‘Trung Quốc đang xâm lược bằng tàu cá’
Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, việc Trung Quốc “xua” 23.000 tàu cá xuống Biển Đông là hành động dùng ngư dân để xâm lược vùng biển của nước khác.
> 9.000 tàu Trung Quốc sẽ đánh cá ở Biển Đông/ ‘Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam’
Nhật báo Trung Quốc ngày 2/8 cho biết hơn 14.000 tàu cá đăng ký tại tỉnh Quảng Đông xuất phát đến Biển Đông từ ngày 1/8 để đánh bắt. Tại tỉnh Hải Nam, khoảng 9.000 tàu cá cùng hơn 35.600 ngư dân đã ra đánh bắt tại biển Đông sau khi lệnh cấm hết hạn. Lệnh cấm này áp dụng từ ngày 16/5 đến 1/8, trên các vùng nước mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Trước thông tin này, ông Nguyễn Việt Thắng cho hay, ngày 2/8, Hội nghề cá Việt Nam có văn bản phản đối Trung Quốc đã vi phạm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 và những nội dung trong Quy tắc ứng xử các bên ở biển Đông (DOC).
Hiện, Hội đang theo dõi sát thông tin vì các tàu cá này cũng vừa mới xuất phát. Theo ông Thắng, trong hoạt động đánh bắt bình thường, không bao giờ có chuyện cùng lúc hàng chục nghìn tàu cá ra khơi cùng lúc, dù từ trước tới nay, các tàu Trung Quốc đã khai thác ở Biển Đông.
![]() |
Các tàu cá của tỉnh Hải Nam chuẩn bị ra khơi. Ảnh: Hndaily. |
“Nếu vì mục đích đánh bắt, hơn 20.000 tàu đi chắc chắn không hiệu quả. Hành động xua tàu cá tiến xuống Biển Đông chẳng khác nào dùng ngư dân để xâm lược vùng biển của nước khác, uy hiếp, đe dọa các quốc gia khác”, ông Thắng nói.
Theo Hội nghề cá, các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam cần theo dõi hoạt động của tàu cá Trung Quốc, nếu các tàu này xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế mà không xin phép thì cần phải ngăn chặn, đuổi ra ngoài. Bên cạnh đó, Hội cũng tiếp tục phát đi thông báo đối với ngư dân Việt Nam, động viên ngư dân kiên quyết bám biển, giữ ngư trường; thông qua đó, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Ngày 1/8, Hải Nam Nhật báo dẫn nguồn Sở Ngư nghiệp và Hải dương tỉnh Hải Nam cho biết tỉnh này sẽ mở rộng phạm vi khai thác nghề cá trong khu vực của cái gọi là “ngư trường Tam Sa”, hướng dẫn ngư dân đóng tàu lớn hơn, ra vùng nước sâu hơn ở khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam và bãi đá ngầm Macclesfield mà Bắc Kinh gọi là “quần đảo Trung Sa”.
Trong khi đó, theo số liệu năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Việt Nam có hơn 126.000 tàu cá. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 25.000 (xấp xỉ 20%) tàu có khả năng đánh bắt xa bờ.
Nguyễn Hưng
Mỹ lo ngại hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ sự quan ngại đối với việc Trung Quốc thành lập bộ máy chính quyền và triển khai quân đồn trú thuộc “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm của Việt Nam.
> Các ngón võ của Trung Quốc ở ‘Tam Sa’
> Nghị sĩ Mỹ: ‘Trung Quốc phạm luật’
> 5 ngòi nổ ở Biển Đông
![]() |
Một tàu hải giám của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua. |
Trong tuyên bố ngày 3/8, Bộ Ngoại giao Mỹ nói Washington lo ngại sự gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và đang theo dõi sát sao mọi diễn biến.
“Việc Trung Quốc nâng cấp bộ máy quản lý và lập đơn vị quân đội đồn trú tại Tam Sa là những hành động đối nghịch với những nỗ lực ngoại giao chung của các nước nhằm giải quyết những bất đồng và càng làm tăng thêm căng thẳng trong khu vực”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ.
“Mỹ kêu gọi tất cả các bên có những bước đi nhằm giảm căng thẳng”, văn bản của quyền phát ngôn viên ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell có đoạn.
Mỹ tiếp tục kêu gọi ASEAN và Trung Quốc thực hiện những biện pháp cần thiết để hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông, đồng thời khẳng định ủng hộ Nguyên tắc sáu điểm về Biển Đông của ASEAN.
Thượng viện Mỹ ngày 2/8 cũng biểu quyết thông qua nghị quyết S. Res 524 về Biển Đông, trong đó gồm cả 3 điểm trong phần lời tựa do Thượng nghị sĩ Jim Webb đề nghị đưa vào với nội dung lên án các hành động đơn phương gần đây của Trung Quốc, theo TTXVN.
Sau khi liệt kê một loạt các hành động gần đây của Trung Quốc như việc nâng cấp quản lý Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng nước phụ cận lên thành phố cấp huyện, bổ nhiệm lãnh đạo thành phố để kiểm soát hành chính đối với hơn 200 đảo, bãi cát và đá ngầm và vùng nước 2 triệu km2 và Quân ủy Trung ương Trung Quốc quyết định triển khai lính đồn trú tới khu vực này, phần lời tựa của bản Nghị quyết của Thượng viện Mỹ khẳng định những bước đi này trái với những nguyên tắc đã được thỏa thuận liên quan đến việc giải quyết tranh chấp và cản trở biện pháp hòa bình giải quyền tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Nghị quyết vừa được Thượng viện Mỹ thông qua tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với bản tuyên bố DOC năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc; khẳng định ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hòa bình, ổn định và sự phồn vinh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương; xác định Biển Đông là một khu vực hàng hải sống còn; ủng hộ nỗ lực của ASEAN cùng Trung Quốc sớm ký kết Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc pháp lý.
Trước đó vào cuối tháng 6, Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Sau đó “Tam Sa” được chính quyền Trung Quốc nâng cấp lên thành thành phố cấp khu vực. “Hội đồng Nhân dân Khóa I” của “Tam Sa” đã họp và tiến hành bầu Chủ tịch Hội đồng Nhân dân và Thị trưởng, với tham vọng quản lý cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi Việt Nam đã khẳng định chủ quyền.
Hành động này của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc và làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp. Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó đã gửi công hàm phản đối tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những việc làm vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam.
Hôm 20/7, Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập và triển khai quân đồn trú tại “Tam Sa”. Đơn vị này tương đương cấp phân khu, có nhiệm vụ quản lý các hoạt động quốc phòng, quân bị và thực hiện các hoạt động quân sự. Chưa đầy một tuần sau, các vị trí chỉ huy của cơ sở quân đồn trú, gồm tư lệnh và chính ủy, được chỉ định, và bị Việt Nam cũng như Philippines phản đối gay gắt.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng xác nhận một quân đồn trú khác ở Hoàng Sa trực thuộc hạm đội Nam Hải, phụ trách tác chiến hải quân trong khu vực Biển Đông mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Việt Linh