Chào các bạn,
Khi bình thường, không có chuyện gì, chúng ta có thể định giá công lực tư duy tích cực của mình cao. Nhưng khi đụng chuyện, ta stress, căng, nổi giận, hay lo sợ, lúc đó ta mới biết là công lực ta còn thấp kém.
Cho nên thỉnh thoảng gặp vấn đề là cách hay nhất để ta biết nội lực ta đã đến đâu, và có thêm một chút kinh nghiệm về trau luyện nội lực của mình.
Những điều ta nói chỉ trong một bài – như là tĩnh lặng – thì luyện tập phải cả đời. Nếu các bạn thấy đủ mọi loại tu sĩ tràn ngập tham sân si đủ kiểu, các bạn sẽ biết thiền, cầu nguyện, tu hành đủ các kiểu vẫn có thể chẳng giúp mình tiến triển nhiều trong đời sống tâm linh.
Bởi vậy việc canh giữ tâm mình là việc thường trực, 24 giờ một ngày. Bạn nên nhạy cảm với chính mình đến mức khi bạn bắt đầu nổi giận, người căng một chút, tim đập mạnh hơn một chút, là bạn nhận ra ngay là bạn đang nổi giận, và làm gì đó ngay để hết giận, như là tự nói với mình “Đừng nổi giận”, hoặc hay hơn thế thì cầu nguyện: “Xin Chúa cho con biết yêu người này vô điều kiện để con không giận anh ấy.”
Hệ thần kinh của chúng ta quen tham, sân, si, ngã mạn (đầy cái tôi), cho nên thường thì cứ như vậy mà hoạt động. Tu tập là luyện toàn hệ thần kinh không đi theo hướng tham sân si ngã mạn nữa. Chẳng phải dễ dàng để xoay toàn hệ thần kinh 180 độ như thế.
Tuy vậy, cách xóa các điều tiêu cực này dễ hơn là đừng lo xóa chúng, tập trung vào chúng thì Luật Hấp Dẫn lại lôi chúng vào ta nhiều hơn.
Vậy hãy tập trung vào 3 điều tích cực – khiêm tốn, thành thật và yêu người vô điều kiện. Làm 3 điều ngày hằng ngày sẽ giúp ta tĩnh lặng từ từ và xóa được tham sân si ngã mạn.
Như là học đàn. Ngày đầu tiên thầy chỉ là bạn đã biết 7 nốt nhạc nằm ở đâu trên đàn, bấm đàn và khảy đàn. Nhưng để chơi 7 nốt đó làm xiêu lạc lòng người thì lại cứ phải tập 7 nốt đó cả đời.
Mọi nghệ thuật đều giản dị, chỉ tốn cả đời để luyện tập một hai điều như thế.
Nếu bạn hỏi mọi vị thầy bí quyết để thành công trong nghệ thuật, các thầy sẽ nói hai điều luật: Luật 1: tập luyện. Luật 2: xem lại luật 1.
Chúc các bạn một ngày tĩnh lặng.
Mến,
Hoành
© copyright 2014
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Khi bình thường, không có chuyện gì, chúng ta có thể định giá công lực tư duy tích cực của mình cao. Nhưng khi đụng chuyện, ta stress, căng, nổi giận, hay lo sợ, lúc đó ta mới biết là công lực ta còn thấp kém.
—————-
That chinh xac!
ThíchThích
Em cảm ơn Hoành ạ. Em vừa quên thực hành bài này hôm quá ^^, em xin phép share lại cho mình để nhắc mình luôn thực hành ạ.
T.huyền
ThíchThích
Bài viết hay quá, em cám ơn anh Hoành nhiều. Lê Huy
ThíchThích
Reblogged this on Vitbeo's blog.
ThíchThích
Dear Anh Hai
Em cảm ơn anh Hai đã luôn cho thấy điều quan trọng và cần thiết của sự tĩnh lặng trong cuộc sống mỗi người.
Và phương thế để luyện tập và sống tĩnh lặng: Khiêm tốn – Thành thật – Yêu người vô điều kiện.
Em chúc anh Hai vui khỏe và an lành.
Em M Lành
ThíchThích