Nguyễn Thị Ngọc Hợp
Trung tâm ca nhạc Asia có tổ chức lễ kỷ niệm bốn mươi năm ngày thành lập tại thành phố Montreal. Chị ca đoàn trưởng ở nhà thờ Việt Nam có nhờ mình và 3 bạn khác hôm đấy tham gia vào một tiết mục của trung tâm. Việc của tụi mình là cầm cờ phụ hoạ khi các ca sỹ hát (mà mình nghĩ là hợp ca). Mình thoáng nghĩ: “Đây hẳn là lá cờ vàng ba sọc đỏ của miền Nam Việt Nam trước 1975 và tiết mục này sẽ là một bài ca yêu nước. Nếu mình tham gia mình nên có một tình cảm cùng với niềm tự hào về lá cờ và về dân tộc thể hiện qua lá cờ này. Nhưng tình thực, mình không có một tình cảm nhất định nào đó với nó, vậy nên tốt hơn không tham gia”. Mình quyết định từ chối.
Ba mình sau 1975 có đi cải tạo một thời gian, có lẽ khoảng 6 tháng hay 1 năm dù thời gian đi lính của ba ít hơn như vậy. Người ta nghĩ ba học đại học nên hẳn phải có vai trò gì đó quan trọng, thành ra ba phải vào trại cải tạo là vậy. Ba mình ít khi kể về chuyện không vui đó. Mình đi học, chỉ biết đến cờ đỏ sao vàng với những buổi chào cờ thứ Hai hằng tuần. Được nghe thầy cô giáo giảng dạy, như bao đứa trẻ khác, mình từng rất yêu lá cờ ấy và tự hào về nó. Thực sự, với một trái tim của trẻ thơ, rất nhiều lần mình rất xúc động khi đứng dưới cờ. Dần dà lớn lên, tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin, mình bối rối lắm vì những gì mình học biết trước kia không hẳn đúng như thế. Tình cảm của mình đối với cờ đỏ sao vàng cũng không còn được như lúc bé.
Chẳng biết từ nơi đâu, mình mơ hồ được người ta bảo rằng, cờ vàng ba sọc là cờ của giặc, của “nguỵ”, của “phản động”. Ở nơi thông tin không minh bạch, người ta thì thầm với nhau về lá cờ ấy như một điều nguy hiểm, giấu trước giấu sau. Chỉ là lá cờ thôi mà, sao phải như vậy chứ? Sau này mình được biết thêm, lá cờ ấy không phải bắt đầu từ thời miền Nam Việt Nam cộng hoà mà là trước đó, trước khi đất nước bị chia cắt. Vậy nhưng mình chẳng nuôi dưỡng được tình cảm nào với nó, mình đã lớn lên mà không có nó, không biết về nó và không nghe kể về nó. Mình chỉ không ghét nó thôi!
Dù hiện tại mình không thương lá cờ nào, nhưng mình rất thiết tha với quê hương, dân tộc và tổ quốc mình. Mỗi lần đến dịp kỷ niệm thống nhất đất nước, nhà nước Việt Nam lại tổ chức tưng bừng, cờ hoa ngợp trời. Ở hải ngoại, một số tổ chức cũng kỷ niệm “ngày quốc hận”, tuy kém hoành tráng hơn nhiều. Mình ngẩn ngơ suy nghĩ và ngẩn ngơ buồn, chẳng biết cứ cắt cứ chia như vậy đến bao giờ.
Sức mình chẳng có gì, chỉ cậy dựa vào ơn trên, nguyện xin ơn trên đoái trông gìn giữ và gắn kết dân tộc mình lại, để vơi bớt hận thù và chỉ còn lại yêu thương.
Nguyễn Thị Ngọc Hợp
Rất hay Hợp.
“Sức mình chẳng có gì, chỉ cậy dựa vào ơn trên, nguyện xin ơn trên đoái trông gìn giữ và gắn kết dân tộc mình lại, để vơi bớt hận thù và chỉ còn lại yêu thương.”
Cám ơn em.
ThíchThích
Cảm ơn chị Hợp đã chia sẻ.
Chúc chị luôn bình an nhé 🙂
ThíchThích
Cảm ơn anh Hoành và Thu Hằng, chúc mọi người một tuần mới vui khoẻ và bình an.
Em Hợp
ThíchThích
Bài chị viết hay quá! Nguyện xin ơn trên cho sau này, khi đọc lại những bài như này sẽ chỉ là một ký ức, là sự nhắc nhở về một quá khứ buồn, để thêm trân trọng tình yêu, tình đoàn kết dân tộc chứ không còn nước mắt rơi như khi đọc bài vào lúc này đây!
Cảm ơn chị Hợp đã chia sẻ!
ThíchThích
Cảm ơn Hảo chia sẻ với mình nhé!
Hợp
ThíchThích
Minh la nguoi Viet Nam phai co trai tim VN, yeu thuong nguoi than ban be, yeu que huong dat nuoc,yeu con nguoi dan toc VN. Tu hao la nguoi VN. Cam on ban Ngoc Hop
ThíchThích