Chào các bạn,
Nếu các bạn theo dõi các biện pháp tu tâm tại nhiều nơi, nơi thờ tự cũng như nơi không thờ tự, các bạn sẽ nhận ra giáo dục bằng dọa nạt rất nhiều—hỏa ngục, địa ngục, tai kiếp, bệnh tật… Nói chung là ở các nơi đó người ta dạy bạn: nếu bạn làm láo địa ngục và tai kiếp sẽ đến với bạn.
Bỏ ra ngoài vấn đề mê tín dị đoan, luyện tâm bằng sợ hãi là một cách luyện tập tiêu cực nhất. Sợ hãi là một trong những tiêu cực hàng đầu của mọi tiêu cực. Nếu bạn giữ nỗi sợ địa ngục rất lớn trong đầu để sống, thì có lẽ bạn có thêm một nghìn cái sợ khác quản lý cách sống của bạn—sợ người ta cười, sợ người ta không ủng hộ, sợ thất bại, sợ mình không đủ thông minh, sợ mình không đủ đẹp, sợ không ai đi theo mình, sợ mình tính sai, sợ cái sợ…
Bạn là con của Chúa. Bạn có Chúa với bạn. Bạn chẳng thể sợ bất kì điều gì trên đời. Bạn làm mọi việc trên đời cùng với Chúa trong bạn, và việc gì đến Chúa cũng sẽ lo cùng bạn hoặc lo cho bạn.
Bạn là Phật đang thành. Có gì để bạn sợ? Cứ luyện tâm tĩnh lặng hoàn toàn, thì nếu bạn không thành Phật cũng thành một người rất tĩnh lặng như một cột chùa vững chắc.
Hay là bạn không quan tâm đến Chúa đến Phật, mà chỉ yêu người và thiền định thường xuyên để tập tâm tĩnh lặng, thì có gì có thể làm bạn sợ khi tâm bạn đã tĩnh lặng?
Các bạn, ngoài kia có lắm “thầy” làm các bạn rối rắm:
• Thầy dạy tiêu cực.
• Thầy lấy những cái bên ngoài bạn làm động lực—một thiên đàng trên trời, một địa ngục dưới đất, hứa hẹn tiền bạc và quyền lực… (Thực sự, thiên đàng và địa ngục là tâm bạn; tiền bạc và quyền lực ở trong tay bạn).
• Thầy dạy đủ thứ thế giới bạn đến được khi ngồi Thiền. (Chỉ có một thế giới bạn cần tập trung vào, đó là “tâm tĩnh lặng” của bạn).
• Thầy dạy bạn chỉ có thầy và đường của thầy mới giúp bạn giải thoát (Thầy có thể chỉ một chút đường, nhưng bạn phải luyện tập và khám phá phần còn lại của con đường hay của những nhánh đường bạn đi, theo cách của bạn).
• Thầy dạy đủ thứ huyệt đạo, khí đạo, luân xa… thầy phải khai mở cho bạn để bạn có được thần thông. (Nếu bạn muốn tập võ thì tập võ để các cơ bắp, huyệt đạo và khí huyết khai thông. Chẳng có thần thông nào như Tề thiên đại thánh để bạn tập. Bạn chỉ có một mục đích là tĩnh lặng. Và tĩnh lặng thì bạn khỏe mạnh, nhạy cảm với mọi người và mọi sự xung quanh bạn, và nếu đó là thần thông thì đó là thần thông. Nhưng bạn sẽ không đi nghìn dặm môt bước, không thể xuất thần qua nước khác thăm bà con, không thể nghe người nói một nghìn dặm xa. Trừ khi bạn có thần thông của Internet. Nhưng có nhiều “thầy” sẽ nói với bạn họ có thần thông như thế).
• Chẳng có môn nào trên đời để bạn có thể thành công, có tiền, có quyền lực… trừ khi bạn làm việc chăm chỉ cực nhọc và tích cực.
…
Các bạn,
Giữ một trái tim hoàn toàn tĩnh lặng. Khiêm tốn, thành thật, yêu người, tĩnh lặng. Chỉ chăm lo trái tim mình, đó là gốc rễ, và mọi thiện lành sẽ nầy sinh từ gốc đó.
Chúc các bạn luôn tập trung.
Mến,
Hoành
© copyright 2013
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Dear Anh Hai
Đọc bài trên của Anh Hai em thấy đúng là khi còn nhỏ em cũng được giáo dục theo kiểu sợ:
Em sợ mình sống không tốt sẽ không được lên thiên đàng, sợ mình không biết thương người sau này mình cũng sẽ bị quả báo… từ những cái sợ đó kéo theo vô số điều hệ lụy những điều sợ khác…
Bây giờ khôn lớn rồi em thấy đó là cách dạy ấu trĩ nhất và mình không nên đi theo nhưng vết đổ đó… Nhưng hãy xác tín một điều:
Muốn có Chúa trong cuộc đời thì tất cả những việc làm đều qui về tình yêu Chúa chứ không phải qui về thiên đàng hay địa ngục gì cả và lúc đó: “Bạn là con của Chúa. Bạn có Chúa với bạn. Bạn chẳng thể sợ bất kì điều gì trên đời. Bạn làm mọi việc trên đời cùng với Chúa trong bạn, và việc gì đến Chúa cũng sẽ lo cùng bạn hoặc lo cho bạn.”
Em cảm ơn Anh Hai
Em M Lành
ThíchThích
Đúng là không có gì làm mình bất an bằng sợ .Mình phải biết mình sợ hãi điều gì và tìm cách lí giải nó,để giải toả nỗi sợ .Với em ,nỗi sợ khó bỏ nhất là nỗi sợ mất người thân .Em tập nhìn những người thân yêu đang bên mình như những người sơ khác ,học cách quán tưởng người thân yêu bên mình độc lập với mình ,đến bây giờ,em vẫn chưa độc lập được điều đó 100%.Chắc thời gian sẽ giúp em .
ThíchThích
Em không hiểu câu này của chị Lan lắm “Em tập nhìn những người thân yêu đang bên mình như những người sơ khác”. Người thân sao như người sơ được nhỉ? Có phải mình đang làm cho mình … lạnh lẽo hơn?
Có một khái niệm là “detach” – bỏ dính chấp. Em cũng chưa hiểu khái niệm này cho lắm, có lẽ vì em cũng còn nhiều dính chấp. 🙂
Em học thiền được dạy tập chấp nhận và quan sát mọi điều, mọi sự, ngoài ta và cả trong ta – chánh niệm & tự tại. Có lẽ đó là một cách.
ThíchThích
Hi Quỳnh Linh,
Từ dính chấp có lẽ dễ hiểu hơn 🙂 cảm ơn Linh
Chị cũng muốn nói đến việc từ bỏ mọi thứ ”của ta” gia đình ”của ta” khiến mình dễ khổ khi mất nó .
ThíchThích
Hi Phong Lan,
Nói gì thì nói, khi mất người thân ta thường đau buồn, kể cả khi cha mẹ đã đến tuổi gần đất xa tròi và mình thấy đi cũng là đúng lúc, nhưng khi cha mẹ đi mình không khỏi buồn rầu. Chia tay, nhất là chia tay vĩnh viễn, luôn tạo ra cảm giác đau nhức.
Cho nên sợ mất người thân, anh nghĩ cũng là chuyện thường, và có lẽ nhiều người có cảm giác đó. Trong thời chiến tranh, sợ mất người thân là một cảm giác rất thực.
Anh nghĩ cuộc đời vô thường, mình có thể mất đủ mọi thứ, kể cả mạng mình, một cách bất ngờ. Nếu mình cứ nhắc mình vậy thì có lẽ mình sẽ chẳng không lo lắng quá về những điều có thể xảy ra ngày mai–bom nguyên tử có nổ không? Người thân nào của mình có thể mất?
ThíchThích
Vâng, đúng thế anh Hoành ơi . Chỉ là do em chưa thấm đậm lẽ vô thường ,biết là vô thường nhưng vẫn không quen hẳn với nó,nên em vẫn còn sợ ,tìm cách lí giải khác để quen dần ,em cảm ơn anh
Em Lan
ThíchThích
Cảm ơn Phong Lan, Quỳnh Linh và anh Hoành đã chia sẻ về một vấn đề mà minh – và có lẽ là nhiều người – cũng vướng phải: đó là nỗi lo sợ mất người thân.
Mình xin nói thêm về vài điều mình đã học được nhưng hành chưa được bao nhiêu. Mình nghĩ là có ít nhất 3 việc phải thực tập, phải làm, để có thể giảm bớt nỗi lo sợ nầy:
1) Mở rộng tình thương để có thể thấy “kẻ sơ như người thân”. Khi đã thấy “kẻ sơ như người thân” thì ta cũng thấy “người thân như kẻ sơ” mà không lạnh lẽo.
Thái tử Tất Đạt Đa bỏ vợ đẹp con thơ cha già mẹ yếu để lên đường tìm đạo và sau nầy thành Phật Thích Ca, chắc là không phải Tất Đạt Đa không thương vợ con cha mẹ, mà chính là vì thái tử đã thấy và đã thương “kẻ sơ như người thân”.
Trưa nay, bà xã mình xem phim “Mẹ chồng nàng dâu”- mình xem ké – nhân vật nàng dâu có nói một câu đơn giản mà hay: “Giúp người chính là giúp mình. Xem người đi đường cũng như người thân”.
2) Hiểu rằng ta và mọi người đang “đi giửa vô thường”, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra cho chúng ta, bất cứ lúc nào.
3) Hiểu rằng không có bất cứ gì là “của ta”, không có bất cứ gì đi theo ta mãi mãi – người thân, tài sản…, ngoại trừ “nghiệp”, là những lời nói và những việc làm có chủ ý của ta.
Tứ vô lượng tâm của nhà Phật là: Từ, Bi, Hỷ, Xả. Trong đó mình hiểu Xả là không phân biệt, không dính mắc. Có Xả thì không còn nỗi sợ nào chăng?
Nhưng làm sao để thực hành Xả được đây…Chỉ có thực tập từng bước, lúc nầy và ở đây.
ThíchThích
Anh Hoành ơi, khi ngồi thiền mà em hướng suy nghĩ của mình để giữ trái tim tĩnh lặng thì em hay bị tức ngực (cảm giác đau tim). Vì thế em thường hướng suy nghĩ để giữ cái đầu tĩnh lặng.
Nhưng em chỉ tĩnh lặng được lúc ngồi thiền và lúc đi ngủ thôi. 🙂
Em sẽ cố gắng giữ tĩnh lặng nhiều hơn.
Em Thắng.
ThíchThích
Em cảm ơn anh Thảo,anh Thảo tổng hợp hay quá 🙂
Thắng ơi, chị nghe có thầy nói” cơ thể ví như một đô thị,kinh mạch ví như đường xá,khí như con ngựa và tâm như người cưỡi ,ý ở đâu thì khí ở đó ”,chị e là Thắng bị đau là do tập trung khí quá mạnh nơi nào đó,em thử thả lỏng toàn thân,đừng dồn ý ở chỗ nào,để khí hài hoà toàn cơ thể,có khi nhẹ nhàng hơn ,chị cũng thử như thế thấy ổn hơn là tập trung ý ở trán hay bụng , vì như thế có vẻ như phải gắng sức,như thế lại không phải là thiền ,em thử xem nhé .
ThíchThích
Cảm ơn Phong Lan đã chia sẻ câu: “Cơ thể ví như một đô thị, kinh mạch ví như đường sá, khí như con ngựa và tâm như người cởi. Ý ở đâu thì khí ở đó”. Thái Cực Quyền cũng dạy “Dĩ ý hành khí” đó!
Và khí chỉ lưu hành khắp châu thân được khi toàn thân mình buông lỏng, dụng ý bất dụng lực, nên lời khuyên của PL cho Thắng, mình nghĩ là đúng!
ThíchThích
Thấy các bạn nói chuyện lung tung, mình sợ các bạn lẫn lộn.
Ý và khí là khí công, đặc biệt là khí công Thái cực quyền. Không phải là Thiền. Khi nói về thiền thì đừng nói và dùng các từ của khí công vì các bạn sẽ bị lạc đường.
Khi luyện khí bên khí công, người ta ngồi như ngồi Thiền và dùng ý của mình để dẫn khí (dĩ ý dẫn khí) đi các nơi trong cơ thể để giúp dòng khí đi được mạnh mẽ các nơi, đặc biệt là các nơi bị từ túng bệnh hoạn.
Luyện khí như thế này thì không tĩnh lặng, và ý/tâm của mình phải hoạt động tích cực để dẫn khí khi các nơi. (Và thực sự là chúng ta cũng không cần luyện khí cách này, vì các thế tập giãn người như Yoga, hay trong tập Thể dục khí công của mình, làm rất tốt việc dẫn khí).
Thiền là tĩnh lặng. Tâm trí càng tĩnh lặng càng tốt.
Cho nên Thắng cố để tĩnh lặng thì là đã chống tĩnh lặng rồi. Tâm trí buông xả lúc ngồi Thiền, chẳng làm gì cả (trừ khi ta Thiền Quán thì tâm trí tích cực “quán”).
Để tĩnh lặng thì dùng thiền hít thờ. hít vào thở ra. Ngưởi ta dạy thiền sinh theo dõi hơi thở hít vào thở ra, là để tâm trí không nghĩ đến các chuyện khác, để tâm trí không chạy lăng nhăng, chứ không phải tập trung vào hơi thở là dùng ý đễ tích cực dẫn khí trong khí công. Hai caach thực hành này khác nhau 180 độ. Trong khí công, theo dõi hơi thở là dùng ý để dẫn khí khi theo dòng hơi thở. Trong Thiền, theo dõi hơi thở chỉ để mình không suy nghĩ chuyện khác, để tâm trống rỗng.
Một vài thiều sư còn dạy hay hơn theo dõi hơi thở, bằng cách để tâm trí tập trung vào đầu mũi nơi hơi thở ra vào, để khỏi chạy đi đâu nhiều.
Thiền là tĩnh lặng, cho nên tâm trí không làm gì cả. Nhưng khi mới tập ta phải tập trung vào hơi thở hay đầu mũi đế tâm trsi không chạy lung tung. Và khi tập trung như thế, thì cũng rât nhẹ nhàng và KHÔNG CỐ làm gì cả, kể cả việc cố tập trung quá đáng. NOTHING. Đó là Thiền.
ThíchThích
Cảm ơn phản hồi nhanh chóng, kịp thời và chính xác của anh Hoành!
Khi vừa gởi phản hồi đi, mình đã thấy lệch hướng. Hi hi…
Tâm tĩnh lặng là tâm tự nhiên, không xung động, không dồn nén, nên “cố” tĩnh lặng thì không tĩnh lặng. Cũng như cố buông lỏng thì căng thẳng.
ThíchThích
Em cảm ơn các anh chị.
Hôm qua em hỏi câu này với bạn Hương của em, bạn ấy cũng trả lời giống như các anh chị vậy. Đó là em dồn suy nghĩ vào tim thay vì em phải thả lỏng cái suy nghĩ ấy ra nên em mới có cảm giác tức ngực.
Em xin chia sẻ thêm là thực ra em thiền rất tốt vì khi thiền em thường làm theo một thầy dạy là em nghĩ đầu mình như cái máy chiếu phim vậy, còn tâm trí em thì không có gì như phim trắng vậy. Khi nào có hình ảnh hoặc cái gì khác hiện lên màn hình thì mình biết ngay đó không phải là tâm trí tĩnh lặng của mình mà là suy nghĩ của mình tạo ra cái hình ấy.
Cái này em làm dễ vì tuổi thơ của em gắn liền với máy chiếu phim.
Hồi nhỏ bố em làm nghề chiếu phim màn ảnh rộng ở các sân bãi trong huyện nhà nên em thường được theo bố đi chiếu phim vào các buổi tối. Khi bố em lắp cuộn phim thì bao giờ ở đầu cuộn phim cũng có một đoạn phim trắng (không có gì) để khởi động rồi mới đến những hình ảnh trong phim.
Em thấy cách thiền này cũng rất hay nên em chia sẻ với mọi người.
Em Thắng.
ThíchThích
Dear anh chị
Lâu rồi, em lại đọc một bài trong vườn chuối lại được nghe mọi người chia sẻ. Cám ơn các anh chị.
Em muốn hỏi một câu về tĩnh lẵng:
Làm sao để có được tĩnh lặng? Em có 1 tật là rất ngại phải đứng trước đám đông. Khi em biết em sắp phải đứng trước đám đông là em đã thấy sợ rồi, thấy mất bình tĩnh. Và lúc đó em rất muốn được tĩnh lẵng và em “cố gắng tĩnh lặng” nhưng các anh chị vừa nói, cố gắng tĩnh lẵng chẳng thể làm mình tĩnh lặng. vậy em phải làm gì?
em vẫn đang làm 1 cách là luôn tự bảo mình: mở lòng và hướng tới mọi người, chia sẻ hơn cho mọi người có như vậy mình ko nghĩ tới mình nữa và ko còn cảm thấy mất bình tĩnh nữa. Nhưng đôi lúc em vẫn ko thể kiểm soát được
E.Huân
ThíchThích
Chào bạn Huân.
Mình có cách này, bạn áp dụng thử xem sao:
– Đồ cần chuẩn bị: Máy ảnh hoặc điện thoại có chức năng quay phim.
– Thực hành: Đứng trước máy ảnh rồi quay lại cảnh mình định nói những gì trước đám đông. (ví dụ khoảng 15 phút).
Sau đó mở ra máy tính xem lại, đồng thời cho cả người thân của mình cùng xem để góp ý. Sau đó mời cả nhà ngồi làm khán thính giả nghe mình diễn thuyết. Dần dần sẽ hết sợ liền.
Xem lại mình trong phim sẽ phát hiện ra nhiều điều thú vị ra phết đấy.
Vài lời chia sẻ 🙂
Trần Văn Thắng.
ThíchThích
Cám ơn anh Thắng đã chỉ dạy, em sẽ thử xem sao.
Nhưng đấy chỉ là 1 ví dụ, em vẫn đang tìm câu trả lời làm sao để có thể có được tĩnh lặng?
ThíchThích
Hi Huân,
Anh Hoành có bài Làm sao để tĩnh lặng .
Huân đọc nhé.
Mến chúc Huân luôn vui.
Hương,
ThíchThích