Khoảng lặng giải phóng

Chào các bạn,

Bạn nào đã tu tâm, cố gắng để tĩnh lặng, hiền dịu, nhân hậu, khiêm tốn, hòa nhã…, thì đương nhiên đều biết là tu tâm không dễ chút nào. Mình muốn hiền dịu, nhưng đụng chuyện ai làm gì đó xúc phạm mình là nổi điên lên, tìm cách ăn thua đủ ngay. Mình muốn khiêm tốn, nhưng ai đó nói gì đó đụng chạm mình trước đám đông là tìm cách quạt lại ngay….

Con người chúng ta là nô lệ của các thói quen phản xạ của ta. Muốn hiền nhưng làm dữ. Muốn khiêm tốn nhưng kiêu căng. Muốn bình thản nhưng lo sợ…

Chính vì vậy mà Phật gia nói giác ngộ hay đạt đạo tức là giải thoát—giải thoát ra khỏi vòng nô lệ của chính cung cách tư duy và hành động nô lệ của ta.

Người ta hay nói vào chùa đi tu để được giải thoát khỏi mọi khổ đau của đời sống trần tục. Các tuồng cái lương hay chèo cổ thường nói như vậy. Đương nhiên như thế là sai. Vì trong chùa cũng có tham sân si của người chùa. Tu là để giải thoát mình khỏi vòng nô lệ của chính mình. Mình không biết tự giải thoát khỏi vòng cương tỏa của trái tim vô minh của mình, thì ở chợ hay ở chùa mình vẫn cứ ngập trong si mê tội lỗi.

Tội lỗi trong nhà Phật không có nghĩa là sai, phản với đúng. Trong Phật triết, si mê là tội lỗi. Tâm còn si mê thì làm gì cũng sinh ra nghiệp tội, không lớn thì nhỏ. Khi tâm giác ngộ, mọi tội lỗi đều sạch, vì màn si mê biến mất. Lại nữa, người ta thường nghĩ rằng giác ngộ là “hiểu” được đạo pháp vô thượng, vì “ngộ” là “thấy”, “hiểu”. Nhưng nếu “hiểu” có nghĩa như là chúng ta “hiểu” 2 + 2 là 4, thì Phật triết cũng chẳng có gì là khó hiểu. Hiểu thế thì nghĩa l‎ý gì? Giác ngộ phải là một chuyển hóa toàn diện, từ trái tim còn nhiều nô lệ đến một trái tim được giải phóng hoàn toàn. Không một tư tưởng hay hành vi nào có thể làm chủ được trái tim giác ngộ. Trái tim giác ngộ làm chủ tất cả. Đó mới là giác ngộ.

Cho nên, chúng ta không nên hiểu giác ngộ chỉ là một hiểu biết kiến thức. Giác ngộ là giải thoát, giải phóng, to liberate, to free. Toàn diện, totally, completely, wholly.

Nếu chúng ta chưa giải phóng chúng ta được toàn diện như thế, thì chúng ta cũng cần phải tìm cách giải phóng chúng ta phần nào khỏi ách nô lệ của tư duy và hành xử phản xạ của ta.

Nếu ta có thể có một cái thắng “không làm gì” mỗi khi ta bị xung động—dù chỉ là vài giây hay vài phút, để tìm tĩnh lặng cho tâm—thì khả năng bị nô lệ của ta có thể giảm đến 80%.

Ngồi cùng bàn, ai đó nói một câu đụng chạm tự ái mình, thay vì quạt lại ngay, ta “không làm gì” trong vài giây và tự bảo: “Tôi phải tĩnh lặng”.

Thấy nàng ngồi sau xe của anh chàng nào đó, thay vì nổi điên hay choáng, thì “không làm gì” vài phút và tự bảo: “Tôi phải tĩnh lặng”.

Ai làm điều gì đó có thể mất mặt mình, thay vì lo sợ, thì “không làm gì” vài phút và tự bảo: “Tôi phải tĩnh lặng”.

Anh đó thất hẹn với mình, thay vì bực mình, thì “không làm gì” vài phút và tự bảo: “Tôi phải tĩnh lặng”.

Vấn đề là không phải thiên hạ hành xử đúng hay sai với mình. Vấn đề là mình tĩnh lặng dù thiên hạ hành xử đúng hay sai. . Hầu như 98% số người đọc sách Thiền, sách đạo, hay ĐCN, kể cả nhiều vị tu sĩ của các tôn giáo, không nắm được chân l‎ý giản dị này. Họ chỉ có thể tĩnh lặng khi người kia “đúng” và không tĩnh lặng–buồn, bực, thất vọng, điên—khi người kia “sai”. Nói thế thì nói làm gì? Nói thế thì tu làm gì?

Một cái thắng chỉ vài giây hay vài phút ngắn ngủi, và câu thần chú giản dị “Tôi phải tĩnh lặng”, nếu bạn làm được thường xuyên với mọi xung động hàng ngày, thì con đường giải thoát của bạn đã đạt được đến 80% và cuộc đời của bạn đã an lạc hơn được đến 80%.

Chúc các bạn một ngày an lạc.

Mến,

Hoành

© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

6 thoughts on “Khoảng lặng giải phóng”

  1. Hi anh,
    Em có hai việc muốn hỏi anh.
    Thứ nhất, em thấy cái Tôi trong Tư duy tích cực có gì đó rất thú vị, và linh hoạt nữa. Nó khác với cái Tôi mà ta gặp hàng ngày, ta phải chiến đầu hàng ngày, anh có thể nói rõ hơn được không?
    Thứ hai, em không rõ là nhà mình đã có post bài trên facebook chưa? Em nghĩ để Tư duy tích cực có thể đến với nhiều người hơn, thì nên có thêm 1 page trên đó. Nếu anh không phiền, em có thể creat 1 page, và up link, cũng như re-post các bài viết trên đó được không? Em nghĩ để có người theo, thì phải có rất nhiều người biết về Đọt chuối non, và tư duy tích cực.
    Chúc anh một ngày tích cực!
    Tự chúc mình, một ngày: Tôi phải tĩnh lặng.
    Em Thắng!

    Like

  2. Hi Thắng,

    Câu hỏi thứ nhất của Thắng: Em thấy cái Tôi trong Tư duy tích cực có gì đó rất thú vị, và linh hoạt nữa. Nó khác với cái Tôi mà ta gặp hàng ngày, ta phải chiến đầu hàng ngày, anh có thể nói rõ hơn được không?

    Anh không chắc về câu hỏi của em lắm, nhưng anh có thể phỏng đoán ý em.

    — Đối với đời sống hàng ngày của người bình thường: Cái tôi là phản nghĩa của khiêm tốn.

    — Ở một mức sâu hơn, cái tôi đạt đến hàng “có mà là không, không mà là có” của Bát Nhã Tâm Kinh. Tôi có (hiện hữu) nhưng tôi không có (hiện hữu),

    Vì dụ cụ thể nhất là một người hy sinh chết vì tổ quốc–tôi có hiện hữu, nên sự hy sinh của tôi là có giá trị. Nhưng đối với tổ quốc, cuộc đời của riêng tôi chẳng nghĩa lý gi, coi như là không có, nên chẳng lý do gì tôi cứ phải ôm nó. Các Bồ tát cũng thế, tôi có (hiện hữu) nên tôi sẵn sàng hy sinh thân tôi để giúp anh. Nhưng tôi cũng không có (hiện hữu) nên chẳng lý gì tôi lại bám víu vào đời sống của tôi.

    Tức là,cùng một lúc chúng ta quan tâm về chính mình (Tôi có phật tính trong tôi) cũng một lúc mình không quan tâm về chính mình–tôi là Không.

    Về facebook thì ĐCN đã có một trang ĐCN Leadership on facebook do Hoàng Khánh Hòa quản lý. Nhưng nếu em muốn làm thêm một trang anh nghĩ cũng tốt thôi.

    Like

  3. Hì,
    Em cảm ơn anh.
    Em hiểu nhiều hơn rồi.
    Thật ra ban đầu định hỏi và làm rõ về cái tôi tự chủ và cái tôi cá nhân, tự cao:) Nhưng sau câu trả lời của anh, em nghĩ là không cần phải hỏi, bởi chỉ nên quan tâm tới cái ta thực sự cần, là tôi có mà không, tôi tự chủ thôi đúng không anh!
    Còn về facebook, em sẽ qua trang của bạn Hòa sau đó sẽ có phương án phù hợp.
    Cảm ơn anh thêm lần nữa^^

    Like

  4. Khoảng lặng giải phóng.
    Rất cần một khoảng lặng như thế khi các xung động phát khởi lên trong tâm ta.
    Nếu không có khoảng lặng đó, ta sẽ bị các xung động sai khiến, và khi bình tĩnh lại, ta sẽ hối hận.
    Khoảng lặng đó giúp ta kịp quay về chân tâm trong sáng.

    Like

  5. Hi a Hoành,

    Đọc những bài viết của a giúp e cải thiện bản thân rất nhiều, thank a so much!
    E có 1 thắc mắc là khi đọc tiểu sử của những thiên tài lừng lẫy như Bill Gate,W. Buffet, Soros, Henry Ford hay Steve Jobs thì e nhận thấy họ là những người rất nóng tính, không khiêm tốn hòa nhã, mà đặc điểm chung là rất tự tin, làm việc hết mình, kiên quyết & có phần tự cao tự đại, thẳng tay với đối thủ cạnh tranh chứ ko 1 chút nhường nhịn hay mềm mỏng với đối thủ. Liên hệ với các bài học của a, e thấy có chút mâu thuẫn giữa tính cách của các vĩ nhân e ngưỡng mộ & cách xây dựng con người theo những bài học của a & của các anh chị trong vườn chuối. Vì vậy e hơi confuse là sẽ xây dựng tính cách bản thân theo hướng mạnh mẽ, quyết đoán, cứng rắn hay theo hướng mềm mỏng, hòa nhã, khiêm tốn?
    Rất mong nhận được góp ý của a!
    Chúc a vui,
    E Minh

    Like

  6. Hi Minh,

    Câu hỏi của em rất hay.

    Khi em làm việc, nhất là cạnh tranh trong thương trường, sẽ có nhiều lúc em phải quyết đoán và làm các quyết định khó khăn ngay tức thì. Nhưng quyết đoán và cứng rắn không phải là đối chỏi với khiêm tốn hòa nhã. Ngày xưa nhiều kiếm sĩ Nhật là Thiền sư. Và chùa Thiếu Lâm nổi tiếng là cái nôi võ học của Trung quốc. Cái tâm của mình nhân ái, khiêm tốn, hòa nhã là một chuyện, mình đụng ăn cướp đánh cho cậu nằm dài lại là một chuyện khác.

    Chưa chắc các vị em đọc là người không hòa nhã đâu. Như Bill Gates chẳng hạn rất quyết đoán trên thương trường, nhưng theo anh nhận thấy là người rất hòa nhã, yêu người, chi tiền nhân đạo nhiều nhất trên thế giới. Steve Jobs nổi tiếng là người sống cho lý tưởng hippy của thời 1960s, rất hòa bình. Warren Buffet nỏi tiếng là người tử tế lương thiện.

    Khi em tập được tâm khiêm tốn, nhân ái, hòa nhã thì em có thể tự do làm việc khi mạnh khi yếu tùy em. Nhưng em làm chủ hành động của mình.

    Còn em không kiểm soát tâm em khiêm tốn nhân ái được thì lúc nào em cũng chỉ là nô lệ của các thói xấu như căng thẳng, gắt bẩn, gây lộn, ích kỷ… rất khó thành công, và dễ bị bệnh chết sớm nữa.

    Like

Leave a comment