Thành thật trong khoa học

Chào các bạn,

Từ “khoa học” ở đây có nghĩa rộng mà Việt Nam hay dùng, như là có bạn đã nói về mình: “Nhà khoa học mà cũng làm thơ”. Tức là, luật gia cũng là nhà khoa học, kinh tế gia, nhà xã hội học, tâm lý gia… đều là nhà khoa học, không nhất thiết là chỉ người làm trong phòng thí nghiệm với kính hiển vi và cả lô ống nghiệm đủ màu mới là nhà khoa học.

Và người làm khoa học—đủ mọi ngành nghề — nói dối trong nghề nghiệp của mình là chuyện thường.

Ví dụ: Các nhà khoa học (“chuyên gia” về các sản phẩm GMO) làm việc cho Monsanto, hay được Monsanto tài trợ các chương trình nghiên cứu, hay không muốn động chạm Monsanto để sau này còn có thể vào làm việc cho Monsanto, hay còn muốn làm việc trong ngành nông nghiệp ở Mỹ… thì thường nói ủng hộ sản phẩm của GMO của Monsanto. Monsanto có rất nhiều quyền lực, có thể đì một chuyên gia cả đời nếu Monsanto muốn.

Các kinh tế gia cũng vậy, tùy theo ai trả tiền cho mình để nói, thì mình nói về hướng của người đó. Ví dụ: kinh tế gia do các nghiệp đoàn lao động của Mỹ thuê sẽ nói nhập cảng hàng VN giá rẻ sẽ tai hại đến kinh tế Mỹ như thế nào. Kinh tế gia do Việt Nam thuê sẽ nói nhập cảng hàng VN có lợi cho người tiêu thụ của nước Mỹ thế nào.

Vợ chồng đánh nhau ra tòa, chuyên gia tâm lý của chồng sẽ nói bà vợ làm cho ông ấy điên hằng ngày thế nào, chuyên gia tâm lý của vợ sẽ nói ông chồng đánh và làm tai hại tâm lý cho bà vợ thế nào.

Nói chung là làm khoa học cũng nói dối thường xuyên về nghề nghiệp của mình, hoặc nếu không nói dối thì chỉ nói một nửa của sự thật.

Trong những trường hợp liên quan đến một công ty có thanh thế bao trùm cả thế giới, hay một tổ chức cầm quyền bao trùm cả một nước, chuyên gia nói theo tổ chức quyền lực là chuyện thường.

(Luật sư thì không được nói dối, nhưng chỉ có thể nói một chiều (tức là một nửa) để bảo vệ thân chủ, và nửa kia thì thuộc nhiệm vụ của luật sư bên kia lôi ra để bảo vệ thân chủ bên kia. Và hai bên như thế thì công lý sẽ tròn đầy, ít nhất là trên lý thuyết. Trên thực tế, bên có tiền thuê luật sư lão thành, bên ít tiền thuê luật sư mới ra trường; trong trường hợp này thì đôi khi công lý không được tròn đầy).

Đặc biệt trong những vấn đề cạnh tranh chính trị, phe này nói dối 100% hay chỉ nói nửa sự thật về phe kia là chuyện đương nhiên, như là tín hữu đọc kinh hằng ngày. (Chính vì vậy mà mình rất kỵ chính trị và làm chính trị).

Cho nên các bạn khoa học gia, rất có thể bạn đang nói dối hay chỉ thật một nửa mà bạn không biết, vì bạn chẳng nghĩ đến điều này bao giờ.

Đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi chân thật đó các bạn.

Chúc các bạn luôn lấy đạo đức làm đầu.

Mến,

Hoành

© copyright 2014
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 7 thoughts on “Thành thật trong khoa học”

  1. Cám ơn anh đã nhắc nhở:
    – Em cũng là một khoa học gia
    – KHoa học gia cũng phải đặt đạo đức lên hàng đầu
    – Ở đâu cũng có người nói dối và lừa đảo, mình phải bảo vệ và nhắc nhở chính mình về thành thật

    Em Tuấn

    Thích

  2. Em cảm ơn anh về bài viết rất chân thành ạ,

    Có một câu hỏi đạo đức/triết lý là: Đạo đức là nói sự thật trọn vẹn (với cố gắng hết sức của mình). Có trường hợp nào mà nói dối mà vẫn có đạo đức không?

    Em mới xem clip của Michael Sandel (https://www.youtube.com/watch?v=KqzW0eHzDSQ&list=PL30C13C91CFFEFEA6&index=7) trong đó có nhắc đến “white lie” – lời nói dối cần thiết – để giảm nhẹ hậu quả hay cảm xúc tiêu cực có thể xảy ra nếu nói thật,

    Trong clip này có một đoạn rất thú vị nói đến quan điểm của Emanuel Kant: nói dối thì luôn luôn là không có đạo đức, kể cả “white lie” thì vẫn là nói dối, có những cách để nói thật mà vẫn có thể không gây ra hậu quả là nói half-truth: một nửa sự thật và misleading truth: lời nói cố tình gây hiểu lầm.

    Theo quan điểm của Kant, có sự khác biệt giữa một lời nói coi trọng sự thật (kể cả half-truth và misleading truth) với một lời nói dối (white lie).

    Em thấy quan điểm này của rất tương ứng với ví dụ trong bài của anh: “Luật sư thì không được nói dối, nhưng chỉ có thể nói một chiều (tức là một nửa) để bảo vệ thân chủ, và nửa kia thì thuộc nhiệm vụ của luật sư bên kia lôi ra để bảo vệ thân chủ bên kia. Và hai bên như thế thì công lý sẽ tròn đầy, ít nhất là trên lý thuyết. Trên thực tế, bên có tiền thuê luật sư lão thành, bên ít tiền thuê luật sư mới ra trường; trong trường hợp này thì đôi khi công lý không được tròn đầy.”

    Em cảm thấy rất hứng thú với triết học về morality nên chia sẻ vậy thôi ạ, sau khi học hết khóa học Justice này em sẽ viết hệ thống hơn những gì em học được ạ ^^
    Em Hường

    Thích

  3. Dear Anh Hai

    Đọc bài chia sẻ của anh Hai “Thành thật trong khoa học” em thấy quá thắc mắc:

    Thành thật là một đức tính nó gần giống như một nhân đức, để sống tốt, để sống cho ra một con người, đòi hỏi con người ta phải biết sống thành thật, phải biết tôn trọng sự thật.

    Sao anh Hai lại chỉ nói: “Thành thật trong khoa học” dù từ khoa học có hiểu rộng cỡ nào nó cũng bị hạn chế… sao không là “Thành thật trong cuộc sống hay gì gì đó cho toàn thể kể cả sinh viên học sinh nhà trẻ mẫu giáo cũng như cho mọi tầng lớp trong xã hôi?”

    Em cảm ơn anh Hai.

    Em M Lành

    Thích

  4. Hi Hường,

    Trong tòa ở Mỹ lời tuyên thệ của nhân chứng là: “I solemnly swear that I will tell the truth, the whole truth and nothing but the truth.” Tôi long trọng tuyên thệ tôi sẽ nói sự thật, toàn thể sự thật, và không điều gì khác ngoài sự thật.” Half truth là có tội, nếu tòa biết được, sẽ bị tuyên án tù về tội “khinh thường tòa” (Contempt of court).

    Luật quảng cáo ở Mỹ: Misleading advertising là phạm luật.

    Luật đạo đức nghề nghiệp bắt buộc bác sĩ phải nói mọi sự thật với bệnh nhân.

    Anh thấy, sự thật là sự thật, và không phải là sự thật thì không là sự thật.

    Phật giáo giải quyết rất dễ hiểu: Nói không phải là sự thật thì sẽ tạo ra ác nghiệp. Nhưng nếu nói dối để cứu ai đó, thì cứu người tạo ra thiện nghiệp. Và cả ác nghiệp và thiện nghiệp đều hoạt động như nhau,nhưng nếu thiện nghiệp rất mạnh và ác nghiệp thì nhỏ, thì mình sẽ được phúc lành nhiều hơn là tội. Nhưng cả hai đều tồn tại, để tạo ra hai quả khác nhau, chứ chẳng điều nào biến mất.

    Và anh thấy giải thích nhân quả như vậy rất có lý.

    Thích

  5. Dạ, em cảm ơn anh, em cũng thấy giải thích theo nhân quả như vậy rất dễ hiểu và có lý ạ. Bởi vì nói dối luôn luôn tạo nghiệp ác nên nếu tránh được tối đa thì sẽ là tốt nhất, như Kant gợi ý trong những trường hợp đó thì nói half-truth và misleading truth để cứu người (để tối đa hóa nghiệp thiện 😀 ).

    Khi em nghe về quan điểm của Kant về đạo đức luôn luôn là sự thật, tuyệt đối là sự thật, không có trường hợp nào nói dối lại là “the right thing to do” em nghĩ đến God – Sự Thật Tuyệt Đối. Tuy nhiên em nhớ rằng nếu lỡ nói dối “white lie” với ý tốt và xin Chúa tha tội thì Chúa sẽ tha thứ, cho nên không cần căng thẳng quá với quan điểm triết học của Kant và tìm cách nói misleading truth (như ví dụ trong clip em để link trên, chỉ thuần túy là về suy tư triết học) phải không ạ?

    Thích

  6. Hi Hường,

    Sự thật thì quan điềm của Kant nên là kim chỉ nam của mình. Tức là mình phải cố tránh nói dối một cách tối đa, và chỉ khi nào bị đặt trong tình thế không thể nói thật (ví dụ giấu người đang bị du đãng truy sát trong nhà mình, mà lại khai thật với du đãng là nười đó ở trong nhà mình, hay là đứng đó ú ớ, thay vì nói: “Tôi thấy hắn chạy đường này”) thì cứ hãy nói dối (white lie) để cứu người đi đã, rồi xin lỗi Chúa sau.

    Vấn đề ở đây là khi chúng ta bắt đầu có lý do “chính đáng” để nói dối, chúng ta sẽ nói dối cả ngày và lúc nào cũng thấy lý do chính đáng.

    Trong luật cũng vậy. Nói dối để lạm dụng xảy ra thường xuyên, nên trong các trường hợp trong tòa – half truth, misdeading, lies, white lies – đều là tội phạm hay ít nhất là có hậu quả không tốt.

    Nếu ta không chắc chắn như thế về “sự thật”, và du di quá nhiều trong đức thành thật, thì cả hệ thống đạo đức bắt đầu sụp đổ.

    Thích

  7. Em rất tâm đắc với câu trả lời của anh Hoành trên đây.

    Mình xin góp thêm một ý với Hường, rằng bất kỳ một sự du di vào với “không phải sự thật” đều để lại một tổn hại trong lòng mình (tổn hại tâm), một tổn hại cho sự trong sáng và khả năng nhìn rõ mình, khả năng nhìn rõ sự thật và khả năng đối diện với sự thật của mình. Có lẽ “nghiệp” ở đây chính là điều đó.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s