Chào các bạn,
Tây nguyên đã bắt đầu bước vào mùa mưa, những cơn mưa đầu mùa làm dịu mát không khí oi bức và đem lại niềm vui cho người nông dân. Nhưng có điều, sau mỗi cơn mưa, có vô số những con mối cũng như những con bọ nhỏ li ti, theo ánh sáng của những ngọn đèn bay vào nhà. Những ngày như vậy, mình phải tắt đèn đi ngủ, có hôm mới 20g00 là đi ngủ. Trong Buôn Làng chung quanh, nhà nhiều cây cối nên có nhiều thứ con, nhà mình cửa kiếng nhưng nó theo lỗ thông gió để bay vào! Và cũng sau những cơn mưa đầu mùa, có những con cóc nhảy ra ăn mối. Nhìn những con cóc ở trước hiên nhà, mình nhớ đến các em ở Lưu trú sắc tộc Buôn Ma Thuột, vì mình ở đó với các em khá lâu nên có rất nhiều kỷ niệm.
Thời gian ở Lưu trú sắc tộc Buôn Ma Thuột, mình nuôi nhiều gà vịt và ngan. Bình thường nó phát triển rất tốt nhưng đến khi thời tiết mưa lên nắng xuống là nó dịch. Người quen chỉ cho mình: Muốn gà không bị dịch thì bắt cóc nướng cháy thành than rồi giã ra, trộn với thức ăn cho gà ăn, nó sẽ không bị dịch. Khi biết như vậy, mình nói với các em: Giờ lao động bắt được cóc, gom lại, mình sẽ trả mỗi con 2.000 đ. Mới đầu các em bắt được nhiều, sau ít dần, ít dần và không thấy nữa! Các em cấp I nói với mình: Các anh chị lớn nướng ăn đó Yăh! Mình nghe người ta nói ăn bộ phận gì đó của con cóc là sẽ chết, nên dặn các em cẩn thận kẻo ăn lung tung coi chừng trúng độc! Em Neel nói: Đồng bào mình ai cũng biết làm thịt cóc nên Yăh đừng sợ!
Sau đó hai ngày, mình bị đau, sốt cao liên tục ba, bốn ngày, và khi chuyền tám chai dịch thì mình hết sốt nhưng vẫn còn rất mệt! Các em trong nhà rất dễ thương. Đi học về, các em đem vào cho mình một chùm nho hoặc vài trái cóc, vài trái quýt. Nếu nghỉ học, các em vào ngồi nói chuyện. Trong khi mình đang còn mệt thì lại trùng vào ngày các chị trong nhà phải về tĩnh tâm tháng, các chị đang phân vân ai đi, ai ở nhà với mình thì mình nói các chị cứ yên tâm mà đi. Ở nhà cần gì, mình gọi các em vì các em nữ lớp Mười một, lớp Mười hai đã lớn nên nhờ cũng được rồi!
Các chị đi rồi, trưa hôm đó, em Bét – học sinh lớp Mười một dân tộc Sêđăng – bưng vào cho mình một tô nhỏ cháo còn bốc hơi. Tô cháo thịt được xé nhỏ, mặt trên cháo cũng được rắc hành ngò và tiêu như mình đã chỉ cho các em trước kia.
Em Bét để tô cháo trên bàn và nói: Yăh ăn cháo nóng cho ngon, cháo này rất bổ! Mình cảm ơn và nói em Bét ra ăn cơm với các bạn. Em Bét nói: Mình ở đây với Yăh cho vui và chờ Yăh ăn xong, mình mang ra luôn. Mình bưng lên ăn. Đến muỗng cuối cùng, mình thấy một miếng xương dài và nhỏ, mình hỏi: Các bạn nấu cháo gì cho Yăh vậy? Bản chất người sắc tộc không biết nói dối nên em Bét nói: Sáng sớm anh Neel đi tìm bắt cóc được hai con, anh Sapiel làm thịt, mình nấu vì muốn Yăh khỏe!
Mới nghe em Bét nói, tất cả những gì mình mới ăn chạy ngược lên tận cổ. Nhưng khi em Bét nói xong, nó chạy lại vào tim!
Matta Xuân Lành
Anh có hai bài báo sau đây về thịt cóc. Một bài nói về chất độc giết người trong da và vài bộ phận khác của cóc, một bài nói thịt cóc (mật cóc ) chữa ung thư. Có lẽ thứ với người thường là thuốc độc, thì với người bệnh gần chết là thuốc chữa.
http://vietbao.vn/Suc-khoe/Thit-coc-loi-mot-hai-muoi/10944173/248/
Thịt cóc lợi một hại mười
Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vừa tiếp nhận 3 người bị ngộ độc cóc nặng, trong đó một đã tử vong. Loại thực phẩm được dân gian coi là thuốc bổ này thực chất là thuốc độc rất mạnh, thường xuyên có người chết vì nó.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Dụ, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, mỗi năm, cơ sở này tiếp nhận khoảng trên 10 vụ ngộ độc cóc, một số vụ cả mấy người trong gia đình cùng bị. Nhập viện gần đây nhất (ngày 5/2) là 3 bố con người Hưng Nguyên, Nghệ An. Người đàn ông 39 tuổi này bắt được mấy con cóc, trong đó một con cái có trứng. Anh làm thịt ăn cùng hai con nhỏ. Triệu chứng ngộ độc xuất hiện ngay cuối bữa ăn với biểu hiện chóng mặt quay cuồng, đau bụng… Đứa con út 4 tuổi nhanh chóng tử vong. Hai bệnh nhân còn lại được đưa đến trạm y tế địa phương rồi chuyển ra Hà Nội, vào Trung tâm chống đôc cấp cứu. Hiện sức khoẻ của hai cha con đã hồi phục.
Tiến sĩ Dụ cho biết, ngộ độc cóc là một loại cấp cứu nặng, nếu không xử lý kịp, bệnh nhân sẽ tử vong rất nhanh, thậm chí chỉ trong vòng một giờ đồng hồ. Độc tố của cóc gây rối loạn nhịp tim rất nặng, có thể dẫn đến ngừng tim và đây chính là nguyên nhân gây chết người. Chất độc này có ở gan, trứng, ruột và nhất là trên da; trong quá trình chế biến, chúng có thể dính vào thịt và gây độc.
Triệu chứng ngộ độc xuất hiện trong vòng 15-30 phút: chóng mặt, quay cuồng, đau như bị châm chích ở đầu ngón tay, ngón chân, nôn mửa dữ dội kéo dài, tiêu chảy, đau bụng, giảm huyết áp; tiếp đến là loạn nhịp tim, co thắt cơ tim… Bệnh nhân cần được cấp cứu lập tức, truyền dịch, dùng thuốc chống loạn nhịp, thậm chí phải sốc điện, dùng máy tạo nhịp và theo dõi nhịp tim liên tục.
Theo bà Dụ, hầu hết người dân đều biết cóc có độc nhưng vẫn có không ít người sử dụng do chủ quan, tin vào sự cẩn thận của mình. Đó chính là lý do các ca ngộ độc cóc vẫn xuất hiện.
“Thịt cóc bổ, giàu đạm và canxi, rất tốt cho những đứa trẻ còi xương, suy dinh dưỡng” – chị Mai Hoa, một công chức ngành bưu điện giải thích về việc dùng thịt cóc cho đứa con 1 tuổi của mình, bất chấp những nguy cơ mà chị đã biết qua sách báo. Gần 1,6 triệu đồng đã ra đi sau khi cái lồng cóc to đùng biến thành lọ ruốc nho nhỏ; còn chị Hoa phấn khởi, yên tâm vì “đã giám sát người ta làm từ đầu đến cuối, sạch sẽ lắm”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó giám đốc Viện Dinh dưỡng thừa nhận, thịt cóc đúng là một thực phẩm rất giàu đạm và kẽm, vì vậy có tác dụng bồi bổ sức khoẻ tốt. Tuy nhiên, bà Lâm cho rằng chỉ nên sử dụng sản phẩm chế biến sẵn có cấp phép đàng hoàng (Viện Dinh dưỡng cũng có mặt hàng này), không nên tự làm hoặc mua của hàng bán rong vì không có gì đảm bảo là chất độc không bị dính sang thịt.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Hưng, chuyên gia dinh dưỡng tại TP HCM, mức độ bổ dưỡng của thịt cóc không đáng cho chúng ta mạo hiểm. Lượng đạm trong thịt cóc cao (khoảng 22%) nhưng cũng chỉ tương đương thịt ếch và thịt gà, lượng kẽm thì không bằng các loại hải sản. Vì vậy, nếu cần bổ dưỡng thì có thể chọn các thực phẩm trên, vừa ngon, vừa an toàn, lại rẻ hơn thịt cóc nhiều lần.
Còn bà Nguyễn Thị Dụ thì cho rằng, cơ quan quản lý thực phẩm nên cấm bán thịt cóc, ruốc cóc tự do, chỉ những mặt hàng có đăng ký mới được phép lưu hành. Nếu không, sẽ có thêm nhiều gia đình bỏ tiền triệu ra để mua thuốc độc.
Hải Hà
Gặp người ăn hàng nghìn mật cóc chữa ung thư
“Vái tứ phương”
Ông Lộc kể, khoảng giữa tháng 8/2008, sau một cơn đau bất ngờ, ông đi khám ở Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh thì bệnh viện kết luận bị u gan.
Điều trị tại đây hơn 3 tháng, sau đó ông chuyển ra Bệnh viện 108 Quân đội ở Hà Nội để tiếp tục điều trị.
Tại Bệnh viện 108, ông Lộc cũng được kết luận u gan, u di căn. Sau gần 1 tháng điều trị, bệnh viện cho thuốc để về nhà điều trị. Sau 2 tháng uống thuốc tại nhà, đến tháng 3/2009, ông Lộc lại được đưa ra viện 108 khám.
Lần này bệnh viện kết luận u đã to lên nhiều hơn trước, bệnh tình nặng thêm. Các bác sĩ cũng lắc đầu. Rồi người thân buồn bã đưa ông về.
Về nhà, mọi người trong gia đình lo lắng, đã nghĩ đến trường hợp xấu nhất. Tuy nhiên, “còn nước còn tát” và “có bệnh thì vái tứ phương” nên người thân tiếp tục tìm đến đến bài thuốc khác như thuốc nam của người dân tộc ở Hà Bắc, thuốc nam ở Hà Nội, thuốc lá của thầy ở Hài Dương… nhưng tất cả đều không hiệu nghiệm.
Bệnh tình của ông Lộc ngày một trầm trọng thêm.
Sau những cố gắng cuối cùng nhưng xem ra không thể vượt qua định mệnh, người thân, họ hàng đã tính đến việc lo hậu sự cho ông.
“Nhà đã chuẩn bị hậu sự, vải, áo…con cháu ở xa cũng tập trung về hết”, ông Lộc nhớ lại.
Rồi bỗng một ngày tình cờ đọc được một tờ báo nói ở Quảng Bình có ông Khởi bị bệnh ung thư mà ăn cóc sống nên đã khỏe lại nên 2 con trai của ông Lộc đã tìm vào nhà ông đó để rõ thực hư rồi về chữa cho bố.
Sau lần con đi Quảng Bình tận mắt chứng kiến ông Khởi ăn cóc, vợ, con, họ hàng của ông Lộc bàn bạc rồi thuyết phục ông ăn cóc để chữa bệnh.
“Tui bắt 1 con cóc rửa sạch rồi để nguyên con hầm trong nồi đất. Cho đến khi cóc vàng giòn thì lấy ra cắt cho nhỏ rồi hòa nước cho uống. Ban đầu ông ấy không chịu uống, tôi và các con thuyết phục nên ông cũng uống.
Lúc đó mọi người cũng sợ lắm cứ theo dõi biểu hiện của ông ấy có gì lạ là chuyển gấp đến viện. Nhưng rồi không thấy có phản ứng gì khác.
Cũng từ đó, mỗi ngày tôi hầm 2 con cóc, ông ấy dùng hết. Được mấy ngày ông nói thấy đỡ đau hơn, nhưng ngán cóc rồi. Sau đó, tui không hầm cả con nữa mà chỉ lấy phần mật cho uống. Từ đó cho đến bây giờ đã gần 3 năm ông ấy ăn mật cóc rồi đó”, bà Lê Thị Dung, vợ ông Lộc kể lại.
Cũng theo bà Dung, sau 5 ngày ăn mật cóc, chồng bà từ nằm liệt đã chống tay ngồi dậy được. Đến ngày thứ 10 thì chống gậy tập đi rồi gần 1 tháng sau thì đi lại gần như bình thường. Rồi ông trồng rau, làm cỏ, làm được những công việc lặt vặt trong nhà.
Cũng từ sau khi ăn mật cóc, ông Lộc thấy khỏe mạnh, ăn được nhiều cơm và liên tục tăng cân. Từ 39 cân khi nằm chờ chết thì bây giờ ông Lộc khỏe lên rất nhiều, da đỏ óng, nặng 60 kg. Đặc biệt, ông không còn thấy đau đớn do căn bệnh ung thư gan hành hạ nữa.
Theo ông Lộc, vào tháng 7/2010, sau một lần ông đi chơi bị mắc hơi nhà có đám ma nên về thấy mệt mỏi. Ngày đó, ông đã ăn đến 9 cái mật cóc nhưng vẫn không có biểu hiện lạ gì khác.
Bình thường, mỗi ngày, ông Lộc ăn 6 mật cóc, chia ra 3 lần sáng, trưa, tối, mỗi lần ăn 2 mật.
Rùng rợn xem nuốt mật cóc
Khi chúng tôi bày tỏ muốn tận mắt chứng kiến ông Lộc ăn cóc để kiểm chứng thực hư, bà Dung nhìn lên đồng hồ thấy cũng đã gần trưa, có thể cho chồng dùng “thuốc” nên bà ra một chiếc thùng ở gần giếng bắt lấy 4 con cóc đem ra lấy kéo cắt ngang bụng rồi thoăn thoắt kéo ra những chiếc mật xanh biếc.
Chỉ không đầy 3 phút, bà Dung đã lấy gọn gàng ra 4 chiếc mật cóc cho vào 1 cái chén. Rồi bà ra vườn ngắt 4 lá khoai lang non rửa sạnh.
Sau đó, bà cho cả 4 lá khoai lang và 4 chiếc mật cóc vô chén nước sôi để chần qua. Rồi bà vớt ra lấy mỗi lá khoai lang gói một chiếc mật lại.
Bà đưa đi cất 2 chiếc để dành phần buổi tối, còn 2 mật bà đưa lại cho chồng. Nhận lấy chiếc mật cóc, ông Lộc há miệng to đưa mật cóc vô miệng rồi uống một hớp nước. Chỉ tích tắc 2 chiếc mật cóc đã nằm gọn trong bụng ông Lộc.
Sau khi uống xong, ông Lộc vẫn ngồi tiếp chuyện bình thường với chúng tôi. Ông cho biết, không có biểu hiện, phản ứng gì khác. Việc ông uống mật cóc từ gần 3 năm nay đã quá quen thuộc với nhiều người ở làng, xã này.
Cũng theo ông Lộc, chuyện ông ăn mật cóc cũng gây tò mò với nhiều người. Họ cũng đã kéo đến để tận mắt chứng kiến. Đặc biệt, cũng có một số người có người thân bị bệnh ung thư khi nghe người trong làng kể về trường hợp của ông đã tìm đến hỏi để về chữa cho người mắc bệnh.
Tuy nhiên, sau đó họ về có dám ăn hay không thì ông cũng không rõ.
“Nghe bảo mật cóc độc lắm, ăn vô sẽ gây chết người. Nhưng tôi đã ăn hàng ngàn cái. Với ai thì tui không biết, nhưng với tui thì đúng là mật cóc đã cứu mạng sống của tui. Từ thời gian ăn mật cóc đến bây giờ tui không dùng một thứ thuốc gì khác cả. Nếu không ăn mật cóc thì chắc tui đã chết lâu rồi”, ông Lộc khẳng định.
Còn với bà Dung, người đóng vai trò là “bác sĩ” cho chồng thì chia sẻ: “Con cóc xấu xí trong mắt người khác, nhưng với nhà tui thì đó là vị thuốc quý giá nhất. Nhờ nó mà chồng tui đã thoát chết, sống vui vẻ bên vợ con.
Bây giờ công việc quan trọng nhất với tui là dù làm việc chi thì cũng phải lo cho được ngày 6 cái mật cóc cho ông ấy. Vì thế, trong nhà tui không có khi mô hết cóc”.
Còn ông Lê Đăng Hiền, Giám đốc Bệnh viện y học cổ truyền Hà Tĩnh nói rằng, trong dân gian thì cho rằng mật cóc rất độc, khi làm thịt cóc thì đều phải bỏ đi.”Trường hợp ông Lộc ăn mật cóc để chữa bệnh ung thư, chúng tôi sẽ kiểm tra lại và thông tin lại với báo” – ông Hiền nói.
Trần Văn – Duy Tuấn
ThíchThích
Dear Anh Hai
Em cảm ơn Anh Hai rất nhiều, đã chỉ cho em biết rõ ràng cặn kẽ những tác dụng tốt cũng như sự độc hại của thịt cóc để em có thể giúp cho anh em Buôn Làng.
Đối với anh em Buôn Làng nơi em sống em thấy đây cũng là món thịt anh em Buôn Làng rất thích đó Anh Hai à!
Em nhìn tít đề “thịt cóc lợi một hại mười”là em thấy giật mình rồi! Nên không thể để những anh em chung quanh mình đùa dỡn với tử thần được 😀
Em cảm ơn và chúc anh Hai nhiều phúc lành của Chúa.
Em M Lành
ThíchThích