Mệnh Lệnh Năng Lượng Bắt Buộc – Giới thiệu sách

Giới thiệu sách

MỆNH LỆNH NĂNG LƯỢNG BẮT BUỘC:
100% TÁI TẠO NGAY BÂY GIỜ
by Hermann Scheer

Chào các bạn,

Chủ đề an ninh năng lượng không còn mới lạ đối với chúng ta vì nhu cầu sử dụng điện, gas, xăng dầu hàng ngày của mỗi người. Năng lượng là điện từ thắp bóng đèn, là gas đun nấu và xăng chạy xe hàng ngày và cả thức ăn.

Đây là số liệu dự báo về dự trữ năng lượng cho Việt Nam đến cuối năm 2013 theo BP*, những con số này thực sự đáng lo ngại cho an ninh của Việt Nam:

Than đá: còn lại 150 triệu tấn, ít hơn 0.05% trữ lượng thế giới, nếu giữ nguyên tốc độ khai thác thì còn kéo dài được 4 năm (hiện tại Việt Nam đã phải nhập than đá để duy trì các nhà máy trong hệ thống cũ).

Dầu thô: còn lại 4.4 tỷ thùng dầu, chiếm 0.3% trữ lượng dầu thế giới, nếu giữ nguyên tốc độ khai thác thì còn kéo dài được 34.5 năm.

Khí thiên nhiên: còn lại 0.6 nghìn tỷ mét khối, chiếm 0.3% trữ lượng thế giới, nếu giữ nguyên tốc độ khai thác thì còn kéo dài được 63.3 năm.

* Nguồn: http://www.bp.com/en/global/corporate/about-bp/energy-economics/statistical-review-of-world-energy.html

Những con số thật là đáng báo động và đáng sợ và chúng ta hẳn không muốn đến chỉ khoảng 20 năm nữa nhứng chịu cảnh khủng hoảng không có điện và gas và không có xăng chạy xe cũng như con cháu mình chịu cảnh đó. Thực tế chúng ta không phải đợi vài chục năm nữa, rõ ràng Việt Nam đang phải nhập khẩu than đá từ Trung Quốc, Úc.

Nếu chúng ta nghĩ một đời người ngắn ngủi và không phải lo xa cho vài chục năm nữa? Hay là thế giới cứ để thị trường năng lượng từ các nguồn than đá, dầu mỏ, hóa thạch và nguyên tử  khủng hoảng và tự nó chết và đương nhiên con người phải dùng đến năng lượng tái tạo?

Tuy nhiên nếu như ai cũng nghĩ vậy thì Việt Nam và cả thế giới sẽ nhanh chóng bị hủy hoại. Có một câu hỏi rất lớn về trách nhiệm đạo đức đối với chính cuộc sống của chúng ta cũng như với thiên nhiên. Và những tai họa mang lại từ sự thiếu trách nhiệm đó: thiên tai, ô nhiễm bệnh tật, lũ lụt, cắt điện, thiếu lương thực… đương nhiên kết cục trước mắt đó đang ảnh hưởng trực tiếp tới chúng ta. Hermann Scheer từng nói: vì trách nhiệm và đạo đức cá nhân, trách nhiệm và đạo đức trong chính trị đưa tôi đến với năng lượng tái tạo chứ không phải ngược lại. Phát triển năng lượng tái tạo để tự chủ về năng lượng cũng là nhân quyền, một quyền của con người để đảm bảo an ninh và an sinh xã hội cho con người.

Khủng hoảng năng lượng: điện nguyên tử là giải pháp chăng? Câu trả lời là KHÔNG. Và một điều đúng chắc chắn là điện nguyên tử không hề rẻ và cái giá phải trả đắt hơn gấp quá nhiều lần so với năng lượng tái tạo. Phát triển điện nguyên tử chỉ mang lại nguy cơ sạt nghiệp cho quốc gia nghèo như Việt Nam. Và trong cuốn sách này tác giả cũng đã nêu và phân tích rõ ràng điểm này. Trong cuốn sách Hermann có nhắc tới Việt Nam, nhưng là một ví dụ tồi cho chính sách phát triển năng lượng yếu kém và sai lầm của các nước đang phát triển.

Chúng ta, Việt Nam và thế giới cần có những hiểu biết tốt hơn về vấn đề năng lượng, và cách làm thế nào để thực hiện sự chuyển tiếp sang 100% năng lượng tái tạo thay thế cho hệ thống năng lượng cũ dựa trên nhiên liệu hóa thạch và điện nguyên tử. Sự thay đổi này phải được thực hiện với toàn bộ quyết tâm và nhận thức tỉnh táo, nhà máy thu giữ và lưu trữ cacbon (CCS) và điện nguyên tử hoàn toàn không phải là biện pháp mà chỉ là trở ngại.

Sự tự chủ về năng lượng là điều đang thực sự diễn ra ở khắp nơi tại Châu Âu, châu Mỹ và trên thế giới. Đó cũng là lý do nhóm dịch giả muốn dịch cuốn sách “Mệnh lệnh năng lượng bắt buộc: 100% tái tạo ngay bây giờ” của tác giả Hermann Scheer sang tiếng Việt. Cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên bởi NXB Verlag Antje Kunstmann GmbH năm 2010 bằng tiếng Đức, được dịch sang tiếng Anh lần đầu tiên năm 2012 bởi Joanna Scudamore-Trezek, NXB Earthscan.

Cùng nhìn lại điều Hermann nói trong cuốn sách “Mệnh lệnh năng lượng bắt buộc: 100% tái tạo ngay bây giờ”, điều đang thành hiện thực về sự tự chủ và dân chủ trong sử dụng năng lượng. Và đây không phải là xu thế mà là sự sống còn bắt buộc cho sự sinh tồn của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việt Nam cần phải cấp bách thay đổi chính sách, chiến lược và thực hành để tập trung phát triển hệ thống năng lượng mới dựa trên năng lượng tái tạo, không nên đi vào những ngõ cụt với những tai họa đã được nhìn thấy trước mà vẫn nhắm mắt đi theo do những hiểu biết lạc hậu về năng lượng.

Một tin mừng là trong cuốn sách này Hermann đã đưa ra giải pháp thực tế để trả lời câu hỏi cho các chính phủ, nhà nghiên cứu, giới kinh doanh và người dân: Tại sao phải dịch chuyển cả hệ thống năng lượng truyền thống sang 100% năng lượng tái tạo ngay bây giờ? Làm như thế nào, bằng cách nào bởi công nghệ ra sao? Và làm bởi ai, chính sách như thế nào?…

Cuốn sách cũng là hồi chuông thức tỉnh cho những “trái tim đang ngủ quên” và “bộ não đang ngủ đông” đặc biệt là cho những người làm chính sách phát triển năng lượng và phát triển xã hội ở các nước đang phát triển như Việt Nam.

Tác giả Hermann Scheer đã từng là thành viên Đảng Dân Chủ Xã Hội của Quốc Hội Đức, Chủ Tịch của EUROSOLAR (Hiệp Hội Năng Lượng Tái Tạo Châu Âu) và Tổng Chủ Tọa của Hội Đồng Năng Lượng Tái Tạo Thế Giới – World Council  for Renewable Energy.

Nhóm dịch không có cơ hội được làm việc trực tiếp với Hermann Scheer vì tác giả đã qua đời năm 2010, nhưng nhóm dịch cũng có dịp được trao đổi với Quỹ do ông sáng lập (Hermann Scheer Foundation) trong quá trình xin bản quyền dịch cuốn sách. Đây cũng là nỗ lực tiếp tục những di sản mà tác giả đã để lại trong cuộc cách mạng này.

Nhóm dịch hy vọng các bạn tìm thấy điều bổ ích trong cuốn sách và chuyển tải nội dung cuốn sách sâu rộng tới nhiều đối tượng. Đây không chỉ là mong muốn của riêng nhóm dịch sách mà đây là lợi ích cho chính nhu cầu sử dụng năng lượng của mỗi người để đưa VIỆT NAM và các nước trên thế giới thoát khỏi khủng hoảng năng lượng.

Mời các bạn đọc Lời tựa của cuốn sách dưới đây và đón đọc các phần trong cuốn sách trong thời gian sắp tới.

LỜI TỰA

Trong nhiều thập kỷ, Hermann Scheer đã là một trong những người khởi xướng hàng đầu về năng lượng tái tạo. Trong cuốn sách này, tác phẩm cuối cùng được viết trước khi ông mất năm 2010, ông đã đưa ra tầm nhìn cho một hành tinh được cung cấp bởi 100% năng lượng tái tạo và xem xét những yếu tố bắt buộc về đạo đức và kinh tế căn bản cần cho một cuộc thay đổi như vậy. Quan trọng hơn, ông đã chứng tỏ vì sao thời điểm cho sự dịch chuyển đó là ngay bây giờ.

Theo Hermann Scheer, nói về “những công nghệ bắc cầu” (bridging technologies) như thu giữ và lưu trữ các-bon hay năng lượng hạt nhân, kể cả (mà có thể là đặc biệt là) khi được nói bởi các nhà môi trường học, đều thực sự gây hại đến chương trình nghị sự mang tính cấp bách hơn về việc chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Thay vì thế, ông cung cấp những ví dụ về công nghệ đang khả thi (về mặt kinh tế) hiện nay và chỉ rõ chi tiết về các điều kiện chính sách và thị trường sẽ cho phép những điều đó phát triển tốt.

Năm 1993, cuốn sách Tuyên Ngôn Mặt Trời (The Solar Manifesto) của Scheer đã đưa ra những cơ sở cho con đường đã dẫn tới việc các đơn vị năng lượng tái tạo được lắp đặt mới hàng năm như hiện nay cạnh tranh với các đơn vị sử dụng nguồn điện được lắp đặt truyền thống. Cuốn Mệnh Lệnh Năng Lượng Bắt Buộc cung cấp một tấm bản đồ thiết thực và đầy cảm hứng cho chặng tiếp theo của chuyến hành trình.

Hermann Scheer (1944-2010) đã từng là thành viên Đảng Dân Chủ Xã Hội của Quốc Hội Đức (German Bundestag), Chủ Tịch của EUROSOLAR (Hiệp Hội Năng Lượng Tái Tạo Châu Âu) và Tổng Chủ Tọa của Hội Đồng Năng Lượng Tái Tạo Thế Giới (World  Council  for Renewable Energy).

—–

Thay mặt nhóm dịch sách:

Ban biên tập 

NCS Đào Thu Hằng – University of Lisbon, Portugal and Aalto University, Finland

TS Phạm Thu Hường – University of Wollongong, Australia and University of California, Riverside, USA

Th.S Nguyễn Thu Trang – Chalmers University of Technology, Sweden and Graz University, Austria

Nhóm dịch thuật:

1. Nguyễn Thu Trang           7. Đào Thị Bích Diệp

2. Trần Minh Đức                 8. Trương Lương Vinh

3. Phạm Thị Ngọc Nho         9. Trương Anh Vũ

4. Nguyễn Thùy Dương       10. Đặng Thị Giang

5. Lê Thùy Dung                  11. Nguyễn Thị Phi Yến

6. Nguyễn Quỳnh Anh         12. Đoàn Công Điển

© 2014 copyright Verlag Antje Kunstmann GmbH

Permission granted for translating into Vietnamese and publishing solely on dotchuoinon.com for non-commercial purposes.

Bản quyền bản dịch:  dotchuoinon.com

13 thoughts on “Mệnh Lệnh Năng Lượng Bắt Buộc – Giới thiệu sách”

  1. Hi anh chị em trong nhóm dịch,

    Em chúc mừng cuốn sách thứ hai của nhóm dịch đã ra mắt.

    Em cũng chúc nhóm dịch sớm đạt được tâm nguyện này: “Chúng ta, Việt Nam và thế giới cần có những hiểu biết tốt hơn về vấn đề năng lượng, và cách làm thế nào để thực hiện sự chuyển tiếp sang 100% năng lượng tái tạo thay thế cho hệ thống năng lượng cũ dựa trên nhiên liệu hóa thạch và điện nguyên tử.” 🙂

    Em Hương,

    Like

  2. “Chuyển tiếp sang 100% năng lượng tái tạo” là một mệnh lệnh rất cách mạng. Anh chờ đọc từng chương của cuốn sách này, và mong là chứng ta sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến chính sách năng lượng của Việt Nam thường trực và hiệu quả hơn.

    Cám ơn các bạn trong nhóm dịch.

    Like

  3. Em cảm ơn anh Hoành và Thu Hương, em cũng hi vọng thông điệp và mục tiêu này được truyền tải rộng rãi và sâu sắc.

    Cảm ơn nỗ lực của nhóm dịch.
    em/ Hường

    Like

  4. Em cảm ơn sự ủng hộ của anh Hoành và cả nhà.

    Như anh Hoành nói, cùng với đóng góp của team dịch, chúng em cũng mong là những việc truyền tải này sẽ dần ảnh hưởng tích cực và hiệu quả tới chính sách năng lượng của VN

    Like

  5. Hi Thu Hường,

    Chúc mừng nhóm dịch đã hoàn thành cuốn sách có giá trị. Mình sẽ đón đọc cuốn sách này.

    Tâm

    Like

  6. Cảm ơn các em đã dịch cuốn sách hay và quan trọng này. Chị cùng GreenID và Liên minh Năng lượng Bền vững rất mong được đọc và góp phần cùng mọi người chuyển tải thông điệp từ cuốn sách tới các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam và những bên ảnh hưởng tới chính sách.

    Thân mến,
    Khanh

    Like

  7. Hoan ho va cam on Ban Bien Tap va Nhom Dich Thuat !

    Tai tao de truong ton. Chi co tai tao moi co the truong ton. Do la Luat Thien Nhien, la Menh Lenh cua Thien Nhien !

    Mong quyen sach nay ra doi, duoc nhieu nguoi ung ho, va co tac dong tot den chu truong, chinh sach cua Dang va Nha Nuoc Viet Nam.

    Chuc BBT va NDT vui khoe va thanh cong voi tam nguyen tot dep nay !

    Like

  8. Việc nhập khẩu than đã trở thành hiện thực ở VN. Không còn là sẽ mà thực tế là các tập đoàn NL, than khoáng sản vẫn tiếp tục thâu tóm thị trường và độc quyền ở Việt Nam mà vẫn được ưu đãi giá. Kể cả nghị định thư còn nhiều hạn chế nhưng hình như các vị ở VN cố tình không hề tôn trọng và không hề quan tâm một chút nào việc giảm phát thải và các tác động tới môi trường xã hội ở VN


    Việt Nam kí nhập 20 triệu tấn than/năm: Lời nguyền ứng nghiệm

    (Doanh nghiệp) – Nhập khẩu than để bù đắp cho sự mất cân đối lớn giữa năng lực sản xuất với nhu cầu là điều không thể tránh khỏi.

    Theo thông tin từ Bộ Công Thương, đến nay, Vinacomin đã ký 10 Biên bản ghi nhớ, 1 Hợp đồng nguyên tắc với một số công ty than của Indonesia, Australia; Công ty Sojitz, Marubeni, Sumitomo của Nhật Bản và 1 Thoả thuận cung cấp than dài hạn với Công ty ASPECT Resources của Australia với tổng khối lượng than đã ký kết khoảng trên 20 triệu tấn/năm.

    Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng đã ký được 4 Hợp đồng khung về cung cấp than với các đối tác Ensham Coal Sales và Peabody của Australia, Tuah Turangga Agung của Inđônêxia, Sojitz Corporation của Nhật Bản và 1 Biên bản ghi nhớ với Noble Group của Indonesia với tổng khối lượng than đã ký khoảng 10 triệu tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện của PVN.
    Dự báo nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam năm 2030 khoảng 135 triệu tấn.

    Theo Quy hoạch điện VII (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030), nguồn nhiệt điện than chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn điện của Việt Nam, vì vậy trong thời gian tới, nhu cầu than cho phát điện ngày càng cao trong khi đó sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu.

    Như vậy, nhập khẩu than để bù đắp cho sự mất cân đối lớn giữa năng lực sản xuất với nhu cầu là điều không thể tránh khỏi.

    Bộ Công Thương dự báo từ năm 2016, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than phục vụ các hộ tiêu thụ trong nước, đặc biệt là cho sản xuất điện với khối lượng dự kiến như sau: năm 2016 khoảng 3-4 triệu tấn; năm 2020 khoảng 35 triệu tấn; năm 2025 khoảng 80 triệu tấn, năm 2030 khoảng 135 triệu tấn.

    Tuy nhiên, việc nhập khẩu than dài hạn với khối lượng lớn là vô cùng khó khăn. Theo nhiều chuyên gia, nguồn nhập khẩu than là chưa đảm bảo.

    Hiện có 4 nguồn mà Việt Nam có thể nhập khẩu than gồm: Indonesia, Australia, Nga, Nam Phi. Hai đối tác Australia và Indonesia có tính khả thi cao hơn, đây cũng là hai nhà cung cấp than chủ chốt cho các nền kinh tế lớn ở châu Á.

    Trước đó, 41.500 tấn than vừa cập cảng Hòn Nét (Quảng Ninh). Đây là mẻ than đầu tiên Vinacomin nhập khẩu thí điểm từ Liên bang Nga và sẽ là bước đệm cho kế hoạch nhập than phục vụ nhu cầu trong nước thời gian tới.

    Đáng nói, mặc dù nhu cầu than vẫn đang gia tăng, dự kiến đến năm 2020, sẽ phải nhập khẩu cả triệu tấn, nhưng song hành với việc nhập khẩu, ngành than vẫn đang làm một điều nghịch lý: Xuất khẩu than với số lượng không hề nhỏ.

    Ồ ạt xuất khẩu

    Việt Nam được coi là “mỏ vàng đen” của châu Á và Đông Nam Á, với trữ lượng hiện nay còn khoảng tương đương 3,5 tỷ tấn. Dù có thế mạnh về tài nguyên than, nhưng nhiều thập kỷ qua, Việt Nam chỉ chú trọng khai thác để xuất khẩu. Có thời điểm (giai đoạn 2006-2011) Việt Nam xuất khẩu tới 21 triệu tấn than.

    Nguy cơ thiếu than cho nhu cầu trong nước đã từng được giới chuyên gia cảnh báo. Và trên thực tế, Chính phủ cũng đã nêu vấn đề, nhu cầu than trong nước đang ngày càng tăng cao: Năm 2015 là 56,2 triệu tấn, năm 2020 là 112,3 triệu tấn, năm 2025 là 145,5 triệu tấn, và cho đến năm 2030, Việt Nam sẽ phải tiêu thụ tới 220,3 triệu tấn.

    Như vậy, so với mức tiêu thụ năm 2013 (28 triệu tấn) đến năm 2015 (chỉ sau 2 năm) nhu cầu than trong nước sẽ tăng gấp hơn 2 lần, đến năm 2020 tăng gấp 4 lần và đến năm 2030 tăng gấp 8 lần.

    Trong khi đó, sản lượng than hiện tại mới chỉ đạt 40 triệu tấn và trong tương lai cũng khó có thể tăng sản lượng lên. Thế nhưng lãnh đạo tập đoàn TKV, ông Nguyễn Văn Biên, vẫn cho biết “trong kế hoạch sản xuất và kinh doanh của ngành, vẫn sẽ xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn than/ năm”.

    Năm 2011, VN cũng là nước nằm trong top 5 nước xuất khẩu than đá lớn nhất thế giới.

    Lời nguyền ứng nghiệm

    Chính sách đào tài nguyên bán giá rẻ vì sao nó tồn tại được lâu nay khi mà theo nhiều dự báo, Việt Nam đã đứng trước “lời nguyền khoáng sản”.

    Cho rằng, nỗ lực tận khai, ra sức “đào” và “chặt” khiến nhiều tài nguyên bị cạn kiện. PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, đến nay Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi phương thức tồn tại dựa chủ yếu vào khai thác tự nhiên. Đây là giai đoạn zero trong các giai đoạn tiến lên công nghiệp hóa.

    “Trong hơn 20 năm qua, các thành phần kinh tế, mọi ngành, mọi nhà đều ra sức “đào” và “chặt”, ra sức xuất khẩu tài nguyên, bán cho nước ngoài tất cả nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia có thể. Và trong thời gian qua, nỗ lực tận khai đó vẫn còn duy trì sự đóng góp mạnh mẽ vào thành tích tăng trưởng kinh tế. Đến bây giờ năng lực đó hầu như đã đạt mức tối đa, nhiều loại tài nguyên gần như cạn kiệt, môi trường đã bị suy thoái nghiêm trọng” – ông Thiên chua chát nói.

    Sở dĩ có tình trạng này là một phần công nghệ của chúng ta lạc hậu, mặt khác do bị áp lực bởi các chỉ tiêu về ngân sách nên một số tỉnh, thành cho phép xuất khoáng sản thô. Ông Thiên cho rằng, đó chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng hỗn loạn trong hoạt động khai thác và xuất khẩu tài nguyên thô mà nhà nước không thể kiểm soát được.

    Đặc biệt với những ngành khai thác khoáng sản như than, bauxite, titan… đều xuất khẩu với mức giá rất thấp, chưa kể lại xin đủ thứ ưu đãi về thuế, phí.

    Vinacomin đào tài nguyên đi bán vẫn được hưởng thuế thấp

    Trong khi đó, tình trạng xuất lậu khoáng sản vẫn chưa được kiểm soát, đó chính là cửa kiếm “ăn” của những kẻ cơ hội, trục lợi. TS Lê Đăng Doanh, cho hay theo báo cáo của Trung Quốc thì xuất khẩu của ta sang nước láng giềng này nhiều hơn con số thống kê chính thức những gần 4 tỉ USD, một con số không phải nhỏ. Đây chính là số hàng hóa xuất lậu qua nước ngoài, trong đó có tài nguyên khoáng sản.

    Theo TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng, trong 6 tháng đầu năm 2013 có hơn 2 triệu tấn than bị xuất lậu sang TQ, số liệu này Vinacomin cũng nắm được.

    Theo ông Sơn, giá thành khai thác than hiện nay là khoảng 1,2 triệu đồng/tấn, còn giá bán than trong nước hiện nay bình quân là gần 1,3 triệu đồng/tấn, còn xuất khẩu thì phải cao hơn, chưa kể số tiền thuế xuất khẩu hiện nay là 13%, từ đấy tính ra số tiền thất thoát là rất lớn, nhà nước không thu được một đồng nào.

    Thái An
    http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/viet-nam-ki-nhap-20-trieu-tan-thannam-loi-nguyen-ung-nghiem-3215796/

    Like

  9. Cuốn sách này rất là tuyệt vời. Các anh chị cho em hỏi làm thế nào để có thể mua được cuốn sách này vậy ạ? Cuốn sách này có được tặng không hay nhất định phải mua và mua bằng cách nào và giá là bao nhiêu ạ? Em cảm ơn!

    Like

  10. Cảm ơn bạn Phương Cung đã hỏi thông tin nhé,

    Hiện nay chưa có NXB nào ở VN xuất bản tiếng Việt cuốn này nên không mua được, nên bản tiếng Việt mới chỉ có thể đọc online trên ĐCN ở link này. https://dotchuoinon.com/2015/06/25/menh-lenh-nang-luong-bat-buoc-muc-luc/.

    ĐCN được phép dịch có bản quyền của NXB từ tiếng Anh ra tiếng Việt

    Bản tiếng Anh thì bạn có thể search tên sách tiếng Anh để mua ở các trang trên internet như Amazon : The Energy Imperative: 100 Percent Renewable Now. Hermann Scheer

    hoặc tiếng Đức: Der energethische Imperativ: http://www.hermannscheer.de/en/index.php/publications-mainmenu-25/books-mainmenu-7/281-the-energy-imperative-100-percent-renewable-now

    Liked by 1 person

Leave a comment