Phạm Minh Trang
Những tưởng đã qua rồi mãi mãi cái cảm giác xao động của lần đầu tiên đứng trên bục giảng với bao hồi hộp, lo lắng, ngỡ ngàng… Hôm nay trong tôi lại dậy lên những cảm xúc kỳ lạ. Bởi lẽ, tôi sẽ gặp lại những gương mặt thân quen nào đó, mà ngỡ như đã qua mãi trong ký ức đời người.
Ngày ấy, các em là học sinh của lớp học giáo viên sơ cấp mầm non, được đào tạo cấp tốc để tỏa đi khắp nơi trong tỉnh, đáp ứng kịp thời cho công tác giáo dục.
Một cuộc hội ngộ có hẹn trước, không bất ngờ nhưng sao vẫn thấy xao xuyến. Chẳng biết tôi có nhận ra hết các em học sinh cũ không nữa, bởi đôi khi, người ta cũng hay vô tình lắm…
Hơn 20 năm từ khi ra trường đến nay, bao nhiêu học trò tôi đã dạy, làm sao nhớ hết được? Có những khuôn mặt từ khi chia xa chưa bao giờ gặp lại. Những cuộc đời với bao số phận chìm nổi khác nhau, những giọt nước mắt, những nụ cười… Tất cả đã qua đi theo năm tháng.
Và tôi đã gặp lại, những gương mặt in hằn dấu ấn thời gian. Thật xúc động không sao nói lên lời. Cứ nhìn vào cảnh tượng các em đi học lớp chuẩn hóa cho giáo viên mầm non sao mà thấy thương. Người thì đứa lớn bồng em cho mẹ học, người thì bụng bầu vượt mặt, những gương mặt khắc khổ, nom già trước tuổi. Tôi cố lục lọi trong trí nhớ của mình tên của các em, thế mà có những em tôi không sao nhớ nổi …
Sau giờ học cô trò tíu tít bên nhau, các em mừng rỡ ra mặt, hỏi han tôi đủ chuyện. Cuộc đời tôi ư, thật đơn giản mà cũng thật hạnh phúc sau chừng ấy năm, nên chỉ vài câu trả lời là hết. Còn các em? Tôi muốn biết nhiều về các em, về những nỗi vất vả của người giáo viên mẫu giáo vùng sâu, vùng xa, những bất cập trong chương trình giảng dạy, và cả chuyện riêng tư…
– “Thưa cô, em ở xa lắm, nói ra cô cũng không biết đâu, từ đường cái lớn phải đi bộ 25 cây số…”
– “Lớp học của em còn thiếu thốn nhiều lắm, chỉ có phên tre, vách nứa. Hàng ngày em phải mang đồ chơi, đồ dùng đi theo để dạy, có hôm trời mưa, lội suối bị ướt hết…”
– “Em bây giờ làm cán bộ quản lý, các thôn thưa thớt, lớp học xa nhau, đi bộ kiểm tra, khổ lắm…”
– “Cô ơi, H’ Hoan đã học xong bổ túc văn hóa cấp 3 rồi cô.”
– “Cô ơi, dạy hoạt động âm nhạc 4 tiết, ta chia 3 tiết được không cô?”
– “Trẻ ở vùng xa, làm sao có giấy A4 cho nó vẽ được, rồi còn màu nữa…”
– “Em không có điều kiện làm tranh mẫu đẹp cho trẻ xem, cô giúp em với…”
– “Em có 4 cháu rồi cô ạ, biết đông con là rất khổ, tụi em lại ở tuốt trong sâu, khó kế hoạch lắm…”
– “Chồng em bỏ rồi, ngoài giờ dạy em đổ bánh xèo kiếm tiền nuôi con.”
– “Cô còn nhớ Quỳnh Hoa không, nó bị điên rồi cô ạ, từ khi chồng bỏ lại bắt mất con…”
– “Cô ơi ….”
Cứ thế, những mẫu chuyện mộc mạc, đời thường ấy được chúng tôi nhắc đến nhiều trong những giờ ra chơi. Có cuộc đời thành đạt, lại có người ra đi vội vã sau cơn sốt rét ác tính, để lại bên đời những đứa con bơ vơ. Có những mảnh đời chắp vá, và những người đến nay vẫn một mình một bóng, ngày lại ngày nhìn tuổi xuân trôi đi không bao giờ trở lại. Tôi đã đọc nhiều trong báo các phóng sự về những nỗi khó của người giáo viên vùng sâu, vùng xa, cũng có lúc, tim tôi thắt lại, xót xa. Thế nhưng bây giờ, được nhìn tận mắt những con người đã dâng hiến tuổi trẻ cuộc đời mình ở những nơi ấy, đã vượt qua những nỗi đau riêng để đứng vững cho đến ngày hôm nay, tôi mới thấy mình thật sự thấm thía.
Một lần, có em đã nói : “Biết khổ đó cô à, mà cứ như cái nghiệp, đã vương vào rồi, không sao bỏ nghề được, nó như một phần máu thịt của tụi em…”
Vậy đó, người ta đã không dễ dàng bỏ được những gì mình đã theo đuổi ngần ấy năm. Các em đã gắn bó với nghề từ những ngày còn son trẻ cho đến ngày hôm nay, khi gánh nặng thời gian đã hằn in trên khóe mắt, nụ cười, tôi thấy trong những đôi mắt ấy vẫn ánh lên tia sáng long lanh của một tấm lòng nhiệt huyết với nghề, với đời.
Còn tôi, tôi là gì nhỉ? Một con người tồn tại thật bình yên với những công việc trôi qua hàng ngày. Tôi cũng đã từng tự hào về niềm say mê nghề nghiệp của mình, cũng có những lúc buồn vui, trống vắng… Tất cả những điều đó thật nhỏ bé, chẳng đáng là bao so với những gì các em học sinh của tôi đã trải qua. Thật nhỏ bé, phải không các em ?
Hè này, đến trường, có thể các em đã học thêm ở tôi một chút kiến thức, còn tôi, các em đã cho tôi bài học lớn về tấm lòng với đời.
Ngồi nhìn các em làm bài thi trong buổi học cuối cùng, những ánh mắt chăm chú, đăm chiêu, những gương mặt rám nắng, không son phấn, lòng tôi như chùng lại với nỗi ám ảnh về một cuộc chia xa, mà lần này, tôi biết sẽ là mãi mãi…
Có ánh nắng hắt vào đâu đó trong lớp học, những vệt nắng trải dài như dấu ấn thời gian vương đọng trên những mái đầu đã lốm đốm sợi bạc, chợt ánh lên như tia nắng lung linh trong chiều…
Phạm Minh Trang
(Bài này đã đăng trong tập san kỷ niệm 20 năm thành lập trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai năm 1999)
Em cám ơn chị đã chia sẻ những cảm xúc của một cô giáo.
Chúc chị ngày Nhà Giáo hạnh phúc ạ.
ThíchThích
Chị cảm ơn Thu Hương nhé.
Chúc em luôn bình an, vui vẻ.
ThíchĐã thích bởi 1 người