Chào các bạn,
Các bạn nghe từ vô ngã nhiều rồi. Vô ngã có nghĩa là “không tôi”. Và Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Quán tự tại Bồ tát hành thâm Bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách” (Khi Bồ tát Quán tự tại thực hành trí tuệ Bát Nhã thâm sâu, thấy rõ chính mình là không liền vượt qua mọi khổ nạn).
“Ngũ uẩn” trong câu kinh này là năm uẩn tạo ra con người chúng ta – sắc thọ tưởng hành thức. Năm uẩn này là không, có nghĩa là con người tôi (ngã) là không, tức là vô ngã – không tôi. Vượt qua mọi khổ nạn, tức là đã đạt đạo, đã giác ngộ.
Vấn đề giản dị vậy đó các bạn. Hãy là không tôi, hãy xả bỏ cái tôi, hãy khiêm tốn với tất cả mọi người, mọi sinh linh.
Một vấn đề giản dị như là khiêm tốn đến mức không tôi, nhưng thi thoảng vì nhận được comment của các “đạo hữu” viết một loạt câu chữ lấy trong kinh sách đâu đó làm cho người đọc chới với không hiểu đạo hữu thực sự viết gì, và làm cho vấn đề khiêm tốn giản dị biến thành một phương trình phức tạp hơn cả phương trình tương đối của Einstein.
Các bạn, tất cả kinh sách không qua 3 điều: khiêm tốn, thành thật, và yêu người.
Tập trung vào vô ngã là tập trung vào khiêm tốn đến mức không còn tôi nữa. Chỉ một điều “vô ngã” thôi là đủ để thành đạo. Tức là nếu bạn khiêm tốn đến mức không còn tôi nữa, bạn sẽ được mọi điều khác, kể cả thành thật và yêu người.
Thay vì đọc kinh sách và nói kinh sách vô ngã là gì, thì chúng ta hãy thực hành khiêm tốn đến mức không còn tôi nữa.
Rõ ràng hơn, nếu bạn còn thở là còn tôi, không mất tôi được, nhưng nếu bạn rất khiêm tốn bạn sẽ mất tôi. Đó là còn tôi mà mất tôi, mất tôi mà còn tôi như Bát Nhã Tâm Kinh nói.
Hãy thực hành khiêm tốn với loài người và loài vật quanh chúng ta mỗi ngày. Và có lẽ nên dẹp kinh sách phức tạp qua một bên để thực hành.
Chúc các bạn luôn tinh tấn.
Mến,
Hoành
© copyright 2014
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Nói nhiều thêm lo uẩn
loanh quanh mải chẳng xong
dứt lời dứt lo uẩn
đâu đâu chẳng suốt thông
ThíchThích