Thủng thẳng với thơ… (Phần 2)

    …thơ không thể dùng chiêu phát thanh, với thế độc tôn, độc quyền (trước 1975) để áp đặt, bắt buộc sư nghe nhìn của công chúng, rồi tạo ra một khuôn thơ, để bầy đàn đua nhau đúc thơ trong khuôn ấy mà lộng thơ, mà kiến tạo nghiệp thơ. Thơ ra rả phát thanh, thơ in trùng điệp sách giáo khoa, chiếm ngự toàn phần trang vàng báo chí cả nước. CâuThân ái chào các bạn! thực xứng đáng với cảnh ngộ thơ này, chào hoài chẳng thấy ai thưa, tội nghiệp mỏi mồm, gỗ tre vót hoài thì cũng chỉ là tăm sao thành kim khâu được.

 

Thân ái chào các bạn

Hồi ấy, trên dưới mười lăm tuổi đều được thổi lên thành “những anh hùng thời đại”, và lứa chúng tôi ai cũng đua tranh tu thân thành Paven Coóc sa ghin, Tôi không ngoại lệ. Chiến trường của chúng tôi là công trường làm đường Thanh Niên (Cổ Ngư) và công viên Bẩy Mẫu. Tự nhiên như thể sắp đặt của Càn Khôn, hòa trong dòng anh hùng thời đại ấy, tôi luôn được Hiệu đoàn trưởng giao nhiệm vụ ngồi trong lán phóng thanh và ngẫu hứng thơ về các kỷ lục của các Paven gánh đất, Paven đầy xe cút kít, Paven sắn mai cuốc xẻng mở đường. Và cũng tự nhiên như thế tôi thành Paven-thi sĩ trong mắt bạn bè tôi.

Nhiều năm sau hồi ấy cho đến ngày tốt nghiệp trường phiên dịch, đầu óc tôi chỉ mưng mưng một mơ ước được về làm việc tại Đài Phát Thanh để dựng nghiệp thi nhân. Giấc mơ mách bảo tôi rằng đó là con đường ngắn nhất để thơ tôi tung lên trời mà quyện vào khí, mà sạch, mà lành, mà thành khí thở của đông bào đồng chí. Phát thanh là kênh thông tin độc quyền hùng mạnh nhất cưỡng bức, lập đi lập lại thành thói quen, chiếm đoạt tình yêu của toàn thể đồng bào.

Tôi đã bằng mọi cách biến ước mơ thành sự thật, năm nào đó của thập niên 1960, tôi về Đài phát thanh 58 Quán Sứ làm báo nói và sau báo hình, từ Hà Nội, đến sài Gòn. Và tôi đã gần như dành trọn cuộc đời công chức cho nghề phát thanh truyền hình từ Việt Nam Dân Chủ Công Hòa đến Công Hòa xã hội Chủ Nghĩa Việt nam.

Xin hãy hoan nghênh tôi chung thủy với nghề, đó là cái nghề mà tôi vui vui với định nghĩa của chính mình:Nghề chào nhiều mà chẳng ai thưa.Định nghĩa xác thật đấy, đừng giận tôi lộng ngôn hí bạn, nhất là các đồng nghiệp. Bật đài lên nghe chào, tắt đài đi cũng nghe chào, đơn điệu mà không nhạt Thân ái chào các bạn!

Với tôi, câu chào này đã cho tôi nội lực tu thân nuôi ” nghiệp” thơ, bởi từ sâu sa của câu chào này, tôi đã ngộ ra bản chất của thơ, nhu cầu của thơ và bạn đọc của thơ. Ngộ này đã giúp tôi mạch lạc sự khác nhau, không hoàn toàn là khắc hẳn,mà là khác rất xa, rất nhiều với nghề phát thanh hay với bất kể nghề gì khác, vậy mới là có nghiệp thơ mà tự nuôi nghiệp ấy.

Thân ái chào các bạn,

Mời cùng trở lại với bàn thơ.

Hãy từ một câu thơ công trườngđến một bài thơ thành phố, một bài thơ thành phố đến một tập thơ,một tập thơ đến một đời thơ. Đó là hành trình của nghiệp thơ. Hành trình rất dài, quyết không thể đi một ngày, một tháng, một năm, mà phải đi trọn đời với nó. Nói trọn đời có nghĩa là nhiều tưởng mình có nghiệp thơ mà vỡ tưởng mà bước sang ngang, bỏ dở giữa đường, thậm chí đoạn tuyệt. Không nghiệp nào không có chướng. Vấn đề là đức tin và lòng chung thủy mách bảo ta đường đi nẻo đến. Không có nghiệp thơ thì bỏ giửa đường là đúng, để còn kịp theo một nghiệp khác, nhưng cũng có nghiệp thơ đang khúc càn khôn thử thách mà đã vội thoái chí, nản lòng thì bỏ cuộc ấy thật là hoài phí.
Xin chép lại lời mẹ tôi, được tôi văn vần:

Báy đứa con mẹ khóc khổ vì tôi nhiều nhất/ Và tôi sợ đêm Rằm nhất/ Sợ lời giải cầu của mẹ linh thiêng/ Còn đừng thơ phú thành điên/ Sao không đi bắc cầu sông cái/ Không đi lái đò sông con/ Không đi làm thầy giáo làng/ Không xuống bến Phà Đen làm phu khuân vác? Mẹ ơi lạy mẹ đừng khóc/ Đừng bán khoán con cho đền miếu làm gì/ Con chỉ là con của mẹ/ Mẹ nhắm mắt mở môi khe khẽ / Khấn âm âm lời Chinh Phụ, lời Kiều…
(thơ Nguyễn Nguyên Bảy)

Không có nghiệp nào cao sang hơn nghiệp nào, thơ không ngoại lệ, mà nghiệp nào cũng cao quí nếu ta đi đến tận cùng với nó. Vì thế, theo nghiệp thơ, lòng luôn nên tự hỏi: Thơ ý nghĩa thế nào, quan trọng thế nào với cuộc đời anh? Bời có người coi thơ chỉ như một thỏa mãn cái thích cái sướng. Lại có người coi thơ như một giải pháp hoạn quan cầu danh, cầu lộc. Lại nữa, có người ăn may thời cuộc đôi ba câu điệu vần mà mặc áo đỏ, áo vàng vênh vang cai trị thiên hạ. Thơ như hạt gieo trồng, gieo hạt nào mọc lên cây nấy, đời cây ngắn dài ví von như nghiệp của thơ dài ngắn là vậy.

Tu thân hái được câu thơ, yếu tố phiêu linh, ngẫu nhiên, hay mộc mạc nói là trời cho, bất ngờ một khi nào đó, một chỗ nào đó, trong cảnh ngộ nào đó.

Tu thân hái một bài thơ hay, yếu tố trời cho và yếu tố nhân định đã như quyện vào nhau mà thăng hoa.

Tu thân hái một chùm thơ hay, hay một tập thơ hay, yếu tố trời cho hình như đã thu lại, cùng lắm cũng chỉ còn non nửa, còn nửa lớn, nửa già là do thi nhân định.

Ba tu thân nói ở trên chỉ là hình ảnh hái hoa, chưa thễ gọi là thu hoạch trái. Thu hoạch trái thuộc về tu thân một đời thơ, thu hoạch tu thân này thật sự không thể xin may mãi của trời, có chăng chỉ chiếm mười phần trăm ân sủng ban tặng, còn chín chục phần trăm thuộc lao động hồn, tài hoa tình mà thăng lên thành thanh sắc khí của thơ.

Bốn chặng tu thân này, thi nhân nào cũng phải trải, không có ngoại lệ, nôm na gieo hạt thơ nào ắt gặt mùa thơ ấy.

Chữ tu thân dụng ở đây nếu chưa sáng nghĩa, thì có thể hiểu là sống cùng với đời sống của thơ, rèn luyện mình tương thích với thơ, không phải ép thơ tương thích với mình, nói cách khác dụng thơ như một phương tiện, một công cụ để nói tiếng lòng mình, hay còn gọi là tư duy bằng thơ. Đã gọi là tư duy bằng thơ, thì quyết không thể có một cái khuôn, dù khuôn ấy có do một nguyên soái thơ nào đặt ra để mọi người theo đó mà đúc, đều là không thể. Là nghịch với bản chất của thơ, như lẽ thủy sinh mộc, nhưng thủy tham sinh là mộc úng, kim sinh thủy, kim tham sinh mà nên nỗi kim chìm.

Nội dung của thơ nôm na là tiếng lòng. Đã là tiếng lòng, thì tiếng lòng tìm tiếng lòng, tìm đồng điệu, đồng cảm. Bản chất của tiếng lòng là chân thật, chân thành. Nghịch với chân là giả vờ ngây thơ mà không biết, sân si mà không biết, mưu cầu mà không biết, dối trá mà không biết và biết nhưng dối trá. Tiếng lòng như que ngọc, gõ vào ngọc mà biết thật giả mà biết ngọc quí, ngọc xoàng. Tiếng lòng không thể sai, tiếng lòng chân thật sinh ra thơ thật, tiếng lòng hoang đường giả trá giao hoan kiểu gì cũng sinh ra thơ hoang đường, giả trá. Vậy thôi.

Hình thức thơ nôm na là áo quần thơ, không quần áo, thích khỏa, thì da thịt thơ chính là quần áo. Đã là quần áo thì xanh đỏ tím vàng, rộng dài ngắn cạn, hương vị cỏ hoa hay nồng rơm hắc dạ, suy cho cùng cũng quần áo cả thôi. Đừng cố chấp trường ca hoành tráng hơn tứ tuyệt. Chớ hoang đường thơ đọc hiện đại hơn thơ ngâm. Đừng lộng lời ca dao, dân ca là cổ (hủ), là già, thơ làm gì có tuổi, thơ là tình, là trăng, trăng non hay trăng già đều trăng, đều mướt gió bồng mây giao thỏa. Đã là tiếng lòng, thì lòng biết mặc áo quần gì cho hỉ, nộ, ái, ố thung thăng. Và sau hết, đừng để thứ thơ tịt mít bịt mắt ta, lòe tai ta rằng họ đang tiền phong làm thứ thơ của thế kỷ sau thứ hai mươi nào đó. Thật vớ vẩn hoang đường.

Mời trở lại với nghề phát thanh của tôi,

Thân ái chào các bạn!

Lần trở lại này xin hiểu chữ nghề phát thanh theo nghĩa rộng là một thứ loại nghề được dụng để đối chứng với nghiệp thơ.

Tôi đã sống và yêu nghề phát thanh – truyền hình gần như trọn đời. Nếu có được sống thêm một đời tiếp nữa, tôi cũng sẽ chọn phát thanh – truyền hình làm nghề nuôi thân và nuôi nghiệp thơ. Muốn lấy nghề nuôi nghiệp, tất phải thấu hiểu trong nghề có nghiệp, nhưng trong nghiệp không có nghề mà chỉ có chướng, gọi là nghiệp chướng. Vì vậy, không nên đồng hóa nghề nghiệp là một, dụng cái nọ tôn vinh cái kia và ngược lại, bởi, chúng là hai phạm trù sinh ra từ một gốc, nhưng rẽ thành hai chi cành khác biệt. Phát thanh và thơ cùng gốc ngôn từ, nhưng năng lực chuyển tải ngôn từ ấy rất khác nhau, nôm na như ông thi sĩ, chơi chữ / /rất cừ khi nói về mình:(Tớ) làm bí thư hoài nên (tớ) bí thơ (Thơ Tố Hữu)

Phát thanh có công chúng của phát thanh. Thơ có công chúng của thơ. Không thể mượn công chúng phát thanh để hoang tưởng là công chúng thơ. Thế nên thơ không thể dùng chiêu phát thanh, với thế độc tôn, độc quyền ( trước 1975) để áp đặt, bắt buộc sư nghe nhìn của công chúng, rồi tạo ra một khuôn thơ, để bầy đàn đua nhau đúc thơ trong khuôn ấy mà lộng thơ, mà kiến tạo nghiệp thơ. Thơ ra rả phát thanh, thơ in trùng điệp sách giáo khoa, chiếm ngự toàn phần trang vàng báo chí cả nước. CâuThân ái chào các bạn! thực xứng đáng với cảnh ngộ thơ này, chào hoài chẳng thấy ai thưa, tội nghiệp mỏi mồm, gỗ tre vót hoài thì cũng chỉ là tăm sao thành kim khâu được.

Thơ là thơ, thơ không là phát thanh, hay là gì khác. Tôi kịp ngộ điều này, nên yên thân lo nghề phát thanh kiếm cơm gạo, còn nghiệp thơ như một duyên đời, cứ việc nuôi duyên, không cường quyền nào bắt lặng được tiếng lòng, và thơ vì thế cứ ngân nga… Soi gương vui cả mặt gương/ Tình yêu nhón một cánh chuồn chuồn bay, (thơ Nguyễn Nguyên Bảy) đã khi nào bạn thấy gương vui? Dù vui một thoáng, bởi khi tay bạn nhón vào hạnh phúc, thì hạnh phúc mỏng như cánh chuồn chuồn, và nó lại bay. Thơ là vậy, nghiệp thơ là vậy.


Thân ái chào các bạn!

Xin mượn lời chào này chào bàn thơ.

Nơi bàn thơ, bạn thơ quan thiết nhường bao, hoan hỉ nhường bao và tuyệt diệu nhường baoTai tri kỷ, mắt tri âm/ Lời yêu đắng ngọt từng vần thơ buông (Thơ BNN) Với tri kỷ tri âm thì lời đắng ngọt nào cũng là dòng nước lành tưới mướt cây thơ.

Nhưng cần cảnh giác, đường mật không chữa được bệnh tiểu đường, hãy cảnh giác hàng đầu với những lời đường mật tâng bốc. Một khi ta sướng vì những lời đường mật là ta tự chuốc bệnh tiểu đường. Gia tăng thêm đường mật, bệnh tiểu đường chẳng những không thể khỏi mà nguy cơ đưa ta rất nhanh về miền sáu thước.

Muốn tránh điều này, phải học người làm nghề phát thanh, họThân ái chào các bạn!cả ngày, suốt tháng, quanh năm, chào nhiều đến vậy, mà hầu như không nghe một tiếng thưa đáp lại, vậy mà họ vẫn bền gan với nghề, yêu quí nghề, vì họ biết một tin dự báo thời tiết tung lên trời kịp lúc, có thể cứu sống một vạn chài. Yêu thơ, bền bỉ nghiệp thơ mà kiềm chế bớt háo danh, thì học này không là khó…

 

Và sau hết. Thơ không có đỉnh. Vì nếu có đỉnh, một ai đó trèo lên tới đỉnh là hết thơ sao? Dù thành công cách nào thi nhân cũng chỉ góp một vuông thơ, không là núi, là biển, không là đỉnh, càng không là vĩ đại gì gì. Rừng không có cỏ, không có giây leo, không có hoa dại, không có chim bay, sóc nhảy liệu có là rừng? Tiếng lòng thế nào hãy ngân lên thế ấy, mà thơ.

Còn gọi chi là đời
Sông không thuyền xuôi ngược
Vườn tình một giọng hót
Áo tình một sắc lam
Sông Hương tắm mấy lần
Cho trinh nguyên liền lại
Đành chịu thân tội lỗi

Hồn vượt ngục vườn khuya
Vườn khuya đầy trăng khuya
Đầy những Kiều mệnh yểu
Đầy thập loại chúng sinh
Vây Nguyễn Du hạch hỏi
Bao nhiêu trống canh rồi
Đoạn trường sao chưa hết
Nguyễn Du ứa nước mắt
Dúi cho cung đàn Kiều…
(thơ BNN)


Thân ái chào các bạn!

Nguyễn Nguyên Bảy

Một suy nghĩ 8 thoughts on “Thủng thẳng với thơ… (Phần 2)”

  1. Thưa chú Hoành ( cô Phượng).

    Xin chú nhận ờ cháu lời xin lỗi đã xưng hô vô lễ với chú trong comment trước đây. Không phải vì cháu đã phát hiện ra quan hệ của chú (và cô) với bố mẹ cháu, mà với cách ứng xứ và những trải nghiệm đời sống của cô chú thể hiện trên DCN, thì cô chú đúng là vai cha chú của cháu. Khi nào bố mẹ cháu qua Mỹ, có điều kiện cháu sẽ đích thân đưa bố mẹ cháu tới thăm cô chú và cháu sẽ mặt gặp mặt cúi đầu xin lỗi chú.

    Chú đã rất hiểu lòng bố cháu khi dẫn lời bố cháu cho bài Thủng Thẳng phần 1. Vì lời đề dẫn này cháu xin nói lời kính trọng cô chú.

    Cháu chỉ thích đọc hồi âm của chú nơi trang này, không phải qua hộp thư của cháu.Kính chú. TN.

    Thích

  2. Sorry chú, cháu quên chưa nói với chú là cháu đã quảng bá DCN với các bạn mạng của cháu ở Seattle khá dữ. Họ hăm hở vào trang chú, vì, chú biết không, chú đừng cho là cháu bốc thơm, các bạn cháu ở đây rất mê ông bà thầy tên là Mr Seven.

    Thi Nguyễn tái bút,

    Thích

  3. Cảm ơn Thi. Chẳng có gì phải xin lỗi. Chú muốn mọi người gọi nhau là anh chị em cho gần gũi, nhưng coi bộ càng ngày mọi người càng trở về cách xưng hô truyền thống cô dì chú bác…

    Và cám ơn Thi đã quảng bá ĐCN. Đương nhiên là các bài của Thầy Seven được nhiều bạn ưa chuộng.

    Chúc Thi vui khỏe.

    Thích

  4. Cô chào Thi,

    Cô rất vui hôm nay được làm quen với Thi. Đâu có gì mà Thi lại xin lỗi chứ. Không biết thì không có lỗi đó mà. Thi đừng băn khoăn nửa nghe. 🙂

    Cô cũng là một die hard fan của Mr. & Mrs. Seven đấy Thi ạ ! Cô rất mong đến ngày được gặp Thi và bố mẹ.

    Cám ơn Thi quảng bá ĐCN, Thi nhé.

    Cô Phượng. 🙂

    Thích

  5. Tôi đã chở đơi và Thủng thẳng 2 đã hiện ra trên DCN. Tôi đọc lại ( vì đã đọc các trang web khác), cảm giác tươi mới như đọc lần đầu. Chũ nghĩa hình ảnh và cách trình bầy của DCN cuốn hút tôi. Cảm ơn DCN. Dưới đây, như đã được chấp thuận, tôi xin co các phản hồi của bạn đọc trên trang vanthoviet.com về DCN để bạn đọc rộng đường tham khảo.
    .
    Ngẫm nghĩ về thơ và người làm thơ
    Gởi bởi : Nguyễn Anh Huy – Vào lúc : (01-03-11 | 08:02)
    .
    Đây là bài viết thứ hai trong loạt bài (?), tôi đã đọc thật say và ngẫm nghĩ ra nhiều điều, trước hết là về thơ và thân phận người làm thơ, đó là một hành trình hiến thân khắc nghiệt và tất nhiên tôi khâm phục pha chút tự hào ( vì cùng là người Hà Nội) với thơ và người thơ ( chữ người khác đã dùng) Nguyễn Nguyên Bảy .
    Tôi chỉ mới làm quen với thơ NNB qua trang của bạn tôi http://vn.360plus.yahoo.com/dothuhang-foj, chị đã giới thiệu ngắn nhiều khúc mời thơ Nguyễn Nguyên Bảy và những “com” bạn đọc dưới những trang này đã mê cuốn tôi vào thế giới thơ BNN.
    .
    Tre xanh 16:08 18-08-2010
    “Hà Nội riêng tôi là kinh thành cổ tích
    Vẫn là Đông Đô Thăng Long, mặc ai mơ hồ… mơ hồ.
    Trong tôi mãi chỉ nơi này – Hà Nội.”
    Hà Nội,mảnh đất Rồng thiêng tự hào biết bao có Nguyễn Nguyên Bảy. Ông yêu Hà Nọi hơn tất cả chúng ta gộp lạ mới có được nhũng dòng Thơ trong sáng, bình dị mà ngập tràn hào khí đến như vậy.Ông không phải là nhà Thơ mà là Người Thơ. Kính yêu Ông vô cùng!
    .
    NÚI XANH 17:31 17-08-2010
    Tôi đi theo hương thu – hồn tình sét đánh.
    Xóm Hạ Hồi thoảng hương sữa lạnh –
    Hoa từ vú lụa thơm ra.
    Tôi rảo quanh lặng lẽ Nguyễn Du –
    Cửa sổ nhà ai bóng Thuý.
    Tôi vòng ra phố Huế –
    Chật khoang tàu điện gió thu.
    Những mái phố ca trù –
    Cửa chợ hôm trễ yếm.
    Tiếng rao tẩm quất nhạc xèng –
    Em ở đâu giữa Hà Nội dọc ngang –
    Ba sáu phố phường khép mở.
    Một nửa của tôi ơi…
    Hàng Đào Hàng Lược Hàng Vôi
    Nợ tình nỡ nao Cấm Chỉ
    Xin nghe tôi một lời chém đá
    Đêm nay rồi đêm mai –
    Thu nay rồi thu mai –
    Năm nay rồi năm mai…
    Em là gió anh cũng tìm thấy gió
    Thu dẫn tôi vào ngõ nhà em
    Khu cổ tích thuyền Rồng
    Hồ Thu vua trả kiếm đâu thành quách Nhật đài Nguyệt điện
    Nhà em nóng rực như lò đun chảy mọi điều mơ mộng
    Em là cô thợ ca ba…
    Tôi lặng mình và chợt hiểu ra Có một Hà Nội khác – Một Hà Nội nửa tôi

    ————— Nhịp thơ cứ hổn hển như vừa tỉnh dậy sau một giấc chiêm bao chạm mình vào bóng cửa ô, tưởng như thấy mình là gió trên mái ngói lô xô bóng phủ thời gian…
    .
    Hằng Đỗ 15:40 16-08-2010
    Mấy bài thơ hút hồn người. Chị gửi cho em sách quý nhanh ra nhé. Gửi cùng khi gửi cho Tuấn Anh luôn nhé.
    Có khi nâng 1 ít về blog em giở ra đọc cho tiện. Hì
    .
    Tre xanh 11:40 20-08-2010
    “Chúng tôi hy sinh người không lời trăng trối
    Có ai mang theo gì đâu
    Ngoài bóng hình đất nước”

    Bố Mẹ mình cũng đã ngã xuống trong hai cuộc chiến tranh để mình được đứng lên cùng đất nước. Thế mà nhiều lúc mình như khuỵu xuống xuống, khao khát được tựa vào họ biết nhường nào!

    Xin cám ơn những dòng thơ bi tráng, hào hùng của anh BNN!

    motre_lang 12:45 20-08-2010
    .
    Đọc bài thơ bên nhà cô Hằng, lại sang đây đọc lại nhiều lần. Tạng anh rất hạp với giọng thơ này. Đọc mà khóc. Từ ngày giải phóng miền Nam đến hôm nay mới khóc!
    “Đừng để chúng tôi tiếc mình chết phí
    Máu nhuộm cờ phải mãi thiêng liêng”
    .
    thuvangtrenloixua 20:53 19-08-2010
    .
    chao chi cho em duoc goi chi nhu the nhe ,doc bai cua chi long em thay rung rung kho ta ,bay gio dang la thang 7,thang vu lan bao hieu va tri an ,vang chung ta luon biet on nhung nguoi chien si da anh dung chien dau den hoi tho cuoi cung de bao ve to quoc .cho cuoc song cua chung ta dang song hom nay duoc binh yen no am ,xin thap nen huong long tri an ,
    .
    Xin trang web (nếu được) cho chúng tôi gửi lời thăm hỏi sức khỏe của Người Thơ BNN và gia đình kỳ lạ của ông.
    .
    Công bằng mà nói…
    Gởi bởi : Vũ Phan – Vào lúc : (01-03-11 | 22:33)
    .
    Công bằng mà nói ông Nguyễn Nguyên Bảy có tài thật chứ không phải như mấy kẻ tài giả. Ông viết tiểu luận về thơ thế này thật là hết chê, mộc mạc mà sâu sắc, dễ hiểu mà chân thành, thật lạ, thật hiếm được đọc những bài viết dễ chịu thế này. Độc giả phong tặng danh hiệu Người Thơ không ngoa. Xin được khâm phục ông. Một đồng nghiệp vong niên kiêu ngạo cho là mình cũng có tài thật như ông. Thovanviet đã có công khởi xướng Thủng thẳng với thơ cho xa gần thành bầu bạn.
    .

    Tôi đã nói qua điện thoại với Nguyễn Nguyên Bảy và Nguyễn Thị Hiền những lời này
    Gởi bởi : Đào Trọng Khánh,NSND – Vào lúc : (02-03-11 | 09:15)
    .
    Điện thoại : Nguyễn Nguyên Bảy hả ? Khánh đây.Giữ nguyên máy,không được nói,nghe đây.

    Tôi đang đọc Sông Cái Mỉm Cười,tôi phải gọi điện cho Bảy vì không thể không gọi,không chia lời với Bảy thì tôi không chịu nối áp lực của xúc cảm, nó đang sôi lên trong tôi,sôi như Sông hồn bắt đầu sôi/Khí hồn bắt đầu thăng. Sông cái mỉm cười không phải là một bài thơ,cũng không phải là một trường ca,mà nó đích thực là một tráng ca.Một tráng ca tôi chưa được đọc bao giờ.Kỳ lạ chưa sông Cái Mỉm cười/Trôi đi những thuyền cỏ mật.Ông đã viết một tráng ca bất hủ.Ông đừng bảo là tôi quá lời,tôi năm nay đã ngoài 70,đã không còn có thể làm gì để thăng hay để giáng,lời tôi không để tâng bốc hay dèm pha,không để mua vui,chùi rượu.Đào Trọng Khánh này nói với ông lời bằng hữu rằng ông đã viết được một tráng ca bất hủ.

    Này,sao lại khóc ? Tôi biết ông nhớ thương bố ông lắm.Sông Cái Mỉm Cười bảo với tôi như thế.Tôi cũng như ông,cũng nhớ bố tôi.Ông hình dung đi,Bẩy “rum”,tôi đang thắp nhang đấy,không chỉ là thắp nhang cho bố ông,mà cho cả bố tôi cho cả bao nhiêu là bao nhiêu những ông cha bà mẹ đã hóa thân vào Sông Cái và đang hiện về lộng lẩy trong thơ ông.Thử hỏi có áng thơ nào mà đọc nó ta thấy hiện lên hào hùng sông núi,hiện lên những kiếp phận người hoành tráng,hùng vĩ,không than khóc,mà lại êm ả như cỏ mật, như gió,như sóng lan vang.Tất cả những kỳ lạ ấy tôi đã tìm thấy trong thơ ông.

    Thơ ông tràn ngập linh khí,tràn ngập hồn vong,thơ ông như có người cõi trên nhập vào,rồi bảo ông tuôn chảy,tuôn chảy không ngừng nghỉ,ai đọc cũng được ai nghe cũng được.Tôi tự hỏi đó có phải là trận mưa đá khổng lồ từ trời đổ xuống.Mà không,nếu ví với mưa đá thì e là có họa hại,tôi bèn bảo cơn mưa đá ấy khi đổ xuống thân thể ta nó tan thành trận mưa rào,tắm mát tắm sạch đời ta dù chỉ trong khoảng khắc.Dù đã thăng hoa trận mưa đá hay mưa rào ấy không mây,đúng là không mây,nhưng vẫn thấy là chưa phải,mà thơ ông phải là trận mưa chiều,tạnh ngay,làm quang đãng sáng lóa mọi tầng tầng mái nhà không phân biệt hèn sang,giầu nghèo,để không ai phải ganh tỵ là trời quang mấy tạnh dành cho riêng ai,mà là cho tất cả,ai muốn nhận cũng được.

    Thơ ông,Bẩy “rum” của tôi ạ,lạ lắm,người trần khó viết được lắm,nói như vậy có nghĩa là thơ ông có tôn giáo,có linh thiêng hôn phối với đôn hậu,tử tế,nghĩa khí mà thành thơ.

    Thôi.Tôi nói mà nghe ông khóc,chán lắm.Tôi phải gọi điện cho Lâm Đại Chúc,cho Thi Hoàng,cho Viên già,cho Nguyễn thị Hiền để chia sẽ hoan hoan này với chúng đây.Soi gương vui cả mặt gương/Tình yêu nhón một cánh chuồn chuồn bay…Mày đã đánh cắp của thần nào câu thơ này hả Bảy,có phải ở Ngã Bảy Hiền Vương ?

    Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền :
    Anh Bảy ơi,Anh Đào Trọng Khánh gọi điện thoại cho em hôm qua,nhất định bắt em phải gọi điện thoại cho anh và nói với anh rằng : Chúng ta quá thích thơ của Nguyễn Nguyên Bảy,hắn đã dội một trận mưa đá thơ từ trời xuống…và anh ấy đã khóc, thương quá!
    .
    Tôi chấp nhận gọi ông là Người Thơ
    Gởi bởi : Lâm Vinh – Vào lúc : (02-03-11 | 17:08)
    .
    Tôi có hẹn rằng sẽ trở lại với bài viết này ( bài 1) nhưng khi được đọc tiếp bài 2 và dưới bài 2 đã giới thiệu bài 3, tôi hiểu là sẽ là loạt bài, vì vậy tôi cũng nên Thủng Thẳng (chữ ông Bẩy) với Nguyễn Nguyên Bảy. Lời com dưới đây, cứ coi như là của tôi, dù comment đã lâu trên nguyennguyenbay.com, nhưng nay thấy ghi vào đây là đúng chỗ. Kính đăng:
    .
    Tôi chấp nhận gọi ông là Người Thơ,như mọi người đang gọi ông trên mạng,và xin cảm ơn người nào đó đã khởi xướng nghệ danh này để gọi ông.Tôi cũng đồng ý với ai đó bảo rằng thơ ông không mới về bút pháp, không mới về cách nhìn,mặc dù tôi chẳng hiểu bút pháp là gì,cách nhìn là gì,nhưng xin cứ coi như người ấy nói đúng,đúng là không mới về bút pháp,không mới về cách nhìn,nhưng lại mới về tất cả,mới về cách làm một người bạn thủ thỉ tiếng lòng,mới về cách làm rung vang tâm hồn người đọc,mới về cách cảm thụ,về cách hát,về cách nói,về sắc mầu,về âm thanh, về ảo,về thực,có nghĩa là về tất cả,tất cả như thể từ ông tuôn chảy ra thơ,và chỉ đơn giản là thế,thuần túy là thế,chân thành là thế,không cao giọng, không khoa trương,không dối trá,không hằn thù,bôi nhọ,ganh ghét, sân si và quan trọng là không minh họa,không vè.
    Tôi chưa đọc hết tập dầy thơ ông,mà chỉ mới đọc được non nửa,tôi thích đã đành,vì không thích làm sao ngồi cặm cụi đọc với chiếc kính trễ mắt,sống lưng đau.Sở dĩ tôi thích thơ ông vì nó thơ đúng như tôi nghĩ và quan trọng là ông đã thủy chung (có thời gian làm chứng) với thơ như thủy chung với tình yêu,tình người,mà tôi đã tìm thấy hầu như trong mọi bài thơ của ông.Ấn tượng nhất với tôi là bài Nợ Trăng (trang 176).Xin hỏi đây có phải tuyên ngôn về lòng chung thủy của ông với thơ ?

    Tôi thích thơ ông vì thơ ông viết quá hay về Hà Nội về Bắc Bộ quê hương của ông và tôi.
    Tôi thích thơ ông vì ông là người cùng thời với tôi,những trải nghiệm của ông vá của tôi nhiều giống nhau và tôi thừa nhận ông đã rất ông trong những trải nghiệm của mình.Tôi đã không cầm được nước mắt khi đọc bài thơ Đám cưới bạc,trang 108.
    Tôi thích thơ ông vì thơ ông không cỗi già,úa rụng theo thời gian.Mà trẻ với thời gian,như chính ông vậy,nhiều comment trên mạng khen ông trẻ hơn cái tuổi thất thập đấy.Trẻ mãi hay sống mãi,tôi nghĩ đó là điều quan trong bậc nhất của thơ,chẳng biết cỏ thể gọi đó là bút pháp là cách nhìn ?

    Tôi chép lại dười đây bài Nợ Trăng,như muốn được tự mình đọc cho Người Thơ nghe lại tiếng lòng mình :

    NỢ TRĂNG

    Tình yêu hai chúng mình
    Không ngôn từ mây gió
    Không ngọt ngon cám dỗ
    Mộc mạc lời trăng rằm
    Mà nên duyên tri kỷ
    Mà nên tình tri âm
    Vầng trăng con mắt nhìn
    Như thần linh chứng dám
    Mỗi khi gặp hoạn nạn
    Lại nhìn vầng trăng treo
    Mỗi khi tắt lửa yêu
    Lại gọi trăng xin lửa
    Nợ trăng chỉ trả đủ
    Thủy chung yêu một đời…

    Nguồn: vanthoviet.com
    360plus.yahoo/tungbach272
    hoặc : tungbach272@yahoo.com.vn

    Thích

  6. Cám ơn anh Tùng Bách đã cung cấp thêm thông tin đến các bạn. Các lời bình anh đăng làm phong phú thêm kiến thức của các bạn.

    Không biết vì sao mà comment của anh bị lọc vào spam box cho nên bây giờ mới kịp thấy. Mình sẽ để ý kỹ hơn.

    Thích

  7. Anh Hoành ơi, cảm ơn anh ý tứ và rất lăng với bạn đọc, tôi là Tùng Bách gái đấy, không ảo mạng đâu. Vì cái tên mà ai cũng gọi tôi là anh. Vui thật.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s