Understatement

Chào các bạn,

“Sơn Bạch Tuyết tuyệt hảo! Màu sắc đẹp nhất trong thiên hạ! Nhà của bạn sẽ hấp dẫn nhất thành phố!” Hay, “Giới thiệu đến quý‎ vị người nữ ca sĩ duyên dáng nhất nước”. Các loại quảng cáo kiểu này gọi là overstatement, nói quá đáng, nói phóng đại. Understatement là ngược lại, là nói nhẹ hơn sự thật. Ví dụ: Chàng vừa bị đụng xe vào nằm bệnh viện một tháng, và chàng nói: “Tai nạn này cũng hơi bất tiện cho mình.” Hay vị bác sĩ mới phát minh ra thuốc chống ung thư phổi nói: “Cám ơn các bạn quan tâm đến đóng góp nhỏ của tôi.”

Chúng ta có thể nhận ra ngay là overstatement không nghệ thuật bằng understatement. Overstatement thường dùng nhiều nhất trong truyện hài (“hắn có cái đầu to tròn bằng cái thúng”), quảng cáo cho người bình dân (“thần dược làm bạn trẻ trung và sexy mãi mãi”), thơ tình của người mới tập làm thơ (“Ôi, trái tim anh thổn thức hằng đêm nhung nhớ đôi mắt liêu trai thăm thẳm của em”), tuyên truyền chính trị (“đi ngược lại đường lối này là phản động bán nước”).

Understatement, đằng khác, luôn luôn có vẻ khiêm tốn, tĩnh lặng, làm người nghe có cảm tình ngay với người nói và vì thế người nghe thường tự động điều chỉnh “sự thật” dùm cho người nói. Vi dụ: “Giới thiệu với các bạn, Thanh Hà, cô con gái của tôi cũng biết đánh piano chút đỉnh, sẽ đánh vài bản giúp vui.” “Này này ông bạn, sao ông bạn hạ giá con gái thế? Cô ấy mới giật giải Chopin International ở Bangkok tuần trước đấy các bạn a.” Dù người nghe không điều chỉnh ngoài miệng như ví dụ này, thì họ cũng thường điều chỉnh âm thầm trong đầu.

“Nàng quay đi, bước rất nhanh. Tôi đứng đó, nhìn theo làn tóc của nàng bay bay giữa những dãi nắng chiều vàng, cho đến khi nàng biến mất sau những hàng cây. Và tôi không quen một người đàn bà nào khác, cho đến 15 năm sau đó.” Chẳng cần phải nói tôi khóc, con tim tôi tan vỡ, tôi đau đớn đến điên cuồng…, rất understating, nhưng người đọc có thể cảm nhận được cảm xúc rất mạnh của một lặng im.

“Hành động của Trung quốc trong tranh chấp Biền Đông rất là thiếu công bình (unfair)”. Câu nói như thế này có hiệu lực rất mạnh trong các hội nghị quốc tế cao cấp, thay vì “TQ là côn đồ” thì chỉ làm cho người ta ghét mình mà thôi.

Roosevelt nói trong bài diễn văn nhậm chức lần đầu: “Tuy nhiên, trong trường hợp Quốc hội không chọn một trong hai tiến trình này, trong trường hợp mà tình trạng khẩn cấp quốc gia vẫn còn nghiêm trọng, tôi sẽ không lảng tránh con đường nhiệm vụ rõ ràng đối diện tôi lúc đó.” Câu này là understatement của câu: “Nếu các cậu không làm gì cả, thì tôi đi đường tôi một mình với nhân dân, cóc cần các cậu.”

Understatement vừa khiêm tốn và tế nhị, vừa cho người nghe cơ hội “điền vào chỗ trống” hay “điều chỉnh sự thật trong câu nói lại cho mạnh đúng độ”, cho nên nó thường đương nhiên lôi kéo đồng minh cho người nói.

Understatment rất ít khi đụng chạm ai, vì nó luôn luôn nhẹ hơn sự thật, một nhẹ nhàng vì nghệ thuật nói chuyện, không phải vì không hiểu vấn đề cho nên dùng từ không đúng mức.

Vấn đề duy nhất của understatement là đôi khi mình tế nhị quá người nghe không nắm được ý‎ mình. Cho nên, khi dùng understatement ta phải hiểu những người nghe/đọc mình là ai để understate vào mức vừa đủ với họ.

Trong các nhóm cao cấp, người ta thường nói chuyện bằng understatement. Nó cho thấy người nói rất chín chắn, tĩnh lặng, tế nhị, dễ nói chuyện, dễ làm thân, và rất giỏi trong việc sử dụng ngôn ngữ.

Chúc các bạn một ngày hơi vui.

Mến,

Hoành

© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

9 thoughts on “Understatement”

  1. Chính cái phần tự điều chỉnh, tự điền đầy theo hướng tích cực và tốt hơn về nhau khiến người ta dễ thấy gần nhau và đồng cảm hơn … Cám ơn anh Hoành. 🙂

    Like

  2. Theo Lão Tử: “Vật cùng tắc phản – Vật cực tắc biến”.
    Mỗi vật, khi mà đi đến cực độ thì phải biến – mà biến, thì lại biến trở về cái đối đích của nó: Phải biến Quấy, Nên biến Hư, Sống biến Chết, Lạnh biến Nóng, Vinh biến Nhục, Thiện biến Ác…hoặc ngược lại.
    Tôi chưa hiểu sâu sắc được luật “Phản Phục” nầy của Tạo Hóa, nhưng tôi thường nghe những câu nói bình dị dân gian như: “Vui quá hóa Buồn” hoặc:”Khôn quá hóa Dại”…
    Vậy có lẽ là tự mình không nên và cũng không nên đưa ai đến chỗ “cùng”, chỗ “cực”, chổ “quá”…
    Có tương đồng với bài viết của anh Hoành ở đây (?). Và có phải vì vậy mà anh Hoành chỉ “chúc các bạn một ngày hơi vui” ?
    Gỏ đến đây, tôi nhớ câu thơ: “Thấu việc đời tâm nên tĩnh lặng – Cõi trần gian tình lạt lâu bền”.
    Lạt lại được lâu…
    Và trên đời vẫn có những “cái đẹp của sự khiếm khuyết”

    Like

  3. cám ơn anh Hoành về bài viết này, vì, em có cái tật xấu là khi nói chuyện, em hay đưa cái ý của em lên đến chỗ cùng cực (như cách mà anh Ngô Xuân Thảo viết trong phần phản hồi), em cố sữa chữa nhưng sao khó quá, anh có bí quyết gì dạy cho em bỏ cái tật xấu này được không ạ? em mà bỏ được cái tật này, em cám ơn anh 10 ngàn lần. cám ơn anh nhiều. Lê Huy

    Like

  4. Hi Huy,

    Thực sự thì cách chữa rất dễ nếu em nghiêm chỉnh.

    1. Thòi quen dùng chữ. Đừng dùng chữ kiểu superlative, tối đa, và cực đoan. Nói chung là không nói các chữ “nhất”, “tất cả.” Như cô ấy đẹp nhất trường. Tất cả đều ghét hắn.

    Giảm lại một chút. Như “Cô ấy vào hàng đẹp nhất trường” “Đa số người đều ghét hắn”.

    Giảm như vậy thì mình thường chính xác hơn và không làm người nghe bực mình.

    2. Học theo kiếu các luật sư dạy nhau: “Nói điều gì mình nói. Rồi ngồi xuống và ngậm miệng lại”. Nói chuyện hay tranh luận đừng giành phần thắng. Nói, thảo luận, tranh luận và để trao đổi thông tin. Minh có thông tin mình muốn nói, thì nói xong rồi là nín luôn. Nhất định không mở miệng nữa dù người kia nói gì. Đổi đề tài.

    Nếu em nghiêm chỉnh đủ để thực hành 10 lần. Say what you want to say, then sit down and shut up. Em ghi vào sổ đúng 10 lần thực hành với bạn bè như thế. Thì em sẽ hết bịnh. Nếu em không nghiêm chỉnh thực hành thì đó là vì em tồi, chỉ nói mà không làm, thì không hết bịnh được.

    Em khỏe nhé.

    Like

  5. Cảm ơn anh Hoành bài viết hay! Bổ ích trong cuộc sống. Trước đây em cũng rơi vào tình trạng nói những từ ngữ superlative như không bao giờ, chắc chắn, quyết tâm, hầu hết…bây giờ em đã chuyển sang cách nói nhẹ nhàng hơn như dường như, hạn chế đến mức có thể, thử cố gắng, đa phần,…Em đã thực hành có bước chuyển biến nên trong tranh luận thường ít bị “phản pháo”.

    Like

Leave a comment