Có rất nhiều dự án phát triển rừng được triển khai, nhưng người dân U Minh Hạ vẫn nghèo.
“Quên” dân?
Sau hơn 20 năm bỏ xứ vào rừng nhận 2ha đất – vừa sản xuất vừa bảo vệ rừng, ông Nguyễn Hồng Trường (ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) tay trắng lại hoàn trắng tay. 2ha đất rừng do Lâm – ngư trường Sông Trẹm giao cho ông trước đây nay đã hết hạn, chưa ký lại hợp đồng mới. Tương lai nghe mờ mịt và bấp bênh như căn nhà lá xiêu vẹo của gia đình ông, chỉ một cơn mưa đầu mùa kèm gió lốc là mọi thứ lại rung lên bần bật.
Trên tấm phản kết bằng cây tràm giữa căn nhà lá ấy, ông Trường ngồi chân cao quá đầu, rưng rưng kể: “Tui quê ở Giá Rai, năm 1986 Nhà nước giải thể tập đoàn sản xuất trở thành người không đất. Do gia đình chính sách nên tui được ưu tiên vào rừng nhận đất để lập nghiệp. Từ một người không đất, tự nhiên có đến 2ha đất nên mấy tháng liền mừng không ngủ được. Cứ ngỡ sẽ được đổi đời, ai dè đất rừng U Minh phèn dữ quá, cây lúa sống không nổi, năm trúng năm thất bát không đủ tiền chi phí bỏ ra. Cây tràm thì sau 15 năm chăm sóc, khai thác, lâm – ngư trường chia năm sẻ bảy với đủ khoản thuế nên tui còn đúng 18 triệu đồng”.
Trước khi Lâm – ngư trường Sông Trẹm giải thể vào năm 2004, ngoài ông Trường, ở Khánh Thuận còn có trên 350 hộ dân sinh sống dưới tán rừng trong tình trạng bội thu không: Không hộ khẩu, không chính quyền quản lý, không khai sinh, không giấy chứng minh nhân dân, không đất sản xuất…
Họ được lâm – ngư trường quản lý theo từng tuyến kênh. Những người như ông Trường được gọi là dân kênh 12. Và lãnh đạo tỉnh Cà Mau gần như “quên mất” người dân đi vào vùng kinh tế mới trong một thời gian dài. Chính quyền địa phương không quản lý những hộ dân này, mà khoán trắng cho Lâm – ngư trường Sông Trẹm. Ông Nguyễn Văn Tư (ấp 12, xã Khánh Thuận) nói như mếu: “Mãi cho đến khi giải thể Lâm – ngư trường Sông Trẹm, dân chúng tôi mới được thấy mặt chính quyền!”.
![]() |
Trên 200ha đất UBND huyện U Minh xin cấp cho dân nghèo không đất đã được Công ty TNHH MTV U Minh Hạ giao cho đơn vị khác trồng keo lai. Ảnh: H.V.M |
Tan hoang giấc mơ đổi đời
Xã Khánh Thuận (huyện U Minh) gồm 15 ấp, thì có đến 10 ấp người dân sống trên đất không phải của xã. Nghĩa là họ đang sống trên đất lâm phần, thuộc Cty TNHH MTV U Minh Hạ (tiền thân là Lâm – ngư trường Sông Trẹm) quản lý, nên xã không thể đả động gì tới. Và sau khi đến hạn phải thanh lý hợp đồng với Cty TNHH MTV U Minh Hạ, Khánh Thuận ngay giữa cánh rừng mênh mông với 350 hộ dân bỗng dưng không còn cục đất chọi chim.
Trong khi diện tích giao khoán tại Khánh Thuận bị hạn chế chỉ 2 ha/hộ, thì ở xã Nguyễn Phích cạnh bên, người dân được giao nhiều diện tích hơn để trồng rừng. Tuy nhiên kết quả cũng chẳng có gì khác, bởi sau hơn 20 năm thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, số người giàu ở Nguyễn Phích hiện đếm chưa hết số ngón trên bàn tay, trong khi số hộ nghèo, hộ khó khăn luôn… năm sau cao hơn năm trước!
Cách nay 20 năm, ông Đoàn Văn Ba (ở huyện Đầm Dơi) bán hết tài sản về U Minh mua lại 17ha đất rừng tràm. Tưởng đâu cuộc đời của ông sẽ thay đổi, nào ngờ mảnh đất của ông nằm ngay túi phèn nên sản xuất lúa gặp khó khăn, nhiều năm thu hoạch không đủ chi phí, bây giờ ông chẳng dư được gì, có nguy cơ trở thành người không đất do đã đến hạn giao trả lại cho Nhà nước. Trước đó, toàn ấp 15 của xã Nguyễn Phích (Cà Mau) được thí điểm giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho người dân. Tuy nhiên tình hình cũng không khá hơn.
Ông Nguyễn Văn Tại – Trưởng ấp 15, xã Nguyễn Phích – lắc đầu: “Gần như cả ấp này mang nợ, không nợ Nhà nước thì nợ ở ngoài. Nợ Nhà nước rất khó trả, do vay nợ đến hạn người dân không có tiền, cán bộ ngân hàng làm giấy đáo hạn với món vay nhiều hơn, cứ thế lần sau vay nhiều hơn lần trước để đến nay không cách nào trả hết”.
Giấc mơ đổi đời sau bao năm gắn bó với rừng xanh hiện nhuốm màu xám xịt. Người dân chẳng biết kêu ai, bởi chính quyền địa phương không quản lý phương thức sản xuất, mà khoán trắng cho các lâm – ngư trường, trong khi các lâm – ngư trường lại trưng ra những bản hợp đồng có chữ ký của người dân, những biên bản đã được người dân thống nhất. Ông Nguyễn Văn Hải (ấp 18, xã Nguyễn Phích) nhận 6ha tràm, sau 20 năm làm lụng vất vả nay còn nợ lại lâm – ngư trường gần 10 triệu đồng, chua chát: “Biết như vầy dù có ông trời xuống kêu tui vào đây làm kinh tế mới, tui cũng không đi”.
Chính quyền kêu khó
Với cùng một câu hỏi: “Vì sao người dân sống trên mảnh đất xanh U Minh lại nghèo thê thảm đến vậy?”, chúng tôi nhận được nhiều câu trả lời từ chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Minh Lắm – Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận – thở ra: “Nói thật, chúng tôi cũng đã làm hết cách rồi. Với cơ chế sản xuất đất nông nghiệp nằm xen kẽ với đất rừng như lâu nay, là một điều khó khăn. Cứ hết mùa mưa là Cty TNHH MTV U Minh Hạ cho tích nước để phục vụ công tác phòng, chống cháy rừng nên nước mênh mông, cây lúa chết hết.
Còn nguồn lợi cá đồng thì càng ngày càng ít, người dân lại ít vốn, làm sao đầu tư vào nuôi cá. Hầu hết các hộ dân sống trên diện tích lâm phần đều không có giấy CNQSDĐ, nên không có tài sản thế chấp phát triển kinh tế gia đình. Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất với huyện, tỉnh, xin một số diện tích do Cty TNHH MTV U Minh Hạ quản lý để cấp cho dân nghèo không đất, nhưng chưa được đồng ý”.
Ông Ngô Thanh Điền – Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh – trầm tư khi lý giải chuyện nghèo của huyện: “Hầu hết người dân sống dưới tán rừng U Minh là người của các địa phương khác đến. Đã thế một thời gian dài, Cà Mau giao cho các lâm – ngư trường quản lý cả đất đai và con người nên chúng tôi gặp khó. Chúng tôi thấy rất rõ người dân khó khăn, nên xin một số diện tích đất rừng do các đơn vị sản xuất tự túc của huyện, nay đã hết hạn, để giao cho người dân nghèo không đất sản xuất, nhưng chưa được đồng ý.
Cụ thể, chúng tôi liên tiếp có nhiều tờ trình xin được giao 200ha (dài trên 4km, chiều ngang 500m) thuộc ấp 12, xã Khánh Thuận, dự kiến cấp mỗi hộ 1,5ha vừa làm nhà ở vừa có đất sản xuất, bởi nơi đây nằm cặp tuyến kênh và đã có con lộ nhựa đi qua. Chúng tôi xin từ năm 2012, nhưng đến năm 2013, toàn bộ diện tích này, Cty TNHH MTV đã giao cho các tổ chức, cá nhân khác trồng keo lai hết rồi”. Dân đen luôn chậm chân so với “tổ chức” và “cá nhân”!”.
Mới đây, Cà Mau có đề án sắp xếp bố trí lại dân cư rừng tràm U Minh Hạ tách dân ra khỏi rừng, phương án được nhiều tổ chức, cá nhân đồng tình, để thực hiện đòi hỏi một khoản chi phí rất lớn. Ông Trần Văn Thức – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau – nói: “Để thực hiện được điều này cần có thời gian và tiền bạc, bởi muốn di dời một số lượng lớn người dân ra khỏi rừng cần có những cụm, tuyến dân cư, khu tái định canh, tái định cư rồi phương kế để người dân sinh sống. Đây là một vấn đề lớn…”.
Bao giờ thì U Minh Hạ mới trở về đúng nghĩa là một “mảnh đất xanh”? Câu trả lời đang ở tít… cao xanh.
|
Nhật Hồ – Hoàng Văn Minh
Mình đang ở trên địa bàn gọi là nghèo nhất tỉnh Đăklăk nhưng anh em Buôn Làng ở đây còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của nhà nước.
Mình cứ ngỡ anh em Buôn Làng nơi mình đang sống khổ nhất rồi! Không ngờ hôm nay đọc bài báo này còn thấy có những người dân của mình còn khổ hơn.
Và khổ nhất là không được sự hỗ trợ quan tâm của chính quyền về nhiều mặt cho nên các quyền lợi của người công dân không có.
Hy vọng sau hồi chuông này cuộc sống của người dân ở đây sớm được đổi mới.
Matta Xuân Lành.
ThíchThích
Nếu để người dân có đất vĩnh viễn (không phải là quyền sử dụng đất sau 20 năm là hết, thành tay trắng) thì người dân có thể tạo những phương cách sản xuất vĩnh viễn trên nền đất đó cho họ.
QUyền sử dụng đất mà không có quyền tư hữu thì trên thực tế là bóc lột sức lao động của dân nghèo.
Mình cho rằng đây là bất công số 1 ở VN và cần phải hủy bỏ (bằng cách cho dân quyền tư hữu đất đai vĩnh viễn.
Đời sống nông dân bâp bênh với quyền sử dụng đất chẳng khác gì đời sống các tá điền (tenant) thời trung cổ ở Âu Châu sống thuê trên đất từ đời cha đến đời con đến đời cháu, và chủ đất là các Lord (các chúa, các quý tộc).
ThíchThích