Chào các bạn,
Tâm ta đã được lập trình tham sân si nên ta cứ vậy mà tham sân si. Không dễ gì hành động khác lập trình. Cho nên các bạn thường nói với mình sao khó tĩnh lặng quá, đó cũng là điều dĩ nhiên.
Nếu các bạn ngồi Thiền mỗi ngày một lần thì ít nhất cũng 5 năm mới có thể tĩnh lặng một chút. Nhưng thực tế là mình đã gặp các Thiền sư ngồi Thiền cả mấy mươi năm mà chưa tĩnh lặng.
Có lẽ các thực tập bên ngoài như ngồi Thiền chỉ có thể giúp ta được một chút. Điều cốt lõi cho tĩnh lặng không phải là thực tập điều gì bên ngoài mà chính tư duy bên trong của ta tĩnh lặng—một thái độ tĩnh lặng của trái tim về mọi sự trên đời.
Nói đúng hơn, thái độ yêu người cho ta tĩnh lặng:
– Người ta sỉ nhục mình, mình cảm thấy tôi nghiệp người ta quá vì người ta vẫn ở trong vòng trầm luân của tham sân si, xin Trời Phật độ trì cho người ấy.
– Người ta ăn chận mình, mình xí xóa và cho người ta phần ăn chận, vì tham là một thực tế của con người, xin Trời Phật cho người ta trái tim Bồ tát.
Nhiều khi chúng ta có thái độ tĩnh lặng như là “Ôi nó chửi mình thì mặc kệ nó, nó có tội với Trời đất, hơi đâu mà lo.” Đây cũng là cố gắng tĩnh lặng, nhưng tĩnh lặng kiểu tự cao. Không thực sự là tĩnh lặng, nhưng ít ra cũng hơn là nhảy chồm chồm lên với sân hận.
Tĩnh lặng thực sự là tình yêu. Người sỉ nhục ta, hãy cầu nguyện cho họ biết được Thiên Chúa. Người cướp bóc ta, hãy cầu nguyện cho họ biết được Phật. Người dè bỉu ta, hãy cầu xin cho họ được thanh thản và biết yêu thương.
Mọi người là anh em của ta. Nếu họ làm sai, hãy cầu cho họ được thánh hóa, vì Trời Phật muốn mọi người được thánh hóa.
Các bạn, chỉ có tình yêu thật sự trong trái tim mình đối với tất cả mọi người mới làm cho mình thực sự tĩnh lặng trong mọi trường hợp, tĩnh lặng bằng từ tâm, không phải là “tĩnh lặng” kiểu “cóc cần”.
Khi ta thật sự có từ tâm với mọi người và mỗi người như thế, rất ít khi có điều gì ai làm mà có thể khiến ta rơi vào hệ lụy tham sân si.
Hãy yêu thương loài người, vì trong tình yêu đó là thiên đàng của bạn
Chúc các bạn luôn yêu người.
Mến,
Hoành
© copyright 2014
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Em chào anh Hoành,
Tạ ơn bài viết của anh,
Khái niệm về thiền có thể em chưa nắm rõ,
hàng sáng tại công ty em, mọi người ngồi 5 phút để cho đầu trống rỗng, thăng bằng, tưởng tượng trong đầu mình như là 1 không gian bao la, loại bỏ hết rác rưởi trong đầu để trở về với yêu thương.
1 tình yêu thương vô hạn bao trùm, để trong đầu mình như 1 môi trường lý tưởng để các mầm ý tưởng được nảy mầm.
Không biết như vậy gọi là thực tập tĩnh lặng hay là thiền.
Làm thế nào để cho tâm hồn, trái tim trở lại như còn trẻ thơ.
Tạ ơn anh và chúc anh chị luôn khỏe, an lành!!!
ThíchThích
Em cảm ơn anh về điều quan trọng nhất này ạ:
“Nói đúng hơn, thái độ yêu người cho ta tĩnh lặng”
Em dùng điều này như một định hướng/phép đo sự tiến bộ/mục đích sống/phương tiện rèn luyện tâm/động lực cho cuộc sống,… và trong trường hợp nào điều này cũng có ra có ích ạ 🙂 Đích điểm tu tập trong tâm linh luôn là tình yêu: nhìn được tình yêu của Chúa, hiểu và làm được lời dạy từ bi hỉ xả của Phật.
Dù biết như vậy, nhưng đúng là làm rất khó ạ. Em kể chuyện quá trình rèn luyện riêng của em, trở ngại lớn nhất của em là kiểm soát được những cảm xúc tiêu cực của mình. Những sự sinh khởi của cảm xúc ban đầu rất mạnh và bước đầu em lại hơi nhầm lẫn khi cố gắng quá sức để đè nén những cảm xúc xấu (tức giận, ghen tị, bực bội, cô đơn…). Có một anh bạn em có lẽ nhìn thấy sự che giấu của em với những cảm xúc em che giấu, đã nói là : “Em là người không coi trọng cảm xúc của chính mình, em sẽ phải trả giá. Em là cái kiểu chưa thấy quan tài chưa đổ lệ!” Anh bạn này rất thương em nhưng ổng cũng là người buông ra những lời trù ẻo em nhiều nhất 😀 Mà hơn nữa những cảm xúc em giấu đi nên đều bị mọi người đoán sai cả, cũng ảnh hưởng ít nhiều đến các mối quan hệ.
Dù sao, dần dần em cũng nhận ra không nên thờ ơ với cảm xúc của mình, đặc biệt là cảm xúc tiêu cực, nên mở lòng đón nhận chúng như một phần của mình. Em chịu khó quan sát từng lúc, mỗi khi một cảm xúc hiện lên, nguyên nhân sâu xa, những điều trong quá khứ nó đã trải nghiệm và chấp bám. Thời gian quan sát này cũng kéo dài rất lâu, để có thể tháo gỡ hết những nội kết trong lòng. Nhưng em cảm thấy phương pháp quán sát cảm xúc từ lúc sinh khởi đến lúc biến mất và những điểm trigger gây nên cảm xúc nào đó, rất phù hợp với em hơn là thiền (dừng lặng suy nghĩ/vọng tưởng), sau này em sẽ thử tập thiền nghiêm túc hơn…
Em vẫn luôn biết ơn những bài viết trên ĐCN đã giúp em thoát ra khỏi chương trình lập trình sẵn trong người và tự do hơn xưa rất nhiều.
Chúc cả nhà luôn tinh tấn
Em Hường
ThíchThích
Hi chị Hường
Em cũng như chị, em ko ngồi thiền được, em chỉ biết quan sát cảm xúc nào đang hiện lên và vì sao có nó thì thấy hợp với mình hơn 🙂
Em Xuyến
ThíchThích
Em cảm ơn anh Hoành, đọc những bài viết của anh nhẹ nhàng mà sâu sắc, lâu rồi em mới đọc lại, cảm giác thật bình an!
ThíchThích
Chị Hường ơi,
Em cảm ơn chị Hường chia sẻ.
Em tập thiền Tứ niệm xứ do thầy Trí Dũng hướng dẫn, cũng tập nhìn sinh hoạt của tâm như chị kể đó ạ. Và em cũng thấy cách này hợp với em 😀
Suy nghĩ, cảm xúc… giống như hơi thở, đều là đối tượng để quan sát và học hỏi ạ.
Em Huấn.
ThíchThích
Em cảm ơn anh Hoành 😀 😀
ThíchThích
Dear Anh Hai
Trong bài chia sẻ anh Hai đã nhắc lại điều hệ trọng trong thực hành tĩnh lặng “Điều cốt lõi cho tĩnh lặng không phải là thực tập điều gì bên ngoài mà chính tư duy bên trong của ta tĩnh lặng—một thái độ tĩnh lặng của trái tim về mọi sự trên đời.”
Chính vì em chưa tư duy tốt tĩnh lặng thực sự là tình yêu, nên nhiều lúc em chưa đến với Chúa qua tha nhân một cách tuyệt đối được!
Em cảm ơn và chúc anh Hai khỏe và an lành.
Em M Lành
ThíchThích
Hường nói rất đúng. Pháp quán mình. nhất là tứ niệm xứ–quán thân, quán thọ (cảm xúc), quán thức (ý nghĩ), quán pháp (quán mọi sự) giúp cho mnh tĩnh lặng rất nhiều so với người chẳng tập tành gì.
Nhưng tĩnh lặng ở múc đạt đạo thì phải là quán từ tâm — quán yêu thương tất cả mọi người. Từ tâm là thuốc tẩy, tẩy sạch mọi tiêu cực, và còn đưa mình lên đỉnh điểm của tích cực.
Người có từ tâm mạnh có thể thành thánh, thanh Bồ tát, mà không cần biết các pháp môn nào khác.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Hi Xuân Mình,
Ngồi năm phút để loại bỏ rác rến như thế cũng có thể gọi là Thiền hay Tĩnh lặng.
Nhưng “ngồi Thiền” có cả trăm phương pháp ngoài kia. Để anh chỉ em nhận ra cái gì là Thiền chính tông, cái gì không thực sự là Thiền.
– Thiền là đầu óc hoàn toàn tĩnh lặng, chẳng làm gì, chẳng vướng víu vào gì. Mức thấp nhất (và có lẽ cũng là cao nhất) của Thiền là “Thiền hít thờ”, thở ra thở vào.
Mức thấp nhất là thở và chỉ quan sát hơi thở. Quan sát hơi thở cũng là làm việc, nhưng việc giản dị nhất và ít dùng tư duy nhất. Đây gọi là “nhất tâm” hay “nhất tâm bất loạn”, tức là tập trung tư tưởng vào một điềm rất dễ dàng để tư tưởng không chạy lọan xạ.
Lâu ngày thì sẽ thành “vô tâm” hay “vô niệm”, trong tâm ý không còn ý nào, tư duy nào.
– Thiền quán, thì ngồi “nhìn” một cách bị động–như là nhìn cảm xúc của mình mà không phê phán, điều chỉnh, hay làm gì cả. Quán như vậy để thấy rất rõ điều gì đang xary ra trong mình, và mình hiểu mình hơn.
– Các cách thức bắt đầu óc làm việc thì không phải là Thiền chính tông.
Ví dụ: tưởng tượng tâm mình là một bầu trời trong xanh trống rỗng, không rác rưới, các đau buồn chỉ là những đám mây bay qua bầu trời, mây đi và bầu trời trong xanh rỗng lặng lại như bản thể nguyên thủy của nó. Anh đã học điều này từ một vị sư, và nhiều vị sư vẫn đang giảng dạy điều này, và nó có thể tốt cho người nhập môn, nhưng theo anh thì đây không phải là Thiền chính tông, vì nó bắt đầu óc làm việc. Thiền là đầu óc chẳng làm gì cả. Rỗng lặng hoàn toàn.
Khí công: Anh có tập thái cực khí công, là gốc rễ nội công của Thái cực quyền. Trong đó ta “dĩ ý dẫn khí”, dùng ý dẫn khí, đưa đi khắp cơ thể. Đây không là Thiền vì tâm ý lam việc kinh khủng chứ không nghỉ ngơi.
Chúc em nhiều tăng tiến.
ThíchThích
Em xin góp thêm vài ý để quen dần với mấy từ thuật ngữ
Các vị Thanh Văn: nghe Pháp mà ngộ: đọc bài ĐCN của anh Hoành 1 lần, hay nghe giảng một lần trên lớp hiểu luôn vấn đề
Các vị Duyên Giác: Suy tư mà ngộ ra vấn đề: đọc bài hoặc nghe giảng không hiểu, hoặc cũng không đọc bài nghe giảng mà suy nghĩ nghiên cứu vấn đề rồi hiểu ra. cũng là một cách quán
Tuy nhiên chỉ có các vị tu hạnh Bồ Tát quán từ tâm, từ bi, bằng thực hành từ tâm mới thành Phật và được giải thoát. Kinh Bát Nhã chỉ nói đến Bồ Tát mà không có các vị Thanh Văn, Duyên Giác
Các vị tu đường Thanh Văn, Duyên Giác nếu không có tâm Bồ Đề, quán từ tâm thì có khi dễ bị lạc và rất khó để thành Bồ Tát.
Các vị tu hạnh Bồ Tát bằng thực hành quán tự nó đã có Thanh Văn và Duyên Giác (như là Lục Tổ Huệ Năng). Như là các bà mẹ quê, như là lãnh đạo chỉ cần tập trung có tình yêu và lòng từ bi tự khắc những điều khác hấp dẫn theo
ThíchThích
Trước đây, mình tìm hạnh phúc ở nơi khác. Bây giờ mình biết được rằng: Muốn hạnh phúc hãy thực hành tĩnh lặng, muốn hạnh phúc hãy thực hành từ bi hỷ xả. Lúc nào có tĩnh lặng, lúc nào có từ bi hỷ xả thì lúc ấy có hạnh phúc!
Dù giữa biết và làm được thường xuyên, vẫn còn một khoản cách khá xa. Nhưng với kiên trì, chắc chắn khoản cách ấy sẽ ngắn dần.
Dù muốn hạnh phúc cho mình là vị kỷ. Nhưng muốn hạnh phúc cho mình mà thực hành từ bi hỷ xả, thì đó cũng là một vị kỷ đáng yêu?
ThíchThích
Dạ, anh Thảo nói rất đúng, yêu mình cũng là yêu người, yêu người cũng bao gồm yêu mình ạ.
Em nghĩ người thực hành từ bi hỷ xả sẽ không bao giờ vì hạnh phúc của bản thân hoặc người thân mà làm việc trái đạo đức. Người vị kỷ thì vì yêu mình hoặc yêu “một vài người” cụ thể nào đó mà có thể làm việc trái đạo, bởi tin vào cách tư duy chụp giật hơn là tin vào Nhân Quả. Cho nên người thực hành tư bi hỉ xả thì biết rất rõ khi nào mình được phép vị kỷ, khi nào không, đúng không ạ?
Em cảm thấy sự tiến bộ của tu tập thực ra lại chỉ thể hiện trong những hoàn cảnh khó khăn và có khi đau lòng, bởi vậy nên nhiều khi em thấy tu không tiến cũng được, càng vui, không bị đặt vào thử thách 🙂
Nhưng nhiều khi God cảm thấy thử thách là cần thiết, là thời điểm cần được thử thách, như sự tấn công trên Biển Đông của Trung Quốc đối với nước ta, buộc chúng ta phải tiến bộ, buộc chúng ta phải thay đổi khỏi lối tư duy lối mòn. Chúc cho tất cả mọi anh chị em đều “lên đai” trong dịp này ạ.
Em rất tin vào những lời cầu nguyện nho nhỏ, những cố gắng thầm lặng sống theo đạo Trời, sẽ giúp cho nội lực của nước ta mạnh dần lên và chuyển mình.
Em Hường
ThíchThích
Câu này của anh làm em nhớ đến câu chuyện này của Đạt Lai Lạt Ma thứ 14:
(trích Trách nhiệm toàn cầu trong thế giới hiện đại (Phần 3) )
Em cám ơn anh và cả nhà. 🙂
Chúc cả nhà chúng ta cùng quán yêu thương đến tất cả mọi người.
ThíchThích
“Sự tiến bộ của tu tập thực ra lại chỉ thể hiện trong những hoàn cảnh khó khăn và có khi đau lòng”. Anh cũng thấy như Hường vậy!
Ai đó nói đại ý: “Cảnh khó, là nấc thang cho bậc anh tài, là kho tàng cho người khôn khéo, là vực thẳm cho kẻ yếu đuối”. Và nhà Phật nói: “Phiền não tức bồ đề”. Có lẽ là đây chăng?
Trước nguy cơ, hiểm họa của thế lực bành trướng Bắc Kinh lần nầy, dân tộc Việt Nam lại có thêm một cơ hội nữa để “sáng suốt nhận định, bền gan tranh đấu và tháo vát hành động”. Dù trong lịch sử, Việt Nam đã rất nhiều lần và rất nhiều năm phải chịu đựng và chống lại hiểm họa xâm lăng của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Một con người hay một dân tộc cũng đều bị chi phối bởi luật nhân quả. Chắc chắn như vậy!
Trong họa luôn có phúc và ngược lại. Nhiệm vụ của chúng ta là trừ họa giữ phúc với hết khả năng của mình. Phần còn lại phó thác cho thượng Đế, cho Luật Nhân Quả.
Cảm ơn Hường, là phận gái (hi hi), hình như là ngày đêm vẫn âu lo cho đất nước!
Chúc Hường và cả nhà khỏe vui!
ThíchThích