Chào các bạn,
Mỗi khi có vấn đề gì đó với một người thân—một người bạn, người yêu, bố mẹ, anh chị em, vợ chồng, bạn liên doanh—thói quen tự nhiên của chúng ta là nhìn vào các hành động và lời nói người ấy, rồi suy đoán—anh ta nói vậy là ý muốn thế này, làm vậy là thiếu thành thật thế này, cư xử thế này là có ý nghĩa này–rồi tùy theo những suy đoán đó mà ta kết luận, vui, buồn, giận, nóng, khóc lóc, stress…
Cách làm việc đó quá hợp lý—đương nhiên là phải tìm hiểu hành động trước rồi mới tùy theo đó mà phản ứng—cho nên nhiều người chúng ta nằm trong cái bẫy “phản ứng hợp lý’’ đó cả đời, không ra được.
Cách làm việc theo lối phản ứng như vậy có vài vấn đề:
1. Nhận xét của ta về hành động của người kia thường không đúng, ta có thể hiểu lầm rất dễ dàng. Hơn nữa, khi có vấn đề, ta thường bị stress hay nóng giận, cho nên nhận xét của ta về hành động của người kia thường là sai–hoặc là ta hiểu sai nghĩa hoàn toàn, như là một hành động vô tội vạ ta thấy nó thành có tội; hoặc là bị phóng đại quá lớn, như lỗi người ta chỉ như đụn mối mình lại thấy nó thành núi Ngũ Hành Sơn.
2. Và dù nhận xét thế nào đi nữa thì đó cũng chỉ là “phản ứng”—tùy theo nhận xét mà phản ứng, đó rất là bị động, vì phản ứng là bị động.
Cách làm việc chủ động và chính xác hơn là nhìn toàn vấn đề với cái nhìn tình yêu. Cách nhìn này rất dễ dàng, nhưng cũng cần phải thực tập thường xuyên nhiền lần mới có thể thuần thục.
1. Trước khi phân tích và nhận xét vấn đề với một người thân, ta cố giữ tĩnh lặng–ngồi thiền cho tĩnh lặng, hoặc cầu nguyện cho tĩnh lặng–rồi nghĩ đến những lúc ta đã thân mật, gần gũi, yêu ái với người đó trong quá khứ, tức là lúc tình cảm của mình và người đó rất nồng đậm. Tập trung vào thời điểm đó với các nồng ấm đó và để cho cảm giác yêu ái nồng ấm đó tràn ngập con người mình. (Cách khởi đầu này là cách “khởi lòng từ” mà luận sư Phật Âm (Buddhaghosa) đã viết trong The Path of Purification – Thanh Tịnh Đạo).
Được như thế rồi, thì giữ cảm giác yêu ái nồng ấm đó trong lòng và bắt đầu “nhìn” hành động, lời nói và các ứng xử của người kia lúc này, “nhìn” (quán) mà không suy đoán gì cả. Từ đó ta có thể thấy các hành động của người kia với con mắt tĩnh lặng và yêu ái, và có thể nhận ra các ý nghĩa mới, tích cực hơn. Ví dụ: Cách nhìn đó có thể cho ta thấy những lời mẹ vừa mắng vừa rồi là tràn đầy tình yêu nồng ấm với mình, chứ không phải là bà chằng lạnh lùng như mình đã nghĩ trước đó.
Nếu lúc “nhìn” đó mà lòng mình lại bị xung động, lại nổi giận lên, thì ngưng nhìn; quay lại nhìn thời nồng ấm thân thiết cũ để lấy lại cảm giác yêu ái nồng ấm, rồi mới quay lại nhìn chuyện lúc này với cảm giác yêu ái nồng ấm đó.
Tức là, ta luôn luôn nhìn vấn đề qua lăng kính tình yêu, và không nhìn vấn đề qua những xung động–giận, ghét, hờn tủi, lo sợ–của trái tim. Nhìn qua xung động có nghĩa là ta là nô lệ của những xung động trong tim mình. Nhìn với tình yêu là ta chủ động nhìn vấn đề qua lăng kính tình yêu mình tự tạo ra.
Cái nhìn với tình yêu như vậy khác với cái nhìn xung động trong mọi trường hợp—có khi là đổi đen thành trắng, biến hiểu lầm và giận dữ thành dấu ái; có khi làm vấn đề thành nhỏ lại, hồi nãy thấy vấn đề như Ngũ Hành Sơn, bây giờ thấy nhỏ như đụn mối; có khi thấy vấn đề cũng như vậy, nhưng lòng mình lại thấy thương cảm hiểu biết hơn chứ không giận dữ như trước…
Đây là một kỹ năng của tình yêu, nếu muốn tập thì thực sự là không khó. Nếu bạn có quyết tâm thực hành, thì chỉ khó những lần lần đầu; với thời gian việc thực hành sẽ dễ ra. Và đây là một kỹ năng rất quan trọng—vì (1) nó chính là “từ tâm” và “yêu người” trong thực hành và (2) trong mọi trường hợp mà bạn thực hành, bạn đều thấy được vấn đề thành sáng sủa hơn cho bạn rất nhiều.
Mức kế tiếp là dùng cách thực tập từ tâm này đến những người không nằm trong vòng thân tình của ta.
Nhưng ngay lúc này hãy dùng nó để làm cho các liên hệ thân tình của ta với cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, người yêu… trở thành bền vững.
Chúc các bạn một ngày yêu ái.
Mến,
Hoành
© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Anh Hoanh oi, em vẫn hằng ngày đọc và âm thầm thực hành những điều anh viết. Thế nhưng khó khăn quá anh ơi, em cứ cố nhịn, nhẫn, yêu thương để sống được bình an, nhưng có khi em thấy cách sống của mình là quá nhục không anh khi mà người ta chửi cả cha mẹ, gia đình mình, hồ đồ phán xét, kết án mọi thứ v.v… em uất ức im lặng, vẫn rất cố gắng nhưng sợ không thắng nổi bản thân mình rồi anh Hoành ơi. Mong anh cho em lời khuyên trong lúc khó khăn này.
ThíchThích
Hi Peomemory,
Rất khó cho anh tư vấn em khi anh không biết chi tiết mọi chuyện.
Nhưng nếu em muốn anh tư vấn chung chung thì anh tư vấn em thế này.
1. Người hồ đồ phán xét kết án cha mẹ mình, gia đình mình, thì là chuyện thường. Thế gian số đó rất đông, đặc biệt là nếu gia đình em là hàng đại gia hay quan chức. Nếu gia đình em thuộc hàng như thế, hay hàng nổi tiếng như ca nhạc sĩ, mà bị thiên hạ ăn nói hồ đồ, mà em quan tâm thì đúng là em rất ngớ ngẩn. Đó cũng là tự nhiên như ban ngày thì có nắng ban đêm thì không nắng. Hơi đâu mà để ý. Đó chỉ là cái giá đại gia và người nổi tiếng phải trả.
Hồi xưa, từ khoảng 1989, anh chẳng làm gì cả, ngoài trừ muốn giúp nước VN có bang giao tốt với thể giới và có thêm các tư tưởng giáo dục đời mới cho các chuyên gia, cho nên anh bỏ thời giờ về VN dạy luật, đưa người về Vn dạy học, vận động quốc hội và tổng thống Mỹ thiết lập bang giao với VN. Chỉ vậy thôi mà anh bị đủ mọi thứ tai tiếng–hấu như em mở tự điển có từ nào là anh bị một cái mũ tên đó–Việt Cộng, CIA, chống cộng thứ gộc, điên, con bò (ngu), ngây thơ, cực kỳ nguy hiểm, yêu nước… Những người theo anh bị đe dọa bỏ anh hàng loạt. Anh thì bị đì bởi đủ mọi lọai phe nhóm chính trị trong và ngoài nước VN. Anh có nói gì thì cũng chẳng ai tin–bởi vì mọi người có phe để đánh nhau cả, tự nhiên có một mình anh chẳng phe nào, nên phe nào cũng đoán trắng đoán đen lung tung. Những người đi theo anh thì cứ sợ anh bị nguy hiểm từ mọi phía… Anh nói chung chung vậy, nhưng không muốn vào các chi tiết cụ thể, hy vọng đủ để em hiểu vấn đề. Nếu anh quan tâm về các chuyện đó, anh chắc chắn là đã chết sớm vì stress rồi , khỏi cần ai phải làm gì. Đôi khi thiên hạ suy đoán đồn đãi lung tung về mình chỉ vì mình không giống ai thế thôi. Hơi đâu mà để ý.
2. Nếu em thực sự thấy có những đồn đãi thực sự có hại cho gia đình em và em cần phải bảo vệ bằng cách làm gì đó thì anh khuyên em nên làm việc này:
a. Gặp một luật sư có uy tín, nói chuyện với người ấy và hỏi ý kiến người ấy đó là việc có cần phải quan tâm không?
b. Và nếu phải quan tâm thì nên làm gì?
Nếu em phải làm gì thì nên làm chuyên nghiệp, tức là có tư vấn chuyên nghiệp.
Nếu luật sư đó noi chẳng có gì phải quan tâm thì có lẽ là em chỉ đang tự ái vặt không cần thiết. Gạt nó đi.
Em khỏe nhé.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Em cảm ơn anh Hoanh nhiều.
Thực ra chỉ là chuyện vợ chồng, và mâu thuẫn giữa con rể với mẹ vợ. Em thấy nhục thấy uất ức khi phải nhịn và nghe những lời óan trách, hồ đồ, bạc bẻo từ chồng mình đối với cha mẹ mình, gia đình mình, bản thân mình…em bị tổn thương ghê gớm. Em đã và vẫn đang nhịn, đang cố gắng tha thứ, yêu thương, vì con, vì giữ gìn sự bình an gia đình, nhưng mà như em nói anh đó, em đang tự hỏi có phải là mình đang sống nhục quá không anh à, có phải mình nhịn người không đáng nhịn không, có phải mình tha thứ cho người không biết phục thiện không? có ích gì không khi phải sống thế này, hay để cho mọi thứ tan vỡ hết đi, mọi sự tùy duyên….
ThíchThích
Hi Peomemory,
Bây giờ em cho anh một chút chi tiết đế anh có thể tư vấn cho em tốt hơn.
Nếu chồng em không tôn trọng gia đình em, thì gốc rễ là vì em và chồng em có vấn đề. Gia đình em là chuyện phụ, chuyện chính là em và chồng em. Và một chuyện phụ nữa là chồng em chưa trưởng thành. Dù mình có vấn đề gì với vợ, và ngay cả khi mình có vấn đề thật với bố mẹ vợ, thì bố mẹ vợ vẫn là bố mẹ của mình và cần mình có tư cách lễ độ dù bố mẹ vợ có đúng hay sai.
Nếu vậy thì anh khuyên em nói câu này với chồng em, một cách dịu dàng và lịch sự, nhứng chắc chắn và rõ ràng. Mỗi chữ phải đi ra một cách chắc chắn, rõ ràng, chậm rãi. Nói lúc nào thì tùy em, nhưng cách nói phải là dịu dàng, lịch sự, chắc chắn, châm rãi: “Chúng mình có thể có vấn đề với nhau, nhưng em mong là anh tôn trọng bố mẹ em như bố mẹ anh, và không mang bố mẹ em vào vấn đề của chúng ta. Em không muốn nghe gì về bố mẹ em cả. Nếu anh muốn nói về bố mẹ em, em chỉ muốn nghe anh nói với một thái độ kính nể và tôn trọng.”
Em nói nguyên văn như anh nói vậy. Và dù chồng em phản ứng thế nào giân dữ, ly’ luận, chửi bới, mạ ly., thì em cũng không nói gì hết. Nín thinh 100%. Và cũng không giận dữ khó chịu gì hết. Thái độ (thầm lặng, không nói ra) trong tâm của em nên là: “Em nói chuyện em phải nói. Anh làm chuyện anh nên làm.”
Không cần phải nhịn nhục nín thinh vì con hay vì gì cả. Nếu chồng mình sai rõ ràng, ít nhất mình phải có một lần vạch ra rõ ràng là “anh sai”. Rồi chuyện gì đến thì mai mốt tính sau.
Anh không nói là em gây lộn với chồng em. Anh nói là em ít nhất là một lần, nói thẳng cho chồng em biết là đó là thái độ em cho là không đúng và em yêu cầu chấm dứt. Em có nhiệm vụ nói ra điều đó. Nói dịu dàng, chắc chắn, tự tin, nhưng tuyệt đối không gây lộn. Hiểu hay không là chuyện riêng của chồng em. Để đó từ từ xem thế nào. Bây giờ em nên làm chuyện em phải làm thôi—đó là giáo dục, không phải là gây lộn. Và giáo dục thì không bao giờ đi ngược nhẫn nhục.
Em khỏe và vui nhé.
A. Hoành
ThíchThích
Vâng, em vẫn giữ thái độ thiện chí và ôn hòa với chồng em như thế. Đúng là có những người không chịu trưởng thành anh ạ, thế mới nói ra lời nào là làm tổn thương mọi người xung quanh. Khổ tâm có vẻ phần mình, người bị kẹt ở giữa, là khổ nhất!
Vâng, Em sẽ tiếp tục nói và làm như lời anh khuyên. Em rất cảm ơn anh Hoành đã quan tâm dìu dắt, và …xin lỗi mọi người nếu em đã phiền mọi người phải….sa vào chuyện riêng của mình.
Em cố gắng sống tích cực. Chuc vườn chuối luôn vui khỏe!
ThíchThích
Khởi lòng từ trước khi phân tích nhận xét, trước khi nói gì làm gì, là điều vô cùng cần thiết cho bất cứ ai muốn tu tâm.
Khởi lòng từ bằng thiền định hay cầu nguyện. Trong cuộc sống thường ngày, ta có thể “khởi lòng từ nhanh” – khi chớm thấy lòng mình sắp nổi lên xung động – bằng những câu ngắn như: “Nam mô Adiđà Phật” hoặc “Xin Chúa canh chừng con” hoặc bất cứ câu gì có thể giúp tâm bạn trở về với tĩnh lặng.
Đọc nhiều, nghĩ nhiều, nói nhiều, viết nhiều (miễn đừng làm phiền ai) về những điều thiện, tích cực để cấy ngày càng nhiều hạt giống thiện, tích cực ấy vào tàng thức mình, thay thế những hạt giống bất thiện, tiêu cực đã xâm nhập và ẩn núp ở tàng thức ta trong bao tháng năm qua…sẽ giúp ta khởi lòng từ dễ dàng và nhanh hơn.
Vì vậy mà tôi hay đọc và chia sẻ ở ĐCN, dù là về những điều mà mọi người đã biết hết rồi…
ThíchThích
Cảm ơn mọi người! h.nay em lại học được một bài học nữa về yêu người,
Em đang thực tập việc “không tranh cải” và em thấy rằng em dễ dàng khiêm tốn, nhẫn nhịn đối với những người em yêu thương nhưng cùng điều đó lại thật khó khăn đối với những người em không thích, cho nên trong quá trình thực tập em cũng cố gắng tu tập lòng nhân ái làm nền tảng cho mình,
Phương pháp “khởi lòng từ ” này rất hiệu quả khi chúng ta dùng để tu tập lòng nhân ái đối với mọi người xung quanh mình, bởi vì em cũng có chút ít kinh nghiệm trong phương pháp này,
Mỗi lần em cảm thấy bất hòa với một ai đó, làm em cảm thấy bực bội, khó chịu…là em cố gắng bình tĩnh và suy nghĩ về những việc làm tích cực mà người đó đã từng làm cho mình, nhớ lại hình ảnh mà lúc đó người đó đã từng yêu thương mình,
cụ thể như là:
Bạn Hùng… đã vui vẻ cho mình mượn một cây viết trong đợt đi thi học kỳ vừa rồi,
Ba mình…đã vội vàng chạy đi mua sữa cho mình và hết lòng động viên khi nghe tin mình đăng ký tham gia vào cuộc chạy đua maraton ở huyện,
Em gái mình… hay dành cho mình những món quà nhỏ nhắn, dễ thương nhất, do tự nó làm ra cho mình,
….
Khi suy nghĩ đến những điều đó bỗng nhiên em cảm thấy xúc động, yêu thương người đó hơn, và sự hờn giận, bực tức không còn nữa!
Đây là một phương pháp chuyển hóa tâm trạng rất kỳ diệu, nhưng vấn đề là chúng ta có luôn nhớ và thực hành phương pháp này hay không,
Một vài chia sẽ chúc mọi người một ngày vui nha!
Ah, em cảm ơn a. Hoành vì anh đã chia sẽ kinh nghiệm thực hành nhẫn nhục của anh năm lớp 11 để động viên em và các bạn, đó là một chia sẽ quý báu đối với em!
Chúc a luôn khỏe!
ThíchThích
Dear Peomemory,
Mình xin góp vào câu chuyện của bạn một chút nhé.
Mình muốn nói một chút về nhịn nhục và yêu thương trong quan hệ vợ chồng. Mình nghĩ nếu mình cố gắng yêu thương và thành công (tức mình thật sự giữ cho mình yêu thương được) thì bạn sẽ không thấy nhịn là nhục nữa. Yêu thương sẽ giúp bạn sẽ có nhiều cảm thông và dễ thấy cái đúng của người bạn yêu thương. Trong trường hợp rõ ràng họ sai, bạn sẽ dễ dàng vượt qua và không chấp. Năng lượng tiêu cực của sự sai trái sẽ được tình yêu thương của bạn hóa giải mà không đọng lại trong bạn.
Nếu chỉ cố gắng nhịn mà không đủ yêu thương, bạn sẽ có cảm giác nhục, bức bối, thậm chí có thể căm hận. Đó là khi năng lượng tiêu cực truyền sang bạn mà bạn không trút bỏ, không hóa giải được. Thật ra nhịn như vậy lâu ngày cũng nguy hiểm lắm – bạn có thể sẽ bị stress, bạn có thể sẽ mất sạch khả năng yêu thương với người kia, bạn sẽ khó có thể truyền cho con bạn tình yêu thương với bố nó, bạn có thể bùng lên một ngày nào đó và làm điều gì đó kém sáng suốt khi không còn kiểm soát được năng lượng tiêu cực trong mình…
Vậy nên Linh nghĩ điều rất quan trọng khi nhịn là nhịn vừa với sức mình, cố một chút, nhưng đừng quá cố . Nếu muốn nhịn nhiều hơn thì phải vun xới yêu thương nhiều hơn. Yêu thành thật, yêu từ trong tâm, không phải chỉ là hành xử. Để năng lượng tích cực trong mình đủ hóa giải năng lượng tiêu cực mình nhận lãnh. Khi thấy các cảm xúc tiêu cực ngày càng tăng – tức vượt quá khả năng hóa giải của bạn – thì phải tìm một biện pháp nào đó để … xì ra, để giảm xuống, và hạn chế mọi khả năng, mọi bối cảnh để không tăng thêm nữa – vdụ như né tránh hoàn toàn những chuyện có thể đề cập đến bố mẹ, gia đình bạn, thậm chí yêu cầu chàng trai của bạn đổi chủ đề hoặc bạn sẽ đi ra ngoài. Đôi khi cũng phải ngăn người kia tiếp tục đổ năng lượng tiêu cực sang mình – vượt quá khả năng hóa giải của mình. Miễn là bạn vẫn biết và tâm niệm rằng đó là biện pháp cuối cùng, chỉ vì mình còn kém – so với việc mình có thể nhịn (và hóa giải) được nhiều hơn – ngày mai mình sẽ cố gắng hơn. Miễn là bạn biết rằng, năng lượng tiêu cực mà người kia không đổ được sang bạn, nếu họ không tự hóa giải được cũng sẽ tích tụ trong họ, hại họ và hại lây sang bạn một ngày nào đó.
[@ anh Hoành: Hình như đụng chuyện mới biết em … dữ hơn em nghĩ về mình! :(]
ThíchThích
Những góp ý của mọi người rất rõ ràng và chân tình. Mình chỉ muốn chia sẻ sự cảm thông với bạn Peomemory và góp thêm một ý nhỏ. Mình thấy nhẫn nhịn với người ngoài, hay nói cách khác là « tu chợ», đôi khi dễ hơn nhẫn nhịn với chính người thân, tức là « tu nhà ». Lỡ đụng chuyện với ai ngoài đường hay ở chỗ làm thì mình có thể nghĩ: bất quá mình né chỗ khác, lát nữa « nó » về nhà « nó » mình về nhà mình, mình đâu sống chung với « nó » mà cãi cọ làm chi cho mệt ! Nhưng đụng chuyện với chính người thân thì không né đi đâu được vì đó là người thân của ta, ta phải sống với người đó! Mà tại sao người thân của ta, sống chung với ta mà không hiểu ta ?… Và cứ thế mà ta tức điên lên! Thế nên mới có câu :
Thứ nhất là tu tại gia
Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa
Về việc góp ý, bên cạnh những giải pháp mà anh Hoành, Q. Linh, anh Thảo… đã đề nghị, mình nghĩ bạn thử cố gắng nhớ đến ưu điểm nào đó của chồng, hay kỷ niệm đẹp nào đã từng có giữa 2 vợ chông, dù là chuyện nhỏ xíu. Mà không chỉ nhớ trong đầu, hãy lựa lúc phù hợp (trong không khí bình thường, không căng thẳng) nhắc lại và bày tỏ sự trân trọng, sự nhìn nhận hoặc quí mến (một cách thành thật) của bạn đối với chồng bạn về ưu điểm đó hay kỷ niệm đó. Nói những điều tốt đó để thêm năng lượng tích cực trong chồng bạn lẫn trong chính bạn. Nếu chồng bạn « chưa trưởng thành » như bạn nói thì càng cần khen ngợi những ưu điểm của anh ấy như đối với trẻ em vậy. Trẻ con được khen ngợi điều gì đó thường sẽ cố gắng cho xứng đáng với điều đó. Mà có khi không chỉ có chồng bạn đâu. Người ta có câu: « Đàn ông là những đứa trẻ to xác » (nói vậy các anh Vườn Chuối có cảm thấy bị đụng chạm gì thì cũng … ráng chịu nha 🙂 ! Đó là danh ngôn chứ không phải mình sáng tác đâu 🙂 )
ThíchThích
Kính chào anh Hoành,
“Cái nhìn” này giống như là
“Thức dậy miệng mỉm cười
Hai bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời”
Câu cuối em dịch là “to look the life with loving eyes”, đúng hông, anh Hoành? Em xin lỗi vì hỏi hơi ngoài lề, vì tự nhiên bài viết này của anh làm em nhớ tới mấy câu kệ của thầy Nhất Hạnh. Em vẫn thường tập “từ tâm quán chiếu”… Bài viết của anh “đời” hơn những lời pháp thoại cao xa, em có cảm tưởng như anh rất giỏi trong việc đem đạo vào đời và em phải học anh nhiều.
Kính cám ơn anh và sự chia sẻ, thảo luận của cả vườn. Chúc cả nhà khỏe,
Em Nga
ThíchThích
Rất cảm ơn Quỳnh Linh, Thiện Châu, anh chị Vườn Chuối về những chia sẻ, dẫn dắt.
Đúng là cứ thấy mình đi ngược dòng nước, khổ sở, thiệt thòi….thế mới thấy nội công của mình còn kém xa.
Vâng em sẽ cố “chế tác” năng lượng tích cực để hóa giải năng lượng tiêu cực nơi mình, và hy vong (dù mong manh) là chuyển hóa luôn được năng lượng tiêu cực của “người kia”. Mong là “Luật hấp dẫn” vẫn hoạt động tốt theo cách của nó.
Và, “Xin Chúa canh chừng con !!!”
Chúc anh chị luôn khỏe.
ThíchThích
Hi Pememory,
Em “hy vọng là chuyển hóa luôn năng lượng tiêu cực của người kia” cũng được. Nhưng đừng chú tâm vào điều đó. Nếu em chú tâm vào điều đó là em đi lạc đường.
Chỉ có MỘT chỗ em cần chú tâm là trái tim của chính em–dịu dàng, yêu ái, tích cực. Chỉ vậy thôi. Tập trung 100% năng lực vào đó. Không còn năng lực nào cho chỗ khác.
Rồi trái tim của em sẽ tự tạo ra năng lượng âm thầm nhưng tích cực của nó, và năng lượng đó sẽ tự nó làm việc. Kết quả đến đâu tự nó đến (vì kết quả lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố em không biết dược).
Cho nên tập trung 100% năng lực vào việc nuôi dưỡng trái tim của em, đừng mất năng lượng quý báu vào việc khác.
ThíchThích