĩ Du Tử Lê)
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi sao trở lại quê nhà
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
những năm trước bao người ngon miệng cá
thì sá gì thêm một xác cong queo
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
cho tôi về gặp lại các con tôi
cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
từ những mắt đã buồn hơn bóng tối
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và trên đường hãy nhớ hát quốc ca
ôi lâu quá không còn ai hát nữa
(bài hát giờ cũng như một hồn ma)
Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn.
(12-77)
Thi khúc “Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển” (Nhạc sĩ Phạm Đình Chương)
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Đời lưu vong không cả một nấm mồ
Vùi đất lạ thịt xương không tan biến
Hồn không đi sao trở lại quê nhà
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Ngược trôi đi đưa hình hài trở về
Bên kia trời là quê hương tôi đó
Dừa nghiêng nghiêng ôm hoài mối tình quê
Ôi quê hương Đà Nẵng, Nha Trang
Ôi quê hương Tiền Giang, Hậu Giang
Như vang tiếng đồng bào tôi gọi thêm tiếc nuối
Đậu tre xanh nào mái tranh nghèo hắt hiu
Ngày nào ta trở về để ta thấy quê hương lần cuối
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Vì em tôi, vì mẹ già vẫn chờ
Từ mắt buồn lệ đen hơn bóng tối
Thả tôi đi cho hồn người được nguôi
Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
Đời lưu vong tận tuyệt với hồn tôi.
Dưới đây mình có các bài:
– Về bài thơ “Quê Hương Là Người Đó”
– Phạm Ðình Chương-Quê hương là người đó
– Một Lần Với Nhà Thơ Du Tử Lê
– Phỏng vấn nhà thơ Du Tử Lê: “Dù tôi có lên tiếng hay không, sự thật vẫn còn đó”
Cùng với 8 clips tổng hợp các thi khúc “Quê Hương Là Người Đó”, “Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn”, “Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển” để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.
Mời các bạn.
Túy Phượng
(Theo Wikipedia)
Về bài thơ “Quê Hương Là Người Đó”
Tác giả cho biết, năm 1980, không biết từ đâu, ông nhận được một bức thư viết tay của H.T., người mà ông đã phải chia tay vào những phút cuối cùng của ngày 30 tháng 4-1975, tại Saigòn.
Lá thư là một bất ngờ lớn, gây xúc động, choáng váng cho họ Lê. Ông cất lá thư trong một ngăn tủ nơi chiếc bàn làm việc trong phòng riêng của mình. Nhưng khi tìm đọc lại, lá thư bị thất lạc. Thất lạc này, vẫn theo ông, giống như một biệt ly thăm thẳm. Một mất mát tận tuyệt mang tính định mệnh, lập lại, một lần nữa.
Liên tưởng hay tâm cảm mang nhiều tính tâm linh này, khiến ông ngồi xuống viết bài “Quê Hương Là Người Đó”. một bài thơ 7 chữ. Loại trầm bình thanh. Ông cho là thích hợp với đoạn lìa dài lâu, nhưng vẫn như một mạch nước ngầm, buốt sâu dưới đáy tầng biển ký ức.
Bài thơ viết xong, chưa đọc lại, chưa sửa… nên chưa được phổ biến trên báo.
Ít ngày sau, một buổi tối cuối tuần, nhạc sĩ Phạm Đình Chương cùng nhà văn Mai Thảo ghé thăm họ Lê.
Giữa buổi họp mặt, nhạc sĩ Phạm Đình Chương hỏi thăm họ Lê thơ mới? Ông trả lời, có.
“Nhưng chưa hoàn chỉnh…”
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương bảo, không sao. Cứ cho ông coi.
Sau khi coi, họ Phạm gấp tư trang giấy bỏ vào túi. Ông nói, cho ông giữ ít ngày.
Nhà Văn Mai Thảo tò mò, đòi coi. Họ Phạm nói:
“Để mai mốt. Khi anh ghé tôi, tôi sẽ đưa…”
Họ Lê không nhớ bao lâu sau, chỉ biết khi ông đã quên khuấy bài thơ ấy thì, một buổi chiều, nhạc sĩ Phạm Đình Chương rủ ông ghé nhà ăn cơm nơi căn apartment ở đường 13, thành phố Westminster…
Sau bữa ăn, trong lúc ngồi uống café nơi phòng khách, nhạc sĩ Phạm Đình Chương ngồi vào piano. Ông bảo mọi người lắng nghe một ca khúc mới cả ông.
Ca khúc: “Quê Hương Là Người Đó.”
Ca khúc này, cũng là sáng tác cuối cùng của họ Phạm, tính tới ngày 22 tháng 8 năm 1991, là ngày ông mất.
Sinh thời, nhà văn Mai Thảo có lần nói với họ Lê rằng:
“Nếu thằng Chương chưa chết, tôi nghĩ, chắc nó vui lắm khi gặp được linh hồn của bài thơ cuối cùng mà nó phổ nhạc…”
May mắn chúng tôi có lại được bài thơ này. Nó được in lại trong tuyển tập nhạc nhan đề “Mộng Dưới Hoa” – – Tuyển tập 20 bài thơ phổ nhạc Phạm Đình Chương. Có thể nhà xuất bản muốn cho người thưởng ngoạn cơ hội so sánh nguyên tác của bài thơ và, ca từ sau khi đã chuyển hóa thành ca khúc.
Quê hương là người đó
người nay xa xôi người bên kia trời
người nay xa xôi người bên kia đời
chân người có vui, những chiều cuối phố
mắt người có nguôi, những chiều mưa rơi
ta lang thang cảnh tình lữ thứ
ta thương đau đời cuốn theo giòng
biết bao lần ta đã gọi em
biết bao lần nắng lên chân thềm
ta thương em mảnh hồn tan vỡ
ta thương em bèo vướng chân cầu
biết bao giờ ta có lại nhau
biết bao giờ gối chăn nhạt nhòa
ôi người quê hương một đời ta gọi
ôi người trăm năm đời đời biệt ly
quê hương ta, đã vốn là người đó
hấp hối mãi với mối tình xót xa!
(1981)
Phạm Ðình Chương – Quê hương là người đó
(NS Trần Quang Hải – Tuesday, August 21, 2007)
Nhạc sĩ Phạm Duy tài hoa thời xưa của chúng ta sinh ra đã biết ứng khẩu nói chuyện với nét duyên dáng lồng trong sự uyên bác. Người viết bài này còn nhớ có lần đã thấy ông thao thao bất tuyệt trong hơn hai giờ đồng hồ để giới thiệu nhạc của mình tại Alliance Francaise, và nói bằng tiếng Pháp.
Phạm Duy mà phải cầm giấy đọc lời giới thiệu về các ca khúc của ông thì chúng ta thấy khổ tâm chừng nào.
Cũng vì vậy chúng ta mới mừng cho Hoài Bắc.
Hoài Bắc Phạm Ðình Chương mất ngày 22 Tháng Tám năm 1991. Ðã tròn 16 năm rồi.
Những ai sợ quên ngày này thì hãy nhớ đến… Phạm Duy trong bài “Nhạc Tuổi Xanh” – “Một Mùa Thu năm qua cách mạng tiến ra…” – viết về cuộc “Cách Mạng Mùa Thu” 19 Tháng Tám năm 1945. Ngày 19 Tháng Tám năm 1991, một cuộc “Cách Mạng Mùa Thu” khác đã xảy ra bên Nga, bên Liên Bang Xô Viết, và kết thúc vào ngày 22, lửng lơ có bốn ngày, để rồi kết thúc luôn Liên Bang Xô Viết.
Người viết bài này nhớ mãi ngày 22 ấy khi được tin “Chú Chương đã ra đi” dù mới hát chung với ông và các bạn hữu có mấy tháng trước.
Trên giường bệnh, có lẽ ông còn kịp thấy một chu kỳ tròn vo từ 19 Tháng Tám năm xưa tới 19 Tháng Tám năm nay. Nếu còn sống, năm nay ông sẽ chuẩn bị lễ thượng thọ bát tuần, ông sinh năm 1929. Nếu còn sống, chắc hẳn là ông cũng không mừng sinh nhật tại Sàigòn để phải cầm giấy đọc từng câu từng chữ giới thiệu nhạc của mình.
Ông sẽ bận cầm ly rượu đáp lễ bằng hữu, và ôm đàn dạo khúc Xuân xưa, rồi hứng đâu nói đó. Chứ còn tay đâu để cầm giấy nói cho đúng lời!
Với một số người ở trong nước, Phạm Ðình Chương có thể vẫn là tên tuổi xa lạ. Nhưng khi nhìn khán giả trong nước uể oải vỗ tay các ca khúc của Phạm Duy, người ta thấy ngạc nhiên vì khán giả ngoài này không như vậy. Ngạc nhiên rồi thấy đau lòng. Tưởng là gì hóa ra chỉ là thế. Trong hoàn cảnh ấy, nếu ca khúc Phạm Ðình Chương có tấu lên thì chắc cũng chỉ là một khúc ngậm ngùi.
Ấy là chưa nói đến khả năng thái rau làm ghém của những người trình diễn, hai câu là lại lấy hơi, để quằn quại ngân vào chỗ trũng. Là người viết nhạc, hòa âm và trình bày, Hoài Bắc Phạm Ðình Chương sẽ sặc vì rượu hòa trong lệ khi thấy ca khúc của mình bị chẻ vụn như thế, trước sự lãnh đạm đầy kênh kiệu của người xem.
Chúng ta nên thông cảm. Nhiều người trong nước tất nhiên là còn quá trẻ để biết, để nghe và để yêu nhạc Phạm Ðình Chương. Ở ngoài này, nhiều người cũng còn quên tiếng hát Hoài Bắc, một trong mấy giọng nam điêu luyện nhất của gần nửa thế kỷ tân nhạc Việt Nam, từ những năm 50 cho đến khi ông tạ thế. Càng nhiều người không biết là Hoài Bắc đã tự hy sinh cho sự lẫy lừng của ban Thăng Long, một ban hợp ca đã làm đẹp cho nghệ thuật trình diễn, từ thời “Gió Nam” cho đến ngày lưu vong ở hải ngoại.
Phạm Ðình Chương lên đường hội ngộ với tân nhạc và kháng chiến từ khi rất trẻ, giữa thập niên 40, qua các ca khúc đã hòa vào dòng nhạc hùng thời đó, như Ra Ði Khi Trời Vừa Sáng, Bài Ca Tuổi Trẻ, hay Hò Leo Núi, Tiếng Dân Chài, Trăng Rừng… Nhưng, khác với các nhạc sĩ đương thời, ông viết cho tuổi trẻ mà không bước qua khung cửa của hùng ca lịch sử hay đòi phanh thây uống máu quân thù. Nhạc tuổi xanh của ông mơn mởn hạnh phúc.
Ở tuổi thanh xuân, Phạm Ðình Chương vào Nam từ năm 1951, 40 năm trước khi buông bỏ đời tha hương.
Rời xa quê mẹ từ khi còn trẻ, ông mở ra trang mới của dòng nhạc hoài hương với bài Xuân Tha Hương, khúc ca Xuân tuyệt đẹp được dùng trong một cuốn phim Hoa Kỳ thực hiện tại Sàigòn giữa thập niên 50. Sau đó, Phạm Ðình Chương vẫn ấp ủ giấc mơ hội ngộ với bản trường ca Hội Trùng Dương, cuồn cuộn cảnh thái hòa của ba dòng sông trên ba miền đất nước.
Nhớ về quê cũ đã bạt ngàn xa vắng, Phạm Ðình Chương bấm đàn, ém khói thuốc và nhấp một ly rồi ngâm nga hai bài thơ bi hùng của Quang Dũng mà ông đã hòa làm một, trong dòng nước mắt. Hai bài Ðôi Bờ và Ðôi Mắt Người Sơn Tây được tái sinh với tiếng hát u uẩn của Hoài Bắc. Ðược nghe ông hát ca khúc này là một niềm hạnh phúc cho những người yêu nhạc.
Phạm Ðình Chương là người quảng giao lắm bạn-mà toàn những tên tuổi của dòng Văn học nghệ thuật của miền Nam tự do.
Nhưng, giữa đám đông, ông vẫn dựng lấy một thế giới âm thanh riêng tây, không sáng tác theo trào lưu vì ông tạo ra trào lưu. Âm nhạc của ông ngự trị trong cõi riêng của người yêu thơ yêu nhạc. Chính là đám đông đã nhờ ông dẫn vào thơ và dẫu chẳng biết nhiều về thơ vẫn tìm đọc để mê thơ Quang Dũng, Ðinh Hùng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền hay Huy Cận, Trần Dạ Từ, Du Tử Lê. Phạm Ðình Chương cảm được cái hồn của bài thơ và dùng nhạc thổi lên giai điệu mới, khiến bài thơ quyện mãi trong tâm hồn chúng ta.
Nếu nghe lại Người Ði Qua Ðời Tôi hay Ðêm Màu Hồng hoặc Bài Ngợi Ca Tình Yêu, chúng ta của thời nay sẽ biết thế nào là không khí thanh lịch và trình độ nghệ thuật năm xưa. Ðấy là phong cách Phạm Ðình Chương, độc đáo và rực rỡ của Sàigòn văn minh.
Rồi hãy nghe Quê Hương Là Người Ðó hay Ðêm, Nhớ Trăng Sàigòn do ông phổ thơ Du Tử Lê ở hải ngoại thì chúng ta mới thấm thía nỗi niềm xa quê. Nhưng thà như vậy đi! May lắm thì một thế hệ nữa, những người yêu nhạc thật sự sẽ dần dần khám phá ra Phạm Ðình Chương.
Một người thợ vẽ hiện đại của Trung Quốc đã kiếm tiền rất khá nhờ vẽ lại tranh rập khuôn Van Gogh để bán ngoài chợ. Khi được hỏi về họa sĩ này, anh ta thản nhiên trả lời: “Cũng chẳng có tài lắm vì nghe nói là khi chết lại chẳng có một xu”. Nếu còn tại thế và được nghe truyện này, Hoài Bắc Phạm Ðình Chương sẽ cười cười soạn lại thơ Thanh Tâm Tuyền, tô vẽ Ðêm Màu Hồng thành Ðêm Màu Ðen, rồi cầm giấy tự giới thiệu trước khi bật khóc.
Quê hương đúng là người đó!

(Văn Công Hùng)
Thú thật, trong đời, chả nghĩ lại có thể được gặp Du Tử Lê bằng xương bằng thịt. Thi thoảng nghe bạn bè đi Mỹ về kể Du Tử Lê thế này Du Tử Lê thế kia lại thấy… thèm, rồi lại nghĩ, ông ấy lắc lơ thế, nghìn trùng thế, thôi thì, nghe Khúc Thụy Du để thấy ông ấy.
Thế hệ chúng tôi hầu như rất ít biết về Du Tử Lê, cả trong đọc và học. Đơn giản vì ông ở bên kia vĩ tuyến, rồi khi thống nhất thì ông lại… sang Mỹ. Nghe thêu dệt cũng có, kể trực diện cũng có, tài liệu cũng có… về ông thì thấy cái cơ ông trở về Việt Nam có vẻ khó. Thế rồi ông trở về, năm ngoái Nhà xuất bản Hội Nhà Văn lại in sách của ông nữa. Đọc mấy bài báo kể về việc ông xuất hiện ở Hà Nội càng thấy tò mò. Nào là không cách gì gặp được, gặp được thì lại không nói chuyện được, nói chuyện được thì lại… rất thiếu thông tin. Càng tò mò tợn.
Thế mà rồi tôi có ngày đã gặp ông bằng xương bằng thịt, còn “kề vai sát cánh” với ông 2 ngày 2 đêm nữa, trong đó có mấy tiếng đồng hồ tung hoành với nhau trên sân khấu trong một đêm “Khúc thụy du với Pleiku” ngay tại thành phố Pleiku.
Ông hiền lành đến độ khó có thể hiền hơn. Nhưng ẩn trong ấy là sự thông minh, trí tuệ và lịch lãm. Tôi đến gặp ông trong một cữ cà phê sáng, cữ cà phê đầu tiên sau bốn mươi năm ông trở lại Pleiku. Nhìn nét mặt khoan khoái của ông khi trịnh trọng nâng ly cà phê hít hà trước khi nghiêng nhẹ vào môi cho giọt cà phê lăn vào rồi từ từ tan trong miệng mới thấy độ xúc cảm thiêng liêng khi gần nửa thế kỷ ông mới được nhấp lại ly cà phê Cao nguyên thứ thiệt. Cũng chả muốn tả cái sự khác nhau giữa cà phê Pleiku với cà phê Mỹ làm gì, bởi uống cà phê chỉ là thói quen thôi. Nhưng ai đã uống những phin cà phê đen Pleiku đen nhánh và đặc sánh rồi thì rất khó quên, bởi vậy tôi hình dung sự khoan khoái của ông khi xơi liền… 2 ly trong buổi sáng ấy rồi thốt lên “Pleiku của tôi tuyệt vời quá”…
Ông đang kiên nhẫn nghe và trả lời bốn năm ông bà uống cà phê trong quán nhận ra ông, hỏi thăm ông về thơ và về cả đời ông. Nhỏ nhẹ và từ tốn, pha chút hài hước, ông trả lời rất ngắn nhưng đầy đủ. Lạ là cũng còn nhiều người hỏi ông về những bài thơ cụ thể, họ thuộc vanh vách. Thuộc thơ yêu thơ giờ đã hiếm, mà lại thơ của người 40 năm mới xuất hiện lại thì những khách uống cà phê hôm ấy cũng thuộc hàng thượng thặng.
Thập niên 60 của thế kỷ trước, ông là phóng viên chiến trường của quân đội Việt Nam cộng hòa, thường xuyên bay lên Pleiku tác nghiệp. Cô giáo người Huế xinh đẹp Hạnh Tuyền mới tốt nghiệp đại học sư phạm Huế có cảm tình với thơ ông, rồi với ông. Rồi trở thành hôn thê của ông. Để dễ gần nhau, bằng mối quan hệ của mình, ông đã xin cho bà lên dạy ở trường Phạm Hồng Thái, Pleiku. Lớp học trò của bà thời ấy giờ cũng đã nên ông nên bà, và họ đang tíu tít với cô giáo cũ ở một bàn cà phê bên cạnh.
Để lên Pleiku chuyến này, ông đã khuyên bà bỏ một cuộc đi Mã Lai hay Miến Điện gì đấy, để về Việt Nam. “Quỹ thời gian ít lắm rồi, nên chiều người… già hơn”, ông hóm hỉnh nói với vợ, và bà đã đồng ý, từ nay mỗi năm sẽ có một cuộc về Việt Nam, về nhà.
Cái cách ông bà chiều nhau cũng tài. Cái nhà hàng Ngói nâu của ông nhà thơ Miên Di dạy nhân viên chăm sóc khách rất kỹ. Mỗi khi mang món mới ra thì nhân viên lại lấy một bát mới cho khách, bỏ thức ăn mới vào đấy trong khi miệng giới thiệu món ăn. Có những món ông không ăn được, chỉ liếc qua bà biết, và lặng lẽ khéo léo đổi bát cho ông. Còn khi ngồi xa ông thì bà nhờ người ngồi cạnh: món ấy anh ăn không được, đừng gắp cho anh, gắp cho anh món kia. Mà quả ông chả ăn bao nhiêu, mút mát tí rồi ngồi. Đáp lại ông cũng ga lăng không kém. Mỗi lần ra ngoài hút thuốc, dù tư thế chả có cớ để có thể nghiêng, ông cũng cố vịn vào vai bà, có lần còn thơm nhẹ lên tóc. Trời ơi cái đám trẻ ngồi cứ tròn xoe mắt… Có lúc có ai đó hỏi ông lần đầu tiên ông lên Pleiku là năm nào, ông lẩm nhẩm rồi nói năm 1961. Bà để ông nói xong một lúc rồi rất khẽ hỏi lại, hình như anh quên, răng mà năm 61 được. Bà nhớ thì không thể sai rồi, vì bà… hiểu rõ ông hơn ông, và cái sự lên Pleiku nó gắn tới bà. Ông cười xòa, thì bà tính hộ tôi!
Cái bài hát Khúc Thụy du mà nhạc sĩ Anh Bằng phổ và rất nổi tiếng ở Việt Nam ấy, té ra nó là một bài thơ khá dài, toàn về chiến tranh. Nhạc sĩ đã “gắp” ra những câu thơ về tình yêu rải rác trong bài thơ rồi liên kết lại thành một bài hát hay. Trường hợp này lại khiến nhớ tới bài hát “Khúc hát sông quê” của Nguyễn Trọng Tạo và Lê Huy Mậu. Bài thơ rất dài, có lần tôi nói đùa với cả 2 bác Mậu và Tạo: ông Tạo đã rất tài khi lẩy ra những câu thơ dở nhất trong bài thơ hay để phổ nên một bài hát hay. Trước mặt cử tọa và cả chị Hạnh Tuyền, ông nói khơi khơi khi bị hỏi Thụy là ai? Chính là một trong những người yêu của tôi. Nếu hỏi thì số người thích “Khúc Thụy du” chiếm đa số trong giới thích nghe nhạc, nhưng hỏi ông thích ca khúc nào nhất trong số thơ của ông được phổ thì ông lại để Khúc Thụy Du ở rất xa phía sau. Có người đã tính, ở Việt Nam có hai người có thơ được phổ nhạc nhiều nhất là Tạ Hữu Yên và Du Tử Lê. Tôi có hỏi ông và ông ngơ ngác một lúc rồi bảo cũng không biết nữa?
Tôi cũng nói với ông rằng, lần đầu khi đọc bài thơ “khi tôi chết hãy mang tôi ra biển” tôi đã sởn hết gai ốc. Bởi nó đụng đến những điều rất thiêng liêng. Nó từ cá nhân nhưng đã gói được cả số phận cộng đồng, từ cảm xúc rất riêng nhưng lại nói hộ được bao người.
Cái đêm mà tôi được chuyện trò với ông ấy, một số anh em đứng ra tổ chức tại một quán cà phê Vương Cát mà bà chủ cũng rất yêu Du Tử Lê. Cũng phải tập tành, ráp nhạc để thể hiện 7 bài hát phổ thơ ông, đọc gần chục bài thơ của ông. Hơn bốn mươi năm, và thơ ông cũng không được nhắc đến nhiều ở trong nước, thế mà hôm ấy, quán cà phê hết chỗ, mọi người rất im lặng, và ngồi đến phút cuối cùng, dù ai vào là phải trả tiền, tiếng nước uống, tất nhiên, quán không phụ thu như thông lệ.
Tôi là người được chọn để cùng ông trò chuyện, trò chuyện nhưng lại phải ngồi trên sân khấu, “qua loa” để mọi người cùng nghe. Và bản thân tôi cũng chưa bao giờ gặp ông, đọc ông cũng không nhiều bằng các nhà thơ trong nước khác, bởi đến tận năm ngoái thì tập thơ đầu tiên của ông mới được xuất bản ở trong nước sau khá nhiều trầy trật, tập “Giỏ hoa tuổi mới lớn” của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Thế mà ngồi nói chuyện với ông, với tư cách cầu nối ông với khán giả phía dưới, cứ như… đúng zồi.
Cái sự kết nối ấy, cái sự thân quen ấy, mến mộ ấy… nó xuất phát từ thơ. Ông là tác giả của rất nhiều bài thơ hay, mà chỉ nhắc đến tên đã rất nhiều người biết, vậy nên, chả cần ông hiện diện, chả cần bằng xương bằng thịt, dẫu nghìn trùng đâu đó, người ta vẫn đọc ông, và yêu ông, và nghe nói ông về thì rủ nhau đi gặp ông. Có gia đình cả vợ chồng con cái đều đi. Xong rồi mua sách và kiên nhẫn đứng chờ ông ký.
Có một anh chàng tên là Phúc, quê gốc ở Quảng Trị, lên Pleiku lập nghiệp từ thời nào, rồi sau đó xuống Sài Gòn định cư. Thông qua facebook (cuộc cà phê nhạc gặp gỡ Du Tử Lê ở Pleiku chỉ được thông báo trên facebook của anh Nguyễn Sơn, người tổ chức cuộc này) bèn làm một cuộc vô tiền khoáng hậu là… chạy xe máy từ Gò Vấp, Sài Gòn lên Pleiku, vẫn kịp vào xem các ca sĩ ráp nhạc, và tối ấy anh lặng lẽ ngồi từ phía sau ngắm và nghe Du Tử Lê, cho đến hết chương trình lại lặng lẽ xếp hàng đợi xin chữ ký vào tập thơ “Giỏ hoa tuổi mới lớn” anh mua tại chỗ. Sáng sau anh lại đến quán cà phê mà những người bạn mời Du Tử Lê uống cà phê để ngồi với ông một lát, uống một ly cà phê rồi lại chạy xe máy về lại Sài Gòn. Nghìn cây số cả đi và về chỉ để gặp thần tượng của mình một lúc, kể cũng là loại yêu thơ phi phàm. Nhân đấy tôi kể với Du Tử Lê giai thoại chuyện thơ của người Việt. Một là có ông dán bảng trước cửa nhà: Xin để dép và thơ ở ngoài. Hai là thiên hạ đồn mỗi khi tôi về quê (Huế) đều mang theo 2 ống nứa. Các nhà thơ gặp nhau là hay đọc thơ mới cho nhau nghe. Khi đọc cứ nhắm tịt mắt lại, tay nắm chắc tay đối phương, thế là đối phương lẳng lặng rút tay mình ra khỏi ống nứa và… chạy. Đọc cho ông nghe câu thơ vui nữa, chả biết của ai: Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ tặng gì thì tặng xin đừng tặng… thơ… ông cứ ha hả cười khiến tôi quên hỏi ông rằng bên Mỹ người ta có hay… đọc thơ khi gặp nhau không?
Và thế mới thấy, thơ không có biên giới, không rào cản, chỉ có những trái tim đến với trái tim, truyền xúc động sang nhau, và giữ nhau lại ở vùng xúc động ấy, như một cách lưu giữ cái đẹp, tình yêu, cái làm nên hồn cốt của dân tộc, để những đứa con dẫu lắc lơ đâu đó vẫn đau đáu mà tìm về… Làm sao em biết khi xa bạn/ Tôi cũng như chiều tôi mồ côi…
và: khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/đời lưu vong không cả một ngôi mồ/vùi đất lạ thịt xương e khó rã/ hồn không đi, sao trở lại quê nhà khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi/bên kia biển là quê hương tôi đó/ rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi/cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối/biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi…
Thơ Du Tử Lê đấy…
Phỏng vấn nhà thơ Du Tử Lê: “Dù tôi có lên tiếng hay không, sự thật vẫn còn đó”
(NS Tuấn Khanh)
Trong sự kiện văn chương rất náo nhiệt suốt thời gian qua trong nước, một trong những người được coi là ” trong cuộc” là nhà thơ Du Tử Lê, nhưng ông lại chẳng hề lên tiếng. Thật đáng để thắc mắc. Khi hẹn ông trao đổi về chuyện này, tôi thấy rõ ông ngập ngừng ít lâu, nhưng rồi nhận lời.
Thế nhưng việc nhận lời của nhà thơ Du Tử Lê cũng rất oái ăm: Ông đề nghị phần trao đổi không được nhắc đến cụ thể tên của một người nào, cũng như xin dừng “bẫy” ông vào đại cục của một đợt phán xét căng thẳng có liên quan đến ông, hiện tại.
Du Tử Lê nói ông chỉ muốn im lặng. Trong phần hỏi-đáp rất ngắn dưới đây, nhà thơ Du Tử Lê có giải thích về sự im lặng của ông, với nhiều ngụ ý.
1. Văn nghệ Việt Nam, hay nói rõ hơn là văn nghệ ngôn ngữ Việt, vẫn xảy ra rất nhiều scandal từ nhiều năm nay. Gần đây chẳng hạn. Nhưng giữa xôn xao ấy, điều rất lạ là ông từ chối lên tiếng và trả lời với nhiều nơi, dù có liên quan đến mình. Ông có thể cho biết vì sao?
DTL: Tôi từ chối lên tiếng, trả lời chỉ vì đơn giản, tôi nghĩ, đó cũng là một thứ tai nạn. Khi một tai nạn xảy ra, tôi tin cả hai phía đều không ai mong muốn. Vì thế, trước tấm lòng của những nhà báo nghĩ tới và hỏi tôi, tôi chỉ có một câu trả lời, rất thành thật là:
“Cám ơn. Mong mọi chuyện sớm qua”.
2. Trong một lần trò chuyện, ông có nói rằng mình thấy sợ hãi cuộc sống bên ngoài nên đã chọn cách tồn tại và im lặng. Nhưng đôi khi im lặng có biến mình thành phía khác của sự thật và cái đúng không, theo ông?
DTL: Anh cho tôi một câu hỏi rất sâu sắc. Tôi từng bị đôi người cho rằng: Khi tôi chọn cách “tồn tại và im lặng” thì vô tình hay hữu ý, tôi đã “phản bội sự thật!” Tôi đã cổ súy cho cái sai! Dung dưỡng cái không đúng!…
Câu trả lời quen thuộc của tôi là: “Xin lỗi! Đó là tính trời! Biết sao giờ?”
Tuy nhiên hôm nay, ở đây, bằng vào tình thân có giữa chúng ta, tôi xin nói rõ quan điểm của mình:
– Tôi cho rằng, đứng trước sự thật, chúng ta chỉ có duy nhất, một sự thật. Trường hợp nào thì cũng không thể có hai sự thật… Cũng vậy, khi chúng ta đúng trước cái sai, cái không đúng… Cũng khởi từ tình thân chúng ta có với nhau thì, Tuấn Khanh cho tôi được thêm rằng:
“Im lặng đôi khi mang ý nghĩa của sự tha thứ, im lặng đôi khi còn vì hoàn cảnh… Nhưng tôi vẫn thấy: Tôi im lặng vì tôi biết, với thời gian, sự thật vẫn nguyên vẹn đó. Và tôi không có khả năng đánh tráo hoặc đổi thay nó được”.
Nói cách khác, trước sự thật hay đúng sai, dù tôi lên tiếng hay không thì cũng chẳng vì thế mà nó bị biến dạng, dù lúc nào, ở đâu.
3. Thế giới văn nghệ nhìn qua thì rất đẹp, nhưng thật sự bên trong đầy những tai ương. Có thể là ghen ghét, có thể là bất phục… từ đó dẫn đến chuyện giày xéo lên nhau. Ông đã bao giờ đứng trước một bối cảnh như vậy? Đối diện với nó, ông đã làm gì?
DTL: Tôi xin trả lời anh ngay rằng, trong quá khứ, tôi không chỉ phải đối điện với những tai ương như anh mới nói, mà tôi còn từng là nạn nhân những tai ương đó nữa.
Gần đây nhất, có người đã thay đổi một vài chữ ở một vài đoạn thơ, trong một bài thơ của tôi, rồi tung lên Internet với những kết án, chụp mũ, nguyền rủa bằng những ngôn ngữ không thể bình dân hơn! Lập tức hàng chục cá nhân khác nhao nhao “ném đá” tôi, như nấm độc mọc sau mưa!
Tôi vẫn chọn thái độ im lặng.
– Tại sao?
Bởi vì tôi nghĩ, nếu việc chụp mũ, ném đá tôi là một “khoái cảm”, dù là thứ khoái cảm thấp hèn hay bệnh hoạn, tâm thần… thì, tôi nghĩ chí ít, tôi cũng đã làm được một việc… “hữu ích” là đem lại cho đám người đó, những giây phút “khoái cảm bệnh hoạn” ấy.
Giả dụ có một ai đó, đủ liêm sỉ, dương danh với đầy đủ tên tuổi, địa chỉ thực và, nếu tôi thấy kẻ đó đáng cho tôi quan tâm, thì tôi chắc chắn tôi sẽ nhờ đến tòa án, như đã từng. Ngoài ra, tôi sẽ không để những chuyện đó ảnh hưởng tới công việc hàng ngày của mình. Tuấn Khanh hiểu, quỹ thời gian của tôi còn lại quá ít, để mất thì giờ vào những chuyện như thế.
4. Sau năm 1975, khi nền văn nghệ của người Việt hải ngoại hình thành, đã có một sự ngăn cách rõ về tư tưởng, quê hương…. Thậm chí việc không nhìn nhận nhau thông qua lăng kính chính trị cũng khiến sự cách biệt này lớn hơn nữa, tạo ra một khoảng không dễ dàng “vay mượn” lẫn nhau mà không cần nhìn nhận – đã có rất nhiều chuyện như vậy với cả hai phía. Đứng ở phía của một người làm văn nghệ ngôn ngữ Việt, có được trải nghiệm về việc không được nhìn nhận, ông cảm thấy thế nào?
DTL: Tôi vẫn quan niệm, giữa “nhìn” và “không” nhìn nhận có một “bản lề” lớn. Bản lề đó là “sự im lặng của đám đông”.
Động lực khiến tôi còn có thể tiếp tục làm việc tới ngày hôm nay, chính là sự tin tưởng của tôi, vào đám đông thầm lặng đó.
5. Chúng ta đã nói về sự cách biệt của người Việt, văn chương Việt, nhưng giữa nghịch cảnh ấy, vẫn có những động thái cá nhân đi qua biển, bơi về phía nhau, tạo dựng một khung cảnh mới: Người Việt trong nước bác bỏ kiểm duyệt gửi sách ra hải ngoại để in, người Việt hải ngoại thì tìm cách để lọt qua các khe hở để tiếp cận đồng bào mình. Thưa ông, đó có là một dự báo về tương lai?
DTL: Cám ơn câu hỏi này của nhạc sĩ Tuấn Khanh. Tôi từng nói ở nhiều nơi rằng, chính thể nào rồi cũng sẽ qua đi. Cái còn lại sau cùng, vĩnh cửu vẫn là dân tộc, là đất nước. Mà, văn hóa nghệ thuật là một phần quan yếu của dân tộc đó. Nên nó sẽ tồn tại, sẽ sống sót đó, dù ở thể trạng nào.
6. Giả sử tôi đã lấy gì đó trong văn nghiệp của ông, gọi tên là của mình. Có thể đó là nỗi ám thị về ham muốn cái đẹp, có thể là kẻ trộm vặt, nhưng nếu tôi gọi điện thoại để thú nhận với ông. Chỉ một câu thôi, ông sẽ trả lời ra sao, thưa ông?
DTL: Tôi xin trả lời Tuấn Khanh ngay, rằng: “Cảm ơn và, hãy quên đi.”
(NS Tuấn Khanh)
oOo
Quê Hương Là Người Đó – Ca sĩ Ý Lan:
Quê Hương Là Người Đó – Ca sĩ Vũ Khanh:
Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn – Danh ca Thái Thanh:
Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn – Ca sĩ Trần Thái Hòa:
Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn – Ca sĩ Vũ Khanh:
Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển – Ca sĩ Phạm Thành:
Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển – Nghệ sĩ khuyết danh:
Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển – Nghệ sĩ Bích Thuận diễn ngâm: