Chào các bạn,
Tối Chúa nhật mình chuẩn bị vào lớp giáo lý, mẹ Pan ở thôn Tư đến gặp mình xin cho em Pétty năm nay học lớp Mười hai vào ở nhà Lưu trú, mình chưa kịp trả lời mẹ Pan nói tiếp:
– “Hai năm học lớp Mười và lớp Mười một em Pétty ở trọ học trên phố Buôn Ma Thuột, năm nay rút hồ sơ về xin học lớp Mười hai tại trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai.”
Thường các em học sinh trong Buôn Làng đến xin vào nhà Lưu trú mình nhận dễ dàng, vì biết rõ các em cũng như gia đình. Còn các em đã đi học ở một nhà Lưu trú nào đó chuyển trường về học tại Buôn Làng đến xin như trường hợp em Pétty, mình không nhận ngay nhưng muốn trực tiếp gặp các em trước khi nhận, bởi mình muốn biết lý do tại sao các em muốn chuyển trường, muốn chuyển nhà Lưu trú.
Sau khi mẹ Pan gặp mình hai ngày, mình đến thôn Tư vào nhà bố mẹ Pan để gặp em Pétty. Khi bước vào nhà, trên chiếc giường gỗ một mét hai đặt ngay cạnh cửa, có một em bé trai đang nằm trong một tư thế không bình thường: Toàn thân em nằm thẳng nhưng đầu của em lệch nghiêng hẳn qua một bên, kiểu của người không thể ngẩng đầu lên được, nhìn toàn thân em bé nhỏ bằng em bé hai tuổi nhưng khuôn mặt em lại già hơn, hai cánh tay nhỏ xíu khẳng khiu và hai bàn tay co quắt không mở ra bình thường được.
Mình đứng nhìn em được một lúc, em bé bắt đầu quơ tay lên mặt và khóc, đầu em bé vẫn nghiêng lệch qua một bên, vừa lúc bà ngoại Pan ở ngoài chạy vào chào mình và bồng em bé lên. Được bà ngoại Pan bồng nhưng đầu em vẫn cúi gầm xuống. Mình hỏi bà ngoại Pan em bé tên gì và mấy tuổi?
– “Cháu này tên Pét, được bảy tuổi rồi!”

– “Cháu Pét bị bệnh như vậy từ lúc nào?”
– “Bị từ khi còn trong bụng mẹ, sanh ra bác sĩ nói cháu Pét bị chất độc da cam.”
– “Cháu Pét được bảy tuổi rồi mình đút cơm cháu Pét có ăn được không?”
– “Không ăn được, mỗi bữa ăn mẹ Pan nhai cơm rồi đút cho cháu Pét.”
– “Nếu vậy sao mình không đút cháo cho cháu Pét ăn?”
– “Cháu Pét không ăn cháo được, đút cháo vào cháu Pét không nuốt. Nuôi cháu Pét cực lắm! Cháu Pét khóc nhiều, ngủ rất ít, ban đêm cũng không ngủ, khóc miết thôi! Nhưng cũng không bồng cháu Pét nhiều được vì mọi người ai cũng phải đi làm ruộng rãy, không thì cả nhà không có gì ăn cũng chết đói.”
– “Bà ngoại Pan năm nay bao nhiêu tuổi?”
– “Mình sáu mươi tư tuổi, ít đi làm rãy xa, mình làm sau vườn nên thường ở nhà với cháu Pét, cũng may cháu Pét không có em.”
– “Chăm cháu Pét cực như vậy có khi nào bà ngoại Pan than trách Chúa không?”

– “Không, vì tất cả mọi cái mình có đều do Chúa cho kể cả cháu Pét đây cũng do Chúa cho gia đình, nên mình thấy Chúa Giêsu trong cháu Pét. Mình thương và chăm sóc cháu Pét tốt thì sau này Chúa cũng thương lại mình, có gì mà phải kêu trách Chúa.”
Mình cảm phục trước niềm tin mạnh mẽ của bà ngoại Pan.
Matta Xuân Lành
Hay quá, lòng tin của bà ngoại Pan thật là mạnh mẽ.
ThíchThích
Em thấy thương cháu Pét quá!
ThíchThích
Một cảnh thương tâm quá ! Tại sao lại có những mảnh đời cơ cực như thế?
ThíchThích
Chúa luôn có một mục đích tốt cho mỗi cuộc đời. Có lẽ mục đích của một mảnh đời cơ cực là để cho mọi người khác thấy được họ có nhiều ân sủng của Thiên chúa đến mức nào.
ThíchThích
Bà ngoại Pan thật diễm phúc vì luôn nương tựa và tin tưởng nơi Chúa dù chịu nhiều thử thách! Điều đó hẳn rất đẹp lòng Chúa!
ThíchThích
Chuyện bà ngoại Pan thật hay. Mọi cái mình có đều do Chúa cho.
Em cám ơn Yăh.
ThíchThích
Em cảm ơn chị Xuân Lành đã kể chuyện.
Cầu cho bà ngoại Pan, Cháu Pét và em Petty luôn bình an trong Chúa.
ThíchThích